TỔ CHỨC CẤP TỈNH THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ


Trước đây trong một buổi nói chuyện với một số sinh viên ở Sài Gòn, có một bạn đặt câu hỏi với tôi về tổ chức hành chánh cấp tỉnh trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Câu hỏi khó trả lời liền tại chỗ vì cần phải có tư liệu. Thời gian này đang giãn cách xã hội vì con virus Vũ Hán, có dư thời gian rảnh nên lục tìm tư liệu để trả lời thắc mắc của bạn. Đưa luôn lên đây để mọi người cùng tham khảo.

TỔ CHỨC CẤP TỈNH THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Tỉnh của Việt Nam Cộng hòa là đơn vị hành chính lớn nhất dưới cấp Quốc gia. Dưới cấp tỉnh là quận, không phân biệt đô thị hay nông thôn.

Vào thời Đệ Nhất Cộng hòa, Chính phủ còn dùng đơn vị Trung phần và Nam phần về mặt pháp lý và lập bốn Tòa Đại biểu Chính phủ đặt tại các thành phố và thị xã trung tâm của bốn khu vực:
1. Cao nguyên Trung phần (Đà Lạt)
2. Duyên hải Trung phần (Huế)
3. Miền Đông Nam phần (Sài Gòn)
4. Miền Tây Nam phần (Cần Thơ).

Sau năm 1963 thì hai danh từ Trung phần và Nam phần chỉ ấn định địa lý.

Khi tiếp thu quyền lực từ người Pháp năm 1954 thì khu vực phía Nam Vĩ tuyến 17, kể cả năm tỉnh thuộc Hoàng triều Cương thổ, tổng cộng có 32 tỉnh. Tỉnh nhỏ nhất dưới 500 km², lớn nhất hơn 20.000 km². Dân số các tỉnh cũng chênh lệch nhau khá nhiều: có tỉnh dưới 30.000 dân, tỉnh đông nhất hơn một triệu dân.

Tổ chức thời Đệ Nhất Cộng hoà:(Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm)
Đứng đầu tỉnh là tỉnh trưởng do tổng thống bổ nhiệm và báo cáo lên thủ tướng và bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trách nhiệm của tỉnh trưởng gồm soạn ngân sách, điều hành lực lượng Nhân dân Tự vệ, giữ gìn an ninh trật tự và kiểm soát việc hành chánh.

Tỉnh trưởng có thể là quân nhân hoặc công chức. Cấp tỉnh không có mô hình cơ quan nghị luận. Tỉnh trưởng có toàn quyền hành pháp, thi hành mệnh lệnh trung ương; riêng ở vùng có dân thiểu số sắc tộc thì có thể gia giảm để thích hợp với tình hình địa phương.
Tỉnh trưởng cũng có quyền bổ nhiệm hội đồng xã và đề cử quận trưởng để tổng thống phái bổ. Nói chung thì tỉnh trưởng trực thuộc phủ tổng thống hoặc thông qua Bộ Nội vụ hay Tòa Đại biểu Chính phủ ở miền đó.

Thời Đệ Nhị Cộng hoà:(Thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu)
Đứng đầu tỉnh là Tỉnh trưởng (quân nhân, thường là cấp Trung tá trở lên, hầu hết là cấp Đại tá) và Phó tỉnh trưởng (dân sự). Cả hai do Tổng thống bổ nhiệm và thông qua Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tỉnh trưởng có trách nhiệm trật tự an ninh, soạn ngân sách, và điều hành lực lượng Nhân dân Tự vệ còn Phó tỉnh trưởng có trọng trách hành chánh. Chiếu theo Hiến pháp thời Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam thì người dân có quyền bỏ phiếu chọn Tỉnh trưởng nhưng trong tình trạng chiến tranh không thể tổ chức bầu cử địa phương ở mọi tỉnh được, Điều 65 cho phép Tổng thống nắm quyền bổ nhiệm Tỉnh trưởng.

Trong khi ở cấp trung ương có các Bộ điều hành thì ở cấp tỉnh có các Ty:
1 Ty Hành chánh: điều hợp các chương trình, tổ chức bầu cử, phát thẻ cử tri, báo cáo với Trung ương
2 Ty Cảnh sát Quốc gia: kiểm tra lý lịch, cấp thẻ căn cước
3 Ty Thông tin: quảng bá tin tức và chính sách Chính phủ
4 Ty Canh nông: trông coi nông nghiệp
5 Ty Điền địa: đo đạc đất đai, cấp phát đất cho người định cư
6 Ty Tài chánh: kiểm soát chi thu
7 Ty Kiến thiết: vẽ mẫu thực hiện các công trình
8 Ty Công chánh: thực hiện công trình đào giếng, ống nước máy, cống nước, đắp đường, bắc cầu
9 Ty Xã hội: phụ cấp nhu yếu phẩm cho người nghèo, kiểm soát các cơ sở như Cô nhi viện
10 Ty Thanh niên: tổ chức các đoàn thể, các chương trình thể dục, thể thao, văn nghệ
11 Ty Tiểu học: tổ chức trường sở, giáo viên
12 Ty Y tế: trông coi trạm xá phát thuốc, chích ngừa, vệ sinh công cộng
13 Ty Tỵ nạn cộng sản: ở những tỉnh thiếu an ninh, giúp cứu trợ và định cư

Sang thập niên 1970 việc phân phối các ty có thay đổi như sau:
• Ty Tài chánh đổi thành Ty Ngân sách và Kế toán
• Thêm các Ty Nội an, Ty Kinh tế, Ty Công vụ, Ty Nhân dân tự vệ và Ty Phát triển Sắc tộc ở các tỉnh Cao nguyên Trung phần.

Ty ở cấp tỉnh chấp hành lệnh của Tỉnh trưởng cùng những chỉ thị của Trung ương, tức các Bộ trưởng. Dưới các ty là phòng hoặc sở.
Tương đương với tỉnh nhưng dưới quy mô nhỏ hơn là các thị xã, đứng đầu là Thị trưởng. Riêng Sài Gòn có Đô trưởng cho Đô thành Sài Gòn.
Ngoài các ty, mỗi tỉnh còn có Hội đồng tỉnh, số lượng nghị viên tùy thuộc vào dân số mỗi tỉnh nhưng tối đa là 30 nghị viên. Hội đồng tỉnh có quyền quyết nghị, kiểm soát và tư vấn.

Các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh:
Năm 1966, 44 tỉnh của Việt Nam Cộng hòa được chia thành 241 quận, sau tăng lên 247 quận. Quận trưởng do tỉnh trưởng đề cử và thủ tướng bổ nhiệm.
Dưới quận là xã và thôn. Toàn quốc có 2.589 xã. Tính đến năm 1974 thì chính phủ kiểm soát 2.159 xã. Ngoài Đô thành Sài Gòn ra còn có 10 thị xã tự trị trong đó có Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Đà Lạt, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Cần Thơ và Rạch Giá. Dưới xã là thôn ấp, tổng cộng có hơn 15.000 đơn vị.
Cấp tổng bị loại bỏ dần kể từ năm 1962.

Việc cai trị ở cấp xã trước kia tự trị thì năm 1956 thời Đệ Nhất Cộng hòa hội đồng xã phải do tỉnh trưởng bổ nhiệm. Sang thời Đệ Nhị Cộng hòa thì việc điều hành ở cấp xã trả lại cho địa phương. Hội đồng xã do cư dân 18 tuổi trở lên bầu ra. Những xã dưới 2.000 dân thì bầu ra hội đồng 6 người. Xã trên 10.000 dân thì được bầu 12 người.

DANH SÁCH CÁC TỈNH TỪ THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HOÀ ĐẾN 1975

Không lâu sau khi lên chấp chính, bắt đầu từ năm 1956, Chính quyền Đệ Nhất Cộng hòa xúc tiến cải tổ cho nền hành chính thêm đồng đều và dễ kiểm soát hơn, phân chia lại địa giới, biến đổi diện tích và dân số của nhiều tỉnh.

Đầu năm 1956, thành lập thêm các tỉnh Tam Cần (9 tháng 2 năm 1956), Mộc Hóa (17 tháng 2 năm 1956), Phong Thạnh (17 tháng 2 năm 1956), Cà Mau (9 tháng 3 năm 1956).

Theo sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì Nam phần (tức Nam Bộ) gồm 22 tỉnh và Đô thành Sài Gòn.

Như vậy, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa lúc này có 35 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Pleiku, Darlac, Đồng Nai Thượng, Phước Long (tên cũ: Bà Rá), Bình Long (tên cũ: Hớn Quản), Long Khánh (tên cũ: Xuân Lộc), Biên Hòa, Bình Tuy, Phước Tuy (tên cũ: Bà Rịa-Vũng Tàu), Bình Dương (tên cũ: Thủ Dầu Một), Tây Ninh, Gia Định, Long An (gộp Chợ Lớn và Tân An), Kiến Tường (tên cũ: Mộc Hóa), Kiến Phong (tên cũ: Phong Thạnh), Định Tường (gộp Mỹ Tho và Gò Công), Kiến Hòa (tên cũ: Bến Tre), Vĩnh Long, Vĩnh Bình (tên cũ: Trà Vinh), An Giang (gộp Long Xuyên và Châu Đốc), Phong Dinh (tên cũ: Cần Thơ), Kiên Giang (gộp Rạch Giá và Hà Tiên), Ba Xuyên (gộp Bạc Liêu và Sóc Trăng), An Xuyên (tên cũ: Cà Mau), Côn Sơn và Đô thành Sài Gòn.

Ngày 19 tháng 5 năm 1958, lập 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức từ tỉnh Đồng Nai Thượng.

Ngày 23 tháng 1 năm 1959, lập 2 tỉnh Quảng Đức và Phước Thành.

Ngày 21 tháng 1 năm 1961, lập tỉnh Chương Thiện.

Năm 1962, lập 2 tỉnh Quảng Tín (31 tháng 7 năm 1962) và Phú Bổn (1 tháng 9 năm 1962).

Năm 1963, lập 2 tỉnh Hậu Nghĩa (15 tháng 10 năm 1963) và Gò Công (20 tháng 12 năm 1963).

Ngày 8 tháng 9 năm 1964, lập 2 tỉnh Châu Đốc và Bạc Liêu.
Năm 1965, bỏ 2 tỉnh Côn Sơn (21 tháng 4 năm 1965) và Phước Thành (6 tháng 7 năm 1965).

Ngày 24 tháng 9 năm 1966, lập tỉnh Sa Đéc.

Đơn vị đông dân nhất là Đô thành Sài Gòn: 1.332.872 người, ít dân nhất là tỉnh Côn Sơn: 1254 người.( Thống kê năm 1964)

Từ đó cho đến năm 1975, Việt Nam Cộng hòa có 44 tỉnh và Đô thành Sài Gòn:
Quảng Trị | Thừa Thiên | Quảng Nam | Quảng Tín | Quảng Ngãi | Kon Tum | Bình Định | Pleiku | Darlac | Phú Yên | Phú Bổn | Khánh Hòa | Ninh Thuận | Tuyên Đức | Quảng Đức | Bình Thuận | Lâm Đồng | Phước Long | Bình Long | Bình Tuy | Long Khánh | Bình Dương | Tây Ninh | Phước Tuy | Biên Hòa | Hậu Nghĩa | Gia Định | Long An | Kiến Tường | Gò Công | Định Tường | Kiến Phong | Châu Đốc | Kiến Hòa | Vĩnh Long | Sa Đéc | An Giang | Kiên Giang | Vĩnh Bình | Phong Dinh | Ba Xuyên | Chương Thiện | Bạc Liêu | An Xuyên.

Tham khảo
  1. Nguyễn Quang Ân. Việt Nam, những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945-2002) (Do nhà xuất bản Thông Tấn in ấn và phát hành ngày 4/1/2002)
  2. Anh Thái Phượng. Trăm Núi Ngàn Sông. Gretna, LA: Nhà xuất bản Đường Việt, 2003.
  3. Duncanson, Dennis. Government and Revolution in Vietnam. New York: Oxford University Press, 1968.
  4. Ministry of Foreign Affairs. Vietnamese Realities. Saigon: Ministry of Foreign Affairs of the Republic of Vietnam, 1967.
  5. Nguyen Ngoc Bich, et al. An Annotated Atlas of the Republic of Viet-Nam. Washington, DC: Embassy of Viet-Nam, 1972.

TỔ CHỨC CẤP TỈNH THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget