Latest Post






Tối hôm qua đang chuẩn bị đi ngủ thì có điện thoại của một ông bạn ở bên Tây gọi về. Sau khi thăm hỏi đúng lệ thường, anh quay qua nói về vụ ông Thủ tướng quay mấy ông lãnh đạo ở Tiền Giang và Kiên Giang mà anh vừa xem được. Anh hỏi tui có phải ông Thủ tướng chơi khăm mấy ông cán bộ ở miền Tây không? E hèm! Chuyện cũ rồi mà còn quan tâm chi nữa cha nội. Nhưng mà tui cũng nêu quan điểm riêng của tui trong chuyện này. Đây có lẽ là lần đầu tiên, chuyện như thế này được công khai trên báo, trên đài cho công chúng xem. Từ khi có Đảng đến nay mới có chuyện đem cái chuyện không hay chút nào của tổ chức ta bày ra cho toàn dân hiểu.

Cũng như chuyện mấy ông lãnh đạo Sài Gòn livestream đối thoại, trả lời thắc mắc của dân vậy. Chuyện của Sài Gòn thì đúng là những ông cán bộ lãnh đạo mới nhậm chức có bản lãnh đấy. Trả lời không có dàn cảnh, sắp xếp, không chọn câu hỏi trước chứng tỏ các ông ấy phải có tự tin, nắm được tình hình, sâu sát với thực tế mới dám ngồi trực diện như thế. Buồn thay, hai ông Chủ tịch tỉnh Tiền Giang và Bí thư Kiên Giang lại thiếu những khả năng đấy. Ông Chính hỏi Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh là: "Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa”? Ông Vĩnh lại trả lời: "Dạ, Tiền Giang đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà”. He...he Thủ tướng hỏi chuyện triển khai trạm y tế lưu động, anh Vĩnh Chủ tịch lại trả lời điều trị F0 tại nhà. Chắc ông Thủ tướng bực lắm mới bảo rằng: “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau”.
Đến ông Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, khi ông Chính hỏi về con số nhiễm dịch ở Kiên Giang, Bí thư bí, lục tìm trong đống giấy tờ tìm câu trả lời mà không thấy, có một người nhắc tuồng phía đằng sau khiến Thủ tướng đành nói thẳng: "Ông nào cứ nói ở trong phòng ra. Ông nào nắm được thì ra nói đi. Việc gì cứ phải nhắc”. Kkk quê thiệt chớ! Phen này các bố này chắc cũng teo bu gi lắm đấy. Sau đó, các anh ấy lên báo phân bua là có ghi các biện pháp, chiến lược bằng văn bản đầy đủ đấy chứ, nhưng Thủ tướng hỏi chi tiết con số thì đúng là khó nhớ thiệt. Cái này cũng xin nói thật lòng, Thủ tướng bất chợt hỏi thêm nhiều người lãnh đạo các tỉnh thành khác nữa, tui tin cũng sẽ giống như học trò không thuộc bài như hai người này thôi. Qua đó mới thấy khả năng và tầm của một số không nhỏ lãnh đạo địa phương của xứ ta có vấn đề. Làm người lãnh đạo cao nhất trong việc phòng chống dịch, tình hình dịch đang căng thẳng, bản đồ tình hình dịch màu đỏ như máu thế mà chẳng nắm được gì, hỏi thì cứ loay hoay, ấp úng thì làm sao mà điều hành, làm sao mà chỉ đạo, làm sao mà tìm biện pháp để đối phó với dịch? Và từ đó, ta phải xem lại cách đề bạt và tổ chức cán bộ của ta. Trong biến cố mới lộ tài năng hay hạn chế của mỗi người. Tình hình của mỗi địa phương mỗi khác cho nên mới cần có cái đầu để suy nghĩ, có khả năng để tư duy đưa ra những biện pháp cụ thể và hiệu quả. Chỉ ngồi đấy họp nhiều rồi đưa ra nghị quyết với hô hào thì hỏng. Khả năng của người lãnh đạo là trong khó khăn phải tìm ra cách để ló cái khôn chứ cái khó bó cái khôn để thành kẻ bất tài, người dở. Những mô hình xé rào của Chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, Bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin hay ông Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái ở thành phố đã cho thấy những lãnh đạo không ngồi chờ chỉ thị, biết nghĩ phương cách để làm việc, có trách nhiệm với dân và có cái đầu tư duy một chút là giải quyết được bao nhiêu chuyện.
Chuyện tổ chức và đề bạt, xử lý cán bộ của chế độ ta hiện nay còn nhiều bất cập khiến người có tài, có tâm khó được sử dụng. Lại thêm khi vi phạm lỗi lầm muốn kỷ luật, thôi việc hay chuyển nhiệm sở cũng phải qua biết bao thủ tục nhiêu khê. Nhớ ngày trước, chuyện lột lon, bãi chức nhiều khi chỉ trong tích tắc. Ông nào ký bổ nhiệm thì ông ấy có quyền ký giấy về vườn cán bộ của mình rời ghế trong một nốt nhạc. Quân đội cũng thế, lột lon ngay. Tui còn nhớ là một ông hiệu trưởng bị sếp của mình khi đi thanh tra đã ký ngay giấy bãi chức và Hiệu phó tạm thời lên thay làm quyền Hiệu trưởng chẳng qua họp hành gì ráo trọi. Cứ làm không được việc thì về vườn đuổi gà cho vợ. Thế thôi, không on đơ gì cả. Ngồi mãi ghế đó chỉ làm khổ và tốn tiền thuế của dân. Ngay trong thời phong kiến cũng thế thôi. Giờ muốn cho anh nào rớt chức thì phải họp chi bộ, gởi lên trên, trên xét rồi gởi lên trên nữa, mất một thời gian khá dài rồi mới quyết định. Suốt thời gian dài như thế, kẻ có tội có dư thời gian để chạy chọt, để tẩu tán bằng chứng, tẩu tán tài sản, sắp xếp quyền lợi cho phe nhóm, đàn em và có khi ký thêm nhiều giấy bổ nhiệm cho mấy thằng đệ lên ghế hay quyết định mấy dự án kiếm tiền bỏ túi trước khi về vườn. Mà thôi, chuyện thường ngày ở huyện thế rồi, tám chơi cho vui vậy thôi chứ dễ gì thay đổi, dân có bầu lãnh đạo đâu mà đòi có quyền chi.
Hôm nay báo có đăng một tin khiến nhiều người lo lắng và lãnh đạo thành phố cũng nên suy nghĩ. Đó là thông báo của thượng tá Lê Mạnh Hà - phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM - cho biết theo kết quả thống kê của Công an TP đến ngày 16-9, thông qua ứng dụng VN-EID đã phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, các trạm kiểm soát dịch trên đường.
Sau khi phát hiện cảnh báo, Công an TP đã xác minh và phát hiện 33 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, còn lại 102 trường hợp là F0.
Trong 102 trường hợp F0 (26 trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà) có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường, lực lượng chức năng đã thu hồi 10 giấy và thông báo hủy giấy đối với 40 trường hợp.
Còn lại các trường hợp khác không thuộc diện được cấp giấy đi đường là những người đang đi cách ly, người đi tiêm ngừa, người đi khám bệnh về nhà…(Báo Tuổi trẻ online ngày 18.9.2021).
Kiểu F0 chạy lềnh khênh ra đường thế kia thì cách ly với giãn cách chẳng có tác dụng gì rồi. Thế thì làm ơn gỡ dây giăng, tháo dây kẽm, đập lô cốt lâu nay chặn khắp đường phố, ngõ xóm cho thông thoáng, cho không gian bớt căng thẳng, cho người dân khi cần có chỗ mà chạy. Bởi chúng có tác dụng gì nữa đâu, để mãi nhìn thấy ghê, nhìn dễ lên tăng xông bỏ mẹ. Còn chốt chặn, còn rào chắn là còn lắm kẻ lộng quyền, còn khó khăn trong chuyện lưu thông hàng hoá, một trong những nguyên nhân giá cả tăng cao chóng mặt.
Dân Sài Gòn khoái ăn bánh mì với cơm tấm. Đó là điểm đặc biệt của người dân thành phố này. Mấy hôm nay nhà nước cho phép bán online nhưng rồi dù lắm kẻ thèm nhưng chẳng dám mua ăn vì choáng với giá quá. Hơn nữa, bánh mì ngon là phải bánh dòn, có thể không còn nóng chứ bèo nhèo như vừa nhúng nước, ăn dai nhách thì còn gì là ngon. Pa tê, jambon, thịt nguội có ngon mấy mà bánh không còn ngon nữa thì cũng chẳng muốn ăn. Bánh mì đem về nhà mà phải đút vô lò nướng lại thì hỏng mất tiêu rồi. Chưa kể ruột bánh nhão nhẹt vì thấm sauce.
Dĩa cơm tấm cũng thế, miếng sườn cũng phải nóng, còn thơm mùi thịt nướng vừa rời giàn than thì mới ngon, về đến nhà lạnh tanh, hạt cơm nguội ngắt, còn ngon chi? Bát phở, tô mì, dĩa bánh cuốn cũng thế thôi, nguội là dở rồi. Thôi thì đành nhịn tiếp, chờ mở cửa rộng ra rồi ăn cho nó đúng vị, đúng kiểu.
Vậy mà mấy ông nhà báo Doanh nghiệp và Tiếp thị chạy tít: Người Sài Gòn "rần rần" đặt đồ ăn online: Quán xá chuẩn bị hàng trăm đơn, shipper hoạt động hết công suất mới kịp giao cho khách". He...he ở đâu ra mấy cha nội, cứ tưởng thiệt không à! Chỉ có thấy ở tiệm Như Lan người ta chen nhau mua bánh Trung thu thì có thật. Mà tui không hiểu sao lại phải chen lấn nhau, đợi cả hai tiếng đồng hồ để mua được mấy cái bánh vậy nhỉ? Con virus biến chủng Delta này chỉ cần lướt qua là dính thế mà chỉ vì mấy cái bánh mà xem thường sinh mạng quá! Nhiều lúc muốn hiểu mà nghĩ không ra.
Một tin nữa trên báo Thanh niên cũng làm cho người đọc nổi giận, đó là tin:"Dấu hiệu bất thường trong chi tiền hỗ trợ người dân". Nội dung bài báo viết rằng người dân ở P.2, Q.8 phản ánh về việc chi tiền hỗ trợ của phường này quá bất cập, đáng ngờ, khiến họ đi tới đi lui và về tay không. Thậm chí, có trường hợp đã qua đời do nhiễm dịch nhưng vẫn cùng nhiều người trong gia đình có tên trong danh sách nhận tiền, nhưng chính quyền địa phương chỉ giải quyết cho 1 trường hợp. Có người ghi thông tin, đăng ký với tổ trưởng tổ dân phố để nhận tiền trợ cấp. Đến nay đã thấy chi tiền hỗ trợ đợt 2 xong, vẫn chưa nhận được thông báo có được xét duyệt hay không. Qua xác minh người này được xét duyệt nhận tiền trong đợt 2 này, nhưng lại không được lãnh. Không những thế, tên của người đấy có tới 2 lần được ghi trong danh sách nhận tiền với tổng số tiền 3 triệu đồng. Đây là điểm bất thường khiến ai cũng khó hiểu. Có người khi ký nhận tiền thì phát hiện có tên giống hệt mình trong danh sách được duyệt nhận tiền. Nhìn qua mục số điện thoại, chính là số điện thoại của người thân nhưng đã có người ký lãnh mất tiêu rồi. Ở mục địa chỉ cũng có số nhà trùng nhau, chỉ khác tên đường. Nhận thấy có bất thường, hỏi cán bộ phường thì vị cán bộ này nhanh tay gạch tên trường hợp đáng ngờ này mà không giải thích lý do tại sao.
Câu hỏi đặt ra là số tiền nhập nhèm đó đi đâu? Ai lãnh? Có người hỏi các trường hợp được xét duyệt, nhưng không được nhận thì số tiền này có bị thất thoát? Ông Tăng Xuân Phong, Chủ tịch UBND P.2, Q.8 cho hay số tiền này sẽ được chính quyền địa phương nộp lại cho ngân sách nhà nước. Ô hô! Tiền đã vào tay quan mà nói sẽ nộp lại, nghe như chuyện hài. Nó sẽ vào túi ai đó chứ làm gì có chuyện quay trở về ngân sách nhà nước. Được vậy thì đất nước này đâu đến nỗi thiếu tiền trong ngân sách như ông Bộ trưởng Phớc mới tuyên bố hôm qua. Mà đó chỉ mới là một phường đấy nhé. Thành phố này còn biết bao nhiêu là phường, cũng có rất nhiều phường làm rất tốt nhưng cũng không thiếu nơi ăn chận chẳng khác gì phường 2, Quận 8. Bởi vậy cho nên từ ngày 17.8 đến 15.9, ở thành phố đã có 154 vụ người dân kéo đi lên các trụ sở để khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc hỗ trợ với 7.421 trường hợp, theo báo cáo của Công an thành phố.
Đúng là cái gì cũng ăn được. Miếng cơm của người nghèo mà cũng tìm cách ăn chặn, cướp trên tay dân cùng tận đói nghèo thì chẳng còn chi để nói. Chuyện chưa biết rồi sẽ đi đến đâu nhưng rõ ràng là đâu đó vẫn có những cán bộ táng tận lương tâm, ăn tạp, chẳng còn chi chút đạo đức làm người.
Lan man lắm chuyện hôm nay tạm ngừng ở đây, nói riết chẳng thấy chi vui. Hi vọng mốt mai có nhiều chuyện vui lại tám tiếp.
18.9.2021
DODUYNGOC
861
44 bình luận
92 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ






Hôm 16.9 nghe Bộ trưởng tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu mà hết hồn: "Ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào". Tên ông này lạ nhỉ, hình như thiếu chữ ư thì phải kk. Câu này ông Phớc nói trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp. Hiểu nôm na theo kiểu dân gian là sạch túi rồi. Theo ông thì lý do hết tiền là vì nguồn thu thuế đã giảm 50% do các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm chống dịch. Ngân sách quốc gia bình thường phần lớn do nguồn thuế của thành phố HCM và một số tỉnh phía Nam đóng góp, giờ đang gặp đại dịch nên thất thu. 

Lâu nay theo mấy báo cáo với con số tăng trưởng không ngờ ta lại nghèo đến thế. Chỉ một tai nạn là hết sạch vốn liếng. Đã nghèo lại chơi hoang, tui nói tiêu hoang chứ không phải chơi sang như người ta thường bảo. Tiêu hoang ở chỗ bỏ ra hàng ngàn tỷ để liên tục xét nghiệm. Đã đành có dịch thì phải xét nghiệm, nhưng chẳng có ai lùng bắt con F0 mà tốn kém như ở ta. Có người nằm nhà vì giãn cách, rảnh quá mới ngồi làm một bài tính đơn giản về chiến dịch thần tốc xét nghiệm để tìm con virus ở Hà Nội vừa qua và kết quả là bóc tách được 19 F0 nhưng tốn mất 572 tỷ, đó là bỏ mất mấy con số lẻ đằng sau rồi đó nghe. Chơi kiểu đó thì nhẵn túi thì đúng quá rồi. Không biết rồi số tiền đó lọt vào đâu nhỉ. Thì cũng phải có chỗ để nó vào chứ, không lẽ từng đó tiền biến mất tiêu vào không khí?

Vào cuối tháng 7, tui còn nhớ đọc báo thấy tin ngân sách nhà nước bội thu 62.000 tỷ đồng chỉ trong bảy tháng đầu năm. Thế mà vèo một cái chỉ trong vòng một tháng chẳng còn đồng nào. Đúng là tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Giờ ngân sách nhà nước cũng y chang như túi tiền của nhà dân. Cả hai đều trống rỗng. Hèn chi thành phố muối mặt ngửa tay kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - thương binh và xã hội về việc hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ cho người nghèo tại TP.HCM gặp khó khăn do đại dịch mà Bộ Tài chính không gật đầu. Ừ cũng đúng thôi, hết tiền rồi làm sao mà đồng ý. Chỉ mở kho gạo gởi cho một nửa theo yêu cầu. Mệt dữ à nhe. Một nước mà ngân sách trung ương sạch trơn như thế thì đáng lo quá. Mà dịch bệnh còn lung tung ra đấy, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, hàng hoá ứ đọng, không tiền đóng thuế, làm cách nào để phục hồi kinh tế đây. Căng quá. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Bây giờ dân nghèo rách như thế này, ngân sách sạch bách thế này thì mong chi nữa.

Kiểu này thành phố đang dự định thực hiện gói hỗ trợ đợt ba cho dân nghèo. Không biết có làm được như tính toán không? Có lẽ tiền để dành của thành phố ngó bộ cũng đang cạn rồi. Còn giãn cách, phong toả thì càng bí lối. Càng nghĩ càng lo. 

Nhưng rồi ngay sau đó, Bộ Tài chính lại xin nói lại cho rõ kẻo dân hiểu lầm. "Theo Bộ Tài chính, tại cuộc họp UBTVQH ngày 16-9 bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo UBTVQH, hiện nay Ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỉ đồng) đã chi hết, trong khi đó nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như Công an, Quân đội và các địa phương là rất lớn.

Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỉ điều chỉnh vào Dự phòng Ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 78.600 tỉ đồng. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm ước đạt hơn 1.004 nghìn tỉ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngân sách trung ương ước đạt 71,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán."

Thế thì tin ai, tin phát biểu của Bộ trưởng hay tin lời giải thích của Bộ? Xứ này đụng chuyện gì cũng có hai tin ngược nhau, rối não thật!

Lại thêm, sáng nay, trong buổi làm việc trực tuyến giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với UBND các quận 8, Gò vấp, Bình Tân và huyện Hóc Môn. Ông Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trên thực tế khi lập danh sách người để được nhận hỗ trợ đã có trường hợp lập khống danh sách người nhận, ký tên khống, nhận trùng, nhận 2-3 lần vượt quá quy định….Và cũng do vậy nên cũng theo Đại tá Quang, từ ngày 17.8 đến 15.9, ở thành phố đã có 154 vụ người dân kéo đi lên các trụ sở để khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc hỗ trợ với 7.421 trường hợp, đứng đầu là quận Bình Tân, kế đến là quận 8, huyện Hóc Môn. 

Thiết nghĩ, khi phát hiện ra những tiêu cực trong việc hỗ trợ dân nghèo, chính quyền nên có biện pháp xử lý ngay. Nghe nói thành phố đã vừa thành lập đoàn kiểm tra, mong có biện pháp mạnh tay với những thành phần này. Không gì khốn nạn, đốn mạt và mất hết tính người khi ăn chận của người nghèo, những người đang lầm than, nạn nhân của cơn đại dịch.

Hôm qua thống kê người nhiễm dịch và con số tử vong ở thành phố vẫn chưa được như mong đợi. Chuyện giảm giãn cách cũng như mở cửa ngó bộ cũng còn lâu. Nhìn con số tử vong đã hơn 12.000 người của thành phố, đôi khi tự hỏi sao chết nhiều thế? Và chắc chắn con số sẽ không đúng như con số thống kê báo cáo. Tìm hiểu kỹ hơn ta sẽ thấy rằng khi bị nhiễm dịch, dù nặng hay nhẹ nếu được chăm sóc tận tình, kỹ lưỡng, theo dõi để cấp cứu kịp thời thì cũng sẽ thoát được cái chết. Ta thấy trên thế giới từ khi có dịch, rất nhiều lãnh đạo các nước bị nhiễm dịch nhưng hầu như tất cả đều qua khỏi. Chẳng có cha nào lâm vào thế hiểm nguy, chỉ đôi tuần là tỉnh bơ đi làm việc.Điều đó cho thấy rằng nếu được chăm sóc kỹ lưỡng thì con virus này cũng khó mà giết người. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới thông báo nhiễm dịch hôm 27.3. 2020. Sau đó ngày 2.10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dính. Tiếp đến là Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil. Vào đầu đại dịch, Thân vương Albert II của Monaco và Thái tử Anh Charles nằm trong số các thành viên hoàng gia dính bệnh. Hồi tháng 4, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng nhiễm. Cũng cùng khoảng thời gian ông Mikhail Mishustin mắc bệnh, Thủ tướng Nuno Gomes Nabiam của quốc gia Guinea-Bissau ở Tây Phi dương tính cùng với 3 thành viên trong nội các của ông.

Nhiều nhân vật cấp cao khác tại các nước đã mắc virus Vũ Hán gồm: Tổng thống Honduras, Tổng thống Guatemala, Thủ tướng Armenia, Bộ trưởng Nội vụ Philippines, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Bộ trưởng Y tế Ghana, Phó tổng thống Nam Sudan, Phó thủ tướng Tây Ban Nha, Bộ trưởng Nội vụ Úc, Phó tổng thống Iran, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan...

Tại Mỹ, 2 thượng nghị sĩ và hơn chục thành viên Quốc hội đã dính bệnh. Tháng trước, thống đốc bang Missouri Mike Parson cũng dương tính. Tất cả những người trong danh sách trên đều khỏi bệnh trong thời gian ngắn. Chỉ có cựu ứng viên tổng thống Mỹ Herman Cain qua đời vì dịch bệnh này hồi tháng 7. Hiện nay cũng có tin Tổng thống Nga Putin cũng đang nhiễm bệnh, nhưng chắc rồi cũng qua mau thôi. Người ta bảo virus lây lan như cháy rừng ở Điện Kremlin: TT Putin tiết lộ hàng chục người thân cận nhiễm bệnh. 

Điều này cho thấy nếu được chăm sóc kỹ thì chẳng làm sao cả. Hay là các ông này có thuốc gì đó đặc biệt để hoá giải con virus này? Cũng nghe ông Putin đã chích vaccine Spounik V rồi đấy.

Cũng như vừa rồi thấy tin ông Tập đi dự khai mạc gì đấy, cả đám đông chẳng thấy ai đeo khẩu trang. Có thể virus sợ lãnh đạo chăng? Hay là chúng nó có thuốc giải rồi cũng nên.

Lan man chuyện lung tung cho qua ngày. Rảnh quá mà he...he.

17.9.2021




Bắt đầu từ ngày 9.7, ngày chính quyền siết chặt phong toả Sài Gòn để ngăn chận dịch bệnh. Hôm nay viết đến bài thứ bảy mươi như là nhật ký những ngày đại dịch tàn phá thành phố này. Đã có hơn 12.000 người đã chết vì dịch, chưa kể những số người khác mắc các bệnh thông thường nhưng vì trong mùa dịch không có phương tiện đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, không được bệnh viện nhận, không được chăm dóc chu đáo như bình thường, bệnh mãn tính không được tái khám và nhận thuốc đúng hẹn..và những người bệnh đó cũng đã ra đi một cách oan uổng. Một người mất, bao nhiêu người thân thuộc buồn đau, tiếc nuối. Trong những ngày cao điểm nhiều gia đình chết đến vài ba người nhiều thế hệ. Cho đến nay dù con số tử vong có giảm hàng ngày nhưng số người nhiễm bệnh vẫn cao. Do vậy, chính quyền thành phố vẫn phân vân khi chuẩn bị mở cửa một phần, giảm giãn cách một phần chứ chưa dám có quyết định để thành phố trở lại bình thường. "Bình thường mới" là chữ mà lãnh đạo thành phố sử dụng, có nghĩa không thể bình thường như cũ khi chưa đạt được những tiêu chí của Bộ Y tế đề ra. 

Càng kéo dài giãn cách thiệt hại kinh tế rất lớn và lòng dân thì bất an. Nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài ở Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai đang tính đường rút chuyển qua Mexico hay Brazil vì không thể chờ đợi. Đa số là doanh nghiệp may mặc và sản xuất giày dép. Họ chuẩn bị để phục vụ Giáng Sinh, nhưng nhà máy phải ngưng hoạt động vì dịch nên phải tìm cách chuyển. Một doanh nghiệp ở Bình Tân với 56.000 công nhân mấy tháng nay cũng đành bó tay ngồi chờ. Nhà máy đóng cửa không những thiệt hại về kinh tế mà còn kéo theo biết bao công nhân thất nghiệp. Họ trở thành người thiếu ăn, con cái cũng khó đến trường đành dở dang việc học hành, cha mẹ, người thân đau ốm không tiền mua thuốc chữa bệnh. Những tổ chức từ thiện, thiện nguyện, những nhà hảo tâm cũng rút dần vì thời gian quá dài, vì những thị phi, vì những khó khăn trong công việc đưa đến tâm lý chán nản, buông tay. Và kẻ bị thiệt thòi là những người nghèo. Kéo dài giãn cách càng lâu không những thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng đến xã hội rất lớn. Không những thế gây tâm trạng bất an và tạo ra những sang chấn tâm lý cho rất nhiều người. Sau mùa dịch chắc là an ninh trật tự của thành phố sẽ nảy sinh lắm vấn đề.

Chính quyền thành phố cũng đã đưa ra lộ trình để có thể đến đầu tháng 10, mở dần từng phần để bình thường hoá sinh hoạt. Để chuẩn bị bị kịch bản phục hồi kinh tế và bình thường mới phải cần những yếu tố cơ bản. Đầu tiên là phải có và chuẩn bị đủ vaccine cho toàn dân, đồng thời cũng nên thay đổi quy trình tổ chức tiêm chủng sao cho nhanh chóng, an toàn và khoa học. Phải sắp xếp lại các bệnh viện và các khu điều trị virus Vũ Hán, đặc biệt là nhân lực và thiết bị. Sắp tới, đội ngũ chi viện từ khắp nơi sẽ rút dần về, nhân lực sẽ thiếu hụt vì con số nhiễm bệnh vẫn còn cao. Cũng cần thuốc để chữa bệnh và phương án túi thuốc cho người F0 chữa tại nhà vẫn là cách tốt nhất để giảm tải cho các bệnh viện. Lâu nay con số tử vong cao là bởi thiếu nhân lực và không được cấp cứu kịp thời. Theo Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc trung tâm Hồi sức Covid Bình Dương, đơn vị hiện cấp cứu các ca nặng đến hấp hối. "Sự nguy hiểm của virus không phải nằm ở tải lượng virus cao hay thấp, âm tính hay dương tính mà nằm ở chỗ virus này khi xâm nhập cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch phản ứng mãnh liệt tạo nên "Bão Cytokine" làm viêm phổi cấp, viêm và suy đa tạng.

Bão Cytokine không chừa một ai hết, bất kể có bệnh nền hay không có bệnh nền, già hay trẻ. Khi đã xảy ra bão Cytokine thì đang cười nói bình thường thì F0 bỗng chuyển sang mệt mỏi, khó thở tụt Oxy nhanh chóng. Diễn biến xảy ra cực nhanh chỉ trong 3-4 tiếng hoặc chỉ qua đêm ngủ các cơ quan bị viêm nặng rồi sáng dậy...đi luôn." Như vậy khi người bệnh không được chăm sóc chu đáo, không được theo dõi thường xuyên thì chuyện tử vong là đương nhiên và con số người tử vong cao ở thành phố trong thời gian vừa qua đã chứng minh điều đó.

Giúp cho người dân những kiến thức cơ bản để tự phòng chống dịch cũng là một yêu cầu cần thiết. Hiện nay trên các mạng xã hội, trên hệ thống truyền thông, trên youtube tràn lan đủ mọi thứ thuốc chữa, đủ mọi cách để tự chữa bệnh, không biết bao nhiêu tin tức về virus cũng như về vaccine. Người dân đọc và truyền đi khiến rất nhiều người hoang mang vì có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tin tức mâu thuẫn với nhau. Ngay trên báo chí chính thống cũng không thiếu những thông tin ngược với nhau. Dân nhiều khi tin những tin giả, tin tào lao hơn tin thật. Một phần cũng do trình độ dân trí, phần khác do lo sợ, hoang mang và phần lớn là nhà nước không có một kênh thống nhất trang bị cho dân những kiến thức cơ bản về dịch, về virus, về vaccine. Đồng thời với những tin nhảm, hệ thống thông tin của nhà nước phải phản bác tức thì giúp cho người dân có nhận thức đúng về bệnh.

Có lẽ đến thời gian này, thành phố cũng nên giảm bớt các chốt chặn, xoá bớt những khu vực cách ly, bỏ dây giăng, gỡ bớt những khung, những cuộn dây kẽm cho các con phố, các ngõ hẻm, các khu dân cư thông thoáng và bớt không khí căng thẳng. Ừ thì vẫn chấp nhận mỗi khu phố, mỗi phường xã là một pháo đài. Nhưng pháo đài được hiểu theo nghĩa là được theo dõi và kiểm soát chặt những gì dính líu đến dịch bệnh chứ không nên rào chắn với chận đường mãi thế. 

Vừa rồi, Phó Chủ tịch UBND Lê Hòa Bình thông tin sau ngày 30.9, không áp dụng giấy đi đường nữa mà sẽ có một app di chuyển do công an quản lý. Thế là có thêm một cái app nữa trong số hơn hai chục cái nữa rồi. Dân cứ hỏi là tại sao không có được một app thống nhất giữa các ban ngành như Y tế, Công an và Giao thông mà phải tách ra làm khổ dân như thế?

Trong buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố diễn ra tối 15.9, Phó chủ tịch Lê Hòa Bình cho biết thành phố cho phép các sinh hoạt thể dục thể thao tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc các “vùng xanh” được mở cửa trở lại, kể từ ngày 16.9. Thế nhưng sáng nay, nhiều người đi tập thể dục trong những khu quy định cũng bị nhắc nhở không cho phép cũng như các chốt chặn không cho di chuyển. Thế nên việc cho phép này cũng như không.

Rất nhiều doanh nghiệp kêu than vì không chuyển hàng được do các thủ tục hạn chế và nhiêu khê. Nhất là những doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hoá. Có doanh nghiệp chuyên giao thuốc chữa bệnh nhưng đành bất lực khi hệ thống nhà thuốc đặt hàng mà không thể di chuyển được. Muốn bình thường hoá thì cũng phải ưu tiên gỡ khâu lưu thông này.

Chiều 15.9, trong cuộc họp trực tuyến với địa phương trên cả nước và các bộ để tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa , Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tuần qua cá biệt xảy ra ùn ứ tại một số chốt kiểm soát do địa phương áp dụng quy định chưa thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ GTVT.

Theo đại diện Sở GTVT thành phố, từ nay đến cuối tháng 9, thành phố vẫn giữ nguyên tình hình giãn cách. Đến 1.10 có thể tạm thời chia 3 giai đoạn: Từ ngày 1.10 đến 31.10, 1.11 đến 15.1.2022 và sau 15.1.2022 để điều chỉnh, tuy nhiên tất cả mọi vấn đề phụ thuộc vào diễn tiến tình hình dịch bệnh. Như vậy, nếu theo chuẩn bị của Sở Giao thông, Vận tải thì tình hình lưu thông còn khó khăn kéo dài đến tận đầu năm 2022.

Trở lại chuyện vaccine, hôm qua có mấy tin khiến dân lại lo lắng. Trước hết là tin Nhật Bản thu hồi số vaccine Pfizer có dị vật. Theo tin, thành phố Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản đã quyết định thu hồi một lượng vaccine Pfizer sau khi phát hiện có dị vật màu trắng. Thành phố ta cũng rất nhiều người được chích vaccine Pfizer, nghe tin này cũng hơi ớn. Một tin nữa là yêu cầu giám định hoạt chất, hàm lượng một số lô vắc xin Vero Cell nhập khẩu. Lý do, theo Tổng cục Hải quan, qua xem xét hồ sơ hải quan một số lô hàng vắc xin Vero Cell do Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu theo Giấy phép số 7929/QLD-KD ngày 8.7.2021 của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho thấy hoạt chất, hàm lượng/nồng độ trên Giấy phép số 7929/QLD-KD là 6.5 U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt, nhưng trên phiếu kiểm nghiệm có kết quả là 7,2 U; 7,4 U; 7,8 U hoặc 6,9 U..

Rất nhiều người đã mạnh dạn đồng ý chích mũi 1 Sinopharm trong trạng thái tâm lý không tin tưởng lắm. Giờ nghe tin này cũng thêm lo. Không biết mũi 2 có chích tiếp Sinopharm và cũng chẳng biết rồi có vấn đề gì không nữa.

Đã có một số dịch vụ ăn uống mở cửa bán mang đi, nhưng giá cả gây choáng cho người tiêu dùng. Trên thị trường hiện nay, mặt hàng nào cũng tăng giá, từ ổ bánh mì, tô bún bò cho tới thùng mì gói, bao bột chiên  hay chai nước mắm. Không biết rồi đây làm thế nào để bình ổn giá cả đây. Giá tăng cao mà tiền thì càng lúc càng cạn. Người thất nghiệp không còn tiền. Người có chút tiền để dành thì cũng sắp hết vì giãn cách kéo dài. Nhiều người còn tiền trong tài khoản nhưng không đi rút được. Người có vàng muốn bán có tiền mặt tiêu xài cũng không có nơi mua. Đủ thứ khổ vì dịch bệnh.

Trung thu năm nay trẻ sẽ không còn được đón Trung thu như mọi năm. Các hãng bánh chắc sẽ chẳng có mấy khách. Một mùa Vu Lan buồn vừa đã đi qua. Một Trung thu chẳng gì vui đang tới. Thôi thì đành giam mình trong nhà mà ngắm trăng trong mưa vậy.

Đây là bài viết thứ bảy mươi và cũng là bài chót tôi viết về những ngày phong toả ở Sài Gòn. Nhật ký phong toả sẽ dừng lại ở đây. Tuy không còn viết với hình thức nhật ký hàng ngày, tôi vẫn viết trên Facebook những suy nghĩ, cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn của tôi về cuộc sống, về thành phố Sài Gòn rất thân thương này.

Mong các bạn bè, các anh chị em đã từng đọc các bài viết của tôi vẫn tiếp tục đọc và gởi đến tôi những ý kiến, tình cảm của quý vị. Tôi rất cám ơn.

Tôi định viết bài chót này sẽ có phần về những quán ăn sẽ đến sau khi thành phố mở cửa để thoả mãn thèm khát mấy tháng nay và cũng theo yêu cầu của rất nhiều người. Nhưng bài này nhiều chuyện quá, dài dòng quá rồi nên sẽ hẹn với anh chị em một bài khác viết về chuyện ăn uống ở Sài Gòn. Ăn thôi chứ không có chơi. Dzậy đi nhe.

16.9.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bảy mươi

DODUYNGOC








Hôm nay thức dậy sớm vì có hẹn tham gia một talkshow của chương trình Sài Gòn ta thương. Buổi nói chuyện thực hiện trực tuyến qua Zoom nên cũng đơn giản. Phòng tôi bị hỏng internet từ khi vừa có dịch nên chưa sửa được. Hai cái bên các phòng khác thì yếu vì bị vách tường ngăn nên đành sử dụng 4G qua iphone, không dùng computer được. Cũng hơi bất tiện nhưng rồi cũng xong. MC của chương trình là ca sĩ nổi danh một thời của Sài Gòn, ca sĩ Ngọc Ánh. Nội dung buổi nói chuyện đề cập đến những suy nghĩ và cảm xúc của tôi về cơn đại dịch đang diễn ra ở thành phố này. Trong lúc câu chuyện đang diễn tiến, có đôi khi tôi không dấu được cảm xúc khi nhắc đến bạn bè, người quen đã ra đi vì virus không ai tiễn đưa, không nghi lễ, không ánh nến nguyện cầu. Tôi cũng nghẹn lời khi đề cập đến những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi khi cha, mẹ đột ngột ra đi và không biết tương lai của các em sẽ ra sao. Tôi cũng rất xúc động khi được hỏi về những kỷ niệm khi tôi mới vào Sài Gòn, ký ức những năm tháng cách đây hơn nửa thế kỷ quay về làm tôi nao nao trong lòng. Tôi nói về những tấm lòng của người Sài Gòn, rộng rãi, bao dung và độ lượng đã từng cưu mang tôi trong những khi khốn khó. Và cũng nói về một Sài Gòn u buồn, tang thương trong cơn đại dịch hôm nay. Tôi cũng không quên nói lời tri ân đến các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu, đang chiến đấu để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm dịch và tin rằng thành phố sẽ qua được cơn bệnh nặng, trở lại một Sài Gòn năng động và đầy những nụ cười. Buổi phỏng vấn cũng nhắc đến những bài nhật ký hàng ngày của tôi về Sài Gòn lockdown đăng trên facebook, nay đã gần 70 bài. Tôi cám ơn mọi người đã đọc và đã quan tâm. Hi vọng những trang nhật ký này sẽ ghi lại được những hình ảnh, những cảm xúc của người Sài Gòn trong suốt thời gian giãn cách và mong rằng nó như là một ít tư liệu dưới góc nhìn của một cá nhân, một chứng nhân khi cơn gió dịch bệnh thổi qua thành phố Sài Gòn thân thương ghi lại cho đời.

Mấy hôm bị facebook treo giò, nhiều tin nhắn gởi vào messenger hỏi thăm, nhưng tôi không trả lời được vì đang bị cấm. Xin lỗi các anh chị em và cám ơn sự quan tâm của các bạn. Những ngày này tuy không đăng được nhưng tôi vẫn viết tiếp tục, không bỏ hôm nào và sẽ đăng ngay khi được phép.

Ngày 15.9 đã đến, trước đây cứ nghĩ hôm nay là ngày cuối của giãn cách, của phong toả, của cách ly. Nhưng rồi chưa thể. Ai ở đâu vẫn ở yên đấy. Và chính quyền cũng đang phân vân, thăm dò, đợi chờ thời điểm để mở cửa cho cuộc sống bình thường trở lại. Cho nên mấy hôm nay khẩn cấp chích ngừa toàn thành phố, chạy nước rút tiêm mũi 1 vaccine, bởi hôm nay là ngày cuối cùng thực hiện mục tiêu đạt 100% trường hợp trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 vaccine. Nhiều quận huyện tại thành phố đang phát đi thông báo khuyến khích người dân đi tiêm không cần đăng ký trước, không phân biệt thường trú, tạm trú hay chưa đăng ký tạm trú. Nếu cần thiết, sẽ đến từng nhà để tiêm. Chỉ cần trình thẻ căn cước công dân là nhanh chóng được tiêm mũi vaccine đầu tiên dù không đăng ký. Để đạt độ bao phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi, ước tính giai đoạn này thành phố còn hơn 879.000 người cần tiêm mũi 1 và 927.000 người đến thời hạn tiêm mũi 2. Tổng cộng cần có 1.806.000 mũi tiêm. Theo kết quả điều tra thống kê của Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình thành phố vào ngày 30.6, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại thành phố là 7.208.800 người. Tuy nhiên qua rà soát, báo cáo của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về số liệu dân cư thực tế đang sinh sống trên địa bàn, số lượng người từ 18 tuổi hiện nay chỉ khoảng 6.043.628 người. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ ngày 14.9, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng hơn 8,1 triệu liều vaccine. Trong đó, tổng số mũi 1 là 6,58 triệu và mũi 2 là 1,57 triệu. Đặc biệt, đã có hơn 2 triệu mũi vắc xin Verocell của Sinopharm đã được tiêm cho người dân.

Đến ngày 14.9, theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, có 2 quận tiêm vaccine mũi 1 đạt cao nhất là Q.11 với tỷ lệ 100% và Q.12 hơn 101%.

Với con số thống kê đó và con số đã được tiêm chủng mũi 1, cho thấy rằng thành phố đã đạt chỉ tiêu về tiêm chủng. Nhưng qua các con số, người ta cũng thấy có sự chênh lệch giữa điều tra dân số và số lượt người được tiêm chủng mũi 1.

Đúng ra thực hiện thủ tục tiêm chủng như thế này ngay từ đầu sẽ giúp dân bớt trông đợi, lo âu, thắc mắc và tốn công sức chạy đầu này đầu kia trông ngóng tin tức về tiêm chủng. Chỉ cần mỗi tổ dân phố hoặc một cụm dân cư gần nhau đặt một trạm tiêm chủng. Người dân mang căn cước hay giấy chứng minh là được chích khỏi qua các bước đăng ký, chờ đợi rườm rà. Chắc chắn chẳng có ai dám tranh giành để chích hai mũi trong một ngày hay khi chưa đến hạn kỳ quy định. Nếu thực hiện kiểu đấy, thành phố chắc chắn đã hoàn tất 100% mũi 1 lâu rồi. Giờ đang có kế hoạch cho mũi 2, cũng mong thành phố rút kinh nghiệm để mũi 2 được tiến hành tốt và nhanh chóng hơn, đáp ứng được nhu cầu mong được chích đủ liều của nhân dân thành phố. Chỉ có chích đủ cho toàn dân mới có thể tính đến chuyện an toàn để mở cửa. Cái khó bây giờ lại nằm ở chỗ thẻ xanh được cấp như thế nào và với hình thức gì? Không hiểu nổi một thành phố lớn như Sài Gòn, một đất nước luôn nói về công nghệ 4.0 với 5.0 mà mò mãi cũng không hoàn chỉnh được một cái app thống nhất trong toàn quốc mà cứ loay hoay mãi cũng như sáng tạo đủ app, mỗi anh một cái làm khổ dân theo muốn đuối hơi mà chẳng thấy hiệu quả chi cả. Tôi chích mũi 2 hơn cả tuần rồi mà app Sổ sức khoẻ điện tử vẫn màu vàng chứng nhận mới chích mũi 1. Làm ăn chán thật! Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương phải cập nhật thông tin tiêm vaccine còn thiếu lên hệ thống trước ngày 20.9. Để chờ xem.

Gần đây trên các phương tiện truyền thông của nhà nước đã đăng nhiều clip về việc Thủ tướng làm việc trực tuyến với các cấp lãnh đạo địa phương về công tác phòng chống dịch. Bỏ qua các câu hỏi về các con số thống kê thay đổi liên tục nên các cán bộ địa phương khó nắm bắt để có thể nhớ. Nhiều vấn đề cán bộ như học trò trả bài mà không thuộc vậy. Trong chuyện này, thiết nghĩ nên trao đổi về chiến lược, biện pháp, chủ trương của địa phương trong việc phòng chống dịch hơn là hỏi về số liệu. Tuy vậy, qua đó cũng cho thấy một số lãnh đạo địa phương chưa sâu sát tình hình,chưa nhạy bén, còn lúng túng với các biện pháp chống dịch, vẫn còn chờ và làm theo chỉ đạo từ trên, chống dịch bằng nghị quyết.

Trả bài có người nhắc mà còn ấp úng khi trả lời, thế thì chống dịch làm sao hữu hiệu được.

Ngay tổ chức hành chánh cấp thấp nhất là phường, xã, những người lãnh đạo ở cấp này nhiều người không những thiếu khả năng mà còn không có trách nhiệm với dân. Địa phương nào may mắn có người lãnh đạo có tâm, có trách nhiệm, có tầm trong tổ chức và thực hiện thì dân ở đấy được nhờ và được chăm sóc chu đáo. Ngược lại thì xem như thua, xem như xui, chẳng được hỗ trợ cũng như giúp đỡ gì theo chủ trương của nhà nước. Do vậy nên dân mới kêu, mới xuống đường, mới gõ cửa uỷ ban, mới có xung đột. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhiều lần nhận khuyết điểm với dân về vấn đề này. Nhưng cũng khó mà khắc phục. Quan nhỏ mà giao chút quyền lực thì dễ quan liêu, hống hách và tìm cách trục lợi cho cá nhân, người nhà lắm.

Lâu nay nhiều người ngại ngùng và ngờ vực khi chích vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Có người bảo rằng nếu thiếu vaccine Anh, Mỹ họ sẵn sàng tiêm chủng vaccine made in Vietnam. Nhưng chờ mãi mà vẫn chưa được duyệt. May thay, hôm nay được tin "Sẽ có vaccine "made in Vietnam" được cấp phép khẩn cấp trong năm nay". Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, cho biết từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất 1 vaccine do Việt Nam nghiên cứu, phát triển được cấp phép khẩn cấp. Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực đã chủ động nghiên cứu vaccine, với 3 ứng viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau. Trong đó, 2 vaccine phát triển trong nước và 1 vaccine được chuyển giao công nghệ nước ngoài.

Khi ta có vaccine tự sản xuất và có hiệu quả thì nỗi lo vaccine sẽ chẳng còn và sẽ chủ động trong công cuộc phòng chống dịch. Khỏi phải cắp cặp đi xin, khỏi bị ai đó o ép, khỏi lo quan hệ, năn nỉ, đánh đổi.

Tuy chuẩn bị những bước đầu để giảm giãn cách nhưng con số nhiễm dịch và tử vong hàng ngày của thành phố vẫn chưa xuống những con số mong đợi. Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 14.9, thành phố có 310.307 ca nhiễm dịch. Hiện đang điều trị hơn 39.000 ca, trong đó có 2.942 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.616 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số xuất viện cộng dồn đến nay là 152.894 ca và có 12.419 ca tử vong.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo nhân lực và năng lực chuyên môn theo các phân tầng, thành phố đã huy động 17.653 người của các cơ sở y tế tại chỗ của thành phố. Trung ương, các bộ ngành và nhiều tỉnh thành khác hỗ trợ 13.752 người, đó là chưa kể tình nguyện viên, F0 hết bệnh, lực lượng y tế tư nhân. Thế nhưng vẫn trong tình trạng thiếu nhân lực. Do vậy rất đáng lo khi có tin cho rằng sau 15.9, Bộ Y tế sẽ rút nhân lực ra khỏi  các cơ sở điều trị ở thành phố. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tùy vào tình hình mà Bộ Y tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Theo cách nói này, trong thời gian tới, tình hình nhân lực ở thành phố sẽ rất căng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hạn chế số người tử vong.

Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, các bộ, ngành, UBND TP.HCM. Trong đó, Bộ Y tế đưa ra 3 tiêu chí tiên quyết về tỉ lệ dương tính/xét nghiệm và mức độ đáp ứng của điều trị hồi sức, cùng 1 tiêu chí động về tỉ lệ tiêm vắc xin. Cụ thể là

- Số ca mắc mới tại cộng đồng giảm;

- Tỉ lệ mẫu dương tính bằng RT-PCR trong ngày giảm, không xuất hiện chuỗi-chùm bệnh;

- Đáp ứng số giường ICU;

- Tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Theo đó có 2 tiêu chí còn khó đạt để mở cửa trở lại của thành phố đó là Số ca mắc trong cộng đồng giảm liên tục và tỷ lệ mẫu xét nghiệm RT-PCT dương tính trong cộng đồng/ngày. Thực tế những ngày qua cho thấy các ca dương tính ở thành phố trong 7 ngày gần nhất cho thấy tỷ lệ người mắc virus chưa có dấu hiệu giảm. Các con số này tuy có lúc lên xuống, nhưng rất ít khi dưới 5.000 ca/ngày. Với các số liệu thống kê, theo đánh giá của các chuyên gia thì số F0 đang ẩn khuất trong cộng đồng còn khá lớn. Về tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính trong 7 ngày gần nhất, số mẫu xét nghiệm (RT-PCT) dương tính/số người lấy mẫu trong ngày tại cộng đồng chưa có chiều hướng giảm. Do vậy, thành phố vẫn còn 2 tiêu chí phải khắc phục mới có thể giảm giãn cách để mở cửa trở lại. Chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi cho rằng sức ép của sự phát triển kinh tế xã hội thành phố buộc phải mở cửa sau thời gian giãn cách kéo dài, song nguy cơ bùng phát dịch là có thật. Số liệu cho thấy ca mắc ở thành phố chưa đạt tiêu chí của Bộ Y tế. PGS.TS Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế chỉ ra có một tiêu chí rất khó mà thành phố chưa đạt được đó là: "số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất".

Theo ông, biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, dao động trung bình số ca mắc mới mỗi ngày từ 5.000 đến 6.000 ca.

Những con số chưa khả quan như mong đợi.

Nghe nói đã cho mở cửa một số cửa hàng, quán, tiệm bán mang về hoặc online, nhưng cho đến hôm nay hàng quán vẫn đóng cửa im lìm. Rất ít cửa hàng kinh doanh ăn uống, mặt hàng thiết yếu có động thái hoạt động trở lại. Nhiều chủ tiệm vẫn đang chờ vì cũng còn nhiều điều băn khoăn.

Và như vậy, chúng ta cũng tiếp tục chờ.

15.9.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi chín.






Tính đến hôm nay, con số tử vong vì đại dịch virus Vũ Hán ở Việt Nam đã lên đến 15.936 ca. Trong số gần 16 ngàn người chết đó đã để lại biết bao nỗi đau cho những người còn sống. Đau đớn nhất là những đứa trẻ, cơn dịch đến và đem đi mất những người thân yêu nhất. Có những đứa trẻ mất cha, có đứa mất mẹ, có nhiều cháu bất hạnh hơn là mất cả cha lẫn mẹ. Nhiều gia đình mất luôn ông bà hay cô chú. Cũng có trẻ mất hết tất cả, chỉ còn một mình trơ trọi ở cõi đời. Bi thương không kể hết được và tương lai, những đứa trẻ ấy phải biết sống làm sao? Chỉ trong vài tháng, thành phố đã có gần vài ngàn đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi trong cơn đại dịch. Theo báo cáo của Sở Giáo Dục, đã có hơn 1.500 học sinh mồ côi vì cha, mẹ mất trong cơn dịch.

Chỉ mới đây thôi, các cháu vẫn còn cha, còn mẹ, còn ông bà và còn một gia đình êm ấm. Giờ mất tất cả, tan nát hết cả. Có đứa chứng kiến những người thân chết ngay trong căn nhà, trước mắt chúng. Cũng có đứa không thấy được người thân lần cuối, nhìn cha mẹ, ông bà được chở đi khi còn nguyên vẹn hình hài và trở về chỉ là nhúm tro trong hủ cốt.

Trên tạp chí khoa học The Lancet số tháng 7. 2021, thế giới hiện có hơn 1,5 triệu trẻ mồ côi vì dịch. Một nghiên cứu khác của CDC Mỹ, USAID, World Bank và Đại học London cho thấy trên toàn cầu cứ hai người chết vì virus Vũ Hán thì có một đứa trẻ bị mất cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Những đứa trẻ trong hoàn cảnh đó bị sang chấn tâm lý nặng nề. Chúng bị khủng hoảng khủng khiếp. Phản ứng của chúng có thể là không nói hoặc nói ít lại, thu mình lại, giấu cảm xúc, trầm cảm và tự kỷ. Có đứa sẽ la hét không kiểm soát, tinh thần luôn bất ổn. Nỗi đau này khiến những đứa trẻ bị lâm vào khủng hoảng thần kinh và tâm lý đó nhiều khi theo suốt đời chúng. Nỗi cô độc không người thân, không có chỗ nương tựa gây cho chúng một nỗi bất an. Chưa kể có nhiều cháu lâm vào cảnh thiếu thốn vật chất, không ai nuôi nấng, chăm sóc. Sự mất mát xảy ra quá đột ngột khiến những đứa trẻ mất phương hướng, mang mặc cảm không giúp được gì cho người thân, không chăm sóc được cha mẹ, ông bà khi họ bệnh, không đưa tiễn hay được gặp mặt người thân lần cuối. Trẻ có thể mang nỗi đau này khiến chúng dễ bị suy sụp và đưa đến những suy nghĩ hay hành động tiêu cực. Cơn đại dịch rồi cũng sẽ qua đi nhưng nỗi đau này ở lại trở thành một di chứng khó chữa trong lòng của trẻ.

Không chỉ có những đứa trẻ, nhiều người già cũng lâm vào cảnh bi thương không còn ai nuôi nấng hay chăm sóc sau khi cơn đại dịch đi qua thành phố. Anh bạn tôi vừa qua đời hôm trước vì nhiễm dịch, để lại một ông bố già tuổi 90 đã lẫn và bà mẹ già tuổi hơn 80 đang bị tai biến. Anh là một người con hiếu thảo, lâu nay trực tiếp chăm sóc bố mẹ. Các con anh đều đang du học nước ngoài. Hai vợ chồng anh đã ly hôn mấy năm nay. Giờ anh mất đi, không biết rồi hai ông bà cụ sẽ sống làm sao? Không biết còn ai chăm sóc cho họ. Và chắc chắn những người già có hoàn cảnh như thế cũng sẽ bị khủng hoảng tâm lý nặng nề và cuộc sống chắc cũng khó được dài lâu.

Sau khi có thể tạm yên với con virus, xã hội lại phải đối phó và điều trị cho những số phận bất hạnh này. Một công việc cũng không dễ gì vì nó là tâm bệnh, là hậu quả của những cú sốc tâm lý.

Chiều 13.9, trong một cuộc họp báo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch thành phố cho hay, thành phố sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tới hết tháng 9. Đồng thời sẽ thực hiện những bước thận trọng để giảm lần giãn cách xã hội theo ba giai đoạn. Với tình hình hiện tại, để chuẩn bị mở cửa trong điều kiện "bình thường mới", cần chuẩn bị kế hoạch cẩn trọng, có cân nhắc, tuyệt đối giữ vững nguyên tắc "quản lý được đến đâu, mở cửa đến đó". Chủ trương của thành phố là thận trọng để bảo vệ sinh mạng con người. Bởi cho đến hôm nay, số người nhiễm vẫn còn cao, báo cáo chiều nay thành phố có 6.312 ca nhiễm và 199 ca tử vong.

Cũng theo ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch thành phố cho biết, để thuận lợi cho việc lưu thông, phân phối. Kể từ ngày 16.9, thành phố sẽ cho phép shipper chạy liên quận, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Đồng thời để tiếp tục hỗ trợ người dân khi giãn cách vẫn còn kéo dài, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sẽ có gói an sinh thứ 3 gần 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khó khăn.Theo ông Mãi, đây cũng là một vấn đề rất quan trọng mà thành phố phải quan tâm. Trước đây đã thực hiện 2 gói an sinh, thành phố đã cấp gần 6.500 tỉ, trong đó có kinh phí xã hội hóa 1.400 tỉ, còn lại là ngân sách. Khi thực hiện gói an sinh lần 1, phát hiện số người dân khó khăn nhiều hơn dự kiến, thành phố thực hiện gói hỗ trợ thứ 2 nhưng rồi khi triển khai gói thứ 2 cũng phát sinh thêm nhiều khu, nhiều người nữa. Lý do là những gia đình trước đây có thể chưa khó khăn, nhưng khi giãn cách xã hội kéo dài, khiến cuộc sống bị xáo trộn. Có thể một tháng họ chịu được nhưng giãn cách đến 2 tháng, 3 tháng thì số hộ gặp khó khăn tăng lên. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận cũng có nguyên nhân chủ quan là do các cấp chính quyền khi thống kê chưa đầy đủ và đây là khuyết điểm của thành phố. Quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, ngoài hạn chế chủ quan do chính quyền cơ sở thống kê chưa chính xác, trong quá trình tổ chức thực hiện còn chậm, sai đối tượng… chính quyền sẽ kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Thực tế, có rất nhiều lãnh đạo địa phương thiếu trách nhiệm với dân khiến dân kêu than và bất bình.

Ông Phan Văn Mãi cho biết dự kiến gói hỗ trợ thứ 3 lên gần 10.000 tỷ đồng. Đây là số kinh phí rất lớn, vượt rất nhiều khả năng ngân sách thành phố nhưng đây là việc phải làm để đảm bảo cuộc sống cho bà con. 

Khi thành phố lâm vào cơn đại dịch, mới lộ rõ là ở thành phố này vẫn còn rất nhiều gia đình nghèo với cuộc sống lam lũ, kiếm ăn rất khó khăn. Bình thường họ có thể tìm mọi cách kiếm kế sinh nhai nhưng khi dịch đến, giãn cách kéo dài, cuộc sống của họ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Có đi vào những xóm nghèo, ngõ nhỏ mới thấy dân ta vẫn còn khổ lắm. Những căn nhà nhỏ, những xóm, những phường người ta sống chen chúc nhau trong những căn nhà hẹp, ẩm thấp. Ăn uống thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt còn tạm bợ nên dịch bệnh rất dễ bùng phát. Bởi thế, dân mong giảm giãn cách để có thể tiếp tục lao động kiếm sống. Cái đói và cái chết luôn đe doạ dân nghèo nếu giãn cách mãi kéo dài. Gói an sinh rồi cũng chỉ giúp họ một tuần, mười ngày, rồi cái thiếu ăn vẫn đè nặng. Lối thoát duy nhất là họ được làm việc, được bán buôn, được kiếm ăn bằng sức lao động của mình. Thành phố cũng nên xúc tiến liên hệ với các địa phương để giúp một số người nhập cư có nguyện vọng trở về quê quán. Sau đại dịch, số người muốn về quê cũng không ít, giữ họ lại thành phố khi chưa kiếm được công ăn việc làm thì chỉ khiến cho cuộc sống của họ thêm bế tắc.

Cho đến hôm nay, thành phố vẫn luẩn quẩn chuyện thẻ xanh và việc chứng nhận tiêm chủng trên app ở điện thoại. Phần mềm hoạt động không kịp thời, sai sót quá nhiều chứng tỏ không hiệu quả. Thành phố hi vọng sẽ sớm ban hành bộ tiêu chí an toàn, một trong những tiêu chí an toàn đang nghiên cứu là thẻ xanh dựa vào điều kiện tiêm chủng hay xét nghiệm để đánh giá mức độ an toàn các hoạt động của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Và rồi thành phố lại cho ra đời thêm một app mới hi vọng khắc phục lỗi của nhiều cái app trước. Đó là ứng dụng "Y tế HCM". 

Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Sở Y tế phát triển ứng dụng "Y tế HCM" thành ứng dụng thống nhất hỗ trợ người dân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch. Sẽ làm thí điểm một số quận, huyện, sau đó sẽ áp dụng rộng rãi toàn thành. 

Người dân được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh (Y tế HCM). Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ.

Mã QR sẽ có thông tin khai báo y tế, lịch sử tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm và thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.

Người dân khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động hoặc truy cập địa chỉ https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn trước khi ra đường; xuất trình mã QR tại trạm kiểm soát; trụ sở sản xuất kinh doanh; các nơi kiểm soát ra vào theo quy định như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này.

Không biết với cái app này nữa, chính quyền đã đủ để quản lý dân chưa? Sức sáng tạo của mấy cái đầu trí tuệ của ta kinh thật, app ra liền tù tì. Nhưng mà khổ toàn nửa nạc nửa mỡ chẳng đi đến đâu. Rồi mai lại cho ra đời thêm vài cái nữa góp thêm đã gần 20 cái app đã có sẵn lâu nay. Riết rồi nghe app với mã code là ngán tới cổ.

Trở lại việc dự tính cho học sinh trở lại trường, phản ứng của phụ huynh là không đồng tình. Tình trạng học sinh, giáo viên đang nhiễm dịch rất nhiều, đến trường, vào lớp là rất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm chéo rất cao. Theo thống kê của Bộ Giáo Dục, hơn 13.000 người trong ngành giáo dục đã dính bệnh. 

Cụ thể, thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 4.9, nước ta đã có đến 3.001 cán bộ, giảng viên, giáo viên và 10.224 học sinh, sinh viên nhiễm dịch. Đa số bệnh nhân này đều tập trung tại thành phố, với 6.589 học sinh và 2.083 giáo viên. Thế thì mở trường làm gì khi biết chắc nó sẽ thành ổ dịch. Thôi cứ tạm thời học ở nhà đi, được chữ nào hay chữ nấy. Sinh mạng của con em là quan trọng.

Đã hơn 120 ngày giãn cách, đã đến ngày thứ 68 siết chặt, giới nghiêm, cũng đã có gần 12.500 người thành phố này đã chết vì con virus. Đã có biết bao thảm cảnh diễn ra ở thành phố này. Đã đến lúc cần một lối thoát và mong chờ những ngày tháng an bình sẽ đến.

14.9.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi tám.

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget