Latest Post


Nắng xuống tím loang tràn mặt nước
Bên đường hoảng hốt tiếng chim kêu
Một mình xao xác bàn chân bước
Vật vã càn khôn nát bóng chiều


Trần gian bỗng lạ hơn hôm trước
Cây cỏ rùng mình gió lắt lay
Nhân sinh dấu mặt sau làn vải
Bè bạn gặp nhau không bắt tay

Thế giới hoang vu như nấm mộ
Kẻ thù lơ lửng nhuộm không gian
Không tu nhưng lắm người đốn ngộ
Mắt mở đăm đăm ngó lụi tàn

Xác người xếp lớp như củi mục
Nửa đêm ma quỷ lẫn chung người
Cuộc sống quẩn quanh như tù ngục
Trái đất hoàng hôn vắng tiếng cười

Phố đầy bóng quạ thay thần chết
Nhà cây rũ bóng chít khăn tang
Lấp ló bên song đầy nước mắt
Buồn dựng thành cây đứng xếp hàng

Bao giờ trở lại ngày tháng cũ
Mặt trời sáng rực cõi an nhiên
Tiếng kinh xua đuổi mầm ủ rũ
Có toà sen nở góc hàng hiên

Con chim hót lại bên cửa sổ
Tà áo lung linh giữa mọi miền
Vỗ tay từ giã niềm thống khổ
Tràn mộng hân hoan đượm chút thiền
23.4.2020
DODUYNGOC



Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ, Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo Thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi, một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất, phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh, rồi từ từ đưa cơm lên miệng.

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua khỏi đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ.

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, Thẩy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo Thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao Thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm Thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ Thầy, cho nên Thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ Thầy, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau.

Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa Thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi, nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô tình làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép Thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng Thầy và tất cả anh em. Thưa Thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa Thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Lời bàn:

“Thấy mới tin, không thấy thì không tin” câu nói này dường như đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người, chẳng vậy mà dân gian vẫn thường truyền tụng câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”, Tuy nhiên vẫn có nhiều việc: thấy rằng mười mươi là như thế mà vẫn chưa hẳn là như thế! Bởi lẽ đằng sau mỗi sự việc hiện tượng còn có các mối quan hệ nhân duyên chồng chồng chéo chéo vô cùng phức tạp, biến ảo khôn lường.

Cho nên mới nói: chỉ dựa vào “đôi tròng mắt thịt” này mà đã vội vã kết luận về một con người hay vấn đề hoặc sự vật hiện tượng nào đó là tốt hay là xấu thì nhiều khi quả là không thể tránh khỏi những nhận định chủ quan phiến diện, thậm chí là sai lầm đến mức hồ đồ, để rồi khi kịp nhận ra và muốn sửa sai hay khắc phục thì e rằng cũng là quá muộn.

Lại có những sự việc hiện tượng con người ta không thể nghe thấy, không thể nhìn thấy, lại càng không thể sờ thấy mà vẫn luôn hiển nhiên tồn tại như một chân lý khách quan vĩnh hằng và bất biến, vậy nếu ta vẫn giữ nguyên quan điểm: “Thấy mới tin, không thấy thì không tin” thì thử hỏi làm sao mà tiếp cận chân lý một cách sáng suốt và thấu đáo cho được! Ví thử như chuyện nhân quả nghiệp báo, chuyện tích đức hành thiện, chuyện đề cao cảnh giới tư tưởng và thăng hoa tầng thứ sinh mệnh con người thông qua tu luyện và hồi thăng những giá trị đạo đức truyền thống…

Bởi thế nên con người ta ngoài phần nhận biết sự việc hiện tượng một cách cảm tính thì cũng cần có sự suy xét vấn đề một cách khách quan và lý tính. Việc nhỏ cũng như việc lớn nếu không thật sự bình tĩnh, khoan dung, dùng trí huệ mà suy xét vấn đề thì e rằng đến cả bậc thức giả, hiền triết cũng khó mà tránh khỏi có những lúc đưa ra nhận định chủ quan sai lầm không đáng có.


Trước đây trong một buổi nói chuyện với một số sinh viên ở Sài Gòn, có một bạn đặt câu hỏi với tôi về tổ chức hành chánh cấp tỉnh trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Câu hỏi khó trả lời liền tại chỗ vì cần phải có tư liệu. Thời gian này đang giãn cách xã hội vì con virus Vũ Hán, có dư thời gian rảnh nên lục tìm tư liệu để trả lời thắc mắc của bạn. Đưa luôn lên đây để mọi người cùng tham khảo.

TỔ CHỨC CẤP TỈNH THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Tỉnh của Việt Nam Cộng hòa là đơn vị hành chính lớn nhất dưới cấp Quốc gia. Dưới cấp tỉnh là quận, không phân biệt đô thị hay nông thôn.

Vào thời Đệ Nhất Cộng hòa, Chính phủ còn dùng đơn vị Trung phần và Nam phần về mặt pháp lý và lập bốn Tòa Đại biểu Chính phủ đặt tại các thành phố và thị xã trung tâm của bốn khu vực:
1. Cao nguyên Trung phần (Đà Lạt)
2. Duyên hải Trung phần (Huế)
3. Miền Đông Nam phần (Sài Gòn)
4. Miền Tây Nam phần (Cần Thơ).

Sau năm 1963 thì hai danh từ Trung phần và Nam phần chỉ ấn định địa lý.

Khi tiếp thu quyền lực từ người Pháp năm 1954 thì khu vực phía Nam Vĩ tuyến 17, kể cả năm tỉnh thuộc Hoàng triều Cương thổ, tổng cộng có 32 tỉnh. Tỉnh nhỏ nhất dưới 500 km², lớn nhất hơn 20.000 km². Dân số các tỉnh cũng chênh lệch nhau khá nhiều: có tỉnh dưới 30.000 dân, tỉnh đông nhất hơn một triệu dân.

Tổ chức thời Đệ Nhất Cộng hoà:(Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm)
Đứng đầu tỉnh là tỉnh trưởng do tổng thống bổ nhiệm và báo cáo lên thủ tướng và bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trách nhiệm của tỉnh trưởng gồm soạn ngân sách, điều hành lực lượng Nhân dân Tự vệ, giữ gìn an ninh trật tự và kiểm soát việc hành chánh.

Tỉnh trưởng có thể là quân nhân hoặc công chức. Cấp tỉnh không có mô hình cơ quan nghị luận. Tỉnh trưởng có toàn quyền hành pháp, thi hành mệnh lệnh trung ương; riêng ở vùng có dân thiểu số sắc tộc thì có thể gia giảm để thích hợp với tình hình địa phương.
Tỉnh trưởng cũng có quyền bổ nhiệm hội đồng xã và đề cử quận trưởng để tổng thống phái bổ. Nói chung thì tỉnh trưởng trực thuộc phủ tổng thống hoặc thông qua Bộ Nội vụ hay Tòa Đại biểu Chính phủ ở miền đó.

Thời Đệ Nhị Cộng hoà:(Thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu)
Đứng đầu tỉnh là Tỉnh trưởng (quân nhân, thường là cấp Trung tá trở lên, hầu hết là cấp Đại tá) và Phó tỉnh trưởng (dân sự). Cả hai do Tổng thống bổ nhiệm và thông qua Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tỉnh trưởng có trách nhiệm trật tự an ninh, soạn ngân sách, và điều hành lực lượng Nhân dân Tự vệ còn Phó tỉnh trưởng có trọng trách hành chánh. Chiếu theo Hiến pháp thời Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam thì người dân có quyền bỏ phiếu chọn Tỉnh trưởng nhưng trong tình trạng chiến tranh không thể tổ chức bầu cử địa phương ở mọi tỉnh được, Điều 65 cho phép Tổng thống nắm quyền bổ nhiệm Tỉnh trưởng.

Trong khi ở cấp trung ương có các Bộ điều hành thì ở cấp tỉnh có các Ty:
1 Ty Hành chánh: điều hợp các chương trình, tổ chức bầu cử, phát thẻ cử tri, báo cáo với Trung ương
2 Ty Cảnh sát Quốc gia: kiểm tra lý lịch, cấp thẻ căn cước
3 Ty Thông tin: quảng bá tin tức và chính sách Chính phủ
4 Ty Canh nông: trông coi nông nghiệp
5 Ty Điền địa: đo đạc đất đai, cấp phát đất cho người định cư
6 Ty Tài chánh: kiểm soát chi thu
7 Ty Kiến thiết: vẽ mẫu thực hiện các công trình
8 Ty Công chánh: thực hiện công trình đào giếng, ống nước máy, cống nước, đắp đường, bắc cầu
9 Ty Xã hội: phụ cấp nhu yếu phẩm cho người nghèo, kiểm soát các cơ sở như Cô nhi viện
10 Ty Thanh niên: tổ chức các đoàn thể, các chương trình thể dục, thể thao, văn nghệ
11 Ty Tiểu học: tổ chức trường sở, giáo viên
12 Ty Y tế: trông coi trạm xá phát thuốc, chích ngừa, vệ sinh công cộng
13 Ty Tỵ nạn cộng sản: ở những tỉnh thiếu an ninh, giúp cứu trợ và định cư

Sang thập niên 1970 việc phân phối các ty có thay đổi như sau:
• Ty Tài chánh đổi thành Ty Ngân sách và Kế toán
• Thêm các Ty Nội an, Ty Kinh tế, Ty Công vụ, Ty Nhân dân tự vệ và Ty Phát triển Sắc tộc ở các tỉnh Cao nguyên Trung phần.

Ty ở cấp tỉnh chấp hành lệnh của Tỉnh trưởng cùng những chỉ thị của Trung ương, tức các Bộ trưởng. Dưới các ty là phòng hoặc sở.
Tương đương với tỉnh nhưng dưới quy mô nhỏ hơn là các thị xã, đứng đầu là Thị trưởng. Riêng Sài Gòn có Đô trưởng cho Đô thành Sài Gòn.
Ngoài các ty, mỗi tỉnh còn có Hội đồng tỉnh, số lượng nghị viên tùy thuộc vào dân số mỗi tỉnh nhưng tối đa là 30 nghị viên. Hội đồng tỉnh có quyền quyết nghị, kiểm soát và tư vấn.

Các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh:
Năm 1966, 44 tỉnh của Việt Nam Cộng hòa được chia thành 241 quận, sau tăng lên 247 quận. Quận trưởng do tỉnh trưởng đề cử và thủ tướng bổ nhiệm.
Dưới quận là xã và thôn. Toàn quốc có 2.589 xã. Tính đến năm 1974 thì chính phủ kiểm soát 2.159 xã. Ngoài Đô thành Sài Gòn ra còn có 10 thị xã tự trị trong đó có Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Đà Lạt, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Cần Thơ và Rạch Giá. Dưới xã là thôn ấp, tổng cộng có hơn 15.000 đơn vị.
Cấp tổng bị loại bỏ dần kể từ năm 1962.

Việc cai trị ở cấp xã trước kia tự trị thì năm 1956 thời Đệ Nhất Cộng hòa hội đồng xã phải do tỉnh trưởng bổ nhiệm. Sang thời Đệ Nhị Cộng hòa thì việc điều hành ở cấp xã trả lại cho địa phương. Hội đồng xã do cư dân 18 tuổi trở lên bầu ra. Những xã dưới 2.000 dân thì bầu ra hội đồng 6 người. Xã trên 10.000 dân thì được bầu 12 người.

DANH SÁCH CÁC TỈNH TỪ THỜI ĐỆ NHẤT CỘNG HOÀ ĐẾN 1975

Không lâu sau khi lên chấp chính, bắt đầu từ năm 1956, Chính quyền Đệ Nhất Cộng hòa xúc tiến cải tổ cho nền hành chính thêm đồng đều và dễ kiểm soát hơn, phân chia lại địa giới, biến đổi diện tích và dân số của nhiều tỉnh.

Đầu năm 1956, thành lập thêm các tỉnh Tam Cần (9 tháng 2 năm 1956), Mộc Hóa (17 tháng 2 năm 1956), Phong Thạnh (17 tháng 2 năm 1956), Cà Mau (9 tháng 3 năm 1956).

Theo sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì Nam phần (tức Nam Bộ) gồm 22 tỉnh và Đô thành Sài Gòn.

Như vậy, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa lúc này có 35 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Pleiku, Darlac, Đồng Nai Thượng, Phước Long (tên cũ: Bà Rá), Bình Long (tên cũ: Hớn Quản), Long Khánh (tên cũ: Xuân Lộc), Biên Hòa, Bình Tuy, Phước Tuy (tên cũ: Bà Rịa-Vũng Tàu), Bình Dương (tên cũ: Thủ Dầu Một), Tây Ninh, Gia Định, Long An (gộp Chợ Lớn và Tân An), Kiến Tường (tên cũ: Mộc Hóa), Kiến Phong (tên cũ: Phong Thạnh), Định Tường (gộp Mỹ Tho và Gò Công), Kiến Hòa (tên cũ: Bến Tre), Vĩnh Long, Vĩnh Bình (tên cũ: Trà Vinh), An Giang (gộp Long Xuyên và Châu Đốc), Phong Dinh (tên cũ: Cần Thơ), Kiên Giang (gộp Rạch Giá và Hà Tiên), Ba Xuyên (gộp Bạc Liêu và Sóc Trăng), An Xuyên (tên cũ: Cà Mau), Côn Sơn và Đô thành Sài Gòn.

Ngày 19 tháng 5 năm 1958, lập 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức từ tỉnh Đồng Nai Thượng.

Ngày 23 tháng 1 năm 1959, lập 2 tỉnh Quảng Đức và Phước Thành.

Ngày 21 tháng 1 năm 1961, lập tỉnh Chương Thiện.

Năm 1962, lập 2 tỉnh Quảng Tín (31 tháng 7 năm 1962) và Phú Bổn (1 tháng 9 năm 1962).

Năm 1963, lập 2 tỉnh Hậu Nghĩa (15 tháng 10 năm 1963) và Gò Công (20 tháng 12 năm 1963).

Ngày 8 tháng 9 năm 1964, lập 2 tỉnh Châu Đốc và Bạc Liêu.
Năm 1965, bỏ 2 tỉnh Côn Sơn (21 tháng 4 năm 1965) và Phước Thành (6 tháng 7 năm 1965).

Ngày 24 tháng 9 năm 1966, lập tỉnh Sa Đéc.

Đơn vị đông dân nhất là Đô thành Sài Gòn: 1.332.872 người, ít dân nhất là tỉnh Côn Sơn: 1254 người.( Thống kê năm 1964)

Từ đó cho đến năm 1975, Việt Nam Cộng hòa có 44 tỉnh và Đô thành Sài Gòn:
Quảng Trị | Thừa Thiên | Quảng Nam | Quảng Tín | Quảng Ngãi | Kon Tum | Bình Định | Pleiku | Darlac | Phú Yên | Phú Bổn | Khánh Hòa | Ninh Thuận | Tuyên Đức | Quảng Đức | Bình Thuận | Lâm Đồng | Phước Long | Bình Long | Bình Tuy | Long Khánh | Bình Dương | Tây Ninh | Phước Tuy | Biên Hòa | Hậu Nghĩa | Gia Định | Long An | Kiến Tường | Gò Công | Định Tường | Kiến Phong | Châu Đốc | Kiến Hòa | Vĩnh Long | Sa Đéc | An Giang | Kiên Giang | Vĩnh Bình | Phong Dinh | Ba Xuyên | Chương Thiện | Bạc Liêu | An Xuyên.

Tham khảo
  1. Nguyễn Quang Ân. Việt Nam, những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945-2002) (Do nhà xuất bản Thông Tấn in ấn và phát hành ngày 4/1/2002)
  2. Anh Thái Phượng. Trăm Núi Ngàn Sông. Gretna, LA: Nhà xuất bản Đường Việt, 2003.
  3. Duncanson, Dennis. Government and Revolution in Vietnam. New York: Oxford University Press, 1968.
  4. Ministry of Foreign Affairs. Vietnamese Realities. Saigon: Ministry of Foreign Affairs of the Republic of Vietnam, 1967.
  5. Nguyen Ngoc Bich, et al. An Annotated Atlas of the Republic of Viet-Nam. Washington, DC: Embassy of Viet-Nam, 1972.


Hôm nay đọc tin trên báo, thấy Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội đã chế tạo ra cái máy phát gạo cho người gặp khó khăn trong mùa đại dịch. Điều mà những người làm ra chiếc máy này tự hào là sẽ không người nào có thể gian lận để lãnh lần thứ hai. Để làm được điều đó, người xin gạo phải gỡ khẩu trang cho máy ghi hình nhận diện, khai rõ họ tên khi đứng trước hệ thống máy quét, đồng thời cung cấp địa chỉ, hệ thống sẽ ghi lại gương mặt, giọng nói. Đây cũng là phần mềm do cán bộ công nghệ thông tin của trường tự thiết kế, đảm bảo nguyên tắc trong 1 tuần, 1 người chỉ được nhận 1 lần. Tui đọc và nhìn kỹ thì có thấy cái máy phát gạo nào đâu, chỉ có một quầy để gạo, ai đủ thủ tục thì lấy một bao, chả có máy nào phát. Nếu gọi là máy chỉ là hai máy vi tính với hai màn hình gắn micro để gọi và computer ghi hình. Thế mà gọi là máy à, trời ơi là trời, phát minh với sáng chế chi lạ rứa trời!!! hê... hê

Trong chuyện làm từ thiện, việc có nhiều người có lòng tham cũng có, họ sẽ tìm cách lấy cho mình đôi ba phần, điều đó là chuyện không tránh khỏi, nhưng đó không phải là chuyện phải băn khoăn. Tuy nhiên phải hiểu rằng có trường hợp những người vì tuổi già, sức yếu, những người bị bệnh tật phải nằm một chỗ, họ cũng đang thiếu ăn, họ cũng đang ngặt nghèo hơn cả những người đi đến chỗ phát gạo để lãnh một suất từ thiện. Họ phải nhờ hàng xóm, người thân xin giúp một phần để qua cơn đói, nhưng như thế này thì họ đành thua. Hơn nữa, chỉ để lãnh được 3kg gạo mỗi tuần, thật sự trị giá cũng không bao nhiêu mà họ phải bị chụp hình, phải khai tên họ, địa chỉ nhà cửa, phải bị ghi hình, tiếng nói thì nghĩ có vẻ nhẫn tâm quá. Dùng chữ "máy thông minh" nghe cũng khiên cưỡng vì với các thiết bị máy móc thông thường hiện nay, việc ghi hình và giọng nói là chuyện quá tầm thường, có gì mà phải gọi là thông minh để xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Người càng nghèo càng nhiều tự ái, bởi họ mang mặc cảm trong người. Cho tiền một người hành khất mà hỏi tên họ, địa chỉ nhà cửa là sẽ bị khó chịu ngay. Nếu đưa máy lên chụp hình nữa thì chắc là bị chửi thầm hay bị phản ứng công khai ra mặt Giúp một người nào đó mà đào sâu nhân thân của họ cũng sẽ nhận lấy thái độ thiếu thiện cảm vì họ cho là bị xúc phạm. Người nghèo thường dấu thân phận của mình, đi xin thường che giấu mặt, bây giờ lãnh mấy ký lô gạo lại bị lột trần dưới mắt mọi người, họ đau chứ, họ cảm thấy nhục chứ. Thế là từ việc có lòng tốt giúp người trở thành kẻ bất nhẫn và lố bịch. Đã làm từ thiện thì phải chấp nhận những trường hợp người tham, người gian, nhưng cũng nên hỷ xả thì việc làm tốt của mình sẽ càng tốt đẹp hơn. Kỹ lưỡng, ky bo, nguyên tắc quá sẽ chẳng hay chút nào.
Đức Phật có dạy rằng: "Trong khi bố thí, hành giả vì tâm từ bi bình đẳng, xem chúng sinh như con, nên không sinh tâm vị kỷ, không phân biệt bỉ thử, thân sơ. Hành giả vì biết tài sản cũng như thân mạng mình đều là giả tạm, vô thường, nên không tham lam, tiếc nuối. Hành giả vì biết cái ngã không có thật, nên khi cho không thấy có kẻ cho và người nhận, không tự cao, tự đại." Làm từ thiện mà vô tâm thì việc làm ấy trở thành vô nghĩa.

Trong các bệnh viện, ở các quán cơm từ thiện phát cơm hay bán cơm giá rẻ hàng ngày ở Sài Gòn, không bao giờ có chuyện hỏi tên tuổi, hoàn cảnh hay bị chụp hình lưu trữ. Nếu có phát phiếu cũng chẳng bao giờ ghi tên tuổi. Ai cảm thấy thiếu thì lấy, ai cảm thấy đói thì ăn. Họ vui vẻ và cám ơn người tặng, kẻ cho chứ không cảm thấy nhục, thấy bị xúc phạm như kiểu lãnh gạo phải khai báo như thế này.

Những người chế ra cách kiểm soát này có lòng tốt giúp người gặp hoạn bạn đấy nhưng đó chỉ là thái độ ban phát, thiếu sự đồng cảm, vẫn là tư thế của kẻ giàu ban ân huệ cho người nghèo. Nói chính xác hơn họ thiếu cái tâm thiện cho nên cái máy được gọi là thông minh biến thành cái máy điều tra bất nhẫn, mất tình người. Người xưa thường bảo "Của cho không bằng cách cho". Kiểu cho như thế này không thể gọi là làm từ thiện. Ngay thời nạn đói năm 1945, những cuộc phát chẩn gạo cháo cũng không có hành vi bất nhẫn và xúc phạm phẩm giá như thế này. Người nghèo nhận được mấy ký gạo nhưng họ sẽ thêm tủi thân, buồn phận.
Mùa đại dịch
18.4.2020
DODUYNGOC






Cả tuần nay tui suy nghĩ về cái ATM gạo cho người khó khăn trong mùa đại dịch. Đúng là rất hoan nghênh sáng kiến của người sinh ra nó, phải có tấm lòng với người hoạn nạn mới làm được thế. 1 kg5 gạo một ngày cho một gia đình cũng là tạm ổn trong thời kỳ con virus Vũ Hán tác oai tác quái. Người Việt nghèo ăn uống cũng dễ, chỉ cần có chai nước tương, hay chén nước mắm, hoặc hủ chao với mớ rau là cả nhà cũng xong bữa cơm. Lúc nào khá thì có thịt, có cá, chẳng sao cả. Thế nhưng tui vẫn áy náy chuyện không phát gạo cho người đi xe có vẻ đẹp, áo quần tươm tất, có vẻ có tiền, có vẻ sang, có vẻ giàu. Mấy cái có vẻ đó đã hại họ. Và các anh, chị nhà báo nông cạn được dịp dùng những từ rất khó nghe dành cho những người này. Tít báo gọi họ là "vô liêm sỉ", "không biết nhục", "cướp cơm của người nghèo", "Bất lương"...Nghe nặng nề quá! Ngoại trừ những đám lãnh từ thiện có tổ chức, đầy lòng tham muốn vơ vét cho riêng mình, còn ngoài ra khi những người đứng vào xếp hàng để chờ lấy được miếng gạo giữa buổi trưa nắng như đổ lửa, họ cũng đã khổ tâm và đau lòng, mắc cỡ lắm rồi.

Bởi người xưa cũng đã nói "Chiếc áo không làm nên thầy tu". Những người ăn mặc tươm tất chưa hẳn là không gặp khó khăn trong cuộc sống. Tui vẫn nghĩ đã phát tâm làm từ thiện thì cũng đừng nên phân biệt người này kẻ nọ. Hoàn cảnh của mỗi người không thể giải bày ra bên ngoài được. Cũng có người tham lắm chứ không phải là không, nhưng mà như trong Đạo Phật dạy, người tham lam là tội của họ, họ sẽ chịu hậu quả.

Năm đầu tui vào Sài Gòn đi học, thời gian đầu đói lắm bởi đi học xa nhà mà chẳng có ai nuôi. Gia đình không phải là không có đến nỗi không gởi cho tui tiền nhưng vì nhiều lý do, tui rời nhà như người đi hoang, như kẻ bỏ nhà đi bụi. Và do xuất thân từ nền nếp của gia đình, được Ba Mạ tui dạy cung cách ăn mặc từ tấm bé, lúc nào tôi cũng chemise KT, quần Tergan hoặc Poliester đàng hoàng. Đi ra khỏi nhà là áo bỏ trong thùng, chân mang giày nghiêm chỉnh, nịt, vớ đầy đủ dù bụng đói meo. Từ nhỏ đã được dạy thế rồi. Thời kỳ đó đói vàng mắt, chỉ mong đến bữa có được chén cơm với muối cũng được, với xì dầu, nước mắm chi cũng được để qua cơn. Nếu lúc đó mà có cái ATM gạo như bây giờ với bộ dạng tui như thế, chắc bấm nút cả buổi gạo cũng không phun một hạt mà còn bị những ánh mắt khinh bỉ của những người chung quanh và sẽ bị báo chí cho là "vô liêm sỉ".

Sau 1975 cũng thế, trước đó đi làm lương cao chất ngất nhưng không biết để dành, chẳng biết dè sẻn. Thế nên khi bộ đội vô đến Sài Gòn, mấy tháng sau là tui đói rã họng. Thời gian đầu còn sách, còn áo, còn quần để bán. Rồi đến lúc chẳng còn chi để bán ra chợ trời ngoài bộ đồ trên người. Không kiếm được việc làm, không còn tiền để sống nhưng ngày vẫn áo bỏ trong quần, giày vẫn có trong chân, tóc vẫn chải gọn ghẽ. Lúc đấy không ai biết tui đói đến xỉu, đói đến độ chẳng có chi để đi cầu, có chăng chỉ ra nước. Suốt ngày mặc đồ ra đường, đi lang thang kiếm miếng ăn, có lúc miếng khoai, có khi khúc sắn. Nhưng chẳng ai biết tui đang quằn quại vì đói đâu. Nếu như bây giờ với bề ngoài như thế mà đi xin gạo ăn chắc cũng bị lên án ngay.

Bây giờ, làm ăn, cày vỡ mật ngày đêm có được chút tiền, đến tuổi già tui lại ít chú ý đến ăn mặc. Sao cũng được, áo nhăn, quần bẩn tui vẫn thấy bình thường. Chẳng quan tâm đến bộ dạng sang hèn. Vì vậy tui lại nghĩ với cách ăn mặc của tui bây giờ mà xếp hàng bấm nút xin gạo, gạo lại sẽ tuôn ra ngay vì ông lão này nhìn luộm thuộm, nghèo hèn quá he..he. Có một lần ở Mỹ, vợ chồng người bạn chở tui đi chơi. Trong lúc anh bạn tui vào làm thủ tục lấy phòng khách sạn. Tui và vợ anh bạn ngồi trong xe, vợ bạn tui mới nói với tui đại khái là nghe nói tui ở bên Việt Nam làm ăn cũng khá mà sao tui ăn mặc áo quần rẻ tiền vậy? Tui giận trong lòng lắm mà chẳng biết trả lời sao. Chỉ cười cho qua chuyện. Đấy, người Việt ta thường thế đấy, cứ căn cứ cái vẻ bề ngoài mà kết luận sang hèn. Thật ra tui thấy mấy người đang làm từ thiện hiện nay thường ghi là giúp cho người đang gặp khó khăn. Sống trên đời, bình thường có thể gọi là tạm đủ nhưng lúc ngặt nghèo thì cũng là người đang gặp khó chứ.

Trong cuộc sống vẫn có những người "Đói cho sạch, rách cho thơm", "giấy rách phải giữ lấy lề" dù khó khăn đến đâu vẫn phải giữ thể diện bằng cách lúc nào cũng phải tươm tất để mọi người không khinh, không coi thường. Đôi khi chính cái giữ cho thơm, giữ lấy lề đó lại bị lên án là bất lương, là cướp cơm của người nghèo. Khốn nạn thế! Cứ mãi căn cứ bề ngoài mà đánh giá nhiều khi lầm chết. Bởi thế rất nhiều người bị chúng lừa vì cái mã ngoài sang trọng, vàng giả, hột soàn giả đầy ngực, đầy tay. Cũng có người vì thấy người khác quần ngắn áo thun cứ nghĩ là nghèo mà khinh khi. Lầm chết thật! Và các chú, các cô nhà báo nữa, càng ngày các người càng dùng từ ngữ loạn xạ để đặt tít bài với cái đầu không não và trái tim hoá đá. Người viết báo quan trọng là phải có nhân cách và lương tâm, đừng vì câu độc giả mà biến mình thành những con thú cầm bút.
Sài Gòn mùa dịch vật
18.4.2020
DODUYNGOC





Tôi hạnh phúc khi tôi vẽ, tôi cũng luôn thích nhảy nhót và ca hát! "- đó là những lời của nghệ sĩ trẻ Blanca Alvarez. Cô ấy yêu màu sắc, biển và những ngôi nhà ở Tây Ban Nha, quê hương cô và cô ấy biết chính xác làm gì để bắt đầu những việc yêu thích của mình và đưa đến thành công.

Blanca Alvarez cho chúng tôi biết niềm đam mê của cô đối với nghệ thuật màu nước: "Thật tuyệt vời, điều đó sẽ cho bạn biết cuộc sống của tôi và những bức tranh tôi đã vẽ. Tôi đến từ thành phố Malaga ở miền nam Tây Ban Nha và từ hồi còn nhỏ tôi đã thích vẽ tranh. Bố mẹ tôi làm việc ở các thành phố khác nhau và thường thì họ không có mặt ở nhà. Tôi thực sự nhớ bố mẹ. Để đánh lạc hướng tôi, họ đưa cho tôi bút màu và thế là tôi vẽ. Năm 16 tuổi tôi bắt đầu học tại Học viện nghệ thuật, học kỹ thuật, và tôi sáng tác. Thầy của tôi đã dạy tôi rất nhiều, cho tôi biết bản phác thảo quan trọng như thế nào. Đối với tôi, bản chất của màu nước có thể chỉ là một bản phác thảo. Bạn có thể có một kỹ thuật màu nước tuyệt vời, nhưng nó sẽ không có tác động gì khi bức tranh thất bại vì không có thần thái và sinh động"


Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là có thể vẽ. Tôi đã thứ sơn dầu, nhưng sau đó yêu màu nước. Từ nhỏ, tôi đã thường bảo rằng khi lớn lên, tôi muốn trở thành một nghệ sĩ. Nhưng rồi đã đi học tiếp Đại học Kinh tế.. Và tôi quyết định rằng tôi sẽ vẽ trong thời gian rảnh rỗi. Tôi tốt nghiệp Đại học và bắt đầu làm việc, nhưng tôi cũng thường vẽ trong nhà và ngoài trời, rồi tham gia các cuộc thi khác nhau. 10 phần trăm thời gian tôi dành cho việc vẽ tranh, và 90 phần còn lại tôi đi tìm kiếm việc làm. Tôi nghĩ là nếu tôi dành nhiều thời gian vẽ và làm việc ít hơn? Thật khó cho tôi để đưa ra quyết định như vậy, nó thật đáng sợ.

Vào thời điểm đó, một phòng trưng bày trong thành phố của chúng tôi đã yêu cầu tôi tổ chức một triển lãm. Tôi đã có một năm để chuẩn bị. Sau đó tôi ngừng làm việc và bắt đầu chỉ vẽ. Khoảnh khắc này trùng hợp với cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và đặc biệt là ở Tây Ban Nha, công việc không dễ tìm và đối với tôi đó là một cơ hội tuyệt vời. Triển lãm rất tốt và tôi quyết định tham gia Hiệp hội nghệ sĩ vẽ màu nước ở Pháp. Và vì vậy năm năm đã trôi qua kể từ lần triển lãm đầu tiên của tôi, và bây giờ tôi ở đây tại Moscow. Đôi khi tôi nói, thật điên rồ khi vẽ bức tranh. Cuộc sống cần có một công việc thực sự, một nghề nghiệp. Nhưng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng rằng mình sẽ ngừng vẽ. Bây giờ thì tôi đang "hạnh phúc và không có gì để hối tiếc."
Sài Gòn mùa đại dịch
16.4.2020
DODUYNGOC

Xem Album ảnh tại đây


Trên Facebook có một trò chơi với câu hỏi là: Khi nào hết dịch, bạn sẽ làm gì đầu tiên?

Tui nghĩ trong bụng là khi hết cái dịch khốn nạn này, tui sẽ có ba ngày thoả thích những khát khao, những ước ao. Sáng ngày đầu tiên tui phải chạy ra Phở Dậu làm tô phở bắp gầu, thêm chén tủy với chén gân. Cả tháng rồi không ăn phở, thèm quá rồi, và cũng nhớ cái không khí quán phở mà tui đã gắn bó mấy chục năm nay. Ăn xong chạy ra Trung Nguyên Alexandre de Rhodes gặp bạn bè đấu láo, nhớ lắm! Hay chạy qua Hân Hân bờ kè cũng đặng. Chỗ đấy thoáng, nhìn bờ kênh Nhiêu Lộc mà giá rẻ bèo. Hay là ra Katinat ngồi nhìn phố bao người qua. Ok, chỗ nào cũng được, muốn nhòm Sài Gòn của những ngày trước khi có con virus khốn nạn ấy xuất hiện. Trưa sẽ qua Tuấn Tú ăn cơm Bắc, gọi nửa con cá chép kho riềng hỉ, thêm dĩa chả rươi chứ, rồi dĩa nhộng xào, dĩa hoa thiên lý xào tỏi, đừng quên món ếch om măng Lạng Sơn ăn với bún nha, và cuối cùng là bát canh sấu nấu với sườn heo. Nhớ cho dĩa cải chua, cà pháo với mắm tôm. Chén mắm tôm vắt chanh, đánh lên cho sủi bọt, thêm ớt vào thật nhiều nữa.Xong bữa trưa. Về ngủ. Chiều tối chạy vào Gia Phú Phúc Kiến ăn món Tàu. Chà chà, cũng khó gọi đấy, lắm món quá mà. Gọi món Phật nhảy tường nhá, thêm con Hải sâm với một dĩa vi cá xào trứng. Chưa đã thì kêu thêm tô miến cua nguyên con, tôm viên Phúc Kiến và con bồ câu quay da dòn nữa là no cành hông. Mấy món khác để dành đó mai mốt đến ăn tiếp. À quên, còn món tráng miệng khoai môn bát bửu nữa chứ. Ăn no quá phải tháo bớt lưng quần he...he.

Ngày thứ hai là phải ăn sáng ở Hủ tiếu cá Nam Lợi. Lần này là phải chơi hai tô. Một hủ tiếu cá, một mì cá. Ở đây không bán mì và hủ tiếu chung một bát kk. Chỉ cá thôi nha, đừng ăn gà, gà không ngon vì xé vụn quá mà thịt cũng không ngọt. Cũng không quên cái bánh pate chaud. Pate chaud ở đây rất ngon. Xong chạy ra đường sách, uống ly trà đào, cả hơn tháng rồi không ghé ra đấy. Ngồi bên đường ngắm mọi người đi lại. Khu này nhiều nhan sắc lắm. À mà phải mang theo cái máy chụp ảnh chứ, không thì lại tiếc khi thoáng bóng giai nhân dưới vòm lá với vệt nắng xuyên qua. Trưa chạy vào Lý Thường Kiệt, đến quán ăn Truyền Ký, quán ăn của người Hẹ. Gọi con gà hấp muối, nhắc bớt ít muối và đừng quên chén dầu chấm. Thêm dĩa thú linh chiên dòn với tô canh sen nấu đuôi heo. À không quên món tàu hủ dồn thịt, ớt khổ qua nhồi chả cá. Món này rất ngon. Thế là đủ bữa cơm trưa. Lại về ngủ một giấc, xế xế hơn ba giờ chạy qua Nguyễn Phi Khanh kiếm tô bánh canh giò heo. Dặn giò gân, không ăn giò nạc, không thì giò móng cũng được. Chấm chút nước mắm tiêu chanh ớt, thú vị chứ! Sáu, bảy giờ chiều đến quán Ngự Bình ăn hai dĩa bánh bèo tôm chấy không chả, thêm dĩa bánh ướt thịt với tô bún bò. Dù bún bò ở đây cũng chưa ngon vì thịt bò mềm quá mà giò cũng không ngon, chỉ được cái nước thanh nhưng lại thiếu mùi ruốc. Thế cũng xong buổi tối, cũng sắp xong một ngày. Nếu tối khuya có đói, chạy ra Hai Bà Trưng, chỗ nhà thờ Tân Định mua thêm gói xôi gà là đủ một ngày tươi đẹp hi..hi

Ngày thứ ba ăn điểm tâm ở Bánh mì Hoà Mã. Nửa ổ bánh mì với chảo pate, thịt nguội, chả, hai trứng ốp la. Nếu ngại dầu mỡ thì kêu dĩa thịt nguội, nhắc cho nhiều saucise và mayonnaise, bớt thịt ham với chả lụa. Thêm ly trà đá là xong buổi sáng. Điện gọi bạn qua Diamond ngồi nhâm nhi. Quán này đông, lại không ngắm đường phố được nhưng thuận tiện mà chỗ ngồi cũng tương đối. Trưa sẽ rủ nhau đến quán bà Béo chỗ Võ Văn Tần ăn cơm bình dân. Quán có nhiều món ngon, mực nhồi thịt nè, cá thu chiên dầm nước mắm nè, lòng luộc chấm mắm tôm, cà ri gà và một bát canh rau đay. Xong ngay. Có ai rủ rê ra quán nước thì ngồi tiếp không thì rú xe về ngủ một giấc trưa, ngồi lắm cũng đau lưng. Chiều tối sẽ ra xe mì Cao Vân. Ăn tô mì tài xá xíu với một tô xí quách kha...kha. Mì tài là tô mì lớn ba vắt. Nếu sợ tối đói thì chạy về Ngọc Xuyến mua ổ bánh mì ruốc thịt lận lưng cho bữa khuya thức có cái bỏ vào bụng. À đến Ngọc Xuyến thì phải có bánh chuối nữa chứ. Mua nửa ổ ăn dần, bánh ở đây ngon hơn mấy chỗ khác nhiều, ngọt, béo, chuối nướng cháy cạnh tươm mật. Định tối chạy vô Chợ Lớn chỗ tượng Khổng Tử ăn hàu chiên trứng rồi qua chè năm ngọn hoặc Châu Văn Liêm ăn bát đu đủ hấp đường phèn. Nhưng rồi lười vì đường xa quá.

Thế là xong ba ngày đi ăn trả thù những ngày cách ly chỉ có mì gói với bánh mì khô khốc, bánh cuốn nguội tanh. Bèn mở ipad, bấm trò chơi với câu hỏi: Khi nào hết dịch, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Bà mẹ, nó bảo là khi hết dịch sẽ đi làm hôn thú và chuẩn bị đám cưới he..he. Già xụm chân sưng cẳng rồi, còn cưới hỏi chi nữa trời!!!
Sài Gòn mùa dịch vật
16.4.2020
DODUYNGOC















































































MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget