Latest Post





Hôm trước đi Hội An với mấy cô em gái từ xa vê, định đi Cửa Đại chơi, thế nhưng cậu tài xế bảo Cửa Đại giờ tàn lắm, người ta thích đi An Bàng hơn, thế là đi Bãi tắm An Bàng. Bãi này đang phát triển, khách đông, đa số là nước ngoài. Hàng quán, tiệm ăn mở từng dãy và buôn bán có vẻ phát đạt. Bỗng dưng thèm ăn món cá hố kho dưa cải chua, nghĩ đây là biển, làm gì cũng có món này. Hoá ra không có bán, trong menu không thấy, chỉ có tôm, mực và các loại sò ốc. Hỏi chị chủ quán, lắc đầu. Một lát sau, chị này đi hỏi đâu đó trở lại và bảo có mấy khúc cá hố để tủ lạnh định dành nhà ăn, nếu thích thì chị sẽ làm món này cho bữa ăn trưa nay. Ok ngay. Nhưng rồi một lát nữa chị lại bảo không có dưa cải, ăn cá hố chiên nha, cũng ngon mà. Thì cũng đành chứ sao. Ba khúc cá nho nhỏ, một khúc đuôi và hai khúc thân chiên dòn với chén nước mắm. Ăn tạm vậy, thế nhưng khi tính tiền, riêng dĩa cá ấy tính đến 350.000 đồng, đắt dữ, nhưng không cảm thấy ngon.
Hồi nhỏ con cá hố là loại cá rẻ tiền và chế biến được nhiều món ngon. Mạ mua về làm đủ món, đến giờ cứ nhớ hoài con cá dẹp dẹp, dài dài tưởng ít thịt nhưng thật ra cũng dày cơm.
Cá hố sinh sống ngoài khơi và ven bờ, ở tầng giữa và tầng trên, thường sống ở độ nước sâu từ 45- 60 sải tay. Cá tập trung thành đàn, nổi lên mặt vào mùa sinh sản, kiếm mồi rồi xuống sâu hơn. Trong mùa sinh sản, mỗi cá mái có thể sinh khoảng 130 ngàn trứng. Trứng nhỏ, có đường kính 1.6-1.9 mm, trôn nổi và nở thành cá bột sau 3-6 ngày. Cá bột dài 5.5-6.5 mm. Mùa sinh sản kéo dài trong các tháng từ 6 đến 10, cao điểm vào tháng 8.
Cá thuộc loại cá dữ, nổi lên tầng trên kiếm ăn vào ban ngày, và trở lại tầng đáy ban đêm, ăn các động vật như tôm, cá mực.. nhỏ hơn, khi còn nhỏ chúng ăn các phiêu, vi sinh vật. Cá trưởng thành sau 2 năm, đạt độ dài 30 cm và chuyển sang ăn cá nhỏ hơn. Cá có thể lớn, dài đến trên 2m, nặng 5 kg và sống trên 15 năm. Theo các ngư dân, cá hố to nhất chỉ chưa đến 10 kg tuy vậy cá có thể có chiều dài lên đến 4m, các ngư dân ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc đã bắt được một con cá hố dài 4m, nặng 18,5 kg ngư dân ở vùng Kê Gà, Bình Thuận cũng trông thấy cá hố khổng lồ dài gần 3m, thân rộng gần 30 cm và nặng tới 27 kg.
Cá hố có mặt hầu như tại mọi vùng biển nhiệt đới và ôn đới trên thế giới. Tại Việt Nam cá tập trung trong vùng biển miền Trung, từ Quảng Bình xuống Quy Nhơn, Quảng Ngãi..(wikipedia)
Hôm qua thấy trên facebook của cửa hàng món ăn Đà Nẵng ở Sài Gòn giới thiệu có cá hố mới vào, rú xe qua hẻm 285/58 CMT8 mua một kí, nhưng chỉ có gói 9 lạng, ừ thì chín lạng hay một cân thì cũng khác chi nhau. Lúc tính tiền hoá ra loại cá này có giá đắt dữ , chín lạng 270.000 đồng, hèn chi ở An Bàng tính giá cao, nhưng lại quá cao cho ba khúc cá vì ở đấy giá cá tươi chắc rẻ hơn Sài Gòn nhiều. Ở Sài Gòn phải tốn tiền vận chuyển máy bay, tiền thuê mặt bằng, tiền thuế, tiền điện, tiền nhân viên, giá có thể tăng gấp 1,5 hay 1,7 lần là hợp lý. Tiện đường qua thăm anh chồng cô em gái đang bệnh ở Quận tư, nên sau khi chạy qua chợ mua mấy chục dưa cải và mấy trái ớt đem qua nhờ cô ấy kho luôn. Không kịp món này cho buổi trưa vì phải rã đông, đành để chiều cô ấy nhờ Grabbike mang qua nhà. Nồi cá thấy chưa hấp dẫn, thử một miếng thấy chưa ngon, cá chưa thấm và hình như không được tươi hay rã đông chưa đủ độ nên thịt cá mềm và hơi tanh. Tối lại đi ăn cưới con người bạn nên đành cất tủ lạnh.
Sáng nay đem ra định kiếm chút nước dừa kho lại thì may quá cô bạn mang cho mấy hộp nước dừa tinh khiết. Thế là chế vào, thêm chút nước mắm, chút đường, ớt bột, bẻ thêm hai trái ớt xanh bắt lên kho lại. Nếm thấy ngon hơn, cá thấm và bớt tanh hơn, dưa cải cũng thấm đậm đà hơn. Trưa nay sẽ ăn với bún, hi vọng sẽ thoả mãn được cơn thèm món cá hố kho dưa cải, một món ăn rất đặc biệt của xứ Quảng Nam. Mà cũng ngộ, tui vốn không phải là con dân gốc của xứ này, tui chỉ là dân ngụ cư lớn lên ở xứ ấy, thế mà tui chỉ thích ăn và khi đi xa chỉ thèm ăn những món ăn của vùng đất Quảng Nam còn hơn là những người quê gốc sinh ra và sống ở đấy. Hay thật chớ, nhiều người cũng lấy làm ngạc nhiên về cái khẩu vị của tui he..he.
Lúc này toàn nói chuyện món ăn, thôi thì vậy cho nó lành, nói hoài mỏi tay mà chẳng có tác dụng gì, mấy ai nghe.
31.5.2019
DODUYNGOC
Đã ăn và không ngon như mình nghĩ, hình như cá không được tươi. Mà khi không tươi thì không có cách chi làm cho ngon được. Cải muối không hiểu sao lại đăng đắng, nhẫn nhẫn dù thấy có màu vàng nhìn ngon, không lẽ có hoá chất?
Đành vậy thôi. Hơi uổng công. Làm mất thời gian giã ớt tỏi, bể mẹ cái tô nhỏ hi..hi. Thôi từ nay không nhắc món này nữa nếu không tìm được cá tươi.











Ngày xưa nghe đến quận tư là ớn lắm. Những khu nhà lụp xụp, những kênh rạch hôi thối, những thanh niên nổi tiếng giang hồ, những phu phen anh chị. Bây giờ thì đổi đời rồi, những cao ốc liên tiếp mọc lền, đầt đắt hơn vàng, những con đường tráng nhựa như đường cao tốc. Và từ đó con người cũng hiền hoà hơn. Những người đi xa về chắc chẳn không nhận ra quận tư thời xưa nữa. Nhớ cầu Dừa thời làm lồng chim, những con hẻm đường lổm chổm đá, những mương nước đen ngòm. Giờ cây cầu cũ vẫn còn lại có thêm cầu mới rộng đẹp. Xóm cầu Dừa đã thay áo mới. Hòang Diệu, Khánh Hội, Xóm Chiếu...thành những con đường lớn cả, chẳng khác gì phố xá bên kia cầu Ông Lãnh.









































Ở Sài Gòn bây giờ giữa mùa hè mà đi tìm cho ra cây phượng đỏ ngó bộ khó. Người ta chặt hết rồi và thay vào đấy những loại cây khác, mùa hè Sài Gòn thiếu bóng phượng. Tình cờ đi ngang trường Gia Long cũ, bây giờ là Minh Khai thấy trước sân trường có loáng thoáng mấy cây và bên hông trường ở đường Trương Định còn hai cây, nhưng những cành hoa không xum xuê, rực rỡ như mình mong. Thôi thì có nhiêu xài nhiêu vậy. Ngày xưa ở các thành phố miền Nam, khi hè về, ve kêu người ta thấy được nhiều cây phượng đỏ rực rỡ ở nhiều con đường giữa phố. Ở Đà Nẵng thời còn học trung học, đường đến trường là đường Khải Định, hai bên đường bóng phượng đỏ rực báo hiệu hè về. Giờ đây con đường đó mang tên Ông Ích Khiêm, đổi tên và con đường cũng chẳng còn cây phượng nào, trở về, đi lại con đường cũ lòng rưng rưng nỗi nhớ. Hồi đó, trường tui có một cô nữ sinh học ban Nữ công có tên trùng với loài hoa ấy. Cô ấy có nét đẹp là lạ, khác với quan niệm về nhan sắc, khuôn mặt cô giống Đức Mẹ, thánh thiện và nghiêm trang. Tui có anh bạn thân yêu cô ấy lắm, mối tình học trò thật đẹp, không biết cô có hồi đáp không, nhưng tui vẫn nghĩ dó là mối tình đẹp của thời mới lớn. Cô ấy đã mất hơn hai chục năm nay, không biết anh bạn tui mỗi lần nhìn cánh phượng có còn nhớ cô ấy không? Tui chẳng liên quan gì nhưng không hiều sao mỗi lần nhìn cánh hoa đỏ ấy tui lại nhớ khuôn mặt hiền như Đức Mẹ ấy. Tiếc cho một số phận bạc phận hồng nhan. Tui hay liên tưởng những cánh hoa phượng rụng như những giọt máu rớt trên mặt đường. Những cánh hoa rỉ máu tiếc thương cho những mối tình học trò không trọn vẹn, những mối tình của một thời xa lắc lơ để bây giờ năm mươi năm sau ngoái đầu nhìn lại đầy tiếc nhớ.
Hôm nay đi chụp những cành hoa phượng để nhớ những mùa hè quá khứ, chẳng có bức hình nào ưng ý vì cánh phượng Sài Gòn chẳng còn rực rỡ và lưa thưa quá. Nhưng mà thôi, cũng còn tìm được cánh phượng để mà nhớ giữa thành phố đã có lắm đổi thay này cũng đã là một niềm vui. Chụp cánh phượng và tui nhớ những cây phượng và tiếng ve kêu râm ran của một thời xưa cũ. Làm sao để được trở về tuổi thời ấy nhỉ. Chiếc kim thời gian tàn nhẫn quá, thoáng chốc đã đến tuổi già, thoáng chốc tất cả những chuyện vừa hôm qua, hôm nay đã là kỷ niệm. Buồn nhỉ! Đã cuối tháng năm rồi.
30.5.2019
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget