Latest Post



CON NHỒNG
Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc
( Nảy sinh từ một chuyện kể của bạn Nguyễn Khắc Nhượng)
Đến tuổi sáu mươi thì anh mới qua Pháp định cư. Hồ sơ hoàn tất từ hồi tuổi năm mươi, không hiểu sao cứ kéo dài mãi. Toà lãnh sự kêu lên năm lần bảy lượt hết hỏi này nói nọ lại bổ túc hồ sơ. Anh thấy nản, chẳng muốn đi nữa, bỏ ngang. Sau khi vợ anh mất, anh lại càng không nghĩ đến chuyện đấy nữa. Nhưng cô em gái bảo lãnh cho anh, thương ông anh ruột côi cút một mình, cứ thúc anh mãi. Anh cứ lần khân vì anh không muốn làm gánh nặng cho cô em.
Hơn nữa, anh thích sống ở Việt Nam hơn. Ở đây có bạn bè, hàng xóm, bà con. Đi đến đâu cũng có người để nói chuyện. Mà anh lại là người thích chuyện trò. Ra quán cà phê đầu ngõ mỗi ngày, anh gặp bao người, đa số là quen cả, đủ thứ chuyện để nói với nhau. Hôm nào lười nói thì ngồi nghe, nghe người khác nói cũng là một cái thú. Đi sửa cái xe, bắt chuyện với anh thợ trẻ, nghe anh kể tâm trạng nhớ quê, nhớ vợ, thương cho hoàn cảnh của anh. Gặp anh thợ già lại nghe chuyện đời, chuyện lòng người, hiểu thêm nhiều cảnh ngộ. Vợ chồng anh sống giản dị, gắn bó với mọi người nên gặp ai trong phố cũng chào hỏi, nói cười rôm rả. Cho nên khi nhận được giấy tờ định cư, rồi mua vé máy bay, anh buồn lắm, tâm trạng chẳng muốn đi. Nhưng anh cứ lấn cấn chuyện ở đây thì vui nhưng lắm chuyện để nghĩ. Anh là người siêng năng nghe đài, xem báo, đọc mạng, biết nhiều chuyện quá buồn của đất nước, nhìn thấy bế tắc không có lối ra của nền kinh tế đang có dấu hiệu sụp đổ. Hàng ngày chứng kiến những tên tham ô, nhũng nhiễu, cướp của dân nghèo, anh xót xa thấy mình bất lực. Anh rùng mình sợ hãi với cách sống tàn nhẫn nhan nhản trong xã hội, con người tàn sát lẫn nhau để tồn tại, lừa gạt nhau để sống, đầu độc nhau để thủ lợi. Những điều đó làm anh trăn trở và anh nghĩ rời đất nước để không còn phải làm một kẻ chứng nhân và cũng là nạn nhân của sự tàn mạt đó. Anh biết qua đấy sẽ buồn nhiều hơn vui, vì anh đã có thời gian đi học ở đấy, nhưng ít ra anh khỏi phải là người chứng kiến một sự đứt gãy và sụp đổ những giá trị văn hoá mà anh đã một thời tôn thờ và ngưỡng vọng. Anh không muốn nhìn thấy những nền nếp lâu đời của một dân tộc đang rã nát. Và vì thế anh đi.
Khi máy bay tăng tốc để rời phi đạo, anh khóc khi nhìn qua cửa sổ và phía dưới kia là những con đường, những nóc nhà, những địa điểm quen thuộc. Và bỗng dưng anh tự nghĩ mình quyết định thế này có đúng không?
Nước Pháp đón anh với những cơn gió lạnh mùa đông tái tê. Anh thấy mình cô dộc hơn bao giờ với mớ hành trang lỉnh kỉnh. Những ánh đèn màu lung linh trên phố, tiếng người xôn xao nhưng không có giọng nói của quê hương khiến anh bơ vơ.
Ở chung với gia đình cô em được mấy tháng, anh thấy không được thoải mái lắm, lại thêm chẳng muốn làm phiền. Anh đi thuê một căn phòng nhỏ ở khu Saint Denis, một vùng ngoại ô và giá bình dân, nhưng khá lộn xộn. Cả ngày chẳng biết làm gì, anh lang thang ra công viên, vào quán cà phê bên đường, sáng ăn cái bánh croissant, uống ly cà phê sữa, trưa ăn khúc bánh mì mong có găp một người Việt để cùng nói chuyện năm ba câu. Cũng có khi gặp, nhưng ai cũng vội, chỉ mình anh không vội nên chỉ nói hai ba câu xã giao hờ hững. Anh thèm được nói chuyện, được nghe tiếng Việt như những ngày ở quê nhà, nhưng khó quá. Có nhiều đêm trong căn phòng nhỏ, không ngủ được, anh nhồi cho mình một cối thuốc đầy, thắp một ánh nến, rót một ly rượu rồi ngồi nói một mình như kẻ điên. Sau những lần độc thoại như thế, anh lại cảm thấy mình cô đơn hơn, chán nản hơn. Đối diện phòng anh là phòng của một tay Mỹ già. Ông ta vốn là một thuỷ thủ tàu buôn, đến lúc tuổi già thì rời vùng đất đầy gió biển Marseille về Paris chứ nhất định không về Mỹ. Lão bảo cứ xuống phi trường, đặt chân lên đất Mỹ là lão buồn ói. Ở lâu, hai lão già thành bạn, lâu lâu cũng ngồi với nhau nhấm nháp ly rượu, nhai một chút xúc xích, nói với nhau bằng hai thứ ngôn ngữ lơ lớ nhưng cũng hiểu nhau. Lão già Mỹ nói tiếng Mỹ pha chút tiếng Pháp, lão già Việt nói tiếng Pháp pha chút Mỹ, lâu lâu lại chêm tiếng Việt khiến tay người Mỹ ngẩn ngơ. Mỗi lần như thế, anh lại xin lỗi và bảo tại nhớ tiếng Việt quá.
Anh tìm đến cộng đồng người Việt, tham gia nhiều sinh hoạt với họ, được dịp nghe và nói tiếng Việt. Những cuộc gặp gỡ như thế thường chỉ tổ chức vào cuối tuần hoặc dịp lễ lạc. Thời gian đầu anh thấy thú vị và sung sướng lắm. Nhưng rồi lần hồi, anh nhận ra mấy tổ chức này lung tung quá, nhiều khuynh hướng chính trị quá lại cứ cãi nhau như mổ bò, tranh dành danh hão, gặp nhau là dịp để khoe đủ thứ trên đời, nói xấu thiên hạ. Anh nản nên rút lui dần, chỉ còn mỗi tuần đi nhà thờ ở cuối phố, gặp mấy bà già Việt qua đây từ thuở nào, chào nhau, nói vài chuyện. Các bà qua lâu quá rồi nên cũng chẳng có nhớ chuyện gì để nói ngoại trừ nhắc lại mấy chuyện xa lắc lơ của thập kỷ bốn mươi của thế kỷ trước ở vùng quê chiêm trũng Bắc bộ.
Và rồi anh phát hiện có bà cụ nuôi một con nhồng biết nói tiếng Việt. Cũng tình cờ thôi, hôm đó lễ xong trên đường về thì anh cùng đường với bà cụ. Bà cụ khoe anh là vừa được cậu cháu vừa đi Việt Nam về biếu cho con nhồng nói được. Cụ bảo gian truân, ma mãnh lắm mới đem được con chim qua đây. Thế là anh ghé nhà bà xem thử, con nhồng nói được thật, nhưng chỉ nói được "Trời ơi" và nhiều tiếng ậm ừ trong họng. Nhưng thế cũng là tốt rồi. Anh chợt nghĩ, giá mà anh có con chim thế này nuôi trong phòng, anh sẽ dạy nó nói thêm nhiều tiếng nữa, suốt ngày chim và người nói qua lại với nhau, cũng là điều quá thú vị. Từ đó, anh siêng đến thăm bà, để nghe bà ngọng nghịu nói vài tiếng Việt và chủ yếu là nghe con nhồng hét lên "Trời ơi". Bà cụ già, lười biếng nên chuồng chim lúc nào cũng đầy phân chua loét, lần nào ghé anh cũng dọn sạch lồng cho chim nên lần hồi chim cũng quen anh, mỗi lần thấy bóng anh là nó ngước mỏ lên mà la "Trời ơi". Bỗng một hôm bà cụ bảo anh: Anh ạ! Tôi thấy anh quý chim, tôi cũng thích nó nhưng không khoẻ để chăm sóc nó cho tốt. Hay là tôi xin tặng anh, anh đem về chăm sóc nó tốt hơn tôi. Nghe thế anh mừng húm, anh bảo gởi cho cụ ít tiền, cứ xem như anh mua lại con chim của bà cụ.
Từ đó, anh có con nhồng làm bạn. Anh đặt cái lồng giữa phòng, chùi rửa mỗi ngày, thức ăn, tắm rửa đầy đủ nên chim càng ngày càng phổng phao, bộ lông đen nhánh như nhung, cái mỏ với đôi tai lủng lẳng vàng choé như múi mít chín. Và cũng nhờ khoẻ nên chim siêng nói, nhưng chưa học thêm từ nào mới, vẫn cứ vểnh mỏ mà la "Trời ơi". Anh cũng trời ơi với nó, nói qua nói lại suốt ngày. Anh muốn dạy nó nói "Mẹ ơi", " Ba ơi", "Việt Nam ơi". Nhưng nó vẫn ầm ào trong miệng, phát âm chẳng rõ ràng. Anh bớt đi lang thang. Sáng pha cà phê, cắt cho chim miếng chuối, cho miếng croissant, chim kêu "Trời ơi". Anh hớn hở cười, nói lại "Trời ơi". Suốt ngày không biết chán. Chim và người cứ đối thoại với nhau như thế và anh thấm hơn cái nghĩa của chữ trời ơi của người Việt. Anh định viết một bài nghiên cứu về "Trời ơi" trong phong tục và ngôn ngữ của dân Việt, anh nghĩ chắc cũng lắm cái hay. Anh sẽ phân tích cái chữ trời ơi trong mọi hoàn cảnh mà người Việt thường dùng khi sung sướng cũng như lúc đau khổ, lúc ngạc nhiên cũng như lúc bế tắc của số phận. Anh khám phá ra triết lý của chữ trời ơi nó phong phú quá, nó sâu xa quá.
Mấy người bạn cũ của anh nay đang định cư ở Mỹ rủ anh qua Mỹ chơi nhân dịp họp mặt truyền thống trường học xưa thời trung học. Chuyến đi dự định một tháng. Anh chỉ một mình, đi đâu cũng được, ở đáu cũng thế nên chuyện đi đối với anh, anh chẳng có gì phải băn khoăn. Chỉ cần mua vé, xách vali lên là đi thôi. Nhưng anh ngại không ai chăm sóc con nhồng, cũng chẳng biết gởi ở đâu trong những ngày anh vắng mặt. Thời may, khi biết nỗi âu lo của anh, anh bạn Mỹ già mở lời sẽ chăm sóc chim chu đáo như lời anh dặn dò và khẳng định sẽ chẳng có chuyện gì có thể xảy đến cho chim.
Tin tưởng lời hứa của bạn già, anh đi Mỹ một tháng mà lòng cũng lo âu, vài hôm điện về Pháp hỏi thăm, biết chim vẫn khoẻ là an tâm rồi.
Lão bạn già người Mỹ đón anh ở phi trường lúc anh về lại Pháp. Câu hỏi đầu tiên của anh là chim sao rồi, khoẻ chứ. Lão Mỹ nhìn anh tủm tỉm cười: Khoẻ và hay hơn trước nhiều. Trong mắt lão ánh lên một tia nhìn tinh quái đầy vẻ bí mật. Anh hỏi lão chỉ cười: Về biết liền. Mở cửa phòng, thả cái vali, anh kêu: "Trời ơi" như lời chào. Con chim ngóng mỏ chào lại:"Oh my God". Cái gì thế này? Anh lập lại:"Trời ơi". Chim cũng trả lời:"Oh my God". Anh lập lại nhiều lần, chim vẫn trả lời :"Oh my God". Anh quay nhìn lão Mỹ, lão cười ha hả với giọng đắc thắng: "Mày thấy tao giỏi không? Chỉ một tháng, tao đã dạy nó nói được tiếng Mỹ, chưa đâu, nó còn biết chào Hello nữa kia, rồi mày sẽ nghe". Anh điên tiết nhìn hắn với cặp mắt toé lửa: "Tao chỉ muốn nó nói tiếng Việt, mày hiểu chưa, tao không muốn nó nói tiếng Mỹ". Lão Mỹ cười khùng khục: "Tiếng nào cũng thế thôi, mày phải cám ơn tao vì đã dạy được nó nói". Anh quắc mắt la lẻn: "Cám ơn cái con cặc, đụ má mày, mày làm hư con chim của tao rồi. Cút mẹ mày đi". Lão Mỹ nhìn anh ngạc nhiên, đôi mắt xanh mở to như mắt khỉ, ra dấu chẳng hiểu gì. Mà làm sao nó hiểu, làm sao giải thích cho nó biết anh chỉ cần chim nói tiếng của dân tộc anh, của quê hương xa tít của anh, để anh cảm thấy gần gũi với quê nhà. Anh chỉ cần nghe tiếng trời ơi, chỉ cần thế thôi. Lão thuỷ thủ già không hiểu điều đó, lão không có ý niệm quê hương, lão buồn ói khi nói về đất nước của lão, không có chút đồng cảm trong chuyện này thì làm sao để gỉải thích.
Anh đứng giữa phòng la to:"Trời ơi". Nhồng trả lời:" Oh my God". Cuộc đối thoại nhàm chán suốt như thế cho đến khi anh khản cả cổ. Chim đã quên tiếng Việt. Suốt cả tuần, trừ lúc ngủ, lúc ăn, anh cứ đứng với lồng chim mà kêu:"Trời ơi". Và chim mãi trả lời : "Oh! My God". Không biết tay Mỹ già dạy sao hay thế. Lần hồi, anh khám phá ra lão già cho chim ăn Hamburger. Anh chỉ cho nó ăn bánh Croissant. Lão cho Hamburger có thịt, chim khoái nghe lời lão. Anh lại biết thêm lão cho chim uống rượu Whisky, trong khi anh chỉ cho chim uống nước lã. Hèn gì, anh châm nước cho nó, nó chấm mỏ vào rồi vung vẩy, lấy mỏ kẹp nghiêng hủ nước cho đổ lênh láng. Hoá ra nó đòi Whisky. Lão này mất dạy thật. Con chim đã hư rồi. Bây giờ nó chào Hello khi muốn ăn, nó kêu Whisky khi muốn uống, lúc anh hét trời ơi, nó trả lời Oh! My God! Việc đó làm anh phát điên. Anh bỏ mấy tuần để dạy lại tiếng trời ơi cho nó, nhưng nó làm như đã quên rồi. Nó chỉ Oh! My God. Nhiều lần, tức quá anh đập mạnh trên nóc lồng rầm rầm, nó bay loạn xạ, dáng điệu ngạc nhiên, sợ hãi nhưng vẫn kêu : Oh! My God! Tức không chứ. Giờ thì nó chỉ ăn Hamburger, uống rượu và nói tiếng Mỹ.
Chịu hết nỗi, anh túm lấy chân nó, mở cửa sổ, tung nó ra ngoài trời. Anh nói: "Bay đi, tao không cần mày nữa". Nó chao một vòng. Paris đang mùa thu, lá vàng trên cây, lá đỏ dưới đất. Con chim màu đen lượn mấy vòng trong sắc thu rồi trở lại đậu trên bậu cửa sổ. Anh bảo: Trời ơi. Nó: Oh! My God. Nhiều lần như thế, bực mình anh xua nó bay đi, đóng cửa sổ lại, ngồi vào ghế nhồi cối thuốc. Nó quay lại, lại đậu trên bậu cửa, mỏ gõ cành cạch vào cửa kính. Nó kêu Hello, Hello!
Anh hét: Trời ơi! 
Nó trả lời: Oh! My God!
Anh ném mạnh tẩu thuốc đang hút vào cửa, chim hoảng hồn bay đi, vừa bay vừa kêu: Oh! My God!
Không biết nó kiếm ăn ở đâu, đêm có lẽ nó ngủ trên cành cây phía bên kia đường. Nhưng suốt cả tháng, sáng nào nó cũng đậu nơi cửa sổ phòng anh, dùng cái mỏ vàng gõ cành cạch vào cửa kiếng mà Hello với Oh! My God!
Thế rồi một hôm nó mất hút, mấy ngày không thấy bóng dáng nó. Anh mở cửa sổ, ngước lên cây gọi liên tục: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi!. Chẳng có tiếng vọng nào. Anh vẫn gọi, lớn hơn: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Những người đi đường nhìn lên, cứ nghĩ có một lão già châu Á đang bị điên, có lẽ vì lão nhớ quê hương.
Con chim Trời ơi của anh đã vỗ cánh bay mất, suốt cả buổi anh cứ gọi mãi trời ơi, hi vọng nó sẽ bay về. Nhưng nó đã mất biệt. Giọng anh lạc đi với hai hàng nước mắt. Nó đã nói tiếng Mỹ rồi. Nó đã quên tiếng Việt rồi. Thôi! Anh cũng đành quên nó đi.
26.10.2018
DODUYNGOC


Tôi giờ dấu mặt vào đâu
Không em bạc hết mái đầu trong gương
Hoa tàn lá héo úa vườn
Nửa khuya trăng vỡ gió trườn thịt da
Tôi giờ như kẻ không nhà
Lang thang xó chợ la cà phố đêm
Không dưng em cắt êm đềm
Cô đơn tôi thấy chiếu mền hoang vu
Chắc xưa tôi vụng đường tu
Yêu em mấy chặng đã tù tội nhau
Một thời hạnh ngộ qua mau
Vì ba con chữ hoá màu tối đen
Tôi giờ thắp mấy ngọn đèn
Bóng in dấu vách thấy nghèn nghẹn môi
Tay buồn vẽ nét đơn côi
Tháng năm còn lại tự bôi mặt mình
Tôi giờ đành chịu làm thinh
Nhìn em cười nói tự tình cùng ai
Cuối cùng em đúng tôi sai
Tôi soi bóng ngã in dài bước đi
Mấy năm tình giữ được chi
Bay theo gió thổi còn gì trên tay
Tôi giờ tập uống rượu say
Khật khà khật khưỡng nhìn ngày tháng trôi
Tôi giờ chẳng gọi là tôi
Bao nhiêu mộng mị thả trôi cuối trời
Ai bày ra một cuộc chơi
Để tôi chẳng đợi ai mời đành đi.
Tôi giờ làm gió thiên di
Chờ ngày hoá bụi bay đi phương đời
Có khi nào được nghỉ ngơi
Thắp dùm tôi với đôi lời khói nhang.
5.5.2019
DODUYNGOC

Tặng bạn tôi để nhớ một thời
Có một thời Vũ đói, đói rạc cả người, hình hài như xác ve. Cứ thử tưởng tượng một thằng thanh niên mười tám tuổi, cao một mét sáu sáu mà chỉ nặng bốn mốt kí lô là hình dung ra Vũ thời kỳ ấy. Đói liên tục, nhiều khi cả tuần không có chút cơm vào bụng, chỉ toàn khoai lang, khoai mì, bánh ít lề đường, gặp gì ăn nấy, vơ vét được vài ba đồng mua đại thứ gì rẻ nhất bỏ vào mồm. Đói đến độ nhiều bữa đi ỉa chẳng có phân, toàn vỏ khoai với nước lỏng bỏng. Mặt xanh rớt, chỉ còn đôi mắt sáng ương ngạnh lại càng to hơn vì hai má lõm. Cũng may giòng giống nhà Vũ không có miệng vẩu, nếu không chắc hàm răng kẻ đói cũng đưa ra như mái hiên nhà. Tóc phủ chấm vai, dáng lừ đừ như thằng nghiện.
Điều khó cho Vũ là gia đình vốn không phải là nhà nghèo, từ bé đến tuổi đó Vũ chưa bao giờ có khái niệm cái đói, nên bây giờ luôn dấu diếm cái đói của mình, sợ bị cười chê và những câu hỏi tò mò của người tọc mạch. Vũ bắt đầu nếm mùi đói khi tự ý bỏ nhà đi học theo nghành học mà Vũ ưa thích. " Ừ! Muốn vậy thì tự lo cái thân mày nhé!". Bố Vũ nổi sùng kết thúc buổi nói chuyện, Vũ lặng lẽ xách túi vào Sài Gòn. Lúc đó y vẫn nghĩ, làm giàu mới khó chứ cơm ngày ba bữa thì khó khăn gì. Nhưng vào rồi mới biết, kiếm được miếng cơm không phải là điều dễ dàng. Mấy tháng đầu mới vào lơ ngơ, chẳng biết kiếm gì để sống. Chiếc đồng hồ đeo tay, món phần thưởng hồi học lớp nhất lên đường đầu tiên. Lúc đầu chỉ định cầm ở tiệm cầm đồ của vợ chồng anh lùn ở chợ Trương Minh Giảng, nhưng nghĩ lại làm quái gì tiền mà chuộc nên đem ra chợ trời Hàm Nghi bán luôn. Cũng chẳng có chút ngậm ngùi nào dù Vũ đeo nó đã được bảy năm, suốt thời trung học. Cứ nghĩ đến bữa cơm tươm tất có chút thịt là kỷ niệm với kỷ vật đều quăng vào sọt rác. Tằn tiện cũng được hơn tháng, lại bán từng cuốn sách ăn từng bữa. Hồi còn ở nhà, mê văn chương nên khi nào có chút tiền là mua sách đọc, bây giờ cơm không có ăn, văn học nghệ thuật chẳng còn giá trị gì, đem đổi cho qua cơn đói. Hết sách, lại đến giày, rồi áo, rồi quần lần lượt ra đi. Chỉ còn bộ đồ trong người và đôi giày để đến lớp. Hôm nào ngủ nhờ nhà bạn thì giặt, vắt thật kỹ, phơi dưới gió cho mau khô, mai lại tiếp. Bữa nào không có chỗ qua đêm thì lẻn vào trường, len lén vô phòng sinh hoạt sinh viên, tắm một phát, giặt cái áo, chỉ áo thôi vì quần dễ dấu vết dơ, mà lại lâu khô, đôi khi thì chỉ vò sơ hai ống quần. Giặt xong thì ở trần, ngồi co ro trong bóng tối đập muỗi chờ áo hơi ráo xếp thật kỹ làm gối, tìm xó nào ngủ qua đêm.
Vũ sống như thế hơn ba tháng đầu của năm thứ nhất. Chẳng mấy ai biết y đói, nhưng có người nghi y chơi xì ke. Rồi cũng chẳng còn gì để bán, mới vào học nên cũng không dám bỏ học kiếm việc làm, sợ thi rớt đi Thủ Đức. Lần đó Vũ đói đến tám ngày, mấy hôm đầu còn thèm ăn, thấy gì cũng thèm, từ viên kẹo cho đến trái chuối, ổ bánh mì chan nước xốt cứ lởn vởn, bụng cứ sôi sùng sục. Lúc nào cũng ngửi có mùi món ăn thoang thoảng. Sáng lừ đừ đến quán bà Vú bên hông trường, mấy thằng bạn uống cà phê, Vũ chỉ rót trà từ bình thiếc qua li, len lén lấy chút đường trong hủ, khuấy nhè nhẹ, uống chậm rãi, nuốt tới đáu nghe tới đó. Cầm cự đến hôm thứ tư thì chẳng còn thấy đói, chỉ thấy mệt, gió hiu hiu cũng thấy gai gai người, cũng có một bữa được miếng khoai thằng bạn mua ăn dở, cầm miếng khoai khới nhẹ, dè dặt vì sợ lủng bụng, nhai khoai ra nước rồi nuốt. Đến ngày thứ tám thì y đứt hơi, ngã quỵ trên cầu thang đi lên giảng đường, vẫn tỉnh táo nhưng không bước nổi, thấy trời đất, con người cứ quay vòng vòng như đèn cù, mọi người la ơi ới, có ai đó xốc nách, giữ chân Vũ khiêng xuống phòng y tế. Nhiều sinh viên bu quanh, tò mò cũng có mà rảnh rỗi quá cũng có. Y tá Đào chạy lăng xăng đi kêu bác sĩ. Bác sĩ Đỏ đến, dáng lùn lùn của ông, Vũ nhìn như ông đi dưới sương mù mờ ảo. Ông khua tay bảo: các bạn giãn ra cho người ta thở nào! "Trúng gió thôi, có gì mà bu lắm thế???"
Y còn chút tàn hơi, thều thào: "Không phải trúng gió. Đói. Tám ngày rồi không ăn". Có tiếng cười rộ lên của một vài người. Y tá Đào bị sai đi kiếm bánh mì và li sữa. Chơi hết hai món, Vũ lại tỉnh như sáo. Nhưng từ đó, y vào trường như thằng bị bệnh tự kỷ, nhìn thấy ai cũng có cảm giác họ biết chuyện đói đến xỉu của mình, đi cứ cúi gằm mặt xuống đất, tránh ánh nhìn của mọi người. Lúc đó mới bắt đầu thấm thía nỗi nhục của kẻ đói ăn. Suốt thời gian dài sau đó, Vũ chẳng dám làm quen với cô gái nào và cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện yêu ai.
Thời kỳ này, nhà trường tổ chức Câu lạc bộ sinh viên, có bán cơm giá rẻ cho sinh viên. Mỗi người lãnh một khay có chia nhiều ô, có món canh lỏng bỏng và một món mặn, thêm ô nước mắm có lúc kèm trái chuối nhỏ. Thức ăn thì theo tiêu chuẩn, nhưng cơm thì tự do. Khi có chút tiền, Vũ mua phiếu ăn bình thường, lúc không có, Vũ nhở mấy đứa bạn thân ăn xong không dọn khay mà để yên trên bàn và bỏ đi, Vũ sẽ vào thế chỗ, ung dung cầm khay cơm đi đến lấy cơm thêm. Có lúc cũng còn chút món mặn thằng bạn thương tình để lại, nhưng thường thường là ăn với nước mắm hoặc trái chuối. Cũng còn hơn là đói.
Bỗng một bữa, nhạc sĩ Mỹ, trưởng phòng Văn Thể Mỹ gọi vào, bảo trong phòng cần người viết các poster thông báo các sinh hoạt sinh viên, biết Vũ chữ đẹp nên nhờ Vũ làm và phòng gởi cho Vũ mỗi tuần mười phiếu cơm của Câu lạc bộ. Đồng ý thôi, từ nay khỏi lo chuyện cơm, nhưng Vũ thắc mắc sao cả tuần mà chỉ có mười phiếu năm ngày, thắc mắc trong bụng thôi, chứ không dám hỏi. Thôi thì tuần được từng đó cũng tốt quá rồi.
Trung tâm sinh viên cũng thường hàng tuần có chuyến đi các làng cô nhi, giúp chúng vệ sinh thân thể, hớt tóc cho chúng, dạy chúng hát ca. Vũ siêng tham gia vụ này lắm, thường được mọi người khen là siêng năng, tích cực. Nhưng thật ra, y tham gia không phải vì tấm lòng với trẻ., Mà vì đi vậy thì trưa chủ nhật có được ổ bánh mì, khỏi lo bữa trưa, còn đem về một ổ cho bữa tối. Bởi thế, mỗi khi được khen, Vũ lấy làm mắc cỡ, áy náy trong bụng lắm.
Ăn thường xuyên ở câu lạc bộ, nhưng Vũ rất sợ những ngày lễ với mấy ngày hè. Nhưng lúc đó, quán cơm không mở cửa, nhiều bữa y đành nhịn đói, có hôm ki cóp vài đồng, lại ra chợ Trương Minh Giảng vào quán cơm bên hông chợ, mua dĩa cơm trắng, xin chút nước tương ăn đỡ. Nhiều lần như vậy, cô gái bán cơm hỏi: "Sao không thấy anh ăn thức ăn mà ăn toàn nước tương thế?". Y quê, nên lấp liếm: "À. Tui ăn chay, nên không ăn cá thịt được." Từ hôm đó, khi nào anh ăn cơm ở quán, luôn ở dưới lớp cơm trắng thường có miếng tàu hủ kho hay miếng trứng chiên. Thấy thế, Vũ ngại, nên lúc cần y bỏ qua quán trước chợ, đành phụ lòng tốt của cô chủ quán từ tâm và dễ nhìn.
Biết là sẽ bế tắc khi cuộc sống khó khăn, ngay từ đầu Vũ ghi danh thêm lớp dự bị Đại học Văn khoa, định là lấy được chứng chỉ dự bị, sẽ thi vào Đại học Sư phạm vì ở đó học có học bổng tháng gần chục ngàn, có thể an tâm học hành cho đến lúc tốt nghiệp. Y quanh quẩn khu cầu Trương Minh Giảng vì bạn bè trọ học đông ở đó, kẹt quá thì vào trường cũng ổn. Nhưng cũng chính vì vậy mà chuyện học cùng lúc hai trường sinh ra lắm chuyện khó xử. Phải biết chọn giờ nào học bên nào, hơn nữa lớp dự bi các ban học chung, nên sĩ số sinh viên ghi danh rất đông, đi trễ là không có ghế ngồi. Nhà xa, không có phương tiện di chuyển, muốn lên Văn khoa Vũ phải mất hai chuyến xe buýt, ít tiền, y thường đi lậu, lên cửa trước chạy ra cửa sau ngồi, tránh mặt mấy người soát vé. Học được thời gian Vũ để ý nhận thấy các nàng thường tập trung tán gẫu khi giờ trống, hay nói chuyện bói toán, bói bài. Ở trường kia y bị mang danh kẻ đói nên mặc cảm, nhưng ở đây chẳng ai biết chuyện đó nên y tự tin hẳn. Vũ lò dò đến làm quen với các nàng, nhất là các em ở ban Văn chương VN và ban sử địa, dở trò xem bói toán, chỉ tay, chỉ chân tá lả, toàn nói tào lao mà các nàng vẫn tin mới lạ. Từ đó, muốn đến lớp, Vũ cứ tà tà, các nàng đến sớm xí chỗ cho y, đôi khi kèm trong hộc bàn có thêm ổ bánh ngọt, thanh chocolat, hoặc trái xoài, trái cóc…
Trong đám các nàng, có Bích Anh rất đẹp, ăn mặc đúng mốt, chắc hẳn là con nhà giàu có. Vũ biết thân biết phận của mình, nên biết Bích Anh hình như có chút cảm tình với Vũ, y cũng ngậm đắng mà tảng lờ như chẳng biết gì.
Ngay chân cầu Trương Minh Giảng có quán cơm của Vú Hai. Lâu lâu , có chút tiền, Vũ ra đó ăn cơm. Vú nấu nhiều món ăn ngon, nhưng với Vũ, giá hơi cao. Một bữa, Vũ đến quán hơi trễ, khách vắng, Vù Hai đang ngồi kiểm tiền, thấy Vũ liền nói: "Trời ơi, Vú kiếm con mấy bữa rày, có khách mới đặt cơm tháng, hơi xa chút mà Vú neo người quá. Vú định nhờ con, nếu con đồng ý thì Vú ưu tiên con ăn trưa miễn phí". Vũ bảo: "Ồ! Được thôi. Vú tốt với con quá! Nhưng thưa Vú, con không có xe đi". Vú ngẩn người một chút rồi bảo: "Thì con lấy xe của Vú đi, xe đạp cũ thôi, nhưng đạp nhẹ lắm."
Thế là Vũ nhận lời. Địa chỉ ở lầu ba đường Huyện Thanh Quan, Vũ đạp một lèo là tới. Lên lầu, bấm chuông, oái ăm thay, người nhận cơm là Bích Anh. Cô trố mắt nhìn y, y cũng ngạc nhiên tột độ, nhưng trấn tĩnh ngay, y làm mặt lạ: "Bà Vú bảo cô ăn xong khỏi rửa, cứ để yên trong gà mên, chiều tui đến tui mang về". Bích Anh chẳng nói tiếng nào, cứ ngước mắt nhìn chăm chú vào Vũ. Y chào và chạy nhanh xuống cầu thang, mặt đỏ như gấc. Vũ bỗng thấy chán nản, muốn bỏ hết đầu quân, y sợ không tiếp tục học hành được nữa và Vũ cũng đành từ chối công việc đưa cơm.
Tuần sau gặp Bích Anh ở hành lang, Vũ làm như chẳng biết gì, vẫn bình thường như không, nhưng ánh mắt Bích Anh cứ nhìn vào Vũ, khiến y chột dạ. Bích Anh mượn cours của Vũ, chuyện lâu nay vẫn thường xảy ra, nhưng hôm sau khi trả, Vũ phát hiện nhiều tờ tiền năm trăm đồng kẹp giữa trang vở. Y cảm thấy bị xúc phạm, y cảm thấy bị coi thường, Vũ hậm hực đến trường định chửi nàng một trận, nhưng rồi khi gặp Bích Anh, nhìn thấy đôi mắt của nàng nhìn y, y không nỡ. Để cuốn tập lên bàn, Vũ nhìn rất nhanh vào mắt Bích Anh rồi quay đầu bỏ đi thẳng. Và Vũ cũng bỏ trường Văn Khoa từ bữa đó, bỏ luôn mong muốn thi vào Đại học Sư phạm.
(Sau này, trong một chuyến đi Úc, Vũ được tham dự ngày hội Văn Khoa, Vũ có gặp lại Bích Anh đang định cư ở Úc. Hai người nói chuyện với nhau cả buổi chiều, nhưng tuyệt nhiên, cả hai không ai nhắc đến những tờ tiền kẹp trong tập vở của gần năm mươi năm trước, dù cả hai biết rằng, không ai quên chuỵện đó.)
Sau khi bỏ học ở Văn khoa, Vũ đi học đều hơn ở Vạn Hạnh, lại bắt đầu làm thơ, viết văn gởi báo. Mười bài gởi đi, cũng có đôi bài được đăng, tiền nhuận bút cũng giúp cho Vũ có miếng ăn đều đặn hơn.
Nhưng rồi, Vũ lại bị một trận đói nữa. Đó là lúc Tết, bạn bè đa số về quê, quán cơm sinh viên nghỉ Tết, trước Tết cũng gắng kiếm nhiều việc lặt vặt, cũng được chút tiền, nhưng lại đến kỳ đóng học phí học kỳ hai, nên hết ráo, Tết chỉ còn trong túi vài đồng tiền lẻ. Đói tới ngày thứ hai thì Vũ lên kế hoạch kiếm cơm. Đầu tiên, Vũ đi đến nhà người anh họ ở Chợ Lớn, cũng lại đi buýt lậu thôi. Tết nhất, chắc nhà nào cũng có thịt, Vũ nghĩ đến thịt và nước miếng ứa ra đầy miệng. Vừa đến nơi, chưa kịp chúc Tết, chưa kịp nhìn miếng thịt Xuân, vợ chồng ông anh họ bảo phải đi thăm chúc Tết họ hàng, thế là phải đi về thôi. Bụng lại sôi sùng sục, hình ảnh miếng thịt béo ngậy hiện ra trong mắt Vũ, chập chờn như muốn trêu ngươi. Vũ lục trí nhớ, phát hiện quanh đây còn mấy người quen, bèn chậm rãi bước. Chậm vì đã thấy mệt. Chậm vì không biết có hi vọng chi không? Nhưng tới rồi mới biết chứ! Thế là lại nhanh chân bước được thêm một chút. May quá, vừa đến cửa thì gặp anh bạn cùng trường, hắn học ban Anh văn, cũng khá quen nhau. Vũ chắc mẩm phen này có cơm ăn, lại hi vọng có thêm chút bia vì tay này chịu bia bọt lắm. Thế nhưng gặp Vũ, hắn tay bắt mặt mừng, hỏi đủ thứ chuyện, nhưng vẫn đứng nơi cánh cửa sắt giáp đường. Nói loanh quanh nhưng chẳng mời vào nhà, Vũ đã thấy thất bại nên đành dứt ngang câu chuỵện, chào đi. Trưa bắt đầu nắng, nắng xuân không chói chang như mùa hè, nhưng cũng làm người ta mệt. Nhất là Vũ đang đói. Y thất thểu qua ngã tư, vượt một đoạn nữa là đến nhà cậu Bảy, cậu bà con bên ngoại của Vũ. Lâu nay tuy không gặp thường xuyên, nhưng cũng gắn bó qua những ngày giỗ kỵ. Gặp nhau, cũng tay bắt mặt mừng, hỏi han đủ chuyện. Ngồi ở salon, kế đó có bàn ăn, trên có đậy một cái lồng bàn. Vũ ngửi được mùi xôi, mùi gà luộc với mùi bánh chưng. Hít sâu vô chút nữa, y nhận ra mùi thịt kho tàu, những tảng thịt lớn màu vàng nâu béo ngậy, những quả trứng vịt và nước thịt kho sóng sánh trong đầu Vũ. Người cậu cứ huyên thuyên chuyện Tây qua đến chuyện Tàu, cứ liên tục châm nước vào bình và rót trà vào chén. Uống được bốn li, Vũ nghe đắng họng, thấy hơi say say. Thì bụng rỗng, ngồi uống trà đặc, làm gì không say. Chờ hoài không thấy một lời mời ăn, Vũ thấy thất bại rồi, ngã nghiêng đứng dậy, xin rút. Y thấy mệt và chán. Cơn đói lại râm ran trong bụng. Ra cửa thều thào một câu chào, lại một lần nữa trớt quớt. Chiếc xe buýt bỗng dừng trước mặt, Vũ leo lên mà chẳng biết mình sẽ đến đâu. Cũng may chuyến xe chạy về cầu Công Lý. Tần ngần bước xuống, chưa biết phải làm gì thì Vũ nhớ đến anh Tư Vạn. Anh cùng ngoài quê giạt vào đây, hơn Vũ đôi ba tuổi, một vợ hai con, nghèo sát đất, cắm đại mấy cọc gỗ trên kinh Nhiêu Lộc, làm cái nhà sàn nhỏ như cái lỗ mũi, cả gia đình ở chung vởi bùn sình và mùi hôi lưu cửu của con kinh nước đen. Vũ lâu lâu cũng tạt qua đây, nằm nghĩ một chút rồi đi, nhiều bữa muốn ăn với anh miếng cơm mà rồi ngại vì thấy anh nghèo quá. Thôi thì nhân ngày Tết qua thăm anh, nằm nghĩ chút chứ đã thấy mệt lắm rồi. Vũ rút trong túi mấy đồng bạc lẻ nát nhàu, vuốt ngay ngắn rồi xếp đôi, định bụng sẽ lì xì cho hai đưa con anh, chẳng bao nhiêu nhưng không lẽ ngày Tết đến tay không. Không ngờ anh Tư lại ở nhà có một mình, vợ con đi về ngoại ở Long Khánh, mình anh ăn Tết trên này. Vũ bước vào, đầu phải cúi để khỏi va vào khung cửa. Anh Tư Vạn lăng xăng, cười cười trên khuôn mặt xạm nắng gió. "Ngồi chơi, ngồi chơi nghe. Có mấy con cá khô, tui nướng lên rồi làm tí nước mắm kho quẹt ăn với bầu luộc, làm miếng cơm ngày Tết". Vũ định từ chối, nhưng cơn đói ngăn anh lại, đồng thời làm sao ngăn được cái nhiệt tình của anh. Hoá ra, lòng tốt nhiều khi nằm ở người nghèo nhất, bần cùng nhất, bởi họ thông cảm rồi đồng cảm với người nghèo như họ, họ biết người bạn nghèo của họ đang đói, họ sẵn lòng chia với bạn. Còn mấy người dư dả, giàu có, họ không nghĩ đến hoàn cảnh của người nghèo, thờ ơ với mục đích của người khác đang đến với họ, cho nên họ hời hợt, cho nên họ vô tâm. Bữa ăn đó là bữa cơm Tết ngon nhất của mùa xuán năm đầu tiên xa nhà của Vũ.
Mùa xuân đi qua nhanh, mùa hè đang tới. Vũ lại đói, có công việc nho nhỏ ở nhà in, đang làm ngon trớn thì bị đuổi vì đánh nhau với đám thợ montage, nói đánh nhau cũng không đúng nữa, chỉ hụ hợ lấy không khí thôi. Sự việc vở lở, chủ đuổi. Lại đói. Ba ngày rồi, chỉ có nước lã, lần này lại run người. Cố lết đến cổng xe lửa số sáu, có mấy đứa bạn cùng quê đang học Kỹ sư Phú Thọ ở đó. Đám này có gia đình gởi tiền hàng tháng, lúc nào cũng có cơm. Ở chung nhau năm thằng, thay phiên nhau đi chợ nấu ăn. Lúc Vũ đến, cơm chiều đã nấu, nhưng có lẽ có đứa nào trúng áp phe gì đấy, rủ nhau đi nhậu, bỏ cơm. Rủ Vũ cùng đi, Vũ tiếc bữa cơm, nên tình nguyện ở nhà ăn cơm kẻo bỏ uổng. Hôm đó, một mình y ăn phần cơm của năm người sạch bách. Đám đi nhậu về thấy thế trợn mắt ngạc nhiên. Vũ cũng trợn mắt vì no quá. Nằm ngửa cũng tức, nằm nghiêng thì cấn, nằm xấp là không ngóc dậy được. Đi cũng đau, đứng cũng đau. Bụng như trống chầu, nặng nề. Vũ bỗng sợ chết khi y nghĩ đến chuyện "Một bữa no" của nhà văn Nam Cao, kể chuyện một bà vì sau khi đói ăn no nên chết. Vũ sợ chết, mồ hôi đổ như tắm. Sao đói lại không chết mà bây giờ no lại sắp phải chết. Mà kiểu này chắc chết rồi. Bụng cứng ngắc rồi. Năm tên trong phòng nhìn Vũ ái ngại. Thằng thì kiếm dầu thoa, thằng kiếm thau bắt ói. Vũ bắt đầu rên, rồi ngủ với một dáng ngủ rất kỳ khôi. Cũng may, chắc nhờ sức trẻ, y còn sổng cho đến bây giờ.
08.8.2016
DODUYNGOC
Viết thêm chuyện cũ: Căn phòng của năm người bạn ấy gồm: Thọ, Bính, Chi, Dưỡng và người anh của Chi. Đến nay 4 người đã mất, đó là: Thọ, Chi, Bính, anh của Chi. Chỉ còn bạn Dưỡng đang còn ở Sài Gòn. Bỗng dưng hôm nay nhớ các bạn quá, nằm khóc suốt trưa nay.
Vũ.


Có uống rượu đâu mà rót rượu
Nâng ly thấy đắng cả vành môi
Chiều đi rất chậm buồn đọng lại
Sóng vỗ bờ kênh nghe đơn côi
Ừ nhỉ cả đời không uống rượu
Hôm nay não nuột cạn nửa ly
Đất trời bỗng chơi trò sấp ngửa
Không hết một ly ngó cũng kỳ
Bờ kè nhập nhoạng nắng hoàng hôn
Ba thằng bạn cũ nhảy lôm chôm
Hai thằng vợ chết thằng chưa vợ
Rượu rót lưng ly chín cả hồn
Ba thằng ngồi ngó mãi chân trời
Đã biết rằng sắp dứt cuộc chơi
Đã đến tuổi chẳng còn mộng nữa
Rót đầy ly uống chẳng đợi mời
Định bụng ra đây nghe cải lương
Nướng mấy con khô nhớ miệt vườn
Sáu câu không thấy khô cũng vắng
Đành ngồi nghe mấy bài ly hương
Thôi thì cũng ráng thêm ly nữa
Ta trở về chăn chiếu một mình
Cởi hết áo quần ta nằm ngửa
Trong căn nhà tất cả lặng thinh
Tháng hai.2019
DODUYNGOC



Có mấy anh bạn trẻ, thích thơ Bùi Giáng, thấy thiên hạ ca ngợi thi sĩ, nhưng các bạn ấy bảo rằng, đọc nghe thì thích mà không hiểu hết ý tác giả. Bởi có nhiều từ lạ quá, tra từ điển Tiếng Việt cũng không thấy. Các bạn trẻ đưa ra nhiều từ, nhưng đa số là nhắc đến “miên trường” và “tà huy”. Sở dĩ như thế đây là hai từ xuất hiện trong hai bài thơ rất nổi tiếng của Bùi Giáng là bài Chào Nguyên Xuân và bài Chùm thơ Cảm đề La porte étroite được in trong phần Phụ lục của truyện dài Khung cửa hẹp (La porte étroite, tác giả André Gide) do Bùi Giáng dịch.
Hai câu trong bài Chào Nguyên Xuân:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”
Và hai câu có chữ tà huy
“Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay”
Đây là những câu thơ mà người yêu thơ Bùi Giáng hay nhắc tới và được cho là những câu thơ hay nhất của ông.
Thi sĩ Bùi Giáng sinh năm 1926 là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn. Từ bé được hấp thụ nền giáo dục Hán học rồi mới học quốc ngữ và đậu bằng Tú tài 2 ban Văn chương năm 1952. Ông giỏi nhiều ngoại ngữ và là một dịch giả tiếng tăm của văn chương miền Nam trước 1975. Cái đáng nể của ông là dịch lời tựa rất hay và tận cùng của ngôn ngữ. Điều đó chứng tỏ ông nắm rất vững tiếng Việt với ý nghĩa sâu xa của nó.
Ông dịch Terre des Hommes của Saint - Exupery là Cõi người ta thì đúng là hết chữ để dịch rồi. Cuốn La Porte étroite của André Gide cũng vậy, ông dịch là Khung cửa hẹp thì đúng là quá hay. Le Malentendu của Albert Camus ông dịch là Ngộ nhận cũng quá xá hay. Hay nữa là ông dịch Le Petit Prince thành Hoàng tử bé, nghe thơ mộng tuyệt vời đúng chất của Antoine de Saint-Exupéry. Cuốn L’Immoraliste của André Gide, ông dịch là Kẻ vô luân, quá tài, chuyển ngữ như thế là bậc sư rồi.
Trở lại với thơ. Ta thấy trong thơ Bùi Giáng có rất nhiều từ chữ Hán. Ông bắt đầu nồi tiếng từ năm 1962. Thời kỳ này, ở miền Nam, chỉ còn vài người làm thơ sử dụng nhiều điển cố Trung Hoa và từ Hán Việt như Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Tchya Đái Đức Tuấn, Đông Hồ, Đinh Hùng.....Thế hệ thi sĩ mới xuất hiện và được nhiều độc giả ái mộ như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê, Tô Thuỳ Yên và sau này thập niên 70 như Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn... đều làm thơ toàn ngôn ngữ Việt, ít thấy điển cố cũng như dùng chữ Hán trong thơ. Cho đến thập niên 70, khi thơ Bùi Giáng được giới trẻ thời ấy hâm mộ, lại thấy xuất hiện nhiều nhà thơ trẻ bắt chước hơi thơ của Bùi Giáng, đặc biệt là ưa dùng lại những từ ngữ Bùi Giáng thường dùng. Đặc biệt là sau 75 ở miền Nam, khuynh hướng đó tràn lan, trở thành như mốt thời thượng trong ngôn ngữ thơ. Ta bắt gặp miên trường với tà huy xuất hiện càng ngày càng nhiều, cùng với vô thường, vô ưu với những danh từ của nhà Phật cho có vẻ mang hơi hám Thiền.
Thật ra, thơ Bùi Giáng không phải bài nào cũng hay. Ông thường viết vội trên con đường ngao du của mình, nên cũng có nhiều từ, lắm ý lập đi lập lại. Có nhiều bài giống như kiểu xếp chữ chơi, chẳng có ý nghĩa gì cả, làm người đọc điên cả đầu. Kiểu làm thơ này có nhiều làm thơ trẻ bắt chước, viết mà chẳng biết viết gì, đọc nghe vần điệu xuôi tai, chữ nghĩa kêu rổn rảng.
Đây là một bài thơ của Bùi Giáng trong tập thơ “Ngàn thu rớt hột”:
“Lạc về đầu rú khe truông
Vốc năm ngón nhỏ gieo buồn rã riêng
Tuổi xanh nhiếp dẫn sai miền
Đổ xiêu phấn bướm phi tuyền vọng âm
Tuần trăng quẩy gánh đau ngầm
Cõi bờ phôi dựng gió nhầm tin hoa
Em về rắc cỏ tháng ba
Xuống trang hồng hạnh tin già in rêu.”
Có cao nhân nào bình giúp tui với, chứ nói thật lòng là tui dốt, chẳng hiểu thi sĩ Bùi Giáng muốn viết cái gì?
Giờ lại nói về chữ “tà huy” trong câu thơ của Bùi Giáng.
“Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay”
Có một ông tán hai câu này ra như sau:
“Khi đi em áo lụa quần là với đời. Khi về em giũ trút, chỉ còn thịt da với riêng mình. Khi em về giũ áo là buông bỏ, là thay tà áo, giũ tung những mù sa bụi đường sau cuộc rong chơi. (Hay mù sa là những khát vọng mơ hồ không hồi kết.) Trút quần phong nhụy là không ngại ngần thay quần. Chiếc quần phong kín nhụy hoa trinh nguyên con gái. Nhụy hoa ẩn giấu nhiều háo hức bất khả tư nghì. Nhưng trút bỏ xiêm y, khỏa thân để cho tà huy bay thì thật là ngất ngây thần ý…” https://vietbao.com/a227214/cho-ta-huy-bay
Tán sao cũng được, nhưng phải bám vào thơ. Ông bỏ quên tà huy, mà đó lại là hình ảnh rất là quan trọng của câu thơ. Nói tóm lại là nhiều người đọc thơ Bùi Giáng, gặp mấy chữ Hán đều ngọng cả. Thế nhưng cũng cố lôi mấy chữ ấy vào thơ mình cho nó thời thượng.
Theo từ điển, tà huy là ánh mặt trời buổi chiều
“Cầu lệ thuỷ ngồi trơ cổ độ, quán thu phong đứng rủ tà huy” (Cung Oán Ngâm Khúc)
Nó còn có nghĩa đời người lúc tuổi già.
斜暉
Từ điển trích dẫn
1. Ánh mặt trời chiều ngả về tây. ◇Tây sương kí 西廂記: “Liễu ti trường ngọc thông nan hệ, Hận bất sai sơ lâm quải trụ tà huy” 柳絲長玉驄難繫, 恨不倩疏林挂住斜暉 (Đệ tứ bổn 第四本, Đệ tam chiết) Tơ liễu dài nhưng khó buộc được ngựa chạy, Giận không biết nhờ ai níu lại bóng chiều rừng thưa. § Nhượng Tống dịch thơ: Tơ liễu dài, dài có ích chi? Buộc sao được gót ngựa phi dặm trường? (...) Rừng thưa ơi! có thương ta? Vì ta, mi níu bóng tà lại nao!
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Ánh nắng nghiêng của buổi chiều.
Thật ra, từ xưa đến nay, thơ chữ Hán rất nhiều người sử dụng chữ tà huy trong thơ của mình. Nhưng khi có ông Bùi Giáng mở màn đem chữ Hán ấy nhét vào câu thơ Việt và sau đó thiên hạ rùng rùng làm theo mà chẳng mấy ai hiểu cho đúng nghĩa nguyên gốc của nó, cứ cố nhét vào câu thơ cho có hơi của ông Giáng.
Trong bài Bát thanh canh châu của Trình Cai cách đây đã vài trăm năm
八聲甘州
問東君、
既解遣花開,
不合放花飛。
念春風枝上,
一分花減,
一半春歸。
忍見千紅萬翠,
容易漲桃溪。
花自隨流水,
無計追隨。
不忍憑高南望,
記舊時行處,
芳意菲菲。
歎年來春減,
花與故人非。
總使、梁園賦在,
奈長卿、老去亦何為。
空搔首,
亂雲堆裏,
立盡斜暉。
Bát thanh Cam Châu
Vấn đông quân,
Ký giải khiển hoa khai,
Bất hợp phóng hoa phi.
Niệm xuân phong chi thượng,
Nhất phần hoa giảm,
Nhất bán xuân quy.
Nhẫn kiến thiên hồng vạn tử,
Dị trướng đào khê.
Hoa tự tuỳ lưu thuỷ,
Vô kế truy tuỳ.
Bất nhẫn bằng cao nam vọng,
Ký cựu thời hành xứ,
Phương ý phi phi.
Thán niên lai xuân giảm,
Hoa dữ cố nhân phi.
Túng sử, Lương Viên phú do tại,
Nại Trường Khanh, lão khứ diệc hà vi.
Không tao thủ,
Loạn vân đồi lý,
Lập tận tà huy
Nhà thơ Nguyễn Du cũng đã dùng chữ tà huy trong bài thơ chữ Hán Há than hỷ phú:
下灘喜賦
心香拜禱將軍祠,
一掉中流肆所之。
到處江山如識趣,
喜人蛇虎不施威。
萬株松樹僧人屋,
一帶寒煙燕子磯。
寂寂船窗無箇事,
漁歌江上看斜暉。
Há than hỷ phú
Tâm hương bái đảo tướng quân tỳ (từ),
Nhất trạo trung lưu tứ sở chi.
Ðáo xứ giang sơn như thức thú,
Hỷ nhân xà hổ bất thi uy.
Vạn châu tùng thụ tăng nhân ốc,
Nhất đới hàn yên Yến Tử ky (cơ).
Tịch tịch thuyền song vô cá sự,
Ngư ca giang thượng khán tà huy.
Dịch nghĩa
Tấm lòng thành dâng hương khấn trước đền tướng quân
Một thuyền giữa dòng nước mặc cho trôi đi
Ðến đâu cũng thấy sông núi như đã quen biết
Mừng cho người, hùm rắn đã không ra oai
Muôn cụm tùng kia là nơi nhà sư ở
Một dải khói lạnh, đó là Hòn Én
Lặng lẽ ngồi bên cửa thuyền, không làm gì cả
Nghe thuyền chài hát, ngắm chiều tà
Hay là bài thơ của ông quan xứ Huế Nguyễn Phúc Ưng Bình
日麗江晚眺
鍪麗清高右直畿,
景撩人處是斜暉。
山城鳥道穿雲去,
海國漁帆逐浪歸。
長壘當年謀畫在,
平關舊路往來稀。
此間定有賢居士,
未老煙霞拂釣磯。
Nhật Lệ giang vãn diểu
Mâu Lệ thanh cao hữu Trực kỳ,
Cảnh liêu nhân xứ thị tà huy.
Sơn thành điểu đạo xuyên vân khứ,
Hải quốc ngư phàm trục lãng quy.
Trường luỹ đương niên mưu hoạch tại,
Bình quan cựu lộ vãng lai hy.
Thử gian định hữu hiền cư sĩ,
Vị lão yên hà phất điếu ky.
Dịch nghĩa
Núi Ðâu Mâu cao, sông Nhật Lệ xanh bên phải chảy về hướng phố
Nơi phong cảnh rực rỡ là nơi bóng xế chiều
Phố trên núi, đường chim bay xuyên qua mây
Trên sông buồm thuyền chài quay hướng trở về
Luỹ Trường Dục là mưu chước năm xưa còn lại
Ðường cũ đến ải Quảng Bình người qua lại thưa thớt
Ở đây nhất định có người hiền về ở ẩn
Mây khói còn rực rỡ phản chiếu nơi bãi câu
Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh
Núi Mâu sông Lệ hướng về dinh
Rực rỡ chiều sang cảnh hữu tình
Chim liệng đường mây qua phố núi
Buồm về theo sóng vượt sông xanh
Chước mưu năm cũ xây thành Dục
Thưa thớt đường xưa đến ải Bình
Ðây chốn người hiền về ở ẩn
Bãi câu phản chiếu ráng chiều xinh
Đưa ra một số bài thơ của người xưa để thấy người xưa dùng chữ tà huy đúng lúc đúng chỗ, không giống bây giờ nhiều người làm thơ không hiểu hết nghĩa của chữ, cố nhét vào câu thơ, câu thơ thành vô nghĩa.
Chữ “miên trường” trong câu:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”
Theo chữ Hán, miên có nhiều nghĩa, ở đây ta có thể chọn hai nghĩa.
綿長
miên trường
Từ điển trích dẫn
1. Tiếp tục lâu dài. ◇Tây du kí 西遊記: “Phổ dụ thế nhân vi thiện, quản giáo nhĩ hậu đại miên trường” 普諭世人為善, 管教你後代綿長 (Đệ thập nhất hồi).
2. Xa, dằng dặc. ◇Lưu Tri Cơ 劉知幾: “Cương vũ tu khoát, đạo lộ miên trường” 疆宇修闊, 道路綿長 (Sử thông 史通, Tự truyện 序傳).
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng

miên
Từ điển phổ thông
ngủ
Từ điển trích dẫn
(Động) Ngủ. ◎Như “thất miên” 失眠 mất ngủ. ◇Vi Ứng Vật 韋應物: “Sơn không tùng tử lạc, U nhân ưng vị miên” 山空松子落, 幽人應未眠 Núi vắng trái thông rụng, Người buồn chưa ngủ yên.
Từ điển Trần Văn Chánh
Ngủ: 失眠 Mất ngủ; 長眠 Giấc nghìn thu; 愁眠 Giấc ngủ buồn;
(Động vật) ngủ đông;
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Ngủ. Td: Cô miên ( ngủ một mình ) — Tình trạng bất động của côn trùng khi thay xác, hoặc của thú vật trong mùa đông. ( Td: Đông miên ) .
綿
Miên
Từ điển phổ thông
1. tơ tằm
2. kéo dài, liền
3. mềm mại
Từ điển trích dẫn
Liên tục không dứt. ◎Như: “miên diên” 綿延 dài dặc, “liên miên” 連綿 liên tiếp không ngừng.
Từ điển Thiều Chửu
Dài dặc, như miên duyên 綿延 dài dặc, miên viễn 綿遠 dài xa, v.v.
Từ điển Trần Văn Chánh
Kéo dài, liên tục: 綿長 Dài dằng dặc;
Ràng rịt.【纏綿】triền miên [chánmián] (văn) Bịn rịn, vướng víu, vương vấn, dày vò, triền miên (thường nói về bệnh tật hay tình cảm).
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Dài. Lâu dài — Nối tiếp không dứt. Td: Liên miên, Triền miên.

trường
Từ điển phổ thông
1. dài
2. lâu
Từ điển trích dẫn
(Tính) Dài. § Đối lại với “đoản” 短 ngắn. ◎Như: “trường kiều ngọa ba” 長橋臥波 cầu dài nằm trên sóng nước.
(Tính) Lâu. ◎Như: “trường thọ” 長壽 sống lâu.
(Tính) Xa. ◎Như: “trường đồ” 長途 đường xa.
Từ điển Thiều Chửu
Dài, so hai đầu với nhau, bên nào thừa hơn gọi là trường.
Lâu dài. Như trường thọ 長壽 sống lâu.
Xa. Như trường đồ 長途 đường xa.
Lại một âm là trướng. Chiều dài, nhiều, thừa. Như trướng nhất thân hữu bán 長一身有半 đo chiều dài hơn một thân rưỡi.
Từ điển Trần Văn Chánh
① Dài, xa, chiều dài: 這段路全長約二千公里 Đoạn đường này dài độ 2.000 thước; 長途 Đường xa;
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Dài. Xa xôi. Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc: » Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ « — Lâu. Lâu dài. Đoạn trường tân thanh : » Bấm tay mười mấy năm trường «
Như vậy, có thể tóm tắt lại Trường: có nghĩa là dài. Chữ Miên nhiều nghĩa, ta chọn được hai nghĩa có thể lý giải câu thơ: nghĩa thứ nhất là ngủ, giấc ngủ. Nghĩa thứ hai là dài.
Vậy xét trong câu thơ của Bùi Giáng, miên trường là dài , dài lắm, dài dằng dặc. Bơi dài lại nối tiếp với dài tức dài ghê lắm.
Trong câu thơ này, không thể hiểu Miên là giấc ngủ. Để rồi hiểu miên trường là giấc ngủ dài. Người ta thường viết cô miên: ngủ một mình. Ngữ pháp của tiếng Hán cũng giống tiếng Anh, giấc ngủ dài phải là trường miên mới đúng, tính từ mới đến danh từ, chớ không phải như ngữ pháp Việt, tính từ thường là đứng sau. Hiểu “miên” là “giấc ngủ” là cách hiểu sai.
Thơ bây giờ lắm chữ miên trường. Ví dụ như những câu thơ sau đây tình cờ đọc được:
“Quê tôi có áo me bay.
Có con thuyền nhỏ chở đầy nhớ thương.
Có hàng dừa đứng trong sương.
Mẹ ra gặt gió miên trường về phơi.
Quê tôi lất phất mưa rơi.
Đàn cò nghiêng liệng cuối trời xa xa.”
Tui không hiểu gặt gió miên trường về phơi là nghĩa gì nữa
Chỉ có hai chữ trong hai câu thơ mà dài dòng văn tự quá. Ừ thì rảnh rỗi viết chơi thôi. Chỉ mong các nhà thơ khi dùng chữ trong thơ của mình, nên hiểu chữ trước khi dùng. Chẳng nên bắt chước dùng chữ nghe rất thời trang, rất thiền mà thật ra trở thành vô nghĩa mà câu thơ cũng trượt dài vào chỗ tối tăm.
He..he Mua vui cũng được một vài trống canh. Viết bậy, ai buồn lòng ráng chịu vậy kkkk
18.4.2018
DODUYNGOC


Vết sẹo mãi chưa khô
Con dao nào cứa cổ
Phố lạnh câm nụ cười
Tim sục sôi tiếng nổ
Chân bước xuống vực sâu
Trần gian đầy cuồng nộ
Một thế giới nát nhầu
Nháo nhào trong bể khổ
Người già tiếc hôm qua
Trẻ thơ buồn ngày tới
Ngõ tối đầy bóng ma
Cờ xếp hàng chắn lối
Cỏ hoang vu nghĩa trang
Cây chẳng còn nguồn cội
Bia mộ nằm lang thang
Thập giá buồn góc tối
Tháng tư như dao cắt
Đẩy người ra biển khơi
Máu xương dồn chất ngất
Mạng người như trò chơi
Sông không còn chảy nữa
Rừng trơ đất bạc màu
Những căn nhà khép cửa
Giấu kín những buồn đau
Người về trong bóng đêm
Đèn đã không còn bấc
Đời đầy lũ kên kên
Tháng tư còn tiếng nấc
4.4.2019
DODUYNGOC








Hôm trước ra Huế chơi, buổi chiều hứng chạy ra làng cổ Phước Tích, Mỹ Chánh cách Huế 40 km. Và nhờ đến đây giúp tui tìm hiểu đề biết rõ thêm về trái vả.
Lâu nay tui đã ăn nhiều lần trái vả. Ở đường Lý Chính Thắng có quán cơm Hương Giang chuyên bán món ăn xứ Huế. Tui thường ăn cơm trưa ở đây bởi thức ăn nóng sốt mà cách kho nấu cũng vừa miệng lão già người miền Trung lưu lạc vào Nam đã nửa thế kỷ nhưng lúc nào cũng chỉ muốn ăn những món ăn của quê nhà. Bữa nào tui cũng kêu món vả sống chấm ruốc, thật ra cũng chỉ ăn vài ba miếng thôi, nhưng khiến cho bữa ăn thêm đậm vị. Ăn nhiều lần thế nhưng vẫn không nhớ cây vả thế nào vì thấy chúng hồi còn nhỏ ở Huế, lâu rồi chẳng hình dung, xa lắc lơ.
Ra đến làng Phước Tích tui thấy lại cây vả, thấy những chùm vả mọc trên cây chợt nhớ câu: “Lòng vả cũng như lòng sung”. Bởi hai cây này na ná giống nhau. Cần phân biệt trái vả và trái sung hay được chưng trong ngày tết để mong cả năm được sung túc. Cả hai loại trái đều có vỏ xanh, thịt trắng, ruột hồng, tuy nhiên trái vả to hơn, ngọt hơn và bùi hơn, còn trái sung có vị chát. Ở VN, vả được dùng chế biến các món ăn. Quả vả khi còn non có vỏ màu xanh, lông mịn. Bên trong quả có lớp cơm màu trắng - đó là phần được dùng để chế biến thức ăn. Ở Huế, vả được chế biến thành nhiều món ngon như: vả trộn hến, vả trộn tôm xúc bánh đa, những món ngon dân dã này được nhiều du khách ưa chuộng. Ngoài ra còn nhiều món ăn ngon được chế biến từ trái vả: Vả hầm sườn non. Vả chua ngọt. Gỏi vả.
Mày mò trên Google, lại biết thêm trái vả chứa nhiều chất rất có lợi cho cơ thể. Trong 100 gam trái vả sấy khô có chứa: protein 3,3 gam, chất béo 0,93 gam, đường 47,92 gam, các vitamin thuộc nhóm B như B1 0,085mg, B2 0,082mg, B3 0,619mg, B5 0,434mg, B6 0,106mg, B9 9µg, PP 0,3mg và C 1,2mg. Tổng lượng vitamin chiếm khoảng 37% trọng lượng trái khô. Một số lượng lớn các chất khoáng và vi lượng chiếm hơn 70%, cao nhất là calcium là 162mg (tỉ lệ 16%), magnesium 68mg (9%), còn lại như phosphor (16%), sodium (14%), sắt (8%), kẽm (6%), đồng, mangan... Ngoài ra trái vả còn cung cấp nhiều chất ở dạng hợp chất flavonoit và polyphenol, chất nhầy và pectin.
Và chính những hoạt chất này đã giúp cho trái vả có thể chữa trị hoặc hỗ trợ chữa trị nhiều căn bệnh: Theo Đông y, quả vả có vị ngọt tính bình, tác dụng làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu. Trong quả vả chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, kiện vị, cầm tiêu chảy. Thích hợp sử dụng cho người phế nhiệt, khản tiếng, tỳ vị hư yếu, tiêu hóa kém, trẻ em tiêu chảy lâu ngày, táo bón.
Ngăn chặn ung thư
Giúp xương chắc khỏe
Giúp làm giảm cholesterol
Ngăn ngừa huyết áp cao và nhồi máu cơ tim
Ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường
Chống ôxy hóa
Hỗ trợ giảm cân
Chữa mụn trứng cá
Các bài thuốc từ quả vả
1. Chữa táo bón
2. Chữa tỳ hư, tiêu chảy lâu ngày, tiêu hóa kém
3. Chữa cảm hay ngộ độc
4. Chữa họng sưng đau
5. Làm tăng tiết sữa mẹ
Trong quả vả thường chứa lượng đường cao nên khi sử dụng cho trẻ em có thể gây sâu răng và tiêu chảy. Ngoài ra ăn quả giúp làm giảm lượng đường trong máu, điều này có lợi cho bệnh nhân bị tiểu đường nhưng có thể gây tác dụng ngược lại đối với những người có lượng đường huyết thấp. Ăn quá nhiều quả vả trong một lúc cũng có thể gây ra đầy bụng.
Trước những cây vả cao to như cổ thụ trồng trong sân những ngôi nhà ở làng Phước Tích, tui chụp vài tấm hình quả vả, ghi dấu một chuyến đi và cũng là dịp để hiểu thêm một loại trái dân gian nhưng có nhiều tác dụng. Trưa mai ra Hương Giang mần một dĩa vả chấm mắm ruốc, bỏ ớt thiệt nhiều hỉ, ăn cay phù mỏ mới ngon he..he
12.4.2019
DODUYNGOC
Hình: Những trái vả ở làng Phước Tích, Mỹ Chánh.






Có hai quán ăn mà mỗi lần tới Huế tui phải ghé cho được, dù đó chỉ là quán ăn bình dân ở bên đường. Quán đầu tiên hoặc lúc trở về tui ghé là quán bà Sửu ở Phú Lộc trẽn quốc lộ một, trước khi vô Huế hay từ Huế đi về thì thuận đường hơn. Quán bán bánh ướt thịt heo. Heo quay và heo luộc. Theo tui chỉ nên ăn heo quay. Dưa giá muối, rau ghém. Bánh ướt chưa thể gọi là ngon nhưng thịt quay thì rất ngon. Da vàng dòn rụm, có cảm giác như vừa lấy ở lò ra, nhai rau ráu. Ngon! Giá cũng không đắt, mỗi phần gồm thịt quay, rau, giá chỉ 50.000 đồng. Miếng thịt quay này khiến tui nhớ miếng heo quay của ông Thừa quay heo ở sau lưng nhà tui hồi tui còn bé. Thịt heo quay và tô bún nước suýt, nước béo xuất ra từ con heo quay. Chu cha răng mà ngon quá là ngon!
Quán thứ hai là quán cơm Chị Tẹo nằm trên đường Hai Bà Trưng. Quán bình dân thôi, nhưng có nhiều món ăn rất ngon, hương vị đậm đà, giống y chang mấy món ăn Mạ tui nấu cho gia đình hồi tuổi nhỏ. Chan một chén canh cá bóng thệ nấu với cà chua, răng mà nhớ Mạ rứa không biết bởi tưởng như đang ngồi ăn với cả nhà 50 năm trước cùng với hơn chục anh em và Ba Mạ. Ăn miếng tôm kho rim với thịt ba chỉ, những con tôm màu đỏ sánh như rưới mật, nhai trong miệng thấy đậm đà. Gắp một miếng cá thu chiên, miếng cá được chiên vàng, thịt chắc, chấm chút nước mắm có giã ớt tỏi, miếng cá ngon trên đầu lưỡi, dòn trong miệng, thấm qua từng kẽ răng. Chao ôi! Ngon quá là ngon. Đọt bông bí luộc xanh ngắt chấm với nước ruốc pha loãng lênh đênh những miếng ớt đỏ tươi. Ruốc làm cho miếng rau thêm đậm mang hương vị của miền trung, gợi nỗi nhớ về một vùng đất nghèo nhưng lại có nhiều món ăn không thể quên dù đã đi khắp bồn phương trời. Quán rất đông khách buổi trưa, hơi vơi chút buổi chiều nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp.
Ăn đủ hai quán này khi tới Huế, tui như khách phiêu bạt đến tìm người tình cũ để nhớ lại một quãng đời, để tìm lại hương vị của những món ăn của một thời, để nhớ Mạ, để nhớ những bữa cơm ký ức của một thời xa rất xa không còn có lại. Ba Mạ đã đi về trời, anh Hai cũng đã về với đất, anh chị em mỗi người một phương. Những món ăn mang hương vị của kỷ niệm. Để tiếc nuối.
9.4.2019
DODUYNGOC













(Nhớ bạn Dũng Hải quân)

Sấm chớp vang rền mưa chưa tới
Bom rơi sáng loé phía phi trường
Những lớp người đi về phía biển
Ta buồn sấp mặt giữa tang thương
Loạng quạng hoàng hôn đầy tiếng nổ
Ta ngồi run rẩy đợi chuyến bay
Bầu trời phành phạch cành cây đổ
Chấp cả hai tay cầu rủi may
Phố xá đùn lên dân hôi của
Máy móc thức ăn úa vỉa hè
Những chiếc xe lướt qua vội vã
Nửa đêm chờ đợi nằm nghiêng nghe
Có tiếng ai la trong bóng tối
Thiên hạ nhao nhao thoát ra ngoài
Ta bị đẩy ra rìa cánh cửa
Thiếu nước không cơm bỗng mệt nhoài
Người chia hai hướng đi hai ngã
Ta chán cuộc chơi bỏ trở về
Phố phường lác đác vài tiếng nổ
Cảm thấy lạc loài trong cơn mê
*********
Bạn lái chở ta ra Ba Son
Đêm qua người đợi đã mỏi mòn
Thời gian nguy cấp tàu đi sớm
Tuyệt vọng thoái lui đường chẳng còn
Qua cầu một đám mang băng đỏ
Giương súng giơ tay giọng lạnh lùng
Hai thằng lặng lẽ luồn qua ngõ
Không dám nhìn quanh bước đường cùng
Trưa nắng tháng tư cháy vỉa hè
Xe tăng rầm rập với còi xe
Lính cởi quân trang tràn ngập phố
Thất thểu băng qua mấy xác đè
Cờ màu xanh đỏ chen cây lá
Áo trận súng gờm pháo chĩa ngang
Người đưa tay vẫy người cúi mặt
Những xác không hồn miệng nín khe
Từ đấy ta làm người ở lại
Sáng sáng lang thang đứng góc đường
Xem người lính mới cười ngơ ngác
Làm kẻ man di giữa phố phường
Bạn ta lưu lạc phương nào mất
Năm tháng qua đi chẳng thấy về
Rồi mười năm nữa qua như mộng
Tin bạn lang thang nơi miền quê
Rồi nghe bạn chết vì quá đói
Khi gắng chuyến thồ rau cuối năm
Gục giữa phố đông mồm thổ huyết
Không có thân quen chẳng chỗ nằm
Ta tìm mộ bạn ở chốn quê
Không có ai biết chỗ bạn về
Ta đứng sông Hoài mà nhớ bạn
Thắp nén nhang trầm mắt đỏ hoe
5.4.2018
DODUYNGOC










Hôm qua đi ngang qua ngã tư Nguyễn Văn Thủ và Đinh Tiên Hoàng thấy có một quán phở rộng chiếm góc đường đề tên Quán Phở Lý Quốc Sư. Chợt nhớ tui cũng đã từng ăn ở quán phở tên cũng Lý Quốc Sư ở Hà Nội và nhận thấy phở ở tiệm đó khá ngon, quán cũng sạch sẽ và phục vụ cũng khá văn minh chứ không kiểu mất dạy như Phở Bát Đàn. Không biết Lý Quốc Sư Hà Nội có liên quan đến Lý Quốc Sư Sài Gòn không?
Tò mò, cũng chỉ là tò mò thôi, muốn khám phá thêm một quán phở ngon để có nơi đến mỗi sáng bởi cũng bắt đầu ngấy quán phở gắn bó mấy chục năm nay vì hình như càng ngày tô phở ở đấy càng nhàn nhạt, chẳng còn hương vị ngày xưa. Thế là sáng nay mò đến Phở Lý Quốc Sư Sài Gòn, gọi một tô nạm gầu ăn thử. Ăn phở thì phải ăn chín, nạm hoặc gầu. Ăn phở tái thì chưa đúng là phở. Tô phở được bưng ra, quán cũng không đông lắm vì cũng đã gần 10:00 sáng. Nhìn tô phở xem cũng được mắt. Nước phở hơi vàng long lanh chút váng mỡ, thơm mùi phở. Có thể chấm điểm được rồi. Bây giờ có nhiều tiệm phở bán phở nhưng tô phở chẳng có chút mùi phở nào. Đó là mùi ngây ngây của mỡ, mùi gừng nướng pha chút mùi thịt bò, mùi của tuỷ xương beo béo công với mùi của mấy cọng hành. Tất cả tạo thành mùi của một bát phở ngon. Tô phở ở đây tuy chưa đủ cái mùi thơm phở đấy nhưng cũng đã có mùi hương phở dù chưa đủ đầy để làm cho tuyến nước bọt trào ra khoé miệng. Múc một muỗng nước phở, có ngọt của xương hầm nhưng cũng vương khá nhiều bột ngọt. Kiểu nêm mì chính của người miền ngoài. Duyệt được. Miếng thịt nạm mềm, xắt mỏng vừa ăn, đậm đà trên đầu lưỡi. Gầu chưa được ngon. À mà bây giờ kiếm miếng gầu ngon khó quá, hiếm quán nào có. Gầu ngon miếng gầu phải sánh vàng, không mềm mà cũng không cứng quá, ăn sần sật khi nhai sẽ tiết ra mùi béo mà không ngán, dòn dòn trong miệng. Gầu ở đây trắng như mỡ, nhìn bèo nhèo mà lại dai, thiếu độ dòn hấp dẫn của món gầu. Sợi bánh trắng, mềm mà không nát, ăn đến cuối vẫn quyện vào nhau. Lại được thêm điểm nữa. Phục vụ như thế là cũng khá. Lại thêm một thắc mắc là sao ở Hà Nội, mấy chủ quán ăn đắt khách có tên tuổi thường xem khách chẳng ra gì, quán thì chửi, quán thì cứ háy, nguýt khách như anh chàng lùn múc phở ở tiệm Bát Đàn. Thế nhưng vào Sài Gòn, các chủ quán gốc Bắc lại đối xử với khách rất lễ độ và có văn hoá. Có lẽ chính cái văn minh có sẵn ở bản địa đem đến cách cư xử văn hoá chăng? Bàn ghế ở đây đẹp, các phụ kiện muỗng đũa sạch sẽ, được gói ghém kỹ lưỡng khiến cho khách an tâm về mặt vệ sinh. Không thấy giấy lau ngập ở sàn nhà như nhiều tiệm phở ở miền Bắc và một số tiệm phở Bắc ở miền Nam. Lại cho thêm một điểm. Quẩy cũng tạm được, không hôi dầu và cũng không cứng quá. Chấm vào nước phở mau mềm, vừa ăn.
Giá một tô 55.000 cũng có thể gọi là rẻ theo thời giá bây giờ ở Sài Gòn. Phở Hoà Pasteur cũng 65.000, phở Dậu tô thường 70.000, phở Phú Gia cũng 70.000 tô tái lăn. Giá thế là duyệt được. Nói tóm lại, có thể chọn quán này để tiếp tục ngày ngày ăn phở, sáng sáng ăn phở tuy chưa phải là tô phở ngon ờ Sài Gòn. Tô phở ngon nhất của xứ này vẫn còn nằm trong quá khứ đã đi qua.
Trên đây chỉ là ý của một người khoái phở nhận xét về một quán phở theo tiêu chuẩn của một kẻ đi thưởng thức, khám phá để thông tin cho đồng bọn mê phở mà đến. Tui không rảnh hơi để làm thuê, viết mướn cho ai nên đừng có comment bảo tui là PR cho quán phở mới này. Tui sẽ xoá ngay comment của bạn nếu bạn ngỏ ý đó. Vậy đi nha!!!!
3.4.2019
DODUYNGOC








Cách đây hơn sáu chục năm, sáng sáng ở vỉa hè sát tường rào khúc Hai Bà Trưng với Phan Thanh Giản bên hông một biệt thự cổ có một người dựa chiếc xe, lúc đầu là xe đạp cổ lổ sau đó là chiếc Mobylette xanh có chiếc thúng tre đằng sau bán bánh mì chả. Người ta gọi là Bánh mì Cụ Lý. Gọi là Cụ thế thôi chứ ông này lúc đấy chỉ trạc tứ tuần, giọng Bắc Kỳ đặc sệt, đầu chải bri dăng tin láng mướt, vuốt ra đàng sau để lộ một khuôn mặt lúc nào cũng đo đỏ như người uống rượu với chiếc mũi khá to với mấy sợi râu lún phún. Nhìn ông ta chợt nhớ đến khuôn mặt của nhân vật biếm họa Lý Toét đăng trên báo Ngày nay của nhóm Tự Lực văn đoàn. Hay là vì cái sự giống nhau này mà người ta gọi ông là Cụ Lý chăng?
Bánh mì Cụ Lý ngon mà giá bình dân. Chả đủ loại: chả lụa, chả chiên, giò thủ, chả mỡ. Chả nóng hổi, phảng phất mùi hương của thì là. Chả của Cụ Lý không cắt lát như những xe bánh mì khác mà cụ cắt từng miếng lớn, lộn xộn để lung tung trên mẹt lót lá chuối xanh dờn. Từ lúc dừng xe dựa vào hàng rào, cụ cắt không ngơi tay, khách hỏi chuyện, cụ lại nhón miếng chả đưa khách ăn chơi. Xẻ ổ bánh mì, hồi trước bánh mì nướng củi, vỏ bánh vàng, ruột bánh trắng phau chứ không như bánh mì bây giờ, cụ nhét đại mấy miếng chả vào, bốc một nắm hành tây, rắc chút muối tiêu, xì dầu hay nước mắm theo yêu cầu của khách, thế là xong một ổ bánh, không pa tê, chẳng dưa chua, hành ngò chi cả. Khách chen nhau, lần lượt. Cầm ổ bánh mì nóng, chả tràn trề, cắn một miếng, ngon nhức xương. Khách thường đứng ăn tại chỗ, cũng có khách mang đi. Cụ Lý đứng bán từ 6:00 đến gần trưa thì hết. Cứ hơn tiếng đồng hồ lại có xe chở giỏ lớn bánh đến giao cho cụ, cụ chỉ một mình làm liền tay. Chủ nhật, lễ Tết cụ nghỉ bán như công chức đi làm việc vậy.
Chả của cụ Lý không hàn the, không hoá chất lại được làm thịt tươi nêm nếm với nước mắm ngon nên nó có một vị đặc biệt mà những cửa hàng chả khác không có, lại bán giá bình dân nên khách nối đuôi nhau là chuyện dễ hiểu. Bởi là món ăn bình dân nên khách thường là công chức hạng thấp, nhiều nhất là giới sinh viên học sinh. Thời đấy, hầu như sinh viên Sài Gòn ai cũng từng ăn qua vài lần bánh mì Cụ Lý. Và cũng từ đó, chiếc bánh mì nho nhỏ đầy chả ấy đã trở thành ký ức của một thời. Những món chả của Cụ Lý là đặc sản của xứ Bắc, di cư vào Nam, người Bắc mang theo để rồi trở thành một món ăn phổ biến rộng rãi ở miền Nam. Người Bắc ăn miếng chả để nhớ quê, người Nam cắn miếng chả để hưởng thêm một món ăn đầy hương vị. Cụ Lý trở thành người đem miếng ngon xứ Bắc vào cho người Nam kỳ thưởng thức hàng ngày với giá thật bình dân, ai cũng ăn được, ai cũng mua được.
Biến cố 4.75. Sài Gòn thay đổi. Bo bo, gạo hẩm, bột mì, khoai sắn thế cơm, thay gạo. Hàng ngày, Cụ Lý cũng vẫn tựa chiếc xe mang theo cái thúng chả và bánh mì ở đằng sau. Nhưng ổ bánh mì không còn như xưa, ruột nó đen, vỏ nó tái. Miếng chả cũng kém đi hương vị cũ. Và chủ yếu là cả nước nghèo, cả Sài Gòn đói nên bánh mì của cụ lại trở thành món ăn xa xỉ, khách cũng vơi bớt nhiều.
Mấy năm sau, có lẽ tuổi cũng đã già, cụ Lý giao thúng bánh lại cho con, chiếc xe cũ không thấy nữa chỉ thấy sáng sáng chàng thanh niên nói giọng Nam đặc sệt chạy chiếc Honda vào trong hẻm gần đấy, ngồi với quán cà phê và tiếp tục công việc của Cụ Lý ngày xưa, lại cắt cắt, nhồi nhồi, nhét nhét những cục chả để cho ra những ổ bánh mì cụ Lý.
Rồi cuộc sống lại khá lên, khách lại đông như xưa, thúng bánh chỉ đên 9:00 là vơi, ai đến trễ đành hẹn ngày mai vậy. Quán cà phê hẻm dẹp tiệm, chắc là đội trật tự giao thông không cho lấn chiếm hẻm, thúng bánh Cụ Lý lại giạt ra vỉa hè Hai Bà Trưng, sáng sáng lại thấy nhóm người chen nhau mua bánh, người bán chẳng ngơi tay. Vẫn chiếc thúng, vẫn những miếng chả to nóng hổi bỏ ngổn ngang trên mẹt tre bây giờ lót tấm nhựa xanh xanh và những lát hành tây, bánh mì cụ Lý tiếp tục tồn tại hàng ngày giữa phố Sài Gòn biết bao đổi thay.
Cụ Lý có lẽ chẳng còn sống nhưng những chiếc bánh mì của cụ mãi là ký ức và kỷ niệm của nhiều người Sài Gòn, nhất là những chàng trai mới vào đời, mới bước vào giảng đường đại học thập niên sáu bảy mươi của thế kỷ trước, thời bánh mì Cụ Lý nức tiếng. Thế hệ đó giờ đã qua tuổi bảy mươi, không thường ăn bánh mì Cụ Lý nữa, nhưng nhiều khi nhớ lại, lòng cũng rưng rưng nhớ lại một thời, một thời đã đi qua không trở lại.
2.4.2019
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget