Latest Post

Anna Bocek sinh năm 1973 tại Gdansk Ba Lan. Cô được đào tạo tại Học viện nghệ thuật quốc gia. Năm 1997, cô đã thắng giải thiết lập dự án nhà thiết kế quỹ Gedanene ở Gdansk
Tranh của cô đa phần là chân dung phụ nữ. Những bức tranh mang nét hiện thực đầy màu sắc và đậm chất hội hoạ. Nhân vật của cô đầy suy tư nhưng như những trái bom đợi nổ, chất chứa những sức công phá mãnh liệt. Những mảng màu tung tóe như rối tung lên cho thấy một phong cách rất đặc biệt ở người đàn bà họa sĩ này
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>

SOPHIE MOUTON-PÉRAT VÀ FREDERIC GUIBRUNET:
NGHỆ SĨ TẠO HÌNH VÀ TRANG TRÍ NỘI THẤT NGƯỜI PHÁP
Trong gần 10 năm, Sophie Mouton-Pérat và Frederic Guibrunet bằng chất liệu giấy kết hợp với ánh sáng êm dịu đã sáng tạo những bức tượng mang tính nghệ thuật lung linh và huyền ảo. Chỉ với chất liệu giấy, bộ đôi nghệ sĩ làm ra những con vật sinh động, những tượng người suy tư, những phụ nữ có kích thước như thật với những bộ trang phục sang trọng và y như đang sống. Dưới ánh đèn, những bức tượng giấy đưa chúng ta bước vào một thế giới ảo diệu mang tính nghệ thuật cao.
DODUYNGOC

ĐỌC CHO VUI
Một ông Tây đi du lịch Trung quốc.
Ở đâu không biết chứ ở xứ Tàu thì gái ê hề, cô nào cũng xinh, em nào cũng đẹp mà giá lại rẻ bèo. Ông Tây khoái da vàng ngăm ngăm, mắt xếch, tóc lông đen rậm, nên ngày nào cũng đi thăm các nàng.
Trở về Pháp, ông phát hiện mình bị bệnh hoa liễu. Cái ấy của ông sưng vủ, xanh lét. Ông dấu vợ, đi khám bác sĩ chuyên khoa.
Ông bác sĩ vừa nhìn thấy của quý của ông, liền nói ngay:
" Ông vừa đi Trung quốc về phải không? Lại dính chưởng của mấy cô nương xinh đẹp rồi.
" Dạ đúng thế. Tui xui gì đâu."
" Bệnh này thuốc men không ăn thua, chỉ còn một cách là cắt bỏ"
Ông Tây nghe thế toát mồ hôi:
" Có cách nào khác không bác sĩ"
" Chịu chết. Cắt thôi"
Ông bàng hoàng chạy ra khỏi cửa, mặt xanh lè cắt không ra hột máu.
Chưa tin, ông tìm bác sĩ thứ hai, nghe đồn ông này cũng rất giỏi về mấy vụ này.
Ông này cũng vậy, vừa thấy cái đó đang xanh lè sưng vù của ông đã phán ngay:
" Thua! Cái này chỉ còn cách cắt thôi"
Ông cũng ù té chạy
Ông hãi quá, tìm tới ông giáo sư nổi tiếng khoa niệu, dù giá khám bệnh của lão này rất đắt. Cũng như những bác sĩ trước, vị giáo sư này sau khi xem xét rất kỹ lưỡng cũng tuyên bố: "Cắt!"
Ông bế tắc quá đành thú thật với vợ. Vừa nghe chuyện, bà chửi ông một trận tơi bời hoa lá hẹ. Nhưng rồi, thương chồng mà cũng vì tương lai hai đứa chúng ta, bà mới bảo ông:
" Anh hãy trở lại Trung quốc kiếm thầy mà chữa. Chúng gây bệnh thì làm gì cũng có cách chữa bệnh"
Ông Tây nghe có lý, mua vé bay qua Trung quốc ngay với niềm hi vọng đã vươn lên.
Ông nhờ người giới thiệu cho một lương y nổi tiếng nhất Bắc Kinh.
Ông thầy Tàu già khám , lấy cây lật qua lật lại cái của quý của ông rồi bảo:
"Cái lị qua chơi ở lây, bị mấy cô nương truyền pệnh cho lị rồi.
Cái lị ti khám Pác sĩ ...Pác sĩ Tây lói phải cắt cũng có cái lí của họ. Pây giờ thì ngộ đã khám dzồi. Ngộ pảo lị là không phải CẮT!!!"
Ông Tây nghe mừng chảy nước mắt, run giọng bảo. "Tạ ơn Thầy...Thầy cứu dùm tôi!
Ông thầy Tàu tủm tỉm cười và bảo:
"Không phải cắt ..vì tự ló sẽ RỤNG!!!!
A ha...ha!!!!!
(Chuyện bên Tây, tui chỉ kể lại he..he)
DODUYNGOC

Vừa rồi tui có viết mấy bài về mấy địa danh ở Đà Nẵng và vài món ăn bình dân của xứ Quảng Nam. Có mấy ông bạn Quảng Nam nhắn tin cho tui hỏi sao không viết món Canh cá giếc rau răm, cũng là món nổi tiếng của xứ Quảng Nam hay cãi he..he. Thôi thì có người nhắc thì cũng cố viết bài nữa vậy.
Thật ra tui cũng không khoái món này lắm, hơn nữa con cá giếc lắm xương, không hiểu sao từ bé mỗi lần anh em tui có đứa nào bị bệnh, mạ tui lại hay nấu cháo cá giếc cho ăn. Có lẽ cá giếc bổ theo Đông y, nó lại loài cá lành, mát nên bị sốt nóng thỉ nhớ đến nó. Phân tích từ góc độ dinh dưỡng, cá Giếc có những ưu điểm sau: Các thành phần axit amin và protein có sự tương đồng rất lớn với những tổ chức protein và axit amin mà cơ thể con người cần.
Đây đều là những protein chất lượng cao; dạng sợi ngắn nên rất tốt cơ bắp, hàm lượng độ ẩm cao hơn, vì vậy mà phần thịt cá thật mềm mại và tinh tế hơn so với thịt gia súc gia cầm, từ đó giúp cho cơ thể tiêu hóa và hấp thụ dễ dàng hơn.
Trong thành phần thịt cá Giếc còn có chất béo và axit béo không bão hòa đa, chủ yếu là omega-3 axit béo không bão hòa đa, axit eicosapentaenoic (EPA) hypolipidemic,… các chất này đều có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, ung thư và các loại bệnh lý tương tự.
Ngoài ra, thịt cá Giếc còn chứa một lượng khá lớn chất vitamin A, vitamin D và vitamin B2, đây cũng là một nguồn thực phẩm quan trọng giàu vitamin E, vitamin B1, niacin với hàm lượng tương đối cao
Theo Đại Nam quấc âm tự vị chỉ có từ giếc (𩹹), không có từ diếc. Cho nên viết con cá diếc là sai chính tả rồi nhưng nhiều người quen viết thế nên cũng đành chấp nhận
Cá giếc tên khoa học Carassius là một chi trong họ Cá chép. Các loài trong chi này có tên gọi thông thường là cá giếc hay cá diếc mặc dù các tên gọi này về cơ bản thường được dùng để chỉ loài C. carassius. Được biết đến nhiều nhất có lẽ là cá vàng được chọn giống từ cá giếc Phổ. Các loài trong chi này có sự phân bố trên khắp đại lục Á-Âu, dường như bắt nguồn xa hơn về phía tây so với các loài có dạng cá chép điển hình bao gồm cả cá chép.
Ở Việt Nam cá Giếc có mặt từ Bắc chí Nam. Cá giếc thường sống ở ao, đầm tự nhiên, thịt trắng mềm nhưng xương lại khá cứng; đặc biệt là xương ở phần bụng, nhiều và cứng hơn hết, do vậy ăn cá Giếc rất dễ bị hóc xương. Vì dễ mắc xương nên cá Giếc không thường xuyên được lựa chọn trong bữa cơm gia đình và cũng không có nhiều cách chế biến. Tuy nhiên, người Quảng Nam lại khoái ăn món cá Giếc nấu canh rau răm. Có lẽ khí hậu mùa hè xứ Quảng nóng vô cùng, tô canh cá Giếc nấu với rau răm ăn mát lòng nên được dân Quảng ưa chuộng chăng?
Cá Giếc là loại cá trắng sống ở vùng nước ngọt, thân dẹt hai bên, dài khoảng 15 – 30cm; đầu và đuôi thuôn, miệng cá hướng lên trên, mắt thì có viền màu đỏ, có lưng nhô cao. Vây lưng của cá dài nhỏ dần về phía đuôi và vây đuôi xòe hai thùy nhọn xiên bằng nhau. Toàn thân có màu bạc, phần bụng màu nhạt hơn phía lưng.
Cá Giếc là món ăn bình dân nên tìm mua cũng rất dễ dàng ở các chợ. Chợ càng quê thì cá Giếc càng dễ kiếm. Mua vài con cá Giếc tươi roi rói, nên mua cá lớn sẽ có nhiều thịt tránh được xương. Nếu được cá còn giẫy, thịt sẽ ngọt ngon hơn cá chếf do vậy chỉ chọn mua cá sống. Nếu cá loại gần bằng bàn tay người lớn thì mua chừng 5-6 con, loại vừa cỡ 3 ngón tay thì mua chục con. Rau răm mua chừng 3-4 mớ, tùy khẩu vị mỗi người mà khi nấu cho nhiều hay ít rau; mua thêm vài cọng hành ngò, một quả ớt tươi. Món canh cá Giếc nấu rau răm ai cũng nấu được vì đơn giản, chẳng chút cầu kỳ. Cá Giếc mua về làm sạch, không đánh vảy, để ráo nước rồi cho vào ướp một ít nước mắm, một chút tiêu, ít ớt bột.
Cho chảo lên bếp cùng với chút dầu ăn, đợi dầu nóng lên cho hành khô vào phi đến khi có hành có màu vàng đẹp, mùi thơm thì cho tiếp cà chua vào xào sau đó cho thêm tô nước nhỏ vừa với lượng canh nhà hay ăn và đun sôi.
Cá Giếc cũng có thể để nguyên con, rửa sạch rồi cho vào nồi nấu, như vậy canh sẽ ngọt nhất; tuy nhiên như vậy mật cá sẽ dễ vỡ khiến canh bị đắng. Do vậy trước khi nấu nhớ bỏ mật cá. Có người thích ăn cái đăng đắng của mật cá vì họ cho rằng mật làm cơ thể mát. Rau răm làm sạch, chọn lấy phần non; tuỳ khẩu vị mỗi người cũng có thể cho nhiều hoặc ít rau. Nhiều rau răm quá thì nước canh sẽ bị chát vị của rau; ít rau răm quá thì sẽ khó khử được vị tanh của cá. Khi nấu, sau khi phi hành thơm, cho nước vào nồi vừa ăn. Nước đun sôi, cho cá đã ướp vào, đun sôi chừng nào cá chín tới là được, sau đó cho rau răm vào, đun sôi lại. Khi đun sôi lại thì nếm gia vị cho vừa ăn; nếu ăn cay thì cho vào vài lát ớt tươi, bát canh sẽ càng ngon, lưu ý với canh cá, nếm hơi mặn một chút bát canh sẽ càng ngon. Nấu canh cá Giểc,đề trên bếp lâu thì khiến cá chín rục, sẽ làm nước canh bị đục, rau răm bị vàng , bát canh nhìn không ngon. Tô canh cá Giếc ngon là nước canh trong, mà cá không bị sống; rau răm cũng còn xanh. Canh nấu được, múc ra ăn ngay, có thể điểm thêm vài cọng hành ngò, rắc thêm chút tiêu bột, điểm thêm vài lát ớt đỏ.
Món canh cá Giếc rau răm để cảm nhận vị thanh mát của canh cùng vị thơm lừng khó tả của rau răm hòa quyện trong đó, hoặc không thì bạn có thể chuyển sang món kho với cách nấu cá Giếc kho tương cũng là món ăn ngon.
Cũng có thể nấu cá Giếc với ngải cứu ăn cho lạ miệng mà cũng là món ăn chữa bệnh. Cũng có thể kho cá Giếc với khế. Nếu có dưa chua thì om dưa chua với cá Giếc cũng ngon nhưng để ý xương cá.
Tuy cá Giếc bổ và tốt cho sức khoẻ nhưng có 4 nhóm người không nên ăn cá Giếc:
1. Bệnh nhân gút (Gout)
Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng purine trong mỗi 100 gram cá Giếc có tới 137,1 mg, đây là món ăn xếp vào nhóm thực phẩm chứa mức purine thứ hai.
Người bị bệnh gút trong giai đoạn phát bệnh, khống chế mỗi ngày không được hấp thụ quá 150 mg purine. Vì vậy, đây là lý do bạn không nên ăn cá Giếc.
2. Những người bị dị ứng với cá
Một số người có cơ địa thuộc về nhóm mẫn cảm, dễ bị dị ứng, mỗi lần ăn cá có thể gây dị ứng. Những người này tốt nhất là không ăn cá Giếc.
3. Bệnh nhân mắc bệnh gan và bệnh thận
Một số bệnh nhân bị sỏi phải được kiểm soát mức acid uric niệu.
Do đó, những bệnh nhân này muốn hạn chế hấp thụ vào cơ thể số lượng purine lớn thì cách tốt nhất là không nên ăn quá nhiều cá. Bởi vì cá rất giàu kali, bệnh nhân bị suy thận cấp tính cũng không nên ăn, nếu không nó sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.
4. Nhóm người bị rối loạn chảy máu
Cá Giếc rất giàu axit eicosapentaenoic, thành phần này có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu và chống huyết khối.
Trong khi những người bệnh bị rối loạn chảy máu, bao gồm phát ban xuất huyết dị ứng, chứng thiếu hụt vitamin C, bệnh nhân ưa chảy máu,. Khi mắc bệnh này, tốt nhất là bạn không nên ăn cá Giếc.
Trưa nóng mồ hôi nhễ nhại, húp miếng canh cá Giếc nấu với rau răm thấy mát cả lòng. Nên nhắc tô canh cá Giếc là nhớ cái nắng khô cháy của xứ Quảng, để nhớ quê nhà. Ở cái tuổi thất thập, xa quê cũng đã lâu, đi bốn phương tám hướng rồi, thưởng thức biết bao nhiêu là món ăn vật lạ rồi, chắc chắn ăn miếng canh cá Giếc rau răm sẽ chẳng còn ngon như xưa nữa. Nhưng vẫn thèm, không phải thèm bát canh con cá mà thèm cái tuổi trẻ đã qua đi với con cá đầy xương với mớ rau răm, nó biểu tượng một ký ức đã trôi đi. Nhắc chỉ để mà nhớ. Nhớ gia đình sum họp, nhớ Ba nhớ Mạ nhớ anh em giờ mỗi người mỗi phương trời. Gợi tô canh để nhớ một gia đình, một quê nhà, một thời tuổi trẻ. Con cá Giếc ngày xưa đã bay lên trời với Mạ. Ai cũng bảo món ăn của Mạ là món ăn ngon nhất. Mạ đã qua thế giới khác, nhắc các món ăn của một thời thật ra để nhắc đến Mạ mình, nhắc một ký ức.
11.11.2018
DODUYNGOC


Con chó già đứng ở ngả năm
Trời xanh xao rất nắng
Người lại quá đông
Con chó già không biết chọn ngả nào để về nhà
Nó không biết đã bị bỏ rơi
Bởi nó đã già
Nó nhớ ngày xưa người ta nâng niu, người ta vuốt ve, người ta chăm sóc
Mấy tháng rồi nằm ở xó nhà chẳng ai quan tâm
Nó ngước nhìn từng người nhà đi qua
Chẳng ai thèm ngó
Nó rên khe khẽ cũng chẳng ai nghe
Nó rút tàn hơi lên tiếng sủa cũng chẳng ai thèm thấy
Bây giờ nó ở đây
Giữa ngả năm
Đầy bụi
Không còn chốn để về
Con mắt đổ ghèn nhìn đâu cũng chỉ lờ mờ
Thế giới lộn xộn lướt nhanh
Mọi người xa lạ quá
Nó biến thành con chó hoang
Chó hoang sợ nhất tuổi già
Con chó giang hồ không còn vũ khí
Chỉ lượm những thức ăn thừa chẳng còn ai tranh giành
Thế giới loài chó chỉ cần sức mạnh
Chẳng cần kinh nghiệm, không cần từng trải
Nó không còn sức mạnh
Nó sẽ khó tồn tại
Một mai nó sẽ là cái xác trương phình bên bờ cỏ
Nghĩ đến đó nó khóc
Nó chẳng dám trách ai
Nó chỉ buồn tuổi già đến mau không kịp nghĩ
Giữa buổi trưa trời xanh và rất nắng
Có con chó già đứng khóc giữa ngã năm
10.11.2018
DODUYNGOC

MARK DUMBLETON
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam phi
Mark Dumbleton là nhiếp ảnh gia chuyên chụp thế giới hoang dã và phong cảnh.
Ông sống ở JOHANNESBURG , NAM PHI.
Ông đam mê thiên nhiên, thích sống ngoài trời và chụp ảnh, ông đã du lịch qua nhiều vùng đất của Châu Phi và đã có rất nhiều ảnh chụp thiên nhiên, các sự kiện và thể hiện được những sắc thái của vùng đất này.
DODUYNGOC

Ngày đó hợp tác xã ra một chiến dịch thu gom phân bắc (cứt người), mỗi gia đình một tháng phải đóng đủ mười cân, nếu không đóng đủ thì bị cắt gạo. Thật là một chiến dịch có một không hai trong xã hội loài người.

Vậy nên, khi chiến dịch ra đời, cái cầu tiêu trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Người người, nhà nhà mua xi măng mua gạch về xây cầu tiêu. Cầu tiêu phải làm bằng xi măng thì cứt mới không bị phân huỷ, chứ ỉa xuống đất vài ngày là bọ hung ăn hết, lấy gì mà đóng cho nhà nước. Vậy nên, cái cầu tiêu quan trọng hơn cái nhà. Chuyện ỉa đái lúc này cũng cực kỳ quan trọng, dù ai đó có bị tào tháo rượt ở đâu thì cũng phải nhanh nhanh ba chân bốn cẳng chạy thẳng về cầu tiêu nhà mình mà giải quyết chứ để mất đi một cục là mất đi lon gạo chứ chẳng chơi. Nhiều người đi làm ngoài đồng, ngày trước, khi mắc ỉa thì chạy vô bờ, vô bụi làm đại cho xong, nhưng bây giờ, làm như vậy có mà đói chết. Vậy nên, phải tìm cách, có người làm đại vào bao ni lông, có người cuộn trong lá chuối, có người cẩn thận hơn đi vào trong cái càmèn đựng cơm để mang về cho an toàn mà đổ xuống cầu. Có nhiều chuyện dở khóc dở cười trong chiến dịch này lắm, ai sống thời đó chắc biết. Khi chiến dịch ra đời thì cũng là lúc không biết bao nhiêu con chó phải chết. Chó chết vì đói, cơm khoai đã không có ăn, đến cục cứt cũng bị nhà nước giành mất thì lấy gì mà sống. Nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, cố gắng lắm không để thất thoát cục nào, vậy mà đến tháng vẫn không đủ cân nộp, má tôi sai anh em chúng tôi đi tìm đá sỏi bỏ vào cho đủ. Khi mang lên cân người ta kiểm tra và phát hiện nhà tôi gian lận nên lập biên bản và làm kiểm điểm. Họ còn ghi rõ ràng trong biên bản gian lận như thế nào, có bao nhiêu cục cứt và bao nhiêu cục đá sỏi.

Quả đúng không sai, cái đời người nông dân u tối làm sao mà lừa được mấy ông nhà nước, mấy ông tinh vi vô cùng. Kết quả là nhà tôi bị cấm không cho nhận gạo một tháng. Trong một buổi họp người ta đưa tên má tôi ra kiểm điểm trước dân về việc gian lận lấy đá sỏi trộn với cứt để nộp cho nhà nước. Họ không cho má tôi phân bua gì hết. Nhưng không đành lòng nhìn cảnh con đói, bà đứng dậy thẳng thừng, dứt khoát. Bà nói: Việc tôi làm gian lận tôi chịu trách nhiệm trước toàn thể mọi người, nhưng các người nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhìn ngược thì cũng phải nhìn xuôi, các người có nhìn vào nhà tôi không, nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, tôi thì suốt ngày đi làm ngoài hợp tác xã, có cục nào tôi đã ỉa ngoài hợp tác xã hết rồi, còn con tôi ở nhà, nó là con nít nó ăn bao nhiêu, ỉa bao nhiêu, nó ỉa ra cục nào chó lủm cục đó thì lấy đâu đủ cứt để mà nộp cho mấy ông. Vậy mà bây giờ mấy ông kiểm điểm tôi, cắt gạo thì lấy gì tôi nuôi con, lấy gì ăn để mà ỉa mà đem cứt nộp cho mấy ông.

Nói gì thì nói, la gì thì la, nhà tôi vẫn bị cắt gạo tháng đó. Không còn gì khốn nạn hơn thế. Nói thiệt, đến bây giờ trong hồ sơ giấy tờ ở kho lưu trữ quốc gia thì nhà tôi vẫn còn một món nợ lớn với nhà nước mà không thể nào trả nổi, đó là nợ cứt.

Phạm Thế Việt






Có khi nắng nuốt con đường
Người về ngơ ngác phố phường bụi bay
Chim chào tiễn biệt trên cây
Chút hương trầm cũ thân gầy guộc theo
Người ngồi thân thể mốc meo
Cờ treo héo rũ xóm nghèo xác xơ
Về đâu sau những đợi chờ
Chùa không tiếng mõ khói mờ quạnh hiu
Người về chân bước liêu xiêu
Vai mang ân oán chứa nhiều nỗi đau
Cúi đầu làm cuộc tiễn nhau
Người vể phía ấy cỏ nhàu phía kia
Sông từ nay đã xa lìa
Suối mai mốt cạn sẻ chia lối về
Giọng buồn giun dế tỉ tê
Người mang đá núi về kê gối nằm
Gió buồn mơ chuyện trăm năm
Cỏ lau phơ phất trăng rằm xót xa
Ngựa già nhớ những phong ba
Người già nghe đắng bóng tà tịch liêu
Trả cho người những yêu kiều
Giữ cho người những mỹ miều năm xưa
Giờ đây còn chút hương thừa
Rót cho đầy chén để vừa hết đêm
9.11.2018
DODUYNGOC




Ba con cá chết nằm trên bàn giương mắt đục lờ
Mặt bàn màu nâu với những vết xước
Một con đã bị mổ bụng
Có một dòng nước rỉ ra
Cái bát vẽ những bông hoa đỏ
Sao không là hai mà là ba con cá chết
Chẳng ai giải thích
Cuộc đời có những điều không giải thích
Có một người đàn ông ngồi tựa ghế
Chiếc ghế cũ với những vết dao
Người đàn ông chờ đợi gì
Ông ta không biết được
Những con cá đã chết
Người đàn ông biết tại sao chúng chết
Vì không có nước
Rồi người ta cũng sẽ chết vì không còn nước
Buổi chiều như ổ bánh mì bị gặm dần
Ói ra tia nắng héo
Bên kia đường không lối rẽ
Con chó hoang không biết đường về
Có một đám mây trôi bềnh bồng chẳng có ai níu lại
Những cành cây khẳng khiu mùa đông
Những con thú đi tìm giấc ngủ
Người đàn ông ngồi nhìn ba con cá chết
Chẳng biết làm gì
Không có sự hồi sinh cho những cái chết
Đám đông đốt cháy buổi chiều
Cơn mơ bị đốn ngã
Khói thuốc câm lặng thế giới im lặng
Những con cá chết lặng yên
Người đàn ông hoá câm trên chiếc ghế đầy những nhát dao
Con cá chết vì thiếu nước
Con người chết vì không còn nước
Người đàn ông xách ba con cá chết
Đi về phía chân trời
8.11.2018
DODUYNGOC



Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung (Cha Leung Yung), báo chí Pháp gọi ông là Louis Cha và bút hiệu của ông người Pháp gọi là Jin Yong
Louis Cha là nhà văn Hong Kong viết tiểu thuyết võ thuật. Louis Cha nổi tiếng khắp thế giới với các tác phầm về các anh hùng lịch sử thú vị với cái tên Jin Yong (Kim Dung). Là người sáng lập tờ Ming Pao, ông cũng là một nhân vật rất được kính trọng ở Hồng Kông. Ông vừa qua đời hôm thứ hai.
"Bất cứ nơi nào bạn tìm thấy người Trung Quốc, bạn sẽ tìm thấy tiểu thuyết của Kim Dung" bởi vì ông là tiểu thuyết gia võ thuật Trung Quốc nổi tiếng nhất và đọc nhiều nhất trong thế giới người Trung Quốc.
Ở phương Tây, rất ít người biết tên của nhà văn Hồng Kông này - ngoại trừ các nhà tội phạm học. Tuy nhiên nó sẽ khiến cho người Trung quốc ánh lên ánh mắt tự hào, phấn khích khi được nhắc đến những tác phẩm của ông
Louis Cha hay Kim Dung chắc chắn là một trong những tiểu thuyết gia được đọc nhiều nhất trên thế giới. Từ trong mỗi ngôi nhà ở Trung Quốc từ Bắc Kinh đến Hồng Kông, từ Singapore đến Đài Loan, ai cũng nghe thấy tên của ông. Hơn 90 bộ phim truyền hình và phim ảnh, như Bruce Lee, King Hu, Wong Kar-wai và Jackie Chan được truyền cảm hứng hoặc đôi khi trực tiếp thích ứng với các tập phim từ tác phẩm của ông.
Kim Dung thuộc về truyền thống vĩ đại của văn học Trung Quốc, được gọi là tiểu thuyết võ thuật hay, đơn giản hơn, tiểu thuyết Kung Fu. Văn học dân gian Trung Quốc đã được sinh ra cách đây hơn mười thế kỷ, những câu chuyện về những người kể chuyện và những kẻ giang hổ đi lang thang ở Trung Quốc trong các hội chợ, mang đến những niềm vui, tụ họp công chúng nghe câu chuyện của họ, và với bất kỳ vật dụng nào, như là một chiếc khăn tay hay một khối gỗ gõ vào bàn đánh thức sự chú ý của công chúng. Các vật dụng đó gấp lại có thể trở thành một cây gậy, một thứ vũ khí, một roi da hoặc, mở ra, một lá thư.
Bối cảnh thời nhà Tống, với sự phát triển của báo chí in ấn, những câu chuyện này sẽ trở thành tiểu thuyết, mà không làm mất đi hiện thực của nó. Tác phầm dựng lên từ một cây bút sống động trên nền tảng hiện thực lịch sử, nhân vật thề hiện cách cư xử, phê phán của xã hội, các sự kiện võ thuật làm nên một bộ sưu tập các nhân vật đầy màu sắc. Một trong những ví dụ điển hình nhất, được viết trong đời Yuan và Ming, là Au Bord de l'eau ( Thuỷ Hử), được dịch bởi The Jacques Dars, kể về câu chuyện của 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn bạc. Kim Dung là người thừa kế truyền thống này và là người duy nhất hiện đang tồn tại với chất lượng văn bản và trí tưởng tượng được công nhận dưới bút danh Kim Dung
Kim Dung với 15 tiểu thuyết và hơn 100 triệu độc giả
Louis Cha (Cha Leung Yung) sinh ngày 6 tháng 2 năm 1924, là hậu duệ của một gia tộc truyền thống gồm các học giả, quan chức và nhà thơ Trung Quốc. Khi còn là một đứa trẻ, ông đọc, trong các tô giới của Pháp ở Thượng Hải, hầu như tất cả các tác phẩm của Victor Hugo và Alexandre Dumas. Kể từ khi đến Hồng Kông năm 1948, ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề của xã hội, bao gồm cả việc thành lập một nhóm báo chí, trong đó có tờ Ming Pao, một trong những tờ báo lớn tiếng Trung.
Luôn trau dồi và tự hào về di sản văn hóa của mình, ông đã duy trì truyền thống lãng mạn này bằng cách viết trong nửa thế kỷ, giữa năm 1955 và 1972, một sự nghiệp khổng lồ gồm 15 cuốn tiểu thuyết chứa đầy 36 tập mỗi tập hơn 400 trang. Cuốn sách đầu tiên, The Book and the Sword, được xuất bản với tư cách là một seri vào năm 1955 trong The New Evening Post.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó tại tạp chí Paroles. Ông nói: "Các tiểu thuyết võ thuật là về các hiệp sĩ Trung Quốc không có nhân vật như vậy trong truyền thống phương Tây, nhưng chúng ta có thể so sánh chúng với các tác phẩm của Walter Scott hoặc Alexander Dumas cha, nhưng với sự khác biệt lớn bởi vì các hiệp sĩ phương Tây tin vào đức tin Kitô giáo, khái niệm của họ về thiện và ác được xác định bởi Thiên Chúa và được giải thích bởi các linh mục của họ, người Trung Quốc không có một ý thức mạnh mẽ về tôn giáo. Ngay cả khi đối mặt với sự bất công, kẻ yếu sẽ nộp, nhưng kẻ mạnh sẽ chống lại, sẽ giúp người khác, và sẽ không ngần ngại hi sinh bản thân. Đây là tinh thần của hiệp sĩ giang hồ Trung Quốc và các môn võ thuật lả đề thề hiện sự hào hiệp và vị tha. "
Các anh hùng của tôi luôn luôn chiến đấu với các nhà độc tài, tất cả những người lạm dụng quyền lực, tất cả bọn tham nhũng.
Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, được viết vào năm 1969 và 1972, mang tên The Deer and the Cauldron (Lộc Đỉnh ký) được dịch ra tiếng Anh bởi John Minford và được xuất bản tại Oxford University Press. Bối cảnh này nằm ở giữa thế kỷ XVIII, trong khi người Mãn châu, những kẻ áp bức, vừa mới nắm quyền tại Trung Quốc và một xã hội có sự phản đối, sự kháng cự ngầm. Kim Dung vừa là một nhà sử học tỉ mỉ, vừa chỉ trích chính quyền với tư cách là một người viết truyện sắc bén, hài hước, nhanh nhạy. Tình yêu lý tưởng giữa các anh hùng của ông , người đã rời khỏi thế giới bình thường để sống một cách mãnh liệt, mê hoặc độc giả. Bối cảnh là của một Trung Quốc đầy ắp hơi thở cuộc sống, nơi các nhà văn, nhà thơ, chủ quán trọ và nông dân. Anh hùng của mình, các hiệp khách giang hồ, ai cũng rảnh võ thuật. Nhân vật chính là một cậu bé gặp rắc rối với bố mẹ, sinh ra bởi một ca kỷ, là một kẻ trân tráo, ma mãnh nhưng nhờ những câu chuyện cười của y và hành động của y lại mang toàn bộ tinh thần của một Trung Quốc bất hòa.
Các cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã bán được khoảng 300 triệu bản tại châu Á, nhưng đến nay mới chỉ có 3 tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh lả Lộc đỉnh ký, tên bản tiếng Anh là The Deer and the Cauldron, do John Minford dịch, xuất bản từ năm 1997 đến 2002. Thứ hai là Thư kiếm ân cừu lục, tên bản tiếng Anh là The Book and the Sword, do Graham Earnshaw dịch, xuất bản năm 2004. Cuốn thứ ba là Xạ điêu anh hùng truyện, tên bản tiếng Anh là A Hero Born, do Anna Holmwood dịch, mới lên kệ tại Anh hồi tháng 2/2018. Báo Guardian dẫn lời ông Peter Buckman, người trung gian bán bản quyền Xạ điêu anh hùng truyện cho nhà xuất bản Anh McLehose Press, thừa nhận bản thân ông cũng chẳng biết gì về Kim Dung.
Ba cuốn tiểu thuyết của ông đã được dịch sang tiếng Pháp tại nhà xuất bản You Feng, tại Paris: Anh hùng xạ điêu, Thần điệu đại hiệp và Thiên Long Bát bộ. Kim Dung dạy chúng tôi về Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ sách giáo khoa lịch sử nào có thể làm được. Mỗi độc giả của mình, cho dù người sử học, nhà thơ hay người yêu kung-fu dường như tìm thấy tư liệu của mình. Và nếu nó được so sánh với một nhà văn phương Tây, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến Alexandre Dumas cha và Ba người lính ngự lâm.
Truyện Kim Dung chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử, phong tục, triết học Trung Quốc, và độc giả bình thường ở phương Tây có thể không hiếu nếu không có nghiên cứu. Hơn nữa, dịch giả Earnshaw cho rằng độc giả châu Á dễ hình dung ra khung cảnh, trang phục và các tình huống trong truyện Kim Dung hơn là độc giả phương Tây.
Có rất nhiều chi tiết trong truyện Kim Dung dễ hiểu với độc giả Trung Quốc và châu Á, nhưng lại gây thắc mắc với người phương Tây vốn không quen thuộc với nền văn hóa khu vực.
“Không dễ để đưa các tác phẩm của Kim Dung vượt qua được khoảng cách văn hóa và đến với độc giả phương Tây. Các bộ truyện này đều rất nổi tiếng ở châu Á, nhưng quá đậm chất văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử và sắc thái Trung Hoa”, dịch giả Earnshaw kết luận.
5.11.2018
DODUYNGOC


Thuốc lá hết từ sáng mà hôm nay lại không đi đâu, đành nhịn. Nhồi hút hai tẩu thuốc định nhịn đến chiều, sẽ chơi hai cối nữa là đủ đô thuốc pipe. Nhưng thèm điếu thuốc lá quá nên đành mặc quần ngắn ra đầu phố kiếm bao thuốc. Suốt con đường chẳng có xe bán thuốc lại gặp ông xe ôm thường chở tui đi. Biết tui tìm thuốc lá, ông bạn đưa bao Esthe bảo hút đỡ, lấy điếu thuốc không lẽ đi liền, thế là đứng nói chuyện.
Ông bạn cũng dân Quảng Nam, cũng đã qua tuổi 67, tự nhiên lại khơi mấy món ăn xứ Quảng. Đầu tiẻn là nhắc đến canh cá nấu ngót, ông bạn bảo trời oi oi nóng nực kiểu ni mà có bát canh cá nấu ngót ăn mới thú hỉ? Sáng sáng ra chợ Hội An hay ra men sông mua vài con cá thuyền vừa đánh bắt, con cá tươi xanh mắt trong veo. Chỉ cẩn bắt nồi nước, nước sôi thả cá đã làm sạch vào, cho trái cà chua với mấy cọng hành là có canh ăn. Nêm chút muối hay muỗng nước mắm ngon là có bát canh ngọt ngào chẳng cần bột ngọt, bột nêm, "reng mà hén ngon rứa hỉ! Giờ ở trong ni không làm sao có miếng canh đơn giản mà thú vị đến thế. Rồi bắt con cá chuồn nhét nghệ, hạt nén chiên lên vàng ruộm. Hai thằng già nghe như có mùi thơm của cá bay trong không gian đầy tiếng xe và mù bụi của đất Sài Gòn. Hết cá chuồn lại chạy qua con cá nục cuốn bánh tráng, mà phải bánh tráng mè ở ngoài mình ăn mới sướng chứ cái loại bánh trắng mỏng te như tờ giấy quyến trong này thì làm reng mà ngon hỉ! Rồi đến con cá bã trầu, ôi con cá màu hồng hồng thịt thơm mà chiên lên hỉ, kho cũng ngon mà. Qua con cá hố dài thòng kho với dưa cải chua, mấy cơm cũng hết. Đến bò thì nhắc bò tái Cầu Mống, thịt mềm, vừa tái chấm mắm nêm, thịt ngọt, rau thơm.
Ông bạn bảo tui có biết con lịch không? Giỡn hoài cha, tui ăn mòn răng con ni rồi. Loại này chỉ có ở vùng Câu Lâu, mà khi lũ về mới có, nó dính chùm từ trên suối trên nguồn ở rừng sâu trôi về, quần vô mấy chân cầu Câu Lâu, người dân dùng thúng mà bắt chúng. Cái con lịch này làm được nhiều món, món nào cũng ngon nhức răng. Ông bạn bảo: Chỗ đó là quê tui đó. Nhắc con lịch tự nhiên nhớ quê. Lại nhắc hồi nhỏ đi câu cá đối, đem về chiên dòn, ngon hết biết. Hai thằng già bảo nhau, cá ngoài mình nhiều thứ làm chi cũng ngon nhưng mà chỉ ăn cá vừa vừa thôi, cá lớn quá không ngon. Nói rứa đúng hỉ.
Lăng quăng một chặp lại nhắc đến tô mì Quảng. Ừ! Nói chuyện món ăn Quảng Nam mà không nhắc mì Quảng là thiếu sót lớn rồi. Mì Quảng giờ lai dữ quá, ngay xứ sản sinh ra nó cũng không còn nguyên thuỷ. Nước dùng cho mì Quảng là nước kho chứ không phải nước lèo, đậm đà, béo ngậy của dầu phụng, ngày trước ăn tô mì Quảng là ăn sạch bách, ăn xong trong tô chẳng còn lại thứ gì, kể cả cọng rau. Bởi tô ăn mì là tô đít nhỏ, ngoài Bắc gọi là bát chiết yêu. Tuổi đang ăn đang lớn phải ăn hai ba tô mới đã thèm. Bây giờ chơi cái tô như tô phở, mùi vị cũng chẳng còn phảng phất là bao, người Quảng Nam ăn tô mì Quảng Nam cũng chẳng còn biết mình đang ăn tô mì xứ Quảng, nước lèo lênh láng, nhàn nhạt như nước bún bò xứ Huế. Nhớ đến tô canh mít non nấu cá chuồn nêm ruốc Huế, đậm đà khó quên. Ông bạn lại nhắc phải có chút lá lốt nữa, tô canh mới hoàn chỉnh. Ừ! Đúng là thế.
Ông bạn xe ôm lại bảo đi qua cầu đến Cẩm Nam, đến quán Bà già ăn bánh tráng đập chấm mắm cái làm tui ứa nước miếng. Sang hơn chút nữa là cuộn thêm mấy miếng thịt heo ba chỉ hỉ, mà thịt heo nuôi kia, ăn mới ngon, mới đúng là thịt heo. Mặn của mắm, cay của ớt, bùi của bánh tráng rắc mè, cộng với cái mượt như lụa là của bánh ướt với thơm béo của thịt heo. Ôi chao. Ngon dữ bây! Lại nói chuyện rau xứ Quảng, mấy loại rau thơm hăng hắc, lá nhỏ nhưng lại chứa nhiều hương vị. Ở giữa sông Hoài xưa có cái cồn nổi giữa sông, giờ người đem bê tông cốt sắt phá hư rồi. Xưa cồn đó trồng bắp nổi tiếng ngon. Bắp luộc chở bán tận Đà Nẵng. Lại có món chả bắp cũng ngon có tiếng. Giờ thì còn đâu.
Nhắc đến Phở Liến ở đường Lê Lợi, giờ hết ngon rồi. Phở Liến mà gọi là phở nhiều khi nghe sai sai vì nó chẳng giống phở Bắc mà cũng chẳng phải phở biến hoá của Nam Bộ. Nó cũng chẳng giống tô phở ở Đà Nẵng cách đó 30 cây số. Nó chỉ là Phở Liến của ông Liến một thời xa lắc, nó là phở Hội An, ăn với đu đủ ngâm hườm hườm chấm với tương ớt cũng có mùi riêng của Liến. Nước phở cũng khác, bánh phở cũng chẳng giống phở. Nhưng nó là tiệm phở thuộc loại sang của phố Hội ngày xưa. Hồi đó chỉ người có tiền mới ăn được phở Liến. Giờ thì tệ rồi, chẳng thấy có chi ngon.
Chiều Sài Gòn oi nồng đứng gió, phố cuối tuần vẫn lộn xộn xe với cộ và người, tiếng còi xe vẫn inh ỏi. Ở góc đường phố thị nhộn nhịp có hai người già sắp đến tuổi bảy mươi nhắc nhớ những món ăn của một vùng xa tít. Nhắc món ăn để nhớ quê nhà, để tiếc nuối một thời tuổi trẻ đã trôi đi mất rồi không còn tìm lại được. Đốt thêm điếu thuốc nữa lại lái qua chuyện bệnh của tuổi già. Bỗng buồn. Có ai thắng được hai chiếc kim bé tí của thời gian đâu nhỉ?
4.11.2018
DODUYNGOC


Sau gần cả thế kỷ với nhiều trường phái khác nhau, nào là Siêu thực, Ấn tượng, Đa đa, Lập thể....Hội hoạ thế giới, đặc biệt là một số hoạ sĩ trẻ lại quay về với trường phái hiện thực. Tranh của họ thể hiện cái thực còn hơn thực. Và cái hiện thực đó lại tượng trưng cho cuộc sống. Trường phái này yêu cầu hoạ sĩ phải cần mẫn, chi tiết và kiên trì. Nét cọ phải được chăm chút cẩn thận, hoạ sĩ phải tốn nhiều công sức để hoàn thành tác phẩm của mình.
Họa sĩ người Peru Johnny Palacios Hidalgo là một hoạ sĩ như thế. Anh sinh ra ở Lima, Peru và học nghệ thuật từ năm 1988-1998 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia và Trường Mỹ thuật Quốc gia.
Anh đã tham gia triển lãm thường xuyên từ năm 1984, phát triển phong cách siêu thực với những hình ảnh mạnh mẽ độc đáo đầy sắc màu, trong đó nhấn mạnh vẻ đẹp nữ tính và những động vật chung quanh chúng ta.
Anh trò chuyện với thiên nhiên, vẻ đẹp và tính thiêng liêng của hình dạng con người (được thể hiện bởi các hình tượng đa dạng). Bốn năm sống ở Puerto Rico chắc chắn đã ảnh hưởng đến công việc của anh. Palacios phát biểu: “Những bức tranh được vẽ trên hòn đảo này và tôi cảm thấy rằng kết quả công việc của tôi đã thay đổi so với thời điểm tôi không sống ở đây, khi tôi tạo ra nhiều tác phẩm hơn”.
Anh cho rằng "Ở Lima (Peru) thiên nhiên không giống như ở đây; mọi thứ đều nguyên sơ, khác với đây; mặt trời mạnh hơn, có nhiều màu sắc và ánh sáng khiến chúng sôi động". Tóm lại, "vùng biển Caribbean và hòn đảo đã khiến tôi nhìn thấy những ảo tưởng dưới ánh sáng khác .."
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>


Raceanu Mihai Adrian (còn được gọi là ishyndar) là nghệ sĩ Romanie, sinh năm 1976 tại Contanta Romania. Adrian trở thành họa sĩ từ 1995-2000 khi tham gia vẽ một bức tranh lớn ở nước anh.
Năm 2001, anh bỏ công trình này và tập trung vào công việc sáng tác solo.
Xem tranh Raceanu Mihai Adrian, gọi chúng ta nhớ lại những tác phẩm của Savador Dali. Tuy nhiên tranh của Raceanu Mihai Adrian hình ảnh hiện đại hơn, màu sắc rực rỡ hơn nhưng chiều sâu của ý nghĩa không sánh bằng Dali.
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget