SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BỐN MƯƠI TÁM.
Thế là đã bắt đầu qua ngày thứ ba Sài Gòn thắt chặt giới nghiêm. Đường phố có vẻ quy củ và trật tự hơn khi có mặt của các quân nhân ôm súng. Những đụng chạm và bất tuân lệnh giới nghiêm của người dân với các chốt chặn cũng đã giảm. Điều này cho thấy sự hiện diện của quân đội đã có tác dụng về mặt an ninh trật tự ở thành phố. Tuy nhiên, việc thay đổi liên tục bộ phận cấp giấy phép đi đường khiến cho nhiều người, nhiều cơ quan chạy theo vất vả. Hôm nay 25.8 từ 0 giờ, thành phố đổi giấy đi đường mới. Đã có công văn yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể... ở TP.HCM cần tổng hợp danh sách những người trong nhóm được phép di chuyển gửi đến Phòng PC08 và công an quận, huyện, TP Thủ Đức, xã, phường, thị trấn để cấp giấy đi đường mới. Theo đó, 17 nhóm tại công văn 2800 và nhóm bổ sung tại công văn 2850 được phép lưu thông phải thông qua đơn vị quản lý chủ trì cung cấp danh sách. Đơn vị sở ngành quản lý chủ trì phải tổng hợp danh sách gửi đến Phòng Cảnh sát giao thông để phòng gửi giấy đi đường có chữ ký và đóng dấu của phòng gửi cho cơ quan chủ trì.
Việc thay đổi liên tục cơ quan cấp giấy đi đường khiến nhiều cơ quan, xí nghiệp và cá nhân gặp lúng túng không theo kịp. Nhiều người nằm trong danh mục cho phép di chuyển không nắm bắt được thông tin gây nhiều trở ngại trong công tác. Cũng may là trong văn bản này, có ghi trong trường hợp ngày 25.8, Công an TP chưa cấp giấy đi đường mẫu mới cho những người trong 17 nhóm được phép lưu thông thì tùy tình hình sẽ "lưu ý các chốt, trạm xử lý linh động". Đồng thời khi chưa có giấy đi đường nêu trên của Công an TP thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại công văn 2800, 2796 cho đến 0h ngày 25.8.
Ngày hôm qua, 24.8 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt về công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong buổi làm việc này có một nội dung đáng lưu tâm là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ rời nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Và người tiếp tục nhận trách nhiệm này là Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Ông Vũ Đức Đam một thời là thần tượng của nhiều người trong việc ngăn chận dịch virus Vũ Hán những lần trước. Lúc đó người nhiễm bệnh trên cả nước mới chỉ vài mươi người và con số tử vong cũng mới chỉ đôi ba người. Thời kỳ đó chỉ cần phát hiện một người dương tính là cả nước đã biết rõ danh tính, nhân thân, nghề nghiệp và đường đi nước bước của người nhiễm bệnh. Cũng trong những đợt đó, ông Đam đã từng tuyên bố dập dịch trong vòng 10 ngày và trong năm 2020 đã phát biểu:"Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được". Bây giờ số ca nhiễm cả nước đã lên hơn 370.000 ca và có hơn 9.000 người tử vong, nhắc lại câu nói rất chủ quan ấy để thấy chúng ta đã quá xem thường con virus này với biến chủng của nó. Và cũng chính vì quá lạc quan với những thắng lợi bước đầu, chúng ta đã không có những kế hoạch chuẩn bị khoa học, cụ thể để đưa đến tình trạng lúng túng, khủng hoảng hiện nay.
Cũng trong ngày 24.8, khi test nhanh 170.000 mẫu ở vùng có nguy cơ cao trong thành phố đã phát hiện 6.000 mẫu dương tính. Con số làm nhiều người giật mình dù biết tình trạng F0 đang sống chung với cộng đồng rất cao. Tuy nhiên Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho là tỷ lệ chấp nhận được vì vẫn thấp hơn tỷ lệ 5% của Tổ chức Y tế thế giới. Nhưng trong lòng dân khi nhìn thấy tỷ lệ này thì rất lo ngại vì vẫn nghĩ rằng đang sống chung với F0 mà không hề biết để phòng ngừa. Kể từ đó, lúc nào cũng phải cảnh giác và trong tình hình như thế, biện pháp 5K là điều tất cả mọi người nên triệt để tuân thủ.
Việc F0 tràn lan trong cộng đồng là điều tất yếu khi biến thể Delta là lan nhanh, lan rộng và việc tụ tập đông người thường xuyên diễn ra ở các siêu thị, ở các tụ điểm xét nghiệm và chủng ngừa. Hơn nữa nhà cửa ở các thành phố Việt Nam san sát nhau, sinh hoạt gần gũi nhau cộng với ý thức tự bảo vệ chưa cao khiến cho virus dễ lan rộng. Nhà nước chủ trương xét nghiệm toàn dân, bóc tách toàn bộ F0 trong cộng đồng khi F0 đã đầy dẫy sống chung với toàn xã hội, khi hệ thống các bệnh viện và các khu cách ly đã quá tải sẽ gây hậu quả và nhiều nguy cơ cho dân hơn.
Thành phố đã có nhiều kế hoạch quyết liệt và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng chủ trương bóc, tách, xoá F0 trong cộng đồng đã quá trễ. Kiểu này chỉ đúng khi số người nhiễm bệnh không nhiều và chưa lan ra khắp nơi, cách ly F0 ra khỏi cộng đồng để tránh lây lan. Giờ đây toàn thành phố chỉ là những khu chi chít màu đỏ thì kế hoạch này không có hiệu quả nữa. Đã có nhiều người nhiễm bệnh tự khỏi và lây lan ra chung quanh. Con số không thống kê được. Cũng đã có số lớn dân cư đã được chích ngừa. Xét nghiệm hôm nay âm tính nhưng ngày mai nhiễm là chuyện rất bình thường, nên không thể cứ xét nghiệm mãi được. Chưa kể trên thế giới cũng đã từng phát hiện chuyện âm tính giả, dương tính giả liên tục diễn ra. Chắc hẳn Việt Nam cũng nằm trong trường hợp đó. Ngay cả xét nghiệm PCR, được cho là hiệu quả hiện nhất cũng đã bị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ thông báo ra hạn chót đến cuối năm 2021 sẽ rút giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với phương pháp xét nghiệm 2019-nCoV Real-Time RT-PCR với lý do là phương pháp này thường lẫn lộn giữa cúm mùa với cúm vì virus Vũ Hán.
Nên thay đổi mục tiêu là chú trọng đến những đối tượng có nguy cơ cao. Tuy chưa có một thống kê rõ rệt của nhà nước, nhưng theo nhận xét của các đội ngũ y tế đang tham gia chống dịch thì đối tượng tử vong cao thường là phụ nữ tuổi trên 65 và có sẵn bệnh nền. Như thế nhóm nguy cơ có tử vong cao thường là những người già. Tập trung chú ý nhóm người này, số lượng không đông nên dễ theo dõi khi cần thiết. Dành vaccine ưu tiên cho người trên 65 tuổi, khi có bệnh ưu tiên vào bệnh viện và có biện pháp điều trị tích cực. Nếu làm được thế, con số tử vong chắc sẽ giảm. Hiện nay, khi F0 đã gần như có mặt khắp nơi, con số người nhiễm bệnh không nên là mối quan tâm nữa, nhất là khi chúng ta đã chấp nhận và có kế hoạch cách ly và theo dõi, điều trị tại nhà. Nếu hệ thống y tế tại địa phương được tổ chức tốt, điều kiện cấp cứu kịp thời, bệnh viện được giảm tải thì tin chắc rằng con số tử vong sẽ không cao như hiện nay. Biện pháp hợp lý nhất hiện nay là xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ ngay tại nhà, nếu chưa nhiễm bệnh thì chích luôn vaccine. Nếu phát hiện dương tính thì nên sắp sẵn oxy, thuốc đông máu, thuốc kháng viêm. Hiện giờ nhà nước cung cấp túi thuốc cho bệnh nhân cách ly tại nhà là việc làm đúng. Khi bệnh nhân trở nặng thì được chuyển ngay đến bệnh viện bởi đội cấp cứu được tổ chức tại địa phương. Đồng thời giảm tải ở các bệnh viện, tăng cường đội ngũ y tế và tình nguyện viên phục vụ. Cho đến nay, đó một giải pháp khả thi, tiết kiệm và hiệu quả. Và vaccine vẫn là vũ khí có thể kềm hãm được cơn đại dịch. Dân đang cần vaccine, đã thấy tin có nhiều nguồn vaccine về Việt Nam. Xin ưu tiên cho thành phố và các tỉnh lân cận. Đó là cách tốt nhất để chữa trị cơn bệnh nặng ở Sài Gòn.
Có nhiều tin thật giả lẫn lộn xuất hiện viết về vaccine, điều lạ lùng rất là vẫn có một số người cho rằng không hề có virus Vũ Hán, vaccine là âm mưu, số người chết là ảo để hù doạ dân chúng, theo họ tất cả đều là âm mưu chính trị. Theo Reuters đưa tin, Đại học Johns Hopkins của Mỹ gần đây đã thông báo rằng chỉ các sinh viên đã tiêm chủng vaccine được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt mới được trở lại trường học. Cũng theo Reuters, tất cả các loại vaccine được phát triển ở Trung Quốc đều chưa được Đại học Johns Hopkins đồng ý chấp nhận.
Lưu thông và cung cấp thực phẩm, lương thực cho dân trong thời gian phong toả là điều cần thiết. Nhưng chú trọng vào những địa phương có nhiều người nghèo, nhân dân lao động thất nghiệp, sinh viên đi học xa nhà, người nhập cư ở các nhà trọ. Họ là tầng lớp dễ bị thiếu ăn nhất. Những khu nội đô, những gia đình còn có điều kiện cũng nên chấp nhận sống thiếu một chút, ăn kém ngon một chút để dồn lực lượng giúp cho người nghèo. Đồng thời đề nghị các địa phương thực thi đúng chủ trương của nhà nước là không phân biệt người có hộ khẩu hay tạm trú hoặc không phân loại lao động. Cứ gặp khó khăn, lập danh sách là được cứu trợ, tránh trường hợp vì những thủ tục hành chánh rườm rà, nhiêu khê mà người nghèo bị thiệt thòi. Trên mạng xã hội, dân nghèo ta thán dữ quá, kêu gào dữ quá, chính quyền nên mau chóng thực hiện những lời hứa với dân để an dân.
Một thông tin mang tính nhân văn và phần nào an ủi được những đau khổ của những gia đình có người qua đời vì dịch bệnh thấy được trên báo. Đó là tin CÔNG VIÊN VĨNH HẰNG LONG THÀNH HIẾN TẶNG 3.000 NGÔI MỘ CHO NẠN NHÂN DỊCH BỆNH VIRUS VŨ HÁN. Theo thông tin, Công Viên Vĩnh Hằng Long Thành hiến tặng khu “Tưởng niệm nạn nhân virus Vũ Hán cho người dân tỉnh Đồng Nai và Tp.HCM” gồm 3000 ngôi mộ để kịp thời san sẻ khó khăn với những gia đình không may có người thân qua đời vì nạn dịch. Mọi chi phí đất, phí dịch vụ, phí xây dựng, chăm sóc mộ phần trọn đời hoàn toàn được chủ đầu tư Hệ Thống Công Viên Vĩnh Hằng hiến tặng.
Hotline: 03.3333.8888
Địa chỉ: xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai
Văn Phòng Giao Dịch: 1C Trần Não, phường An Phú, quận 2, TP HCM
Website: https://congvienvinhhanglongthanh.com/
Youtube: https://www.youtube.com/c/CongVienVinhHangLongThanh
Fanpage: https://www.facebook.com/cvvhlongthanh
https://vnexpress.net/cong-vien-vinh-hang-long-thanh-lap...
Trong tình hình con số tử vong quá nhiều ở thành phố, nhiều bi thương, lắm nước mắt của nhiều gia đình, thông tin này, hành động thiết thực này của Công Viên Vĩnh Hằng Long Thành cũng đã giúp vơi bớt nỗi buồn đau cho người còn sống và cũng giúp cho người ra đi được thanh thản, bớt tủi hờn.
Nhật ký hôm nay đang viết dở dang thì nhận được tin Cô Triệu Thị Chơi, một chuyên gia viết về ẩm thực và là phu nhân của Thầy Trần Phát Lạc, thầy dạy tôi môn Kỹ Nghệ Hoạ thời trung học ở trường Kỹ Thuật Đà Nẵng vừa qua đời vì virus Vũ Hán tại bệnh viện, thọ 76 tuổi. Xin thành kính chia buồn với Thầy Trần Phát Lạc cùng gia đình. Nguyện cầu hương linh Cô Triệu Thị Chơi sớm siêu thoát. Một tin quá buồn. Vô cùng thương tiếc.
25.8.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi tám
DODUYNGOC