Latest Post
































Muốn xem phần ăn sáng, trở lại bài phần 1.

ĂN TRƯA

Ăn sáng có thể đi mình ên, nhưng ăn trưa là phải có bạn, đi đôi ba người ăn mới vui, không thì cảm thấy cô độc lắm. Thế là rủ nhau đi. Toàn đàn ông, con trai thì tốt, mà có đàn bà, con gái cũng vui. Chỉ khổ một nỗi, lúc này phụ nữ kiêng ăn nhiều quá, vào quán chỉ khoái gọi rau, mà tui không thích ăn rau nên có chênh vênh một chút.

Lúc này tiền bạc hiếm hoi mà đi cũng đông nên lựa quán bình dân cho nó an lòng. Đến quán Bà Mập, xéo toà soạn báo Người Lao động. Vô quán này thì tha hồ chọn món. Cá thu, cá rô chiên, mực nhồi thịt, heo quay kho dưa cải, canh rau đay, thế là đủ bữa cơm. Ừ thì rau, kêu rau củ xào hay dĩa rau sống. Nếu ngon kêu thêm dĩa tôm đầy gạch đỏ au. Bà chủ ngày xưa gọi là bà Mập nhưng nay gọi là Bà Béo đúng hơn. Tuy nặng kí nhưng bà ngồi điều hành, lính lác chạy theo lệnh, lâu lâu bà cũng ngồi trước một bàn lớn đầy thức ăn chỉ huy vào dĩa cho khách. Thêm mấy ly trà đá hay mấy chai nước La Vie là xong một buổi trưa no kềnh.

Thích ăn món Huế thì chạy về Quán Huế Hương Giang. Quán này nấu theo kiểu Huế do chủ cũng dân Huế chính hiệu con nai vàng chế biến. Ông chủ ngày xưa là thầy giáo ở Huế. Lưu lạc vào Nam mở tiệm cơm. Quán hẹp, khách đông lại kêu gì nấu đấy nên thức ăn nóng sốt nhưng chịu khó chờ chút xíu. Khách ngồi vào bàn, chủ nhân đưa giấy bút với menu, thích gì ghi nấy. Anh bạn Hiếu Piano của tui cũng khoái quán ni. 

Quán có món trái vả chấm ruốc, ăn nhớ Huế của ta ơi Huế của ta. Có cá chim, cá thu chiên, canh hến cà chua, rau lang luộc chấm nước ruốc, thịt heo luộc tôm chua, cá kho tộ, cá bống thệ kho tiêu, canh rau dền..với dĩa rau thơm, khế đúng điệu. Quán cũng có món cơm hến nhưng đã phai nhạt chất Huế, ăn để nhớ thôi chứ không ngon lắm. Món nào nấu cũng vừa miệng, nhớ cơm Mạ nấu ngày xưa ở quê nhà. Ăn ngon, giá cũng vừa túi tiền, còn đòi hỏi chi hơn. Chỉ cần ngồi quán ni thì: "Ai ra xứ Huế thì ra. Tui ngồi một chỗ cũng ra như thường" he...he.

Muốn sang thì ghé vào một trong hai nhà hàng của Cô Ba Thuỷ. Có thể vào Bếp nhà xứ Quảng, ngày xưa ở Hai Bà Trưng, giờ về Trần Cao Vân. Đi đường Trần Cao Vân xuôi chiều, thấy bên tay phải có ngôi nhà giống kiểu nhà Hội An thì chính là nó. Mặt tiền là căn nhà gỗ nâu, có balcon nhìn xuống con đường vắng với mấy chậu cảnh gợi nhớ những ngôi nhà gỗ nhìn xuống dòng sông Hoài. Trong nhà hàng có lồng đèn đỏ treo cao, tường gạch, khung cửa cũng màu trầm quen thuộc. Quán có nhiều món ăn xứ Quảng nhưng cũng không thiếu lắm món của nhiều miền. Trước hết là Mì Quảng sườn heo mỹ tôm trứng, quán Quảng mà không có món này sao được.  Rồi thịt luộc chấm dưa mắm Đà nẵng hay thịt luộc chấm mắm nhum Quảng ngãi. Mắm nhum là mắm chi? Thì đến ăn thử thì biết liền. Còn có cá nục Cẩm nam hấp cuốn bánh tráng rồi Lẩu cá thác lác khổ qua rừng hay Lẩu cá chình nấu bầu chua. Chưa hết mô, còn có dưa môn xào tôm thịt, đậu hủ kho tương cay. Dân Quảng Nam nhớ canh mít non thì vào đây gọi một tô, có điều hình như thiếu ruốc nên chua đúng vị của quê nhà lắm. Chưa hết,quán còn Xôi lá dứa cánh gà, bún mắm nêm mít non, sườn cá sấu nướng tương me, cao lầu xứ Quảng, gà trộn rau răm, lẩu cá đuối nấu mẻ, lẩu gà nòi nấu tiêu lốt, chả ram hạt sen, gỏi ngò gai vịt nướng, gà lên mâm sẽ có 6 món ngon chế biến từ gà: Đùi gà nướng mật ong, xôi nếp Lào nấu cốt gà, xôi lá dứa cuộn chà bông gà, cánh gà chiên nước mắm, gà bóp rau răm và miến lòng gà nấu măng. Nên kể thêm món cánh gà chiên nước mắm không ta? Có món ăn nhớ nhà ác liệt là Lẩu cá chình nấu bầu chua, bầu đem phơi hơi héo  muối chua đem ra nấu canh. Món ăn quê mùa có vị chua nhẹ, bầu giòn, thêm chút ớt bột, ngon lắm nghe, đừng chê món ăn dân dã. Canh cá nục mà nấu với bầu thì ngon nhức xương. Nhớ Mẹ, nhớ Ngoại liền kêu món cá kho. Cá kho có rưới chút mỡ, nước kho sánh lại như màu mật đường, thêm mấy trái ớt cay cay, trong mâm thêm tô canh bầu, canh bí là y chang bữa cơm ở nhà. Chút xíu nữa quên, quán này có món Cao lầu, dân Nam ít biết, món này ăn với mấy loại rau xứ quảng như rau thơm Trà Quế, một làng rau truyền thống này nằm sát bên dòng sông Cổ Cò, một phân lưu của dòng sông Thu Bồn. Có thêm rau cải non, rau đắng nhẫn nhẫn với húng lũi. Chưa biết hãy gọi thử ăn cho biết. Biết rồi cũng kêu một tô ngắm để vơi bớt nỗi nhớ về một vùng đất. Chén dĩa ở đây là chén đá, nồi chảo nhôm, cũng là nét đặc biệt của quán.

Không thích ăn món Quảng hãy đến Bếp nhà Lục tỉnh ăn món miền Tây. Ưu điểm lớn nhất của quán chính là khung cảnh. Giữa phố phường tấp nập, náo nhiệt của trung tâm Sài Gòn, chỉ cần bẻ tay lái đi vào, ta bắt gặp cảnh miền quê thu nhỏ của miền Tây. Có một cái ao, có lùm cây, có cánh lục bình trôi và con đò cắm sào đứng đợi. Và có nhiều món ăn quen thuộc. Khách đến đây nhiều khi chỉ muốn có một khung cảnh thơ mộng, mộc mạc,chân quê nhưng cũng không kém phần sang trọng với lối trang trí như một ngôi nhà địa chủ ngày xưa ở Nam Bộ. Thực đơn chủ yếu là các món đặc trưng miền Tây như kho quẹt chấm đọt choại, canh tép đồng nấu lá me non hay bánh xèo, bánh khọt. Nhiều món lẩu như Cù lao, lẩu Thuý Liễu với hải sản, lẩu mắm, lẩu vịt nấu chao, lẩu cháo cua đồng. Bánh xèo ở đây có món bánh xèo thịt vịt củ hủ dừa lạ miệng. Nếu ăn cơm đúng ngày có món cá He thì nhớ gọi. Món cá này được kho mấy chục tiếng đồng hồ, xương rục mềm, cá béo phù sa con nước lớn Cửu Long. Hay kêu thêm món thịt kho tàu, cá rô kho tộ. Có mấy thức uống cũng ngồ ngộ trong một nhà hàng khá sang thế này như nước mía, nước mía sầu riêng, nước sâm hạt é, rau má đậu xanh, sương sáo sữa dừa. Thứ bảy ở quán có tiệc buffet những món ăn Nam Bộ được bày bán như một con chợ nhỏ với thúng, với gánh vui ghê lắm. Cứ nhởn nhơ vừa đi vừa ăn vừa ngắm mấy cô thôn nữ quấn khăn rằn với chiếc áo bà ba. Nhưng cũng nên nhớ một điều, để có được một cái quán thế này, trưng bày thế này, trang trí thế này với những món ăn cũng như thế này, khách hàng nên chuẩn bị túi tiền kha khá vì giá cả ở đây hơi cao.

Sao? Thích ăn chay à? Dễ ợt. Sài Gòn thời nay lắm quán chay, sang chảnh có, bình dân có, vỉa hè có. Người người ăn chay, nhà nhà ăn chay mà. Nó như là cái mốt vậy. Người bảo mình tu lúc này cũng hơi nhiều, người ăn chay trường cũng lắm. Nhưng mấy chục năm nay, mỗi khi thích ăn chay tui lại đến Tín Nghĩa đầu đường Trần Hưng Đạo. Tui không tu hành chi, cũng rất ít đến chùa, kinh chắc là không tụng nhưng lâu lâu muốn đổi món nên tìm đến quán chay này. Đây chỉ là quán bình dân, bàn inox trải khăn nhựa màu mè. Bán hàng là bà cụ cũng đã già. Bà là đời thứ ba của quán. Căn nhà từ thời bà ngoại của bà, qua đến cha mẹ giờ đến bà ngót nghét cũng hơn bảy chục năm. Thời buổi tấc đất tấc vàng, căn nhà này bán đi cũng giá vài chục tỷ nhưng gia đình bà vẫn tiếp tục bán cơm chay như bao nhiêu đời nay vẫn thế. Nhiều khi ngồi trong căn nhà cũ kỹ ấy, trên chiếc bàn quen thuộc với lon đựng muỗng đũa muôn năm vẫn thế, gian bếp thiếu sáng với bóng người nhìn ra thế giới đổi thay từng giờ ngoài kia, có cảm giác như thời gian dừng lại từ năm ba chục năm trước. Cũng như mọi lấn, khách được bà chủ trao cho mảnh giấy với cây bút, muốn ăn gì nhìn menu mà ghi vào rồi ngồi đợi bởi món ăn ở đây khách gọi mới làm. Bởi thế, thức ăn dọn ra lúc nào cũng nóng, ăn như đang ăn ở nhà. Đặc biệt ở tiệm này là món ăn gọi đúng tên chứ không đặt tên kiểu cọ như mấy quán chay thời thượng hiện nay, ăn chay mà toàn đặt tên món mặn. Ở đây là Tàu hủ kho tiêu, kho tương, chả lụa chay kho nước tương tàu hủ ky kho sả, mắm chưng rau ghém, cải xào, nấm rơm kho tiêu , canh ngót thì là, miến xào tương hột. ...Món tui thích nhất lần nào cũng kêu là món mắm chưng rau ghém. Dĩa rau tươi xanh với dưa leo xắt nhỏ, mắm chưng gồm chao trộn trứng và nấm nhuyễn, hình như có đậu phụng giã nhỏ. Nhúm rau bỏ vào chén, chan mấy muỗng mắm chưng, lùa tròn vào miệng, có vị béo của trứng, vị đậm của chao, bùi của đậu trộn với thơm của rau, mát của dưa leo thành một hỗn hợp ngon và lạ miệng. Người nào mê cải lương muốn gặp các diễn viên, cứ rằm, mồng một đến đây là sẽ gặp. Nào là Lệ Thuỷ, Bạch Tuyết, Bạch Long, Kim Tử Long, Thoại Mỹ...tha hồ cùng ăn chung quán với họ. Tuy bình dân là vậy nhưng giá cũng không rẻ như những quán bình dân khác vì món ăn ở đây ngon và chất lượng. Ăn chay cố ăn nhiều vì mau tiêu, mau đói.

Người ta bảo ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật. Ừa! Thì ăn cơm Tàu. Chịu chạy xa một tý. Vô Lý Thường Kiệt, chạy vào con hẻm nhỏ gặp quán cơm Truyền Ký, quán cơm người Hẹ. Người Hoa ở Chợ Lớn phần lớn thuộc về năm nhóm người chính: Quảng Đông (Việt) tính tình rộng rãi, giỏi kinh doanh buôn bán, Phúc Kiến (Mân) gia trưởng và coi trọng việc học hành, bằng cấp, thi cử đỗ đạt, Triều Châu (Tiều) sống tiết kiệm, kham khổ và siêng năng cũng chịu buôn bán hàng ăn, có món cháo Tiều độc đáo và Khách Gia (Hẹ) ham học và đặc biệt nấu ăn rất ngon, nhất là những món Tây và cuối cùng là người Hải Nam, món ngon của người Hải Nam là cơm gà Hải Nam, thịt dê tiềm. Người Hải Nam thường mở tiệm nước, cà phê, người Tiều bán bánh kẹo, người Hẹ nấu ăn, dạy học, bán thuốc Bắc và người Quảng Đông bán tạp hóa. Trong đó Quảng Đông là nhóm đông nhất.

Quán Truyền Ký là quán nhỏ, trong hẻm nhưng dân sành ăn ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi không ai là không biết. Cũng bảy chục năm rồi mà quán không thay đổi, thoạt nhìn như căn nhà ở bình thường với bàn thờ có mấy ngọn đèn đỏ theo tập quán của người Hoa. Bạn cứ men theo một cầu thang nhỏ đi lên gác, nhớ cúi đâu xuống nếu có chút chiều cao không thì sưng trán ráng chịu. Căn gác giống tửu lầu bình dân trong mấy phim kiếm hiệp hay truyện Thuỷ Hử của Tàu. Nếu đến giờ trưa khá đông khách. Chờ một chút. Ngày xưa quán bắt đầu từ chiếc xe đẩy bán rong của ông Nguyễn Hữu Truyền, sau dừng chân ở ngôi nhà này. Đến nay người kế tục là cháu của ông là Huỳnh Nhật Tài. Tiệm có trên trăm món nhưng cũng như các tiệm ăn khác có khoảng chục món là món độc đáo của quán này. Đó là gà hấp muối, gà xối mỡ, đậu hủ Đông Giang, thú linh chiên giòn, giò heo phá lấu, khoai môn hấp heo quay, bao tử heo xào cải chua, dồi trường xào hành gừng hay bông hẹ, bò xào Tàu xì, trứng ba màu, hột vịt muối chưng thịt, canh tàu hũ cá viên bông hành, canh tần ô cá viên…trong đó món gà hấp muối là món ai ghé quán cũng gọi.

Được chế biến từ gà ta vừa phải, khoảng trên 1kí một con. Gà tơ nên thịt mềm, da mỏng vừa phải, béo thơm thịt. Gà sau khi làm sạch được thoa muối rồi hấp cho đến khi thịt vừa chín, da căng vàng. Gà được xé trộn thêm chút muối, chút tiêu và gia vị. Món này được kèm dĩa muối trộn mỡ gà và dầu cải. Đã xơi món này ở đây thì không kiếm đâu được cái mùi vị của món này ở đâu khác. Nó khác hẳn gà xé phay của người Bắc, cũng chẳng giống gà luộc Tam Kỳ hay món gà ở Tây nguyên. Một món nữa nên gọi ra nhâm nhi trong khi chờ gà hấp muối là món thú linh chiên dòn. Thú linh là ruột cuối gần đuôi heo, làm sạch và chiên dòn rụm, beo béo chấm với nước chấm ngọt ăn rất thú vị. Cũng đừng quên món khâu nhục với khoai môn. Món này gần giống khâu nhục ở miền Tây Bắc Việt Nam. Là thịt heo cắt từng miếng kha khá hầm ướp với mấy món gia vị, ăn lạ mà hấp dẫn. Nhớ gọi thêm đậu hủ Đông Giang là tàu hủ, khổ qua, ớt trái dồn chả cá với nước sền sệt ăn với cơm rất đã. Nếu muốn gọi thêm món nữa hãy chọn món trứng ba màu gồm trứng vịt tươi đúc trứng bắc thảo. Màu vàng của trứng tươi, kết hợp màu của lòng trắng trứng bắc thảo và màu đen của lòng đỏ tạo thành một món ngon quyến rũ đậm chất Hoa Chợ Lớn. Cũng đừng quên món canh củ sen nấu đuôi heo hay tô canh rong biển. Bữa ăn thế là quá đủ, bụng no quá chỉ muốn lăn xuống cầu thang. Ăn nhiều món ngon nhưng giá cũng vừa phải, đừng lo bị chặt chém ở đây.

Ở chợ Cũ cũng có một quán cơm Tàu nổi tiếng một thời là quán cơm thố Chuyên Ký. Nó nằm khuất sau dãy hàng chợ Tôn Thất Đạm nên khó tìm thấy. Tuy vậy khách quen của ngày cũ vẫn tìm đến với những món ăn quen thuộc. Quán mở từ năm 1948, toàn món ăn của người Hoa. Cơm được đựng trong những chiếc thố đất nung nhỏ. Mấy chiếc thố này ngày xưa chắc từ các lò gốm Biên Hoà, Bình Dương sản xuất. Lúc trước người ta thường hấp cơm trực tiếp trong những chiếc thố này. Giờ hiện đại hơn, có lẽ người ta nấu cơm rồi mới cho vào thố hấp lại bên hạt cơm không được dẻo thơm như xưa. Chuyên Ký có rất nhiều món ngon. Những món khách hay dùng là gà hấp cải xanh, gà tiềm thuốc bắc, gà tiềm rong biển, hầm vĩ chưng hột vịt, hầm vĩ chưng giấm tương, bò tiềm, mì xào thập cẩm, sườn heo xào tàu vị yểu, cẳng vịt xào nấm đông cô, sườn xào chua ngọt. Món nào cũng được nấu theo công thức riêng của quán nên cũng món ấy mà ăn ở quán khác ta sẽ thấy có mùi, có vị khác. Cũng giống những quán xưa ở đất Sài Gòn, mỗi lần vào ăn ở Chuyên Ký, lại nhớ nhiều kỷ niệm, thời khu này là nơi sầm uất nhất Sài Gòn với những tiệm, những quán và những món ăn khó mà quên.

Muốn ăn cơm Bắc lại cho xe đến cơm Đồng Nhân. Vốn ngày xưa là quán cơm Bà Cả Đọi ở hẻm đường Nguyễn Huệ. Từ một quán trong hẻm nhỏ không quảng cáo, không rùm beng nhưng đã tạo được một thương hiệu mấy chục năm nay. Quán nhỏ hẹp, khách tới phải vào hẻm, lên cầu thang rồi lách vào nhà tìm chỗ ngồi trên chiếc phản hay mấy bộ bàn ghế con con. Nhiều khi khách đông quá, quán không đủ chỗ phục vụ, mọi người phải xếp hàng nhưng không ai than phiền mà kiên nhẫn chờ để được ăn cơm Bà Cả. Cơm Bà Cả Đọi nổi tiếng trước 1975. Là nơi tập trung nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ văn chương của Sài Gòn. Những người thế hệ đó chắc hẳn chẳng ai quên cái quán rặt Bắc Kỳ này. Theo tháng năm, Bà Cả đã già rồi nên giờ có đến hai quán, một quán ở góc Lê Thánh Tôn, Trương Định và một ở đường Tôn Thất Thiệp do những người con tiếp nối. Quán chỉ nấu những món ăn bình thường của người Bắc như canh cua rau đay, thịt luộc, cà pháo mắm tôm, giò heo giả cầy, đậu hủ dồn thịt, ốc nấu chuối đậu, trứng đúc thịt, thịt đông dưa muối, cá chiên, cà ri gà...Nổi bật là món giả cầy, đúng hương vị Bắc. Khách giờ không còn chỉ là người Bắc tìm ăn món của quê nhà mà có rất nhiều khách miền Nam và người dân tứ xứ. Nấu ngon, giá bình dân, phục vụ cũng được nên khách đông là chuyện đương nhiên.

Có một quán cơm nấu đúng vị miền Tây do một anh bếp từ một resort nổi tiếng ra mở phục vụ dân kén ăn tên là Quán cơm chú Tám Thường. Quán không đông khách, chỉ có vài bàn. Quán nằm trong hẻm nhỏ, lịch sự và gọn gàng, sạch sẽ. Ngồi ăn trong quán giống như ăn ở nhà hay đang đến ăn trưa nhà bạn. Tiêu chí ở đây là nấu nướng theo phong vị miệt sông nước lục tỉnh, với thành phần nguyên liệu chọn lựa kỹ càng từ nguồn cung cấp tươi ngon và bổ dưỡng. Thực đơn ở đây không cố định. Sáng anh bếp xách giỏ ra chợ, thấy gì ngon thì mua về chế biến thành menu của ngày hôm đó. Có nhiều món ngon tui hay thường được ăn là canh mướp nấu với chả cá thác lác. Tép xào. Mấy món bò nấu rất ngon không thua gì nhà hàng cao cấp. Tui khoái quán này vì khách kêu bếp mới nấu nên món nào cũng nóng, cũng dòn. Giá cũng vừa phải dành cho một mâm bốn người ăn. Đừng đi một mình, món ăn cũng từng đấy nên trả tiền như ăn bốn người.

Chán cơm Tàu, cơm Bắc, cơm Nam. Xin mời đi ăn cơm Đại Hàn. Nhiều quán lắm, nhất là khu Cộng Hoà. Nhưng xin mời đến Seoul House đường Bùi Thị Xuân. Ông chủ người Hàn này nằm trong danh sách những người mở quán ăn Hàn đầu tiên ở Sài Gòn. Quán đã dời địa chỉ đến lần thứ tư và giờ nằm ở đây. Không biết trong cơn đại dịch vừa rồi, quán có thoi thóp để tồn tại được không? Quán đủ các món nổi tiếng của Hàn Quốc nhưng cũng đã được chế biến cho hợp khẩu vị người Việt. Bò, heo nướng, cá saba, canh kim chi hải sản, cơm trộn, mì lạnh là những món được ưa chuộng ở đây. Nhớ gọi ly nước quế, ngon lắm mà lại dễ tiêu. Quán rộng, thoáng, món ăn vừa miệng giá lại bình dân. Ăn buổi trưa ở đây là một chọn lựa không tồi.

Cuối cùng, nếu chán cơm xin mời đến quán cháo lòng Võ Thị Sáu. Quán sạch sẽ, lòng ngon, nhầt là món dồi. Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời có bảo rằng: “Tại Sài Gòn, duy nhứt quán cháo lòng này có thể sánh ngang với cháo lòng Chợ Ðệm.” Tui chưa ăn cháo lòng chợ Đệm nên không làm chuyện so sánh, nhưng phải công nhận cháo ở đây ngon. Tô cháo ở đây không sánh như cháo ở miền Trung, không đặc như bát bột ở cháo Bắc mà cháo còn nguyên hạt, nước cháo lỏng vừa. Cháo ở miền Nam phân biệt rõ cháo lòng và cháo huyết. Cháo huyết chỉ nấu với huyết heo, là cháo nhà nghèo, ăn với giá. Cháo lòng đương nhiên là ăn với lòng. Lòng ở quán này đủ thứ để trên lớp cháo, nào là gan, tim, phèo, ruột, dồi. Nhưng như đã nói, dồi là món ngon nhất ở đây. Dồi miền Bắc là ruột heo được nhồi đầy huyết, rồi luộc. Dồi trong tô cháo miền Nam được nhồi với nhiều thứ, chủ yếu là thịt đầu heo bằm, sụn, ướp thêm sả bằm rồi mang chiên vàng. Cho nên nó thơm, nó quyến rũ vô cùng. Gắp miếng dồi đưa lẻn miệng, cắn một miếng, bao nhiêu hỗn hợp trong miếng dồi tan theo từng lần nhai, ngọt, béo, bùi, sần sật của sụn, thêm miếng rau. Ngon thật! Ở đây cũng có mắm tôm, giá, hành củ cùng tỏi ngâm, ai thích gì dùng thứ ấy. Có thêm giò cháo quẩy. Thế là trọn vẹn. Nếu thích cứ gọi một dĩa lòng với tô cháo không. Cứ thế mà làm tới là xong bữa trưa.

Thế là tui đã dẫn mấy người đi vòng quanh bữa cơm trưa. Ta có Bắc, Trung, Nam. Ngoại có Tàu, Hàn. Cơm, cháo đủ cả. Thôi no rồi, mắt lim dim rồi. Về ngủ một giấc chiều tui chở đi ăn vặt.

ĂN VẶT GIỮA CHIỀU.

Sài Gòn cũng giống Bangkok, Quảng Châu hay Hongkong. Là thiên đường dành cho những người khoái ăn vặt. Hà Nội cũng nhiều khu như thế nhưng người ta gọi là ăn quà. Chiều nay tui cùng bạn đi một vòng sơ sơ chơi nghen!

(Dài rồi, cho tui nghỉ, mai viết tiếp)

9.10.2021

DODUYNGOC

Địa chỉ quán ăn trưa:

- Cơm Bà Mập. 138 Võ Văn Tần. Q.3

- Quán Ăn Hương Giang -129 Lý Chính Thắng 

- Bếp nhà xứ Quảng, 16 Trần Cao Vân. Q.1

- Bếp nhà Lục tỉnh, 37 Nam Kỳ Khởi nghĩa. Q.1

- Cơm Truyền Ký người Hẹ, hẻm 39 Lý Thường Kiệt. Q.11

- Cơm thố Chuyên Ký 67 Tôn Thất Đạm, 

- Cơm Đồng Nhân(Bà Cả Đọi) 11 Tôn Thất Thiệp - 42 Trương Định.  Q1

- Cơm Chay Tín Nghĩa. 9 Trần Hưng Đạo, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. HCM

- Quán Hàn quốc Seoul House. 46.48 Bùi Thị Xuân. Q.1

- Cháo lòng. 170B Võ Thị Sáu 

- Tiệm cơm Chú Tám Thường. 27/1 Nguyễn Văn Nguyễn. P. Tân Định. Q.1
































Cho đến hôm nay, từ khi cơn đại dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam, người ta ước tính có khoảng gần triệu người đã rời bỏ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để trở về quê. Họ từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Bạc Liêu, Cà Mau. Nghĩa là từ muôn phương tụ lại và rồi quay đầu về cố hương trong cơn đại dịch. Họ đến với đôi tay trắng, mong có một cuộc sống khá hơn nhưng rồi trở về cũng trắng đôi bàn tay. Có người đã đến hơn chục năm, lấy vợ, sinh con đẻ cái ở đất này. Nhưng cũng có người vừa đến chưa đầy đôi ba tháng. Họ có nhiều hoàn cảnh nhưng cùng giống nhau ở một điểm là trải qua cơn dịch, họ không còn phương tiện sống, không còn công việc để kiếm cơm, không còn lối thoát và chọn giải pháp cuối cùng là trở về. Có người về trên chiếc xe gắn máy chở cả gia đình vợ chồng con cái với chút gia sản ít ỏi cột theo xe. Cũng có người trở về với chiếc xe đạp  với con đường diệu vợi hàng trăm, hàng ngàn cây số. Cũng có người trở về bằng đôi chân trần, lếch thếch trên con đường cái quan với hành trang chỉ là chiếc ba lô nhỏ. Cũng có ba cha con trở về bằng chiếc xe kéo tự chế, con ngồi, cha kéo như một trò chơi để mong về mảnh đất còn xa hơn trăm cây số. Cũng có gia đình ba thế hệ cùng đi bộ về, bước chân không còn vững nhưng cố gắng rời rạc bước khi cơn giông và bầu trời đen kịt kéo về báo hiệu cơn mưa lớn. Trong đoàn người về quê tối 6.10, tại chốt kiểm soát của thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, đoạn giáp ranh với địa phận tỉnh Long An. Trạm CSGT thị trấn Tân Túc phát hiện bà Trần Thị Ớt 76 tuổi đi bộ đẩy chiếc xe nôi từ thành phố về Thoại Sơn, An Giang vì chồng tai biến trở nặng. Hình ảnh cụ bà lưng đã còng, chậm rãi đẩy chiếc xe chất đầy đồ đạc đi hàng trăm cây số khiến ai nhìn thấy cũng lặng người.

Tất cả đều chung hoàn cảnh là trong túi chẳng còn bao nhiêu tiền nữa. Bởi nếu còn khá tiền, họ sẽ cố ở lại để đợi chờ cơn dịch đi qua. Cả đoàn người về miền Trung, miền Bắc đi trong cơn mưa, những đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác, những đôi mắt người lớn mệt mỏi, u buồn. Những chiếc áo mưa mỏng manh không che được cơn mưa lớn, tất cả ướt sũng vì nước mưa và khuôn mặt họ đầy nước mắt. Họ được dân địa phương tặng cho chén súp, chén cháo nóng giữa đêm, họ được chăm sóc như người thân và họ khóc vì cảm động. 

Cặp vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp, người vợ mang bầu đã đến tháng thứ tám, chỉ còn 100.000 đồng cho cuộc hành trình. Cả gia đình hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ sau khi trả những đồng tiền cuối cùng của mình cho việc xét nghiệm kiếm cái giấy đi đường chỉ còn lại 50.000 đồng. Cặp vợ chồng trẻ đi bộ về quê khi chẳng còn một đồng trong túi sau hai tháng ở gầm cầu vì bị đuổi ra khỏi nhà trọ do không còn tiền để đóng, người vợ đang mang thai, mấy hôm đi bộ nhiều nên có lẽ động thai, ra huyết. Chị mong đi đến được nhà cô chị để nhận được 200.000 đồng như lời hứa của cô chị, đi khám thai rồi tiếp tục đi bộ trên con đường quy hương. Không biết cặp vợ chồng trẻ này bao giờ mới được về nhà. Xem clip mà nước mắt cứ trào ra thương biết bao thân phận, thương quá cho nỗi đau, nỗi khổ của đồng bào mình. Cũng may trên con đường trở về, họ đã được nhiều người dân đùm bọc, giúp đỡ. Chỉ có dân giúp dân, lá lành đùm lá rách và cũng có cảnh lá rách đùm lá nát. Cặp vợ chồng đi xe đạp nhận 5 triệu đồng của một người qua đường mà cứ ngỡ trong mơ. Cặp vợ chồng trẻ được anh Khương Dừa trao tặng 5 triệu đồng với lời nhắn nhủ phải đi khám thai rồi tính gì thì tính. Cô gái mừng rơi nước mắt, khóc vì cảm xúc, khóc vì được giúp trong bế tắc và có lẽ cũng là giọt nước mắt tri ân vì đời vẫn còn người tốt. 

Cuộc trở về không chỉ có giọt nước mắt mừng vì được có người giúp miếng ăn, chai nước, ít tiền hay phương tiện để đi được thêm một chặng đường. Mà còn những giọt nước mắt nghẹn ngào đau xót trước cơn hấp hối của con như nước mắt của người mẹ trên đỉnh đèo Hải Vân trong đêm mưa khi thấy con mình đã gần như ngưng thở vì đói, rét và gió gụi đường trường. "Trong tiếng động cơ khởi động ồn ào, một bà mẹ bất ngờ khóc thét khiến cả đoàn xe máy sắp xuất phát phải dừng lại. Đứa trẻ đã ngất xỉu trong lớp áo mưa. Bà mẹ trẻ bồng con sơ sinh lao thẳng về phía có các tình nguyện viên, cầu cứu.

Nhanh chóng bế đứa nhỏ khỏi vòng tay mẹ, một tình nguyện viên cũng là y tá của bệnh viện ôm đứa nhỏ chạy vào một quán nước trên đỉnh đèo. Các y tá, bác sĩ khẩn cấp sơ cứu.

Qua kiểm tra, nhóm tình nguyện nhận định cháu bé ngất xỉu do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài. 

Người mẹ quê tỉnh Nghệ An khóc kể lại rằng, trên đường đi cháu bé nôn ói, không ăn được gì. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân thì hết nôn ói, chị mở chiếc áo mưa ra xem thì đứa trẻ đã lịm…"(trích báo)

Tiếng kêu "cứu con tôi với" đầy nước mắt vang lên trong cảnh nhộn nhạo của cuộc di tản chứa nỗi tuyệt vọng và bi thương. Cũng may đứa bé được cứu sống kịp thời, nếu không cuộc trở về sẽ là cơn ác mộng theo mãi người mẹ trẻ. Nhưng cũng có người đã phải chết trước khi về được ngôi nhà, làng xóm thân yêu của mình. Hai mẹ con chết vì bị tai nạn giao thông khi vừa đến Quảng Nam. Một cặp vợ chồng bị xe cán khi đã đến ranh giới quê nhà. Người chồng chết ngay dưới bánh xe tải và người vợ đang thập tử nhất sinh trong bệnh viện. Và còn nhiều trường hợp nữa phải dừng lại giữa đường không được về với quê hương. Cuộc trở về không chỉ có nước mắt mà còn có cả máu, còn có cả sinh mạng của một số người. Nỗi đau này ai là người chịu trách nhiệm? Nếu đủ điều kiện để ở lại, chắc họ sẽ không làm cuộc phiêu lưu đầy giông bão để trở về. Và chắc họ sẽ không phải chết.

Vượt bao nhiêu khó khăn để trở về quê, có người phải bỏ mình trên con đường về. Nhưng buồn thay, họ lại bị lãnh đạo quê nhà từ chối. Ngay từ đầu khi có dịch ở trên thế giới, chính phủ đã thực hiện nhiều chuyến bay để chở những người con xa xứ ở Châu Âu, ở Nhật Bản, ở Ấn Độ trở về. Thế sao những người lao động nghèo ở trong nước lại không được trở về quê như họ mong ước. Họ bị rào kẽm gai, chốt chận chặn lại. Họ rớt nước mắt trong mưa, họ hò hét đến khản cổ, họ thắp nhang quỳ lạy giữa lộ. Rồi họ được về, nhưng lãnh đạo địa phương không muốn nhận. Họ lo giữ cái ghế của mình hơn là nỗi đau của đồng bào. Những người trở về không chỉ có nước mắt, máu mà còn có buồn tủi. Buồn vì họ trở thành kẻ xa lạ trên quê nhà của mình. Tủi vì họ không được chấp nhận. Khi người anh không nhận đứa em trong cơn nguy khốn của mình trở về thì là bất nghĩa. Khi lãnh đạo không nhận đồng bào của mình trong lúc khó khăn thì gọi là bất nhân. Làm lãnh đạo, làm con người mà bất nghĩa, bất nhân thì làm sao tạo được lòng tin. Lãnh đạo bất nhân, bất lực, bất tài chỉ khiến cho dân đã khổ càng thêm khổ. Dân buồn, dân tủi vì lãnh đạo quê nhà từ chối họ, họ trở thành người lạ ngay trên chính quê hương mình.

Trở về vì không còn chút gì trong tay để sống. Trở về với cái túi đã cạn sau bốn tháng không được làm việc. Trở về vì bế tắc không còn đường thoát. Thế mà lãnh đạo địa phương bắt phải trả tiền cho những xét nghiệm, trả phí cách ly một ngày 80.000 tiền ăn và 40.000 chi phí khác. Tiền đâu dân đóng? Các ông đang nghĩ gì vậy? Nếu còn tiền họ đâu có nghĩ đến chuyện trở về để làm phiền các ông? Các ông tàn nhẫn quá, bóp cổ, vét hết túi tiền của dân chăng? Xét theo luật, xét nghiệm và chữa trị cho người nhiễm virus là miễn phí, sao các ông lại tính chuyện bóp cổ dân nghèo? Bòn rút đến nước ấy thì tệ quá.

Những cuộc trở về với máu nước mắt và buồn tủi như thế vẫn đang diễn ra hàng ngày trên đất nước này. Bao giờ mới chấm dứt những cuộc di tản đau buồn đó. Và biết đến bao giờ dân nghèo mới bớt khổ đau? Thương quá đồng bào tôi ơi!

7.10.2021

DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget