Latest Post






Sài Gòn hôm nay không có mưa, thấy có nắng vàng trên những tàng cây, thấy những dây giăng và kẽm gai đã gỡ bớt, thấy những con phố có nhiều người hơn, thấy nhiều ngõ hẻm đã thông thoáng và cũng thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Chỉ còn đôi ba ngày nữa, thành phố này sẽ không còn tù hãm, dù người ra đường vẫn còn hạn chế, vẫn còn phải có điều kiện. Nhưng chắc hẳn tâm lý của mỗi người dân không còn căng thẳng như trước khi thành phố đầy những dây giăng và cuộn kẽm. Sau một thời gian dài giãn cách, không việc làm, không được sinh hoạt như bình thường, ngày mở cửa được đợi trông như là một niềm vui an ủi sau những nỗi bi thương đã gánh chịu. Vần còn đó những ngổn ngang chưa tìm ra lối thoát, vẫn còn đó những con số nhiễm bệnh và tử vong. Nhưng không thể cứ mãi đóng cửa và giăng dây. Không thể sống mãi trong nỗi lo âu và tuyệt vọng. Chờ cửa mở để tìm lại nụ cười sau những bi kịch. Nắng đã lên sau những ngày mưa. Trải qua những muộn phiền, trải qua những chia lìa buồn đau. Người Sài Gòn chờ ngày trở lại với dáng đứng của Sài Gòn. Để không còn phải ngửa tay xin hỗ trợ, để không còn những day dứt khi nhìn đồng bào mình thiếu ăn, thiếu thuốc, những người thân quen lìa đời trong lặng lẽ. Mong sau cơn đại dịch, thành phố lại vững tin bước tới, tiếp tục có những thành tựu và quan trọng hơn là những người lãnh đạo thành phố có tầm nhìn, có tư duy mới hơn, gần dân hơn, thông cảm và biết lắng nghe tiếng lòng của dân để thành phố vẫn tiếp tục là thành phố tươi đẹp và nghĩa tình.

Đêm hôm qua, khi phát biểu kết thúc Chương trình nghệ thuật trực tuyến "Nối vòng tay lớn" ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch thành phố đã nói lên những sự hy sinh, mất mát và sự đoàn kết, lòng nhân ái của người dân thành phố trong quãng thời gian giãn cách xã hội kéo dài 4 tháng qua. Đồng thời ông cũng nhìn nhận, trước tình huống rất khắc nghiệt của dịch, có những lúc, công tác điều hành của thành phố không tránh khỏi lúng túng, hạn chế, bất cập. Và ông cũng thay mặt chính quyền thành phố, xin nhận thiếu sót và mong được sự lượng thứ của đồng bào. Đây cũng là lần thứ hai trong cơn đại dịch, lãnh đạo nhận khuyết điểm với nhân dân thành phố. Dù sao đó cũng là bước chuyển biến tích cực vì trước đây ít khi có chuyện lãnh đạo xin lỗi và nhận khuyết điểm trước dân. Hi vọng với những nhân tố mới trong những người đứng đầu thành phố, trải qua những kinh nghiệm đau thương khi cơn dịch đi qua, nhân dân thành phố sẽ có được chút lòng tin để góp sức vực dậy thành phố này sau thời gian dài xơ xác với nhiều mất mát.

Điều dân cần là sự minh bạch, là trách nhiệm của những người lãnh đạo. Là sự công bằng, là cái tâm, cái tầm nhìn của những người nắm trọng trách. Con số tử vong hơn 14.000 người trong cơn dịch cho thấy ngay từ đầu thành phố cũng như trung ương đã đánh giá và đưa ra những biện pháp sai lầm dẫn đến những hậu quả. Sau này, với những nghiên cứu, thống kê khoa học của giới chuyên môn, người ta sẽ phân tích và đưa đến kết luận cụ thể. Nhưng cái thấy rõ trước mắt là đã có rất nhiều người chết oan trong đợt dịch này. Nếu không có những lúng túng, những bất cập, những hạn chế trong việc phòng chống dịch, có thể họ không phải chết và sẽ không có cảnh những xác người bó trong bao đưa vào xe lạnh để chờ đến lượt thiêu. Cũng sẽ không có mấy ngàn đứa trẻ trở thành mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa. Và cũng chẳng có những hủ tro cốt trên bàn thờ của những căn nhà.

Con số người nhiễm bệnh và tử vong bao nhiêu người dân chỉ biết trên báo cáo của cơ quan y tế.  Nhưng nhìn số người chết từ trong những bệnh viện, từ những căn nhà, từ những khu phố hay con hẻm, xóm sâu, có lẽ nhiều hơn con số đã được báo. Theo một báo cáo mới đây của thành phố xác định khoảng 150.000 ca có kết quả test nhanh dương tính với virus Vũ Hán chưa được cấp mã số để quản lý. Điều này có nghĩa số ca mắc thực tế sẽ cao hơn rất nhiều so với con số Bộ Y tế đã công bố vừa qua. Như vậy, nếu con số này được Bộ Y tế công nhận, số ca mắc virus Vũ Hán của thành phố sẽ tăng lên là 522.202 ca (tăng 40% so với số công bố). Những con số nhảy múa lạnh lùng nhưng đằng sau đó là những số phận, là sinh mệnh của những con người.

Mở cửa là việc không thể không làm trong giai đoạn này, nhưng cũng cần tránh mở cửa rồi lại đóng cửa ngay, nếu thế thì hậu quả còn bi đát hơn nữa. Nguyên tắc cơ bản là trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được phép đẻ thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép phát sinh bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào. Nếu không doanh nghiệp còn lao đao, dân còn khổ nữa. Đồng thời, nếu khi thành phố mở cửa mà các địa phương khác không mở cửa cũng không giải quyết được vấn đề gì. Do đó phải đồng bộ toàn khu vực và các tỉnh lân cận cũng phải kiểm soát được dịch bệnh. Một điểm cũng cần lưu tâm là việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Nhiều địa phương còn có hiện tượng ùn tắc lưu thông hàng hóa cục bộ do quy định chưa phù hợp, dẫn đến tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận, người dân.

Theo kế hoạch mở cửa của thành phố vừa được công bố cho phép mở lại nhiều hoạt động như đám cưới, đám tang, các hoạt động thương mại, dịch vụ với yêu cầu cụ thể về vaccine và xét nghiệm. Cụ thể 7 nhóm được hoạt động:

- Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức

- Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.

- Công trình giao thông, xây dựng.

- Hoạt động kinh doanh thương mại: 11 nhóm hoạt động.

- Địa điểm hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật:

+ Sự kiện, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức quy mô tối đa 30% công suất và điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức...

+ Hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động tối đa 10 người. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, được hoạt động tối đa 50 người.

- Tổ chức đám cưới tối đa 50 người dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

- Tổ chức đám tang tối đa 20 người dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

Với hoạt động giáo dục, TP tiếp tục dạy học trực tuyến. Các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vaccine, có thể dạy và học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

Bên cạnh đó, những hoạt động tiếp tục tạm dừng gồm:

- Hoạt động kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao gồm quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

- Sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động.

- Hoạt động của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

- Bán hàng rong, vé số dạo.

- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

Thành phố tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. 

Như vậy, kế hoạch mở cửa vẫn là mở hé, vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa thể gọi là bình thường. Vẫn còn những lo ngại, đắn đo, băn khoăn bởi thật tình vẫn chưa kiểm soát được dịch. Ở thành phố, dịch đã qua đỉnh nhưng vẫn chưa giảm. Công việc xét nghiệm vẫn tiếp tục trên diện rộng là bức xúc của dân. Để tâm lý người dân trở lại bình thường, nên chấm dứt xét nghiệm rộng khắp mà chỉ nên xét nghiệm từng nhóm đối tượng và tuỳ khu vực nguy cơ như đề nghị của những nhà chuyên môn. Lực lượng nhân viên tiêm chủng nên tập trung về các bệnh viện để người nhiễm bệnh được chăm sóc chu đáo và kịp thời hơn. Dù lãnh đạo y tế phát biểu việc cách ly người F0 vào khu tập trung là hiểu nhầm và ai cũng biết đó là biện pháp không hiệu quả. Thế nhưng ở các quận, các phường, tình trạng tập trung này vẫn diễn ra gây ức chế trong dân.

Con số được tiêm chủng mũi 1 ở thành phố rất cao, cao đến không tin được. Như Phú Nhuận, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Quận 1, 3, 4, 5,6, 8, 11, Tân Phú và thành phố Thủ Đức là 100%. Thế nhưng tỷ lệ mũi 2 thì còn thấp như Bình Thạnh mới được 30% và cao nhất là Quận 5 với 67%. Trung bình toàn thành mới chỉ đạt 40%. Những con số chích ngừa mũi 2 như vậy cũng chưa phải là con số an toàn cho mở cửa.

Vaccine thiếu là vấn đề của thành phố và của cả nước. Nhiều người lấy làm thắc mắc khi Ba Lan tặng ta một số vaccine AstraZeneca, đồng thời sẵn sàng nhượng lại ba triệu liều AstraZeneca với giá gốc cho Việt Nam thế nhưng phía Việt Nam lại không mua mà lại ký hợp đồng mua vaccine Trung Quốc với giá cao hơn, giới thạo tin cho biết Astra Zeneca có giá từ 2.15 đến 5.25 USD/liều. Còn vaccine Vero Cell có giá từ 19 đến 36 USD/liều nhưng hiệu quả không tốt bằng và với một hợp đồng chịu quá nhiều thiệt thòi vô cùng bất lợi cho Việt Nam. Thắc mắc này cũng chẳng biết hỏi ai?

Theo dự báo của thế giới để ngăn ngừa và phòng chống dịch người ta sẽ phải tiêm mỗi năm một lần. Chủ tịch kiêm CEO của Pfizer cho rằng cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại bình thường trong vòng 1 năm tới nhưng rất có thể mọi người sẽ phải tiêm phòng virus hàng năm. Như vậy, muốn bình ổn cuộc sống và kinh tế tiếp tục phát triển, Việt Nam phải có dự trữ hoặc sản xuất được vaccine. Nếu không, chúng ta lại lúng túng và lâm vào khủng hoảng vaccine như thực tế đang diễn ra. 

Hiện tại, Pfizer đang bán vắc xin với các mức giá khác nhau cho các nước có độ giàu có khác nhau. Theo ông Bourla Chủ tịch kiêm CEO của Pfizer, các nước đang phát triển được mua vắc xin của Pfizer với giá rẻ. Ngoài ra, công ty này còn đang bán 1 tỷ liều vắc xin cho Chính phủ Mỹ với giá gốc. Sau đó, Chính phủ Mỹ đem tặng những liều vắc xin này, hoàn toàn miễn phí, cho những quốc gia khó khăn nhất trên khắp thế giới. Chính phủ ta nên tận dụng thời cơ này để có một lượng vaccine dự trữ cho thời gian tới.

Một tin cũng khiến nhiều người bàn bạc hôm nay là chuyện lư hương ở tượng Trần Hưng Đạo. Lư hương này đã bị cẩu đi từ năm trước khi một số trí thức và người dân đến dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979. Bây giờ, theo ông Phạm Đức Hải, sẽ chỉnh trang lại khu này với kinh phí hơn 32 tỷ và lấy ý kiến nhân dân nhiều chuyện quanh tượng đài, kể cả chuyện lư hương. Việc mang trả lư hương về địa chỉ cũ là mong mỏi và yêu cầu tha thiết của nhân dân bấy lâu nay. Giờ lãnh đạo chẳng cần lấy ý kiến dân nữa, hãy mau chóng mang lư hương về lại và khấu đầu tạ lỗi với tiền nhân. Đó là cách chuộc lỗi tốt nhất và hợp với lòng dân. Đừng mượn chuyện chỉnh trang, tu bổ che mắt mọi người mà có tội.

Tin mới nhất vừa nhận được là Sở GD&ĐT TP.HCM lên phương án tiêm vắc xin cho học sinh sau ngày 30.9. Đây là nội dung được Sở GD&ĐT triển khai đến khoảng 1.500 trường học từ mầm non đến THPT, trung tâm GDTX về công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho học sinh, giáo viên. Trước đó, Sở GD&ĐT đã có đề xuất với UBND TP về việc tiêm vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi với nguồn vaccine cho phép tiêm trong độ tuổi này trước khi kết thúc học kỳ I năm học để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp khi bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021 - 2022. Vaccine đang thiếu và cũng chưa có nghiên cứu nào của các chuyên gia Việt Nam về chích vaccine cho trẻ em. Quý anh chị em đang có con cháu ở độ tuổi này có ý kiến gì không?

27.9.2021

DODUYNGOC










Đêm qua lại mất ngủ, nằm trằn trọc suốt đến sáng, cái đầu nghĩ đủ mọi thứ chuyện. Đêm Sài Gòn những ngày cuối của cuộc phong toả kéo dài vẫn êm ắng lạ thường. Không nghe tiếng rú của xe, không một tiếng người. Cách nhà tôi có một appartement và sát đó là một khách sạn toàn khách Tây với Đại Hàn. Bình thường khách Tây đi về khuya không ồn ào bằng đám Đại Hàn, xí xa xí xồ ỏm tỏi. Lúc trước thì bực, bây giờ lại nhớ. Bởi đêm khuya còn có âm thanh của con người. Lại nhớ tiếng rao đêm suốt mấy tháng nay không còn nghe nữa. Đó là giọng khàn khàn của ông bán bánh giò đi trên chiếc xe đạp cũ. Bánh giò nóng đ..â..y. Giọng Bắc kéo dài nghe mệt mỏi giữa khuya vắng. Rồi tiếng lắc của chùm thẻ nhôm của những thanh niên hành nghề đấm bóp. Rồi tiếng rao bánh mì Sài Gòn nóng dòn đặc ruột. Những âm thanh của đêm. Giọng rao nào cũng buồn, khuôn mặt của những người bán hàng nào cũng héo hắt. Có lẽ cuộc sinh kế khó khăn hay phần số cuộc đời khiến họ chẳng vui. Thỉnh thoảng cũng có tiếng gõ của xe mì gõ nhưng thời sau sau này cũng hiếm rồi. Giữa đêm tiếng gõ vang lên trong hẻm vắng như mang sinh khí cho đêm. Giờ thì mất hẳn. Nửa đêm có đói thì chỉ còn mì gói. Suốt mùa giãn cách, ăn toàn mì gói, giờ cứ thấy bát mì là ớn tận cổ nhưng cũng chẳng biết còn gì để ăn đêm. Còn tiếng chổi quét rác của những công nhân vệ sinh nữa, hình như cũng vắng trong cơn đại dịch. Tiếng chổi tre quẹt xuống đường cũng là âm thanh của phố về đêm. Khuya ở thành phố không có những âm thanh đó, phố xá như thành phố ma với những ngọn đèn vàng vọt. Rồi đây đêm Sài Gòn sẽ trở lại tiếng rao, tiếng xe rú, tiếng nhạc từ quán bên đường phát ra ầm ĩ. Nhưng chắc lòng người ở thành phố này sẽ có đổi thay.

Chỉ còn 5 hôm nữa, Sài Gòn sẽ mở cửa. Đó là lối thoát duy nhất. Trưa hôm nay ngõ phố nhà tôi đã gỡ  dây giăng và chướng ngại vật. Nhưng con phố vẫn vắng. Sau mấy tháng trời ngăn chận, giờ gỡ dây kẽm thấy sự thông thoáng của con đường, lòng thấy bình an và lạc quan hơn một chút. Mở cửa để bình thường hoá theo nhà nước gọi là bình thường mới. Sau cơn đại dịch với có quá nhiều đau thương và mất mát. Với thời gian dài tù hãm không được thực hiện quyền của một con người. Chắc chắn mỗi người sẽ không còn có cuộc sống bình thường như xưa nữa. Thay đổi lớn nhất là gia đình có người thân yêu mất trong cơn đại dịch, là hàng ngàn đứa trẻ bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Là rất nhiều người bỗng không còn một số bạn bè, người thân. Họ biến mất khỏi cuộc đời một cách đột ngột và xác thân chỉ còn là một nhúm tro. Những ngôi nhà có thêm những hủ tro cốt. Những người thoát khỏi cơn bệnh, thoát khỏi lằn ranh sinh tử và chứng kiến nhiều cái chết lặng lẽ ở cạnh mình. Họ sẽ có nhiều suy nghĩ. Và chúng ta sẽ tự đặt cho mình một câu hỏi, trước đây chúng ta đã sống đúng chưa? Rồi mốt mai ta sẽ sống thế nào?

Thoát được và còn được khoẻ mạnh và gia đình không thất thoát người nào sau cơn đại dịch là điều may mắn và đó cũng là niềm hạnh phúc. Đến lúc này, ta sẽ hiểu hơn, thấm hơn cái nghĩa của vô thường để rồi từ đó sẽ khiến ta có một cách sống khác, một suy nghĩ khác về cuộc sống. Cũng có thể tử tế hơn nhưng lắm khi cũng chụp giựt, tàn tệ hơn. Nỗi đau thấm trong lòng cũng có thể biến người ta thiện lương hơn. Nhưng cũng có khi đi qua những chết chóc, những mất mát, những cái chết đột ngột khiến người ta tàn nhẫn hơn, tận dụng cơ hội và tranh giành nhau hơn. Bằng chứng là trong khi nhân dân mình, đồng bào mình chết hàng ngày cả trăm người, vẫn có lắm kẻ lợi dụng cơ hội để làm giàu, dửng dưng, vô cảm trước những cái chết của đồng loại. Danh và lợi lắm khi biến con người thành những con thú tham lam vô độ.

Dây giăng rồi sẽ gỡ, những cuộn kẽm sẽ cuốn đi, những ba ri e sẽ được dẹp, nhưng trong lòng lãnh đạo, trong lòng dân vẫn còn đó những nỗi lo. Ngày hôm trước, con số nhiễm bệnh ở thành phố vẫn là 4.046 ca, số người chết là 123 người. Số người chết giảm là tín hiệu tốt nhưng con số người bệnh nặng và thở máy vẫn còn cao. Khi giảm giãn cách, những tỉnh lân cận thành phố cũng là điều cần quan tâm vì nó có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giảm ở Sài Gòn mà không kiểm soát được dịch ở những tỉnh chung quanh thì vẫn còn đó mối đe doạ. Ngày 24.9, Bình Dương vẫn có thêm 3.629, cũng xấp xỉ thành phố dù dân số thấp hơn nhiều. Đồng Nai cũng 996 ca bệnh. Đó cũng là một mối bận tâm.

Vaccine vẫn còn là mối lo lớn nhất. Dù cố gắng nhưng số người tiêm mũi 2 vẫn còn thấp, không đảm bảo được an toàn trong khi vaccine ở thành phố không còn, đang chờ phân bổ. Tính đến sáng 24.9, thành phố đã tiêm chủng được 9.068.787 liều vaccine, trong đó có 6.790 745 mũi 1 (đạt 94,2% dân số từ 18 tuổi trở lên) và 2.278.042 mũi 2 (đạt 31.6% dân số từ 18 tuổi trở lên). Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tỷ lệ tiêm mũi 2 như vậy là chưa đạt yêu cầu. Và đó là một nỗi lo âu của thành phố khi mở cửa để có bình thường mới.

Do vậy, trong chiều nay 26.9, Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cho biết TP.HCM vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế. Lý giải quyết định này, ông Hải cho biết theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch tại TP.HCM như địa lý, dân số...

"Do đó, Chủ tịch UBND TP có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng phù hợp hơn với tình hình và điều kiện tại TP.HCM".

Cũng tại cuộc họp báo, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin về kế hoạch tháo gỡ rào chắn tại thành phố. Ông Bằng cho biết hiện, thành phố đang dự thảo chỉ thị về các giải pháp sau 1.10, trong đó có các lộ trình tháo gỡ rào chắn sau 1.10. Ông Bằng khẳng định vấn đề này mới chỉ đang dự thảo. Cùng với đó, Sở GTVT cũng đang tham mưu thành phố về tổ chức giao thông trong thành phố và giao thông liên vùng sau 1.10. Còn có mấy ngày mà cứ bàn hoài, chưa có chi cụ thể. Cái chuyện app chích ngừa hình như thấy im luôn rồi. Chẳng thấy ai nhắc nữa.

Các giải pháp đang được dự thảo và nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, ông Bằng lưu ý vấn đề lưu thông liên vùng cần có ý kiến của các địa phương.

Về vấn đề các chốt chặn, người dân thắc mắc là sau 1.10 có được chạy xe về quê không khi họ đã tiêm vaccine và có thẻ xanh? Sau 4 tháng chịu đựng ở thành phố, giờ rất nhiều người có nguyện vọng được về quê bởi họ không còn kiếm được công việc, thấy tương lai bấp bênh và không còn tiền bạc, vốn liếng để trụ lại được nữa. Xe khách, tàu hỏa, máy bay chưa đi lại bình thường, nhiều người chọn đi xe máy như một giải pháp tình thế để tiết kiệm. Trả lời thắc mắc này, đại diện Phòng Tham mưu Công an thành phố cho hay, đến thời điểm này, các chốt kiểm soát nội đô, cửa ngõ đang kiểm tra bình thường. Việc gỡ các chốt kiểm soát, Công an phải chờ có chỉ đạo của Ủy ban thì mới thực hiện. Như vậy, tuy giảm giãn cách, bình thường mới nhưng những người dân muốn rời thành phố về lại quê nhà vẫn chưa có lệnh. Và họ đành chịu đựng thêm một thời gian nữa.

Ngày 24.9 vừa rồi, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh xô xát giữa nhân viên y tế và nhóm người dân ở quận 8. Được biết, cuộc ẩu đả xảy ra do mâu thuẫn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, trong quá trình lấy mẫu, một gia đình sống tại hẻm trên địa bàn phường 4, quận 8 đã đề nghị được tự test nhằm tránh tập trung đông người, dễ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, phía nhân viên y tế không đồng ý và cho rằng người dân tự test là không đúng quy trình, sẽ cho kết quả không chính xác. Do mâu thuẫn dẫn đến cự cãi, xô xát, 3 thành viên của gia đình này đã dùng bàn, ghế ném vào người các nhân viên y tế. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân xung quanh đến can ngăn và các nhân viên y tế bỏ đi.

Vụ xô xát này cho thấy dân đã quá chán ngán với việc xét nghiệm, hai, ba ngày chọc mũi một lần, gặp người chọc ngoáy nhẹ nhàng thì không sao, nhưng phần lớn là do người không có chuyên môn nên làm cho người được test đau đớn dễ đưa đến bực bội. Đã stress vì bị giam trong nhà quá lâu, ức chế vì không còn tiền bạc để sinh hoạt hàng ngày, lo lắng vì sợ lây nhiễm. Tất cả dồn lại làm sang chấn tâm lý rất dễ nổi cơn khi gặp nhân viên tiêm chủng có thái độ, tác phong làm việc không tốt. Hơn nữa trong suy nghĩ của rất nhiều người dân cho rằng việc xét nghiệm là việc làm thừa, vô ích và tốn kém vô lý nên sinh ra tâm lý không đồng thuận. Một Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ từng chủ nhiệm bộ môn ở ĐH Y Dược đã cho rằng: "Thứ nhất, theo tôi chỉ nên xét nghiệm những bệnh nhân có triệu chứng hoặc những người từng tiếp xúc với F0, F1. Tỉ lệ dương tính khi tầm soát chỉ có 0,5%, muốn tìm ra được 1 ca dương tính phải mất tới 330 triệu đồng tiền kit test thì rất tốn kém. Thời gian tầm soát diện rộng như vậy thật sự không cần thiết. Thứ hai, ví dụ hôm nay test diện rộng, người đó âm tính nhưng đã chắc gì 3 ngày sau người đó không bị nhiễm. Chẳng lẽ chúng ta cứ phải test diện rộng 3 ngày/lần như vậy mãi? Tầm soát diện rộng liên tục để làm gì trong khi kết quả đó chỉ hiệu nghiệm trong 3 ngày. Sau này khi chúng ta dần bình thường trở lại, họ lại ra ngoài và có thể sẽ lây nhiễm nữa, thành ra việc làm ngày hôm nay rất vô nghĩa. Chúng ta cứ test diện rộng mãi như thế rất tốn kém”. 

Việc cần làm lúc này chính là ngưng xét nghiệm tầm soát cộng đồng, mà tập trung nguồn lực cho việc tiêm vaccine. Từ đó, nhiều vấn đề trong công tác chống dịch sẽ được giải quyết và ngày “bình thường mới” sẽ đến nhanh hơn.

Quan điểm của vị Bác sĩ này phù hợp với các nhà chuyên môn cũng như nhiều người dân mong muốn lâu nay, chẳng hiểu sao Bộ Y tế và chính phủ cứ tiếp tục xét nghiệm trên diện rộng và toàn diện, thần tốc để làm gì nhỉ? Cho đến nay kể từ 27.4.2021, lượng xét nghiệm đã thực hiện 17.805.333 mẫu cho 51.127.500 lượt người. Xét chi mà lắm thế?

Chuẩn bị cho ngày mở cửa, sáng nay hì hục xịt nước rửa hết đống xe gắn máy và cho nổ máy. Mấy chục chiếc chỉ có được 3 chiếc nổ máy sau mấy phút đề. Xe hơi thì thua luôn. Hỏi ra là do xe để lâu ngày không nổ máy, không chạy nên hết bình accu. Thành phố chưa cho phép dịch vụ sửa xe  hoạt động, các cửa hiệu bán phụ tùng cũng chưa mở cửa, biết làm sao bây giờ. Điện hỏi thợ quen thì họ bảo có thể dùng bình accu khác để kích bình. Sau khi có thể nổ máy thì bình trên xe sẽ tự động được sạc, tầm 20 phút sẽ đủ điện để đề máy. Nếu vẫn không đề được thì bình đã hư, chuẩn bị mua bình mới. Ối trời! Mấy chục chiếc mà sắm bình thì phen này nghèo luôn rồi. Mỗi cái bình gần 300.000 chứ ít đâu. Cả năm nay thất nghiệp chẳng làm ăn chi ra tiền mà giờ cho đám xe này nổ được chắc cũng tốn bộn tiền. Xe gắn máy thì thay bình, xe ô tô thì không biết phải làm sao. Chắc phải đi kiếm cách kích bình accu. Nghe nói giá cũng mấy triệu. Ôi chao! Đau lòng quá đi. Phong toả lâu ngày không chỉ hư người mà còn hỏng xe. Chán thật!

26.9.2021

DODUYNGOC















Đã có những dấu hiệu từ Thủ tướng cho tới các lãnh đạo thành phố cho thấy đầu tháng 10, Sài Gòn sẽ mở cửa, giảm giãn cách, "bình thường mới". Đó là kế hoạch không thể không thực hiện. Thủ tướng nêu mục tiêu cố gắng từ nay đến 30.9 từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên cũng theo kiểu nói của nhà chức trách thành phố dù chỉ còn vỏn vẹn 5 ngày nhưng mọi chuyện vẫn còn rối rắm. Con số nhiễm bệnh này hôm qua tuy có giảm so với trước đây nhưng vẫn còn 3786 ca và số người tử vong là 140 người. Hiện tượng shipper giảm vì chuyện ngoáy mũi hàng ngày chiếm nhiều thời gian lại tốn kém. Họ bị nhiều áp lực như chịu phí xét nghiệm cao, số lượng điểm test ít, phải thường di chuyển gấp đôi quãng đường vì chốt chặn, do vậy nhiều shipper đã tính chuyện ngưng chạy vì tiền thu vào không đủ bù chi ra. Đã qua quá nhiều thử nghiệm ở thành phố này về việc lưu thông hàng hoá như đi chợ hộ, chạy trong quận, shipper tình nguyện, xe bán hàng lưu động. Nhưng rồi cuối cùng, phương án tốt nhất vẫn là đội ngũ shipper có sẵn từ các công ty.

Tại họp báo chiều 24.9, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết thành phố có chỉ đạo giao cho shipper tự xét nghiệm. Mục đích là để giải quyết tình trạng các shipper xét nghiệm tại các trạm vẫn còn tập trung đông người.

Shipper sẽ được phát kit test miễn phí, sau đó tự xét nghiệm và chụp hình gửi về công ty để tải lên kho dữ liệu dùng chung. Sở Công Thương và các sở ngành sẽ kiểm tra, kiểm soát, nếu có vi phạm sẽ tắt app không cho hoạt động.

Nhiều shipper không biết sắp tới sẽ xét nghiệm thế nào, ở đâu. Họ cũng nghe nói rằng tài xế được phát bộ kit test nhanh để xét nghiệm tại nhà, nhưng vẫn chưa nhận được thông báo từ ứng dụng và cũng không biết nhận kit ấy ở đâu? Cũng có người rủ nhau test mẫu gộp nhưng rất khó kiếm thấy điểm xét nghiệm, khi test được rồi thì được tin các chốt kiểm dịch chỉ chấp nhận mã QR từ phía doanh nghiệp cập nhật lên Sở Công Thương, kết quả tự xét nghiệm của các tài xế có thể không được thông qua. Thành ra tốn tiền vô ích. Đến khi được phép chạy thì vì thành phố còn quá nhiều chốt chặn, còn nhiều nơi giăng dây, phong toả nên phải chạy vòng vòng tốn thời gian, hao xăng mà số đơn thực hiện được cũng giảm nhiều. Chưa kể khi F0 ẩn khuất trong cộng đồng thì shipper là đối tượng dễ lây nhiễm nhất. Nếu không giải quyết hợp lý cho đội ngũ này, khi giảm giãn cách, huyết mạch lưu thông hàng hoá đến tay người tiêu dùng cũng sẽ bị nghẽn mạch như thời kỳ phong toả. Mở cửa dự định sẽ cho phép hàng quán bán nang về và online. Cách thức này mà không có shipper thì phá sản vì hàng không có phương tiện đến với người tiêu dùng.

Một băn khoăn nữa của người dân là cho đến nay chỉ còn thời gian rất ngắn,mô hình thẻ xanh vẫn mơ hồ ở thành phố, nhiều người dân vẫn chưa rõ làm sao có được thẻ xanh để trở lại cuộc sống thường nhật. Trong cuộc họp báo chiều 21.9, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông vẫn chưa trả lời các câu hỏi xoay quanh thẻ xanh và hẹn có một "chuyên đề" riêng để giải đáp. Như vậy, chỉ còn 5 ngày trước khi thành phố hoàn thành cam kết kiểm soát dịch vào cuối tháng 9, mô hình này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Người dân vẫn không biết sẽ ra đường đi làm kiếm cơm theo kiểu nào? Chắc chắn là sẽ có hạn chế và kiểm soát. Nhưng theo cách thức gì thì cho đến giờ vẫn chưa có gì cụ thể cả. Chính quyền muốn kiểm tra bằng thẻ, bằng app, bằng mã code nhưng cho đến nay chưa có cái nào ra hồn, cứ hẹn mốt mai. Có người bảo nôn chi, rồi cũng xong thôi mà. Ừ thì cũng có người không nôn nhưng những người đang nóng ruột kiếm đường sinh nhai cũng muốn biết rõ mình có phải là đối tượng được đi không vì đó là cơm áo, là thuốc men cho người già, là tập vở, thiết bị cho con trẻ học hành. Họ cần biết để họ tính chứ. Mấy tháng tù treo ở nhà, vốn liếng đã cạn, tiền để dành đã hết, không nôn sao được.

Có một nỗi buồn rất lớn trong lòng người dân thành phố khi nghe Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu trong cuộc họp ngày 23.9 của Đoàn đại biểu thành phố. Ông Ngân nói rằng: TP. HCM nộp ngân sách 330.000 tỷ, xin hỗ trợ 28.000 tỷ nhưng mới được cho 2.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy khó khăn về tài chính của thành phố rất lớn. Dân buồn là lúc bình thường thành phố nộp vào ngân sách rất lớn, diễn ra mấy chục năm nay, trong đó có tiền thuế của dân, là sức lao động của dân, là mồ hôi, nước mắt của dân. Thế mà khi thành phố gặp khó khăn, muối mặt ngửa tay ra xin một ít để giải quyết cho dân lại bị khước từ và chỉ ban cho một tý là 2.000 tỷ, chẳng tới đâu, như muối bỏ biển. Dân buồn thói đời thôi, dân chẳng dám trách ai. Bài báo hôm qua nay cũng đã sửa tít rồi, bỏ bớt chi tiết nữa, nhưng có dấu bài đã đăng cũng có người ghi lại và chuyện này dân cũng dễ thấy thôi. Dấu mần chi. Cứ minh bạch cho dân rõ.

Nhà nước thông báo tiêu chí đánh giá an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố. Theo đó, một người được xác định có thẻ xanh khi đáp ứng 3 yếu tố: Kết quả xét nghiệm bằng test nhanh hoặc RT-PCR âm tính; đã tiêm 2 mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc từng nhiễm dịch và đã khỏi bệnh; không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.

Như vậy, để có đủ yếu tố cho thẻ xanh cần ít nhất 3 dữ liệu: kết quả xét nghiệm, chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh và truy vết không tiếp xúc gần với F0. Vấn đề là để có những xác nhận đấy, người dân liên lạc ở đâu để có. Ngoáy mũi thì dễ rồi, ngửa mặt lên, ngoáy tận óc một cái thì sẽ có kết quả. Thế chứng nhân tiêm chủng thì kẻ có người không, làm ăn sai sót kéo dài. Chích rồi không thấy báo, chích đủ 2 mũi báo chỉ một mũi, liên hệ, bổ sung, cập nhật mãi mà chẳng thấy thay đổi gì. Rồi còn những người F0 tự chữa ở nhà nữa, ai ký giấy xác minh? Phát biểu rồi ký văn bản thì quá dễ, nhưng mà có tiến hành được không? Thực tế đang chứng minh là cả hệ thống đang bế tắc, làm mãi không xong.

Đối với chứng nhận F0 đã khỏi bệnh, theo văn bản, người từng nhiễm phải có xác nhận bằng giấy chứng nhận như giấy xuất viện, hoặc giấy xác nhận hoàn thành cách ly của ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương. Các trường hợp không thể xác nhận thì phải tiêm vaccine.

Như vậy, hiện tại thành phố vẫn chưa có phương án số hóa giấy chứng nhận khỏi bệnh F0, chứng nhận tiêm chủng vẫn còn sai sót và kết quả xét nghiệm vẫn khó khăn khi nhập liệu.

Đối với yếu tố không tiếp xúc gần F0, văn bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố không nêu rõ tiêu chí xác định như thế nào, có dùng giấy chứng nhận hay không, và do đơn vị nào cấp. Tóm lại, tất cả đang ở tình trạng rối ren vì nhiều đơn vị, nhiều cấp quản lý quá, cuối cùng hỏng cả.

Chỉ mới hai chuyện lưu thông hàng hoá với thẻ xanh không thôi đã thấy việc mở cửa sắp tới chưa ổn rồi. Chưa kể đến việc các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại như thế nào? Việc giao thương hàng hoá với các tỉnh thành khác ra sao? Việc đi lại của người dân đến các địa phương khác? Khi nào thì gỡ dây giăng, cuốn dây kẽm và chấm dứt các chốt chặn cho thành phố được quang đãng hơn, lòng người nhẹ nhõm hơn. Không thể giảm giãn cách khi thành phố còn giăng dây và lô cốt. Không thể trở lại bình thường khi con phố, ngõ xóm vẫn còn những chốt chặn và những chú dân phòng hách dịch kiểm soát giấy của dân.

Trên báo nhà nước vừa có đăng những tấm hình dù bị rào chắn, người dân vẫn tìm cách vượt qua bằng cách luồn mình xuống khoảng trống nhỏ, bò hẳn dưới đất như du kích, hoặc trèo lên hẳn để vượt rào. Báo lên án những người này và cho rằng đây là một bộ phận người dân ý thức kém. Đó là một lối quy chụp đầy ác ý. Phải hiểu tại sao những người dân đó phải leo trèo, bò như con vật để vượt qua chướng ngại. Họ không đi chơi, cũng không như những người tìm cách ra đường để tập thể dục hay đi như thói quen. Họ chịu khổ sở như thế để mua hay nhận một món đồ thiết yếu cho gia đình đang cần. Họ cần giải quyết một việc quan trọng đối với họ hay gia đình họ. Nhưng xóm ngõ đã rào, không còn lối đi thì họ phải đành bò lê hay trèo qua tường, ba ri e kẽm gai hay luồn lách qua chốt chặn. Nhốt dân một thời gian quá dài, không nên trách dân mà phải thông cảm cho dân.

Và điều dân băn khoăn nữa là khi nào chấm dứt việc chọc ngoáy xét nghiệm. Sáng nay khu phố tui ở lại tiếp tục dàn ra cảnh chọc ngoáy. Làm nhiều lần quá rồi nên dân thờ ơ. Nhân viên y tế đập cửa từng căn nhà, nhưng chẳng có mấy người lên tiếng. Đành làm mấy mạng xong thì rút. Nhiều bác sĩ và các nhà chuyên môn đã nhiều lần lên tiếng rằng "Khoang mũi là nơi cực kỳ nhạy cảm có chức năng sưởi ấm không khí, bắt lấy mầm bệnh, tiết chất nhày bao phủ bụi bặm để bảo đám không khí thật sạch trước khi vào phổi. Khi hít trúng bụi bặm, hệ thần kinh vùng mũi sẽ bị kích thích tạo nên phản xạ hắt hơi để tống khứ chất lạ ra khỏi mũi. 

Việc chọc ngoáy bằng que xét nghiệm sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu do rách niêm mạc hoặc chọc trúng mạch máu, nhiễm trùng mũi xoang... (BS Phan Xuân Trung). 

Cách tốt nhất của việc xét nghiệm như thế giới thường làm là chỉ test để bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao. Càng test thần tốc càng gây lãng phí và gây hại cho sức khoẻ của người dân. Chuyện này nói hoài, nói mãi mà sao Bộ Y tế cứ chọc ngoáy mãi thế? Dân nghĩ bậy là có phải test nhiều để tiêu thụ kit, mà xài nhiều thì người cung cấp kit thu lợi nhiều. Không biết có đúng vậy không? Nghèo mà lại tiêu hoang!

Và cũng vì những quy định ngặt nghèo về xét nghiệm, về thẻ xanh vàng đỏ cho nên đến thời điểm này, cả 3 chợ đầu mối tại thành phố đã cho phép mở để trung chuyển hàng. Nhưng nhiều thương lái do ngại những quy định nghiêm ngặt đã không vào điểm trung chuyển mà tự lập điểm bỏ hàng ngay trên tuyến đường chính gần khu vực chợ. Tình trạng này khiến bộ phận chức trách rất khó kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh khi những điểm này trước đây là những ổ dịch lớn của thành phố. Muốn giải quyết việc này, thiết nghĩ thành phố cũng xem lại các quy định trong việc mở lại chợ, nếu không lại tạo ra một tiền lệ không tốt, rất khó đưa vào quy củ về sau.

Bữa nay lại tám thêm một chuyện chẳng dính líu gì đến virus, đến giãn cách. Đó là chuyện một cậu bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh quyết tâm đọc toàn bộ Lê Nin toàn tập. Ham đọc sách, thích đọc sách là một điều đáng khen và nên cổ vũ. Tuy nhiên, tuổi nào đọc sách đó, không nên đọc những vấn đề chưa phù hợp với trí não của các cháu nhỏ. Nói thật già như tui, cũng có chút chữ rồi mà đọc Toàn tập Lê Nin cũng chỉ hiểu lờ mờ sương khói. Tui nghĩ cán bộ từ trên xuống dưới của nhà nước ta cũng thế thôi, mấy ai hiểu và làm theo ông Lê Nin? Sau 75, đi học mấy lớp bồi dưỡng chính trị mà có hiểu được bao nhiêu đâu. Tui nghĩ mấy ông giảng bài cũng thế, nói như vẹt thế thôi. Thế mà cậu bé này quyết tâm đọc hết toàn tập. Đọc thì phải hiểu, đọc không hiểu gì mà khoe đã đọc hết toàn tập mấy chục cuốn của Lê Nin thì có ích gì, chỉ thêm loạn chữ. Bố mẹ cháu bé này cũng đừng lấy đó làm điều hay. Cứ cho cháu đọc truyện tranh, truyện cổ tích, truyện thần tiên, các sách khoa học thường thức, những cuốn sách trang bị thêm kiến thức phổ thông hoặc các loại sách học làm người, nếu cần đọc sách dạy nấu ăn hay mẹo vặt trong đời sống cũng tốt. Làm người tử tế mới khó chứ đọc như máy quét những loại sách triết lý, kinh tế, tư tưởng Lê Nin đó chỉ hại mắt mà trí não của đứa bé lên mười chẳng thu nạp được chi ngoài chuyện nổ cho đã miệng. Tội nghiệp thằng nhỏ bị cha mẹ và báo chí thổi phồng rồi lại đi vào ngõ cụt chẳng thấy lối ra bởi hàng vạn chữ đọc mà chẳng hiểu. Đôi khi chỉ vì một chút danh hão mà giết cả tương lai của một con người. Rõ khổ!

25.9.2021

DODUYNGOC









Mấy hôm nay trên mạng râm ran chuyện Chính phủ phê duyệt mua 20 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc. Việt Nam đang thiếu vaccine trầm trọng. Muốn mở cửa, điều kiện quan trọng là phải có tỷ lệ chích vaccine cao trong cộng đồng. Lãnh đạo Việt Nam gần đây đã đi khắp nơi để xin, để mua vaccine. Từ ông Vương Đình Huệ đến ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước. Nhưng hình như chẳng xin được bao nhiêu. Ừ thì xin không được thì mua, nhưng mà mua vaccine Tàu thì dân không khoái lắm. Hơn nữa sở dĩ dân mạng nói nhiều chuyện này là vì trong nghị quyết này cho thấy việc mua bán này ta bị ép quá, mua trả tiền chứ có phải đi xin đâu. Giá cũng đắt chứ không hề rẻ. Thế mà ta bị nằm kèo dưới bị ép đủ điều. Đọc qua văn bản mà tức anh ách. Theo nghị quyết này, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 của Luật đấu thầu đối với việc mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc.

Việc mua 20 triệu liều vaccine Vero Cell thực hiện trong các điều kiện gồm: Chấp nhận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin, hoặc việc sử dụng vắc xin.

Chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng. Chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Việc ký kết, hiệu lực, giải thích và thực hiện, giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo pháp luật Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc phán quyết.

Theo nội dung này, vaccine mua về sử dụng có chuyện xảy ra bên bán không có trách nhiệm gì. Nếu có tranh chấp lại áp dụng theo luật của Trung Quốc, không giải quyết được thì cũng do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc phán quyết. Thế là bên bán vừa thu tiền vừa cầm dao bằng cán. Người mua nắm đằng lưỡi, đứt tay ráng chịu. Chơi gì kỳ vậy? Mua bán mà chẳng công bằng, bình đẳng chi cả, chơi vậy thì chơi với ai? Thế mà ta vẫn cố đấm ăn xôi là sao? Không hiểu được.

Cùng thời điểm này, Chính phủ cũng đã phê duyệt việc mua hơn 51 triệu liều vaccine Pfizer; 10 triệu liều vaccine phòng Abdala của Cuba; hơn 30 triệu liều vaccine AstraZeneca.... với tổng số 50 triệu liều vaccine các loại khác nhau đã được tiếp nhận. Sao không duyệt luôn mua mấy loại thuốc tốt đã được kiểm chứng và thế giới đã sử dụng, dân ta cũng thích xài mà mua chi vaccine Tàu nhỉ? Có lẽ ta đăng ký mua trễ quá, các hãng của Mỹ, của Anh không bán nhiều cho ta chăng? Hay là mấy đợt trước, ta chống dịch có hiệu quả, ca ngợi quá nên thế giới cho rằng ta không cần phải có thêm vaccine? Nếu đúng thế thì bệnh cũng từ cái miệng mà chết cũng vì cái miệng. Rõ khổ. Giờ mở miệng xin viện trợ cũng gượng cái mồm chứ nhỉ! Và thế là dân cũng đành chép miệng mà chìa tay ra chích, biết làm sao nữa, hên xui, may thì chích được đủ 2 liều tư bản, xui thì chơi 2 cú thuốc Tàu. Cứ tạm an ủi cho an lòng là đã có chút kháng thể trong người để qua được cơn đại dịch. Để cầm trong tay cái thẻ xanh đi kiếm ăn chứ nằm nhà hoài kiểu này chưa chết vì dịch đã chết vì thiếu ăn, thiếu thuốc. Hôm qua nghe ông Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với một nhóm Việt kiều ở Mỹ mà lòng bỗng nghẹn ngào. Ổng nói rằng ở Việt Nam dù trải qua cơn đại dịch, dù giãn cách kéo dài nhưng tình trạng "đói cơm lạt muối" rất ít xảy ra. Ông Phúc dùng chữ nghĩa khéo thiệt. Dân Sài Gòn trong những thời gian đầu của dịch, khi chính quyền chưa có nghĩ tới chuyện hỗ trợ dân nghèo, nếu không có gói mì, hộp cơm của các tổ chức từ thiện, các người thiện nguyện mang cho thì xin lỗi làm gì có cơm, cũng làm chi có muối mà tính chuyện lạt, mặn. Giờ nhà nước đã thực hiện 2 lần hỗ trợ và sắp tới sẽ có đợt 3, nhưng cũng còn sót người đáng được giúp, cũng còn lắm chuyện gây bất bình trong dân. Hệ thống cán bộ ở địa phương yếu quá, lại thêm nhiều nơi không có tâm, thiếu trách nhiệm với dân nên dân kêu cũng đúng thôi. Dân đang chờ là chờ ngày giãn cách được nới lỏng, làng xóm không còn dây giăng, phố phường không còn khung kẽm chắn đường, dẹp bỏ chốt chặn để được ra đường kiếm sống. Bất đắc dĩ vì bị giam hãm nên mới ngửa tay nhận gói hỗ trợ, chứ dân chỉ muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình, kiếm ăn bằng công việc và được tự do kiếm sống, chẳng phải mong nhờ ai. Ba bốn tháng kiệt quệ, ba bốn tháng không công việc kiếm ra tiền, họ chỉ muốn được thoát ra khỏi những tù hãm để tự lực cánh sinh, tự do kiếm sống dù biết còn lắm khó khăn.

Trưa nay 24.9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến 12h cùng ngày, thành phố ghi nhận thêm 4 ca dương tính, trong đó, 1 ca tại khu vực ổ dịch cũ và 3 ca tại khu cách ly. Hi vọng những ngày tới, số người nhiễm dịch không tăng ở Hà Nội sau đêm rộn ràng xuống đường đón Trung thu. Nếu được như thế, nhà nước cũng nên xem lại kiểu cách ly, phong toả, hạn chế có hiệu quả chi không? Nếu thấy không có tác dụng thì dẹp ngay kiểu ngăn chận ấy cho rồi. Có thể lối ngăn sông cấm chợ ấy đã lỗi thời rồi đấy. Giờ chấp nhận sống chung với virus mà dây vẫn giăng, đường vẫn có chướng ngại vật với kẽm gai thì không hợp chút nào, nhìn căng thẳng lắm. Mà Hà Nội cũng lạ, cho phép tiệm hớt tóc, gội đầu, siêu thị, trung tâm mua sắm mở cửa mà lại cấm người dân đi tập thể dục thì cũng hơi tréo ngoe thiệt. PGS Nguyễn Huy Nga cho biết, việc thiếu tập luyện trong thời gian dài khiến cho trẻ nhỏ dễ béo phì, cận thị, người lớn thừa cân, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây, trầm cảm. Việc phạt người dân tập luyện ngoài trời là cách làm chưa được khoa học. Ở thành phố HCM thì ngược lại, chưa cho mở các dịch vụ trên nhưng lại có văn bản cho phép người dân được tập thể dục ngoài trời. Thế nhưng lệnh đã ký nhưng mấy ai thực hiện được. Cứ xuất hiện ra khỏi ngõ là xét giấy, là kiểm tra lấy đâu mà ra được sân tập. Mấy anh dân phòng ở các chốt chặn lâu ngày thành quan lớn hết rồi, oai lắm, lệnh vua thua lệ làng. 

Cũng sáng hôm nay, sau một thời gian dài bàn bạc, cân nhắc, Văn phòng UBND TP HCM đã có văn bản về ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch thành phố thống nhất đề xuất của Sở Y tế rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vắc xin AstraZeneca. Có nghĩa là những người trước đây đã tiêm chủng vaccine AstraZeneca khỏi phải chờ đợi đủ 8 tuần, cứ đủ 6 tuần là chích tiếp mũi 2. 

Sở Y tế TP HCM hôm 20.9 đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ hơn 6 triệu liều vaccine các loại để tiêm cho người dân đến cuối tháng 10. Mục tiêu là sớm hoàn tất bao phủ mũi 2 cho hơn 7,2 triệu người trên 18 tuổi tại thành phố.

Thành phố dự kiến nhu cầu vaccine từ ngày 20.9 đến 31.10 là khoảng 472.000 liều để tiêm mũi 1. Số lượng vaccine để tiêm mũi 2 là gần 5,6 triệu liều, gồm: hơn 4,9 triệu liều AstraZeneca hoặc Pfizer để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca đủ 8-12 tuần và 624.000 liều Vero Cell để tiêm cho những người đã tiêm mũi 1 đủ 3 tuần.

Nói chuyện vaccine cũng lại nhắc vaccine Nanocovax của Nanogen. Sau khi chạy tới Thủ tướng không xong, khẩn cấp đề nghi Hội đồng đạo đức cũng không được, nhờ ông thầy Thích Nhật Từ cầu nguyện cho cũng chưa có kết quả. Giờ chạy tới Viện Nghiên cứu Tịnh tiến về Khoa học Công nghệ Y học (THSTI) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ ký bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu với Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học dược Nanogen của Việt Nam, thông qua hội nghị trực tuyến, theo thông cáo của Đại sứ quán Ấn Độ. THSTI sẽ giúp Nanogen thử nghiệm đánh giá khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nanocovax do Việt Nam nghiên cứu và phát triển. Kết quả nghiên cứu đánh giá sẽ là cơ sở quan trọng để Nanogen xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nanocovax. Đúng là phải vái tứ phương vì cuộc chiến chiếm thị phần vaccine ở Việt Nam đang ở trong giai đoạn cạnh tranh ác liệt, bắn chậm thì chết. Khi Nanocovax đang tìm đủ mọi cách để được phê duyệt thì ngày 24.9, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - Bộ Y tế, đã chính thức công bố sản xuất thành công lô vaccine phòng Covid-19 Sputnik V (Gam-COVID-Vac) đầu tiên tại Việt Nam. Thị trường Vaccine ở Việt Nam lại có thêm một đối thủ. Nanogen lại mệt rồi, hay là lại mời thầy cầu nguyện thêm lần nữa cho chắc ăn?

Đã qua thời gian dài với lối bóc tách, cách ly, phong toả để diệt virus. Đã đến lúc ai cũng đã hiểu rằng, “Zero Covid” là không khả thi, nhất là trong tình hình dịch đã ngấm sâu và lan rộng như ở nhiều tỉnh phía Nam. Do vậy, phải có suy nghĩ khác, cách làm khác, biện pháp khác phù hợp với thực tế. Cách xét nghiệm toàn diện, rộng khắp và thần tốc như đang làm là đã lỗi thời. Nên chấm dứt để khỏi tốn công sức và làm phiền dân. Không thể cứ mãi tìm và diệt. Khi những con số bệnh nặng và tử vong giảm, thành phố hãy mạnh dạn mở cửa cho một cuộc sống nói theo lãnh đạo là "bình thường mới". Chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ trở lại bình thường như cũ nữa nhưng ít ra cũng có lại được những sinh hoạt của một con người bình thường.

Sài Gòn đang chờ. Hơn 10 triệu người Sài Gòn đang mong chờ ngày mở cửa.

24.9.2021

DODUYNGOC










Mở đầu chuyện lan man hôm nay cũng lại là chuyện chọc ngoáy. Ông bạn nhà báo về hưu của tui vừa đưa lên trang của anh về chuyện anh đã được ngoáy lần thứ 5, nghe hãi thật. Lại thêm đọc tin này lại ngơ ngác tự hỏi tại sao thế? Tin có tít như thế này: Người TP HCM được xét nghiệm như thế nào đến 30.9? Theo đó, học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên tại trường học sẽ được xét nghiệm Realtime PT-PCR mẫu gộp tần suất 7 ngày một lần. Nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, cán bộ công nhân viên các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người như doanh trại quân đội, công an, trại giam...cũng ngoáy theo tần suất thế. Nhân viên, người phục vụ sân bay, bến xe, bến tàu, ga, đường sắt được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp tần suất 3 ngày/lần.

Tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhóm nhân viên, tiểu thương được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp tần suất 3 ngày/lần. Riêng lái xe, phụ xe hàng sẽ được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ người theo xe mỗi ngày.

Tại bệnh viện, bệnh nhân trước khi vào khám sẽ xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên mẫu đơn.

Lực lượng thường trực tại các chốt giao thông, lực lượng shipper giao hàng được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp từ 1 đến 3 ngày/lần tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.

Khối cơ quan hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, toàn bộ công nhân viên xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp.

Thành phố cũng triển khai xét nghiệm thần tốc cho đến 30.9. Theo đó, các "vùng đỏ, cam" sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn toàn bộ người dân, tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.

Tóm lại là cho đến cuối tháng, toàn dân thành phố sẽ tiếp tục được chọc ngoáy liên tục nhằm tìm diệt F0. Anh chị em sẵn sàng chuẩn bị nhé. Cứ ngước mặt lên và chịu chọt, ai chịu không thấu thì cứ la cho hả giận, thế thôi. Lực lượng này vừa được tăng cường thêm 4.000 quân nhân. Nghe nói 800 người từ Bắc vào và 3.200 là của các quân khu trong Nam. Cũng nghe nói là lực lượng này đã có kiến thức về y tế và cũng đã được tập huấn nên hi vọng tránh được những điều đáng tiếc khi xét nghiệm. Chỉ có băn khoăn là đã có lắm người có chuyên môn phát biểu không nên xét nghiệm rộng và dài hơi như thế. Dân cũng nghĩ thế. Nhưng rồi chẳng có ai nghe. Công cuộc chọc ngoáy vẫn tiếp tục, liên tục và thần tốc he...he.

Theo các chuyên gia y tế, để mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, có 2 tiêu chí quan trọng cần lưu tâm là tỷ lệ người chích vaccine và số người nhập viện, tử vong vì nhiễm dịch. Chuyện xét nghiệm để tìm F0 chỉ thực hiện trong khu vực có nguy cơ và những người già có bệnh nền. Trên thế giới, kể cả những nước giàu không ai bỏ tiền ra để test rộng như ở ta vì nó vô ích, chẳng giúp gì trong việc phòng chống dịch. Mà lại tốn lắm tiền.

Bởi khi đã chấp nhận sống chung với virus, không còn lý do gì quan tâm đến con số ca mắc mới nữa. Cơn đại dịch do bệnh truyền nhiễm sẽ không còn đáng quan tâm khi phần lớn đã có kháng thể đặc hiệu với bệnh sẽ làm giảm đáng kể số ca mới, và giảm hẳn số ca tử vong.

Do vậy, để có thể mở cửa sớm cứu nền kinh tế đang suy thoái và lòng dân đang bất ổn vì giản cách kéo quá dài. Chính quyền nên tập trung và cố gắng tăng tỷ lệ phủ vaccine để nhiều người có kháng thể. Bên cạnh đó, phải tăng cường các biện pháp để số ca tử vong và nhập viện ở mức thấp hay mức chấp nhận được. Khi con số tử vong hàng ngày chỉ là một con số, chúng ta vẫn chấp nhận xã hội vẫn có người nhiễm bệnh nhưng giảm người phải vào bệnh viện. Một đại dịch gọi là kết thúc khi căn bệnh không gây nhiều tử vong, số người nhập viện giảm và không còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của toàn xã hội.

Trong thông báo 256/TB-VPCP ngày 23.9 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch có yêu cầu nghiên cứu đề xuất, góp ý với việc thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội nhanh nhất có thể, ở phạm vi nhỏ nhất có thể với các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo.

Thế nhưng hiện nay, dù ông Phó Giám đốc Sở Y tế bảo rằng đưa F0 cách ly là "hiểu nhầm" của các cán bộ địa phương, nhưng thành phố vẫn còn những trung tâm cách ly thiếu thốn mọi phương tiện. Điển hình như khu cách ly ở Trường Nguyễn Trãi, Phường 13,Gò Vấp. Tại đây, rất nhiều người già, trẻ con đang được đưa vào đây trong tình trạng thiếu thốn mọi phương tiện sinh hoạt. Tất cả trải chiếu nằm dưới sàn nhà, ăn uống kham khổ, cũng chẳng được chăm sóc. Thế tại sao không cho họ tự cách ly và chữa trị tại nhà theo ý kiến của Sở Y tế và của cả Thủ tướng lẫn các nhà khoa học.

Như thế, để thành phố có thể giảm giãn cách vào cuối tháng này, vẫn là chuyện vaccine. Hiện giờ để chích mũi 2 cho có một tỷ lệ nhất định có thể chấp nhận, thành phố lại thiếu vaccine. Cả nước cũng thiếu vaccine. Ngay từ đầu, nhà nước đã thiếu chuẩn bị nên đưa đến tình trạng này. Và bây giờ lại cuống cuồng tìm mọi cách để kiếm xin lẫn mua, nhưng cũng chẳng dễ. Vừa rồi ông Vương Đình Huệ cùng đoàn tuỳ tùng đi Châu Âu chỉ xin được 200.000 liều. Cũng trong chuyến đi đó, Tập đoàn T&T Group đã ký kết một loạt biên bản và hợp đồng hợp tác với các đối tác tại châu Âu để thử nghiệm lâm sàng, mua và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng virus Vũ Hán, kit xét nghiệm Covid-19 Realtime RT-PCR. 

Cụ thể, Công ty TNHH Dược phẩm T&T (T&T Pharma - đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) và Công ty HIPRA Human Health S.L.U của Tây Ban Nha đã ký thỏa thuận hợp tác thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 HIPRA SARS-CoV-2 (do Công ty HIPRA sản xuất) tại Việt Nam.

 Đồng thời, T&T Pharma ký hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine HIPRA SARS-CoV-2, với tổng giá trị là 375 triệu Euro (tương đương với 10.500 tỷ đồng) sau khi loại vaccine này được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam.

Công ty HIPRA cũng cam kết sau khi vaccine được cấp phép tại Việt Nam, sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất, bản quyền; cung cấp dây chuyền và máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, và đào tạo nhân lực để T&T Group có thể tự sản xuất được loại vaccine này với quy mô tối thiểu 50 triệu liều/năm, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu.

HIPRA SARS-CoV-2 là loại vaccine protein tái tổ hợp, được thiết kế để tạo ra phản ứng trung hòa mạnh cùng với hệ miễn dịch tế bào tốt phản hồi, có mức độ an toàn cao, cung ứng thuận lợi, không yêu cầu bảo quản lạnh sâu mà chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Vaccine đã được Công ty HIPRA nghiên cứu và thử nghiệm đạt kết quả tốt ở giai đoạn 1 và 2, đặc biệt có hiệu quả với biến chủng Delta.

Hiện vaccine đang được tiếp tục thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2a tại Tây Ban Nha; tới tháng 10-2021 sẽ triển khai thử nghiệm giai đoạn lâm sàng 2b, 3 tại các quốc gia khác ở châu Âu và sau đó dự kiến sẽ được Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) cấp giấy phép.

T&T Pharma cũng đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 Realtime RT-PCR từ Công ty GERBION GmbH&Co.KG của Đức.

Theo đó, đối tác sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Realtime RT-PCR Virella SARS-CoV-2 seqc và hợp tác với T&T Pharma để sản xuất loại kit xét nghiệm này tại Việt Nam.(Tin báo)

Trong tháng 8 vừa rồi, Vingroup nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine của 

Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phòng dịch theo công nghệ mRNA. Theo thoả thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus). 

Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; Đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Tiến độ chuyển giao dự kiến từ đầu tháng 8.2021.

VinBioCare cũng được Arcturus cấp quyền sản xuất tất cả vaccine khác của hãng như ARCT-021 (1 mũi) và các vaccine trong tương lai để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Theo lộ trình, tháng 8.2021, VinBioCare sẽ phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y Tế Việt Nam đưa vắc xin VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Tháng 12.2021, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.

Như vậy, cộng thêm vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen, sơ sơ Việt Nam ta chuẩn bị có thêm 3 loại vaccine nữa góp mặt thêm 8 loại vaccine đã được phép sử dụng. Có lẽ trên thế giới, chưa có nước nào xài nhiều chủng loại vaccine như ở ta. Đồng thời cũng cho thấy cuộc chiến vaccine của các đại gia Việt. Nanogen với Nanocovax lo tới độ phải mời thầy cúng là phải rồi. Trong đại dịch kit test với vaccine là 2 món hái ra tiền. Trên thế giới cũng vậy mà. Cho nên cuộc chiến vaccine là một cuộc chạy đua, ai đến đích trước là thắng. Cũng có điều hơi băn khoăn là ngoại trừ vaccine sản xuất trong nước, mấy loại vaccine bỏ tiền ra mua sao không mua các loại có sẵn, đã được thử nghiệm và sử dụng toàn thế giới rồi. Vì lý do gì lại chơi canh bạc mạo hiểm đặt cọc mua loại vaccine đang thử nghiệm chưa có kết luận và cũng chưa được công nhận như vaccine HIPRA SARS-CoV-2 của Tây Ban Nha. Lỡ như kết luận thử nghiệm không đạt kết quả thì sao? Ta lại lỡ cuộc không mua được các loại khác cho kịp lúc. Đã nghèo lại chơi phiêu lưu. Mà cũng có điều lạ nữa là ở ta vaccine cũng như kit test đều do công ty, tập đoàn tư nhân mua là sao nhỉ? Sao nhà nước không đứng ra mua trực tiếp mà phải ủy quyền cho doanh nghiệp mua? Cái này cũng hơi lạ so với các nước. Còn nếu nhà nước mua thì toàn mua của Nga hay của Trung Quốc. Vừa rồi, Chính phủ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo Luật Đấu thầu, để mua 20 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc. Thế là sắp tới ta lại có thêm 20 triệu vaccine Tàu. Tha hồ xài nhé, anh chị em nào chưa chích hoặc chích mũi 1 là Sinopharm thì an tâm nhé. Không có bị chích trộn như Moderna với Pfizer đâu mà lo hão.

Mối lo bây giờ là kinh tế. Giãn cách vì đại dịch kéo dài đã khiến cho sản xuất đình trệ. Năm ngoái, nhờ kiểm soát dịch tốt, giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam cũng lần đầu lọt vào danh sách 20 nền kinh tế nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với 16 tỷ USD đổ vào. Nhưng rồi dịch kéo vào, bùng phát mạnh ngay tại những tỉnh thành trọng điểm khiến cho việc mất đơn hàng FDI vào tay nước bạn không còn là nguy cơ, mà là thực tế đang xảy ra.

Khảo sát từ giữa tháng 8 của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam cho thấy, 20% trong số này đã chuyển một phần đơn hàng ra khỏi Việt Nam, 14% đang ở bước dự định. Bên cạnh đó, 13% đã ngừng hoạt động, 50% hoạt động dưới 50% công suất.

Tương tự, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cũng cho biết 20% doanh nghiệp đã chuyển một số hoạt động sản xuất tại Việt Nam sang các thị trường khác.

Trong tình hình đó, nếu thành phố và các tỉnh lân cận không mở cửa sớm, kinh tế sẽ thiệt hại nặng nề và khó kéo lên được. Đã có lắm người chết vì đại dịch, đã có hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn cũng vì đại dịch. Không thể lại hi sinh kinh tế khi tiếp tục phong toả. Dân cũng đã đến lúc sức tàn lực kiệt, thành phố cũng đã cố gắng tận cùng. Lối thoát duy nhất bây giờ chỉ là mở cửa càng sớm càng tốt. Chấm dứt ngay việc xét nghiệm rộng khắp, củng cố lại nhân lực và thiết bị tại các bệnh viện. Tập trung để giảm con số tử vong và tăng tỷ lệ tiêm chủng. Đó là những việc phải làm để trả lại bình thường cho thành phố này. Chỉ có lối thoát đấy thôi.

23.9.2021

DODUYNGOC

Ảnh: Trần Cao Bảo Long.













Đêm qua Tết Trung thu, thấy người Hà Nội đổ ra đường đông nghẹt mà ớn lạnh. Người Hà Nội dũng cảm quá. Nể thiệt. Dân chơi không sợ mưa rơi là đây chứ tìm đâu. Có lẽ họ đã được chích vaccine đầy đủ rồi mới gan thế chứ, mà toàn thuốc Anh, Mỹ thì ngon rồi. Theo các chuyên gia đánh giá nhiều người dân thủ đô đã quá khinh suất khi tràn ra đường chơi Trung thu trong khi toàn TP vẫn giãn cách theo Chỉ thị 15. Người ta nghĩ rằng nỗ lực chống dịch ở Hà Nội có thể đổ bể sau đêm Trung thu.

Đôi khi việc đổ ra đường kiểu này lại cho ta một phép thử. Nếu trong những ngày tới, Hà Nội không tăng người nhiễm dịch thì có thể kết luận là nếu được tiêm chủng đầy đủ thì chuyện bung ra đường không gây nguy hiểm gì. Các tỉnh thành khác có thể qua đó mà rút kinh nghiệm để giảm giãn cách. Còn ngược lại, số người nhiễm tăng thì là một bài học. Nhưng nếu thế thì bài học phải đổi lấy sinh mạng con người giá đắt quá. Cảnh chen chúc đó gợi nhớ Sài Gòn những ngày cuối tháng tư, đầu tháng năm năm nay. Cũng tụ họp vui chơi 30.4, rồi 1.5, rồi bầu cử, rồi thi tốt nghiệp, rồi lấn nhau xét nghiệm ở sân Phú Thọ, chợ Bình Điền. Kết quả bây giờ là 14.000 người đã chết. Biến chủng Delta chỉ cần lướt ngang là dính, tụ tập đông như thế nguy hiểm thật. Kể ra dân Sài Gòn nhát gan, đêm qua im ru bà rù, đường vắng hoe, im ắng không tiếng dế, tiếng xe và cũng ít tiếng hú còi của xe cứu thương. Sài Gòn vẫn còn hắt hiu và lặng lẽ. Ngày hôm qua vẫn là 6.521 ca nhiễm và 184 người tử vong. Dịch vẫn còn ở con số cao, dây còn giăng, kẽm còn dựng, phố vẫn cửa đóng, ngày mở cửa vẫn còn trong mong đợi. 

Thành phố vẫn tiếp tục kế hoạch chọc ngoáy mũi. Đã phân chia được vùng xanh, vàng, cam, đỏ. Theo thông báo của thành phố phân loại như sau:

- Huyện Củ Chi, Cần Giờ và Q.7 là vùng XANH.(Bình thường mới)

- TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Phú Nhuận là vùng VÀNG.(Nguy cơ).

- 14 đơn vị gồm các Quận: 1, 3, 5, 6, 8, 10, 11 và các huyện: Nhà Bè, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú là vùng CAM.(Nguy cơ cao)

- Quận 4, Quận 12 là vùng ĐỎ.(Nguy cơ rất cao).

Bộ Y tế cho biết, toàn thành có 24.330 tổ dân phố với 1.782.203 hộ dân, trong đó có 14.034 tổ dân phố (58%) đạt bình thường mới, có 6.098 tổ dân phố (25%) đạt mức nguy cơ, có 1.962 tổ dân phố (8%) đạt mức nguy cơ cao, vẫn còn 3.091 tổ dân phố (13%) ở mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ).

Thành phố hiện đã tiêm được 8,83 triệu liều vaccine trên tổng số 9,49 triệu liều đã được phân bổ.

Tại các "vùng đỏ", "vùng cam" lực lượng y tế thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong 14 ngày gần đây và các F0 đã xuất viện, khỏi bệnh. Việc lấy mẫu cần lặp lại sau mỗi 2 ngày, làm liên tục 3 lần trong 7 ngày.

Như vậy vẫn tiếp tục chọc ngoáy 2 ngày một lần. Kiểu này sau dịch mũi của dân thành phố toét loét toè loe mất thôi. Cứ mỗi lần thấy đội quân này xuất hiện ở phố, bà con ai nấy đều ngán tới óc. Nhưng rồi không tránh được. Một phần sợ cái que chọc vào nhưng sợ nhất là bị dính bệnh khi xét nghiệm. Báo chí, dư luận, dân chúng, chuyên gia y tế nói hoài mà mấy khi nhân viên xét nghiệm thay găng hay sát trùng đâu. Cứ thế mà làm tới, nhiều khi nhìn bàn tay ấy mà rùng mình. Và để xúc tiến việc xét nghiệm này nhanh chóng và rộng khắp, chính phủ sẽ điều thêm 4.000 lính quân y đến thành phố. Quân số tăng cường đến từ Học viện Quân y và lực lượng y tế tại các quân khu. Họ sẽ giúp nâng công suất xét nghiệm tại TP.HCM lên 1,2 triệu mẫu/ngày.

Chiều 21.9, 800 cán bộ, chiến sĩ quân y đã di chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội vào thành phố. 

Theo đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y, cho biết 4.000 quân nhân được điều động bao gồm 800 người từ Hà Nội và 3.200 người từ các địa bàn phía Nam. Số quân nhân này đều có trình độ y khoa và sẽ được tập huấn thêm kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn, lấy mẫu test nhanh. Thành phố cũng vừa đề xuất Bộ Y tế cấp thêm 10 triệu kit test nhanh. 

Test kiểu này tiền đâu mà chịu thấu, hèn chi ông Bộ trưởng Tài chính kêu thiếu tiền cũng phải. Ngân sách nhà nước rất khó khăn, số thu thuế giảm gần 50% mà đem tiền mua kit test liên tục và rộng khắp thì thua rồi.

Ngày hôm qua, Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu trong cuộc họp báo cho rằng việc bắt các F0 đi cách ly tập trung là "do hiểu nhầm". 

Theo ông Châu thì chính quyền một số nơi trên địa bàn thành phố đã hiểu sai rằng "bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng" thì đồng nghĩa với việc đưa đi cách ly tập trung toàn bộ các ca mắc virus. Trong khi chủ trương của thành phố là để cho các F0 cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện. 

Xin thưa với ông, làm gì có chuyện hiểu nhầm ở đây. Ngay từ khi có dịch, chính các ông chủ trương cách ly tập trung F0 và cả F1. Các ông nhốt vào một chỗ thiếu mọi phương tiện sinh hoạt. Không thuốc, không người chăm sóc đưa đến lây nhiễm chéo khiến con số người nhiễm bệnh tăng nhanh và tăng cao. Kết quả là chết hàng ngàn người. Thế rồi các ông đưa ra lệnh "bóc, tách". Con người chứ phải rau củ quả đâu mà bóc với tách. Dùng từ dễ sợ thiệt. Lại còn bóc ra khỏi cộng đồng. Các ông chủ trương như thế rõ ràng là cách ly tập trung chứ gì nữa, hiểu nhầm là sao? Nếu cách ly tại nhà thì cứ ra văn bản ghi rõ những trường hợp F0 không hoặc chưa có triệu chứng thì tự chữa ở nhà có theo dõi của cơ quan y tế. Đằng này các ông chơi cái chữ "bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng" khiến các đơn vị phía dưới thực hiện như nhổ mang đi là đúng rồi, hiểu nhầm chi mấy cha.

Một người bạn của tui dính dương tính đang bị cách ly ở Gò Vấp trong một trường học vừa than trên Facebook của anh là suốt cả tuần lễ nay toàn cho ăn chay. Hộp cơm mỗi bữa chỉ có miếng tàu hũ ky chiên cứng ngắc,vài cái ngó sen dai và chút nước tương. Ăn như thế mà bảo tiêu chuẩn 80.000 đồng một ngày thì phi lý quá. Bệnh mà ăn như vậy thì có sức đâu mà chống chọi, có sức đâu mà đề kháng. Nếu thấy bệnh nhẹ thì cứ cho ở nhà tự theo dõi may ra cứu được họ. Cách ly kiểu này chỉ sớm chết mà thôi. 

Ông Phó Giám đốc Sở Y tế đã nói hiện có một số địa bàn gom F0 đi cách ly tập trung. Vừa qua, các trường hợp này đã được Sở Y tế đã ghi nhận và chấn chỉnh. Vậy thì ông làm ơn cho mấy người như anh bạn tui về nhà đi, gom họ lại mần chi mà cho ăn uống như thế thì nguy to rồi. Và rồi ai sẽ chịu trách nhiệm việc tập trung chết người ấy đây?

Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị 26 ngày 21.9, cho phép người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine được tham gia các hoạt động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hoá. Như vậy, chính phủ đã cho phép người tiêm đủ hai mũi vaccine tham gia hoạt động kinh tế. Chỉ thị này lại do ông Phó Thủ tướng ký. Tui cứ thắc mắc là văn bản về việc phòng chống dịch sao nhiều người thay phiên nhau ký thế. Có thể chia đều trách nhiệm thì phải. Cho phép thế nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn chỉnh cái gì để người dân chứng minh đã tiêm đủ 2 mũi ngoài cái mảnh giấy mỏng của chỗ tiêm chích ghi cho. Cái giấy này mà xài ba ngày là nát, chưa kể đưa qua đưa lại có thể truyền con virus. Không hiểu một nước như thế này, một thành phố lớn như thành phố này mà làm mãi một cái app cũng không xong. Thế mà lúc nào cũng nói chuyện 4.0 với 5.0. Chán ơi là chán! Tui chích mũi 2 đã hơn hai tuần rồi mà mở sổ ra vẫn một màu vàng khè. Ông Đam hối dữ lắm mà sao vẫn chẳng thấy thay đổi chút nào. 

Viết lan man chỉ mong có chuyện vui để tăng thêm tinh thần lạc quan khi bị giam hãm quá dài, giãn cách quá lâu mà chẳng có được tin vui. Thôi thì lấy cái tin chiếc máy bay Boeing 787 chở 30.000 bánh trung thu vượt 1.300km, tặng bác sỹ đang căng mình chống dịch ở thành phố và các tỉnh phía Nam xem như là tin vui vậy. Những chiếc bánh trung thu đặc biệt này do đơn vị chuyên cung cấp những suất ăn hàng không cao cấp đạt chuẩn quốc tế cho các hãng bay toàn cầu, thiết kế và sản xuất. Lực lượng y tế đã tổn hao công sức trong cuộc chiến đấu chống dịch dài ngày. Những chiếc bánh nhỏ cũng cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với họ. Họ cũng sẽ có được một chút an ủi trong mùa Trung thu phải xa gia đình, cha mẹ, vợ chồng và con cái. Cũng chỉ là một chút an ủi thôi!

22.9.2021

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget