Latest Post































Tôi là người lạc quan, ngay trong những thời kỳ đen tối, bế tắc nhất của cuộc đời, tôi vẫn vững lòng tin. Ngay từ khi dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn, trong bài viết đầu tiên trong Nhật ký Sài Gòn lockdown, tôi vẫn tin là Sài Gòn rồi sẽ sớm qua cơn bệnh nặng. Thế nhưng nhật ký đến hôm nay đã đến con số bốn chín, vẫn chưa thấy lối thoát nào, vẫn con số người nhiễm và tử vong càng lúc càng nhiều. Bạn bè, người thân, người quen biết nhiều người đã ra đi. Trong giới nghệ sĩ, anh em chơi nhạc và nhiều giới khác đã chết vì virus Vũ Hán. Toàn là những người tài hoa, là những người cống hiến nhiều cho xã hội. Tiếc nuối, buồn đau và giận dữ nhưng đành bất lực, chẳng còn biết trách ai. Con số tử vong ở thành phố lên đến 7.568 ca trên 190.166 người nhiễm bệnh, chiếm tỷ lệ 3,98%, có lẽ là cao nhất thế giới tính đến hôm nay. Tin trên báo hôm qua chạy tít"Thêm 335 bệnh nhân tử vong, tỷ lệ ca chết do COVID-19 tại Việt Nam cao hơn thế giới". Một con số lạnh lùng mang nhiều bi thương. Và chắc chắn con số ấy sẽ không dừng lại đấy. Thành phố đang tiến hành xét nghiệm mở rộng, và kết quả mấy ngày qua làm cho nhiều người khó mà lạc quan. Trong ngày 25.8, ca F0 trong cộng đồng tại thành phố vẫn ở mức rất cao, tỷ lệ này chiếm gần 84% tổng số F0 mới, trong đó nhiều quận, huyện ghi nhận hầu hết F0 mới đều là ca cộng đồng.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin TP.HCM lúc 20h ngày 25.8, xét nghiệm 146.079 mẫu, ghi nhận 5.268 ca mắc mới, trong đó có đến 4.413 ca cộng đồng.

Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm 3,6% nhưng tỉ lệ ca cộng đồng chiếm gần 84% so với tổng số ca mắc. So với ngày 24.8, số mẫu xét nghiệm được lấy trong hôm nay tăng hơn 8.100 mẫu, tỉ lệ F0 trong cộng đồng không giảm.

Đáng chú ý, tại quận Bình Tân, trong ngày 25.8, quận phát sinh 388 ca dương tính thì tất cả đều là ca tầm soát ngoài cộng đồng và trong bệnh viện (chiếm 100%). 

Ở các quận 4, 5, 7, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Hóc Môn... tỉ lệ F0 trong cộng đồng so với tổng ca mắc cũng chiếm trên 90% đến gần 100%.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn thành trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23.8. Lãnh đạo y tế thành phố lưu ý con số phát hiện dương tính sẽ không ngừng lại mà sẽ tăng nhiều hơn trong thời gian tới và khuyên nhân dân nên bình tĩnh vì nó nằm trong kịch bản đã được dự báo. Nhưng dân thì không thể không hoang mang vì như thế là chúng ta đang sống chung với F0. Điều kiện sinh hoạt của đa số người dân thành phố trong các khu dân cư vốn san sát nhau, sinh hoạt cận kề nhau thì không thể không dính dịch khi chung quanh đầy F0. Con số người dương tính càng ngày càng cao dù nhà nước đã ban bố rất nhiều chỉ thị, văn bản để hạn chế người dân ra đường. Có thể là do xét nghiệm mở rộng, nhưng con số đó cũng là kết quả của những lần đổ xô chen lấn mua hàng khi nghe lệnh siết chặt của thành phố. Lại thêm tình trạng ùn ứ nơi các chốt chặn, giao lộ khi kiểm tra giấy đi đường, cài đặt app để lấy mã code. Rồi tập trung xét nghiệm, tiêm chủng. Rồi bộ phận y tế không thực hiện đúng yêu cầu khi test hay tiêm chích, không sát trùng, không thay găng, sử dụng thiết bị cho quá nhiều người...F0 cao xuất phát từ những lý do này.

Bây giờ, vấn đề đặt ra là số lượng F0 quá nhiều như thế, chỗ nào cho bệnh nhân nằm để điều trị. Một số chưa có triệu chứng thì có thể cách ly điều trị tại nhà, nhưng những người trở nặng thì cầm chắc cái chết. Vậy thì bóc, tách F0 để làm gì nữa khi nó đã tràn lan và không có một biện pháp khả thi để giải quyết? Tôi trở lại ý kiến tập trung vào đối tượng dễ nguy hiểm nhất là người già và có bệnh nền thay vì tốn nhiều nhân lực và tiền của để bóc, tách F0. Việc quan trọng nhất bây giờ là giảm tử vong và người bệnh nặng có được giường để nằm, có oxy để thở, có bác sĩ để theo dõi.

Lực lượng y tế đã kiệt sức, nhiều người đã rút lui, vẫn có người gắng trụ lại nhưng tỷ lệ một bác sĩ với vài trăm người bệnh thì bất khả, không làm sao xử lý kịp thời. Báo cáo tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết hiện tỉnh có 74.000 ca F0, tập trung chủ yếu ở 15 phường của 2 huyện “vùng đỏ” với khoảng 1 triệu dân. Khó khăn lớn nhất của tỉnh lúc này là quá tải về y tế.

“Cơ sở vật chất thì tỉnh xây được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ thì không có”, ông Minh nói. Ông cho biết tỉnh đã xây 58 khu thu dung ở vùng xanh với 17.000 chỗ nhưng hiện mới chỉ bố trí được 17 bác sĩ.

“Như vậy, 1 bác sĩ phụ trách 1.000 người ở cả 3 cơ sở thu dung”, ông chia sẻ khó khăn của tỉnh.

Một bác sĩ phụ trách 1.000 người thì chỉ có nước nằm chờ chết thôi, không còn cách nào khác. Theo các bác sĩ, bệnh dịch này trở nặng rất nhanh, chỉ càn không kịp theo dõi là bệnh nhân đi đến cái chết ngay.

Thành phố đã trải qua chỉ thị 10, 12, đến 15, 16, 16+ và giới nghiêm toàn phần với nhiều lúng túng và các chỉ thị chồng chéo, bất nhất. Lãnh đạo cũng khó khăn, dân cũng khổ mà đội ngũ y tế cũng lao đao. Giờ có thêm quân đội hỗ trợ bảo vệ trật tự an ninh và lưu thông lương thực. Không biết bao giờ mới hết giăng dây, kéo hàng rào dây kẽm. F0 nhiều như thế thì dây giăng với kẽm gai ngăn chận trở thành vô ích. Người dân trông chờ vaccine, đa số đã tiêm mũi 1, băn khoăn không biết bao giờ được tiêm mũi 2. Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã tiến hành tiêm mũi thứ 3 mà nóng ruột. Tại họp báo chiều 25.8, ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Y tế cho biết hiện nay thành phố đã tiêm mũi 1 cho hơn 76% người dân trên 18 tuổi, 3,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Kế hoạch của TP là nhanh chóng phủ mũi 1 vắc xin.

Ông cũng cho hay, hiện nay kế hoạch tiêm mũi 2 đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi 1, theo thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nếu người dân tiêm vắc xin ở đợt 4 bắt đầu từ ngày 21.6 thì theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc xin AstraZeneca tiêm mũi 2 từ 8-12 tuần. Nhưng theo đánh giá, thời điểm sau 12 tuần là hiệu quả nhất của vắc xin, tạo kháng thể cao nhất. Theo đó, việc tiêm mũi 2 vắc xin này rơi vào giữa tháng 9.

Tương tự đối với mũi 2 vắc xin Pfizer là từ 3-4 tuần, Moderna là 4 tuần và Vero Cell là 4 tuần. Thế nên cứ chờ thôi. Hiện đã có nhiều vaccine về  tới Việt Nam, hi vọng thành phố sẽ được phân phối đúng với nhu cầu để mau chóng kềm hãm được dịch.

Khi đã được tiêm chủng đủ hai liều, như thế giới hiện nay chủ trương là sống chung với dịch. Bởi không thể nào tách hay xoá được con virus. Nó sẽ hiện diện tiếp tục trong đời sống của chúng ta. Như vậy, vẫn tiếp tục tự bảo vệ mình bằng những biện pháp của y tế yêu cầu. Không thể chủ quan sau khi đã tiêm chủng. Tình hình dịch bệnh của thế giới hiện nay đã cho thấy rõ điều đó.

Trở lại việc lưu thông hàng hoá, dù chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bỏ việc kiểm tra với xe QR Code, thông suốt vận chuyển hàng hoá, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục quy định các giấy phép con, “làm khó” doanh nghiệp. Trong văn bản hoả tốc gửi các địa phương hôm 25.8, Bộ GTVT đề nghị bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp trong kiểm soát hàng hoá, gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi tỉnh làm mỗi cách, loạn sứ quân chẳng thèm nghe theo một chỉ thị nào. Hàng hoá bị ngăn chận khiến doanh nghiệp gặp khó mà dân cũng khổ. Không hiểu có nhiều siêu thị, doanh nghiệp chạy được cửa nào mà họ đi thong dong, chở hàng về đều đều để tăng giá vô tội vạ. Ngay ngày bắt đầu chương trình đi chợ hộ, Sở Công thương cũng cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo người dân khi yêu cầu chuyển tiền đăng ký mua hàng "đi chợ hộ", nhưng không phải những trang bán hàng được lập bởi các tổ dân phố và hệ thống phân phối. Sở cảnh báo người dân nên liên hệ với các tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ và các đoàn thể trong phường để đăng ký “đi chợ hộ” bảo đảm an toàn, hàng hóa bán đúng giá hơn. Như vậy đã có chuyện lừa đảo xuất hiện. Người dân cũng chưa mặn mà lắm với gói combo bởi giá cao, nhiều món không có nhu cầu nhưng phải mua kèm. Bên cạnh đó nhiều gia đình đã mua sắm đầy đủ trước đó nên combo đang ế khách.

Hiện nay nhiều người dân khổ sở vì thiếu gaz để đun nấu. Những cửa hàng cung cấp gaz cho biết là họ không thể chuyển gaz cho người mua vì không được phép lưu thông. Chưa kể tình trạng giá gaz thả nổi, tăng giá vô tội vạ làm nhiều người tiêu dùng điêu đứng. Sở Công thương thành phố nên lưu ý mặt hàng này bên cạnh lương thực và thực phẩm vì đa số dân thành phố hiện giờ đều dùng gaz để làm chất đốt đun nấu hàng ngày.

Trong mùa dịch tang thương thế này, nhiều tổ chức từ thiện lập ra với mục đích trục lợi. Có nhiều tổ chức từ thiện rất tiếng tăm với ban bệ cố vấn và tham gia toàn người nổi tiếng của xã hội, tiền thu được hàng chục, hàng trăm tỷ nhưng đều nằm trong tài khoản cá nhân. Việc đi chợ giúp dân vừa mới bắt đầu đã ló mặt nhiều trang giúp dân nhưng nhận xong tiền là mất hút. Lũ người như thế yêu cầu nhà nước phải có biện pháp mạnh tay xử lý, nếu cần khép vào tội hình sự vì đó là sự lừa gạt có tổ chức. Biết bao người dè xẻn từng đồng bạc có được để góp phần xoa dịu cơn đau của người nghèo. Biết bao người không sợ nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng lăn vào cuộc để giúp dân. Rất nhiều người có thể nằm nhà, xem phim, đọc sách, vui chơi với gia đình. Chẳng có ai trách họ cả. Bởi nằm yên một chỗ cũng đã là góp phần chống dịch. Nhưng rồi vì lương tâm, vì lòng nhân đạo, họ lăn vào chốn hiểm nguy với con virus để cứu giúp người. Đã có nhiều người hi sinh mạng sống của mình trong khi làm thiện nguyện như cô gái tình nguyện viên, như anh Cường béo, như Soeur Maria Trần Ngọc Thảo Linh vừa qua đời hôm trước. Còn lũ từ thiện kền kền chỉ việc ngồi máy lạnh, vẽ ra những chuyện thương tâm để đếm tiền bỏ túi, sắm nhà, sắm xe. Ăn của máu xương dân nghèo rồi cũng bị quả báo thôi, chẳng chóng thì chầy. Chỉ thương cho những người đáng được gọi là anh hùng trong mùa dịch đã ra đi trong lặng lẽ.

Người dân phản ánh giá combo tại một số siêu thị có mức giá khá cao so với giá hàng hóa thực tế và giá bán tại các siêu thị cũng có khác nhau, chênh lệch về giá. Xem nhiều combo đặt hàng ta cũng thấy sự khác biệt của mỗi địa phương. Ngay trong một quận mà có phường combo chỉ lèo tèo chục món, có tổ dân phố hàng hoá cả mấy trang giấy. Có chỗ thì bắt mua combo, nhiều người gọi là mua kèm. Có chỗ thì niêm yết từng món hàng, thích gì mua đấy. Có nơi bản hàng toàn thịt cá, có nơi lại toàn rau với những món rẻ tiền. Thì ra đời khó công bằng, khu nhà giàu thì bản hàng toàn món ngon, khu bị xem là khu nhà nghèo thì toàn rau cải. Điều đó khiến người dân cũng gặp khó khi lựa chọn cho mình những hàng hoá thiết yếu phù hợp hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Ngày 24.8 cũng có tin vui khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala D. Harris đến VN đêm 24.8, sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore. Chuyến công du của bà tại VN kéo dài từ ngày 24 đến 26.8. Trong ngày bà Harris sẽ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Đồng thời, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ tài trợ thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số vaccine Mỹ dành cho Việt Nam lên 6 triệu liều. Hãng tin AP cho hay, số vaccine này bắt đầu được cung cấp ngay trong vòng 24 giờ tới.

He..he trước đó vào ngày 23-8, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thành viên Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đã đồng chủ trì bàn giao 200.000 liều vaccine Vero-Cell của Sinopharm và 201.600 chiếc bơm kim tiêm loại dùng một lần do Bộ Quốc phòng Trung Quốc trao tặng cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Được quà của Mỹ lẫn quà của Tàu. Chẳng biết xử sao cho khéo. Được lòng anh thì mất lòng ả. Mệt ghê!

26.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn chín

DODUYNGOC







Thế là đã bắt đầu qua ngày thứ ba Sài Gòn thắt chặt giới nghiêm. Đường phố có vẻ quy củ và trật tự hơn khi có mặt của các quân nhân ôm súng. Những đụng chạm và bất tuân lệnh giới nghiêm của người dân với các chốt chặn cũng đã giảm. Điều này cho thấy sự hiện diện của quân đội đã có tác dụng về mặt an ninh trật tự ở thành phố. Tuy nhiên, việc thay đổi liên tục bộ phận cấp giấy phép đi đường khiến cho nhiều người, nhiều cơ quan chạy theo vất vả. Hôm nay 25.8 từ 0 giờ, thành phố đổi giấy đi đường mới. Đã có công văn yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể... ở TP.HCM cần tổng hợp danh sách những người trong nhóm được phép di chuyển gửi đến Phòng PC08 và công an quận, huyện, TP Thủ Đức, xã, phường, thị trấn để cấp giấy đi đường mới. Theo đó, 17 nhóm tại công văn 2800 và nhóm bổ sung tại công văn 2850 được phép lưu thông phải thông qua đơn vị quản lý chủ trì cung cấp danh sách. Đơn vị sở ngành quản lý chủ trì phải tổng hợp danh sách gửi đến Phòng Cảnh sát giao thông để phòng gửi giấy đi đường có chữ ký và đóng dấu của phòng gửi cho cơ quan chủ trì.

Việc thay đổi liên tục cơ quan cấp giấy đi đường khiến nhiều cơ quan, xí nghiệp và cá nhân gặp lúng túng không theo kịp. Nhiều người nằm trong danh mục cho phép di chuyển không nắm bắt được thông tin gây nhiều trở ngại trong công tác. Cũng may là trong văn bản này, có ghi trong trường hợp ngày 25.8, Công an TP chưa cấp giấy đi đường mẫu mới cho những người trong 17 nhóm được phép lưu thông thì tùy tình hình sẽ "lưu ý các chốt, trạm xử lý linh động". Đồng thời khi chưa có giấy đi đường nêu trên của Công an TP thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại công văn 2800, 2796 cho đến 0h ngày 25.8.

Ngày hôm qua, 24.8 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt về công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong buổi làm việc này có một nội dung đáng lưu tâm là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ rời nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Và người tiếp tục nhận trách nhiệm này là Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Ông Vũ Đức Đam một thời là thần tượng của nhiều người trong việc ngăn chận dịch virus Vũ Hán những lần trước. Lúc đó người nhiễm bệnh trên cả nước mới chỉ vài mươi người và con số tử vong cũng mới chỉ đôi ba người. Thời kỳ đó chỉ cần phát hiện một người dương tính là cả nước đã biết rõ danh tính, nhân thân, nghề nghiệp và đường đi nước bước của người nhiễm bệnh. Cũng trong những đợt đó, ông Đam đã từng tuyên bố dập dịch trong vòng 10 ngày và trong năm 2020 đã phát biểu:"Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được". Bây giờ số ca nhiễm cả nước đã lên hơn 370.000 ca và có hơn 9.000 người tử vong, nhắc lại câu nói rất chủ quan ấy để thấy chúng ta đã quá xem thường con virus này với biến chủng của nó. Và cũng chính vì quá lạc quan với những thắng lợi bước đầu, chúng ta đã không có những kế hoạch chuẩn bị khoa học, cụ thể để đưa đến tình trạng lúng túng, khủng hoảng hiện nay.

Cũng trong ngày 24.8, khi test nhanh 170.000 mẫu ở vùng có nguy cơ cao trong thành phố đã phát hiện 6.000 mẫu dương tính. Con số làm nhiều người giật mình dù biết tình trạng F0 đang sống chung với cộng đồng rất cao. Tuy nhiên Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng  cho là tỷ lệ chấp nhận được vì vẫn thấp hơn tỷ lệ 5% của Tổ chức Y tế thế giới. Nhưng trong lòng dân khi nhìn thấy tỷ lệ này thì rất lo ngại vì vẫn nghĩ rằng đang sống chung với F0 mà không hề biết để phòng ngừa. Kể từ đó, lúc nào cũng phải cảnh giác và trong tình hình như thế, biện pháp 5K là điều tất cả mọi người nên triệt để tuân thủ.

Việc F0 tràn lan trong cộng đồng là điều tất yếu khi biến thể Delta là lan nhanh, lan rộng và việc tụ tập đông người thường xuyên diễn ra ở các siêu thị, ở các tụ điểm xét nghiệm và chủng ngừa. Hơn nữa nhà cửa ở các thành phố Việt Nam san sát nhau, sinh hoạt gần gũi nhau cộng với ý thức tự bảo vệ chưa cao khiến cho virus dễ lan rộng. Nhà nước chủ trương xét nghiệm toàn dân, bóc tách toàn bộ F0 trong cộng đồng khi F0 đã đầy dẫy sống chung với toàn xã hội, khi hệ thống các bệnh viện và các khu cách ly đã quá tải sẽ gây hậu quả và nhiều nguy cơ cho dân hơn.

Thành phố đã có nhiều kế hoạch quyết liệt và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng chủ trương bóc, tách, xoá F0 trong cộng đồng đã quá trễ. Kiểu này chỉ đúng khi số người nhiễm bệnh không nhiều và chưa lan ra khắp nơi, cách ly F0 ra khỏi cộng đồng để tránh lây lan. Giờ đây toàn thành phố chỉ là những khu chi chít màu đỏ thì kế hoạch này không có hiệu quả nữa. Đã có nhiều người nhiễm bệnh tự khỏi và lây lan ra chung quanh. Con số không thống kê được. Cũng đã có số lớn dân cư đã được chích ngừa. Xét nghiệm hôm nay âm tính nhưng ngày mai nhiễm là chuyện rất bình thường, nên không thể cứ xét nghiệm mãi được. Chưa kể trên thế giới cũng đã từng phát hiện chuyện âm tính giả, dương tính giả liên tục diễn ra. Chắc hẳn Việt Nam cũng nằm trong trường hợp đó. Ngay cả xét nghiệm PCR, được cho là hiệu quả hiện nhất  cũng đã bị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ thông báo ra hạn chót đến cuối năm 2021 sẽ rút giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với phương pháp xét nghiệm 2019-nCoV Real-Time RT-PCR với lý do là phương pháp này thường lẫn lộn giữa cúm mùa với cúm vì virus Vũ Hán.

Nên thay đổi mục tiêu là chú trọng đến những đối tượng có nguy cơ cao. Tuy chưa có một thống kê rõ rệt của nhà nước, nhưng theo nhận xét của các đội ngũ y tế đang tham gia chống dịch thì đối tượng tử vong cao thường là phụ nữ tuổi trên 65 và có sẵn bệnh nền. Như thế nhóm nguy cơ có tử vong cao thường là những người già. Tập trung chú ý nhóm người này, số lượng không đông nên dễ theo dõi khi cần thiết. Dành vaccine ưu tiên cho người trên 65 tuổi, khi có bệnh ưu tiên vào bệnh viện và có biện pháp điều trị tích cực. Nếu làm được thế, con số tử vong chắc sẽ giảm. Hiện nay, khi F0 đã gần như có mặt khắp nơi, con số người nhiễm bệnh không nên là mối quan tâm nữa, nhất là khi chúng ta đã chấp nhận và có kế hoạch cách ly và theo dõi, điều trị tại nhà. Nếu hệ thống y tế tại địa phương được tổ chức tốt, điều kiện cấp cứu kịp thời, bệnh viện được giảm tải thì tin chắc rằng con số tử vong sẽ không cao như hiện nay. Biện pháp hợp lý nhất hiện nay là xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ ngay tại nhà, nếu chưa nhiễm bệnh thì chích luôn vaccine. Nếu phát hiện dương tính thì nên sắp sẵn oxy, thuốc đông máu, thuốc kháng viêm. Hiện giờ nhà nước cung cấp túi thuốc cho bệnh nhân cách ly tại nhà là việc làm đúng. Khi bệnh nhân trở nặng thì được chuyển ngay đến bệnh viện bởi đội cấp cứu được tổ chức tại địa phương. Đồng thời giảm tải ở các bệnh viện, tăng cường đội ngũ y tế và tình nguyện viên phục vụ. Cho đến nay, đó một giải pháp khả thi, tiết kiệm và hiệu quả. Và vaccine vẫn là vũ khí có thể kềm hãm được cơn đại dịch. Dân đang cần vaccine, đã thấy tin có nhiều nguồn vaccine về Việt Nam. Xin ưu tiên cho thành phố và các tỉnh lân cận. Đó là cách tốt nhất để chữa trị cơn bệnh nặng ở Sài Gòn.

Có nhiều tin thật giả lẫn lộn xuất hiện viết về vaccine, điều lạ lùng rất là vẫn có một số người cho rằng không hề có virus Vũ Hán, vaccine là âm mưu, số người chết là ảo để hù doạ dân chúng, theo họ tất cả đều là âm mưu chính trị. Theo Reuters đưa tin, Đại học Johns Hopkins của Mỹ gần đây đã thông báo rằng chỉ các sinh viên đã tiêm chủng vaccine được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt mới được trở lại trường học. Cũng theo Reuters, tất cả các loại vaccine được phát triển ở Trung Quốc đều chưa được Đại học Johns Hopkins đồng ý chấp nhận.

Lưu thông và cung cấp thực phẩm, lương thực cho dân trong thời gian phong toả là điều cần thiết. Nhưng chú trọng vào những địa phương có nhiều người nghèo, nhân dân lao động thất nghiệp, sinh viên đi học xa nhà, người nhập cư ở các nhà trọ. Họ là tầng lớp dễ bị thiếu ăn nhất. Những khu nội đô, những gia đình còn có điều kiện cũng nên chấp nhận sống thiếu một chút, ăn kém ngon một chút để dồn lực lượng giúp cho người nghèo. Đồng thời đề nghị các địa phương thực thi đúng chủ trương của nhà nước là không phân biệt người có hộ khẩu hay tạm trú hoặc không phân loại lao động. Cứ gặp khó khăn, lập danh sách là được cứu trợ, tránh trường hợp vì những thủ tục hành chánh rườm rà, nhiêu khê mà người nghèo bị thiệt thòi. Trên mạng xã hội, dân nghèo ta thán dữ quá, kêu gào dữ quá, chính quyền nên mau chóng thực hiện những lời hứa với dân để an dân.

Một thông tin mang tính nhân văn và phần nào an ủi được những đau khổ của những gia đình có người qua đời vì dịch bệnh thấy được trên báo. Đó là tin CÔNG VIÊN VĨNH HẰNG LONG THÀNH HIẾN TẶNG 3.000 NGÔI MỘ CHO NẠN NHÂN DỊCH BỆNH VIRUS VŨ HÁN. Theo thông tin, Công Viên Vĩnh Hằng Long Thành hiến tặng khu “Tưởng niệm nạn nhân virus Vũ Hán cho người dân tỉnh Đồng Nai và Tp.HCM” gồm 3000 ngôi mộ để kịp thời san sẻ khó khăn với những gia đình không may có người thân qua đời vì nạn dịch. Mọi chi phí đất, phí dịch vụ, phí xây dựng, chăm sóc mộ phần trọn đời hoàn toàn được chủ đầu tư Hệ Thống Công Viên Vĩnh Hằng hiến tặng.

Hotline: 03.3333.8888

Địa chỉ: xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Văn Phòng Giao Dịch: 1C Trần Não, phường An Phú, quận 2, TP HCM

Website: https://congvienvinhhanglongthanh.com/

Youtube: https://www.youtube.com/c/CongVienVinhHangLongThanh

Fanpage: https://www.facebook.com/cvvhlongthanh

https://vnexpress.net/cong-vien-vinh-hang-long-thanh-lap...

Trong tình hình con số tử vong quá nhiều ở thành phố, nhiều bi thương, lắm nước mắt của nhiều gia đình, thông tin này, hành động thiết thực này của Công Viên Vĩnh Hằng Long Thành cũng đã giúp vơi bớt nỗi buồn đau cho người còn sống và cũng giúp cho người ra đi được thanh thản, bớt tủi hờn.

Nhật ký hôm nay đang viết dở dang thì nhận được tin Cô Triệu Thị Chơi, một chuyên gia viết về ẩm thực và là phu nhân của Thầy Trần Phát Lạc, thầy dạy tôi môn Kỹ Nghệ Hoạ thời trung học ở trường Kỹ Thuật Đà Nẵng vừa qua đời vì virus Vũ Hán tại bệnh viện, thọ 76 tuổi. Xin thành kính chia buồn với Thầy Trần Phát Lạc cùng gia đình. Nguyện cầu hương linh Cô Triệu Thị Chơi sớm siêu thoát. Một tin quá buồn. Vô cùng thương tiếc.

25.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi tám

DODUYNGOC







Mấy hôm nay, khi lực lượng quân đội xuất hiện để hỗ trợ việc phòng chống dịch ở thành phố, báo chí nhà nước liên tục đăng nhiều hình ảnh hoạt động của các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ. Hình ảnh bộ đội Việt Nam bồng súng, kiểm soát ở các chốt xuất hiện dày đặc trên truyền thông nhà nước và mạng xã hội. 

Trang tin Bộ Quốc Phòng nhận định 30 ngày tới là một "trận đánh quyết định". Tin cho hay Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã làm việc với lãnh đạo thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, bàn về việc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch. Và điều khiển cuộc chiến đấu này không còn chỉ có các quan chức lãnh đạo mà còn có sự có mặt của nhiều tướng lĩnh tham gia như Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7, Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7, Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7.

Nhiều ý kiến khác nhau về những hình ảnh đã được đăng, những clip đã được trình chiếu. Mỗi người có mỗi cách nhìn, tiêu cực hay tích cực đều xuất phát từ quan niệm của mỗi người. Tuy vậy, công bằng mà xét, đôi khi lỗi ở truyền thông và vụng về của phóng viên. Nguyên tắc của nhiếp ảnh là khoảnh khắc và trung thực là yêu cầu của ảnh báo chí. Nhưng đôi khi vì để có một bức ảnh đạt phục vụ cho mục đích tuyên truyền, người ta phải chấp nhận dàn dựng. Nhưng dàn dựng trong một mức độ có thể chấp nhận được, không quá xa với thực tế. Trên báo mấy hôm nay, nhiều bức ảnh được đăng cho thấy quá nhiều lỗi để được gọi là một bức ảnh báo chí. Cảnh túm tụm đông người, cảnh không tuân thủ giãn cách, cảnh không thực hiện đúng 5K nhan nhản trên các báo khiến việc tuyên truyền phản tác dụng. 

Sự có mặt của quân đội hình như giúp tình trạng đông người ra đường có vẻ lắng hơn và có quy củ hơn. Bởi dầu sao, quân đội vẫn có kỷ luật hơn là nhân viên cấp phường hoặc dân phòng. Tuy vậy, việc đi chợ hộ dù được các phương tiện truyền thông rầm rộ nhưng có lẽ chưa thấy hiệu quả như mong đợi. Những vùng sâu, vùng xa, ngõ ngách cũng chưa nhận được sự giúp đỡ này. Với combo như quy định, theo nhiều người cho rằng giá hơi cao hơn bình thường và có thể nhiều hộ nghèo, thất nghiệp chưa nhận được túi an sinh sẽ không có đủ tiền để mua. Ngoài hàng được cung ứng từ việc đi chợ hộ, trên mạng vẫn liên tục xuất hiện nhiều hàng hoá rất phong phú nhưng khó khăn cho dân nghèo là không có phương tiện sinh kế nên mua sắm đối với họ là việc không thực hiện được vì không sẵn tiền. Nhiều người lâu nay không giữ tiền mặt nhiều, bây giờ giới nghiêm thế này, dù ngân hàng mở cửa, các cây ATM vẫn hoạt động nhưng chẳng ai đi đến được để rút tiền mặt chi tiêu. Đó cũng là chuyện đau đầu của nhiều gia đình. Theo quan điểm của cá nhân, tôi vẫn cho rằng sử dụng đội ngũ shipper có sẵn ở thành phố vẫn là cách cung ứng và lưu thông hàng hóa tốt nhất và thuận tiện nhất. Chỉ cần tổ chức lại cho chặt chẽ và quy định quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng, đội ngũ này sẽ làm được việc hơn nhiều.

Giờ tin giả, tin thật tràn lan, chẳng biết tin vào đâu. Một ngày không biết bao nhiêu tin, bao nhiêu clip xuất hiện. Với phương tiện kỹ thuật bây giờ, ai cũng có thể làm tin, ai cũng có thể làm clip. Lại thêm nhà nước thay đổi văn bản liên tục tạo thành thời kỳ khủng hoảng truyền thông. Hôm qua đến nay, xuất hiện một clip cho là cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với một sỹ quan cao cấp của thành phố. Nội dung của clip gây hoang mang và sợ hãi trong dân chúng vì có những chi tiết và con số gây sốc nặng. Giá như báo chí nhà nước và các hệ thống truyền thông lên tiếng ngay về clip này, thật hay giả nếu có tin chính xác thì dân bớt bàn ra tán vào hơn, yên tâm hơn. Ở nước ngoài cũng thế, biết bao tin thất thiệt xuất hiện liên tục về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Nhiều kiểu đưa tin lập lờ khiến nhiều người hoảng sợ. Ví dụ như có một bản tin ghi là hôm nay 24.8, chết 8.666 người vì virus Vũ Hán ở Việt Nam. Thật sự đây là con số tử vong từ trước đến nay chứ không phải con số của một ngày, nhưng kiểu đưa tin gây sốc để câu view khiến nhiều người lo lắng, nhất là những người đang sống ở nước ngoài. Nếu người nào đang ở Sài Gòn hay bất cứ đâu ở Việt Nam, chịu theo dõi thường xuyên tình hình dịch bệnh sẽ thấy ngay sự láo khoét và biết ngay là tin đồn thất thiệt của loại tin tức này. Ngay ở trong nước cũng vậy, đang lúc Sài Gòn và các tỉnh lân cận đang ở trong tình trạng đại dịch đe doạ mạng sống của từng người, từng gia đình thì lại có nhiều người bày ra những trò chia rẽ, phân biệt vùng miền. Có kẻ viết trên facebook của mình với giọng hả hê trước số người chết và nhiễm bệnh ở các tỉnh miền Nam và ca ngợi thành tích chống dịch của địa phương mình, tự hào đắc thắng. Ở đâu sinh ra cái tư duy kỳ lạ vậy nhỉ?

Dính dịch thường rất cần Oxy để thở. Sài Gòn có rất nhiều nhóm thiện nguyện chuyên cung cấp Oxy cho những người F0 ở nhà trở nặng. Nhờ vậy, nhiều người đã có được Oxy kịp thời trong lúc khó khăn. Nhưng theo các thành viên thiện nguyện này, rất nhiều gia đình khi được cung cấp bình Oxy, sau đó không chịu trả bình lại khiến công việc của nhóm gặp rất nhiều trở ngại. Có nhóm báo cáo rằng nhóm khi bắt đầu hoạt động có 1.500 bình nhưng sau một thời gian giờ chỉ còn khoảng 500 bình, rất khó để cứu người kịp thời.

Trời Sài Gòn mấy hôm nay cứ mưa liên tục. Sáng mưa, trưa mưa, tối mưa. Cũng may là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị tất cả phường, xã ở TP.HCM phải tập trung toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ để xét nghiệm, đưa đi cách ly nếu dương tính hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Như vậy, những người sống vỉa hè, gầm cầu đã được gom về một chỗ. Họ sẽ có chỗ trú mưa nắng, cơm ăn. Bình thường, những người này ở vỉa hè lây lất, khó khăn thế nhưng họ lại không thích sống tập trung. Cũng giống mấy người vô gia cư ở Mỹ vậy. Họ thích tự do không bị trói buộc, hơn nữa ở vỉa hè có thể xin cơm ăn, bánh trái và cả tiền mặt nữa. Nhưng giờ gom họ lại là điều hợp lý nhất, nghe đâu đã phát hiện một số ca dương tính khi đưa họ về nơi tạm trú. Nếu cứ để họ lang thang thì chuyện nhiễm bệnh cho cộng đồng rất khó kiểm soát. Nhưng tập trung mà không có bộ phận theo dõi và chăm sóc họ thì cũng dễ trở thành ổ dịch và sẽ có những người bị tử vong vì virus mà không được điều trị kịp thời.

Con số tử vong hàng ngày được thông báo đều được ghi nhận thông qua hệ thống của các bệnh viện. Theo các bác sĩ đang trực tiếp điều trị đều cho biết con số nhiễm và tử vong không kịp báo cáo hoặc không được ghi nhận trong hệ thống như nhiễm và tự điều trị tại nhà, tử vong tại nhà là rất lớn nhưng khó thống kê được. Những con số thông báo hàng ngày đều từ các bệnh viện đưa lên và tổng hợp lại nên nhiều khi không sát với thực tế. Hệ thống y tế ở thành phố đang trong tình trạng quá tải, rất khó thống kê chính xác và cũng khó để trả lời đã có bao nhiêu ca tử vong. Chỉ biết rằng, tình trạng nhiễm bệnh và qua đời ở thành phố vẫn giữ mức cao. Tỷ lệ chết ở các khu bệnh nặng trong các bệnh viện rất lớn và các bệnh viện cũng không còn chỗ chứa khi hàng ngày có 4, 5 ngàn người nhiễm bệnh. Thế thì việc thành phố đang khẩn trương thực hiện bóc, tách F0 trong cộng đồng rồi sẽ đưa số F0 ấy vào đâu? Thực tế đã cho thấy tình hình dịch ở thành phố đã lan rộng khắp nơi, nhìn bản đồ chi chít các ổ dịch thì truy tìm nguồn lây nhiễm còn có ích lợi gì không trong việc ngăn chận dịch. Vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến này chỉ là vaccine. Việc xét nghiệm đại trà, truy xét F0 chỉ là việc không còn cấp thiết nữa. Đội ngũ y tế ở các bệnh viện đang thiếu trầm trọng, sao không rút hết nhân sự ở các điểm xét nghiệm trên thành phố về bổ sung?

Một tin lạc quan xuất hiện trên báo sáng nay, Việt Nam chuẩn bị kế hoạch nhận gần 30 triệu liều Pfizer. Theo tin đấy, Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua 51 triệu liều vắc xin Pfizer trong năm 2021, trong đó có 20 triệu liều dành tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong năm 2021, đơn vị này sẽ tiếp nhận hơn 31 triệu liều vắc xin Pfizer sản xuất tại Bỉ.

Lô hàng Pfizer đầu tiên về Việt Nam vào đầu tháng 7 và đến nay đã nhận hơn 1,2 triệu liều. Như vậy, trong năm nay, Việt Nam còn nhận thêm gần 30 triệu liều nữa.

Tối 20/8, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Albert Bourla, Chủ tịch công ty Pfizer, cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giao một phần vắc xin cho Việt Nam ngay trong tháng 8-9, thay vì dồn nhiều vào quý 4. Dự kiến ngay tuần này, Việt Nam sẽ nhận thêm 1 lô vắc xin Pfizer. Hi vọng khi có vaccine, chính phủ sẽ dành ưu tiên cho thành phố và các tỉnh lân cận, nơi đang bùng phát dịch dữ dội.

Hôm qua, ngày 23. 8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân ghi nhận 340 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh. Con số vẫn còn cao và Sài Gòn vẫn còn những trận mưa lớn trên những con phố vắng người.

24.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi bảy.

DODUYNGOC










Từ 0 giờ hôm nay 23.8, toàn thành phố đã triệt để áp dụng lệnh giới nghiêm toàn thành. Tôi dùng từ giới nghiêm vì nghĩ đó là từ chính xác nhất trong tình hình hiện tại, nếu nói theo thuật ngữ quân sự là Thiết quân luật. Theo luật hiện hành của chính phủ Việt Nam, khi tình hình an ninh, trật tự, xã hội mất ổn định nghiêm trọng, chính quyền sẽ ban bố lệnh giới nghiêm.

Luật Quốc phòng 2018 có hiệu lực từ 1.1.2019 định nghĩa: Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm.

Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, theo luật này, khi thành phố yêu cầu dân không được đi lại, mọi người ai ở đâu ở yên đó, thực phẩm có người mua hộ tức là đã thi hành giới nghiêm rồi. Ngay những lần trước, gọi là giãn cách nhưng thật sự cũng là hình thức giới nghiêm hay lockdown. Theo giải thích thì giãn cách xã hội có nghĩa là người dân vẫn sinh hoạt bình thường, giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với những người khác, tránh xa những nơi tụ tập đông người và những cuộc họp mặt. Tránh xa những người chịu nguy cơ cao hơn với dịch bệnh (ví dụ: người lớn tuổi và người có sức khỏe kém). Với định nghĩa như vậy thì mấy đợt trước đây thành phố đã giới nghiêm chứ không phải giãn cách.

Tính đến nay, để ngăn chận sự lây lan của dịch cúm Vũ Hán, thành phố đã ba lần ban bố lệnh gọi là giãn cách rồi phong toả. 

Lần thứ nhất, bắt đầu từ 0h ngày 9.7. Đợt này theo chỉ thị 25 và 16 của Thủ tướng. Trong lần thứ nhất này, dân tình rất xôn xao và đưa đến tình trạng đổ xô mua hàng dù chính quyền bảo đảm hàng hoá cho dân. Thế nhưng việc đóng cửa cả 3 chợ đầu mối lớn của TP (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) để phòng, chống dịch phần nào làm người dân lo lắng việc cung ứng hàng hóa gặp vấn đề. Dân bắt đầu không tin vào những lời hứa của chính quyền. Và cũng trong lần này, hệ thống lưu thông hàng hoá từ các nơi đưa về bị đứt gãy vì những thủ tục hành chính và thói lạm quyền, quan liêu ở các chốt chặn.

Lần thứ hai, bắt đầu tiếp tục từ 0h ngày 15.7. Lúc này, mạng xã hội và các trang thông tin không chính thống lan truyền thông tin sai lệch về việc “đóng cửa toàn TP.HCM” từ 0h ngày 15.7. Hậu quả tức thì, lượng người đổ ra các chợ truyền thống, siêu thị lại tăng đột biến vào ngày 14.7. Lại một lần nữa dân tình lao đao vì khan hiếm thực phẩm, lương thực giả tạo. Rút kinh nghiệm lần 1, dân chen lấn nhau, giành giật nhau hàng hoá khiến tình trạng lây nhiễm càng bùng phát.

Lần thứ 3, trước thông tin TP.HCM sẽ siết chặt giãn cách trong 2 tuần kể từ 0h ngày 23.8. Đây được xem là các biện pháp mạnh nhằm kéo giảm số ca lây nhiễm trong cộng đồng đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh và khả năng lây lan nhanh của biến chủng Delta, người dân lại một lần nữa chen nhau đi chợ bắt đầu từ trưa ngày 20.8 và trong ngày 21.8. Lực lượng kiểm soát bất lực, trật tự tại các siêu thị, cửa hàng hỗn loạn đưa tới việc lây lan mạnh dịch bệnh. 

Trước tình hình đó , chiều 21.8, chính quyền lại đánh lừa bằng cách khẳng định : “Không thực hiện phong tỏa thành phố trong hai tuần tới”. Sau đó là hàng loạt văn bản, chỉ thị liên tiếp ra đời, mỗi văn bản mỗi khác, luẩn quẩn, loanh quanh, mâu thuẫn với nhau. Dân tình nhốn nháo chẳng biết đâu mà lần. Lúc thì bảo có, khi thì bảo không. Rộ lên vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam. Trên mạng lan truyền bảng phân chia khu vực theo màu, nhưng rồi bị cho là tin giả. Cho đến tối hôm qua, chính quyền vẫn xác nhận là chưa hề công bố một bản đồ xanh đỏ nào cho thành phố. 

Rồi chuyện xuất hiện của lực lượng quân đội 1.000 người trên 5 chuyến bay từ Bắc vào chi viện. Rồi lực lượng của Quân khu 7 tăng cường. Trong ngày 22.8, trả lời với báo chí, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết Bộ Quốc phòng sẽ huy động khoảng 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia chống dịch tại thành phố trong 15 ngày tới. 

Và sáng hôm nay, thành phố đã xuất hiện lực lượng quân đội có mặt khắp các ngã đường trong thành phố. Nó tạo một cảm giác của thời chiến tranh đầy căng thẳng. Có người bảo thành phố giờ không khác chi thời quân quản.

Mà thật sự, tình hình thành phố đang hồi căng thẳng. Các bệnh viện đầy người, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tình nguyện viên đã không còn sức để chiến đấu sau một thời gian quá dài. Đã có nhiều người bị phơi nhiễm, đã lên con số ngàn. Nhiều người không chịu nổi đã rút lui. Trong cuộc họp chiều qua giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thành phố đã có lời kêu gọi những người F0 đã lành bệnh nên xung phong trở thành tình nguyện viên chăm sóc cho bệnh nhân. Con số tử vong tăng cao ở các cơ sở y tế chữa trị dịch bệnh đa số là do thiếu sự chăm sóc kịp thời và thiếu trang thiết bị. Bệnh viện dã chiến vừa mở ra là lâm vào tình trạng quá tải. Một ngày bốn, năm ngàn người nhiễm dịch thì chỗ nào để chứa? Một ngày bốn, năm trăm người chết, cán bộ y tế bị áp lực, bị ức chế đến kiệt sức. Đã có hàng ngàn đội ngũ ở các nơi vào giúp sức nhưng như muối bỏ biển. F0 đầy dẫy khắp nơi không kiểm soát được. Giờ lại tổ chức xét nghiệm toàn thành lại khiến dân thêm lo. Lo vì sợ nhiễm từ việc xét nghiệm đấy. Tính đến tối 22.8, tại thành phố đã có tổng cộng 175.994 bệnh nhân nhiễm dịch được Bộ Y tế công bố. Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 34.605 bệnh nhân, trong đó có 2.131 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.442 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Số liệu thống kê được Ban chỉ đạo phòng chống dịch công bố trưa 22. 8 cho thấy, toàn thành phố đã có 6.349 người tử vong vì virus Vũ Hán. Một con số đáng âu lo dù con số đó vẫn chưa đầy đủ. Số bệnh nhân F0 và số người tử vong tại nhà cho đến giờ vẫn chưa thống kê được.

Có dư luận cho rằng, nếu bộ phận quân đội tăng cường là đội ngũ y bác sĩ thì rất hợp lý trong lúc này vì thành phố đang thiếu trầm trọng. Nếu quân đội giữ an ninh trật tự cũng là điều nên làm vì dù sao kỷ luật quân đội và mệnh lệnh được thực hiện một cách có kỷ cương hơn góp phần lập lại trật tự của thành phố là điều đang mong đợi. Tuy nhiên nếu sử dụng quân đội cho việc cung cấp và lưu thông hàng hoá thì không hiệu quả.  Nếu thành phố tập trung được lực lượng shipper có sẵn, trả lương cho họ, cấp giấy cho họ hoạt động có tổ chức và có kiểm soát. Họ được chủng ngừa đầy đủ, xét nghiệm miễn phí thường xuyên, thì đội ngũ này hoạt động tốt hơn lực lượng quân đội nhiều. Bởi họ cơ động hơn, chuyên nghiệp hơn và thông thuộc địa hình ở thành phố này hơn lực lượng quân đội. Họ có thể đến từng ngõ ngách, từng căn nhà vì đó là công việc thường xuyên của họ lâu nay. Hôm qua dù chưa có bản đồ vùng xanh, vùng đỏ cụ thể được công bố nhưng quy định của thành phố người vùng xanh có thể nhờ quân đội đi chợ mỗi tuần một lần. Nhưng hôm nay lại ra văn bản mới quy định Không phân biệt “đỏ”, “vàng”, “xanh”, toàn bộ người dân TP.HCM sẽ được đi chợ hộ. Theo đó, từ 23.8, người dân dù thuộc phân vùng “đỏ”, “vàng” hay “xanh” cũng đều sẽ áp dụng phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ cộng đồng, các lực lượng tình nguyện hỗ trợ. Lắm văn bản quá, người dân không theo kịp nên cứ ngẩn ngơ không biết phải đối phó thế nào? Xoay xở ra làm sao? Thành phố giống như nhà không nóc mà gặp biến vậy, ai cũng có thể ra lệnh, ai cũng có quyền, chỉ thị, yêu cầu cứ xoay như chong chóng.

Theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng bình thường là 10.964 tấn/ngày. Trong đó, gạo:1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…): 660 tấn; thịt gia súc: 755 tấn; thịt gia cầm: 660 tấn; thực phẩm chế biến: 236 tấn; trứng gia cầm: 108 tấn (2,1 triệu quả); rau củ quả: 4.246 tấn; đường: 236 tấn; sữa: 1.742 tấn (1,7 triệu lít); dầu ăn: 189 tấn; muối: 47 tấn; nước chấm: 104 tấn (79.865 lít).

Như vậy, mức nhu cầu tiêu dùng bình quân của thành phố trong 1 tuần (7 ngày) là 76.747 tấn; trong 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước khoảng 19 triệu lít/ngày, (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch: khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng); nước sát khuẩn (loại 0,5 lít): 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng). Với những con số đó, e rằng lực lượng quân đội và các tổ ở các địa phương không kham nổi. Sợ rằng kế hoạch rồi sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có sự góp mặt của đội ngũ shipper của 4 hãng lớn đang có mặt ở thành phố này.

Trong quá trình kềm chế dịch bệnh, thành phố đã mắc nhiều sai lầm ngay từ những ngày đầu tiên dịch bùng phát. Bắt đầu từ Gò Vấp ở nhóm tín đồ Phục Hưng, con số chỉ mới mấy chục người. Lãnh đạo thành phố bắt đầu lúng túng, lập khu cách ly tập trung, tổ chức xét nghiệm đông hàng ngàn người ở sân Phú Thọ rồi chợ Bình Điền. Con virus biến thể Delta lan rộng, cứ dương tính là nhét vào bệnh viện kéo theo đó cả đám F1 vào khu cách ly. Con số nhiễm từ khu cách ly càng lúc càng cao, số tử vong càng nhiều ở các khu điều trị. Thiếu nhân lực, thiếu thiết bị, thiếu điều kiện sinh hoạt, người chết nhiều gây sốc cho mọi người. Lúc đấy mới lo vaccine, cũng đã trễ. Đến lúc quá tải lại cho cách ly tại nhà. Nhưng lại thiếu kiểm soát, thiếu hỗ trợ lúc bệnh nhân trở nặng và thế là con số tử vong tiếp tục leo thang và không khí càng bi thương hơn. Và bây giờ, theo nhà chức trách đây là trận cuối cùng nên quân đội nhập cuộc. Người dân tự hỏi nếu trận cuối cùng này mà thất bại thì rồi sẽ ra sao. Buông luôn hay sao? Có còn phương án nào không?

Đã đến lúc người dân chai lì trước những chỉ thị của các cấp chính quyền vì các văn bản cứ xà quần đến chóng cả mặt. Các biện pháp đưa ra thiếu hiệu quả làm dân mất dần lòng tin và nghi ngờ khả năng của những người ký các văn bản, chỉ thị. Khi người dân cần trong tình trạng thập tử nhất sinh thì chẳng biết kêu ai, gặp biến cố thì không nơi nhận vì quá tải. Đói xin hỗ trợ thì cứ hẹn mãi, kẻ có, người không. Chẳng biết kêu ai và tin vào ai nữa. Trầm cảm, ức chế sinh bệnh là chuyện tất yếu trong cơn khủng hoảng này. Còn nhớ khi thành phố Vũ Hán bị dịch, phong toả từ ngày 23.1.2020 và chấm dứt ngày 8.4.2020, tổng cộng là 76 ngày. Trong thời gian phong tỏa người ta đã nghe những tiếng thét, tiếng la từ những ngôi nhà, từ những chung cư trong đêm khuya. Những tiếng thét vì bế tắc, bị căng thẳng, bị giam hãm và lo âu. Thành phố Sài Gòn chính thức giãn cách toàn thành phố từ ngày 31.5.2021, đến giờ đã là 83 ngày  trong bi thương, chết chóc, đau đớn và tù hãm. Đã nhiều gia đình tan tác, đã có những dãy dài xe chở quan tài chờ thiêu xác, đã có rất nhiều người trở thành kẻ không nhà, lắm đứa trẻ thành kẻ mồ côi. Tiếng thét của người thành phố không bật ra mà đi ngược vào trong với nỗi câm lặng âm thầm. Nỗi đau này lớn quá cũng không còn nước mắt. Và chính vì không bật lên được tiếng thét lúc nửa đêm nên nỗi đau càng đau hơn, nặng nề hơn, mỗi ngày như những vết dao đâm sâu vào lòng những người thành phố này. 

Người dân muốn nhà nước cứ ban lệnh giới nghiêm, cứ cho là không thời hạn đi, cho đến lúc kềm chế được dịch. Tại sao cứ cho con số 15 ngày, rồi 15 ngày giật cục với mọi chỉ thị chỉ tạo thêm hoang mang và lo âu. Mỗi lần 15 ngày là mỗi lần có biến động trong sinh hoạt. Điều đó chứng tỏ những người có trách nhiệm không hoạch định được, không có một kế hoạch rõ ràng nào cả, cứ theo nước mà trôi. Lập ban tư vấn thì toàn những ông đầy bằng cấp mà chẳng có chuyên môn, dự đoán và đưa kế hoạch giống như các lão thầy bói, được gọi tên là Dự báo Fulbright, toàn ăn ốc nói mò chẳng được chi mà làm cho thêm rối. Trong thời kỳ giới nghiêm không thời hạn đó, nỗ lực tiêm chủng tối đa cho dân, mỗi người hai mũi. Trung ương phải phân bổ đầy đủ và hợp lý vaccine, tránh kiểu ngồi chờ và trông đợi, xin xỏ mãi. Tìm cách cứu đói và phân phối hàng hoá hợp lý và công bằng. Yêu cầu chính phủ mở kho gạo cứu dân, an toàn lương thực là lúc này đây. Các quỹ lao động, bảo hiểm, thiên tai, dịch hoạ có mấy chục ngàn tỷ sao không đem ra sử dụng trong những lúc biến cố thế này? Xuất ngân quỹ để bệnh viện có đủ thiết bị và máy móc chữa bệnh, dần dần làm chủ tình thế chứ không bị động như đã làm. Dựng nhiều trung tâm, mở lắm bệnh viện dã chiến mà rồi phải kêu gọi mạnh tường quân, các nhà hảo tâm trang thiết bị thì hậu quả đã thấy ngay rồi. Trong việc cho cách ly F0 tại nhà, đơn vị phường xã rất quan trọng. Cho nên phải lưu tâm đến đội ngũ này. Dân tin vào chánh quyền hay không cũng do đội ngũ này mà có. Rất tiếc, các bộ phận ở phường, xã nhiều nơi trình độ và trách nhiệm còn yếu kém, nhất là những vùng xa, nơi người dân cần hỗ trợ nhiều nhất lại là nơi hoạt động kém nhất, làm mất lòng dân nhất.

Một anh bạn vừa kêu cứu tôi mà rồi tôi cũng chẳng giúp được gì. Tình trạng của người bạn của anh là cả gia đình đều dương tính, bị đưa cả gia đình vào cách ly và điều trị tại bệnh viện. Người chồng không thấy triệu chứng rõ rệt nên cho về nhà mà chẳng cấp cho cái giấy tờ gì. Mấy hôm sau bệnh trở nặng và qua đời. Địa phương không chịu xác nhận anh ta chết vì virus Vũ Hán mà kết luận người bệnh chết vì bệnh nền tim mạch và yêu cầu gia đình tự mai táng. Giới nghiêm nên cũng chẳng biết gọi nhà đòn nào lo liệu cho nên xác vẫn để nằm đó từ hôm qua đến giờ. Gia đình bất lực cũng chẳng biết giải quyết thế nào cả. Anh ta bảo không lẽ khiêng cái xác ra để giữa đường cho bàn dân thiên hạ biết? Tôi cũng đành bó tay chẳng biết ý kiến hay giải pháp thế nào để giúp anh. Buồn thật.

23.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi sáu

DODUYNGOC





















Mở đầu một ngày với tin thật là buồn, ca sĩ Quang Vĩnh, một ca sĩ hát nhạc Pháp hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn, một tay trống lâu năm, anh ruột của Hiếu Piano vừa qua đời lúc 3:30 sáng nay. Buồn ơi là buồn. Thời đại dịch, trên facebook toàn là những khung tang đen thế ảnh avatar, nhìn thê lương quá. Mong bạn Quang Vĩnh ra đi thanh thản, về với thế giới không còn âu lo.

Ngày hôm qua cũng là một ngày nhiều biến động ở Sài Gòn. Người tuôn ra đường như ngày hội. Những cửa hàng, siêu thị, nhà bán thuốc đông nghẹt người. Tất cả đều do những văn bản thay đổi xoành xoạch, mỗi ông nói mỗi kiểu, tiền hậu bất nhất của lãnh đạo thành phố khiến dân chẳng biết đâu mà lần. Thành phố như nhà vắng chủ, mỗi người nói mỗi cách. Ghế chủ tịch Uỷ ban, cũng giống như là ông Thị trưởng của một thành phố để trống chờ người. Lãnh đạo chống dịch chuyền qua Ban Tuyên giáo. Ông Trưởng ban Phan Nguyễn Như Khuê hôm trước nói đến 23.8 sẽ cho ra những biện pháp mới siết chặt hơn, không cho ai ra khỏi nhà, mỗi nhà, mỗi tổ, mỗi khu phố là mỗi pháo đài với 5 giải pháp sắp đến nâng cao, tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để trong thời gian thực hiện các văn bản, chỉ thị của trung ương, thành phố tập trung hơn chống dịch. Mọi người cứ ở yên trong nhà, sẽ có quân đội mua hàng đem đến tận nhà, dân khỏi phải mất công đi đâu.

Đến chiều hôm qua sau cuộc họp lúc 15:00, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố lại cho biết việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tăng cường sau ngày 23.8 không phải là phong tỏa hay đặt TP.HCM trong tình trạng khẩn cấp. Và cũng không có chuyện quân đội cung cấp, vận chuyển lương thực, thực phẩm cho dân.

Cùng lúc đó, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản liên quan đến tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhằm thực hiện mục tiêu 'ai ở đâu ở yên đó'. Từ ngày 23.8 - 6.9), từ 0 giờ ngày 23.8 - 6.9, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, của T.Ư đóng trên địa bàn TP triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23.8.

Rồi Shipper công nghệ tạm ngưng hoạt động tại TP.Thủ Đức, các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn.

Người dân toàn nghe đùng đùng, không biết đâu mà lần nên đành rầm rộ phi ra đường kiếm thực phẩm, tìm mua thuốc dự trữ cho chắc ăn. Lãnh đạo cứ mãi trách dân không tuân thủ chỉ thị 16, không chấp hành giãn cách. Báo chí thì cứ lên án những người ra đường là vô ý thức, cảnh sát thì liên tục ghi biên bản, làm giấy phạt, thu tiền mà không chịu suy nghĩ nguyên nhân tại sao người ta tuôn ra đường như đi sắm Tết thế? Một chuyện rất hệ trọng đến sinh mạng và cuộc sống của dân mà lãnh đạo mỗi ông nói một kiểu, thay đổi như lật bánh tráng thế thì bảo dân không xôn xao sao được? Làm ơn thống nhất, bàn bạc cho kỹ đi rồi ra một văn bản với nội dung cụ thể, ngắn gọn để dân có thể hiểu và làm theo. Chỉ có vậy thôi mà cứ lùng bùng mãi thì làm sao mà dập được dịch. Chống dịch mà giao cho tuyên giáo là thấy lo rồi. Rồi sẽ giãn cách dài dài, giới nghiêm đều đều cho mà xem. Mọi việc vũ như cẩn!

Thành phố và các tỉnh vẫn còn đó những chốt chận, những cuộn dây kẽm gai, những dây giăng, những chướng ngại vật. Tất cả án binh tại chỗ. Trên clip của Lê Thân Thiện, một người lâu nay thường nhận sứ mệnh hỗ trợ, giúp đỡ những số phận gặp khó khăn có kể lại một trường hợp đắng lòng về một cặp vợ chồng và đứa con trai. Họ là công nhân, thất nghiệp mấy tháng nay, vợ mang bầu chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày sinh. Không có cách nào khác là phải tìm về quê để có thể có gia đình, cha mẹ giúp đỡ trong cơn vượt cạn. Gom góp số tiền có trong tay, đi xét nghiệm để có giấy chứng minh âm tính. Đường về quê hơn hai trăm cây số của một gia đình ba người chỉ còn trong túi 165.000 đồng, một gói bánh và một chai xăng dự trữ. Nhưng chốt ở Long An không cho đi tiếp, đành phải quay đầu. Người đàn ông chẳng biết phải làm gì để tiếp tục sống và nuôi vợ đẻ trong những ngày sắp tới đành gạt nước mắt đã rớt trên khuôn mặt buồn hiu. Người vợ với cái bụng to sấp mặt cũng lặng lẽ chẳng biết nói gì trước cảnh trái ngang này. Chị đang lo âu ngày sinh nở đã tới mà tiền chẳng còn, miếng ăn hàng ngày cũng không có, biết làm sao đây? Anh Thiện thay mặt những mạnh tường quân gởi cho gia đình 5 triệu đồng gắng qua cơn khốn khó. Hỏi anh ta làm gì khi có số tiền này, anh bảo sẽ mua gạo, mua thức ăn cho vợ có sức mà đi sinh. Rồi những ngày sinh nở của vợ, không biết lấy đâu để trả tiền bệnh viện, lấy đâu mà mua thức ăn, mua thuốc cho vợ, lấy đâu mà hai cha con sinh sống đây? Nhìn cả gia đình ngồi bên vệ đường với chiếc xe gắn máy lỉnh kỉnh túi xách, ba lô và cái bụng bầu của người sản phụ sắp sanh mà muốn rớt nước mắt. Không biết mai đây, đời sống của cái gia đình nhỏ ấy sẽ như thế nào trong cơn đại dịch này?

Thành phố đã bất lực sau quá nhiều biện pháp không hiệu quả. Và đành phải để trung ương vào cuộc. 1.000 quân nhân là các giảng viên và học viên của Học viện Quân y quân đội vào tăng cường chống dịch hỗ trợ cho thành phố. Được biết đoàn công tác có 300 thành viên, tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động do đại tá Nguyễn Anh Tuấn, hệ trưởng hệ sau đại học của Học viện Quân y, làm trưởng đoàn. Lực lượng quân y từ Hà Nội vào sẽ triển khai đến các bệnh viện dã chiến, 400 trạm xá lưu động ở 22 quận, huyện để đến từng nhà chăm sóc, điều trị các F0. Chuyến bay VJ121 đầu tiên đã hạ cánh vào lúc 14h35 chiều qua 21-8. Như thế, tin quân đội tăng cường sẽ mua hàng cho dân là phát biểu tào lao, họ là những nhân viên y tế và chỉ đảm nhận những công việc dính dáng đến y tế. Tấm hình xuất hiện trên mạng mà rất nhiều người chia sẻ ghi mấy người trong bộ đồ bảo hộ trắng mang súng trường cá nhân được cho là của viện binh Hà Nội vào Sài Gòn cũng là hình dỏm lấy ở đâu đó.

Ngày 21.8, TP.HCM đề xuất Quân khu 7 chi viện hơn 6.000 quân nhân chống dịch. Số nhân lực được đề xuất tăng cường từ Quân khu 7, nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM theo chỉ đạo của Chính phủ. Lực lượng chi viện cho TP.HCM theo đề xuất của Tổ điều phối bao gồm 4.000 cán bộ chiến sĩ chủ lực của Quân khu 7, 400 bác sĩ, 1.600 nhân viên y tế khác, 30 xe cứu thương kèm 30 tài xế và 30 nhân viên y tế theo xe cứu thương, cấp cứu…

Hi vọng với sự chỉ đạo và điều hành trực tiếp từ trung ương cùng sự có mặt của lực lượng quân đội, những biện pháp và cách xử lý mới, người dân thành phố hi vọng sẽ có những biến chuyển để chấm dứt cách tù hãm kéo dài như hiện nay.

Đã có những lúng túng, đã có lắm sai lầm. Mong những bước tiếp theo sẽ khá hơn. Trước hết là chấm dứt ngay tư tưởng xét nghiệm toàn thành, một việc làm tốn kém và vô ích, chỉ làm giàu cho nhóm lợi ích của các công ty dược cung cấp thiết bị. Cũng nên chấm dứt ngay việc phun thuốc bừa bãi khắp nơi như đã làm, chẳng hiệu quả mà còn gây nhiễm độc không khí. Tiến hành nhanh nhất việc hỗ trợ, trợ cấp cho người nghèo và người lao động thất nghiệp. Nhiều địa phương rất chậm chạp và thiếu trách nhiệm, thiếu công bằng trong việc này. Cần cách chức ngay các chủ tịch phường, các tổ trưởng dân phố hành dân, vô trách nhiệm với dân. Hiện nay có rất nhiều tiếng dân kêu về chuyện trợ cấp này. Nếu không xử lý kịp thời và đúng người sẽ sinh ra những oán trách, bức bối không cần thiết trong dân.

Thành phố đã có một thời gian dài chủ động trong phòng chống dịch nhưng không thành công. Các chủ trương, chính sách, biện pháp và cách tiến hành của thành phố đã không đạt yêu cầu. Thành phố vẫn lúng túng trong việc đối phó với dịch bệnh, do vậy phải giao lại cho trung ương cũng là điều hợp lý. Bí thư của thành phố cũng cho thấy sự năng nổ của ông trong công việc, biết lắng nghe, chịu sửa đổi, sâu sát với tình hình. Tuy vậy vẫn không đạt được những mục tiêu thành phố đưa ra. Cả bộ sậu lãnh đạo thành phố loay hoay không đường thoát. Tạm thời giao cho tuyên giáo lại càng khiến tình hình rối rắm hơn. Giao chính phủ điều khiển là đúng lúc. Và mong mỏi của nhân dân thành phố là hi vọng chính phủ sẽ phân bổ thêm vaccine để thành phố sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng cho dân. Đó là con đường tốt nhất, giải pháp hợp lý nhất để Sài Gòn thoát khỏi vũng lầy của cơn dịch này. Không thể cứ rào chắn, giăng dây, giam nhốt người dân mãi ở trong nhà mà có thể thắng được con virus . Phải thay đổi tích cực các biện pháp mới hợp lòng dân và khoa học hơn, đó là mong ước của dân để dân còn tin vào chính phủ.

Trong những lần thiên tai, bão lũ cũng như trong mùa dịch thế này, mì gói là món ăn được sử dụng nhiều nhất và tiện lợi nhất. Thiên tai mấy năm liền rồi đại dịch, Việt Nam trở thành nước đứng thứ ba tiêu thụ mì gói nhiều nhất thế giới. Số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới cho biết, trong năm 2020 đã có 116,5 tỷ gói mì được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng 10 tỉ gói so với năm trước, tương đương mức tăng 9,47%. Những nước đứng đầu trong danh sách tiêu thụ mì gói lần lượt là Trung Quốc/Hong Kong (46,35 tỷ gói), Indonesia (12,46 tỷ gói), Việt Nam (7 tỷ gói), Ấn Độ (6,7 tỷ gói), Nhật Bản (5,97 tỷ gói),…Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tổng sản lượng tiêu thụ mì gói trong năm 2020, tăng xấp xỉ 30% so với 2019 (5,43 tỷ gói). Đây là mức tăng trưởng cao nhất thế giới, xếp sau là Philippines tăng 16%, Brazil tăng 11%, Trung Quốc tăng 11,8%.

Càng lắm thiên tai, dịch hoạ thì các công ty sản xuất mì gói càng thu nhiều lợi nhuận. Dữ liệu thống kê của Retail Data cho biết, ngành hàng mì ăn liền của Việt Nam có hơn 50 nhà sản xuất nhưng đang được chiếm lĩnh bởi 4 cái tên, theo thứ tự về độ lớn lần lượt là: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods. Ngành hàng mì ăn liền bao gồm mì ly và mì gói, đạt doanh thu 28.000 tỷ đồng trong năm 2020, với 85% từ mì gói và phần còn lại từ mì ly, các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh, v.v. Riêng Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, chủ sở hữu thương hiệu “Mì Hảo Hảo”, được xem là “vua mì ăn liền” tại Việt Nam. Trong suốt giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn, đạt tới hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2019 với lãi ròng hơn 1.600 tỷ đồng. Ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch toàn cầu. Ngoài ra, tình trạng giãn cách xã hội và thói quen dự trữ thực phẩm cũng khiến tiêu thụ mì gói tại Việt Nam tiếp tục tăng.

Trong các thùng quà từ thiện, trong những gói quà hỗ trợ người nghèo của bất cứ cá nhân, hội đoàn hay của cả nhà nước, lúc nào người ta cũng thấy xuất hiện những gói mì hay những thùng mì. Nó giúp cho người nghèo qua bữa một cách tiện nhất và nhanh nhất. Tuy vậy nhiều quá, ai cũng cho sinh ra thừa. Nhiều đến độ nhiều người đói ăn nhưng chẳng còn dám ăn mì vì đã ngán đến tận cổ. Do đó, đề nghị trong gói hỗ trợ của chính phủ cho người lao động nghèo thiếu ăn, thất nghiệp nên giao cho dân tiền mặt, không nên trừ tiền để mua quà tặng. Làm như thế tránh được việc ăn bớt, ăn xén và nâng khống giá mua gây thiệt thòi cho dân. Mà còn giúp dân được tiện lợi trong việc tự chủ mua sắm những thứ cần thiết hơn là chất cho lắm mì gói mà vẫn đói.

Hôm nay đúng ngày rằm tháng bảy, đại lễ Vu Lan của Phật giáo Đại thừa. Năm nay sẽ không có những mâm cúng cô hồn như thông lệ, không có vàng mã đốt cho người cõi âm, không có tiếng kinh cầu râm ran đều trong mỗi ngôi chùa, mỗi căn nhà. Nhưng trong thâm tâm, mỗi người đều bái vọng và tưởng nhớ đến những người đã mất, nhất là những người vừa qua đời trong mùa đại dịch. Nó đã cướp đi bao sinh mạng trong đó có ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè thân thiết. Họ mất đi nhưng chưa có được một lễ nghi đúng nghĩa. Họ ra đi âm thầm, lặng lẽ nhiều khi không có được giọt nước mắt của người thân. Nhân mùa xá tội vong nhân, mùa báo hiếu, chúng ta xin chắp tay, đốt một nén nhang từ trong lòng mỗi người tưởng nhớ đến những người đã đi về cõi khác. Tự mỗi người gắn cho mình một đoá hoa trắng, đoá hoa tiễn biệt và thương nhớ về người quá cố. Hàng ngàn người đã ra đi trong mùa dịch, cũng hàng ngàn gia đình phải chịu cảnh sinh biệt tử ly. Biết bao trẻ mồ côi trong thoáng chốc. Thành phố trong mùa Vu Lan này ảm đạm và nhiều nước mắt. Xin vái lạy.

22.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi lăm.

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget