SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ HAI MƯƠI SÁU
TÂM LÝ MÙA DỊCH
Người xưa thường bảo: Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Nghĩa là một ngày trong nhà giam thì dài bằng nghìn năm ở bên ngoài. Ý nói khi ngồi tù thì thời gian rất dài. Trong những ngày giãn cách vì đại dịch, không được ra đường, mọi sinh hoạt đều loanh quanh ở trong nhà, con người cũng giống như kẻ bị tù được giam lỏng. Mọi sinh hoạt thường ngày bị thay đổi hoàn toàn. Thời gian cũng rất dài.
Bình thường trong một gia đình có con cái, sáng ra vợ chuẩn bị bữa ăn sáng cho chồng con, rồi cùng chồng đưa các con đến trường học, sau đó cả hai đến cơ quan làm việc. Trưa có thể ăn trưa ở công sở, chiều đón con, nấu nướng, ăn tối, sinh hoạt gia đình rồi ngủ. Một nếp sinh hoạt bao năm nay thường là như thế. Đối với người lớn tuổi thì tập thể dục, ăn sáng, gặp gỡ bạn bè, vui với những thú vui riêng của mỗi người, ăn trưa, chiều có thể đi dạo một vòng, xem ti vi, đọc sách, rồi ngủ. Người trẻ tuổi thì đi học, đi chơi, cà phê với nhóm bạn, đi ciné, đi lang thang hàng quán. Người lao động thì ra đường kiếm cơm, công nhân vào nhà máy. Tất cả như một guồng máy, chạy đều đặn tháng này qua năm nọ. Đùng một cái, tất cả đều bị xáo trộn. Trẻ con không đến trường, thanh niên không đi học, đi chơi. Người lớn không đến cơ quan, người già không được tập thể dục, gặp gỡ bạn bè, vui với những thú vui thường nhật. Tất cả đều nằm ở trong nhà, mọi rắc rối diễn ra. Và bắt đầu có những đổi thay về mặt tâm lý. Thời gian phong toả ở nhà càng lâu, biến đổi tâm lý càng nhiều.
Trẻ con ở nhà bắt đầu nghịch phá, nếu có nhiều con sẽ có những cuộc gây gỗ, giành giựt đồ chơi, bố mẹ phải xử suốt ngày. Người lớn bắt đầu cảm thấy bị tù túng, bị ức chế. Người già cũng cảm thấy bị cuồng chân, người trẻ cuồng cẳng. Chưa kể những áp lực từ cơn đại dịch. Hàng ngày, thông tin trên truyền hình, trên báo chí quanh quẩn về dịch. Dịch trở thành nỗi ám ảnh suốt trong tâm trí của mọi người. Lại lo cơm áo gạo tiền. Người dư dả thì tìm cách để mua được hàng hoá, lương thực thực phẩm để sử dụng, để thay đổi món cho bữa cơm gia đình. Người lao động nghèo thì lo không biết thời gian tới sẽ sống ra sao khi lương thực càng ngày càng cạn và quỹ gia đình càng lúc càng teo. Người làm ăn công nhật, kẻ tha hương sống trong các nhà trọ, người bán hàng rong, kẻ lâu nay sống bám vỉa hè thì thất vọng nhìn ngày trôi qua đi cứ chờ hộp cơm, gói canh, gói mì từ những người từ thiện. Tất cả đều bị một áp lực từ miếng cơm hàng bữa, mỗi tầng lớp xã hội đều có nỗi lo khác nhau.
Lo ăn còn lo sợ dính bệnh. Khi nhà nước bảo ai cũng là F0 hay F0 lang thang ngoài đường. Virus có thể ở trong không khí, sờ vào đâu cũng có thể dính bệnh.
Rồi cách ly, dây giăng, hàng rào kẽm gai được dựng, khu vực bị cách ly, phong toả. Tiếng hú còi của xe cứu thương, tiếng loa của những người có trách nhiệm. Tất cả khiến cho mọi người thêm một nỗi lo âu, không biết bao giờ đến lượt mình? Theo dõi trên báo cáo hàng ngày thấy số người nhiễm, số người tử vong, bản đồ thành phố toàn những điểm đỏ lòm, càng biết nhiều càng sợ. Con virus Vũ Hán chưa sờ đến mình nhưng con virus sợ hãi đã bắt đầu nhiễm sâu trong suy nghĩ. Dù có lạc quan cũng có lúc sống trong sợ hãi khi thấy hình ảnh những xác chết được bó cứng, liệm vội vã trong các bệnh viện dã chiến hay những xe xếp hàng dài chờ đến lượt đưa xác vào lò thiêu. Cũng có lúc rùng mình thấy khói vẫn bay lên liên tục từ ống khói lò thiêu Bình Hưng Hoà và các địa điểm khác trong thành phố. Thần kinh bắt đầu căng thẳng, con virus ám mãi trong đầu, trí óc không còn chỗ để nghĩ gì khác nữa. Từ nỗi lo đó, nhiều người tránh né mọi thứ, cảnh giác quá đáng, lúc nào cũng nghĩ con virus đang ở bên mình, ở đâu cũng có virus, ai cũng đang mang mầm bệnh, kết quả là mang tâm lý hoang tưởng.
Tin tức, tin nhắn, clip đầy trên các báo, trên mạng, trên youtube. Mỗi ngày nói một kiểu, mỗi người nói một đường, báo chí thì loạn tin khiến rất dễ hoang mang. Hôm này nói thế này, ngày mai lại nói khác, chẳng biết tin đường nào. Ngày nào cũng xuất hiện nhiều bài thuốc, cách ngăn ngừa, cách chữa bệnh khi lỡ vướng vào. Khoa học có, bác sĩ có, lang băm, thần y, lương y, thầy chùa, cha cố cũng có. Kể cả thần linh, tiên bụt bày bài thuốc cũng có mặt. Người gởi lúc nào cũng xưng mình là chứng nhân, là người trong cuộc. Thế là tỏi, gừng, sả, dầu xanh, dầu gió, trứng gà, nước dừa, lá cây liên tục xuất hiện thành bài thuốc thần kỳ bên cạnh với những viên thuốc Tây như thuốc giảm sốt, giảm ho, thuốc bổ, thuốc trị sốt rét cùng với các loại thuốc Nam. Xuyên tâm liên, loại thuốc thời bao cấp ai cũng ngán cũng góp mặt. Rất nhiều người vội tin, dù chưa thử nghiệm ra sao vẫn lật đật gởi cho bạn bè, người thân tạo thành một làn sóng tin thật, tin giả tràn lan. Người ta bắt đầu phân vân, bắt đầu chuẩn bị và nhiều khi chuyện cần thiết nhất là tuân thủ 5 Không để bảo vệ mình thì không chịu thực thi mà lại lo kiếm những thứ tào lao, tin những nhảm nhí để phòng thủ. Thế giới đầy những âm mưu, con người rối ren không biết tin ai.
Khi thấy bên Mỹ, bên Tây bị bệnh nhiều quá, chết nhiều quá nhưng nghĩ bên nhà vẫn bình yên cùng với những tuyên bố tự tin và ngạo nghễ của lãnh đạo nên chủ quan. Đến khi dịch bùng phát ở Sài Gòn rồi loang ra nhiều vùng với những con số gây đau thương thì lúc đó lại lo lắng dữ. Lúc đấy mới nhớ lại những con số người chết bên Mỹ, bên Pháp rồi Ấn Độ, Indo liền phát hoảng, tâm lý căng thẳng phủ lên đời sống. Rồi đến vaccine. Biết bao tư liệu, bao bài báo viết về vaccine. Biết càng nhiều, càng lo. Lại có tin những phản ứng khi chích, rồi vaccine này tốt, vaccine kia không hiệu lực, vaccine này sẽ làm máu đông, vaccine kia gây sốc phản vệ. Tất cả tin tức ấy cũng khiến cho tâm lý bất ổn, âu lo. Nóng lòng để được chích, tìm mọi cách để có thể chen chân được trong danh sách. Trông chờ, nôn nao sao chưa thấy ai gọi. Đến khi được lên danh sách, ngày giờ chích thì cũng lại lo, không biết được chích thuốc gì, có phản ứng chi không? Truyền thông, báo chí, y tế nói rất nhiều về phản ứng khi chích thuốc, sàng lọc, rồi giữ lại xem phản ứng sau khi tiêm chủng. Chính những thông tin đó khiến cho người ta căng thẳng. Truyền thông khiến người ta rối trí, hoang mang. Người vốn bệnh cao huyết áp thì đã đành, nhiều người không bệnh nhưng vì lo lắng, sợ hãi, lo âu quá nên vào đến nơi huyết áp cũng tăng cao. Chích xong thì nhẹ người nhưng khi về cũng vẫn còn lo không biết những ngày tiếp thuốc nó hành như thế nào? Nhiều người lo đến độ ám ảnh, không sốt cũng tưởng sốt, không đau cũng cảm giác đau. Rồi bắt đầu tin mấy tin nhảm, uống cái này, đắp cái nọ chỉ thêm nguy hiểm. Bây giờ ai cũng làm bác sĩ được cả, bác sĩ tốt nghiệp trên mạng internet!
Vợ chồng ở nhà, gặp nhau thường xuyên thay vì phải đi làm việc như ngày bình thường. Bị giam hãm trong nhà, vợ lúc nào cũng quan tâm đến chuyện thức ăn, rau cỏ. Gặp lúc khó khăn, chợ không mở, shipper không đến được bắt đầu càu nhàu khó chịu. Chồng bị nhốt trong nhà, cuồng cẳng, người thì không được gặp bạn cà phê, người thì chiều không gặp bạn nhậu, phải bỏ nhiều thói quen, bực bội trong lòng. Lại thêm đám trẻ quấy phá. Thế là chỉ một chuyện nhỏ, một đụng chạm không đáng có vợ chồng cũng nổ ra tranh cãi, nặng nhẹ với nhau. Nhiều khi bình thường thì nhịn, nhưng đang lúc ức chế chẳng ai kìm được, nổ tung ra thành chuyện.
Khi con người không được tự do sinh hoạt bình thường, phải từ bỏ những thói quen lâu năm, bị nhốt trong bốn bức tường với những lo âu sẽ đưa đến tình trạng ức chế, trầm cảm. Trẻ con sẽ dễ bị tự kỷ khi không được đến lớp, không gặp được bạn bè, thầy cô, không được ra ngoài trời chạy nhảy, vui với các trò chơi. Tuổi mới lớn bị hạn chế tự do trong sinh hoạt cũng stress vì thiếu giao lưu, thiếu bạn bè. Tất cả các lứa tuổi đều bị thay đổi về mặt tâm lý. Toàn những tâm lý tiêu cực. Một thống kê cho thấy trong mùa dịch ở Malaysia, cứ 8 giờ lại có một vụ tự tử có dính líu đến tâm lý bị khủng hoảng vì dịch bệnh.
Và nặng nề nhất là những người bị dính bệnh phải vào khu cách ly hay vào điều trị tại bệnh viện. Họ bị tâm lý nặng nề khi nghĩ về cái chết đang kề cận. Hoang mang, lo lắng, sợ hãi, tủi thân...tất cả khiến cho họ bi quan. Tâm trạng đấy ám ảnh mãi trong đầu họ. Những gia đình có người thân qua đời vì dịch bệnh cũng thế. Họ đau xót, uất hận, tiếc nuối và buồn đau vì không lo được hậu sự cho người qua đời cho đúng lễ, không được gặp mặt, chia tay người mất trong giờ phút cuối cùng. Tình cảnh đó đưa họ đến trầm uất kéo dài.
Ngay người sống bình thản, lạc quan nhất khi nhìn thấy dây giăng khắp nơi, kẽm gai rào như lô cốt, đường phố vắng người, công an, dân phòng la liệt khắp hang cùng cuối ngõ. Rồi lại con số tử vong, người mắc bệnh leo cao từng ngày. Họ cũng dao động, bi quan. Con virus hoảng sợ cũng tràn lan nhiễm vào từng người và khó có người nào có thể bình thản trước những sự kiện xảy ra hàng ngày từ con virus.
Bị giãn cách lâu ngày, sinh ra thèm ăn, thèm thuồng những món ăn trong những ngày cuộc sống bình thường. Cũng giống như tù nhân trong các nhà tù, nhưng người tù vì hoàn cảnh nằm sau song sắt, thèm mà không có được, không mua được vì kỷ luật nhà tù. Còn những người đang bị phong toả, bị giãn cách có đủ điều kiện để ăn nhưng lại không có mà mua. Hàng quán đóng cửa, nỗi nhớ về những món ăn cứ hiện về, tâm lý thèm khát cứ quẩn quanh mãi và các bà nội trợ bắt đầu tìm kiếm nguyên liệu để chế biến. Đương nhiên không bằng bát phở, dĩa bánh, tô cháo ở hàng quán nhưng cũng tạm an ủi nỗi nhớ, cơn thèm. Đó là tâm lý khát khao cái không có được rồi trở thành nỗi nhớ khó thoát ra chờ đợi cơn dịch được ngăn chận. Lại có thêm nỗi trông chờ.
Những người gặp khó khăn, tìm cách trở về quê nhà tránh dịch nhưng cũng bức bách trong cuộc sống. Họ về được quê nhà nhưng lòng nặng nề vì không biết mốt mai phải sống làm sao? Tương lai mịt mờ khiến lòng bao lo nghĩ. Tuyệt vọng với những bất trắc đang chờ. Nghèo túng quá mới tha phương cầu thực. Giờ trở về tay trắng lắm nỗi lo. Xã hội không cưu mang nổi, rồi đây sẽ còn nhiều bi kịch.
Nhiều người khuyên lợi dụng những ngày giãn cách để tập sống chậm lại, tìm cách để nghỉ ngơi. Nhưng khó lắm khi trong đầu vẫn có những lo nghĩ, những băn khoăn không được trả lời. Cũng có người bảo giết thì giờ bằng chăm sóc cây cảnh, nhà phố hẹp đất đâu mà cây với cảnh. Đọc sách, xem phim cũng là cách giết thời gian, nhưng tâm không an thì sao mà đọc, mà xem.
Cú mỗi ngày tìm xem những con số nhảy múa thì khó ai có thể bình thản được. Cái chết vì dịch bệnh đi kèm với cái đói đang rình rập, mấy ai có thể an tâm.
Đức Giáo Hoang Francis thì nói rằng: "Tôi không cho rằng đây là Giãn cách hay Cách ly là phải ở nhà với những người thân yêu của mình. Cách ly là cụm từ chỉ mô tả những bệnh nhân nguy kịch ở bệnh viện thôi. Hãy dừng than thở rằng "Tôi chán quá, tôi buồn quá vì tôi không thể ra ngoài được", trong khi đó có những người đang ở bệnh viện thì họ chỉ "Mong muốn được về nhà". Xin hãy tạ ơn Thiên Chúa vì mình đang được ở nhà, hãy bỏ qua mọi thứ xung quanh, Có tiền hay không có tiền. Có việc làm hay không có việc làm, thì mình đang được ở cái nơi tốt nhất cho bản thân mình". Nếu ai cũng nghĩ được như Đức Giáo Hoàng thì tốt quá. Nhưng thực tế hoàn cảnh ở Việt Nam không nghĩ như thế được khi thành phố bị phong toả. Dù nhà nước gọi là giãn cách nhưng thật sự không cho người ra khỏi nhà, thành phố không có sinh hoạt là phong toả chứ gì nữa.
Cơn đại dịch đang hiện diện và nó sẽ còn tồn tại mãi trong cuộc sống. Những tâm lý tiêu cực gặm nhấm cuộc đời của mỗi cá nhân với những lo âu còn nặng lòng. Nó để lại những di chứng. Có lẽ sau cơn đại dịch, con người sẽ có một lối sống khác, một suy nghĩ khác. Có ích kỷ hơn hay bao dung, rộng lượng hơn. Có biết buông bỏ trước vô thường của sinh tử hay vẫn tham lam cướp hết về mình?
Nhân loại sẽ có những thay đổi về những mối tương quan trong xã hội, trong cách giao tiếp cũng như tìm phương cách để chiến đấu lâu dài với kẻ thù dấu mặt. Lại nghĩ đến những thế hệ lớn lên từ cơn đại dịch và có lẽ chúng sẽ chịu những hậu quả của cơn đại dịch, ít nhất là về mặt tâm lý đổi thay.
3.8.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ hai mươi sáu
DODUYNGOC