Người ta thường bảo mỗi ngày qua đi là thêm một ngày bị mất đi không tìm lại được. Nhất là đối với những người lớn tuổi, quỹ thời gian chẳng còn bao nhiêu, thời gian cứ ngắn lại. Từ khi dịch virus Vũ Hán xuất hiện trên thế giới, đến nay đã gần hai năm. Thế giới đã có hơn 192.000.000 người mắc bệnh và đã có gần 4.200.000 người tử vong. Những con số thống kê đầy ám ảnh. Và như thế, người già đã mất đi gần hai năm sống bị trừ đi trong thời gian ngắn ngủi còn lại của cuộc đời. Người trẻ tuổi còn một quãng thời gian dài trước mặt, nhưng người già thì không. Gần hai năm không thực hiện được những toan tính, những dự định. Dư thừa thời gian vì hết đợt giãn cách này đến phong toả, nhưng lại chẳng làm được gì. Người già thường cô đơn, nhất là những người không còn người bạn đời bên cạnh. Họ vui vì được gặp gỡ bạn bè, người thân. Họ vui vì được đi đây đi đó, đến những nơi mà suốt thời trai trẻ vì cơm áo gạo tiền, vì phải làm việc để lo cho gia đình nên chưa đến được. Họ vui vì mỗi sáng được đi bộ, buổi chiều được đạp xe để tăng cường sức khoẻ. Họ vui vì được đi đến hàng quán, chọn cho mình một món ăn ngon theo ý thích. Họ vui vì được nhìn con cháu tụ về với không khí gia đình đầm ấm và đầy tình yêu thương. Họ vui vì mỗi sáng mỗi chiều nhìn thành phố nhộn nhịp, hối hả nhịp sống. Nhiều người vì hoàn cảnh nên dù tuổi cao vẫn bươn chải làm việc kiếm cơm, không lệ thuộc cháu con nhưng họ vẫn bằng lòng vì vẫn là người còn lao động không dựa dẫm vào ai. Nhưng tất cả niềm vui đó không thể có trong mùa dịch, lại càng khó thực hiện khi xã hội bị phong toả. Tuổi già vốn cô đơn lại càng cô đơn hơn. Tuổi già thường đi liền với bệnh tật nhưng trong thời điểm này mà đến bệnh viện là nỗi lo âu kinh hoàng. Và như thế, trong mùa dịch người già là lớp người dễ bị trầm cảm và dễ sa sút sức khoẻ nhất. Trên thế giới, lứa tuổi trên 65 là đối tượng được ưu tiên hàng đầu được chích vaccine, ở ta thì ngược lại, nằm gần cuối trong 11 đối tượng được tiêm ngừa.
Người xưa cũng từng cho rằng, con người vốn khổ vì không buông được, nghĩ không thông, không nhìn thấu, không quên được. Tuổi già là tuổi tập buông hay có người đã buông, cũng là tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ. Tức là 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc. Thế nhưng trong cơn đại dịch này, dù trẻ hay già, ai mà không bị tác động nên khó mà buông, cũng khó mà quên những đau thương, khốn khó vây quanh mình và đồng bào mình. Nhìn tấm ảnh chụp đoàn 47 người lao động bị mất việc ở Khánh Hòa đành đi bộ mấy trăm cây số trong đói khát về quê Quảng Ngãi mà đau lòng. Xem trên TV phóng sự gia đình ở Nghệ An làm công nhân ở trong Nam, nhà máy đóng cửa, cả nhà bán chiếc điện thoại mua hai chiếc xe đạp chở nhau về quê cách xa cả ngàn cây số mà xót xa quá. Thấy trên youtube một cậu thanh niên không kiếm được việc làm vì mùa dịch đành chọn cách đi bộ về quê ở Quảng Nam, may gặp người tốt cho một triệu đón xe về. Cơn đại dịch khiến người vốn đã lại nghèo càng tàn mạt hơn. Hội Đồng hương Đà Nẵng, Quảng Nam cho xe chở người đồng hương về quê. Lãnh đạo Bình Định tuyên bố sẽ thuê máy bay đưa người Bình Định làm ăn ở Sài Gòn về nhà. Tất cả việc làm tốt đấy tuy đã trễ nhưng cũng nên có lời khen. Nhưng tổ chức như thế nào, lập danh sách ra sao thì không thấy đề cập tới. Đôi khi những điều nói trên báo thì dễ nhưng trên thực tế thì chẳng biết thế nào?
Trong thời phong toả mới thấy hai món phở và bánh mì là món dân mình ưa thích và phổ biến. Khi hàng quán không được mở, bán buôn bị hạn chế nên trong những ngày này, trên mạng đầy hình ảnh những tô phở tự nấu ở nhà. Đương nhiên đó là những gia đình có điều kiện. Còn người nghèo cũng chỉ mong có bó rau, miếng trứng là qua một bữa. Nhìn những bát phở lại càng tăng cơn thèm phở. Giờ mà có một tô phở của quán phở quen nhỉ? Gọi một tô nạm, vè, gầu. Kêu thêm chén tiết hay chén tuỷ. Tô phở bưng ra, mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Tô phở đẹp như một tác phẩm sắp đặt. Màu sóng sánh của nước lèo, màu hồng phơn phớt tái của miếng nạm, màu vàng ngậy béo của miếng gầu điểm mấy sợi trắng đục của mấy miếng vè dai dai, sần sật. Lại thêm màu xanh của hành, màu trắng của hành tây và tương ớt đỏ. Đó là tổng hợp sắc màu của một tác phẩm. Cầm lấy cái muỗng, húp một miếng nước lèo, hơi nóng beo béo, thơm thơm, ngậy ngậy đi từ miệng xuống họng rồi làm ấm bao tử. Ngon quá. Giờ thì trộn lên, gắp một ít bánh, thêm miếng thịt, miếng gầu và đưa vào miệng. Nhai. Ôi chao! Béo của thịt, ngọt cũng của thịt, đậm đà cũng của thịt, dai dai, sần sật, bùi bùi cộng với những sợi phở nuột nà hòa trộn trong miệng và nước lèo thơm phức. Hèn chi người ta đặt cái ăn lên hàng đầu của tứ khoái. Nhất là ăn được miếng ngon, món ngon trong thời buổi khó trăm bề như thế này. Viết mà nước miếng cứ tuôn ra. Thèm phở quá. Cũng nhớ vô cùng mấy ổ bánh mì dòn tan, nóng hổi mới ra lò ở mũi tàu Trần Quang Khải. Chấm với nước tương có ớt, hay chấm với sữa đặc hay bơ Bretel nhỉ. Quá ngon. Hay là ăn mì thịt nguội, giờ có mà ăn thì tiệm nào cũng ngon, xe nào cũng được. Ôi nhớ miếng jambon, miếng xúc xích, miếng thịt heo, miếng pa tê, miếng chả lụa, miếng heo quay hay ổ bánh mì bì chan nước mắm ớt chua ngọt của những ổ bánh mì mới đây mà giờ thấy như xa xôi vô cùng. Thế mà có thằng bảo bánh mì không phải là lương thực, là thực phẩm. Sao già rồi mà lại thèm ăn như trẻ con vậy nhỉ? Mỗi người có những món ăn quen, những hàng quán quen, những khẩu vị quen. Người có tuổi thì món ấy, quán ấy, khẩu vị ấy nhiều khi đã theo họ cả vài năm ba chục năm. Giờ không có, mở mắt chào một ngày mới, họ cảm thấy như thiếu gì đấy, đánh mất gì đấy nên dạ ngẩn ngơ.
Qua 12:00 trưa, đọc tin thấy người nhiễm bệnh vẫn còn tăng, người tử vong thêm nhiều, buồn quá. Thôi đành gác cơn thèm của mình lại, để dành cho mốt mai. Giờ trong bữa ăn còn có miếng cá, miếng rau, miếng thịt cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Mong cơn dịch qua mau để mọi người bớt khổ. Tuổi già được ung dung, thanh thản để được sống vui trong những thời gian cuối đời. Giữa những lo toan vẫn có những tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Theo GS Jeffrey, thuốc Lambda giúp cản trở Interfeson Lambda của virus Vũ Hán, loại protein phát triển tự nhiên trong cơ thể chống lại virus với nhiều ưu điểm so với các liệu pháp điều trị virus hiện nay. Thuốc Molnupriavir cũng đang cho thấy nhiều hứa hẹn. Ở Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm lâm sàng loại thuốc Rekiroba do hãng bào chế Celltrion, hi vọng sẽ sớm có thuốc để chữa được bệnh. Loài người vẫn luôn hi vọng.
Thời gian thì trôi quá nhanh mà lại bị mùa dịch cướp mất, còn cuộc đời lại quá ngắn, nên tự nhủ với lòng cũng chẳng còn thời gian để tiếc nuối, ân hận hay oán trách ai nữa. Cứ tự bảo vệ bản thân mình thật tốt. Qua được mùa dịch là niềm vui và hạnh phúc để được sống trở lại cuộc sống bình thường, làm được những việc bình thường của một người già.
Có một việc đáng ra tôi phải làm từ mấy ngày trước, nhưng lu bu rồi chưa làm được. Đó là phải xin lỗi nhiều người, rất nhiều người Sài Gòn. Số là khi mới có lệnh phong toả thành phố của nhà chức trách, nhiều người dân nối đuôi nhau, chen lấn nhau vào các siêu thị mua gom thực phẩm, lương thực, những vật dụng thiết yếu. Lúc đấy, tôi có viết một bài viết phê phán việc đổ xô gom hàng và cho rằng Sài Gòn không bao giờ thiếu hàng, không cớ gì mà phải vội vã, giành giựt nhau để mua hàng. Nhưng rồi qua những ngày phong toả, tôi thấy mình đã nhận định sai, Sài Gòn thiếu rau củ, Sài Gòn thiếu thực phẩm, Sài Gòn thiếu bánh mì, món ăn quen thuộc của người Sài Gòn là chuyện có thật. Đó là sự thật. Khi các chợ đầu mối cũng như các chợ truyền thống bị đóng cửa, tất cả dồn vào siêu thị. Và kết quả là siêu thị không đáp ứng đủ cho nhu cầu. Người dân phải chen nhau, chờ đợi để mua được chút rau, chút thịt với vài quả trứng. Nếu cứ mãi tin đài, báo sẽ chẳng có chi bỏ vào mồm, Chưa kể một số siêu thị như Cửa hàng Bách hoá xanh tận dụng cơ hội để răng giá. Tôi đã đánh giá sai. Tôi phê phán sai, xin lỗi mọi người.
Thật ra Sài Gòn không thiếu hàng. Rau củ từ Đà Lạt. Thịt heo từ các tỉnh miền Đông. Cá tôm và rau xanh từ miền Tây. Tất cả bị dồn ứ vì đường không thông. Những chuyến xe tải về thành phố phải qua bao nhiêu trạm, tài xế phải trang bị bao nhiêu thứ giấy tờ, xe xếp hàng dài chờ kiểm tra, trải qua biết bao thủ tục thì xe hàng mới được vào thành phố. Rau héo, củ hư, thịt thối, cá ươn vì những biện pháp ngăn dịch không cần thiết. Nếu ta thông đường, thay đổi cách ngăn chặn dịch, hàng hoá sẽ không thiếu ở Sài Gòn, đó là câu khẳng định chắc nịch của các doanh nghiệp vận tải cũng như các công ty cung ứng thực phẩm lâu nay cho Sài Gòn. Làm được như thế, chắc chắn chẳng cần cái đề xuất ngu ngơ dùng máy bay chở rau củ miền Bắc vào giải cứu Sài Gòn. Chúng ta tắc là tắc vì các thủ tục hành chánh rườm rà, vô ích. Dân ta khổ vì kiểu ngăn sông cấm chợ thiếu khoa học và quá nguyên tắc. Biện pháp cho phép mở lại các chợ truyền thống có kiểm soát là một quyết định sáng suốt của lãnh đạo thành phố dù không kịp thời. Khi hàng hoá lưu thông dễ dàng, các chợ hoạt động trở lại tuy còn hạn chế cũng là lúc dân ta nên tẩy chay các siêu thị lâu nay đầu cơ tích trữ, lợi dụng cơ hội tăng giá bóp cổ dân nghèo. Phải có động thái quyết liệt đó để cho họ có một bài học làm người lương thiện.
Từ hôm qua đến nay trên mạng cũng râm ran vụ nhiều người được chích vaccine Pfizer của Mỹ mà không cần qua khâu đăng ký. Chích xong lại đem lên khoe ầm ĩ trên facebook như một cách tự hào về thân thế. Xã hội bất bình cũng đúng thôi. Biết bao người tuyến đầu chống dịch chưa được chích ngừa. Biết bao người già, đối tượng dễ nhiễm bệnh và dễ tử vong nhất phải xếp hàng chờ đợi. Và chắc chắn nếu được chích, họ sẽ không được lựa chọn thuốc tốt nhất, an toàn nhất. Việc được ưu tiên, con ông cháu cha, là chuyện bình thường trên đất nước này. Ưu tiên đủ mọi việc chứ không chỉ chuyện chích vaccine. Và cũng từ chuyện ưu tiên như thế cũng có thể có việc trục lợi, kiếm tiền trong chuyện chích ngừa. Có thể lắm chứ, người bệnh khi vào bệnh viện cần có phong bì thì để được chích trước mọi người tránh sao được chuyện phong bao. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Và cũng từ việc khoe được chích không cần đăng ký rồi lời thanh minh, bao biện của các lãnh đạo bệnh viện Hữu Nghị. Người ta được biết thêm Pfizer dành cho cán bộ cấp cao. À mà chuyện đấy cũng hợp lý thôi mà.
Tình hình thế này, chuyện phong toả chắc sẽ còn dài không chỉ ở thành phố này mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc. Điều lo lắng nhất hiện nay, nói như ông PGS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thì tình hình dịch bệnh các tỉnh thành phía Nam rất phức tạp và có thể diễn biến xấu. Khi các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây tiếp tục bùng phát dịch, số nhiễm bệnh tăng lên là điều đáng quan tâm. Những khu vực đấy y tế nhân lực thiếu, không có bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm. Khả năng dịch lan rộng ở các tỉnh thiếu nhân lực, y tế yếu thì đương nhiên tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên. Đồng thời khi dịch bệnh lan rộng, khả năng trợ giúp nhân lực từ nơi khác đến cũng như trang bị thêm thiết bị chữa bệnh cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Lúc đấy địa phương nào tự lo địa phương đấy, tỉnh nào lo tỉnh ấy, khó có thể kêu gọi chi viện và giúp đỡ. Cũng như ở Hà Nội, nếu tình trạng căng thẳng hơn thì đành rút quân đang hỗ trợ khắp nơi về, tình hình điều trị tại các tỉnh phía Nam sẽ gặp không ít khó khăn.
Hôm nay đọc được mấy mẩu chuyện kể diễn ra trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Một chị bị cách ly trong khu tập trung bực mình vì quạt không hoạt động và vòi nước bị hư. Chị ta chửi om sòm vì gọi mãi không thấy ai, nhưng rồi khi nhìn xuống sân thấy nhiều y tá, điều dưỡng và tình nguyện viên đang mang vác vật dụng lên lầu cao giữa trưa nắng đầm đìa mồ hôi. Cơn bực mình của chị ta dịu lại. Có ông cụ nằm bệnh viện vì vướng dịch, cảm thấy mệt, gọi bác sĩ nhưng chưa thấy. Ông ta định la mắng nhưng rồi nhìn ra thấy một bác sĩ đang nằm thiếp đi vì kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ bít bùng. Ông lại đành quên cơn giận và cũng quên cơn mệt. Có anh đang bị cách ly, nổi giận vì cho rằng cơm thịt không ngon, nhưng rồi nhìn dãy dài bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang ăn những hộp cơm quá bữa dưới cái nắng của trời và cái nóng của bộ đồ bít bùng, miệng anh bỗng bớt gầm gừ. Và còn biết bao cảnh khó khăn của đội ngũ y tế, không những khó vì phải làm việc liên tục, ăn không đúng giờ, ngủ không đủ giấc, phải xa con cái, cha mẹ, gia đình suốt thời gian dài. Mà còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu những tiện nghi, thiết bị để chữa bệnh. Tất cả mọi người hãy có cái nhìn tích cực, thương yêu và tri ân. Nếu không có đội ngũ ấy, nếu không có những hi sinh của họ, nếu không có những thầy thuốc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, con số tử vong chắc chắn sẽ không là con số như hiện nay.
Hàng ngày con số vẫn còn cao, đã qua ngày thứ mười ba. Mong những đội ngũ y tế vẫn còn sức khoẻ để tiếp tục chiến đấu, mong những con số thôi nhảy múa để thành phố trở về bình yên, mọi người được an bình đón ngày mới không còn những nỗi lo âu. Rồi gió cũng qua đi, giông bão cũng có lúc tạnh, mặt trời chẳng bao giờ tắt dù nhiều khi cứ ngỡ là nó không có thực.
Trên mạng xã hội và dư luận ở Việt Nam ngày hôm qua, có lẽ từ bánh mì và lương thực là từ được nhắc đến nhiều nhất. Và nhân vật Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bỗng dưng nổi tiếng như cồn. Nổi đến độ giờ đây lên google gõ "bánh mì không phải là lương thực"sẽ cho ra kết quả 25.900.00 tin liên quan trong 0,57 giây.
Nó bắt nguồn từ việc một ông quan bé cấp phường tên Thọ ở tỉnh Khánh Hoà bắt một anh thanh niên trẻ ra đường mua thức ăn trong ngày giãn cách. Anh mua bánh mì. Luật không cấm người đi mua lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu. Thế nhưng, anh quan bé này cho rằng bánh mì không phải là lương thực nên bắt anh nhỏ về đồn sau một hồi nói qua nói lại. Clip từ lúc câu chuyện bắt đầu xảy ra ở ngoài đường cho đến khi vào văn phòng phường đều do chính anh Thọ này ghi lại làm bằng chứng tâng công nên có độ chân thực tuyệt đối và Thọ cũng không ngờ clip đó lại khiến dư luận phẫn nộ chống lại mình. Gậy ông lại đập lưng ông, chẳng còn chi để chối cãi và lãnh đạo cũng không còn cách gì để bênh vực thuộc hạ của mình như đã từng xử lý lâu nay.
Không chỉ bảo bánh mì không phải là lương thực để bắt phạt, giam xe, thu giấy tờ của cậu nhỏ. Anh phó phường này còn xúc phạm người khác khi mỉa mai cho rằng cậu nhỏ ở trên núi à, trên núi mới xuống hả? Có ý chê cậu này quê mùa không biết bánh mì không phải là lương thực. Ở đâu ra cái thói khinh miệt, phân biệt dân của cán bộ thế? Lại còn hăm doạ tác động để đuổi việc cậu nhỏ. Sau đó cậu bị đuổi thật. Hèn thế!
Dân Việt Nam từ Bắc vào Nam, từ quê đến tỉnh, từ vùng núi cho đến đồng bằng không ai là không biết đến bánh mì. Nó là loại thực phẩm phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đó là loại bánh được chế biến từ bột mì hoặc ngũ cốc nướng lên. Và đích thị nó được nằm trong danh mục lương thực và thực phẩm.
Khi tên quan bé cấp phường tên Thọ nói rằng:"'Bánh mì đâu phải lương thực, thực phẩm. Lương thực là gạo, rau củ, muối cá, thịt... những cái thức ăn. Bánh mì là món ăn luôn rồi! Từ ngữ lương thực không phải vậy. Em lên google search ra mới hiểu được". Hắn đang giảng điều ngu ngốc mà cứ tưởng là hay lắm, trí tuệ lắm. Người ta thường bảo dốt thì ưa nói chữ là thế. Thật ra trong vụ này, nổi bật lên không phải ở chỗ sự thiếu não của ông quan bé mà thể hiện sự lạm quyền, ưa sách nhiễu nhân dân, muốn tỏ quyền uy, hạch sách người khác của đại bộ phận quan chức, cán bộ từ nhỏ đến to trong hệ thống công quyền ngày nay. Với lối định nghĩa bánh mì không phải là lương thực, tên Thọ cho thấy y là người vô học, thái độ cư xử của người dân như thế thể hiện y là kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, đê hèn, ưa thể hiện quyền lực. Giao cho một kẻ vô học, thất phu như thế có chút quyền hành thì chỉ khổ dân thôi. Một kẻ trong đầu rỗng không, vừa dốt vừa không có tâm mà lại có quyền thì nó hung hăng lắm, muốn chứng tỏ uy quyền ghê lắm. Khổ thay trong xã hội ta lúc này lúc nhúc những đám người như thế này. Mùa dịch, phong toả, giãn cách là một biện pháp để ngăn ngừa và chống dịch. Là người dân, ai cũng phải có trách nhiệm chấp hành. Nhưng cuộc sống phải có những nhu cầu sinh hoạt cho nên bắt buộc có người phải ra đường để giải quyết. Nhiệm vụ của người được giao quyền lực là ngăn chận nhưng trong cái lý phải còn cái tình, không vì cố phạt cho được để thu tiền dân mà nên giải thích cho dân hiểu và cũng tuỳ trường hợp mà xử lý. Cái thói lạm quyền ăn sâu vào trong đầu của mấy ông nội được ban cho chút quyền nên cứ như Hồng vệ binh ở bên Tàu. Và cũng từ chuyện bánh mì của ông quan Thọ này, người ta tự hỏi sao trong hệ thống chính quyền của nhà nước này lại thu nạp một kẻ tướng tá, tác phong, ngôn ngữ như dân xã hội đen, như tay đứng bến xe, bến đò, như mấy kẻ đòi nợ thuê nhan nhản ở khắp phố phường thời nay. Xem mấy tấm hình của y, người ta không nghĩ đây là một viên chức hành chánh của nhà nước đang quản lý và điều hành một phường ở một thành phố khá lớn và nổi tiếng của Việt Nam. Người ta cứ nghĩ đó là một tay giang hồ. Mà suy cho cùng, tổ chức của xã hội ta giờ có khác chi chốn giang hồ. Không thiếu kẻ thi hành pháp luật hành xử như tên Thọ này. Nỗi lo vẫn còn đấy.
Tội nghiệp cậu nhỏ, lúc đầu cậu cũng cứng cỏi lắm. Nhưng rồi bị thu giấy tờ, giam xe, doạ nạt cậu đành nhẫn nhục, xuống nước. Ngồi nghe giảng biết kẻ đang nói ngu bỏ mẹ mà vẫn cứ phải gật đầu thấy thương. Cái thế của dân ta bây giờ là vậy thôi, biết sai mà đố dám cãi.
Thật tội cho dân mình khi phải bị trị bởi những quan ngu. Rồi cậu ta bị đuổi việc. Nhưng xã hội bất bình, ra tay giúp cho cậu ta sớm có việc làm. Rồi trước áp lực của dư luận, công ty cũ của cậu ta lại nhận cậu nhỏ về làm việc lại. Ít ra cũng còn chút lẽ phải để vui trong mùa dịch vật này.
Cũng hôm qua được xem một clip về một anh chủ nhà mặt tiền giúp cho một cậu thanh niên chạy Grab bị hư điện thoại. Clip chỉn chu quá, hình ảnh tốt quá lại có phụ đề ở dưới khiến nhiều người xem cho là dàn dựng. Ừ, có thể là chuyện thực mà cũng có thể là dàn dựng. Nhưng một câu chuyện hư cấu đầy tính nhân văn, một vở kịch dạy cho người ta làm điều thiện, một cuộn phim cho người xem một bài học ứng xử tốt với đồng bào mình cũng là điều cẩn thiết chứ. Tất cả cũng là diễn đấy thôi.
Đọc tin một gia đình ở quận 10, đã có ba sinh mạng tử vong chỉ trong vòng nửa tháng vì cúm Tàu. Xót xa quá. Một sinh linh vừa chào đời đã mất. Hai bà nội, bà ngoại đến chăm cháu vì cha mẹ cháu bị đi cách ly tập trung do vướng virus cũng lần lượt lìa đời vì nhiễm bệnh. Và rồi cả nhà, họ hàng, anh em đều dương tính cả. Buồn quá. Mà nghĩ cũng lạ, nhà nước ta dùng chữ kỳ thật chứ. Đã cách ly mà lại tập trung, hai từ ấy chỏi nhau quá mạng. Y như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vậy. Ghép hai cái mâu thuẫn, đối chọi nhau vào một cụm, diễn dịch ra tiếng nước ngoài đố thằng Tây nào hiểu nổi.
Phong toả đã qua đến ngày thứ mười một, tin trên báo đài, phát biểu của quan chức đều cho là đã kiểm soát được dịch bệnh, bệnh viện đầy đủ thiết bị để chữa bệnh, siêu thị đầy ắp hàng hoá trên ti vi. Nhưng dân nghi nghi, thấy có gì sai sai vì cũng trên các báo, phần cuối các tin là lời kêu gọi nhân dân hỗ trợ để mua các thiết bị y tế cho các khu tập trung, cho các bệnh viện dã chiến? Người dân cũng khó tìm được những mặt hàng thiết yếu trong các siêu thị dù phải xếp hàng chờ đợi và phải mua với giá cao. Tình hình chắc chắn phải kéo dài thêm nhiều ngày nữa, mỗi người dân tiếp tục kiên nhẫn chịu đựng và tự mỗi người phải tự bảo vệ mình và gia đình mình. Dính bệnh là một bất hạnh mà dính vào thời điểm này lại càng bất hạnh hơn vì tất cả đã quá tải. Sức lực của đội ngũ y tế đã kiệt quệ sau một thời gian dài phục vụ. Các bệnh viện đã đầy ắp bệnh nhân. Xe cứu thương không đủ để phục vụ. Toàn xã hội đang trong cơn stress và di chứng đó sẽ còn tồn tại mãi sau cơn đại dịch này. Mong bình yên cho tất cả.
Đã mười một ngày và với tình hình này, số ngày phong toả chắc sẽ còn dài dài. Những con số nhiễm bệnh và tử vong vẫn nhảy múa theo chiều hướng đi lên. Nỗi lo lớn nhất bây giờ có lẽ là nhân lực và thiết bị y tế. Thời gian đã quá dài với sức chịu đựng của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng và các tình nguyện viên. Họ đã kiệt sức nhưng con virus thì càng lúc càng mạnh, người nhiễm bệnh càng ngày càng đông, số người tử vong càng ngày càng nhiều. Lại thêm thiết bị bảo hộ cũng như phương tiện chữa bệnh thiếu trầm trọng. Đã có nhiều bác sĩ lên tiếng kêu gọi xã hội góp tay hỗ trợ, đã có tin nhiều bác sĩ chỉ có một bộ áo quần, mỗi ngày phải giặt, mặc lại có lúc áo quần ẩm ướt chưa khô. Đã có tin bác sĩ, y tá thiếu khẩu trang y tế, thiếu cồn sát trùng, găng tay, khăn, nước muối súc miệng, thực phẩm, dung dịch chùi sàn nhà, bàn cầu, quạt máy, máy đo oxy cá nhân, nước uống điện giải và đã liệt kê xin cung cấp. Đội ngũ y tế không thể tay không bắt giặc. Thành phố cũng đã tìm cách để có được đủ lượng oxy khi cần thiết. Máy thở cũng bắt đầu báo động khan hiếm. Thiết nghĩ đây là lúc các đại gia, các doanh nhân, các vị lâu nay khoe của, khoe xe, khoe nhà, khoe hột soàn, đô la, vàng ký, đất đai chứng tỏ mình thuộc tầng lớp tinh hoa, quý tộc trong xã hội hãy mở lòng ra giúp cho các bệnh viện, các đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có thêm điều kiện và phương tiện để làm việc. Quý vị có người đã hỗ trợ cho quỹ vaccine của chính phủ, cũng mong quý vị thêm một lần nữa chung tay để chống dịch hiệu quả hơn. Hành động tốt hơn, quý hơn, thiết thực hơn là lời nói. Miếng cơm, hạt muối hàng ngày cho người nghèo đã có rất nhiều người không phải là giàu có ở đất Sài Gòn đã làm liên tục mấy tháng nay. Giờ những thiết bị y tế để cứu người nằm trong tay quý vị. Hãy mở tấm lòng để chúng ta cùng hi vọng.
Sài Gòn thực ra không thể thiếu thực phẩm, đó là một sự thật. Dù mấy chợ đầu mối phải đóng cửa vì dịch, hàng hoá cũng sẽ cung cấp đủ cho thành phố chứ không có hiện tượng khan hiếm như hiện nay. Sở dĩ có hiện tượng này vì ta chưa thông tuyến, chưa tạo điều kiện để các phương tiện cung cấp, chuyên chở hàng hoá đến với Sài Gòn. Thực phẩm, rau củ ở các tỉnh lân cận lâu nay cung cấp cho Sài Gòn vẫn có đủ để đến nơi cần. Nhưng với kiểu ngăn sông cấm chợ bởi những nguyên tắc cứng nhắc, chủ quan khiến cho chuỗi cung ứng ấy bị kẹt cứng. Chợ truyền thống vẫn có thể mở được khi ta có biện pháp tổ chức hợp lý và khoa học. Mỗi tổ dân phố, mỗi phường sẽ cấp phiếu đi chợ cho dân theo ngày chẵn lẻ dựa trên số nhà để hạn chế người đi chợ quá đông không kiểm soát được và dễ lan truyền dịch. Ở chợ không bố trí nhiều gian hàng như bình thường mà chỉ dành cho những mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt, cá. Người bán và người mua được cách ngăn bằng tấm nhựa trong. Hàng hoá được cân đong đo đếm sẵn trong túi có đề giá. Người mua cần mua thứ gì chỉ việc chọn túi tương ứng, trả tiền và đi, tránh tiếp xúc trực tiếp người mua và người bán. Nếu các gian hàng ở trong không gian quá hẹp, nhà nước có thể biến một vài con đường thành chợ để có không khí thoáng đãng hơn. Kẻ vạch cho từng gian hàng, từng khu vực thực phẩm thiết yếu và cách thức mua hàng cũng giống như trong chợ đã nêu. Người mua trình phiếu ghi đúng ngày, cho phép vào khu chợ với số lượng người nhất định, không chen lấn và giành giật. Nếu tổ chức được như thế dân sẽ không phải chen lấn, chờ đợi để vào các siêu thị bít bùng đầy nguy cơ nhiễm bệnh và tránh được kiểu đầu cơ, tăng giá của một số siêu thị lâu nay. Như vậy, thông tuyến, bớt thủ tục rườm rà không cần thiết và tổ chức phân phối hàng hoá hợp lý thì Sài Gòn không thiếu hàng. Không có gì phi lý bằng việc đề xuất chở rau củ từ miền Bắc vào Sài Gòn bằng máy bay để cứu dân Sài Gòn. Không những phi lý mà còn là một đề nghị của người không não. Thật sự kiểu này chỉ để cứu Vietnam Airlines có chuyến bay để có thu nhập. Thử hỏi với chi phí chuyên chở bằng máy bay như thế, giá cả sẽ tăng lên và người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu, đã trong cơn ngặt nghèo lại phải mua hàng cao giá không xứng với giá trị của nó. Đây cũng là lúc các doanh nhân mua bán thực phẩm và hàng hoá thiết yếu của cuộc sống nên có suy nghĩ bớt tính chuyện lời lỗ đi. Đừng lợi dụng cơ hội này để thu thêm lợi nhuận, để làm đầy thêm hầu bao vốn đã đầy rồi. Hãy nghe anh Minh râu, một người bán rau chân chất của đất Sài Gòn trả lời khi có người bảo anh đây là thời cơ hốt bạc:" Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này". Câu nói của anh chàng xăm trổ, hầm hố viết những dòng chữ dễ thương ở gian hàng bán rau của mình thiết nghĩ cũng là điều mà các đại gia, doanh nhân, doanh nghiệp cần suy nghĩ.
Sau những biện pháp không đưa đến thành công trong việc ngăn ngừa và chống dịch, các lãnh đạo thành phố đã tìm cách sửa sai, đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ, góp ý của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đó là một tín hiệu tích cực cho thấy bước tiến trong tư duy của những người lãnh đạo. Họ đã cần đến những kiến thức khoa học, những tri thức và kinh nghiệm của các nhà chuyên môn. Không thể chống dịch bằng các biện pháp duy ý chí, nghị quyết và khẩu hiệu. Cũng không thể chống dịch bằng các hình thức thi đua. Hành động rất tích cực này của lãnh đạo thành phố khiến dân chúng có thêm lòng tin và cũng mong các nhà khoa học mạnh dạn đề xuất, góp ý thẳng thắn và hợp lý, cũng tin lãnh đạo sẽ hết sức cầu thị, lắng nghe và thực hiện để sài Gòn và cả nước mau thoát ra khỏi cơn đại dịch này.
Chúng ta đang sống trong thời đại của khoa học và tiến bộ, thời kỳ thế giới phẳng. Nhưng trong thời đại này con người cũng bị tác động rất nhiều thông tin, thật, giả lẫn lộn. Khi dịch virus Vũ Hán nổ ra trên toàn thế giới, hàng ngày người ta nhận không biết bao là tin tức về dịch bệnh. Nào là thuốc chữa, nào là cách chữa tại nhà không dùng thuốc, nào là chất này, lá kia chữa được bệnh, biết bao lời khuyên, biết bao lời dạy, biết bao bài thuốc được gởi qua nhiều phương tiện truyền thông đến với mọi người. Lại tin thuốc này hại, thuốc kia không nên dùng. Vaccine thì bảo gây hậu quả lâu dài về Gen, ADN??? Giờ mà còn nhiều người không tin có con virus và cho đó chỉ là trò chính trị nên không khẩu trang, không chích vaccine. Thua luôn! Tôi không phải là người có chuyên môn, cũng phải là nhà khoa học hay nghiên cứu nên không thể khẳng định cái tin nào sai, cái bài nào đúng. Thế nhưng điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta phải bình tĩnh phán xét, không cứ nhận được cái gì cũng tin, cũng làm theo và gởi đi khắp nơi như bản thân là một người trong cuộc gây thành một cơn bão tin, không biết đúng sai, thật giả. Bệnh thì phải chữa và chữa đúng bài bản khoa học. Khi dịch thì phải ngăn ngừa và muốn ngăn ngừa cũng phải theo đúng những hướng dẫn. Thời bùa chú, cây lá đã qua rồi. Thế nên đừng vội tin những bài thuốc, cách chữa lung tung đầy ắp trên mạng. Nhiều khi ta tự giết mình mà không biết đấy.
Nước Pháp mấy hôm rày biểu tình rầm rộ phản ứng khi chính phủ yêu cầu người dân chích ngừa dịch để có một cái giấy gọi là Pass Sanitaire, nôm na có thể gọi là giấy thông hành dịch tễ cấp cho người đã chích ngừa. Khi có giấy này người ta có thể tham gia hội hè, tụ tập, những lễ hội đông người. Những người biểu tình hô vang Liberté tức đòi tự do trong việc chọn lựa chích hay không chích. Xứ Pháp người dân khoái biểu tình, chuyện gì cũng biểu tình. Nhưng thấy người ta biểu tình vì chống chích ngừa làm dân mình cũng có đôi chút tủi thân. Trong khi dân ta mong có sớm, có đủ vaccine để sớm chấm dứt dịch bệnh thì dân Tây lại nhiều người đòi không chích. Phong toả nước người thì tiền hỗ trợ gởi đến từng nhà, ai cũng được cấp. Ta thì làm đơn mà chẳng mấy người được duyệt. Bên quá thừa, bên lại thiếu. Làm con dân nước nghèo thì luôn thiệt. Mà thôi so sánh Tây ta làm chi cho mệt óc. Cứ nghỉ ngơi chờ hết dịch, ta lại tung tăng.
Hôm đó hắn rời nhà sớm mười lăm phút, đồng hồ chỉ 6:15. Bình thường 6:30 hắn mới ra khỏi nhà.
Hắn là người sống nguyên tắc, đúng giờ giấc và đúng hẹn. Đó là những đức tính hắn có được nhờ thời gian hơn mười mấy năm sống trong cô nhi viện của một chủng viện công giáo. Ra đầu ngõ, cô Ba cà phê chào hắn: Thầy Tư hôm nay đi làm sớm thế? Hắn cười, giơ tay chào. Quán cà phê bắt đầu đông khách, cái chào của hắn ngầm chào hết mọi người, bởi toàn người quen cả.
Thật ra hắn chẳng có cuộc hẹn hò nào, đi sớm vì muốn thoát ra khỏi căn nhà, hắn thấy ngột ngạt, khó thở nên đi thôi. Cả đêm hắn không ngủ, vợ hắn chửi rầm rì suốt đêm. Cũng từng ấy chuyện thôi: rằng đàn ông không nuôi nổi vợ, rằng đàn ông mà không có khát vọng làm giàu, rằng đàn ông gì mà hèn, chỉ biết cúi mặt vào nấy cuốn sách vớ vẩn, rằng nhìn anh X, anh Y, nhìn bạn bè kìa, ai cũng công ty, ai cũng xe hơi, vila, vợ người ta như bà hoàng ... Toàn những chuyện cũ rích nhai đi nhai lại cả năm nay rồi. Hắn nghe mãi phát ớn, nhưng hắn không làm cách nào hơn. Ừ thì hắn bất tài, hắn hèn, hắn ngu, nhưng hắn là hắn thôi, hắn chẳng biết luồn cúi, hắn ghê tởm chuyện nịnh hót, hắn căm thù lũ người đạp trên người khác mà ngoi lên. Các frère, các cha dạy hắn thế. Nếu không có biến cố 75, chắc hẳn sẽ xin đi tu và đã thành linh mục rồi. Nhưng đời mà, biết đâu mà lường trước.
Hắn gặp vợ hắn cũng như duyên phận vậy. Hồi đó hắn đi dạy học, các trường thường tồ chức những sinh hoạt liên trường với nhau. Hắn có giọng hát tốt vì từng hát ca đoàn nên thường được bố trí đại diện trường của hắn thi văn nghệ. Cũng nhiều lần được giải. Có một lần khi hát xong, trên đường đi về lại chỗ ngồi, hắn vấp té vì một cái chân của một cô gái ngáng đường, thấy hắn té, cô gái và các bạn cười khoái trá, hắn tức mà không biết làm gì, mặt đỏ như say rượu. Oái ăm thay, trên đường về, hắn lại bắt gặp cô gái đó bị tai nạn ở ngã tư đường, chiếc xe nằm chỏng chơ, cô gái thì đang bất tỉnh. Người xem thì đông mà chẳng ai có động tĩnh gì, hắn định bỏ đi, nhưng rồi bản chất thiện nhân trỗi dậy trong lòng, hắn gởi xe ở quán bên đường, chỉ là hai chiếc xe đạp thổ tả thôi mà, bồng cô gái thuê xe taxi vào bệnh viện. Hắn làm mọi thủ tục, vét hết đồng bạc cuối cùng để đóng viện phí, ghi trong hồ sơ là người nhà, ký tên ở dưới nghiêm chỉnh. Bởi lúc đó hắn cũng cuống, nhân viên bệnh viện bảo gì, hắn làm đấy. Hắn ngồi chờ, ngủ quên một lúc cho đến khi y tá gọi tên hắn, hắn ngơ ngác thức giấc và rồi giật thót cả mình khi y tá bảo: chồng hả? Chết mẹ rồi, ngó bộ có chuyện rồi. Hắn ấp úng: Không phải ch..ồng.... là b ..a..n,! Cô y tá cười nhếch mép: Bà xã tỉnh rồi đấy, vào với bả đi. Hắn bỗng sợ, mặt hơi tái đi. Vào rồi, biết nói chi đây? Hay là đến đây xong nhiệm vụ rồi, dọt được rồi. Nghĩ vậy thôi, nhưng hắn vẫn bước vô. Cô gái thấy hắn thì ngạc nhiên: Anh là người đem tui vào đây đấy hả? Hắn gật. Anh tốt quá! Hắn gật cái nữa. Sao anh biết chuyện mà đem em vô đây? Hắn định gật, nhưng thấy là cái gật vô duyên. Hắn gãi đầu, ấp úng: Thì tình cờ thấy nên làm vậy. Bây giờ sao rồi? Cô gái cười: Em bị choáng thôi, anh đừng lo. Bình thường rồi. Hắn chợt phát hiện cô gái này cũng đẹp đó chớ. Nụ cười lại có duyên. Chỉ tội bạo dạn quá, hắn nhớ cái gạt chân cho hắn té hồi chiều. Hắn rụt rè: Sao hồi chiều gạt chân cho tui té vậy? Cô gái lại cười: Tại em thích anh, thích giọng hát như ca sĩ chuyên nghiệp của anh, nên chọc chơi. Hắn lại đỏ mặt, hắn tần ngần, tay xoắn lấy chiếc mũ: Thôi. Cô khoẻ rồi thì tôi xin về. Cô gái nắm lấy tay hắn: Sao vội vàng thế, anh đem em vào đây thì anh phải có trách nhiệm đem em về chớ, bỏ em một mình ở đây à. Thế là hắn ngồi lại đó suốt đêm, lúc thì rót cho cô gái ly nước, lúc thì xoay cái gối. Hắn cảm thấy vui vì được săn sóc cho người khác, chuyện đó hắn chưa từng làm cho ai, lại làm cho người khác được vui.
Sau đó là những buổi hẹn hò, tháng sau thì về ở chung trong căn phòng bé tí như tổ chim trên lầu 7 của một chung cư hắn được cấp. Cũng chẳng cưới hỏi gì, cũng chẳng ra phường làm hôn thú. Hắn mồ côi, không biết cha mẹ là ai, chẳng bà con thân thuộc. Cô gái làm vợ hắn thì cả gia đình di tản từ những ngày cuối tháng 4.75. Vợ hắn không đi, không biết vì lí do gì, cô ấy chẳng nói, mà không nói thì hắn không hỏi, tánh của hắn thế. Cũng có một thời gian đầu hạnh phúc, chiều chiều đi dạy về, hai vợ chồng ngồi ngay balcon ca hát, kể chuyện cho nhau nghe. Nhưng vợ hắn không bao giờ kể chuyện ngày xưa, chỉ kể chuyện ở trường ở lớp. Hắn cũng vậy thôi, những chuyện ở cô nhi viện buồn hiu lấy chi mà kể. Vợ hắn dạy môn Pháp văn, hắn dạy môn Văn. Thời gian đó, tiếng Pháp ế chỏng gọng, chẳng có ai thèm học, vợ hắn dạy một tuần có mấy tiết, nhà trường bố trí làm thêm kế toán sổ sách. Môn Văn của hắn cũng chẳng ra gì, trong khi các môn Toán, Lý Hoá, Anh văn người ta hốt bạc nhờ dạy thêm thì hắn chỉ nhờ đồng lương mà sống. Hắn cũng chẳng có nhu cầu gì nhiều, không rượu chè, cờ bạc, gái gú lại càng không, chỉ có hút thuốc lá, tốn kém chẳng bao nhiêu. Hắn thấy sống được thế này là hơn những ngày sống cô nhi viện rồi.
Nhưng vợ hắn lại khác hắn, có chút tiền là son, là phấn, là sắm áo, mua giày. Nhiều bữa đi mua sắm về, mua không được món ưa thích vì không đủ tiền, vợ hắn cứ than: Sao đời tôi lại khổ thế này, chỉ có cái váy mà cũng không đủ tiền mua. Hắn ngồi im hút thuốc, chứ biết nói gì nữa, hắn cũng cảm thấy bất lực. Từ lời than, tiến tới cái liếc, cái nguýt và rồi nói thẳng vào mặt hắn: Thứ đàn ông không nuôi nổi vợ là hèn. Và rồi hục hặc suốt. Chẳng có bữa cơm nào trọn vẹn.
Cái bất hạnh không dừng ở đó, nhà nước chủ trương thanh lọc lại hàng ngũ giáo viên, Sở Giáo dục gọi hắn lên thắc mắc cái giấy khai sinh của hắn, không cha mẹ, nhưng có cha nuôi là một cố đạo người Pháp, hắn giải thích mãi hắn là con hoang, được chủng viện lượm về nuôi từ hè phố, chẳng có giấy tờ nên các cha làm cho cái giấy khai sinh và đứng ra làm cha đỡ đầu. Cán bộ không tin, cứ cho hắn có yếu tố nước ngoài trong lí lịch nên buộc hắn nghỉ việc. Hắn nhận quyết định tỉnh bơ không một lời xin xỏ, cũng tại cái tánh nó thế, dù hắn chưa biết ngày mai hắn sẽ làm chi để sống, rồi những lời nhiếc móc của vợ nữa. Vợ hắn cũng bị thanh lọc, cũng vướng cả gia đình ở nước ngoài nên không cho đứng lớp mà cho xuống văn phòng làm kế toán, sau này mới biết là tay hiệu phó cũng khoái nhan sắc của cô nàng nên cũng tranh đấu cho chút ưu tiên. Hắn chưa dám kể chuyện buộc nghỉ việc với vợ, hắn rụt rè nhiều lần mà vẫn chưa nói được thì may quá là may, có người quen đang làm phó tổng biên tập ngỏ lời cho hắn vào làm thày cò chữa morasse trong nhà in của báo. Buồn ngủ gặp chiếu manh, hắn tạ ơn Chúa lòng lành giang tay cứu nó đúng lúc. Nhận việc xong, hắn mới báo với vợ đã bỏ dạy về làm báo. Vợ hắn chỉ hỏi: Làm báo lương cao hơn nghề giáo không? Hắn bảo khá hơn chút. Vợ hắn gật: Thế thì được. Người ta vẫn gọi hắn là thầy. Xưa là thầy giáo, nay là thầy cò.
Về ở với nhau được hơn tháng, hắn phát hiện bụng vợ hắn lúp xúp, hắn hỏi: Bầu à? Vợ hắn lườm hắn một cái: Chứ không bầu thì là bụng mỡ à. Hắn vui lắm, hắn sắp có con, con hắn sẽ có cha mẹ đàng hoàng chứ không phải con hoang như hắn. Con hắn cũng sẽ có một gia đình. Nhưng vợ hắn thì bình thường. Chẳng vui, chẳng buồn, chỉ than vãn cho số kiếp sao nghèo mãi!!!
Thế nhưng rồi niềm vui của hắn không được bao lâu, bụng vợ hắn bắt đầu to thì một buổi chiều vợ hắn ra huyết dữ, thấm ướt cả đũng quần, hắn luống cuống chở vợ vào bệnh viện. Ngồi ngoài phòng đợi mà tim hắn cứ đập thình thịch, hắn lo sợ đủ điều. Hắn cầu xin Chúa, cầu xin Đức mẹ Maria lòng lành đoái thương cho gia đình hắn, giúp vợ con hắn được tai qua nạn khỏi. Nhưng Chúa ngó lơ, Đức mẹ cũng chẳng nghe lời cầu xin thảm thiết của hắn, con hắn chết non. Bác sĩ bảo hắn: Tiếc quá, đến ba mươi tuần rồi mà không giữ được. Hắn nghẹn ngào: Cám ơn Bác sĩ, phần số của cháu không được ra đời, chắc cũng là ý Chúa, biết phải làm sao? Nhưng rồi hắn giật mình, vợ chồng hắn về ở với nhau mới hơn bốn tháng, chính xác là bốn tháng mười ngày, sao lại có bào thai hơn bảy tháng? Hắn thấy cổ như ai bóp, không thở được. Thế là hắn bị lừa sao? Thế là thằng nào ăn ốc, hắn đổ vỏ sao? Hắn buồn thúi cả ruột gan, nhưng hắn vẫn vẫn im lặng, nuôi vợ chỉn chu những ngày vợ nằm bệnh viện. Cái nhẫn nhục đó cũng do cái tánh hắn thế, hắn không muốn ai phải băn khoăn về tội lỗi của mình.
Về nhà, lấy cớ đang bệnh, vợ hắn bảo hắn trải chiếu dưới nền nhà mà ngủ vì vợ hắn suốt đêm nhiều lần dậy tiểu, sẽ làm cho hắn thức giấc. Hắn nghe lời ngay, từ đó hắn nằm giữa phòng, trên cái chiếu rách, trời nóng thì cởi trần, mùa lạnh thì quấn tạm mảnh chăn cũ. Một bữa, không biết có chuyện gì vui, vợ hắn lại bắt chuyện với hắn bâng quơ mấy chuyện. Được một lát, hắn chợt nhớ đến cái bào thai, bèn rụt rè hỏi: Vậy chứ cha đứa bé là ai vậy? Vợ hắn quắc mắt lên, hai tròng mắt như lòi hết ra ngoài, nghiến răng nói từng chữ: Anh không cần phải biết, cũng như anh không cần biết quá khứ của tôi, anh chỉ nên biết đó không phải là con anh. Thế thôi. Hắn vớt vát: Nhưng là con của ai? Vợ hắn lại đay nghiến: Biết để làm gì. Nó đã chết rồi, biết nó là con ai để làm gì nữa. Hắn im, tánh nó thế, không muốn cãi với ai. Lúc nào hắn cũng nhận phần thua về mình.
Kể từ hôm đó, vợ hắn không cho hắn động vào người, nằm dưới sàn nhà, nhiều hôm bức bách quá, nhìn lên giường thấy thân thể vợ hắn phô ra dưới làn áo mỏng, hắn tự thủ dâm như thời mới lớn trong cô nhi viện.
Thời gian gần đây, vợ hắn như được lột xác, đẹp và tươi tỉnh hẳn ra. Áo quần, giày dép mua sắm hàng loạt. Vì từ bữa hắn hỏi về bào thai, cơm ai nấy ăn, trưa hắn ăn cơ quan, chiều bữa thì gặm bánh mì, hôm thì gói mì gói. Vợ hắn thì chiều nào cũng diện đồ đẹp, đi suốt, có hôm về say khướt, kêu cửa loạn cả lên. Vợ hắn lại có thêm nhiều bè bạn, các cô gái thì son phấn loè loẹt, mặt dấu vết mỹ viện tùm lum, diện toàn váy ngắn, guốc cao, lũ đàn ông thì mặt mũi ông nào cũng bặm trợn, trông như lũ cô hồn các đảng, thằng thì trọc lóc, thằng thì tóc dài thậm thượt, đi toàn mô tô, người đầy xăm trổ. Mỗi lần vào xóm, mấy chiếc xe nổ bình bịch, đứng từ dưới bóp kèn, kêu réo om xòm, hàng xóm bực mình lắm, nhưng thấy các các ông các bà ấy, ai cũng hãi nên đành im thin thít, chỉ lén lút chửi thầm con vợ hắn, bảo nhau rằng: Cô giáo gì mà bạn bè toàn như lũ xã hội đen. Vợ hắn không biết học ngôn ngữ ở đâu, mỗi lần nhiếc mắng hắn lại đệm thêm chữ địt và đéo, giọng lại lơ lớ như người miền ngoài. Có lẽ lai theo giọng của đám âm hồn mới nhập băng. Cũng có lần vợ hắn đoái hoài tới hắn, nói muốn giúp cho hắn mua chiếc xe mà đi cho ra hồn người, bởi mang tiếng là vợ hắn mà chồng đi chiếc xe cà tàng mất mặt quá. Vợ hắn hỏi hắn có được bao nhiêu tiền, hắn nghĩ bụng hắn làm gì có tiền, lương tuy sau này vợ hắn không thèm cầm nữa, nhưng cũng chỉ đủ cơm gạo và thuốc lá hàng ngày, chẳng có dư. Hắn chợt nhớ chiếc đồng hồ đeo tay, cái này cha Francois lúc về Pháp cởi ra tặng hắn, Omega đàng hoàng, đã có lần đi chùi dầu, tên sửa đồng hồ gạ mua mười một triệu rưỡi. Hắn nghĩ đồ kỷ niệm, ai lại bán đi. Nhưng bây giờ, mua chiếc xe mới thì cũng phải đành lòng thôi. Hắn bèn bảo vợ: Tôi cũng có thể có khoảng hơn mười triệu khi bán chiếc đồng hồ này. Vợ hắn cười khanh khách: Địt mẹ, có mười triệu mà cũng đòi mua xe. Thôi thì tôi tính như vầy. Xe khoảng ba lăm triệu, tôi cho anh mượn thêm hai nhăm triệu, ngày mai ra tiệm hốt về một chiếc mà đi cho ra cái hồn con người. Thế là hắn có chiếc Honda Air Blade mới tinh. Nhưng vợ hắn chưa bao giờ ngổi cho hắn chở, cô ấy chỉ thích ngồi xe môtô nổ bình bịch, ngồi trên yên đít vểnh lên như con nhái hay cũng giống thế ngồi ỉa trên bàn cầu Mỹ, đằng trước có thằng đầu trọc lóc, xăm trổ tùm lum cầm tay lái, rú ga chạy vù vù.
Cũng trước cái hôm mà sáng ra hắn đi sớm mười lăm phút, vợ hắn đem mấy tên bạn âm hồn xăm trổ của cô ấy ra mà so sánh với hắn. Vợ hắn bảo cũng là một thằng đàn ông giống nhau sao mà một bên trông anh hùng hảo hán, làm ra tiền muôn bạc vạn, ăn chơi toàn chỗ lẫy lừng, còn một bên thì như con cù lần, sống rụt cổ với mớ chữ nghĩa chẳng mang lợi ích gì, suốt đời không ăn được miếng ăn ngon, đến được những chỗ sang trọng, sống thế phí cả đời người. Hắn cũng cãi mấy câu, hắn nói đến triết lí sống, hắn đưa ra cách sống của kẻ sống bằng trí tuệ đương nhiên có lối sống khác của lũ lừa đảo kiếm cơm, quên đi những nỗi đau của đồng bào mình, của dân tộc mình. Vợ hắn gầm lên: Rởm! Địt mẹ suy nghĩ của những thằng trí thức nghèo đéo làm được gì nên tự rúc đầu vào cát. Hắn muốn điên, hắn muốn tát vào cái mồm đĩ thoả của vợ hắn, nhưng hắn kìm lại được, ngồi suốt đêm đốt cháy cả bao thuốc. Cái tánh hắn thế, hắn nhẫn nhục quen rồi.
Sáng hôm đó hắn đi làm sớm mười lăm phút, sau một đêm thức trắng, hắn vẫn là kẻ yêu đời, vẫn cảm nhận được những hạt mưa bụi nhè nhẹ như sương trong nắng sớm, hắn khe khẽ huýt sáo một bản nhạc vui. Đời vẫn vui, buồn làm chi, quên đi số phận đẩy đưa hắn gặp một người đàn bà, quên đi một kiếp vợ chồng không tìm thấy hạnh phúc. Hắn lái ngang đường Pasteur, quay qua Lê Thánh Tôn, ghé vào gánh xôi bà Lộc, gánh xôi lừng danh có mặt ở góc phố này đã hơn nửa thế kỷ, định mua gói xôi bắp ngon nổi tiếng của bà. Khách hàng đông quá, lớp trong lớp ngoài. Nghĩ mình là khách quen, hắn nhoài người vào cho bà cụ thấy mặt, sẽ ưu tiên gói cho nó một gói. Khách đông không chen vào được, hắn dựng xe, chen vào trong. Bà cụ đã thấy mặt hắn, cười chào, gói liền cho hắn một gói. Hắn hí hửng đi ra, bỏ gói xôi vào giỏ, hắn quay người lại và trái tim muốn rớt ra ngoài. Chiếc xe mới tinh của hắn không còn đó nữa, ai đó đã lấy mất rồi. Hắn hét lên hãi hùng: Xe tui đâu? Xe tui mới dựng đây đâu rồi? Hắn cuống cuồng nhìn từng người, lắc mạnh vai người đứng cạnh: Xe tui đâu? Xe tui đâu? Mọi người quay lại bàn tán, thương cảm cho hắn, nhưng cũng chẳng ai biết xe hắn đâu, ai là người lấy xe của hắn. Có người bày cho hắn đi báo công an, người mách gắn về miệt Gò Vấp tìm đám xã hội đen thuê tìm, mỗi người một ý nháo nhào cả lên. Hắn ngồi phịch xuống lề đường, chiếc túi bỏ nghiêng, gói xôi lăn lóc bên vệ đường. Hắn ôm đầu, vò tóc, hắn không còn là con người bình tĩnh, nhẫn nhục, ít bộc lộ tình cảm như cái tánh thường ngày của hắn nữa. Hắn đau đớn, hắn muộn phiền và tiếc nuối, đánh mất luôn con người của hắn.
2.
Nghe theo lời mọi người, hắn đi báo công an, thủ tục qua loa, chiếu lệ, làm đơn cớ mất rồi về. Hắn buồn không biết đi đâu, gọi điện thoại đến toà soạn xin nghỉ một bữa, rồi lang thang miết, thấy chiếc xe Honda Blade nào cũng nhìn kỹ, cứ ngỡ là xe mình. Hắn lang thang đến trưa, đi ngang qua quán thịt chó đường 3 tháng 2, hắn tạt vào, buồn quá, tập uống chén rượu quên sầu. Gọi mấy dĩa thịt, kêu xị rượu, người ta bảo người say không biết buồn, hắn mong xị rượu này sẽ giúp hắn quên buồn. Hắn uống chậm rãi, cứ mãi ngồi trầm ngâm. Bàn bên cạnh cũng có một người khách ngồi một mình. Lão này người trông cổ quái, để râu ba chòm lượt thượt, ánh mắt sắc cứ láo liên, nhìn như đốt cháy người ta. Lão mặt cái áo jacket đen, đội cái mũ nỉ xưa lắc lơ cũng màu đen. Khuôn mặt xương xẩu xám ngoét, nếu lão cầm thêm lưỡi hái người ta sẽ hình dung ra thần chết hay lão phù thuỷ trong các truyện cổ tích. Lão cứ nhìn sang hắn mà cười, nụ cười bí hiểm làm chòm râu rung rung. Hắn thấy e ngại, cứ cúi mặt mà ăn, lâu lâu nhăn mặt hớp li rượu đắng, hơi rượu tràn đầy hai lỗ mũi. Bỗng hắn thấy có một bàn tay gầy guộc đặt trên vai hắn, hắn hốt hoảng nhìn lui, lão già đã đứng sau lưng hắn, nhìn hắn và cười, phô những chiếc răng nhọn vàng khè: lão nói như rít trong cổ họng: Buồn lắm phải không? Đời mà sao không buồn được. Cho ta ngồi chung cùng uống rượu quên buồn nhé. Độc ẩm làm sao vui. Vừa nói lão vừa ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh hắn. Hắn gượng cười: Xin mời lão. Và rồi cả hai cùng uống, hết chai này lại kêu chai khác. Lão già vẫn tỉnh queo, còn hắn thì đã say khướt, nhìn một hoá hai, mặt đất cứ quay vòng vòng dưới chân hắn. Lão già bỗng kê miệng sát vào tay hắn: có muốn bay lên trời không? Hắn nhừa nhựa: Là sao? Lão già lại càng sát vào hắn: Là đi trên trời, là cách xa mặt đất đầy khói bụi, là thoát cảnh chen lấn của trần gian, là một mình một cõi khi mọi người phải luồn lách mà sống.
Bỗng dưng hắn nhớ đến những ngày còn bé ở cô nhi viện, những lúc nghĩ đến cảnh sum vầy của một gia đình có cha mẹ, anh em. Hắn thèm lắm một gia đình. Hắn thường leo lên mái nhà cô nhi viện, nhìn sang gia đình hàng xóm đang sinh hoạt hay đang cùng nhau sum họp mà ước ao. Hắn muốn bay lên như chim, bay thật cao, để nhìn thấy được cảnh của nhiều gia đình, bay lên cao để không còn nỗi buồn của đứa trẻ mồ côi. Nhiều khi đi thả diều, nó cũng muốn được như cánh diều bay giữa trời lộng gió, được tự do trong bầu trời xanh biếc. Và trong cơn say hôm nay, có người bảo nó có muốn đi trên trời không, có muốn thực hiện ước mơ của một thời thơ dại. Trong vô thức của quá khứ, hắn gật đầu, hắn muốn được thực hiện ước mơ. Lão già cười, lão bảo hãy há miệng ra, nuốt viên thuốc này, ngươi sẽ đi trên trời giống như đi trên mặt đất, ngươi sẽ thành NGƯỜI ĐI TRÊN TRỜI duy nhất trên thế giới này bằng chính đôi chân của mình. Không chút do dự, hắn há miệng thật to và lão già chỉ dùng hai ngón tay khẩy nhẹ, viên thuốc đi lọt vào thẳng bao tử của hắn. Hắn nghe thấy một luồng hơi nóng chạy dọc sống lưng, đi xuống hai cẳng chân của hắn và nằm ở đó. Đôi chân hắn ấm như đang hơ trên một lò than. Lão già lại kề tai hằn thủ thỉ: Bí mật, giữ bí mật về viên thuốc này, ngươi sẽ sống, bằng ngược lại, ngươi sẽ chết ngay lập tức. Nhớ chưa. Hắn say lắm rồi, đầu đã nghẹo một bên, nước dãi chảy bên khoé miệng, nhưng vẫn nghe loáng thoáng những lời cuối cùng của lão. Hắn ngước lên, định đưa bàn tay lên như minh chứng đã nghe và sẽ giữ lời. Nhưng lão già như luồng gió, biến mất tiêu. Hắn rùng mình, lạnh dọc sống lưng và hình như tỉnh rượu đôi chút. Hắn trả tiền và ngật ngưỡng đi về. Hắn không biết phải về đâu, loanh quanh mãi lại thấy về nhà. Lần từng bước lên lầu bảy, hắn thấy trời như sà xuống đầu hắn, cứ quay mòng mòng. Đứng trước cửa phòng, hắn ngại gặp vợ, không biết nói sao về vụ mất xe, nên cứ ngập ngừng trước cửa. Hắn mở hé cửa sổ nhìn vào. Và hắn tỉnh hẳn rượu, hắn thấy trời vẫn trên cao và không quay mòng mòng nữa, nhưng hắn lại thấy máu đông cứng lại, tim như ai bóp nghẹt, không thở được, tay hắn run run và chân thì muốn khuỵ xuống. Hắn nhìn thấy vợ hắn đang làm tình với thằng đầu trọc. Vợ hắn thì rên mà cái mông của thằng trọc thì cứ nhấp nhô đẩy tới. Hắn thắy đắng họng, và hắn lặng lẽ rời đi. Hăn lê bước bải hoải xuống cầu thang và ngồi ở đó cho đến khi mặt trời tắt sau những mái nhà bên kia phố. Hắn không cảm thấy đau, không cảm thấy buồn., nhưng có một vật gì đó cứ khóet mãi trong lòng hắn. Hắn cảm thấy bị sỉ nhục, hắn thấy hắn bị xúc phạm nặng nề. Hắn đã hình dung cảnh này khi chúng hẹn chở nhau đi, nhưng khi chứng kiến trước mắt thì cảm giác hoàn toàn khác.
Rồi hắn cũng phải lên phòng, vợ hắn với chiếc váy hờ hững phủ lên người đang say ngủ, sau cuộc ái ân thoả mãn người ta cần ngủ. Nhưng hắn đang khó chịu trong lòng, hắn đánh thức vợ hắn dậy, trả thù vợ nó bằng cách báo cho biết là chiếc xe ba mươi lăm triệu đã bị mất rồi. Vợ nó tru tréo lên, hết địt đến đéo, ồn ào cả một vùng. Hàng xóm bu lại rồi tản ra, ai cũng lắc đầu. Đợi vợ nghỉ mệt,hắn mới thong thả giằn từng tiếng: Tôi biết rõ hồi trưa cô đã làm tình với ai trên chiếc giường này. Nhà tôi không phải là nhà thổ, cô muốn làm đĩ thì đi chỗ khác, chỗ này không phải là chỗ để mấy người làm chuyện thú vật. Vợ hắn đang há miệng để tiếp tục chửi, nghe hắn nói xong thì khép miệng lại, giọng bớt hàm hồ hơn: Thôi được, tôi cũng muốn chấm dứt lâu rồi, nhưng chưa có dịp, bây giờ tình hình thế này thì tôi sẽ đi, nhà của anh anh ở, anh và tôi cũng chẳng có trói buộc gì nhau, nên cũng chẳng có gì để bàn bạc. Hắn ngồi im, hút thuốc, trở lại chính con người của hắn, thản nhiên trước mọi chuyện. Và rồi vợ hắn đi, chấm dứt một cuộc tình. Cũng xong một đời vợ.
3.
Đêm đó hắn cũng chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Chỉ thấy cuộc sống của hắn thừa thải và vô tích sự quá. Hắn cũng quên mất cơn say bữa trưa, quên mất lão già và câu chuyện huyền ảo của lão. Hắn thấy mình nên chết đi, sống thế cũng đủ cho một đời người rồi, sống nữa cũng chỉ lập lại những điều đã sống. Hắn ngồi trên balcon, nhìn xuống những mái nhà, nhìn thấy những gia đình đang sống với nhau. Ngoài xa kia là khu nhà mới xây của tầng lớp cán bộ cấp cao, những ngôi nhà thật là đẹp, đêm đêm đèn sáng như ngày. Họ ở một thế giới khác không có gì giống cuộc sống và thế giới của hắn và rất nhiều người khác. Hắn liên tục đốt thuốc và trong khoảnh khắc không kìm hãm, hắn đứng trên thềm balcon rổi nhảy xuống trần gian lộn xộn phía dưới. Ra khỏi khoảng không, hai chân của hắn quơ quào trong không khí như bản năng sinh tồn và rồi hắn cảm thấy như đang đứng trên mặt đất, hai chân chạm vào không khí nhưng lại vững chải như đứng trên nền nhà. Hắn thử bước đi, nhưng bước chân chẳng khác chi như đang đi trên đường. Lúc đầu hắn hơi hãi, nhưng rồi nhớ đến lão già trong quán thịt chó, hắn ý thức được rằng điều huyền ảo đó chính là sự thật. Hắn đã đạt được ước mơ của quá khứ. Hắn đi loanh quanh, khi xuống thấp một chút, lúc lại lên cao một chút. Thú vị thật. Hắn men ra khoảng không trống trải phía trước, nhìn xuống giòng xe chạy trên đường, nhìn từng đoàn người lũ lượt chen lấn nhau, hắn cười rú lên thích thú, từ nay hắn đã có một thế giới mới, một thế giới khác loài người nhưng vẫn ở trong thế giới này. Bỗng có người ở dưới kia phát hiện ra hắn đang lửng lơ giữa trời, đoàn xe đang chạy đứng hẳn lại, đoàn ngưới đang lũ lượt cũng đứng hẳn lại, tất cả đều ngước mắt lên để nhìn thấy hắn. Có nhiều ánh chớp loé của máy chụp hình, có tiếng la hét của đám đông. Hắn sợ, thế giới của hắn đã bị phát giác, rồi sẽ bị phá vỡ, hắn lật đật chạy vào phòng, đóng cửa và ngồi thở. Hắn sẽ bị phát hiện, cuộc sống của hắn sẽ không còn như cũ nữa.
Đêm đó, hắn chìm trong giấc ngủ mộng mị trên chiếc giường mà đã mấy tháng rồi hắn không được ngã lưng.
Ngay sau đấy chỉ năm phút, tất cả báo mạng ở Sài Gòn đều đăng bài về một con người thần bí đi được trên trời, nhưng rất tiếc không có tấm hình nào đủ rõ để thấy được nhân vật. Sáng hôm sau cũng thế, tất cả tờ báo đểu đăng tin nhân vật kỳ bí đang đi trên trời, cũng chẳng có tấm hình nào rõ mặt. Các tôn giáo đều cho rằng đó chính là thánh chủ của tôn giáo mình. Nhiều người dân đem hoa, đem nến đặt ngay khu vực nhìn thấy người đi trên trời, nhiều kẻ còn quỳ lạy cầu xin, khấn vái cho đến hết đêm. Báo chí nóng như hơ trên lò lửa, bịa ra nhiều chuyện kỳ bí, đặt nhiều tít rất dữ dội để câu view. Đám phóng viên ảnh mang nhiều ống kính dài cả thước chầu chực suốt ngày, đám phóng viên mang laptop, ipad gặp ai cũng phỏng vấn có thấy gì không. Chính quyền, công an, an ninh chuẩn bị phương án, họp bàn đến tối mịt. Nhưng người đi trên trời vẫn bặt vô âm tín. Hắn đang đi đâu?
4.
Sáng hôm đấy hắn rời nhà sớm. Đi bộ. Đương nhiên. Xe mất rồi thì đi bằng hai chân thôi. Và hắn lại chợt nhớ ra đêm qua hắn đã đi được ở trên trời. Hắn nghĩ: giá mà không có ai để ý nhỉ, hắn phi một cái lên chỗ bát ngát kia, lượn lờ đến cơ quan, sướng phải biết. Ngang chỗ cô Ba cà phê, hắn vẫy tay chào, cô Ba nói với theo: Thầy Tư hôm nay lại đi sớm. Trong giọng nói có chút thương hại khi cô nghĩ đến cảnh nhà hắn hôm qua. Cuộc chia ly của một cuộc tình. Gì cũng thấy xót xa. Hắn chờ ở trạm xe buýt, phố dần đông, nhiều người đi ngang chỗ toà chung cư cũ xì của hắn, ngước nhìn chỉ chỏ.
Hắn đến cơ quan và vào bàn như mọi lần, xấp bài nằm một chồng trên bàn, hắn phải sửa xong trước trưa nay. Hắn lại thấy đang lười, hắn là thằng rất nghiêm chỉnh và có trách nhiệm trong công việc. Nhưng giờ thì hắn thấy oải. Phía bên kia, nhóm dàn trang và trình bày báo đang xúm lại trước màn hình. Tên trưởng nhóm đang phân tích gì đấy trên hình. Hắn không ưa tên này, mặt dơi, tai chuột lại ti hí mắt lươn. Người đã xấu tánh tình lại rất tệ. Chuyên đi soi mói chuyện người khác. Tên này làm công tác đoàn, đang là đối tượng phấn đấu vào đảng. Tên này hay lân la hỏi chuyện hắn, hỏi như điều tra, nhưng tánh hắn không thích nói nhiều về mình cho kẻ khác, cho nên trong ý nghĩ của tên này, hắn có điều gì che dấu, nên cứ tìm cách gợi chuyện hoài. Bỗng dưng tên này hét lên: A đù!!! Tui nghĩ ra rồi. Hắn click chuột, zoom hình lên và hỏi: Thấy giống ai không? Mới nhìn tui đã ngờ ngợ. Cả đám nhìn vào rồi ngước nhìn qua bàn hắn. Hắn chột dạ, hình như cả đám đã thấy gì đó liên quan đến hắn, dính líu cái vụ đi trên trời đêm qua chăng? Cái tin này đang hot quá mà! Hắn cúi mặt như muốn che đi mặt mình, làm như đang cắm cúi say mê với công việc, nhưng hai tai giỏng lên lắng nghe chúng nó nói gì. Có đứa bảo: Ừ! Có vẻ giống. Nhưng mà không lẽ... Có thằng lại gạt đi: Chuyện tầm phào, thằng cha cù lần đấy mà làm gì làm được chuyện động trời thế? Lại có kẻ bảo: Mấy ông rảnh quá hà. Làm việc đi! Chỉ có tên trưởng nhóm sau khi buông tiếng A đù là trầm ngâm, nó liếc qua hắn, liếc đến mấy lần. Hắn không hiểu trong đầu tên đó đang suy nghĩ gì, nhưng hắn biết chắc suy nghĩ đó có liên quan đến hắn.
Trưa ăn cơm ở căn tin, tên này đến vỗ vai hắn và hỏi: Đêm qua đi đâu thế? Hắn cảnh giác: Đi đâu là đi đâu? Nằm ngủ sớm chứ đi đâu? Có chuyện gì à? Tên này cười giả lả, hai mắt tít lại như hai sợi dây chì, cái tai chuột rung rung: Hỏi chơi thôi. Thế là tốt. Hắn nghĩ, chắc tên này đã phát hiện chi rồi, ngồi ăn cơm mà hắn thấy bụng lo lo, dính với thằng này là lắm rắc rối, nó là thằng rất thông minh nhưng cũng rất nham hiểm. Phải nghĩ cách đề phòng mới được.
Khuya. Không ngủ được, hắn ra balcon ngồi hút thuốc, thấy lòng thật trống trải, thấy đời buồn tênh. Dưới kia giòng người vẫn trà trộn nhau đi tới, luẩn quẩn với những kế sinh nhai. Hắn muốn bước ra khoảng không gian của trên trời kia, đi trên tất cả muôn người, lặng lẽ một thế giới khác, không đua chen, không lấn bước ai. Nhưng hắn ngại. Hắn sợ lại bị phát hiện như đêm qua. Hắn biết, dưới kia có bao kẻ ngồi rình chờ đợi sự xuất hiện của hắn. Hắn đành kìm hãm khát khao lại. Ngồi nhìn đêm trôi đi.
Mấy ngày rồi, tin người đi trên trời chẳng thêm gì mới. Một ngày biết bao chuyện lướt qua đời, cha hiếp con, vợ cắt của quý của chồng, ca sĩ trẻ chửi nghệ sĩ già, đồng tiền tụt giá, cán bộ bị bắt, chuyện phá núi xây vila, chuyện quan nuôi gái tốn hàng tỉ đồng mua xe, sắm nhà, chuyện nhà đất đang lên giá, cô diễn viên đóng phim lộ cả mông trần, clip sex thầy chùa làm tình bằng miệng mấy chục phút, tay chơi trẻ lộ clip làm tình với cả đàn người đẹp.., Những tin tức dồn lên nhau, đè lên nhau tràn ngập báo chí, che khuất dần chuyện có một người đi ở trên trời. Có thể người ta chưa quên, nhưng người ta không nhắc đến nữa.
Hằng đêm, hắn ngồi ở hàng hiên, nhìn xuống đường, rồi nhìn lên trời. Đêm hè, trời cao tít đầy sao. Hắn thèm được đi trong không gian đó, để được thong dong quên sự đời. Hơn tuần nay rồi, những phút khát khao như thế, hắn cảm giác đôi chân như có lửa, nóng ngùn ngụt, cứ thúc hắn bước qua cái bờ xi măng, bước đến cái không gian vô tận chào mời. Nhưng hắn sợ, một nỗi sợ mơ hồ, hắn biết vẫn có người đang rình rập dưới kia chờ cơ hội, chỉ cần hắn bước đi trên không gian kia, hình ảnh của hắn sẽ bị thu vào ống kính ngay, và hậu quả như thế nào, hắn cũng chưa hình dung ra nổi.
Một đêm, không ngủ được, hắn trằn trọc mãi. Nóng. Cái nóng mùa hè cộng thêm cái nóng như lửa đốt đôi chân, cứ hối thúc hắn đứng dậy và thôi thúc hắn trôi ra khoảng không gian đầy gió. Và khi chịu hết nổi, hắn đành đầu hàng. Hắn trùm áo khoác đen có mũ, bịt khẩu trang màu tối, mang kính đen thay cái kính cận có đôi mắt lấp lánh, hắn bước ra ngoài và đi. Lúc đó đã khuya lắm rồi, đường vắng, hắn men theo những hàng cây và những góc tối. Hắn đi càng lúc càng cao, những bước chân nhẹ nhàng thật êm ái, những bước chân như bước trên tấm đệm không khí mới thoải mái làm sao! Hắn không dám đi xa, chỉ loanh quanh trên trời cao khu vực nhà hắn. Phía bên kia, dãy vila của cán bộ lúc nào cũng sáng choang đèn đuốc, hắn muốn một lần qua đó, nhìn vào những căn nhà đẹp đẽ kia, nhưng hắn sợ bị phát hiện. Bên đó là biểu tượng của sự giàu sang, quyền lực, phía chung cư hắn ở như mảng đối lập, cũ kỹ, tối tăm, rệu rã. Hắn trở về lúc ánh sáng của bầu trời bắt đầu ngày mới và hắn cảm thấy thật sung sướng, thật hạnh phúc sau nhiều giờ lang thang ở trên trời.
Kể từ hôm đó, đêm nào hắn cũng tranh thủ ngủ sớm, khuya lại thức dậy, choàng đồ đen ngao du giữa trời. Càng ngày không gian hoạt động của hắn càng mở rộng và một hôm hắn đánh bạo bước qua thế giới của ánh đèn bên kia đường. Hắn nhìn vào thế giới đó và choáng ngợp. Nhà nào cũng đẹp, đồ đạc toàn thứ bóng lộn đắt tiền. Nhà nào cũng có vườn cây, ao cá, hồ bơi, thảm cỏ xanh rì. Căn phòng nào cũng đầy đủ tiện nghi. Đúng là ở thời đại này, không ai giàu hơn cán bộ lãnh đạo. Từ hôm đó, hắn khoái lân la khu vực này, vì phía bên kia chỉ là mảng tối đen, xám ngoét. Phía bên này, hắn thấy được nhiều điều, nhiều cảnh khác lạ. Hắn nhìn vào từng ngôi nhà, từng căn phòng cửa để ngỏ, và có hôm hắn nhìn thấy lão già làm tình với cô gái trẻ măng, có bữa lại bắt gặp một cặp phi công trẻ lái máy bay bà già, có đêm lại nhìn thấy hai đứa trẻ làm tình ngay hàng hiên. Hắn tự hỏi, sao giới này làm tình loạn cả lên vậy nhỉ. Hắn cũng từng nhìn thấy trong căn phòng tràn ngập tiền lấy ra từ các phong bì, cả vợ lẫn chồng ngồi đếm. Có khi thấy cả vàng và kim cương lấp lánh. Đặc biệt, hắn thường đứng trên cao để nhìn những tiệc tùng đầy ắp thức ăn ngoài sân với những chiếc đèn cao áp sáng rực, xe hơi sắp hàng dài và những người phục vụ lăng xăng trong tiếng nhạc xập xình, đôi khi xuất hiện những ca sĩ đình đám và nhiều lãnh đạo cấp cao. Hắn lạ lẫm không khí đó, vì từ nhỏ đến lớn, hắn chưa bao giờ được tham dự những bữa tiệc thế này. Con mồ côi, ở cô nhi viện, lớn lên thì kiếm cơm hộc máu, lễ tiệc thế này trước đây hắn chỉ thấy trong phim ảnh hay trong cuốn tiểu thuyết. Đó là một thế giới khác, hoàn toàn khác với thế giới hắn đang sống. Và chính cái tính tò mò đó đã hại hắn. Lần đó tiệc lớn lắm, tổ chức trong căn vi la lớn nhất khu đó, có ca sĩ Tuấn Ngọc đến hát. Đó là giọng ca hắn hâm mộ, một giọng trầm ấm, đầy nam tính mà chất chứa hồn phách của những ca từ. Anh ta hát như hơi thở. Bữa nay anh ấy hát bài Riêng một góc trời, bài hát hắn thích, nên nghe mê mẩn. Tiếng hát vút lên ở cuối đoạn, hắn đắm say với tiếng hát, lời ca nên cứ từ từ hạ thấp độ cao lúc nào không hay. Có một ánh chớp loé của máy ảnh làm hắn giật mình, hắn chỉ kịp nghiêng mình né luồng ánh sáng rồi vút đi như chạy trên đường, tim thình thịch. Hắn nghĩ đã có ai đó chụp được tấm hình của hắn. Hắn sợ, cả đêm đó hắn nằm thao thức mãi.
Sự kiện người đi trên trời lại được khơi dậy khi một tờ báo đăng hình ảnh độc quyền chụp được người đi trên trời. Tấm hình chụp nghiêng, một người mặc đồ đen từ đầu đến chân, nét mặt được ánh đèn rọi vào nên cũng thấy được phần nào khuôn mặt. Báo chí lại rần rần. Nhiều tít giật gân được tung ra: "Người đi trên trời: những bí ẩn"."Bức chân dung của người bí mật", "Người đi trên trời là ai?", "Những khám phá hé lộ người đi trên trời"....Thiên hạ lại xôn xao, báo mạng liên tục giật tít, người người ngồi bàn luận, đoán mò khắp phố và đầy các vỉa hè. Ban lãnh đạo thành phố họp, công an lập chuyên án, bộ đội chuẩn bị diễn tập. Thành phố mùa hè đã nóng càng nóng hơn. Hắn bắt đầu thấy sợ hãi hơn, đi đường hắn đội cái mũ sùm sụp, tránh nhìn mọi người. Đến cơ quan, hắn cúi mặt làm việc, không dám lân la nói chuyện như bình thường. Hình như tên mặt dơi tai chuột đó cứ nhìn hắn mãi. Y dán mắt vào màn hình, phóng to hình trên báo rồi cứ liếc hắn, rồi lại nhìn hình. Hắn lo. Thằng này quái lắm, chắc chắn là hắn nhìn thấy điều gì đó trong hình rồi. Y bước qua bàn hắn, nhìn xuống đôi sandal của hắn và y cười khoái trá, hai con mắt tít lại như hai vết chì, hàm răng hô càng vẩu ra. Hắn chột dạ vì tiếng cười hả hê của y. Chết mẹ, chắc hắn nhìn ra đôi sandal. Kiểu này chắc khó thoát rồi, mồ hôi tứa ra ướt cả lưng hắn.
Chiều hôm đấy, khi bước ra cổng toà soạn, thấy bên đường ở quán cà phê vỉa hè có hai thanh niên đứng dậy bước sang đường, hắn đã thấy lòng nghi ngại rồi. Hai người tiến đến kẹp sát hắn, một người móc trong túi một chiếc thẻ màu đỏ đưa ngang tầm mắt hắn, nhưng hắn chẳng thấy gì, tay kia vừa kẹp tay hắn vừa nói như rít trong cổ họng: Anh đã bị bắt, đi theo chúng tôi, không nên kháng cự vô ích. Hắn có cảm giác như bị dìu đi. Và hắn chẳng kịp phản ứng gì, bước chân vẫn bình thường băng qua đường đến chiếc xe hơi chờ sẵn.
Hắn quay lại ngước nhìn trên cửa sổ của toà soạn, thấy thằng tai chuột chồm ra nhìn xuống với vẻ mặt hân hoan, đắc thắng kèm nụ cười ngạo nghễ.
Thế là hắn đã bị bắt. Người đi trên trời đã bị bắt. Nhưng báo chí im re, không một tờ báo nào đăng tin này, kể cả hàng loạt báo mạng. An ninh và tuyên huấn chỉ thị đây là chuyện bí mật quốc gia, báo chí không được léng phéng.
5.
Thế là hắn đã bị bắt. Hắn nghĩ trước sau gì cũng có ngày này, nhưng không ngờ nó lại đến sớm thế? Nhưng rồi hắn chợt nghĩ, hắn bị bắt vì tội gì? Luật pháp cái xứ này đâu có ghi cái tội nào là tội đi trên trời đâu? Luật pháp quy định cho thấy công dân được quyền làm những điều không ghi cấm trong luật mà. Nhưng dù không có tội thì hắn cũng đã bị bắt. Chiếc xe rù ga chạy đi. Hắn nhìn ra ngoài, những phố xá, những dòng xe, những con người vẫn tấp nập vụt qua. Xe chở hắn đi đâu? Rồi người ta sẽ làm gì với hắn? Đọc báo thấy nhiều chuyện người bị bắt đi vào cơ quan công an và đi ra là xác chết trên băng ca. Hắn chợt lạnh sống lưng, người lạnh toát, mồ hôi tuôn ra như tắm, mặt xanh lè. Cũng đã có nhiều khi hắn nghĩ đến cái chết, và muốn tìm đến cái chết vì thấy đời đôi lúc vô vị quá. Nhưng giờ, với ý nghĩ kề cận cái chết bỗng nhiên hắn sợ. Anh công an ngồi bên trái hắn, nhìn hắn liền hỏi: Anh sao thế? Trúng gió à? Hay sợ gì? Chẳng có gì đâu mà sợ. Vừa nói anh ta vừa trấn an hắn bằng cái bóp nhẹ vào vai. Hắn cười gượng, nụ cười méo mó: không sao, tôi chỉ hơi mệt một tí thôi. Xe chạy qua một bùng binh và hắn biết xe đang trên đường Nguyễn Trãi. Con đường đó có nhiều cơ quan công an của trung ương, hắn chợt hiểu là hắn bị bắt bởi lệnh từ bộ chứ không phải của thành phố, nếu không là chở đến Sở Công an ở Trần Hưng Đạo chứ? Kiểu này không biết may hay rủi đây, trong suy nghĩ của hắn, dính tới bộ chắc là mệt rồi.
Xe chạy vào trong một cơ quan rộng rãi, có nhiều toà nhà sát nhau, thấp thoáng có nhiều bộ đồ xanh của lực lượng công an. Hắn được đưa vào một trong những toà nhà đó. Một anh công an chỉ cho hắn ngồi vào chiếc ghế trước một cái bàn đầy hồ sơ và một chiếc điện thoại. Hắn ngồi đấy, gần cả tiếng đồng hồ chẳng ai đoái hoài đến hắn. Chỉ thấy điện thoại reo liên tục và mấy anh công an cũng liên tiếp trả lời. Hắn lắng nghe xem trong những cuộc trao đổi có chuyện của hắn không mà không đoán được. Hắn thèm thuốc lá, đã mấy tiếng đồng hồ không được hút, hắn thèm vật vã. Không biết trong này có cho hút thuốc không? Hắn lục túi tìm gói thuốc. Chẳng thấy. Chắc hắn bỏ quên ở hộc bàn cơ quan hay rớt đâu đó rồi. Một anh công an đi vào, trên tay cầm điếu thuốc đang hút dở. Hắn ngửi thấy mùi thuốc lá lan toả trong phòng, cơn thèm thuốc khiến hắn dạn dĩ pha chút liều mạng. Hắn chồm lên xin anh ta điếu thuốc. Hắn bảo thèm thuốc quá, nhịn mấy giờ rồi. Anh chàng công an nhìn hắn, ánh mắt hơi ngạc nhiên nhưng có vẻ có thiện cảm. Anh ta rút ra bao thuốc ba số, hắn nhìn theo bàn tay của anh ta. Ồ, thuốc ba số ngoại đàng hoàng. Anh rút cho hắn năm điếu, đưa cho hắn và bảo, hút đi. Hắn run run cám ơn, đốt lửa, điếu thuốc mới ngon làm sao. Thường ngày hắn chỉ hút con mèo, giá vừa túi tiền, ít khi hút được thuốc ba số ngoại mà giờ lại được hút trong cơn thèm. Điếu thuốc mới đã làm sao.
Hắn cảm thấy mệt, lại buồn ngủ. Chập chờn. Giờ đã quá bữa cơm chiều, hắn thấy đói. Hắn lại thèm dĩa cơm, tô mì gói hay ổ bánh mì không cũng được. Cả thời gian ngồi trên ghế, hắn cảm thấy mỏi và tự hỏi sao không thấy ai đả động gì tới hắn. Chắc là đợi lệnh. Người đi ra, kẻ đi vào có người nhìn hắn một cái nhưng có người chẳng để ý gì đến hắn. Hắn nghĩ hi vọng chuyện đi trên trời của hắn là chuyện nhỏ, chắc không sao. Cuối cùng cũng có người ngồi vào ghế, đối diện với hắn, đưa cho hắn một tờ giấy, bảo khai lý lịch, nhân thân. Hắn cầm tờ giấy, chưa vội đọc và hắn ngước nhìn kẻ đối diện bằng cặp mắt van lơn: Anh ơi, tôi nhát đòn lắm, các anh muốn biết gì, hỏi gì tôi xin nói hết, kể hết. Chỉ xin các anh đừng đánh đập, tra khảo tôi, tôi sợ bị đánh lắm. Xin các anh. Anh chàng công an trẻ cười cười, ai có làm chi anh đâu nào, đánh đập, tra khảo gì đâu. Chỉ yêu cầu anh khai thật, khai chính xác những yêu cầu của chúng tôi. Cứ khai thật thì chẳng có gì lo lắng cả. Hắn hơi yên lòng một chút, lí nhí trong miệng lời cảm ơn. Hắn điền đầy đủ vào trong tờ khai một cách nhanh chóng. Từ sau 1975 đến giờ, hắn đã khai không biết bao nhiêu tờ lý lịch in sẵn như thế này. Xin việc khai, bổ sung hồ sơ khai, xin cấp nhà khai, di chuyển chỗ ở khai, tạm trú tạm vắng khai. Hắn thuộc lòng các chi tiết nên chỉ điền vào như vô thức. Chỉ một loáng là xong. Anh ta hỏi hắn khi nhận lại tờ khai, đói bụng chưa, muốn ăn gì không? Hắn mừng muốn khóc, hắn vốn mau nước mắt mà, hắn lập cập vừa trả lời vừa cười cầu tài, cám ơn, cám ơn, tôi đói, có gì cho tôi ăn chút.
Người ta mang cho hắn ổ mì thịt lại kèm thêm gói thuốc lá ba số, thuốc ngoại mới ngon chứ. Ổ bánh mì cũng ngon, hắn nhìn giấy gói bánh, thì ra là bánh mì Nguyên Sinh ngay phía đối diện. Đó là tiệm bánh mì nằm góc đường Nguyễn Trãi, Trần Đình Xu. Hắn cũng được ăn ở đấy vài lần, thịt nguội và nhất là pa tê ở đấy có thể là ngon nhất Sài Gòn, nhưng giá hơi cao so với gói xôi năm , bảy ngàn lề đường. Nên buổi sáng hắn chỉ dám chọn xôi. Mà sao hắn được ưu đãi thế nhỉ? Cán bộ công an thì chưa ai nặng lời với hắn suốt cả chiều nay, lại cho ăn ngon, thuốc lá xịn. Hắn lại lo. Kinh nghiệm cuộc đời cho hắn nỗi lo đó. Hồi xưa còn ở trong cô nhi viện, cứ mỗi lần được Linh mục giám đốc hay các frère gọi lên phòng, cho bánh, uống nước ngọt, ân cần hỏi han là có chuyện. Có khi là chuyện vui mà cũng có lúc là chuyện buồn. Bây giờ vào cơ quan công an, được quan tâm ưu ái thế này chắc là chuyện buồn chứ khó có chuyện vui. Miếng bánh mì thịt ngon quá, ăn mà lo, không biết chuyện gì sẽ đến đây? Hắn hút thêm điếu thuốc để trấn tĩnh. Thôi kệ mẹ nó, chuyện gì tới thì phải tới, lo cũng chẳng giải quyết được gì.
Đến tối, hắn được bố trí vào căn phòng nhỏ nằm ngay trong phòng lớn của tòa nhà. Có lẽ phòng này dành cho các nhân viện ngủ trưa hay trực đêm. Phòng có quạt máy, hai giường cá nhân, hai tủ nhỏ đầu giương. Phòng được thông qua phòng lớn bên ngoài bằng một khung cửa kiếng lùa khá lớn và một cửa ra vào. Hắn nằm trằn trọc không biết ngày mai sẽ ra sao. Hắn sợ phải vào nhà tù. Hắn đọc báo thấy nhà tù thường có đại bàng, hành hạ tù mới dữ lắm. Hắn cũng được biết nhà tù cuộc sống đầy kinh hãi, lại lao động miệt mài mà hắn thuộc loại chỉ làm được việc bàn giấy. Hắn lại thêm lo. Trằn trọc mãi. Thấy trên kệ tủ có chồng báo, hắn mở ra đọc. Chẳng thấy tờ báo nào đăng tin người đi trên trời bị bắt. Tin này đúng ra là hot lắm mà, sao toàn bộ các báo không thấy có đăng dòng nào? Chắc là có lệnh của công an, tuyên huấn chỉ đạo rồi. Thế có nghĩa là trọng án à? Nguy rồi đây. Hắn nhỏm dậy, đốt thuốc nhìn ra. Đêm đã khuya, im ắng lạ thường. Thỉnh thoảng có tiếng xe dội vào. Càng khuya càng im, hắn nghe được tiếng lá rơi xuống thềm, nghe được tiếng thở hồi hộp trong tim hắn. Hắn nghĩ nhiều chuyện, lật qua lật lại nhiều chi tiết đã xảy ra trong ngày vừa qua để tìm cho ra mục đích của cuộc bắt bớ này là gì? Sao nhìn qua thấy hình như chẳng có gì có vẻ quan trọng.
6.
Nhưng hắn đã lầm, chuyện quan trọng nhiều hơn hắn nghĩ. Buổi sáng hắn được gọi ra bàn, ngồi vào ghế chờ đợi. Người ta mang cho hắn dĩa bánh cuốn và ly cà phê sữa. Hắn ăn bánh ngon lành nhưng không uống cà phê vì hắn không biết uống cà phê. Hắn thấy trên bàn có ấm trà, hắn rót uống và chờ đợi. Một lát thì có một người đến, có vẻ ông này là sĩ quan cao cấp hay cán bộ chỉ huy gì đấy. Mọi người đều lên tiếng chào, người thì gọi anh Sáu, người gọi sếp, người thưa thủ trưởng. Ông ta kéo ghế ngồi đối diện với hắn. Tuổi trung niên, tóc rễ tre hớt ngắn, mặt dài kiểu mặt ngựa, xương xẩu, răng hô, da đen mai mái như người mắc bệnh sốt rét. Thân hình ông ta gầy đét. Trong giới quan chức và nhất là cán bộ công an bây giờ mà kiếm một ông thủ trưởng ốm o như ông này coi bộ khó. Ông ta cất tiếng chào hắn, giọng rặt Nam bộ. Nghe giọng hắn mừng trong bụng, hắn sợ bị tra hỏi bằng giọng miền ngoài. Ông ta ân cần hỏi hắn đêm qua ngủ ngon không, phòng có nóng lắm không. Nghe giọng thân thiện ấy trong bụng hắn cũng bớt lo. Ông ta bảo thôi giờ ta làm việc nhé. Ban đầu ông hỏi về cuộc đời của hắn. Hắn thật thà kể hết. Hắn là con mồ côi, không cha mẹ. Được cô nhi viện Công giáo lượm về nuôi. Lớn lên từ viện cô nhi, được các cha đùm bọc, nuôi nấng và dạy dỗ cho đến khi ra đời đi làm thầy giáo, lấy vợ rồi làm thầy cò cho báo. Ông ta nghe một cách lơ đãng, đốt thuốc liên tục và cậu công an trẻ ngồi bên hí hoáy viết biên bản. Đột nhiên, ông ta chồm người tới trước, dụi điếu thước đang hút dở, nhìn thẳng vào mặt hắn và hỏi: Tại sao anh đi được trên trời, anh đi trên trời để làm gì và thu thập điều gì? Hắn vẫn thủng thẳng kể lại vì buồn chuyện gia đình, bị mất chiếc xe mới sắm, hắn đi ăn thịt chó, say và buồn nên một hôm hắn muốn tự tử. Hắn nhảy từ trên lầu cao để tìm cái chết và không ngờ hắn lại đi được trên trời. Chỉ có vậy. Hắn cũng không biết tại sao hắn lại có khả năng đặc biệt ấy. Ông ta bảo anh có dấu điều gì không? Hắn lắc đầu bảo hắn nói thật, không dấu diếm điều gì. Thật ra, trong lời khai, hắn có dấu hai điều, một là hắn nhìn thấy vợ hắn làm tình với tình nhân trên chiếc giường của vợ chồng hắn. Vì theo hắn nghĩ, ai lại đem cái chuyện thối tha và mất mặt đàn ông ấy kể cho người khác nghe và hắn cũng không muốn nói xấu phụ nữ, nhất là người một thời là vợ hắn. Hai là chuyện lão già bí hiểm cho hắn viên thuốc để đi trên trời. Lão già đã bảo hắn không được nói với ai và hắn cũng nghĩ có nói ra cũng chẳng ai tin, lại bảo hắn phịa chuyện thì càng thêm tội. Nên hắn im về hai chi tiết đó. Ông thủ trưởng ngồi nghe, chẳng thấy phản ứng gì trên khuôn mặt khắc khổ. Lúc đó đã trưa, cuộc hỏi cung cũng đã kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Ông đứng dậy, hút tiếp điếu thuốc, đưa cho hắn một điếu rồi đi ra cửa chẳng chào ai. Hắn chẳng đọc lại biên bản, cầm bút ký tên nơi chỗ người khai rồi lại đốt thuốc. Hắn nghĩ cuộc hỏi cung sẽ rất gay cấn, sẽ có những lời hằn học, đe doạ, sẽ có cảnh xô ghế đập bàn. Nhưng tuyệt nhiên không, giống như cuộc nói chuyện của hai người bình thường, thân thiện và hoà nhã. Chính điều đó làm cho hắn muốn điên. Tại sao lại có thể có không khí ấy trong một cơ sở quan trọng của công an. Tại sao không có đe doạ, không có những câu nói thô lỗ thường thấy, không có sử dụng bạo lực như đã từng có. Sau này hắn mới biết vụ này thuộc quyền của trung ương, là trọng án, có chuyên đề rõ ràng. Tuy không phải là vụ buôn ma tuý xuyên quốc gia, cũng không phải là vụ giết người hàng loạt, cũng không phải là vụ án phản động lật đổ chính quyền mà là một việc rất đặc biệt không mang tính hình sự cũng như chính trị nhưng rất quan trọng vì đây là một vụ kỳ lạ chưa từng có ở Việt Nam cũng như trên thế giới: Người đi trên trời.
Hắn lại đưa về phòng cũ sau khi được ăn một dĩa cơm sườn bì chả ngon thật ngon và có thêm gói thuốc đi kèm. Cả đêm qua không ngủ, lòng cũng bớt thấp thỏm, hắn lơ mơ ngủ. Ngủ chưa được bao láu thì nghe bên ngoài có tiếng quát tháo, tiếng đập bàn. Hắn nhỏm dậy, ngó ra. Có một người bị bắt mới bị giải vào, cán bộ đang hỏi cung. Hình như anh này dính vào một vụ cướp gì đấy nhưng anh không nhận, anh bảo anh vô tội. Và cũng hình như bên công an có bằng chứng để kết tội anh. Bên nói qua, bên trả lời lại. Bên bảo có, bên nói không nên anh chàng hỏi cung nổi giận, đấm cho anh kia mấy đấm và cái tát. Hắn trở lại giường, lại thiu thiu ngủ thì nghe tiếng đấm tiếng đá vọng vào. Anh chàng bị cho là cướp bị trói trên ghế, hai tay bị cuộn dây quấn chặt sau lưng, hứng chịu những cú đấm, cú đá vào bụng, vào ngực, vào mặt. Thấy có máu chảy từ mũi của anh ta. Đầu anh ta gục xuống, tóc tai rối bời. Hắn sợ. Hắn nghĩ đến ngày mai có thể là người ngồi trên chiếc ghế ấy và hứng chịu những cú đấm, cú lên gối ấy. Anh chàng ra tay đấm đá lại chính là anh chàng cho anh năm điếu thuốc với nụ cười. Sao con người có khuôn mặt hiền lành thế mà có thể ra tay những đòn ác nghiệt thế nhỉ? Nghĩ đến đấy, hắn lại sợ. Cơn sợ hãi làm hắn toát mồ hôi. Hắn bò về giường, tiếng đấm đá huỳnh huỵch vẫn tiếp tục vọng vào một lát thì ngưng. Có lẽ người ra đòn cũng thấm mệt mà người bị đòn cũng đã gục rồi. Hắn lại ngủ. Được một giấc thì hắn tỉnh dậy. Chiều chập choạng, im ắng quá. Hắn đốt điếu thuốc nhìn ra khung cửa, chợt giật mình. Anh chàng bị cho là cướp hồi chiều đang bị treo nơi cửa sổ, cổ anh bị buộc bằng dây nịt như người treo cổ nhưng không siết hết cỡ. Tay bị trói. Chân anh chạm đất chỉ nhờ mấy ngón chân, chỉ cần anh không rướn người mà cho cả bàn chán sát đất, dây nịt sẽ siết chặt cổ anh và anh sẽ chết vì nghẹn thở. Hắn ngồi hút thuốc nhìn ra, mặt anh đã tái nhợt, tóc rối bê bết. Đôi mắt nhìn như tuyệt vọng, như cầu xin, như căm giận. Người anh ướt sũng nhìn như một kẻ đang chết vì treo cổ. Một lát sau hắn nghe tiếng thở ằng ặc như người bị bóp cổ. Nhìn ra hắn thấy chân anh đã chạm đất có lẽ không chịu được sự mỏi mệt, dây nịt siết mạnh vào cổ anh như chiếc thòng lọng, mặt anh tím tái, mắt lồi ra và miệng há hốc như con cá đớp không khí. Hắn chạy ra, đỡ anh lên và nới vòng dây nịt. Anh vẫn khò khè thở, mặt tím tái và lưỡi thè ra, nước dãi chảy xuống ngực. Hắn la lên có người chết, có người chết. Tiếng la trong phòng trống vọng lại như tiếng echo của cái ampli hỏng. Hắn lại tiếp tục hét to hơn, có người chết, cứu với, có người chết. Một lát sau có hai anh công an chạy vào, cùng với hắn đỡ anh ta xuống. Anh ta vẫn chưa tỉnh dù dây nịt đã tháo ra khỏi cổ. Anh nằm yên không động đậy. Một anh công an làm động tác hô hấp nhân tạo, một anh kề miệng thở qua miệng của anh. Một lúc sau anh mở mắt, hai dòng nước mắt chảy dài. Anh nhìn mọi người, không nói, chỉ nấc một tiếng rồi im.
Đêm đó, anh được ngủ cùng phòng với hắn. Anh kể anh là shipper, đi giao hàng cho nhà ông cán bộ. Biệt thự không có ai, anh bấm chuông mấy lần mà không người mở cửa, đành quay xe đi. Ai dè nhà ông cán bộ lãnh đạo đó sau hoặc trước đó đã bị cướp, nghe bảo mất tiền, vàng, đô la, hột soàn nhiều lắm. Công an đến điều tra, mở camera thấy mặt của anh bị thu hình trong đấy còn bọn cướp chắc chúng đã dùng gì đó che khuất camera lúc tiến trình vụ cướp. Căn cứ vào đó, công an bắt anh, cố ghép anh nhận tội. Nhưng mà anh đâu có cướp đâu mà nhận. Mà nhận rồi lấy quái chi mà bù. Có phải vài trăm, vài triệu đâu, vụ này bị mất vài chục tỷ, anh lấy đâu mà đền, nhận để mà đi tù rục cương à. Nên anh quyết không nhận. Anh cám ơn hắn đã cứu anh, nếu hắn không phát hiện kịp, chắc giờ anh ấy đã thành xác chết nằm trong ngăn lạnh rồi. Từ tờ mờ sáng, người ta giải anh đi đâu không biết, hắn chẳng rõ rồi số phận anh sẽ ra sao.
7.
Sáng hôm đó hắn cũng bị giải đi, xe chở hắn đến sân bay, đi kèm có hai công an nữa. Hắn bị di lý ra Hà Nội. Ở Hà Nội suốt mấy tuần lễ, người ta cũng hỏi mãi về nhân thân hắn, vì sao hắn đi được trên trời. Hắn cứ phải lặp đi lặp lại từng đấy lời khai. Lần nào cũng dấu nhẹm vụ vợ hắn ngoại tình và chuyện lão già bí hiểm. Có một lần một ông chắc là quan to, hỏi hắn sao đi được trên trời và cũng như mọi lần hắn kể hết như đã từng khai. Ông ta lúc đầu còn anh tôi, sau thì nổi điên đập bàn nói lớn: Địt mẹ, tao ăn thịt chó từ lúc còn là bào thai cho đến giờ đã gần hết đời người, làm đéo gì có chuyện ăn thịt chó mà bay được. Thằng này láo. Hắn vẫn điềm nhiên khai như thế và tất cả những lần sau cũng khai không khác. Người ta chở hắn đến bệnh viện, bác sĩ lấy máu, lấy nước tiểu, lấy phân, soi ruột, chọc lấy tuỷ của hắn đi xét nghiệm. Họ còn chích phóng xạ rồi đẩy hắn vào một cái lò để nghiên cứu. Rồi đi chụp xương, chụp cơ. Không ít lần bác sĩ đến đo huyết áp, nhịp tim, kiểm tra phản xạ các cơ. Nói chung là kiểm tra toàn bộ cơ thể hắn, nhưng hình như họ không tìm thấy điều gì bất thường.
Một buổi chiều, một đoàn xe đến chở hắn đi. Đường đi khá xa. Đến khoảng tối thì đến một thung lũng xanh tươi, bốn bề là những vách núi đá. Đoàn đi đông lắm, có nhiều quan to, bụng bự, kè kè đám bảo vệ. Cũng có nhiều người hắn nghe loáng thoáng mấy người trao đổi với nhau là các nhà khoa học của Viện nghiên cứu nào đó. Còn có mấy ông Trung Quốc và cả Nga xô nữa. Đoàn có hai chiếc xe chở máy móc lỉnh kỉnh, dây nhợ lòng thòng. Đến nơi, họ cho hắn uống một ly màu trắng như sữa nhưng chẳng có mùi vị gì rồi gắn cho hắn cái tai nghe điều khiển từ mặt đất. Trang bị xong đoàn yêu cầu hắn đi trên trời cho mọi người xem. Hắn tuân lệnh ngay đâu dám cãi. Hắn đi bộ một quãng ngắn rồi nhún mình kên, đi từ thấp lên cao như đi giữa đường phố vậy. Cả đoàn há hốc mồm nhìn theo như những đứa trẻ ngóng con diều của mình đang bay trên trời cao. Hắn đi vòng vòng, rẽ trái, qua phải, lên cao, xuống thấp theo lệnh từ phía dưới. Hắn nghĩ nếu muốn trốn, hắn chỉ càn không theo hiệu lệnh, đi thẳng một mạch là xong ngay. Nhưng rồi đi về đâu, rồi sẽ sống như thế nào, công an Việt Nam hay lắm, khi đã muốn tìm, dù ở chân trời góc bể, xó xỉnh nào họ cũng tìm ra. Đành thôi, làm robot cho họ điều khiển và thực hành theo lệnh của họ. Đi trên trời cao, dù đang thân tù tội hắn vẫn cảm thấy sướng, thấy lòng thanh thản ngước lên nhìn thấy bầu trời với các vì sao, ngó xuống thấy biển, thấy sông, thấy hồ, thấy suối, thấy rừng cây xanh, ruộng đồng bát ngát mênh mông.
Đi được khoảng hai giờ, có lệnh đi xuống, hắn như vừa rời giấc mơ bước xuống. Người ta quấn vào người hắn đủ thứ dây. Đội cho hắn cái mũ như phi hành gia vũ trụ, mang cho hắn một đôi giày nặng như chì rồi bỏ hắn vào một cái xuồng đấy các mặt đồng hồ có đèn xanh đỏ. Có tiếng tít tít, có tiếng rè rè, tiếng như nước chảy, xe chạy, tiếng đạn nổ, tiếng ì ầm như bom. Mọi chuyện kéo dài gần cả giờ. Lại leo lên xe, chạy về. Trên xe mọi người nhìn hắn như hắn là người hành tinh. Mấy cha Tàu với mấy thằng Nga thì huyên thuyên nói gì với nhau liên tục.
8.
Gần tuần lễ sau thì hắn được thả. Hắn đến sân bay Nội Bài với một tài xế. Đến nơi, tài xế đưa cho hắn một chiếc vé bay chuyến 21:00. Hắn về một mình, không ai đi kèm, có nghĩa là hắn đã được tự do. Về đến nhà đã nửa đêm, hắn leo lên nhà ngủ một giấc cho đến sáng, mong rằng mọi chuyện sẽ qua. Từ đây hắn sẽ được yên ổn để sống. Sáng ra, hắn đến toà soạn trình diện nhưng tay trưởng phòng báo cho hắn biết hắn đã bị đuổi việc. Hắn lặng lẽ đi về không một thắc mắc. Có lẽ ở toà báo chẳng có ai biết hắn là người đi trên trời ngoài cái thằng mỏ nhọn. Nhưng cái mỏ nịnh nọt của nó chắc cũng có lệnh khoá rồi nên nó im thin thít. Hắn đi lang thang trên phố suốt cả ngày, đầu trống rỗng, chẳng tính chi được ngày mai. Buổi tối ăn cơm bình dân bên vỉa hè, hắn có uống miếng rượu giải sầu, đầu cũng lâng lâng. Hắn đi bộ về khu nhà lúc đã khuya, đường bắt đầu vắng. Ngọn đè đường vàng vọt đồ bóng hắn in xuống đường đơn côi. Hắn buồn, Rất buồn. Hắn thấy cuộc đời bế tắc, tương lai mịt mờ. Đang đi, hắn tự nhủ bay lên một cái nào, đi lên trời lang thang suốt đêm nay để quên hết những thứ khốn khổ ở trần gian xô bồ này. Và hắn nhảy lên một cú thật cao để mở đầu một chuyến. Nhưng hắn không đi trên trời được nữa, cú nhảy đã làm cho hắn ngã quỵ, hai chân gãy mất rồi. Hắn gục xuống như thân cây bị đốn ngã. Hắn nằm một đống trong cơn đau tột cùng. Trong cơn mơ màng, hắn thấy lão già bí hiểm xuất hiện, móm mém cười và vẫy tay với hắn. Lão biến mất là hắn ngất đi, không còn biết gì nữa.
Phần cuối truyện
Hắn tỉnh dậy thấy mình đang ở trong bệnh viện, hai chân bó bột trắng xoá, cơn đau còn âm ĩ. Đầu giường có chiếc xe lăn mới tinh được để sẵn. Nửa tháng ở bệnh viện, cơm nước, thuốc men đầy đủ, hắn lo không biết lấy tiền đâu mà trả đây. Hắn nghĩ đến chuyện trốn viện, nhưng hắn vốn là người lương thiện nên suy nghĩ đó qua nhanh rồi mất hút. Ngày ra viện, hắn đến phòng nhận giấy xuất viện mà lòng đầy lo âu, không biết xử trí thế nào. Khi nhận giấy, cô nhAn viên chẳng hỏi tiền bạc gì còn cười chúc hắn mau khoẻ. Hắn hỏi chi phí bao nhiêu và có thể trả theo cách nào? Cô gái lại cười bảo ông nội anh trả hết rồi, xe lăn ổng cũng mua cho anh đó. Mà nói thiệt nghe, ông của anh tu theo đạo nào mà ăn mặc như trong phim kiếm hiệp của Hồng Kông vậy? Hắn không trả lời, lăn xe đi, trong đầu nghĩ đến lão già bí hiểm. Lão là ai? Sao lão lại theo hắn mãi thế? Cứ đến phút 89 là có mặt lão xuất hiện. Lạ thế chứ.
Từ đấy, ngày ngày nơi góc phố gần cái chung cư đang xuống cấp, có một người đàn ông không già mà cũng chẳng trẻ, khuôn mặt sáng nhưng đượm buồn, hai chân bó bột trắng, ngồi trên xe lăn ôm đàn hát những bài tình ca của một thời. Giọng anh có tình, tiếng đàn anh réo rắt nên khách qua đường cũng nhiều người cho anh tiền vào cái mũ da đã sờn để trước mặt. Người qua, kẻ lại nhưng chẳng ai biết anh què trước mặt là người đã từng đi trên trời nhưng giờ này anh không còn đi được trên trời nữa mà đi dưới đất cũng không xong, phải di chuyển bằng chiếc xe lăn.
Một hôm hắn thấy lão xuất hiện bên kia đường. Lão vẫn thế, vẫn bộ áo quần đó, chiếc mũ đó, đôi tay khẳng khiu đó, khuôn mặt tái sắc nhọn đó. Lão đưa tay vẫy hắn, hắn vẫy tay chào lại. Và đó là lần cuối cùng hắn gặp lão. Lần cuối cùng.
Hôm nay là ngày thứ 10 Sài Gòn bị phong toả. Ngày nay tui làm được một chuyện thấy khoái trong bụng quá chừng là hoàn tất được một truyện ngắn đã viết dang dở mấy năm nay. Đó là truyện NGƯỜI ĐI TRÊN TRỜI. Nhà có sâm banh mà thời dịch vật bạn bè đâu mà cho nổ, đành uống nước sả chanh gừng vậy. Chuyện dịch cúm Tàu thì còn nhiều mà hôm nay mổ cò nhiều quá, đầu hết chữ, tay mỏi rồi.