Latest Post

































Voọc Chà vá chân đỏ hay còn gọi là Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) thuộc họ Khỉ Cựu Thế giới (để phân biệt với loài khỉ tân thế giới), và là loài có màu sắc rực rỡ nhất trong số các loài linh trưởng.
Từ "Voọc" trong tiếng Việt có nghĩa là "khỉ". Loài voọc này còn có nhiều tên gọi (địa phương) khác như Voọc ngũ sắc, Khỉ chú lính, Giáo hoàng, Dọc, Hoa, Giấu đầu hở đuôi. Đây là loài khỉ sinh sống, ăn và ngủ trên các cành cây trong rừng và hoạt động vào ban ngày. Chà vá chân nâu là loài khỉ ăn lá đặc hữu của vùng Đông Dương, chủ yếu phân bố ở Việt Nam, Lào và một phần nhỏ ở Đông Bắc Campuchia. Hiện nay chúng là một trong những động vật quý hiếm cần được bảo vệ.
Chà vá chân nâu được giới khoa học biết đến từ năm 1771 và ghi nhận xuất xứ từ "Cochin-China" nhưng lúc bấy giờ chúng được coi như một nhóm gồm ba phân loài: P. nemaeus nemaeus, P. nemaeus cinerea, và P. nemaeus nigripes. Mãi đến cuối thế kỷ 20 giới khoa học mới sắp xếp lại và kết luận rằng chúng là một loài riêng, mang tên P. nemaeus.
Thế giới: khu vực Đông Dương gồm Việt Nam, Nam Lào và phần nhỏ thuộc Đông Bắc Campuchia.
Việt Nam: chỉ phân bố từ tỉnh Nghệ An đến Kon Tum.
Vooc chà vá chân nâu sống trong các khu rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới, rừng nửa rụng lá, đôi khi là rừng thứ sinh thường xanh, rừng núi đá vôi, hoặc rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim. Chúng thường chỉ sinh sống, di chuyển trên các tầng tán cây cao trong rừng nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn đi xuống đất để uống nước hoặc ăn đất để bổ sung thêm chất khoáng.
Voọc chà vá chân nâu là loài có màu sắc rực rỡ nhất trong các loài linh trưởng. Chúng được biết mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” cũng bởi vẻ ngoài xinh đẹp và độc đáo. Từ đầu gối đến mắt cá chân của Voọc chà vá chân nâu giống như “đôi tất dài màu nâu đỏ”, cẳng tay trước của chúng như được phủ một lớp găng tay trắng. Bàn tay và đôi chân lại có màu đen. Voọc chà vá chân nâu có vành râu quai nón màu trắng và thường của con đực sẽ rậm rạp hơn. Đuôi dài màu trắng và có cụm lông trắng ở phía cuối. Phần bụng và lưng có màu xám. Bộ lông trên cơ thể là tổng hợp hài hòa của 5 màu đen, xám, trắng, nâu đỏ, cam nên còn được gọi là vooc ngũ sắc.
Cá thể trưởng thành có trọng lượng cơ thể trung bình ở con đực và con cái tương ứng 11 kg và 8,44 kg. Kích thước thân trung bình khoảng 61 cm ở con đực và 55 cm ở con cái. Đuôi thuôn và dài 55–76 cm. Ở con đực có hai túm lông trắng ở hai góc phía trên gốc đuôi hình tam giác.
Cả ba loại chà vá nói chung (Pygathrix nemaeus, Pygathrix cinerea và Pygathrix nigripes) có thân lông xám với vết lông trắng ở mông. Lông vai và tay màu đen. Lông trên đầu màu xám nhưng có một vành đen phía trên trán. Chúng có vành râu quai nón màu trắng trong khi phía cổ thì lông màu dà, hung đỏ. Mắt chúng hơi xếch. Tay chà vá dài hơn chân. Đuôi dài, sắc lông trắng.
Khác biệt giữa ba loại chà vá là lông từ mông trở xuống. Chà vá chân đỏ, như tên đặt cho chúng, có cặp chân màu nâu đỏ. Hai cánh tay cũng xám. Chúng có họ rất gần với chà vá chân xám trong khi chà vá chân đen theo giảo nghiệm thì có họ xa hơn.
Voọc, giống như các loài khỉ khác, thích sống bầy đàn. Chúng sống trong nhóm từ 4 đến 15 con nhưng đã từng ghi lại được nhóm lên tới 50 con. Một nhóm thường có một hoặc vài con đực và trung bình sẽ có hai con cái nếu có một con đực. Cả con cái và con đực đều biết vị trí của mình trong đàn và con đực thường có vị trí cao hơn con cái. Cả con đực và con cái cuối cùng rồi sẽ rời khỏi đàn nơi chúng được sinh ra.
Giống các loài khác thuộc họ Khỉ cựu thế giới, đuôi của chúng không dùng để cầm nắm. Đuôi chỉ được sử dụng cho một mục đích duy nhất là cân bằng. Chúng dùng tay và chân để di chuyển trong rừng. Một khi đã bắt đầu di chuyển cả nhóm sẽ được dẫn dắt bởi con đực đầu đàn, với những con đực trẻ ở phía sau, con cái và con non an toàn ở giữa. Loài voọc này sống trên cao, chúng di chuyển ở trên các tán rừng. Chúng rất nhanh nhẹn và thường có thể nhảy tới 6 mét (20 feet), với cánh tay dang rộng qua đầu, chúng đẩy chi dưới về phía trước và tiếp đất bằng 2 chân.
Bình thường, chà vá chân nâu sẽ di chuyển một cách ồn ào từ cành này sang cành khác qua khu rừng, đi qua các tán cây, nhảy nhót trên các cành và nhún nhảy bằng 2 chân cùng lúc, thể hiện khả năng giữ cân bằng tuyệt vời của mình. Nhưng khi có biến, bởi kẻ săn mồi hay những mối nguy hiểm khác, chúng có thể chạy trốn một cách yên lặng qua những cành cây, ra xa khỏi mối nguy hiểm. Nếu chúng giật mình, chúng có thể kêu lớn, nháo nhác quanh các cành cây. Nhưng ngược lại với những lần di chuyển ồn ã, chà vá dành phần lớn thời gian để ăn trong yên lặng, tiêu hóa đống thức ăn, liu diu ngủ và chải lông cho nhau.
Loài khỉ này giao tiếp thông qua biểu cảm khuôn mặt. Nó như một màn biểu diễn khuôn mặt với cái miệng há rộng, răng nhe ra và cằm hướng về phía trước. Thỉnh thoảng, chúng nhắm mắt, quờ quạng nhau mà không để tâm tới mối nguy hiểm khi ở trên các cành cao. Cái nhìn chằm chằm thể hiện sự đe dọa. Mặt nhăn nhó, miệng mở rộng và răng nhe ra cho thấy thái độ tuân phục sau khi bị nhìn chằm chằm. Biểu hiện này cũng thường thấy khi chúng bắt đầu chài lông cho nhau và chơi đùa. Chà vá chân nâu gầm gừ ở âm vực thấp, thể hiện sự đe dọa và kêu ré lên khi phải chịu đau.
Về tập tính giao phối và sinh sản, hiện chưa có đầy đủ thông tin mô tả quá trình này ngoài tự nhiên. Các quan sát và nghiên cứu trong môi trường nuôi nhốt ghi nhận: trước khi giao phối, cả con đực và con cái đều ra dấu hiệu bằng cách giơ cằm ra, lông mày nhếch cao và đầu cúi xuống. Con cái sẽ di chuyển trước, cắm mặt xuống cành cây, mắt nhìn vào con đực đã chọn. Con đực sẽ quay lại nhìn thẳng và có thể quay đi tìm nơi mà nó cho là phù hợp để giao phối.
Giai đoạn giao phối diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12. Giai đoạn mang thai kéo dài trong khoảng từ 165 đến 190 ngày, con cái sẽ sinh một con non vừa đúng trước mùa quả chín. Sinh đôi thường rất hiếm. Con non khi chào đời mắt đã mở to và bám vào mẹ một cách bản năng. Voọc con mới sinh có lông vàng cam, mặt màu đen, từ 8 - 24 tháng tuổi màu lông và màu mặt mới chuyển dần sang màu sắc của con trưởng thành. Trong môi trường nuôi nhốt, những thành viên khác trong nhóm cũng chăm sóc con non và những con cái khác có thể còn cho nó bú. Một nghiên cứu đã ghi nhận: con non được nhận nuôi sẽ do hai con cái và một con đực trong đàn chăm sóc. Con cái có thể bắt đầu giao phối khi đủ 4 tuổi trong khi con đực phải mất từ 4-5 năm. Vòng đời của chúng dài khoảng 25 năm.
Thức ăn của chúng chủ yếu bao gồm lá cây nhiều chất xơ. Thuộc phân loài Colobinae hay loài khỉ ăn lá, chúng có dạ dày to chia làm các túi chứa vi sinh giúp tách cellulose trong lá cây qua quá trình lên men, điều này khiến cho bụng của loài chà vá luôn phồng lên. Chúng cũng hay ợ do khí thải ra từ quá trình lên men này. Chà vá chân nâu thích ăn những lá non, nhỏ và mềm nhưng cũng thích hoa quả như quả sung, nụ, cuống lá, hoa và hạt. Chúng lấy được đủ chất lỏng và protein chúng cần từ thức ăn mà không cần phải xuống tận mặt đất để uống nước. Loài khỉ này ăn tới 50 loại thực vật khác nhau nhưng không ăn thịt loài động vật nào. Thói quen ăn uống bừa bãi và hỗn tạp của chúng đã làm rơi nhiều thức ăn xuống mặt đất: là khô, quả chưa chín hoặc hoa quả quá chín. Chúng ăn một cách hòa bình bên cạnh nhau, chia sẻ thức ăn mà không tranh giành. Thường thì chúng chia sẻ một tán lá, chúng dùng tay tách tán lá đó ra chia cho nhau, đây là một hành động hào hiệp mà hiếmm loài Khỉ cựu thế giới nào có.
Voọc chà vá chân nâu được xếp hạng Nguy cấp (EN) trong Sách đỏ Thế giới IUCN và EN - Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam cũng như trong danh sách bị cấm buôn bán toàn cầu của CITES.. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm săn bắt, buôn bán voọc chà vá chân nâu dưới mọi hình thức (Nghị định 32 ND-CP/2006 của Chính phủ).
Săn bắt và mất môi trường sống là nguyên nhân làm số lượng chủng quần của vọoc suy giảm nghiêm trọng. Người dân các địa phương thường săn bắn loài này làm thực phẩm hoặc nấu cao để sử dụng như một loại thuốc gia truyền. Ngoài ra, voọc chà vá chân nâu còn được bán để nuôi làm cảnh hoặc làm thú nhồi bông. Hiện nay môi trường sống của loài ngày càng bị phân tán và thu hẹp do nạn khai thác gỗ và chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng.
Số lượng: Hiện tại chưa có đánh giá toàn bộ số lượng cá thể của loài này ở trên 3 nước và cả trên nước Việt Nam. Tại Sơn Trà, Đà Nẵng, nơi tập trung một số lượng lớn voọc chà vá chân nâu có thể quan sát dễ dàng ngoài tự nhiên, nghiên cứu mới nhất của trung tâm GreenViet (2017) xác nhận ở đây có quần thể voọc chà vá chân nâu lớn nhất được ghi nhận từ trước tới nay với số lượng là khoảng 1300 cá thể. Ngoài ra, ở Việt Nam, có một quần thể lớn voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
(Theo Wikipedia)
Hình chụp ở núi Sơn Chà(Đà Nẵng)


Đâu rồi tà lụa trắng
Còn đây tấm áo nâu
Mắt sáng lòa ánh nắng
Trả lại bấy nhiêu sầu
Người gởi lại hôm qua
Cho gió thôi cơn bão
Chữ nghĩa đã nhạt nhoà
Nay trở thành di cảo
Chiều đi qua trang kinh
Chữ trôi trên tràng hạt
Nụ cười tươi môi xinh
Mặt người như Bồ Tát
Búp sen nào xanh ngát
Hé nhuỵ giữa bàn tay
Con chim cất tiếng hát
Trăng nở giữa ban ngày
Người chọn chiếc áo nâu
Sánh vai cùng ánh sáng
Đi tìm lẽ nhiệm mầu
Trâi tim mùa giải hạn
Người giã từ áo lụa
Ta giữ mấy mươi năm
Ta còn trong bóng tối
Mệt mỏi chọn chỗ nằm
Ta suốt đời phàm phu
Ôm tháng năm bối rối
Giữa một cõi sa mù
Tìm hoài không thấy cội
Ta còn bao nhiêu tội
Sám hối với mây trời
Cầm trong tay tà lụa
Gởi trả lại trùng khơi
Người băng qua niềm đau
Ta loay hoay nối tiếc
Người nghĩ chuyện mai sau
Ta nhớ hoài mắt biếc
Xin phần đời còn lại
Người mãi mãi an nhiên
Ta vẫn còn ngây dại
Đành trăn trở mọi miền.
25.5.2019
DODUYNGOC


Người đi rồi ta chẳng đợi đâu
Chỉ thấy thân mình lên cơn đau
Con tim cứ đánh hoài loạn nhịp
Và nhát dao nào đâm rất sâu
Người đi rồi ta không chờ đâu
Ta cũng chẳng buồn nói đôi câu
Trời buông mây xám màu ly biệt
Cây cọ đưa lên chẳng có màu
Chưa qua tháng sáu mà mưa mãi
Ta đội mưa về ướt sũng vai
Đọng đôi mắt đó đầy trên lá
Tiếc tóc còn đâu để lược cài
Người đi rồi ta còn đêm thâu
Soi đêm đen với ngọn đèn dầu
Sẽ tàn lụi như từng sợi bấc
Mốt mai nảy đời trôi về đâu
Ta không buổn lối người đã chọn
Tuy ngậm ngùi lẫn chút xôn xao
Ta chỉ gởi một bàn tay vẫy
Đưa tới hư không thế tiếng chào
22.5.2019
DODUYNGOC























Sài gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thề giới nữa. Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè Kampuchia, món sushi của Nhật, món piza của Ý, món cari của Ấn, món nướng của Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Singapore, món Dim sum Hồng Kông...và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.
Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu xuân, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.
Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.
Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng. Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.
Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.
Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của văn hóa dân gian Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thuỷ.....
Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.
Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.
Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực ..tắc, sực...tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.
Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.
Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hoà thành một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam...Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cắng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!
Sau này còn có Hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai ăn với một loại sauce cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?
Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phầm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chở đợi.
Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng.
Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.
Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.
Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.
Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.
Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.
Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chằc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.
1.3.2018
DODUYNGOC


Tui vốn mang tiếng ba nhe từ nhỏ
Lớn lên hay nói ba lơn
Nhưng có răng mô
Cũng chỉ vui thôi mà
Mạ tui bảo tui ba trợn
Con gái nhà ai mà dám thương mi
Bởi rứa cho nên gần hai chục tuổi tui vẫn chưa có bồ
Mỗi ngày tui đi qua Đập Đá
Mùa hè nắng dội bể đầu
Mùa mưa lội bì bõm
Một mình tui
Tui vô Thành nội đi học vẽ
Người ta vẽ cô gái mặc áo dài
Tui toàn vẽ đàn bà ở lổ
Nhưng mà có ông Thầy khoái tui
Hai Thầy trò khi mô có tiền chạy ra Lạc Thiện ăn bánh khoái
Thầy bảo đàn bà đẹp khi không mặc gì
Rứa mà cứ bắt họ mặc đồ để lên tranh
Tiệm bánh khoái có mấy cô câm
Thầy tui bảo đàn bà không nói là đàn bà khôn lắm.
Có hôm vô quán bún bò mụ Rớt
Thầy nói mi thấy màu đỏ trong tô bún ni không
Mi pha được màu ni là mi ngon rồi đó
Có bữa ra cồn Hến ăn cơm hến
Ớt cay thấy mụ nội
Ỉa rát lỗ đít
Nhưng mà ngon.
Chỉ có người Huế thấy cơm hến ngon
Lạ rứa đó
Một lần đi phía sân vận động Tự Do
Ăn cơm Âm phủ
Thầy tui nói ai cũng sợ chết
Mà lại khoái ăn cơm âm phủ
Rứa mới lạ đời
Tui ngồi ngó rồi ăn chẳng biết nói răng chừ.
Thầy tui dạy tui làm chi thì làm chứ không được hèn
Vẽ chi thì vẽ chứ đừng vẽ bưng bô
Tui không có tiền tui đi làm thợ hồ
Thay vì trét màu lên tranh tui trét ciment để xây tường
Tui đạp xích lô
Thay vì nặn tượng
Ba tháng không vô trường
Người ta đuổi học
Tui hết dám nói ba lơn
Nhưng tui cũng không năn nỉ
Tui bỏ trường tui đi
Tui chỉ tiếc cây cổ thụ xum xuê ở trước sân trường
Với mấy cô người mẫu núm vú thâm chảy dài như trái mướp
Tui nói dạng chân cho tui vẽ mà các cô cứ khép lại hoài
Mấy cô chửi tui đồ ba trợn
Tui bu tàu lửa vô Nam.
Ở đó họ không hiểu ba nhe là chi
Nên chẳng ai nói tui ba nhe
Tui ở xóm kinh nước đen
Họ thường nói Đù má
Tui cũng Đù má
Và tui học nói theo tiếng Sài Gòn
Mới đó mà đã gần năm chục năm.
Thầy tui đã chết vì đói từ năm bảy lăm
Gục trên cầu Tràng Tiền
Chiếc xe đạp chở đàng sau mấy lon sơn đi vẽ khẩu hiệu
Tranh chất đầy nhà chẳng ai mua
Vì bị cho là tranh đồi truỵ
Tui thương thầy tui vì đói mà phải hèn, vì thời mà phải cắn răng vẽ lời ca tụng
Vẫn không đủ cơm ăn
Hôm ni nghe ai đó nói ba lơn
Tự nhiên tui nhớ Huế.
Nhớ Thầy tui
Tui muốn về mà ốt dột không dám về
Bởi vì chừ tui già rồi mà cũng chỉ là thằng đi làm thuê
Bi chừ tui vẽ đàn bà mặc áo
Vì chẳng có ai thuê vẽ tranh con gái ở truồng.
25.9.2018
DODUYNGOC
Tranh của Benito Cerna Leon

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget