Đỗ Duy Ngọc

Latest Post

Đến hôm nay là tròn đúng một tháng tui ở ẩn. Ở ẩn quanh quẩn trên chiếc giường vì bị cứng cơ lưng chứ không phải ẩn tu. Bởi tui không có căn tu, còn là phàm nhân, không đi tu nên làm gì có chuyện ẩn tu. Lý do là vì bịnh nên chẳng đi đâu được. Trong khoảng thời gian ấy, có một lần chống gậy đi họp mặt bạn bè mừng một người bạn từ xa về, ngồi gần hai tiếng về cái lưng đau nặng hơn nên sợ quá, cắm trại trăm phần trăm luôn. Nằm suốt tháng nhưng chẳng viết được chữ nào dù ngoài kia đang lắm chuyện xảy ra làm rung động cả xã hội và lòng cũng ngổn ngang trăm mối.

Thật ra cái lưng bắt đầu đau từ đầu tháng 4, âm ỉ thôi. Tui bị gout nên uống khá nhiều thuốc giảm đau nên rất sợ ảnh hưởng đến thận. Thấy đau lưng là lo nên đến bịnh viện Tâm Anh khám và xét nghiệm. Bác sĩ xem kết quả bảo thận chú còn rất tốt như tuổi năm mươi. Nghe cũng mừng, bớt một mối lo liền rủ người em thường gắn bó với tui qua nhiều chuyến đi ra Đà Nẵng chơi kết hợp gặp gỡ bạn bè thời trung học nhân ngày hội trường thường niên. Cận ngày, vé máy bay hiếm mà giá cao quá nên quyết định đi xe lửa. Đi rồi mới thấy đó là chọn lựa sai lầm. Thời gian đó chưa xuất hiện toa tàu du lịch Sài Gòn-Đà Nẵng như bây giờ nên chuyến đi có nhiều điều không vừa ý. Phòng thì cũng được nhưng phục vụ kém, căn tin bụi bặm, trang bị nghèo nàn và xập xệ, phòng vệ sinh chật hẹp và cáu bẩn, những chiếc xe bán hàng rao như thời bao cấp. Lại thêm cuộc hành trình kéo dài 18 tiếng đồng hồ lắc lư theo bánh xe nghiến trên đường tàu xình xịch chán ngắt. Đến nơi cái lưng lại đau nặng thêm nên đành trả vé tàu mua vé máy bay để trở vào dù giá quá xá đắt.

Về lại Sài Gòn được mấy tuần thì một đêm sau khi ngủ dậy tui không đứng lên được, cơ lưng đau như bị vọp bẻ, không chịu nổi. Khẩn cấp chạy vào Tâm Anh. Nhân viên bảo đau thế này không thể chờ khám được mà phải vào cấp cứu. Thế là vào cấp cứu. Trước tiên là phải đóng tiền, đương nhiên phải thế thôi. Sau đó là một loạt xét nghiệm, siêu âm, chụp hình, MRI... Riêng cái khoản MRI, tay bác sĩ trẻ báo 2 giá, nếu chờ chiều có kết quả thì hơn 3 triệu, nếu muốn có kết quả ngay thì hơn 4 triệu. Báo là thế nhưng anh ta khuyên nên chọn giá cao cho nhanh. Tui nói vừa xét nghiệm tuần trước cũng chính ở bịnh viện này nhưng người ta trả lời là chỉ cần ba ngày có thể kết quả đã thay đổi rồi nên cần xét nghiệm lại. Thì thôi, cũng đành chi tiền thôi. Tổng chi phí gần 9 triệu đồng. 

Đến trưa thì tất cả đã có kết quả. Hai ba ông bác sĩ xem và bàn với nhau gọi là hội chẩn. Tay bác sĩ trẻ thông báo với tui là nghi có một loại virus nào đấy xâm nhập vào hệ thống cột sống của tui gây đau. Anh gợi ý đến bốn, năm lần là phải nằm viện khoảng ba tuần để xem con virus ấy là gì hầu có phác đồ điều trị. Anh ta ra giá luôn là ba tuần chi phí là 170 triệu chưa tính tiền phòng. Tui thấy hơi sai sai về cái vụ virus và thấy hơi khó chịu với vụ đề nghị nằm lại với giá cao như thế. Tui bực mình đề nghị xin về, anh ta lại khuyên tui nên ở lại chữa trị vài lần nữa nhưng tui cương quyết đòi về. Thế là anh ta bắt tui ký một cái giấy với nội dung BS đề nghị nội trú nhưng bịnh nhân đòi về nên bịnh viện hoàn toàn không chịu trách nhiệm. Nghĩ cũng lạ, bịnh tuy đau nhưng bảo là không nguy hiểm tính mạng sao về phải ký giấy cam đoan. Doạ người yếu bóng vía đến thế cơ à? Vào bịnh viện mới thấy người khó khăn dính bịnh là không cách gì xoay xở. Khâu nào cũng tiền, cái khẩu trang, bình diệt khuẩn, cái bao tay của y tá, bác sĩ xử dụng cũng tính thành tiền bắt người bịnh trả. Tốt nhất là đừng để phải vào chốn ấy. Nhưng cuộc đời mà, sinh lão bịnh tử, bịnh như một quy luật khó tránh nên vào viện người ta tha hồ thu tiền mà chẳng thấy cảm thông khó khăn của người bịnh và bịnh nhân cũng chẳng bao giờ dám kêu ca, trả giá.

Về nhà, lê lết trên giường, nghĩ nhiều chuyện. Từ chuyện nhân tình thế thái đến chuyện phận số. Những thước phim của những đoạn đời được nhớ lại, nghĩ về những người đã qua cuộc đời mình và giờ nằm cô độc ở đây. Chờ đợi một lời thăm hỏi, một tin nhắn để lấy đó làm an ủi. Xem lại nhiều hình ảnh để nhớ về một thuở nào đó trong cuộc đời. Quẩn quanh với nhiều ý nghĩ. Nhìn ra những điều tốt đẹp của một người đầu trần chân đất đang đi trên con đường thiên lý. Nghiệm ra những luẩn quẩn của một kiếp nhân sinh. Cố lạc quan nhưng toàn bi quan trong ý nghĩ. Cố nén những cơn đau nhưng nó vẫn hiện diện ở thân thể, cũng đành chấp nhận thôi. Vui còn chia cho người, đau làm sao để sẻ cho ai?

Hằng ngày vẫn có thầy thuốc ở Bệnh viện Y học Dân tộc đến châm cứu, chạy điện, bó thuốc, thuỷ châm. Đã qua một tháng, lưng đau đã có phần thuyên giảm, mong sẽ trở lại bình thường để gặp gỡ bạn bè, để viết vài trang tào lao cho cuộc đời thêm tươi. Rất mong.

Bài viết này như là để trả lời mọi người cứ thắc mắc sao lâu rồi không thấy tui viết gì. Cảm ơn những tin nhắn, những lời thăm hỏi của bạn bè, những người thân quen và của những người tuy chưa gặp mặt nhưng có quan tâm đến tui. Xin cảm ơn.

Sài Gòn 7.6.2024

DODUYNGOC






Hôm nay giỗ Mạ. Đã 15 năm chúng con không còn Mạ. Ba đi trước mấy năm, Mạ đi sau và chúng con trở thành những đứa con mồ côi từ đó. Anh em bây giờ đi bốn phương trời, ngày giỗ chỉ còn mấy đứa. 

Ngày Mạ mất, tôi vừa qua cơn đại phẫu lần thứ ba ở bệnh viện Pháp Việt. Mổ lúc 14:00, gần 17:00 mới tỉnh đang nằm phòng hậu phẫu thì nghe tin Mạ mất lúc 20:00. Thời kỳ Mạ yếu nằm ở BV Tâm Đức, tôi cũng lâm trọng bệnh phải mổ lần đầu ở BV Ung Bướu nên ít thăm Mạ, Mạ trách nhưng tôi dấu không dám nói thật mình bệnh sợ Mạ lo nên đành để Mạ buồn, Mạ giận. Mạ mất, tôi dứt khoát đòi xuất viện dù vừa xong cuộc giải phẫu. Cô Bác sĩ người Pháp mổ cho tôi đành chịu ký giấy cho tôi về nhưng cứ dặn đi dặn lại là phải cách xa người mất, không được lại gần rất nguy hiểm vì dễ nhiễm trùng vết thương. Thế là tôi về nhưng không được nhìn mặt Mạ lần cuối, chỉ đứng xa mà nhìn với dòng nước mắt. Chắc Mạ cũng sẽ thương mà thứ lỗi cho tôi. 

Thời gian cuối đời, Mạ cứ muốn về lại làng Lệ Thuỷ, Quảng Bình, quê của Mạ. Nhưng làm sao đi được khi Mạ đã yếu rồi. Mạ nhớ quê nhà đã xa cách mấy chục năm. Như một lời báo trước, Mạ muốn nhìn quê nhà lần cuối trong đời.

Khi Mạ già Mạ rất khó tánh dù bình thường Mạ cũng khó rồi. Vì vậy nhiều lúc chúng con không làm vừa ý Mạ, Mạ hờn, Mạ trách, Mạ buồn. Những lần giỗ Mạ, tôi tự trách mình có nhiều lần không làm theo ý Mạ.

Giờ Mạ đã được nằm cạnh Ba với anh Hai. Giờ Mạ đã ở trên kia rồi, hay đã đầu thai kiếp khác. Các con vẫn luôn nhớ thương Mạ, vẫn nhớ giọng nói, tiếng cười và thân hình phốp pháp khi tuổi già của Mạ. Vẫn nhớ dáng Mạ trong gian bếp nấu những món ăn ngon cho đàn con hơn chục đứa thời chúng con còn bé. Vẫn nhớ những giọt mồ hôi của Mạ ngồi làm mứt bánh lúc chúng con vừa lớn. Vẫn nhớ không thể nào quên hình ảnh Mạ với chiếc áo dài nhung, chỗi hạt ngọc đeo ở cổ trong những ngày lễ Tết. Giờ con đã là lão già hơn tuổi bảy mươi, cứ nhớ Mạ là muốn khóc. Mỗi lần tôi hát bài Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến, lần nào cũng chảy nước mắt vì nhớ Mạ.

Chiều nay con đốt nén nhang, vái lạy trước khung hình của Mạ và thầm gọi Mạ ơi!

23.4.2024

DODUYNGOC


Ba giờ sáng, không ngủ được, ngồi dậy mở máy vào messenger mục tin nhắn đang chờ xoá bớt tin nhắn, thấy một tin của một người lạ: "Bảo đây. Tìm mày gần 50 năm. Hello Ngọc Nhà Đèn...Tao biết mày không thích cái tên này nhưng vẫn gọi vì tao chỉ nhớ đến cái tính ngông của mày." Ngọc Nhà Đèn, cái nick name này ở đâu ra ta? Tôi nghĩ hoài không ra. Bảo nào? Tôi có nhiều người bạn tên Bảo. Vào Facebook của người này. Nhìn hình lạ hoắc, không gợi khuôn mặt thân quen nào, bèn trả lời:"Xin lỗi bạn, chắc bạn nhầm tôi với ai rồi." Bên kia nhắn lại ngay:"Tôi có người bạn cùng tên, trước học ở ĐHVH phân khoa GD....tất cả giống bạn? Xin lỗi nếu đã nhầm. Cảm ơn bạn đã trả lời." Lại suy nghĩ, nếu học Giáo Dục Vạn Hạnh thì chắc là người có thể không quen nhưng phải biết. Nên viết nhắn lại:" Bạn học Vạn Hạnh khoá nào và phân khoa gì? Tôi cũng có bạn tên Bảo học khoa Sử Địa người Nha Trang". Nhắn thế thôi chứ tôi chưa nghĩ đến người bạn cũ tên Bảo, lâu nay tôi vẫn cố tìm. Trả lời:"Thêm vài chi tiết nữa, may ra bạn nhớ? Cái bức tranh vẽ vội đã nuôi bạn lúc đói mèm vào thời điểm đó. Đúng rồi, tôi đấy. Người đã cùng trọ với Vinh,người DN." Trong lòng tôi vỡ oà niềm vui, đúng là người bạn cũ đây rồi. Tôi nhanh chóng nhắn tiếp:" Trời ơi sao bây giờ khác thế. Bảo người gốc Quảng Bình và nhà ở Nha Trang". Nhắn lại:"Hình như có lần bạn ghé NT ,tụi mình ra biển ngắm sao đêm? Nhớ quá ngày ấy...bác Trần Đới, Bùi Giáng...". Thế rồi hai thằng nối điện thoại nói chuyện với nhau hơn tiếng đồng hồ đến khi trời ửng sáng, nhắc đủ thứ chuyện của hơn 50 năm trước.

Hơn năm mươi năm trước, tôi là thằng sinh viên nghèo từ Đà Nẵng vào Sài Gòn đi học. Vì nhiều lý do khó kể ra, tôi vào Sài Gòn mà không có ai trợ cấp, sống như đứa con hoang. Rất nhiều hôm đói, rất nhiều ngày đói. Lâu lâu có bài đăng báo có được chút tiền còm. Rồi vẽ biểu ngữ, bán tranh, viết thông báo cho trường, thiết kế sân khấu cho Đoàn Văn nghệ Sinh viên Vạn Hạnh do anh Phạm Thế Mỹ làm trưởng đoàn. Thu nhập rất bấp bênh. Túi thường rỗng và bụng rất nhiều lần đói. Không nhớ sao lại có tiền thuê nhà ở hẻm 108 Trần Quang Diệu, căn nhà trống trải chẳng bàn ghế, không giường chiếu có một căn gác lửng bằng gỗ và ngoài sân có cây mận đầy sâu. Từ đường vào nhiều con hẻm ngoằn ngoèo mới đến nhà nằm gần con kinh nước đen. Tôi ở chung với hắn, Trần Ngọc Bảo và mấy người bạn nữa. Hắn cũng vốn gốc Quảng Bình và cũng dân di cư như tôi. Gia đình hắn ở Nha Trang, bố là Trung tá quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Hắn được gia đình tiếp tế hàng tháng, dù không nhiều vì sĩ quan hồi đấy sống nhờ lương lại đông con. Tuy vậy hắn còn khá hơn tôi vì đầu tháng có tiền để ăn học. Hắn thuộc tuýp người hiền lành, không đua đòi ăn chơi nên hợp với tôi, một thằng nghèo rớt mồng tơi ăn còn kiếm không ra lấy gì mà chơi. Hắn để tóc kiểu Beatles, mốt thịnh hành của thanh niên thời ấy, hai mắt to, tròn lúc nào cũng ngơ ngác và khuôn mặt dài. Hắn học cùng phân khoa Giáo Dục, Đại học Vạn Hạnh với tôi nhưng ban Sử Địa còn tôi ban Việt Hán. Hai thằng thường đi học chung với nhau. Đi bộ qua những con hẻm hẹp loanh quanh ra đến đường Trương Minh Giảng. Những lần tôi không có tiền ăn cơm, tôi ăn ké khay cơm của hắn. Hồi đó trường Đại học có câu lạc bộ sinh viên, bán phiếu cơm với giá rẻ cho sinh viên. Mỗi phần ăn gồm một khay có mấy ngăn, ngăn cơm, ngăn canh và ngăn món mặn thường là đậu hủ với vài miếng thịt bạc nhạc hay nửa khúc cá kho. Đồ ăn theo tiêu chuẩn nhưng cơm thì không hạn chế. Hắn mua phiếu, ngồi ăn hết cơm và thức ăn, thay vì mang khay vào trả thì hắn sẽ đứng lên và tôi thay vào chỗ hắn, mang khay vào lấy thêm cơm ra ăn với trái chuối hay chút nước mắm. Nhờ chiêu đó, tôi qua được những cơn đói ngặt nghèo.

Ở chung còn có lão thi sĩ Trần Đới, người có khuôn mặt và hàm râu giống nhà văn Nga nổi tiếng Mikhaylovich Dostoyevsky. Lão cũng là kẻ lang thang, suốt ngày làm thơ và ôm cái đàn mandolin gảy những hợp âm lộn xộn.

Lâu lâu cũng có nhóm bạn âm hồn của tôi ghé vào, toàn là dân biệt kích, không quân lái máy bay chiến đấu đi bỏ bom về và cũng không thiếu vài tay du đãng. Mỗi lần đám đó tụ hội là râm ran, bày đủ trò phá phách nhưng tôi và hắn không bao giờ tham gia. Có một lần tay bạn du đãng của tôi lúc ấy đang dính với một em me Mỹ. Thằng chồng Mỹ của ả đi hành quân, ả và tay giang hồ bạn tôi dọn sạch sành sanh đồ đạc trong nhà mang qua gởi nơi tụi tôi ở trọ. Tôi sợ quá năn nỉ chúng dọn đi gấp. Lần đó MP của Mỹ tìm vào xóm, may mà không phát hiện được gì vì đã chuyển đi trước đó. Hú hồn!

Ở chung cũng có người hoạt động Việt Cộng. Tụi tôi biết nhưng việc ai nấy làm, đời ai nấy sống, hồn ai nấy giữ nên cũng chẳng quan tâm. Sau 75 người này làm việc bên Sở Văn Hoá Thành phố.

Ở chung với nhau một thời gian thì tan hàng, mỗi đứa một phương. Trải qua bao nhiêu biến cố và đổi thay của thời cuộc cùng đời sống của mỗi người nên chẳng liên lạc gì với nhau. Nhất là sau 75, tan hàng, rã đám tôi và hắn bặt tin nhau. Tôi đôi khi cũng hỏi thăm về hắn nhưng chẳng ai biết. Tôi nghĩ chắc hắn di tản hay vượt biên rồi vì gia đình hắn ở Nha Trang sát biển và bố hắn lại là sĩ quan cao cấp VNCH. Giờ gặp lại hắn cho biết là trong những ngày cuối của cuộc chiến, hắn được lùa đi với đám lính Đại Hàn nên rời Việt Nam rất sớm. Bố hắn kẹt lại đi cải tạo mấy năm.

Giờ hắn định cư ở Úc, đã có chắt rồi và hắn bảo hắn tìm tôi hơn 50 năm nay giờ mới gặp qua Facebook. Cũng cảm ơn Facebook, nhờ nó mà chúng tôi lại tìm được nhau sau bao thăng trầm, biến đổi. Thằng nào cũng đã quá tuổi bảy mươi, nằm nhắc lại những kỷ niệm, ký ức lại tràn về. Nhìn lại những năm tháng của một thời, khó khăn nhưng vui, rất vui và nhiều khát vọng ở tương lai. Bây giờ chân đã run, sức đã yếu, sự nghiệp cũng chẳng có gì, những ký ức của ngày tháng cũ tràn về, vẫn nhớ như in những bước chân trong những con hẻm nhỏ, ngôi nhà trống trải, những bữa cơm ở câu lạc bộ sinh viên. Thời gian đi mau quá, chớp mắt đã hơn nửa thế kỷ rồi. Chúc bạn ta và cũng tự chúc mình có sức khỏe và niềm vui với tuổi già. Hy vọng có ngày gặp lại nhau.

6.2.2024

DODUYNGOC 


Hồi còn bé, tôi rất mong ngày Tết. Không phải vì Tết có nhiều món ăn ngon, cũng không phải vì những bộ áo quần mới, cũng chẳng phải Tết có được thêm tiền lì xì. Tôi mong Tết vì cái mùi của Tết. Cái mùi mà bây giờ lên hàng lão tôi khó tìm thấy đủ như những ngày xưa.

Trời đất, thiên nhiên bốn mùa đều có mùi của mùa. Mùa xuân có mùi của cây non trổ lộc, mùi của hương hoa. Mùa hạ có mùi của nắng, mùi của mồ hôi, mùi gió biển và mùi cá khô phơi tràn bãi cát. Mùa thu có mùi của lá vàng, của gió thu lướt trong không khí, mùi của nắng vàng mật ngọt. Mùa đông có mùi của bếp lửa, của bắp nướng, của chén khoai khô ngào đường và mùi của những cơn gió cắt da. Nó còn cái mùi của những chiếc áo ấm cất lâu trong tủ mang ra còn vương mùi long não. Mùi của Tết khác hẳn, nó không phải là mùi của bốn mùa gộp lại mà nó có mùi rất riêng. Tôi gọi đó là MÙI CỦA TẾT. Mùi này một năm chỉ có một thời gian rất ngắn rồi phai đi chờ đến Tết năm sau.


Trước hết, trong tôi là mùi của hoa. Đó là mùi hăng hắc độc đáo và nồng nàn của những chậu hoa vạn thọ mà Ba tôi rất thích bày khắp sân mỗi dịp Tết về. Những chậu hoa với những bông vàng rực, sáng cả một góc sân. Đó là hương của những cành hoa huệ trắng Mạ ưa cắm trong chiếc bình bằng đồng được đánh bóng sáng ngời đặt trên bàn thờ. Ngay phòng khách mùi hoa lay ơn đỏ Mạ cắm đặt ở bàn salon cũng có mùi nhè nhẹ. Đó là mùi thơm thoang thoảng của những chậu lan khoe sắc trên giàn ở bìa sân do nhiều người biếu Ba trong dịp Tết. Đó cũng là mùi thơm rất mỏng từ chậu mai vàng nhiều cánh nở bung được đặt trang trọng ở giữa nhà. Tất cả hương của những thứ hoa bàng bạc trong nhà báo hiệu đã cận Tết rồi.

Mùi của Tết còn là mùi của nhang, trầm khiến cho căn nhà ấm lại trong cái lạnh đầu xuân. Mùi nhang khói như sợi dây nối liền những người đã khuất với những người đang sống. Mùi để nhớ về, mùi của những cuộc đoàn viên. Cháu con thắp lên cây nhang, đốt lên ánh nến, mẩu trầm rồi vái lạy trước bàn thờ, trước di ảnh của ông bà, cha mẹ. Cái mùi nhang khói ấy theo mãi suốt một đời người.

Đó còn là mùi thơm của thau mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me Mạ làm. Cái mùi cháy của đường phảng phất mùi va ni cuốn hút thằng bé chực chờ được vét thau. Cái mùi và miếng mứt hơi cháy ở đáy thau theo thằng bé đi suốt cho đến tuổi già. Giờ không mấy nhà tự làm mứt nữa, tiệm, siêu thị bán đầy, chẳng mấy ai mất công ngồi đổ mồ hôi bên bếp lửa. Mạ tôi mất hai chục năm rồi, tôi không còn được thưởng thức món mứt của Mạ và cũng chẳng còn được nhìn dáng Mạ chảy mồ hôi bên nhiều thau mứt nữa. Bóng Mạ vẫn về trong ký ức mỗi độ Tết đến, xuân về.

Tết còn có mùi của các loại bánh in. Ngày xưa Mạ làm đủ loại bánh gói trong những loại giấy bóng màu. Mùi của bánh thơm thơm hương bưởi, hương va ni, mùi của bột. Tất cả đặt trong những chiếc khay gỗ quý khảm xà cừ. Nó còn là mùi của những chén chè đậu xanh, chè khoai tím xếp từng dãy trên bàn. Còn mùi bánh chưng trong thùng sôi sùng sục đêm giao thừa, nó có thoảng nhẹ của mùi nếp chín, mùi của lá chín và mùi chi nữa không tả được và cũng chẳng quên được.

Còn mùi của thịt heo luộc, thịt heo ngày xưa luộc chín có mùi thơm của thịt mà bây giờ khó tìm thấy nữa. Thịt luộc chín ăn đã ngon, ngâm vào nước mắm lại càng ngon. Ngâm đến khi thịt biến màu sẫm, mỡ trong màu hổ phách. Lúc đấy miếng thịt heo ngâm nước mắm lại mang mùi khác. Không phải mùi của thịt jambon, thịt nguội mà là mùi đúng chất Việt Nam bởi nó thấm đẫm mùi nước mắm Việt qua tay chế biến của người phụ nữ Việt. Cũng phải kể đến mùi của món bắp bò ngâm nước mắm nữa. Và cũng không quên tảng thịt heo quay thơm lạ lùng với những mảng da dòn tan. Đó là chưa kể đến mùi thơm của những đòn chả nóng, xâu nem chua, những cây tré đượm mùi riềng.

Rồi đến mùi hăng hăng của kiệu. Phơi một nắng, kiệu bỏ vào lọ giấm lại có mùi khác. Thêm mùi của dưa món, ngâm chín tới mà ăn với bánh chưng, bánh tét mới thấy hết cái ngon của dưa món. Một sự hoà điệu tuyệt vời.

Nó còn là mùi của những bếp than hồng đỏ lửa trên đó có nồi thịt kho tàu với trứng, trên đó có nồi cá kho thơm phức mùi nghệ, trên đó có mùi cá nướng, cá chiên chuẩn bị bữa cúng rước ông bà.

À còn mùi của những loại rau. Rau thơm miền Trung nhỏ lá nhưng thơm hơn nhiều vùng lá to mà tinh dầu kém. Món chi ăn cũng có rau kèm, ngày Tết ăn nhiều dầu mỡ lại càng cần rau.

Ngày xưa còn có mùi pháo. Mùi mang âm hưởng Tết nhiều nhất. Nghe mùi pháo là biết Tết đã tới rất gần. Đêm Giao thừa, trong khoảnh khắc giao thoa giữa cái cũ và cái mới, trong không gian thiêng liêng, mùi pháo, tiếng pháo báo hiệu Tết tới, thể hiện không khí rộn ràng của một năm mới, đón chào những thành công mới. Chỉ tiếc giờ đây Tết không còn pháo. Không tiếng nổ của pháo nên mùi của Tết thiếu đi một nửa khi không còn mùi pháo. Đứa bé ngày xưa chỉ giữ mãi hình ảnh những phong pháo nổ dòn và cậu bé hân hoan lượm pháo lép trong mùi nồng nặc của khói pháo. Tội nghiệp những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khi Tết không còn pháo. Trong ký ức của chúng không có mùi của pháo. Không được nghe những tiếng nổ giòn giã và xác pháo hồng ngập sân.

Mùi của giấy tiền, vàng mã cũng là mùi của Tết dù ngày giỗ chạp cũng thường đốt loại này. Nhưng ngày Tết thì mùi này có khác hơn, đượm mùi thiêng liêng, trân trọng hơn. Lại nhớ Ba mỗi lần đốt vàng
mã, Ba bắt phải đốt cháy hết thành tro, Ba bảo không thể cúng cho ông bà áo quần, tiền vàng rách vì chưa cháy hết.

Cuối cùng là mùi của những dĩa trái cây, mỗi loại trái có một mùi riêng, tổng hợp lại thành mùi hoa quả ngày Tết đến.

Mùi của Tết là sự tổng hoà của nhiều mùi mà chỉ có ngày Tết mới có. Nó không chỉ là mùi của những vật phầm. Nó còn là mùi thiêng liêng đi theo suốt quãng đời của mỗi người. Có thể mỗi gia đình, mỗi dòng tộc có mùi Tết riêng nhưng tựu trung mùi của Tết là mùi khó quên nhưng giờ khó tìm cho đầy đủ cái mùi ấy như những ngày xưa cũ.

Chẳng còn bao ngày nữa lại đến Tết. Nhắc mùi của Tết lại nhớ Ba, nhớ Mạ, nhớ những người đã mất quá chừng. Nỗi nhớ trào nước mắt.

DODUYNGOC

Tháng 12.2006, lần thứ ba tôi đến Mỹ. Lần đầu tiên đến Mỹ năm trước đó, tôi gặp lại người bạn cũ cùng học ở Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Anh bạn ở một mình trong một Appartement khu Fullerton, California. Một căn nhà chỉ có một phòng ngủ và cái bếp nhỏ. Tôi thích ở đó vì được tự do hút thuốc, tự do ăn mặc, khỏi phải giữ kẽ và chào hỏi ai dù phải trải nệm ngủ dưới đất. Lần này cũng thế, tôi chọn về căn phòng của anh thay vì đến nhà cô em hay những người bạn khác có nhiều tiện nghi hơn. Lúc này mùa đông nên anh đưa tôi một máy sưởi nhỏ do vậy dù nằm dưới sàn cũng không đến nỗi lạnh lắm. 

Ở được vài hôm thì có vợ chồng người bạn ở Savannah, Georgia về Cali rủ tôi đi Santa Fe, New Mexico rồi ghé Las Vegas chơi. Sau gần tuần lễ lang thang, đêm 24.12, đêm Giáng Sinh, tôi về lại Fullerton. Vợ chồng người bạn đưa tôi về đến nơi thì căn phòng của bạn tôi đóng cửa, một mảnh giấy gài ghi là bạn tôi đi đón Giáng Sinh, vắng mặt mấy hôm. Tôi đang hoang mang chưa biết định đi về đâu, lúc ấy đã hơn 9:00 tối. Bất chợt vợ chồng người bạn có điện thoại, một người bạn của hai chúng tôi hỏi chúng tôi đang ở đâu, anh cũng đang ở Nam Cali. May quá, tôi nhờ anh bạn vừa điện thoại đến đón tôi vì vợ chồng người bạn phải ra phi trường về lại Georgia ngay trong đêm. Đứng chờ hơn tiếng đồng hồ trong gió lạnh, người bạn xuất hiện cùng với một người bạn mới. Chúng tôi đi tìm quán ăn và uống rượu nhưng hầu như các hàng quán đều đóng cửa. Phố vắng vì ở Mỹ, Giáng Sinh là dịp để mọi người cùng ở nhà vui vẻ với nhau, chứ không tuôn ra đường như ở xứ ta. 

Đêm đã khuya, những ngọn đèn từ những hang đá trước nhà dân nhấp nháy trong hoang vắng và lạnh lẽo. Tôi bảo với anh bạn nhờ kiếm cho tôi một khách sạn ngủ qua đêm. Anh bạn lái xe chạy vòng vòng vì không biết đường. Anh ta ở San Jose, Bắc Cali nên hình như không thông thuộc đường sá chốn này. Xe chạy mãi, qua nhiều ngã tư, nhiều phố vắng hoe
mà không tìm được khách sạn nào. Đã gần nửa đêm, tôi quyết định điện thoại cho anh Trí, anh của một người bạn, hy vọng kiếm chỗ ngủ qua đêm vì giờ này đến nhà người khác sẽ rất bất tiện. Anh Trí khá thân thuộc với tôi hồi còn ở Việt Nam, anh qua Mỹ diện HO sau thời gian dài học tập cải tạo. Vợ anh cũng là người dễ tính, không khách sáo nên tôi mới dám gọi cho anh lúc khuya khoắt thế này. Anh rất vui khi nhận được điện thoại của tôi, chỉ đường rất cặn kẽ. Anh bảo anh ở khu Garden Grove, gần nhà thờ kiếng nổi tiếng. Tôi báo lại với anh bạn địa chỉ, hình như anh ta cũng mù tịt nhưng cố làm ra vẻ nên bảo cứ đi, tao nhớ đường này. Thế nhưng chạy gần hai tiếng đồng hồ vẫn không tìm ra đường. Anh Trí, anh của bạn tôi cứ điện liên tục hỏi em đến đâu rồi? Tôi cũng chẳng biết đang ở đâu để trả lời anh. Xe vẫn chạy vòng vòng, hình như thời đó chưa có Google Map và GPS thì phải. Cuối cùng anh Trí chỉ dẫn chi tiết từng con phố, góc đường và bảo anh sẽ trùm áo mũ màu trắng đứng ở ngã tư đấy, ở đấy để đón chúng tôi. Thế rồi cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy anh. Thương anh nửa đêm rét mướt đứng ở lề đường đón thằng em đang bơ vơ ở xứ lạ. 

Đó là lần đầu tiên tôi đón Giáng Sinh ở nước Mỹ trên hè phố lúc nửa đêm trong tâm trạng hoang mang không rượu thịt, bánh ngọt, đèn hoa.

Chỉ định ở nhờ nhà anh Trí một đêm vì nhà anh chật, cũng chỉ có hai phòng ngủ nhỏ mà nhà anh đã có đến 4 người. Hai vợ chồng anh và hai đứa con trai lớn tướng, cao lêu nghêu. Tôi ngủ ở ghế sofa nơi phòng khách. Nhưng khi điện về Việt Nam nói chuyện với người em của anh cũng là người bạn thân của tôi thì anh bạn lại báo tin cho tôi biết anh Trí vừa phát hiện ung thư thời kỳ cuối, có thể đang rất lo lắng nên khuyên tôi gắng ở lại vài hôm nói chuyện, an ủi anh cho anh bớt lo âu. Thế là tôi ở lại ba hôm, nói chuyện, tâm sự cùng anh, anh cũng không đến nỗi bi quan, anh bảo Bác sĩ đang cho anh uống loại thuốc mới thử nghiệm để chữa ung thư phổi, hy vọng lắm.

Tôi rời nhà anh đi New Hampshire thăm cô em gái và sau đó về Việt Nam trên chuyến bay trong đêm giao thừa 30.12.2006. Chuyến bay đêm cuối cùng của năm cũng có nhiều kỷ niệm khó quên. Một thời gian sau tôi nghe tin anh Trí mất, tôi ở Việt Nam không viếng tang anh được, đành chắp tay bái vọng anh từ xa. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của anh với áo khoác trùm đầu màu trắng đứng bên phố vắng rét mướt trong đêm Giáng Sinh năm ấy. Một đêm Giáng Sinh không thể nào quên và thương tiếc một người anh hiền lành, chân tình, dễ thương đã không còn ở cõi đời.

Mùa Giáng Sinh 2023

DODUYNGOC


Trước năm 75 tôi có đi dạy giờ mấy trường tư thục. Lúc ấy thầy giáo dạy từ đệ nhất cấp trở lên gọi là giáo sư. Dạy giờ là kiểu dạy hợp đồng, dạy giờ nào tính tiền giờ đó, hết niên khoá nếu dạy không đạt yêu cầu, nhà trường sẽ gởi một bức thư từ chối cho niên khoá tiếp. Nếu dạy tốt, được đánh giá cao cũng sẽ nhận thư của nhà trường trân trọng mời ông tiếp tục niên học tới có chữ ký của Hiệu trưởng cùng cái dấu đỏ.

Sau 75, chính quyền mới cho học thêm mấy tháng gọi là bồi dưỡng chính trị và kiến thức của chế độ mới ở trường Đại học Sư phạm Thành phố. Xem như là khoá đầu tiên ra trường của ĐHSP sau thống nhất. Thi xong chờ phân công. Con của "nguỵ quân, nguỵ quyền" không được nhận nhiệm sở, đành kiếm nghề khác sống. Cũng may tỉnh Bến Tre thiếu giáo viên trầm trọng nên vớt một số về cho dạy mấy trường ở vùng sâu, vùng xa. Thành phần bị nghi ngờ về tư tưởng hoặc bị gán cho tội lỗi gì đấy cũng không được đi dạy. Tôi nằm trong số đó lại thêm bị một số đoàn viên báo cáo không tốt nên đành định ra chợ trời kiếm cơm. Ơn trời, tôi có cô bạn có quan hệ mật thiết với Hiệu phó trường, nhờ vậy tôi được chiếu cố cho về Bạc Liêu. Đường về Bạc Liêu thời đó trắc trở, gian truân lắm, đi từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới tới nơi sau khi qua không biết bao nhiêu là trạm gác. Thế nhưng Sở Giáo Dục Bạc Liêu cũng không nhận vì lý do lý lịch đen thui, cha, anh đều là "nguỵ quyền", hồ sơ lại bị nhiều phê bình ác ý. Lại thêm có anh chàng học cùng trường về trước dèm pha. Thế là khăn gói trở về sau mấy tháng đợi chờ vô vọng. 

Nhưng thế mà lại may, Sở Giáo Dục thành phố chấp nhận cho tôi về dạy trường cấp 3 Phú Hoà. Nhận quyết định, cứ nghĩ là ở Phú Thọ Hoà, tưởng không xa lắm, cũng được. Nào ngờ trường đấy nằm ở ngã tư Tân Quy, huyện Củ Chi. Hồi đấy xe cộ khó khăn, xe khách chạy bằng than, muốn lên được xe phải chen nhau qua cửa sổ. Nhiều lúc không leo lên được phải đứng ở bục gỗ sau xe, lò than nóng hừng hực, lâu lâu lại rớt ra mấy hòn than đỏ rực. Xe chỉ đến chợ Hóc Môn, đi bộ hoặc đi xe ngựa vào bến xe lam. Xe chạy qua Cầu Xáng, qua Tân Thạnh Tây mới đến trường. 

Trường nghèo, chỉ có khoảng sáu phòng học, sân trường đầy những cây bã đậu. Bảng tên trường liêu xiêu, tróc sơn nằm chơ vơ nhìn ra cánh đồng trống. Cảnh buồn hiu. Trước trường là tỉnh lộ chạy hết đường sẽ đến con sông đi qua tỉnh Bình Dương. Nhìn cảnh trường oải thiệt là oải. Mà cũng đành, thời đã thế thế thời phải thế thôi. Từ nhỏ cho đến giờ phút đó, tôi chỉ học ở các trường to, sân rộng, lầu cao, phương tiện đủ đầy. Giờ lại đến một ngôi trường với những phòng quét vôi loang lổ, bảng đen sờn hết sơn, mái lợp fibro ciment. Cửa sổ phòng học nhìn ra bãi đất ngút ngàn lộng gió. Chất độc khai hoang thời chiến tranh khiến cỏ cây xác xơ, chẳng có cây nào sống nổi. Nhìn quá nản lòng chiến sĩ. 

Trời đã về chiều, những đám nắng vàng vọt chiếu trên những đám cỏ trơ trọi khiến khung cảnh càng thêm nản lòng. Dáo dác nhìn quanh, thấy có căn phòng phía trước ngổn ngang ghế bàn. Cửa khép hờ, tôi gõ cửa. Có tiếng vọng ra: Ai đấy, vào đi. Tôi vào, phòng có mỗi chiếc bàn và lung tung đồ đạc, giấy tờ cùng chiếc máy đánh chữ. Một ông trung niên da ngăm đen, tóc hớt ngắn đang kéo thuốc lào. Ông mặc áo thun ba lỗ đã ngã màu cháo lòng và chiếc quần tây bộ đội đã cũ nhàu. Sau khi rít một hơi thật sâu, ông ngửa mặt lên trời thở ra làn khói mù mịt rồi hất hàm hỏi: Đi đâu đấy, hỏi ai? Tôi bảo: Tôi được Sở Giáo Dục phân công về đây dạy học. Cho tôi gặp Hiệu trưởng. Vừa nói, tôi vừa đưa giấy cho ông. Ông nheo mắt nhìn tôi, lại bảo: Tôi là Hiệu trưởng đây. Xem nào. Dạy môn gì? Tôi bảo: Môn Văn.  Ông nhịp nhịp bàn tay như có ý bảo tôi ngồi xuống. Thầy xếp ba lô ở đây, tối xếp mấy cái bàn ngủ rồi mai tôi bảo Hiệu phó xếp giờ cho Thầy. Tối đến thầy cô xếp bàn thành giường, mắc màn ngủ trong phòng. Lúc đó chưa có điện, đêm thắp đèn dầu, sáng ra mũi ai cũng đầy bồ hóng đen thui. 

Buổi đầu tiên trình diện để khởi đầu những năm tháng làm thầy của tôi diễn ra như thế đấy. Tôi tự nhủ, chắc gắng thời gian ngắn ở đây rồi rút thôi, làm sao mà tồn tại ở chốn này cho nổi.

Người tính không bằng trời tính, định ở đó thời gian ngắn rồi tìm cách thoát, ai ngờ ở đến năm năm. Năm năm biết bao kỷ niệm, buồn có, vui cũng không thiếu. Chính các em học trò đã níu chân tôi lại năm năm. Lúc đấy các em là học trò nhà quê, lạ lẫm với ông thầy lúc nào cũng mang giày da, áo chẽn, quần loe, tóc phủ mang tai, râu ria lún phún. Lên lớp dạy nói lớn đến nỗi cả trường nghe giảng. Trò quý Thầy và Thầy cũng thương cho hoàn cảnh của trò. 

Các em hồn nhiên và rất tình cảm, kính trọng Thầy Cô. Xem Thầy Cô như thần tượng của mình. Ngay phụ huynh các em cũng thế. Dạy được một năm tôi đưa vợ về ở luôn trong trường. Nhà trường phân cho chái nhà phên tre, mái tranh. Ngày nóng hầm hập, đêm con bọ xít bay đầy, tiếng ễnh ương kêu oàm oạp, mùa mưa lội bì bõm. Lần đầu tiên vợ tôi đi chợ Phú Hoà Đông, các bà, các cô ở chợ rủ nhau đi xem mặt vợ Thầy Ngọc, bởi vợ tôi có khuôn mặt của người ngoại quốc. Rồi các người bán hàng chẳng chịu lấy tiền, vợ tôi ngại quá từ đấy không dám ra chợ nữa, chỉ nhờ người khác mua giúp. Tình cảm của học trò thời ấy đẹp lắm, quý lắm. Đã hơn 47 năm rồi, các em ấy bây giờ đã qua tuổi sáu mươi nhưng tình thân càng ngày càng đầy chứ không hề vơi. Chính cái tình ấy khiến tôi không nỡ bỏ các em mà đi. Hơn nữa, năm 1978, tôi làm hồ sơ đi Pháp, đang chờ giấy xuất cảnh nên cũng không muốn thay đổi cuộc sống vì sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý hồ sơ của công an và lãnh sự Pháp.

Thời kỳ đó cuộc sống vô cùng khốn khó. Lãnh lương có mấy chục đồng mà đóng tiền mua nhu yếu phẩm hết gần một nửa. Mỗi tháng mua được nửa ký thịt heo chẳng ngon lành gì. Cá thì ươn, gạo hẩm. Tiêu chuẩn 13 ký gạo mà hơn nửa là bột mì với bo bo. Thèm đủ thứ. Vợ tôi có mang con trai đầu lòng chỉ thèm miếng thịt gà mà chẳng có để ăn. Đẻ con phải làm đơn qua 4 cửa với đủ chữ ký rồi nhờ người quen giới thiệu mới mua được bốn hộp sữa bò. Bột ngọt, tiêu hột phân chia bằng muỗng. Vải, vỏ xe phải bốc thăm. Nhiều lúc nữ được quần đùi mà nam lại bốc được vải mùng vệ sinh của phụ nữ. Ban đêm mấy thầy rủ nhau đi bắt bù tọt về ăn cho có chút đạm. Ai nấy đều ốm tong teo, bụng thon, ngực lép nhưng lên lớp thì rất nhiệt tình và thương quý học trò như những đứa em, con cháu của mình. Chính cái tình ấy đã giúp cho rất nhiều thầy cô từ thành phố về vẫn đứng trên bục giảng suốt mấy năm.

Rời trường đấy sau năm năm để đổi về thành phố, tôi vẫn nhớ như in những khuôn mặt của các em. Những khuôn mặt hiền lành, thân tình khó tìm ở thời buổi bát nháo bây giờ. Ra đời, nhờ lý lịch các em đa số làm quan chức, giờ đã về hưu. Lâu lâu gặp lại, cuốn phim của gần năm mươi năm trước lại quay về. 

Hôm nay ngày 20 tháng 11, ngày của nhà giáo, kỷ niệm tràn về, viết một bài ngắn để nhớ về một đoạn đời đã qua đi. Nhớ những người đồng nghiệp cùng đồng cam cộng khổ thời gian khó, nhớ những người đã mất, những người đang ở phương xa. 

Đoạn đời không dễ gì quên. Chúc các em, những người học trò trường Trung Phú Củ Chi ngày xưa luôn hạnh phúc, vui khoẻ và luôn giữ được mối thân tình đã có. Mãi thương quý các em.

Sài Gòn. 20.11.2023

DODUYNGOC


Rồi ai cũng phải già, người xưa bảo “thất thập cổ lai hi”, có nghĩa qua tuổi bảy mươi đã gọi là già, hiếm. Tuổi già khó vui, sức khỏe suy sụp, trí óc không còn minh mẫn như thời trẻ tuổi, hoạt động cũng vụng về, lóng ngóng và kéo theo nhiều nỗi buồn đau khác nữa. Người già, con cháu đã lớn, họ không còn quyền uy trong gia đình như thời xưa khi họ cố sức làm việc để nuôi nấng các con. Họ cô đơn trong chính ngôi nhà của họ. Nhất là những người đàn ông phải chịu cảnh vợ đã qua đời, chẳng còn ai để cùng sống với tuổi già.
Con cháu lớn lên có gia đình riêng phải lo, phải làm việc để xây dựng tương lai, có các con phải chăm sóc nên nhiều lúc người con quên mất mình còn một người cha. Người già cô độc với những nỗi buồn không được chia sẻ. Họ đến cùng bè bạn để tâm sự đôi điều, nhưng cũng chẳng bao giờ nói hết được nỗi lòng. Dù đang ở trong ngôi nhà do chính tay mình tạo dựng, dù không lệ thuộc kinh tế, tiền bạc của con cái, nhưng khi có việc nhờ con, người già phải xem sắc mặt, tâm trạng buồn vui của con mới dám mở lời. Người già lắm bệnh, nhưng những khi bệnh thông thường thì tự ý đi bác sỹ, một mình đi mua thuốc chứ ít khi làm phiền đến con. Đến khi bệnh nặng, đau đớn quá mới nhờ đến con giúp đỡ. Không phải các con không có hiếu với cha mà người già không muốn làm phiền đến con cái. Chuyện gì làm được thì tự làm. Tuổi già trí óc bắt đầu lộn xộn nên lắm lúc thường làm hư cái này, bể cái kia, hỏng cái nọ. Nếu có được con thông cảm thì hạnh phúc, nhưng gặp đứa trách móc thì cũng đành im lặng mà chịu trận. Nỗi cô quạnh của người già chỉ mong có một lời thăm hỏi, khi đau ốm mong được có người chăm lo. Nhưng thời nay, ai cũng bận rộn với công việc, ai cũng cố gắng miếng cơm manh áo nên người già cảm thấy tủi thân khi không được một lời quan tâm. Thường chỉ là một câu hỏi rồi thôi, người già sống như thế nào, ăn uống ra sao, sức khoẻ có vấn đề chi không, con cái ít để ý. Do vậy, người già sống lầm lũi, như cái bóng, như kẻ ở trọ trong căn nhà mình.
Đã qua tuổi bảy mươi, dù có nhà cửa đàng hoàng và kinh tế có còn tự lo được, nhưng tôi quyết định sẽ tìm một nhà dưỡng lão có đủ điều kiện theo mình yêu cầu để sống những năm tháng cuối đời. Ở đó tôi sẽ được chăm lo cơm ngày ba bữa, không còn cảnh cơm hàng cháo chợ. Ở đó sẽ có người lo thuốc men, chăm sóc khi trái gió trở trời, ở đó tôi không còn nghĩ là gánh nặng cho các con để chúng toàn tâm lo cho các con của chúng. Tôi đã làm tròn trách nhiệm với các con, tôi không nghĩ đến chuyện chúng phải báo hiếu, phụng dưỡng tôi lúc run rẩy vì chân yếu, kén ăn vì tuổi già. Nước mắt chảy xuôi mà, người ta đã nói thế.
Tôi đã đến nhà dưỡng lão Củ Chi, chỗ ấy cũng được nhưng xa quá, tôi sẽ không còn được gặp gỡ bạn bè. Tôi đang cố tìm một chỗ ngay trung tâm thành phố để tuổi già còn kiếm được niềm vui. Hôm trước có một anh bạn dự định mở một nhà dưỡng lão ở Hàng Sanh, vừa nghe tôi ủng hộ liền nhưng chắc kế hoạch này còn phải chờ một thời gian nữa.
Tuổi thanh xuân đã qua rồi, giờ đã lên hàng lão, về thu xếp lại cũng là vừa.
10.7.2023
DODUYNGOC

Bình luận

1.
Thu Lan Nguyen
Nhà có tiền, có nhà riêng, có con cháu mà vô trại dưỡng lão là vô cùng sai lầm …
( Khi sống chung trong Trại Dưỡng lão. 1 phòng 4 người ở Mỹ. VN thì 10 người 1 phòng. Nghe mùi khai nước đái , mùi cứt ỉa đùn chưa thay tã, nghe tiếng cạu cọ chửi nhau vì người thì thích bật quạt, người không thích.Người nằm rên rẩm con cháu bỏ rơi không vô thăm theo định kỳ…)
Nhà mình thì mình cứ ở, thơm tho sạch sẽ, yên tĩnh, thuê một người bà con họ hàng hoặc người dưng đến giúp việc cho mình trả lương tháng còn rẻ hơn trả cho trại dưỡng lão .
Tôi đã đi tham quan Trại dưỡng lão ở Mỹ rồi nên tôi biết rõ . Không hay gì đâu ! Bất đắc dĩ nghèo khổ và không con cháu mới phải vào thôi !
Tiêu chuẩn ở Mỹ .Người già trên 65 tuổi  nếu làm đơn xin trợ cấp chính phủ, họ sẽ duyệt cho mình mỗi tháng ít nhất 1200 usd , ngoài tiền mặt này, cho thêm tem phiếu cấp lấy thực phẩm miễn phí tại các siêu thị khoảng 800 đô trả bằng các ô tem  phiếu. Đến siêu thì mà chọn thịt cá , rau củ quả tươi, gạo ngon, bánh trái chất đầy xe , ra quầy trả tiền bằng tem phiếu cấp miễn phí hàng tháng này !
 Như vậy người già ở Mỹ được thụ hưởng khoảng 2000 usd/1 tháng ăn uống phủ phê , ăn tiêu gì hết , mỗi tháng còn có thể để dành tiền gửi về vn hoặc sắm vàng đeo đỏ tay.
Đó là tiêu chuẩn Mỹ dành cho người già neo đơn trên 65 tuổi, có đi làm và có đóng thuế thu nhập cho chính phủ.  4 năm liên tục ; không nhà cửa, không có tài sản trên 2000 đô , không ai nuôi nha các bạn ! 
Có quyền được sử dụng 1 xe ô tô dưới 2000 đô.
 Không đi làm ngày nào càng dễ xin tiền trợ cấp, xin càng nhanh và lẹ hơn là có đi làm dở dở ương ương vài năm …điều này vô lý , nhưng thực tế là vậy ! 
 Không đi làm xin tiền chính phủ,cấp càng nhanh chóng lẹ hơn có đi làm! ( Chắc sợ không có tiền thì làm bậy nên họ sợ chăng … ha ha ha …).
Khi ốm đau không tự phục vụ được, bảo hiểm y tế cử người tạp vụ đến phục vụ nấu cơm , giặt đồ, dọn dẹp lau nhà, đổ bô, tắm và dẫn cho mình đi bộ , luyện tập thể dục nhẹ . 
Hàng ngày và có ý tá đến tận nhà chăm sóc, đo huyết áp và tiêm chích thuốc theo toa bác sĩ , miễn phí điều trị. 
Khi về già sức yếu, bạn có thể thuê chính con trai, con gái ruột của mình, hoặc họ hàng phục vụ mình, tại nhà riêng của mình đang ở, tiền công này mỗi tháng chính phủ Mỹ sẽ trả 1200 usd tự chuyển vô tài khoản người mình thuê mướn . 
Mỹ cho phép thuê con cái ruột, cha mẹ ruột phục vụ!Chính phủ Mỹ họ vẫn trả tiền cho mình theo luật bảo hiểm y tế ! 

2.
Nguyễn Hồng Hưng
Người già đương đại đang bị bỏ rơi từ nhiều phía. Con cháu họ không đông đàn như thời cha ông. Đạo lý thời của họ bở lơ đạo hiếu với cha mẹ. Ngay cả Các con cái người già hôm nay cũng sống trong cảnh khó.
Số người già có điều kiện kinh tê nhưng sống cô quanh hiện khá đông.
Có một số người có ý định tụ hợp những người bạn (đã biết nhau) cùng cảnh ngộ lập “ xóm cao tuổi”. Ý đồ thực hiện trên mội khu đất mua chung, làm những căn nhà nhỏ liên kế đủ cho mỗi người ở độc lập. Có dịch vụ bếp và y tế…
Các cụ còn tinh sáng tự hùn vốn làm nhà “tình bạn dưỡng lão” chung sống cùng nhau …tôi hưởng ứng phương án này và cũng có vài bạn già hưởng ứng.
Nếu tập hợp đc bạn bè phù hợp nên chọn nới có khí hậu tốt cho người già và không xa quá 3 giờ xe đò. Ví dụ như Vũng Tầu.
Tôi tin phương án này sẽ trở nên phổ biển, các nhóm bạn già ở cả hai giới hiện nay không hề ít.
3.
Uyen Nguyen
Chị em mới rời nhà dưỡng lão đã ở 7tháng,để chuẩn bị về lại Mỹ.Vì ở viện dưỡng lão chung quanh có đông người nhưng 10 người 10 tánh dễ đụng chạm ,muốn ăn gì cũng ko ra ngoài được ,ở cùng phòng lỡ cùng người ko hạp tánh, thức ăn hàng ngày ko hợp vẫn phải ăn...tháng 15tr, chị đã 80t giờ đòi về Mỹ.Anh còn bạn bè con cháu xung quanh. Về thu xếp lại




Sáng chạy về Kiên Lương thăm động Sơn Trà. Hứng tình rủ nhau ra đảo. Theo lời chỉ dẫn của anh nhiếp ảnh thổ địa ở đây, kiếm được nơi cho thuê tàu ra biển. Tui định không đi vì cảm thấy hơi mệt định nằm võng ngủ một giấc. Nhưng rồi anh em rủ rê quá, lại nghĩ nằm một mình ở đây buồn, nên cùng xuống thuyền. Bà chủ bảo thuyền có ghế ngồi nghiêm chỉnh, ai ngờ bị bà dụ. Thuyền composite trống rỗng chỉ có một chiếc máy nhỏ nổ xình xịch, chẳng thấy ghế cũng chẳng áo phao.
Gần bờ còn thấy êm êm, còn đưa máy lên chụp vài tấm hình. Ra tới biển mênh mông, sóng đánh ào ạt. Thuyền lắc lư, lúc thì bị sóng đưa lên cao, nước văng tung toé. Mỗi lần thuyền bị sóng nhấc lên khi rớt xuống nghe tiếng động như muốn vỡ tàu. Nhồi lên, rớt xuống muốn rớt tim ra ngoài.
Đường vẫn còn xa, mặc sóng đánh, tay lái tàu vẫn rú hết ga. Hai lão già, một U90 đời cuối, một U80 đời đầu đứng chịu trận, lại đứng trước mũi tàu không có chỗ để níu, chỉ biết dựa vào nhau mà chân run. Nước bắn ướt cả áo và máy ảnh. Sợ thấy bà nội. Sợ thuyền lật, sợ nước tràn, sợ thuyền lủng, đủ thứ để sợ. Nhìn bên kia là đất Campuchia, nhìn quanh chỉ thấy nước và nước, xa xa có mấy ngọn núi nghe bảo ở đó mấy động nữa. Nhưng hết ham rồi, chỉ muốn trở lại đất liền thôi. Đến hang chẳng thấy gì, chỉ thấy tảng đá sừng sững và trên nóc là một rừng cây. Đường về êm hơn, biển bớt động, lòng bớt lo.
Về Cái Bè, lại đi tàu vào resort, mưa trắng trời, nước tạt thêm lần nữa, ướt mem. Đêm đó bỗng rét run, tay run cầm cập không cầm được cái ly uống nước. Vào phòng, tay yếu không tự đắp được mền, phải nhờ bạn Long đắp cho hai tấm và dùng máy sấy hơ nóng khắp người. Nửa đêm lại nóng toát mồ hôi. Chắc cảm sốt vì mắc mưa rồi.
Giờ đã lên mặt đất mà lòng vẫn còn run vì chuyến tàu bão táp. Chợt nhớ cách đây mấy năm, về Hà Tiên đi tàu ra đảo, cũng bị chuyến tàu hãi hùng còn hơn chuyến này, cả đoàn ướt mem và tái xanh mặt mày. Ai ngờ về lại chuyến này cũng bị biển cả đe doạ sảng hồn. Thế mới thấm thía cho những người vượt biên, con tàu nhỏ chứa cả trăm người lênh đênh trên biển như chiếc lá với sóng to, gió lớn, thiếu nước, không có thức ăn lại bị hải tặc đe doạ. Đúng là liều, họ chấp nhận cái chết để đến được vùng đất khác. Bản thân mới ra đến thềm của biển mà đã run mới thấy ngày trước những người vượt biên bằng thuyền là người dũng cảm.
Về lại Sài Gòn tự hứa trong lòng sẽ không bao giờ bước xuống một chiếc tàu thiếu phương tiện và không chút an toàn lần nào nữa. Hú hồn rồi.
27.6.2023
DODUYNGOC



 Trời tháng mười buồn thiệt là buồn. Ngày hôm qua mưa dầm buổi chiều, đứng trên balcon nhìn mưa và những người những xe bì bõm phía dưới đường. Bỗng chán. Chiều nay trời âm u nhưng không mưa, lại nhớ mưa. Thật là kỳ cho tính tình dở dở ương ương. Thèm mưa, muốn nhìn những cơn mưa ào ạt qua mái hiên, qua những khóm cây và nhìn mọi người dưới cơn mưa. Bỗng nhớ hình ảnh trong một bộ phim nào đấy xem hồi trẻ, một người khoác chiếc manteau đi ngược gió, những hạt mưa rơi theo. Nhân vật dừng lại dùng tay che gió đốt thuốc. Lão nghĩ hình ảnh đó đẹp nhất của người đàn ông. Cũng chẳng biết vì sao lão nghĩ thế và suy nghĩ đó cứ mãi theo lão. 

Giờ lão đã già, lão cũng muốn đi dưới mưa và dừng chân đốt thuốc, nhưng sức khoẻ không cho phép, lão sẽ bệnh ngay. Lão muốn đi dưới mưa trở lại con đường cũ, con đường có ngôi biệt thự trồng mấy cây ngọc lan. Mùi hương ngọc lan trong đêm cách đây gần nửa thế kỷ lại thoang thoảng trở về trong nỗi nhớ. Cây giờ chẳng còn hoa, người cũng mất hút. Ký ức đọng lại những vòng xe, những tờ thư, những ánh nhìn như muốn hút vào nhau. Tất cả không còn gì, chỉ còn lại nỗi nhớ trong lòng của một lão già cô độc. Thời gian đi mau quá! Không có tình yêu vĩnh cửu mà chỉ có những phút giây vĩnh cửu của tình yêu. Có thật thế không?

Trời bỗng nỗi gió, có lẽ sẽ có mưa. Lão chợt nghe đâu đó hình như có tiếng hú, tiếng hú của gió thổi ào ạt qua cánh đồng hoang, qua sa mạc không người. Tiếng hú của gió luồn qua khe núi nghe như tiếng rít. Tiếng hú âm âm dội vào lòng lão. Lão lại nhớ buổi chiều trở gió, và mưa. Lão nhớ bàn tay nắm và thân thể ướt đẫm dưới mưa của hai người trẻ tuổi mới chớm yêu nhau. Đã xa lắm rồi. Đã chẳng còn chi nữa đi qua thời gian. Lỗi lầm duy nhất của lão là vẫn còn nhớ hoài một mối tình đã vụn vỡ. Làm sao mà quên được/ Đời qua vút như tên/Dăm ba hạnh phúc ngắn/Sao quên được mà quên.

Trong gió có tiếng chim lẻ bạn. Tiếng chim hoảng hốt lúc trời đã về chiều. Lão nghĩ mình cũng thế thôi, cũng chỉ là cánh chim mệt mỏi một mình trở về trong hoàng hôn của cuộc đời. Lão thèm một bàn tay, thèm ánh nhìn và ai đó tựa đầu. Chỉ còn sương khói. Chầm chậm bước xuống, đời giờ chỉ còn những bước chân đi xuống. Chẳng còn ai đợi chờ, không còn ai trông ngóng. Đời đôi khi vô vị thật. Thêm một cối thuốc, khói lửng lơ. Mưa đã tới, chiếc màn lung lay, chiếc phong linh ngoài hiên phát âm thanh cuống quýt. Giờ này có người đang thỉnh chuông, đang đọc kinh chiều. Mưa tạt vào ướt đẫm cành hoa đang héo nằm lẻ loi trên bàn. Đi qua cây đàn, bấm một hợp âm. Tiếng đàn bỗng như tiếng hét tắt nghẹn ở cổ. Tháng mười chưa cười đã tối. Chiều đang qua rồi cũng sẽ đến đêm thôi. Đêm xô lệch chiếu chăn và khó tìm giấc ngủ.

7.10.2022

DODUYNGOC



Tháng mười vội tới với cơn đau
Ôm cái chân sưng đời nát nhàu
Trời đất lộn nhào mưa ướt cửa
Cũng chỉ mình ta đâu có nhau
Chẳng lá vàng thu mây màu thâm
Bóng xô chăn gối lệch âm thầm
Cố đi một bước thân nghiêng ngửa
Ai nạo xương này như dao đâm
Đêm mãi kéo dài không thấy sáng
Mèo gào động đực góc mái hiên
Nằm mãi nhìn khuya sao quá chán
Thân thể hư hao chẳng dám thiền
Tháng mười ai bỏ ta đi mất
Để lại đêm ngày buồn chất ngất
Một mình xoay xở níu vào đâu
Hơi thở ngắn muộn phiền tiếng nấc
Căn nhà trống ngọn đèn leo lét
Ta biết mình lâm vào thế kẹt
Cất tiếng rú vỡ nát thinh không
Không tiếng nói chỉ còn tiếng thét
Tháng mười đi tháng mười trở lại
Cuộc trần gian là một vòng quay
Tranh dang dở đượm màu tê tái
Giường một mình cứ mãi loay hoay
Tháng mười về ta vẫn thiếu nhau
Thèm phấn son tóc đã nhuốm màu
Lòng ai như cửa giờ khép chặt
Ta nhặt nỗi buồn đau thêm đau.
6.10.2022

DODUYNGOC 









Thông thường, làm chủ, quản lý, điều hành để phát triển một nhà hàng có tên tuổi là một công việc khó nhọc và tốn nhiều thời gian, công sức. Thế mà ở đất Sài Gòn có một cô từng làm chủ năm cái nhà hàng giờ còn bốn, thật đáng nể! Nể hơn nữa là thường thường nếu làm chủ một chuỗi nhà hàng, tất cả hệ thống đó đều bán chung một mặt hàng và trang trí giống nhau. Ở đây không thế, bốn nhà hàng bán bốn món ăn vùng miền khác nhau, trang trí hoàn toàn khác nhau, cho nên tốn rất nhiều ý tưởng để thực hiện cũng như theo dõi, tổ chức. Cô chủ lại là người duy mỹ, cầu toàn. Bởi vậy trong các nhà hàng của cô, những chi tiết rất nhỏ cũng được lưu tâm một cách tinh tế. Từ cái chén, đôi đũa, cái muỗng cho đến cái gác đũa. Từ cái vòi nước trong phòng vệ sinh cho đến cánh cửa sổ, nhất là những bình hoa. Tất cả đều được lựa chọn theo ý của chủ nhân để tạo một hình ảnh phù hợp với yêu cầu của khách và cả của chủ. Không ngại tốn kém, không sợ tốn công. Chỉ cần nhà hàng phải đẹp, phải tạo được niềm vui cho khách. Khách bây giờ đến nhà hàng không chỉ để thưởng thức món ăn mà còn để ngắm. Ngắm rồi chụp hình đưa lên Facebook, để khoe với mọi người, để kỷ niệm ghi lại một lần đã đến. Món ăn thì khó mà chiều lòng cho tất cả. Bởi ngon hay dở cũng tuỳ cái lưỡi của mỗi người. Mỗi người một khẩu vị, khó mà đáp ứng được. Thế nhưng món ăn, khung cảnh đẹp thì ai cũng thích. Những nhà hàng của cô chủ này đã mang đến cho thực khách niềm vui đó dù giá có thể hơi cao hơn mặt bằng chung một chút nhưng cũng khó phàn nàn.
Tôi đang đề cập đến các nhà hàng có tên Bếp nhà xứ Quảng, Bếp nhà Lục tỉnh, A bún bò và một nhà hàng cũng mang tên Bếp nhà xứ Quảng vừa mới khai trương ở phố cổ Hội An của Cô Ba Đoàn Thu Thuỷ. Cũng không quên nhắc đến nhà hàng L'Aura de Nam Kỳ rất hay, rất chất ở con đường Tú Xương khá sang của đất Sài Gòn. Nhưng vì nhiều lý do nhà hàng phải đóng cửa sớm trong nuối tiếc của nhiều người đã có lần ghé đến.
Bếp nhà xứ Quảng là nhà hàng đầu tiên của Cô Ba Thuỷ. Trước ở đường Hai Bà Trưng, sau dời về Trần Cao Vân. Như tên gọi, nhà hàng chuyên về các món ăn xứ Quảng. Ở đây, khách có thể gọi tô mì Quảng, tô Cao lầu, thịt heo luộc chấm mắm cái, tôm chua, cá nục cuốn bánh tráng, cá chuồn kho, canh mít non... và nhiều món nữa. Người Quảng ở Sài Gòn, người Quảng từ xa về, đến đây sẽ thưởng thức được những món ăn của quê nhà, món ăn của kỷ niệm. Nhà hàng là một ngôi nhà Hội An được dựng lên ở phố Sài Gòn. Cũng giàn bông ngoài sân, cũng những chiếc lồng đèn đỏ treo cao gợi không gian Phố Hội.
Rồi đến Bếp nhà Lục tỉnh ở đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cải tạo từ một quán bar Blue Ginger của một tờ báo, cô chủ đã đào một cái ao giữa nhà hàng, bên bờ có bụi chuối, hàng cây và một dãy lu sành xếp hàng hứng những giọt mưa nhỏ xuống từ những mái lá. Tất cả gợi một không khí của một miền quê miền Tây Nam Bộ, chỉ thiếu điệu hò trên sông nước. Món ăn cũng như tên gọi của nhà hàng, rặt món ăn của miền lục tỉnh. Những món ăn bình dân được nâng lên một bậc để trở thành những món đặc sản trong nhà hàng sang trọng. Và cũng như quán xứ Quảng, người ta đến đấy để nhớ về một miền lục tỉnh với những món của những ngày thơ ấu, món ăn của một thời khi còn ở quê nhà. Không gian ở đây lắng lại, nghe đâu đó có một giọng ca cải lương thoang thoáng trong những món ăn.
Rồi đến A bún bò nằm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ở đây chỉ có bún bò Huế và mấy món bánh Huế như bột lọc, bánh nậm. Có thể có khách gốc Huế khó tính sẽ bảo chưa giống với món bún bò Huế thuở xa xưa Mạ nấu. Nhưng giờ đây kiếm đâu ra cái mùi, cái vị của quá khứ. Nhưng ở A bún bò, ta vẫn tìm được cái hồn của tô bún Huế dù đã hơi nhạt phai vì phải biến tấu cho hợp thời và đất, người miền Nam. Miếng giò heo mềm, nước lèo ngọt thịt, sợi bún trôi tuột vào miệng, mùi ruốc, mùi sả vẫn có tuy thoang thoảng. Thời nay thế là đã tốt rồi. Lại có thêm chả cua, chả tôm, chả lọn của Huế. Dọn tô bún ra bàn, thêm dĩa bánh bột lọc, bánh nậm và chén nước mắm mặn nhiều ớt. Ta tạm thời nhớ tới xứ Huế đang xa lắc lơ, nhưng Huế vẫn ở đây trong tô bún bò của Cô Ba Thuỷ.
Nhà hàng ở Hội An tuy mới khai trương chưa lâu nhưng đã trở thành địa điểm nhiều người thích đến để chụp hình. Bởi nó đẹp, cái đẹp rất Quảng từ ngôi nhà gỗ, từ những chậu cây được chăm chút, chọn lựa kỹ càng, từ những đèn lồng và cách trang trí tuy cầu kỳ nhưng vẫn thanh lịch, tự nhiên. Bạn đến Phố Hội mà chưa một lần vào nhà hàng để nhìn ngắm, để thưởng cho mình một món ngon xứ Quảng e rằng cũng là điều thiếu sót.
Để điều hành, quản lý mấy nhà hàng như vậy mà mọi thứ vẫn trơn tru phải khen là cô chủ giỏi. Mấy ai làm được thế?
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget