Latest Post


Rồi ai cũng phải già, người xưa bảo “thất thập cổ lai hi”, có nghĩa qua tuổi bảy mươi đã gọi là già, hiếm. Tuổi già khó vui, sức khỏe suy sụp, trí óc không còn minh mẫn như thời trẻ tuổi, hoạt động cũng vụng về, lóng ngóng và kéo theo nhiều nỗi buồn đau khác nữa. Người già, con cháu đã lớn, họ không còn quyền uy trong gia đình như thời xưa khi họ cố sức làm việc để nuôi nấng các con. Họ cô đơn trong chính ngôi nhà của họ. Nhất là những người đàn ông phải chịu cảnh vợ đã qua đời, chẳng còn ai để cùng sống với tuổi già.
Con cháu lớn lên có gia đình riêng phải lo, phải làm việc để xây dựng tương lai, có các con phải chăm sóc nên nhiều lúc người con quên mất mình còn một người cha. Người già cô độc với những nỗi buồn không được chia sẻ. Họ đến cùng bè bạn để tâm sự đôi điều, nhưng cũng chẳng bao giờ nói hết được nỗi lòng. Dù đang ở trong ngôi nhà do chính tay mình tạo dựng, dù không lệ thuộc kinh tế, tiền bạc của con cái, nhưng khi có việc nhờ con, người già phải xem sắc mặt, tâm trạng buồn vui của con mới dám mở lời. Người già lắm bệnh, nhưng những khi bệnh thông thường thì tự ý đi bác sỹ, một mình đi mua thuốc chứ ít khi làm phiền đến con. Đến khi bệnh nặng, đau đớn quá mới nhờ đến con giúp đỡ. Không phải các con không có hiếu với cha mà người già không muốn làm phiền đến con cái. Chuyện gì làm được thì tự làm. Tuổi già trí óc bắt đầu lộn xộn nên lắm lúc thường làm hư cái này, bể cái kia, hỏng cái nọ. Nếu có được con thông cảm thì hạnh phúc, nhưng gặp đứa trách móc thì cũng đành im lặng mà chịu trận. Nỗi cô quạnh của người già chỉ mong có một lời thăm hỏi, khi đau ốm mong được có người chăm lo. Nhưng thời nay, ai cũng bận rộn với công việc, ai cũng cố gắng miếng cơm manh áo nên người già cảm thấy tủi thân khi không được một lời quan tâm. Thường chỉ là một câu hỏi rồi thôi, người già sống như thế nào, ăn uống ra sao, sức khoẻ có vấn đề chi không, con cái ít để ý. Do vậy, người già sống lầm lũi, như cái bóng, như kẻ ở trọ trong căn nhà mình.
Đã qua tuổi bảy mươi, dù có nhà cửa đàng hoàng và kinh tế có còn tự lo được, nhưng tôi quyết định sẽ tìm một nhà dưỡng lão có đủ điều kiện theo mình yêu cầu để sống những năm tháng cuối đời. Ở đó tôi sẽ được chăm lo cơm ngày ba bữa, không còn cảnh cơm hàng cháo chợ. Ở đó sẽ có người lo thuốc men, chăm sóc khi trái gió trở trời, ở đó tôi không còn nghĩ là gánh nặng cho các con để chúng toàn tâm lo cho các con của chúng. Tôi đã làm tròn trách nhiệm với các con, tôi không nghĩ đến chuyện chúng phải báo hiếu, phụng dưỡng tôi lúc run rẩy vì chân yếu, kén ăn vì tuổi già. Nước mắt chảy xuôi mà, người ta đã nói thế.
Tôi đã đến nhà dưỡng lão Củ Chi, chỗ ấy cũng được nhưng xa quá, tôi sẽ không còn được gặp gỡ bạn bè. Tôi đang cố tìm một chỗ ngay trung tâm thành phố để tuổi già còn kiếm được niềm vui. Hôm trước có một anh bạn dự định mở một nhà dưỡng lão ở Hàng Sanh, vừa nghe tôi ủng hộ liền nhưng chắc kế hoạch này còn phải chờ một thời gian nữa.
Tuổi thanh xuân đã qua rồi, giờ đã lên hàng lão, về thu xếp lại cũng là vừa.
10.7.2023
DODUYNGOC

Bình luận

1.
Thu Lan Nguyen
Nhà có tiền, có nhà riêng, có con cháu mà vô trại dưỡng lão là vô cùng sai lầm …
( Khi sống chung trong Trại Dưỡng lão. 1 phòng 4 người ở Mỹ. VN thì 10 người 1 phòng. Nghe mùi khai nước đái , mùi cứt ỉa đùn chưa thay tã, nghe tiếng cạu cọ chửi nhau vì người thì thích bật quạt, người không thích.Người nằm rên rẩm con cháu bỏ rơi không vô thăm theo định kỳ…)
Nhà mình thì mình cứ ở, thơm tho sạch sẽ, yên tĩnh, thuê một người bà con họ hàng hoặc người dưng đến giúp việc cho mình trả lương tháng còn rẻ hơn trả cho trại dưỡng lão .
Tôi đã đi tham quan Trại dưỡng lão ở Mỹ rồi nên tôi biết rõ . Không hay gì đâu ! Bất đắc dĩ nghèo khổ và không con cháu mới phải vào thôi !
Tiêu chuẩn ở Mỹ .Người già trên 65 tuổi  nếu làm đơn xin trợ cấp chính phủ, họ sẽ duyệt cho mình mỗi tháng ít nhất 1200 usd , ngoài tiền mặt này, cho thêm tem phiếu cấp lấy thực phẩm miễn phí tại các siêu thị khoảng 800 đô trả bằng các ô tem  phiếu. Đến siêu thì mà chọn thịt cá , rau củ quả tươi, gạo ngon, bánh trái chất đầy xe , ra quầy trả tiền bằng tem phiếu cấp miễn phí hàng tháng này !
 Như vậy người già ở Mỹ được thụ hưởng khoảng 2000 usd/1 tháng ăn uống phủ phê , ăn tiêu gì hết , mỗi tháng còn có thể để dành tiền gửi về vn hoặc sắm vàng đeo đỏ tay.
Đó là tiêu chuẩn Mỹ dành cho người già neo đơn trên 65 tuổi, có đi làm và có đóng thuế thu nhập cho chính phủ.  4 năm liên tục ; không nhà cửa, không có tài sản trên 2000 đô , không ai nuôi nha các bạn ! 
Có quyền được sử dụng 1 xe ô tô dưới 2000 đô.
 Không đi làm ngày nào càng dễ xin tiền trợ cấp, xin càng nhanh và lẹ hơn là có đi làm dở dở ương ương vài năm …điều này vô lý , nhưng thực tế là vậy ! 
 Không đi làm xin tiền chính phủ,cấp càng nhanh chóng lẹ hơn có đi làm! ( Chắc sợ không có tiền thì làm bậy nên họ sợ chăng … ha ha ha …).
Khi ốm đau không tự phục vụ được, bảo hiểm y tế cử người tạp vụ đến phục vụ nấu cơm , giặt đồ, dọn dẹp lau nhà, đổ bô, tắm và dẫn cho mình đi bộ , luyện tập thể dục nhẹ . 
Hàng ngày và có ý tá đến tận nhà chăm sóc, đo huyết áp và tiêm chích thuốc theo toa bác sĩ , miễn phí điều trị. 
Khi về già sức yếu, bạn có thể thuê chính con trai, con gái ruột của mình, hoặc họ hàng phục vụ mình, tại nhà riêng của mình đang ở, tiền công này mỗi tháng chính phủ Mỹ sẽ trả 1200 usd tự chuyển vô tài khoản người mình thuê mướn . 
Mỹ cho phép thuê con cái ruột, cha mẹ ruột phục vụ!Chính phủ Mỹ họ vẫn trả tiền cho mình theo luật bảo hiểm y tế ! 

2.
Nguyễn Hồng Hưng
Người già đương đại đang bị bỏ rơi từ nhiều phía. Con cháu họ không đông đàn như thời cha ông. Đạo lý thời của họ bở lơ đạo hiếu với cha mẹ. Ngay cả Các con cái người già hôm nay cũng sống trong cảnh khó.
Số người già có điều kiện kinh tê nhưng sống cô quanh hiện khá đông.
Có một số người có ý định tụ hợp những người bạn (đã biết nhau) cùng cảnh ngộ lập “ xóm cao tuổi”. Ý đồ thực hiện trên mội khu đất mua chung, làm những căn nhà nhỏ liên kế đủ cho mỗi người ở độc lập. Có dịch vụ bếp và y tế…
Các cụ còn tinh sáng tự hùn vốn làm nhà “tình bạn dưỡng lão” chung sống cùng nhau …tôi hưởng ứng phương án này và cũng có vài bạn già hưởng ứng.
Nếu tập hợp đc bạn bè phù hợp nên chọn nới có khí hậu tốt cho người già và không xa quá 3 giờ xe đò. Ví dụ như Vũng Tầu.
Tôi tin phương án này sẽ trở nên phổ biển, các nhóm bạn già ở cả hai giới hiện nay không hề ít.
3.
Uyen Nguyen
Chị em mới rời nhà dưỡng lão đã ở 7tháng,để chuẩn bị về lại Mỹ.Vì ở viện dưỡng lão chung quanh có đông người nhưng 10 người 10 tánh dễ đụng chạm ,muốn ăn gì cũng ko ra ngoài được ,ở cùng phòng lỡ cùng người ko hạp tánh, thức ăn hàng ngày ko hợp vẫn phải ăn...tháng 15tr, chị đã 80t giờ đòi về Mỹ.Anh còn bạn bè con cháu xung quanh. Về thu xếp lại




Sáng chạy về Kiên Lương thăm động Sơn Trà. Hứng tình rủ nhau ra đảo. Theo lời chỉ dẫn của anh nhiếp ảnh thổ địa ở đây, kiếm được nơi cho thuê tàu ra biển. Tui định không đi vì cảm thấy hơi mệt định nằm võng ngủ một giấc. Nhưng rồi anh em rủ rê quá, lại nghĩ nằm một mình ở đây buồn, nên cùng xuống thuyền. Bà chủ bảo thuyền có ghế ngồi nghiêm chỉnh, ai ngờ bị bà dụ. Thuyền composite trống rỗng chỉ có một chiếc máy nhỏ nổ xình xịch, chẳng thấy ghế cũng chẳng áo phao.
Gần bờ còn thấy êm êm, còn đưa máy lên chụp vài tấm hình. Ra tới biển mênh mông, sóng đánh ào ạt. Thuyền lắc lư, lúc thì bị sóng đưa lên cao, nước văng tung toé. Mỗi lần thuyền bị sóng nhấc lên khi rớt xuống nghe tiếng động như muốn vỡ tàu. Nhồi lên, rớt xuống muốn rớt tim ra ngoài.
Đường vẫn còn xa, mặc sóng đánh, tay lái tàu vẫn rú hết ga. Hai lão già, một U90 đời cuối, một U80 đời đầu đứng chịu trận, lại đứng trước mũi tàu không có chỗ để níu, chỉ biết dựa vào nhau mà chân run. Nước bắn ướt cả áo và máy ảnh. Sợ thấy bà nội. Sợ thuyền lật, sợ nước tràn, sợ thuyền lủng, đủ thứ để sợ. Nhìn bên kia là đất Campuchia, nhìn quanh chỉ thấy nước và nước, xa xa có mấy ngọn núi nghe bảo ở đó mấy động nữa. Nhưng hết ham rồi, chỉ muốn trở lại đất liền thôi. Đến hang chẳng thấy gì, chỉ thấy tảng đá sừng sững và trên nóc là một rừng cây. Đường về êm hơn, biển bớt động, lòng bớt lo.
Về Cái Bè, lại đi tàu vào resort, mưa trắng trời, nước tạt thêm lần nữa, ướt mem. Đêm đó bỗng rét run, tay run cầm cập không cầm được cái ly uống nước. Vào phòng, tay yếu không tự đắp được mền, phải nhờ bạn Long đắp cho hai tấm và dùng máy sấy hơ nóng khắp người. Nửa đêm lại nóng toát mồ hôi. Chắc cảm sốt vì mắc mưa rồi.
Giờ đã lên mặt đất mà lòng vẫn còn run vì chuyến tàu bão táp. Chợt nhớ cách đây mấy năm, về Hà Tiên đi tàu ra đảo, cũng bị chuyến tàu hãi hùng còn hơn chuyến này, cả đoàn ướt mem và tái xanh mặt mày. Ai ngờ về lại chuyến này cũng bị biển cả đe doạ sảng hồn. Thế mới thấm thía cho những người vượt biên, con tàu nhỏ chứa cả trăm người lênh đênh trên biển như chiếc lá với sóng to, gió lớn, thiếu nước, không có thức ăn lại bị hải tặc đe doạ. Đúng là liều, họ chấp nhận cái chết để đến được vùng đất khác. Bản thân mới ra đến thềm của biển mà đã run mới thấy ngày trước những người vượt biên bằng thuyền là người dũng cảm.
Về lại Sài Gòn tự hứa trong lòng sẽ không bao giờ bước xuống một chiếc tàu thiếu phương tiện và không chút an toàn lần nào nữa. Hú hồn rồi.
27.6.2023
DODUYNGOC



 Trời tháng mười buồn thiệt là buồn. Ngày hôm qua mưa dầm buổi chiều, đứng trên balcon nhìn mưa và những người những xe bì bõm phía dưới đường. Bỗng chán. Chiều nay trời âm u nhưng không mưa, lại nhớ mưa. Thật là kỳ cho tính tình dở dở ương ương. Thèm mưa, muốn nhìn những cơn mưa ào ạt qua mái hiên, qua những khóm cây và nhìn mọi người dưới cơn mưa. Bỗng nhớ hình ảnh trong một bộ phim nào đấy xem hồi trẻ, một người khoác chiếc manteau đi ngược gió, những hạt mưa rơi theo. Nhân vật dừng lại dùng tay che gió đốt thuốc. Lão nghĩ hình ảnh đó đẹp nhất của người đàn ông. Cũng chẳng biết vì sao lão nghĩ thế và suy nghĩ đó cứ mãi theo lão. 

Giờ lão đã già, lão cũng muốn đi dưới mưa và dừng chân đốt thuốc, nhưng sức khoẻ không cho phép, lão sẽ bệnh ngay. Lão muốn đi dưới mưa trở lại con đường cũ, con đường có ngôi biệt thự trồng mấy cây ngọc lan. Mùi hương ngọc lan trong đêm cách đây gần nửa thế kỷ lại thoang thoảng trở về trong nỗi nhớ. Cây giờ chẳng còn hoa, người cũng mất hút. Ký ức đọng lại những vòng xe, những tờ thư, những ánh nhìn như muốn hút vào nhau. Tất cả không còn gì, chỉ còn lại nỗi nhớ trong lòng của một lão già cô độc. Thời gian đi mau quá! Không có tình yêu vĩnh cửu mà chỉ có những phút giây vĩnh cửu của tình yêu. Có thật thế không?

Trời bỗng nỗi gió, có lẽ sẽ có mưa. Lão chợt nghe đâu đó hình như có tiếng hú, tiếng hú của gió thổi ào ạt qua cánh đồng hoang, qua sa mạc không người. Tiếng hú của gió luồn qua khe núi nghe như tiếng rít. Tiếng hú âm âm dội vào lòng lão. Lão lại nhớ buổi chiều trở gió, và mưa. Lão nhớ bàn tay nắm và thân thể ướt đẫm dưới mưa của hai người trẻ tuổi mới chớm yêu nhau. Đã xa lắm rồi. Đã chẳng còn chi nữa đi qua thời gian. Lỗi lầm duy nhất của lão là vẫn còn nhớ hoài một mối tình đã vụn vỡ. Làm sao mà quên được/ Đời qua vút như tên/Dăm ba hạnh phúc ngắn/Sao quên được mà quên.

Trong gió có tiếng chim lẻ bạn. Tiếng chim hoảng hốt lúc trời đã về chiều. Lão nghĩ mình cũng thế thôi, cũng chỉ là cánh chim mệt mỏi một mình trở về trong hoàng hôn của cuộc đời. Lão thèm một bàn tay, thèm ánh nhìn và ai đó tựa đầu. Chỉ còn sương khói. Chầm chậm bước xuống, đời giờ chỉ còn những bước chân đi xuống. Chẳng còn ai đợi chờ, không còn ai trông ngóng. Đời đôi khi vô vị thật. Thêm một cối thuốc, khói lửng lơ. Mưa đã tới, chiếc màn lung lay, chiếc phong linh ngoài hiên phát âm thanh cuống quýt. Giờ này có người đang thỉnh chuông, đang đọc kinh chiều. Mưa tạt vào ướt đẫm cành hoa đang héo nằm lẻ loi trên bàn. Đi qua cây đàn, bấm một hợp âm. Tiếng đàn bỗng như tiếng hét tắt nghẹn ở cổ. Tháng mười chưa cười đã tối. Chiều đang qua rồi cũng sẽ đến đêm thôi. Đêm xô lệch chiếu chăn và khó tìm giấc ngủ.

7.10.2022

DODUYNGOC



Tháng mười vội tới với cơn đau
Ôm cái chân sưng đời nát nhàu
Trời đất lộn nhào mưa ướt cửa
Cũng chỉ mình ta đâu có nhau
Chẳng lá vàng thu mây màu thâm
Bóng xô chăn gối lệch âm thầm
Cố đi một bước thân nghiêng ngửa
Ai nạo xương này như dao đâm
Đêm mãi kéo dài không thấy sáng
Mèo gào động đực góc mái hiên
Nằm mãi nhìn khuya sao quá chán
Thân thể hư hao chẳng dám thiền
Tháng mười ai bỏ ta đi mất
Để lại đêm ngày buồn chất ngất
Một mình xoay xở níu vào đâu
Hơi thở ngắn muộn phiền tiếng nấc
Căn nhà trống ngọn đèn leo lét
Ta biết mình lâm vào thế kẹt
Cất tiếng rú vỡ nát thinh không
Không tiếng nói chỉ còn tiếng thét
Tháng mười đi tháng mười trở lại
Cuộc trần gian là một vòng quay
Tranh dang dở đượm màu tê tái
Giường một mình cứ mãi loay hoay
Tháng mười về ta vẫn thiếu nhau
Thèm phấn son tóc đã nhuốm màu
Lòng ai như cửa giờ khép chặt
Ta nhặt nỗi buồn đau thêm đau.
6.10.2022

DODUYNGOC 









Thông thường, làm chủ, quản lý, điều hành để phát triển một nhà hàng có tên tuổi là một công việc khó nhọc và tốn nhiều thời gian, công sức. Thế mà ở đất Sài Gòn có một cô từng làm chủ năm cái nhà hàng giờ còn bốn, thật đáng nể! Nể hơn nữa là thường thường nếu làm chủ một chuỗi nhà hàng, tất cả hệ thống đó đều bán chung một mặt hàng và trang trí giống nhau. Ở đây không thế, bốn nhà hàng bán bốn món ăn vùng miền khác nhau, trang trí hoàn toàn khác nhau, cho nên tốn rất nhiều ý tưởng để thực hiện cũng như theo dõi, tổ chức. Cô chủ lại là người duy mỹ, cầu toàn. Bởi vậy trong các nhà hàng của cô, những chi tiết rất nhỏ cũng được lưu tâm một cách tinh tế. Từ cái chén, đôi đũa, cái muỗng cho đến cái gác đũa. Từ cái vòi nước trong phòng vệ sinh cho đến cánh cửa sổ, nhất là những bình hoa. Tất cả đều được lựa chọn theo ý của chủ nhân để tạo một hình ảnh phù hợp với yêu cầu của khách và cả của chủ. Không ngại tốn kém, không sợ tốn công. Chỉ cần nhà hàng phải đẹp, phải tạo được niềm vui cho khách. Khách bây giờ đến nhà hàng không chỉ để thưởng thức món ăn mà còn để ngắm. Ngắm rồi chụp hình đưa lên Facebook, để khoe với mọi người, để kỷ niệm ghi lại một lần đã đến. Món ăn thì khó mà chiều lòng cho tất cả. Bởi ngon hay dở cũng tuỳ cái lưỡi của mỗi người. Mỗi người một khẩu vị, khó mà đáp ứng được. Thế nhưng món ăn, khung cảnh đẹp thì ai cũng thích. Những nhà hàng của cô chủ này đã mang đến cho thực khách niềm vui đó dù giá có thể hơi cao hơn mặt bằng chung một chút nhưng cũng khó phàn nàn.
Tôi đang đề cập đến các nhà hàng có tên Bếp nhà xứ Quảng, Bếp nhà Lục tỉnh, A bún bò và một nhà hàng cũng mang tên Bếp nhà xứ Quảng vừa mới khai trương ở phố cổ Hội An của Cô Ba Đoàn Thu Thuỷ. Cũng không quên nhắc đến nhà hàng L'Aura de Nam Kỳ rất hay, rất chất ở con đường Tú Xương khá sang của đất Sài Gòn. Nhưng vì nhiều lý do nhà hàng phải đóng cửa sớm trong nuối tiếc của nhiều người đã có lần ghé đến.
Bếp nhà xứ Quảng là nhà hàng đầu tiên của Cô Ba Thuỷ. Trước ở đường Hai Bà Trưng, sau dời về Trần Cao Vân. Như tên gọi, nhà hàng chuyên về các món ăn xứ Quảng. Ở đây, khách có thể gọi tô mì Quảng, tô Cao lầu, thịt heo luộc chấm mắm cái, tôm chua, cá nục cuốn bánh tráng, cá chuồn kho, canh mít non... và nhiều món nữa. Người Quảng ở Sài Gòn, người Quảng từ xa về, đến đây sẽ thưởng thức được những món ăn của quê nhà, món ăn của kỷ niệm. Nhà hàng là một ngôi nhà Hội An được dựng lên ở phố Sài Gòn. Cũng giàn bông ngoài sân, cũng những chiếc lồng đèn đỏ treo cao gợi không gian Phố Hội.
Rồi đến Bếp nhà Lục tỉnh ở đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cải tạo từ một quán bar Blue Ginger của một tờ báo, cô chủ đã đào một cái ao giữa nhà hàng, bên bờ có bụi chuối, hàng cây và một dãy lu sành xếp hàng hứng những giọt mưa nhỏ xuống từ những mái lá. Tất cả gợi một không khí của một miền quê miền Tây Nam Bộ, chỉ thiếu điệu hò trên sông nước. Món ăn cũng như tên gọi của nhà hàng, rặt món ăn của miền lục tỉnh. Những món ăn bình dân được nâng lên một bậc để trở thành những món đặc sản trong nhà hàng sang trọng. Và cũng như quán xứ Quảng, người ta đến đấy để nhớ về một miền lục tỉnh với những món của những ngày thơ ấu, món ăn của một thời khi còn ở quê nhà. Không gian ở đây lắng lại, nghe đâu đó có một giọng ca cải lương thoang thoáng trong những món ăn.
Rồi đến A bún bò nằm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ở đây chỉ có bún bò Huế và mấy món bánh Huế như bột lọc, bánh nậm. Có thể có khách gốc Huế khó tính sẽ bảo chưa giống với món bún bò Huế thuở xa xưa Mạ nấu. Nhưng giờ đây kiếm đâu ra cái mùi, cái vị của quá khứ. Nhưng ở A bún bò, ta vẫn tìm được cái hồn của tô bún Huế dù đã hơi nhạt phai vì phải biến tấu cho hợp thời và đất, người miền Nam. Miếng giò heo mềm, nước lèo ngọt thịt, sợi bún trôi tuột vào miệng, mùi ruốc, mùi sả vẫn có tuy thoang thoảng. Thời nay thế là đã tốt rồi. Lại có thêm chả cua, chả tôm, chả lọn của Huế. Dọn tô bún ra bàn, thêm dĩa bánh bột lọc, bánh nậm và chén nước mắm mặn nhiều ớt. Ta tạm thời nhớ tới xứ Huế đang xa lắc lơ, nhưng Huế vẫn ở đây trong tô bún bò của Cô Ba Thuỷ.
Nhà hàng ở Hội An tuy mới khai trương chưa lâu nhưng đã trở thành địa điểm nhiều người thích đến để chụp hình. Bởi nó đẹp, cái đẹp rất Quảng từ ngôi nhà gỗ, từ những chậu cây được chăm chút, chọn lựa kỹ càng, từ những đèn lồng và cách trang trí tuy cầu kỳ nhưng vẫn thanh lịch, tự nhiên. Bạn đến Phố Hội mà chưa một lần vào nhà hàng để nhìn ngắm, để thưởng cho mình một món ngon xứ Quảng e rằng cũng là điều thiếu sót.
Để điều hành, quản lý mấy nhà hàng như vậy mà mọi thứ vẫn trơn tru phải khen là cô chủ giỏi. Mấy ai làm được thế?
DODUYNGOC



Tháng tám thiếu mất nụ cười.
Ta khoanh đời mình bé lại
Cũng chỉ một mình ta đi.
Tiếc nuối một thời thơ dại
Tháng tám trời đang vào thu
Sót chiếc lá vàng hiu hắt
Thế giới trong cơn âm u.
Ta lâm vào cơn túng ngặt
Tháng tám đọng những cơn mưa
Ta còn những ngày lay lắt
Người đi về phía chân trời
Để lại hàng cây tím ngắt
Tháng tám nằm nghe dế gáy
Nửa đêm hoa nở giữa vườn
Bỗng nghe trong lòng lửa cháy
Đường về còn lắm tai ương.
Tháng tám lỗi từng nhịp thở
Ta buồn nằm ngửa nhìn cây
Trăng xưa không còn về nữa
Tháng năm chỉ thoáng hao gầy
Tháng tám chim không buồn hót
Chẳng đành từ bỏ hàng hiên
Mưa đọng mái nhà từng giọt
Ta đi đóng cửa tọa thiền
Tháng tám lửng lơ chút nắng
Ta đem phơi những tờ thư
Kỷ niệm giờ đầy chốt chặn
Tìm đâu câu nói tạ từ
Tháng tám rồi cũng sẽ qua
Tình yêu cũng đã nhạt nhòa
Ta quay về tìm chỗ trú
Loay hoay giữa chốn quê nhà
2.8.2022

DODUYNGOC 

 


Ta đành quên người đã mịt mù

Chiếc lá vàng sót chút mùa thu
Ta còn lại nửa đời lở dở
Tập từ bi vơi bớt hận thù
Ta đành quên người đã hư hao
Mầm biệt ly thoáng hiện hôm nào
Mắt thôi liếc nụ cười héo rũ
Đôi tay buồn thêm màu xanh xao
Ta đành quên bao ngày đi hoang
Bước phiêu du điếu thuốc lụi tàn
Gió rất khẽ sao lòng tơi tả
Điệu nhạc buồn tiễn tình sang trang
Ta đành quên người về chốn ấy
Tụng lời kinh niết bàn chưa thấy
Con chim buồn vỗ cánh bay đi
Nhìn vai gầy xót xa biết mấy
Ta đành quên những ngày đã xa
Bóng hắt hiu lúc tuổi chớm già
Leo lét cháy bầu dầu sắp cạn
Chẳng ai chờ ở cuối sân ga
Ta đành quên bao nhiêu vết xước
Mây bay xa làm hồn đẫm nước
Tim chập chùng những dấu rong rêu
Thấy sương khói ngập đầy mắt ướt
Ta đành quên căn nhà dưới dốc
Bước người về guốc khua lóc cóc
Tà áo bay sáng cả trời chiều
Ta cuộn mình tay ôm mặt khóc
Ta đành quên những nụ hôn đầu
Cơn mưa chiều quên lối về đâu
Dấu năm tháng đày thân tiều tuỵ
Giờ chỉ còn nỗi nhớ rất sâu.
Ta đành quên những ngày rất cũ
Tuy vết thương vẫn còn mưng mủ
Tiếng kèn buồn đưa tiễn hôm qua
Ta trở lại làm tên du thủ
DODUYNGOC



Hắn và cô ấy học cùng trường, hắn trên cô ấy hình như ba lớp. Từ nhà hắn đến trường, đi nửa đường là nhà cô ấy nên thường gặp nhau. Hồi đó học trò thường đi bộ, một số bạn bè đã có xe gắn máy nhưng bố hắn không cho đi xe sợ nguy hiểm, chỉ thỉnh thoảng rảnh rỗi bố hắn chở hắn đến trường, nhưng chỉ năm thì mười hoạ. Thường thường gặp nhau trên đường, hôm thì hắn đi trước, cô ấy đi sau. Những khi như vậy hắn thường đi qua bên kia đường, đi chậm lại cho nàng đi trước rồi băng lại qua đường đi sau lưng nàng một quãng. Hôm nào ngẫu nhiên đi sau, hắn cứ tà tà lẽo đẽo đằng sau, cách hơn mười thước. Hắn khoái đi sau lưng cô ấy để được ngắm những bước chân đi, nhìn gót chân hồng hồng trong đôi guốc mộc, nhìn dáng đi chậm rãi có vẻ đoan trang, thuỳ mị, con gái thời đó được dạy thế, nhìn suối tóc dài đen mướt buông thả ngang lưng với tà áo trắng. Chỉ thế thôi mà lòng rộn rã. Con đường đi qua nhưng hàng phượng đỏ, thuở ấy con đường này đầy phượng. Mùa nắng, hoa phượng đỏ rực dưới bước chân nàng. Trên cao những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ trên nền trời xanh. Một cơn gió thoảng qua, nhiều cánh hoa như những giọt máu bay trong gió. Ôi cái thời thật hồn nhiên và lãng mạn. Cô ấy có biết hắn theo không, hắn nghĩ là có biết bởi cũng có nhiều lần cô ấy quay nhìn lại, đôi mắt tròn xoe như có nụ cười. Và hắn làm thơ, viết bao nhiêu là bài thơ về mối tình một chiều đang ươm mầm và lên lá trong lòng cậu học trò lớp đệ tam. Ngày nắng hay ngày mưa, hắn vẫn như cái đuôi suốt đoạn đường đến trường lúc đi cũng như khi về. Con đường đấy có một nhà thờ, thỉnh thoảng giấc trưa đi học về có tiếng chuông ngân nga, mỗi chiều có tiếng kinh cầu. Hắn có viết một bài thơ có tiếng chuông ngân và lời kinh cầu đó.
Hình ảnh ấy kéo dài suốt hai năm mà cũng chẳng có gì thay đổi. Vẫn cô nàng đằng trước và hắn phía sau suốt hai niên học. Hắn học nhảy, năm đệ tam hắn đã thi thí sinh tự do tú tài một bằng cách mua một học bạ lớp đệ nhị của một trường tư thục. Bởi thế năm đang học đệ nhị hắn đã chuẩn bị thi tú tài hai. Đời học sinh của hắn không học lớp đệ nhất ở trường chính thức.
Vừa đậu tú tài hai chuẩn bị ra Huế hoặc vào Sài Gòn học đại học, hắn gom tiền in ba trăm tập thơ, toàn thơ tình viết cho cô ấy, viết về một mối tình câm lặng suốt hai năm, viết về những nỗi buồn không nói được, về những tâm trạng của thằng con trai mới lớn si tình. Trước ngày bay vào Sài Gòn, hắn gói mười tập thơ bằng tờ giấy hoa rất đẹp gởi đến địa chỉ nhà nàng rồi bay mất. Để lại thành phố nhỏ đó một mối tình si, mối tình của tuổi mới lớn nhiều ký ức nhưng không có kỷ niệm.
Hắn không chấp nhận ngành học mà bố hắn yêu cầu nên ở đất Sài Gòn, hắn thuộc diện sinh viên mồ côi, tức là không có trợ cấp của gia đình. Hắn làm đủ việc để kiếm tiền đi học, công việc cuốn hắn đi. Cơm ăn, áo mặc, tiền cours, tiền sách báo, tiền học thêm ngoại ngữ khiến hắn không còn thì giờ để nghĩ ngợi nhiều. Thế nhưng nhiều đêm, thỉnh thoảng ôm đàn dưới trăng, hắn lại nhớ về cô ấy, nhớ thế thôi chứ cũng chẳng biết làm gì. Có lần ghé ký túc xá sinh viên Trường Kỹ sư Phú Thọ, hắn bắt gặp ai đó viết bài thơ của hắn trên tường ở đầu giường. Hắn vui vì cũng có người thích những bài thơ vụng dại một thời của hắn.
Rồi hắn được một cái học bổng đi học xa, bốn năm xa tít mù khơi cũng khiến hắn phai mờ mối tình câm của thuở học trò. Trở về, hắn làm công chức, ngày hai buổi đón xe đến sở làm, rồi về. Hắn vẫn là thằng đàn ông nhạt thếch không biết ăn chơi, nhảy nhót như những bạn cùng sở. Hắn lại không rượu bia, cà phê lê la hàng quán. Cuộc sống của hắn nhàn nhạt ngoài mấy cuốn sách hắn ngấu nghiến hàng đêm và tiếng đàn nỉ non những đêm trăng.
Rồi biến cố lịch sử ào ạt ập tới, cuộc sống mới lắm đổi thay, hắn thất nghiệp vì không đi trình diện sở làm cũ. Hắn lại sống lây lất và cũng đến lúc hắn lập gia đình, vợ hắn là người Sài Gòn. Cuộc đời hắn lại qua một trang mới. Hắn xin đi dạy học, lúc ấy nhu cầu giáo viên rất cần nên hắn được nhận rất dễ dàng nhưng vì lý lịch xấu quá hắn được đưa về một trường xa tít mù ở ngoại thành.
Một lần, lúc hắn đang đứng lớp, có người báo tin vợ hắn lâm bệnh, phải đưa vào nhà thương. Hắn lật đật chạy về vào bệnh viện thăm vợ. Hắn tình cờ gặp cô ấy, người con gái ngày xưa đó trong phòng của bệnh nhân. Cô ấy muôi mẹ bệnh, giường mẹ cô cách giường vợ hắn hai dãy. Cô nhìn hắn với đôi mắt ngạc nhiên tựa hình dấu hỏi. Vẫn đôi mắt đen với rèm mi cong ấy. Hắn nhìn cô ngỡ ngàng, định mở lời hỏi thăm mà không dám mở lời bởi vợ hắn ghen ghê lắm. Đành thôi. Ở lại một đêm với vợ, thỉnh thoảng liếc nhìn qua giường bên kia, không biết cô ấy đang nghĩ gì về cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này.
Khi trời chưa sáng, hắn lật đật ra bến xe để đến trường dạy học và vợ hắn sẽ được xuất viện trưa nay. Hắn cứ ân hận mãi về việc không có một lời thăm hỏi sau một thời gian khá dài mới được gặp lại.
Dạy được đôi năm, biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình hắn, hắn cũng được cấp nhà ở thành phố, một căn nhà nhỏ đủ cho một cặp vợ chồng với một con tá túc. Nhận ngôi nhà trống chẳng có vật dụng gì, hắn xuống phố gần nhà kiếm bộ bàn ghế rẻ tiền làm bàn ăn cũng là nơi làm việc và tiếp khách. Hồi đó ai cũng nghèo, làm nghề thầy giáo lại càng nghèo nên cứ đi loanh quanh mà vẫn chưa tìm được bộ bàn ghế nào vừa ý và hợp với số tiền trong túi. Cuối cùng, có một tiệm đầu phố gần dốc cầu hắn thoáng thấy một bộ bàn ghế bằng gỗ tạp, chắc là giá không đắt lắm. Hắn ghé vào, tiệm lổn ngổn những tủ bàn gỗ mộc nhưng chẳng thấy ai đứng bán. Chỉ có một cô bé khoảng năm sáu tuổi đang ngồi chơi đồ hàng. Cô bé thấy có khách bèn ngừng chơi nói vọng vào trong: Mẹ ơi! Có khách mua hàng nè. Một người đàn bà xuất hiện, vừa nhìn hắn đã nhìn ra là cô ấy dù thời gian đã làm nhan sắc của nàng có chút đổi thay. Cô ấy cũng ngạc nhiên khi thấy hắn, một thoáng nhận ra nhau. Hắn chưa kịp mở lời thì nàng đã nói vọng vào trong: Anh ơi! Anh bạn ngày xưa làm thơ tặng em nè. Hắn vừa nghe đến đó cảm thấy quê xệ quá nên liền vọt lẹ, lúng túng nên đạp mấy cái xe cà tàng không chịu nổ, hắn chèo hai chân đẩy vội xe đi, đường hơi xuống dốc nên hắn lật đật gài số, xe nổ hắn rú xe chạy một mạch.
Nhà hắn cách nhà cô ấy chỉ một con đường và một chiếc cầu. Hắn thường đi qua đó nhưng chẳng có chi để ghé vào cho đến mấy năm sau, người ta trùng tu lại cây cầu, tiệm đồ gỗ của nàng đóng cửa, không biết dọn về đâu?
Gần ba chục năm sau, trong một buổi họp mặt sinh viên của trường đại học cũ, hắn ngồi cạnh một anh bạn. Thời sinh viên la cà hành lang, biết nhau chứ không thân. Hai thằng nói qua nói lại, hoá ra cũng là bạn của nhiều người bạn chung. Nhắc nhiều chuyện ngày xưa nên cũng cảm thấy thân tình như tìm được một người bạn cũ. Hẹn hôm nào uống cà phê nói tiếp.
Sáng hôm sau hắn đi ăn sáng ở cơm tấm Nguyễn Phi Khanh, lại gặp anh bạn ấy cũng ăn sáng ở đấy. Lại tám chuyện cùng nhau và bạn rủ về quán gần nhà uống cà phê. Quán nằm ngay sau lưng nhà cô ấy. Nói năm điều bốn chuyện, hết chuyện trường xưa bạn cũ lại chuyên chính trị, thời sự. Cuối cùng, như thói quen của những người già, hỏi thăm gia đình, con cái của nhau. Anh bạn hắn chỉ ngôi nhà của cô ấy và bảo nhà tôi đấy, vợ người cùng quê Đà Nẵng với ông và có hai con đã lớn. Hắn chột dạ, thấy mẹ rồi, thì ra tay này là chồng của cô ấy. Sao trái đất bé quá vậy ta?
Hắn định bảo hắn có quen biết cô vợ. Nhưng nghĩ chẳng nên nói mà chi. Hay là thằng này nghe vợ kể tên hắn rồi nên làm thân để điều tra chi đây? Câm là hay nhất. Từ lần đó hắn cũng không gặp lại người bạn này.
Thời gian lẹ quá, bỗng chốc mới đó mà đã quá tuồi bảy mươi. Vợ hắn mất đã được mấy năm. Hắn lại cơm hàng cháo chợ. Suốt ngày lang thang quán xá. Hắn phát hiện có một quán cơm ngon, vệ sinh mà giá phải chăng nên trưa, chiều đều đến ăn ở đấy. Quán nằm đối diện căn nhà của cô ấy phía bên kia đường. Đôi khi ăn cơm, hắn thường nhìn qua, căn nhà cứ mãi đóng cửa im ỉm. Hắn đợi một hôm nào đó nhìn thấy nàng, hắn sẽ mạnh dạn đi qua mở một lời chào. Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy. Suốt hơn năm mươi năm biết nhau, hắn chưa được một lời với người hắn đã từng có thời yêu say đắm. Giờ hắn đã là ông nội, cô ấy cũng đã là bà ngoại. Sao cuộc đời không cho hắn gặp lại chỉ một lần nữa thôi để hắn ngỏ được một lời, để thấy được một nụ cười dù biết nụ cười bây giờ đã móm mém rồi.
Chiều nay, như mọi buổi chiều, hắn ngồi ăn cơm quán. Trời mưa lớn, hắn nhìn qua căn nhà trong màn mưa. Căn nhà vẫn đóng cửa im ỉm, chẳng thấy bóng ai.
19.7.2022
DODUYNGOC


Tôi vụng về nhồi thêm cối thuốc
Chiều âm u rớt mấy hạt mưa
Hành lang xưa chợt thèm tiếng guốc
Đôi bàn tay cảm thấy dư thừa
Người đã đi không có lời chào
Phố muộn phiền như bấc dầu hao
Tôi ở lại đứng ngồi tuyệt vọng
Nhìn lá bay tưởng bóng hôm nào
Giữa ngả bảy đường chia bảy ngả
Tôi hoang mang không lối đi về
Người đành lòng bỏ quên tất cả
Thôi cũng đành ôm nỗi tái tê
Ừ thôi thế cũng là phận số
Cuối đời rồi tiếc rẻ làm chi
Người mãi mãi chỉ là câu đố
Tôi loay hoay cũng chẳng được gì
Tôi vẫn biết người còn ở đây
Vẫn hắt hiu một tấm thân gầy
Đôi mắt ướt ngập đầy sương khói
Nhớ nhung người tôi nghe đắng cay
2014
DODUYNGOC


Đêm cô đơn bộn bề chăn gối

Người đi xa không lời trăng trối

Gió thổi về từng đợt nôn nao

Đèn lụi bấc góc phòng tăm tối

Đêm đắng cay với bao muộn phiền

Đêm thiết tha mắt môi thật hiền

Đêm co ro như thú tật nguyền

Trằn trọc thèm những phút bình yên

Đêm khát khao nhiều cơn mộng đầy

Đêm nhớ thương đôi vai thật gầy

Đêm co ro bức tường in bóng

Lá rũ buồn trên những đọt cây

Đêm hắt hiu hơi thở buồn tênh

Đêm bơ vơ giữa những chiếu mền

Đêm xơ xác bao bài thơ cũ

Người đi rồi ta chẳng còn tên

Đêm bỗng dưng tiếng người thật gần

Đêm trở gió bao lời thì thầm

Ta lưu lạc quay về quá khứ

Sầu chưa gieo buồn đã nẩy mầm

Đêm lặng lẽ trong đôi mắt ngó

Đêm nguyệt tận ta nằm một xó

Hình như mùi son phấn còn đây

Chân ai bước trên đầu ngọn cỏ

Đêm băn khoăn đường về vô tận

Đêm mù tăm quá nhiều lận đận

Đêm âm u chẳng biết lối về

Tập từ bi để quên thù hận

1.7.2022

DODUYNGOC




Tính đến nay, sau hơn hai năm con virus quái ác như cơn bão tấn công thế giới, toàn cầu đã ghi nhận hơn 535 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 6,3 triệu ca tử vong do đại dịch. Trong thời điểm đó, vaccine được xem như là vị cứu tinh để đối phó với cơn đại dịch. Trong một thời gian kỷ lục, bất chấp những quy định về việc sản xuất vaccine từ xưa đến nay, nhiều chủng vaccine đã ra đời một cách nhanh chóng  để phòng chống dịch. Vaccine của Pfizer sau đó là Moderna đã được phê chuẩn vội vã trong vòng một năm để phục vụ cho loài người. Không thể phủ nhận nhờ có vaccine, dịch đã tạm lắng nhiều nơi trên thế giới, số người tử vong càng ngày càng giảm. 

Ở nước ta cũng thế, khi đa số người dân được chích vaccine, tuy Covid 19 chưa bị đẩy lùi hẳn nhưng số người nhiễm bệnh và tử vong giảm rõ rệt. Ngày này năm trước, cơn đại dịch bùng phát ở thành phố và chỉ trong vòng nửa năm đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng. Thành phố đã trở lại cuộc sống bình thường, nỗi lo sợ về dịch bệnh và cái chết đe doạ hầu như không còn nữa. Người dân đã quen dần với những triệu chứng bệnh, dần dần xem như cảm cúm bình thường. Tuy vẫn còn mang khẩu trang như một thói quen, người ta bắt đầu không còn lưu tâm đến con virus khốn nạn đó nữa.

Thế nhưng, lại xuất hiện những di chứng mà các nhà khoa học cho là những hậu quả của hậu Covid. Vào tháng 10.2021, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid. Hội chứng này xảy ra ở những người nhiễm virus được 3 tháng, với các triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không có bất kỳ chẩn đoán thay thế nào có thể giải thích được. Hội chứng này biểu hiện những triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, khi leo cầu thang thường có cảm giác bị hụt hơi. Hay bị chóng mặt, mệt mỏi. Suy giảm trí nhớ, hay quên do khả năng cung cấp máu đến các cơ quan giảm, thiếu máu lên não ảnh hưởng đến khả năng tập trung. Giấc ngủ bị rối loạn, thức giấc giữa đêm. Ho kéo dài dai dẳng, giọng nói thay đổi. Khả năng co bóp cơ giảm, chân tay không còn tràn đầy sức lực như trước, hay bị đau cơ, đau khớp. Tinh thần không ổn định, thường xuyên lo lắng, thậm chí là trầm cảm. Những người có sẵn bệnh nền sẽ bị bệnh nặng hơn và khó chữa hơn.

Hội chứng hậu Covid tác động đến nhiều cơ quan bộ phận, không chỉ biểu hiện ở mặt lâm sàng mà còn xuất hiện những triệu chứng cận lâm sàng như: rối loạn đường huyết, giảm khả năng lọc cầu thận, tăng men tim,… Đặc biệt là tình trạng rối loạn chức năng hô hấp, nhất là giảm dung tích và độ khuếch tán phổi. Và cũng có nhiều trường hợp tử vong.

Cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng những biểu hiện trên xuất hiện ở những người đã chích vaccine và không hề bị nhiễm bệnh. Và những nghiên cứu đấy cho rằng đó là hậu quả của việc chích vaccine. Cho đến nay, những công ty sản xuất vaccine vẫn chưa báo cáo tổng kết những di chứng có thể xảy ra đối với người đã chích vaccine. Do đó, loài người vẫn chưa biết vaccine khi tác động vào tế bào của con người sẽ khiến cho cơ thể có những biến đổi như thế nào? Tất cả còn trong chờ đợi.

Và giờ đây nhà nước đang thực hiện tiêm mũi 4 cho các đối tượng dễ nhiễm bệnh và người trên 65 tuổi. Trong tình hình dịch bệnh đang tạm lắng, những di chứng hậu Covid và vaccine chưa được giải thích rõ ràng, người dân lại e dè, ngần ngại khi chích mũi thứ tư. Có lập luận cho rằng, chích hai, ba mũi vẫn không tránh được nhiễm dịch. Giờ chích thêm mũi thứ tư cũng vẫn có thể dính dịch, thì chích thêm làm gì lại có hại cho cơ thể. Lại có tin trên báo cho biết rằng hiện nay có hàng triệu liều vaccine đang cận date, dân lại lo sẽ bị chích thuốc quá date. 

Trước tình hình không tích cực chích vaccine của một số người dân, Bộ Y tế và một số địa phương ban hành đề nghị những người không chấp nhận chích tiếp vaccine phải ký cam kết và chịu trách nhiệm khi cộng đồng nhiễm dịch. Kiểu này là tào lao rồi. Tiêm chủng là tự nguyện, khi người dân cảm thấy cần thiết thì sẽ chen nhau chích, xem được chích là một đặc ân, là may mắn như đã từng xảy ra trước đây khi dịch bệnh căng thẳng. Bây giờ tình hình đã khác rồi. Chỉ nên kêu gọi ý thức của người dân chứ không nên đề ra những biện pháp chế tài đe doạ. Khi cộng đồng nhiễm dịch, biết ai là người làm lây bệnh mà thi hành biện pháp, chuyện đấy bất khả thi. Hơn nữa, muốn thực hiện chuyện cam kết như thế chính quyền phải đưa ra quy định cụ thể và tính pháp lý của việc ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan. Khi thấy cần thiết phải tiêm chủng để tránh những nguy hiểm của dịch bệnh, người dân sẽ hưởng ứng ngay thôi. 

Phòng chống dịch cần có những biện pháp, kế hoạch cụ thể và hợp lý. Những bi thương của năm trước do những sai lầm vẫn còn đó. Việc chọc ngoáy đại trà, liên tục với kit test dỏm giá cao của thời đấy đã cho thấy nhiều điều khiến dân phẫn nộ. Do vậy, khi ban hành những biện pháp nên cân nhắc và cẩn thận, không nên đi vào vết xe đổ đưa đến hậu quả không hay. Hệ thống truyền thông của nhà nước nên có những giải thích rõ ràng cho dân hiểu. Nhất là những triệu chứng tác động về lâu dài trên cơ thể khi chích vaccine. Khi dân đã thông thì mọi kế hoạch sẽ thực hiện thông suốt và dễ dàng.

28.6.2022

DODUYNGOC


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget