tháng 12 2019




Món ăn lừng danh thiên hạ gắn liền tên tuổi đô thị cổ
Ngày 27.12, TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) sẽ kỷ niệm 340 năm thành lập Mỹ Tho đại phố, đô thị có tuổi đời cao nhất vùng Nam Bộ, trước cả đô thành Sài Gòn-Gia Định. Theo sử sách, khoảng năm 1623, Mỹ Tho (theo tiếng Khơme có nghĩa là cô gái đẹp) đã có những nhóm lưu dân người Việt đến khai phá, định cư xen kẽ với cư dân người Khơme có mặt từ trước.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết, tháng giêng năm Kỷ Mùi thứ 32 (1679) một nhóm người Minh Hương do tướng Dương Ngạn Địch của nhà Minh (Trung Quốc) không đầu phục nhà Thanh, nên đem binh lính và quyến thuộc hơn 3.000 người và hơn 50 chiến thuyền xin quy phục chúa Nguyễn. Lúc bấy giờ, chúa Nguyễn cho Dương Ngạn Địch đưa thuyền vào cửa Tiểu, cửa Đại, đến khai khẩn, định cư ở Mỹ Tho.
Tại đây, nhóm Dương Ngạn Địch nhóm họp với người Việt, người Khơme khai khẩn ruộng đất, trồng trọt, lập thôn ấp. Tận dụng nguồn lợi sản vật dồi dào của địa phương, nguồn nhân lực đã khá đông, lại có vị trí địa lý thuận lợi, nhóm người của Dương Ngạn Địch lập Mỹ Tho đại phố, từ đó tàu thuyền tới lui buôn bán đông đúc.
Mỹ Tho đại phố được xác lập tọa lạc ở làng Mỹ Chánh, H.Kiến Hòa, nằm dọc theo nhánh bên trái của rạch Mỹ Tho, bắt đầu từ bến Tắm Ngựa ở chỗ giao nhau giữa rạch Mỹ Tho với sông Tiền (nay thuộc P.2, TP.Mỹ Tho), chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức hiện nay khoảng 4km (nay thuộc P.2 và P.8, TP.Mỹ Tho) cho đến cầu Vĩ, Gò Cát (nay thuộc xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho).
Ngày xưa, ghe thuyền, vật lực từ các địa phương khác, kể cả nước ngoài tụ họp về Mỹ Tho đại phố rồi tỏa ra khắp nơi, thông thương với các địa phương khác. Từ thế kỷ 17, Mỹ Tho đại phố đã trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ, là thương cảng có quan hệ buôn bán với nhiều thương nhân nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines…
Sau đó rất nhiều làng xã mọc lên xung quanh khu vực Mỹ Tho đại phố như An Hòa (Thạnh Trị), Điều Hòa, Bình Tạo, Phú Hội, Đạo Ngạn, Mỹ Hóa… Đến thế kỷ 17, 18, các chúa Nguyễn đã xác lập và khẳng định chủ quyền vùng đất Mỹ Tho vào bản đồ Đại Việt, từ đó mở mang bờ cõi, nối liền một dải từ bắc sông Tiền tới miền Hà Tiên (Kiên Giang).
Năm 1808, trấn Định Tường được thành lập với Mỹ Tho đại phố là lỵ sở. Đến năm 1826, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở trấn Định Tường sang phía tây sông Bảo Định thuộc 2 thôn Điều Hòa và Bình Tạo của H.Kiến Hưng (nay thuộc các P.1, P.4 và P.7), phủ Kiến An, tỉnh Định Tường và vẫn giữ tên gọi Mỹ Tho.
Năm 1861, người Pháp chiếm thành Định Tường, san bằng thành lũy và cho xây dựng các công sở, chợ, trường học, nhiều công trình khác tại làng Điều Hòa (P.1 và P.7 ngày nay) và khu vực này trở thành trung tâm TP.Mỹ Tho cho đến ngày nay. Năm 1900, Mỹ Tho trở thành tỉnh lỵ Mỹ Tho, có đường xe lửa dài 70km nối với Sài Gòn, do người Pháp xây dựng năm 1881, khánh thành vào tháng 7.1885, là tuyến đường sắt sớm nhất ở Đông Dương.
Tròn 340 năm tuổi, cùng với sự biến thiên của thời gian và tốc độ đô thị hóa, ngày nay dấu tích xưa của Mỹ Tho đại phố hầu như không còn. Có chăng chỉ còn vài di tích tuổi đời chưa đến 200 năm như Trường trung học Mỹ Tho (Collège de Mytho, mở năm 1879), chùa Vĩnh Tràng (xã Mỹ Phong), chùa Bửu Lâm (P.3), chùa Thiên Phước (xã Mỹ Phong), chùa Ông (P.8)…
Nhưng có một món ăn lừng danh mà bất kỳ ai khi đến TP.Mỹ Tho đều phải tìm ăn cho bằng được, đó là hủ tiếu Mỹ Tho. “Hồi nhỏ tôi nghe ông bà xưa hay kể, hủ tiếu và mì, bánh bao là món ăn của người Hoa, nhiều khả năng xuất hiện ở Mỹ Tho từ khi nhóm người Minh Hương của tướng Dương Ngạn Địch thành lập Mỹ Tho đại phố. Vì vậy có thể nói, Mỹ Tho đại phố bao nhiêu tuổi thì món hủ tiếu Mỹ Tho lừng danh cũng có mặt trên vùng đất này từng ấy năm”, ông Phạm Văn Phương, người sành ăn quê gốc ở Mỹ Tho, cho biết.
Theo ông Phương, hiện nay TP.Mỹ Tho có rất nhiều tiệm bán hủ tiếu, nhưng muốn ăn được tô hủ tiếu Mỹ Tho nấu đúng bài bản là chuyện không dễ.
Bí ẩn trong tô hủ tiếu có lịch sử hàng trăm năm tuổi
Ông Phương cho biết món hủ tiếu Mỹ Tho được nhiều người biết đến vào những năm 1950-1960, được bán trong hàng loạt tiệm mì nổi tiếng của người Hoa như Khánh Ký, Tuyền Ký, Vĩnh Ký, Hưng Ký… Nhưng hiện tại, khi đến TP.Mỹ Tho, thực khách khó tìm được tô hủ tiếu được nấu theo kiểu ngày xưa, bởi ngày càng có nhiều cách nấu khác nhau, khiến rất nhiều người ngộ nhận về món ăn này.
Theo ông Phương, tô hủ tiếu Mỹ Tho được đánh giá là “ngon đúng điệu” thì nồi nước lèo phải được hầm bằng xương heo và củ cải trắng, tôm khô, mực khô, củ cải muối để lấy vị ngọt. Nếu dùng đường cát, bột ngọt, bột nêm tạo vị ngọt thì nồi nước lèo xem như… vứt. Ngoài nước dùng (nước lèo) “đặc sản”, tô hủ tiếu Mỹ Tho được trang bị thêm mộ số “phụ tùng” như thịt nạc, thịt bằm, sườn non, tim, gan, phèo heo, tôm bóc vỏ, giá, hẹ, cải xà lách, dấm Tiều, chanh, ớt.
Tuy nhiên, hồn cốt của món ăn trứ danh này không nằm ở các món ăn kèm mà chính là ở sợi hủ tiếu. Ông Phương kể, từ xưa sợi hủ tiếu Mỹ Tho cọng nhỏ, dai, mềm, thơm phức mùi gạo khiến mọi người ưa chuộng do được làm từ những hạt gạo ngon nổi tiếng của xứ Gò Cát thuộc vùng phụ cận của Mỹ Tho đại phố (nay là xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho).
Sợi hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng đến mức, nhiều năm qua TP.Mỹ Tho đã thành lập hẳn một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất sợi hủ tiếu, bánh, bún từ bột gạo ở xã Mỹ Phong. Hiện nay xứ Gò Cát không còn trồng lúa, nên gạo Gò Cát cũng không còn. Các nghệ nhân làng nghề phải sử dụng các loại gạo ngon của những vùng khác để sản xuất sợi hủ tiếu, nhưng chất lượng không thua kém sợi hủ tiếu Gò Cát ngày xưa.
“Mấy năm nay Việt kiều sinh sống ở Mỹ, châu Âu, châu Úc… khi ghé Mỹ Tho đều tìm mua sợi hủ tiếu Mỹ Tho về làm quà, nhưng ít người biết Mỹ Tho không còn gạo Gò Cát. Trong khi đó khách thập phương khi đến Mỹ Tho đều phải tìm ăn cho bằng được 1 tô hủ tiếu nổi tiếng có lịch sử hàng trăm năm.
Nhưng hiện nay tại Mỹ Tho, món hủ tiếu ngày càng có nhiều biến tướng khi chủ quán cho thêm vào cả thịt gà, cá, mực, bò viên, trứng cút, giò heo… khiến người ăn không thể phân biệt như thế nào mới là tô hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu. Theo tôi, hiện tại ở TP.Mỹ Tho những quán nấu được món hủ tiếu đúng điệu, mà nấu ngon nhất chính là những quán do người Hoa làm chủ, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”, ông Phương nói.
Nhắc đến hủ tiếu Mỹ Tho, có chi tiết thú vị mà ít người còn nhớ: năm 2008 khi TP.Long Xuyên (An Giang) đăng cai tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao thì tỉnh Tiền Giang cử các nghệ nhân của làng nghề bánh bún, hủ tiếu Mỹ Phong mang món hủ tiếu đặc sản trứ danh đến tham dự.
Lúc bấy giờ, dù TP.Long Xuyên có đủ loại hủ tiếu, kể cả món hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu cá Châu Đốc lừng danh, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt người vào hội chợ xếp hàng để được thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng.
Người ta ăn hủ tiếu Mỹ Tho nhiều đến mức các đầu bếp phải hối thúc người ở nhà tăng cường gửi các loại nguyên liệu, gian hàng phải mở cửa bán suốt ngày trong khi kế hoạch ban đầu chỉ bán vài hôm để… lấy tiếng.
Trong khi đó, theo ông Phương, rất ít món ăn có tên tuổi gắn liền với địa danh hàng trăm năm mà vẫn “nổi tiếng thiên hạ” như hủ tiếu Mỹ Tho, nên dịp kỷ niệm 340 năm khai sinh Mỹ Tho đại phố thì món hủ tiếu Mỹ Tho trứ danh cũng nên được đề cập, quảng bá, tôn vinh xứng tầm.
Thanh Anh

Ta như con thú bị thương
Tìm nguồn nước
Suối hồ ở sát đây mà không tới được
Ta lê thân
Bò như loài bò sát
Chỉ một bước chân chẳng với tới
Ngã sóng soài trên nền nhà
Nằm yên và thở
Nước mắt tràn đầy mặt
Trần nhà như bầu trời
Đổ ập xuống
Không điều khiển được thân thể mình
Ta kêu gào như loài thú
Rừng hoang vu
Và căn nhà lạnh lẽo
Thú đã bỏ rừng đi vì sự ruồng đuổi của loài người
Ta một mình và chẳng còn ai


Nỗi cô đơn là độc dược
Ta hiểu tại sao Kawabata mở lò gaz kết liễu đời mình
Ta hiểu tại sao Van Gogh bắn vào ngực mình bằng khẩu súng lục
Ta hiểu tại sao Hemingway nã vào đầu mình bằng khẩu súng săn
Và vì sao Robin Williams tự sát
Nỗi cô đơn là thủ phạm

Ta bây giờ là con thú bị tù hãm
Không liếm được vết thương
Nằm trong hang giữa sa mạc
Nỗi cô độc chỉ có gió và cát
Và cô đơn sẽ giết chết ta trước khi vết thương kết liễu mạng sống
Ta gào lên không vọng âm
Giáng sinh
Chúa vắng mặt
Chẳng còn ai, không còn ai
Thế giới đã chết
24.12.2019
DODUYNGOC

Trước năm 1975, tui khoái kiểu vẽ bìa nhạc của hoạ sĩ Duy Liêm và Kha Thuỳ Châu. Nhiều bản nhạc tui không thích nhưng vì cái bìa nên tui cũng mua. Hai hoạ sĩ vẽ hai phong cách khác nhau, đặc biệt là hoạ sĩ Duy Liêm, hình vẽ của ông có nhiều hình khối, đường cong, nét gãy rất đặc biệt. Chữ tít bản nhạc ông cũng thường sử dụng những nét gãy không giống ai trước đó tạo thành font chữ của Duy Liêm. Hồi thời sinh viên, tui nhận viết thông báo, vẽ bích chương, biểu ngữ cho Viện Đại học Vạn Hạnh, rồi nhận làm bìa sách, tui cũng thường bắt chước kiểu chữ của ông. Sau năm 1980, tui vẽ rất nhiều bìa sách, cũng học của ông rất nhiều về bố cục, font chữ.


Sau này khi tìm hiểu về hoạ sĩ Duy Liêm mới thấy ông có số lượng sáng tác đồ sộ và phong phú vô cùng. Ông đã từng vẽ tiền từ thời Việt Minh, vẽ áo dài cho bà Ngô Đình Nhu, tranh sơn mài Thành Lễ, Lam Sơn, mẫu thêu, tranh lụa, tranh sơn dầu. Hoạ sĩ Duy Liêm từ năm 1954 đến khi qua đời đã vẽ hàng trăm bìa sách, hàng trâm bản nhạc. Ông là người kín tiếng, không khoe khoang cũng như ít ngao du với văn nghệ sĩ nên ít người biết ông là một hoạ sĩ đa dạng, đa tài và có một số lượng tác phẩm gây sửng sốt cho người tìm hiểu về ông. Các nhạc sĩ miền Nam trước 1975 thường muốn có bìa nhạc của mình do hoạ sĩ Duy Liêm vẽ. Thời đó nổi bật có các nhà xuất bản chuyên in nhạc là Tinh Hoa Miền Nam, Diên Hồng, Sống Mới…đây là các nhà xuất bản rất chuộng nét vẽ của hoạ sĩ Duy Liêm.

Trong cuốn sách “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại » (in tại Hoa Kỳ năm 2009) của nhà phê bình nghệ thuật Huỳnh Hữu Ủy, phần “Tiến vào nghệ thuật mới”, tác giả xếp họa sĩ Tạ Tỵ và Duy Liêm vào một nhóm. Theo Huỳnh Hữu Ủy, sau 1954 cho đến các năm 70, Duy Liêm đã rất thành công với “Lập thể Duy Liêm” trong đại chúng, xâm nhập mạnh mẽ vào trong cuộc sống hằng ngày của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là các minh họa trên các bìa nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, Nguyễn Hữu Thiết, Phạm Đình Chương… và vẽ nhiều mẫu tranh cho hãng Thành Lễ với tư cách là họa sĩ chính. (Phạm Công Luận)
(Trích trong cuốn “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” tập 1)

Nhiều người treo trong nhà những bức sơn mài của Thành Lễ trước đây và Lam Sơn sau này nhưng chẳng mấy người biết đó là tác phẩm của hoạ sĩ Duy Liêm. Cho đến giờ, gần 60 đi qua, tui vẫn kính phục ông, vẫn mê những tranh và bìa nhạc của ông.
17.12.2019
DODUYNGOC

HOẠ SĨ DUY LIÊM


Hôm qua mây toả về trời
Một người đứng lại tơi bời ruột gan
Đưa đôi tay gói gian nan
Con trăng lạnh buốt giữa ngàn ngói xiêu


Bên cành lau trắng cuối chiều
Xôn xao đá vỡ với nhiều khói bay
Còn chi đâu ngửa bàn tay
Buồn gieo lên hạt phơi bày cơn đau

Ta chôn đời đến ngàn sau
Rừng khô lá mục chín màu trăm năm
Sóng xô trắng xoá chỗ nằm
Gió xao xác gọi mưa bằm thịt xương

Người đâu hình đọng trong gương
Tiệc tan ly vỡ chiếu giường buồn thiu
Ngóng trời cây lá hắt hiu
Phần đời sót lại chắt chiu một mình

Giữa sân chim đứng làm thinh
Bên hiên nắng dọi in hình gãy ngang
Kỷ niệm xưa đứng xếp hàng
Sầu vừa chín héo sẵn sàng máu khô

Lạnh về lớp lớp sóng xô
Heo may lãng đãng mơ hồ tiếc thu
Đông về tờ lịch sa mù
Tháng mười hai đợi tội tù tiếp theo
4.12.2019


Nhìn những bức ảnh dưới đây, ta trầm trồ vì độ chân thực và thần thái của nó. Ta lại càng thán phục hơn khi biết rằng những tác phẩm này được vẽ bằng bút nguyên tử, loại bút bây giờ gọi là bút bi, học sinh thường sử dụng. Nghệ sĩ tài hoa tạo nên những tác phẩm tuyệt vời này là Enam Bosokah, nghệ sĩ của lục địa đen.

Enam Bosokah là một nghệ sĩ người Ghana sử dụng bút bi để vẽ những bức chân dung tuyệt đẹp, chân thực.

Cách đây vài năm, nghệ sĩ người Ghana, anh Bosokah, đang làm việc trong một nhóm sắp đặt tác phẩm điêu khắc. Do những hạn chế của dự án, anh chán nản và cảm thấy rằng sự sáng tạo của mình đang bị lạm dụng. Và anh ấy bắt đầu vẽ bằng bút bi như một hình thức thể hiện khác. Anh ta đã vẽ chân dung bằng bút bi.từ thời còn đi học trung học, anh đã nhiều lần vẽ lung tung trên giấy bằng cây bút đi học của mình

Kể từ khi trở nên chuyên nghiệp với cây bút ba năm trở lại đây, Bosokah đã tự khẳng định mình là một trong những nghệ sĩ bút bi nổi tiếng nhất Châu Phi. Tác phẩm của ông, một số trong đó là những nhân vật nổi tiếng, có rất nhiều trên internet như là bằng chứng về nghệ thuật của ông. Khi tìm kiếm trực tuyến tên của anh ta sẽ thấy chân dung của Bob Marley, Kwame Nkrumah, Nelson Mandela và các biểu tượng da đen nổi tiếng khác, những người anh coi là mẫu mực.

Cho đến nay, anh đã có ba triển lãm cá nhân và một triển lãm nhóm. Anh tham gia triển lãm nhóm, Văn hóa Canvass, vào tháng 7 năm 2013, tại khách sạn Movenpick tại Accra, trong khi chương trình solo đầu tiên của anh, Triển lãm Ghoe, được tổ chức vào tháng 11 năm 2014 tại Golden Tulip, Kumasi.

Cùng lúc làm việc để triển lãm, Bosokah cũng nhận làm việc theo đơn đặt hàng, với mức phí từ 375 đô la đến 500 đô la một tấm tranh, theo True African Arts. Trong mọi trường hợp, anh kiếm được hàng ngàn trong khoảng một tuần để hoàn thành, anh làm việc chủ yếu vào ban đêm - vì sự yên tĩnh - từ nhà của anh ở Accra.

Quy trình bắt đầu bằng cách chọn một cây bút và tờ giấy, anh nói. Sau đó, tôi tạo một bản phác thảo nhanh hoặc theo dõi hình ảnh tham chiếu của mình và tiến hành bằng cách tạo các lớp nét, sắp xếp lại các nét và các dấu chấm cho đến khi tạo xong hình cơ bản. Dần dần xây dựng các sắc thái và cuối cùng hoàn thiện bằng cách thiết lập các chi tiết. Công việc của tôi như thế là xong và tác phẩm đã sẵn sàng để đóng khung.

Enam Bosokah sinh ngày 17 tháng 3 năm 1987. Anh đến từ vùng Volta của Ghana, nơi anh học tiểu học và trung học. Bosokah xuất thân từ một dòng tộc nghệ sĩ và anh đã cho biết rằng anh vẽ tử thời còn bé, Giáo viên dạy anh đã ghi nhận tài năng của anh và khuyến khích anh nên chọn hội hoạ làm sự nghiệp.
Anh học nghệ thuật tại Đại học Khoa học và Công nghệ Kwame Nkrumah và sau đó hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

"Tôi đã chọn cây bút vì nó tiện dụng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ" ông nói về công cụ ưa thích của mình, nhiều nghệ sĩ không thích cây bút này vì tính không thể thay đổi của nó. Nhưng anh ấy đã tìm thấy nó là công cụ dễ sử dụng tốt hơn.

Bosokah vẫn chưa đặt tên cho phong cách vẽ của mình, kết hợp rất nhiều đường nét và dấu chấm. Hiện tại, anh vẫn đang thử nghiệm và tin rằng mình đang trên hành trình khám phá bản thân. Bosokah là một nghệ sĩ đa năng, cũng làm việc với các vật liệu như đất sét, nhựa tổng hợp và sợi thủy tinh. Tuy vậy, anh không muốn sớm phân loại mình là một nghệ sĩ bút bi. Anh xem nghệ thuật của mình như một phần mở rộng của chính mình.

Anh là một nghệ sĩ đang lên và sắp tới vẫn đang thử nghiệm các phương tiện nghệ thuật khác nhau, tôi hy vọng sẽ có những sáng tạo khác tiếp theo trong nghệ thuật châu Phi, anh nói.

Hy vọng, anh sẽ có những thành công không khác Jonathan Kwegyir Aggrey của Ghana, Adebanji Alade của Nigeria và Ashley Oubre của Hoa Kỳ, những nghệ sĩ mà anh ngưỡng mộ.
4.12.2019
DODUYNGOC
https://youtu.be/TqZGideXi1s

XEM ẢNH ENAM BOSOKAH

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget