tháng 5 2019


Đâu rồi tà lụa trắng
Còn đây tấm áo nâu
Mắt sáng lòa ánh nắng
Trả lại bấy nhiêu sầu
Người gởi lại hôm qua
Cho gió thôi cơn bão
Chữ nghĩa đã nhạt nhoà
Nay trở thành di cảo
Chiều đi qua trang kinh
Chữ trôi trên tràng hạt
Nụ cười tươi môi xinh
Mặt người như Bồ Tát
Búp sen nào xanh ngát
Hé nhuỵ giữa bàn tay
Con chim cất tiếng hát
Trăng nở giữa ban ngày
Người chọn chiếc áo nâu
Sánh vai cùng ánh sáng
Đi tìm lẽ nhiệm mầu
Trâi tim mùa giải hạn
Người giã từ áo lụa
Ta giữ mấy mươi năm
Ta còn trong bóng tối
Mệt mỏi chọn chỗ nằm
Ta suốt đời phàm phu
Ôm tháng năm bối rối
Giữa một cõi sa mù
Tìm hoài không thấy cội
Ta còn bao nhiêu tội
Sám hối với mây trời
Cầm trong tay tà lụa
Gởi trả lại trùng khơi
Người băng qua niềm đau
Ta loay hoay nối tiếc
Người nghĩ chuyện mai sau
Ta nhớ hoài mắt biếc
Xin phần đời còn lại
Người mãi mãi an nhiên
Ta vẫn còn ngây dại
Đành trăn trở mọi miền.
25.5.2019
DODUYNGOC


Người đi rồi ta chẳng đợi đâu
Chỉ thấy thân mình lên cơn đau
Con tim cứ đánh hoài loạn nhịp
Và nhát dao nào đâm rất sâu
Người đi rồi ta không chờ đâu
Ta cũng chẳng buồn nói đôi câu
Trời buông mây xám màu ly biệt
Cây cọ đưa lên chẳng có màu
Chưa qua tháng sáu mà mưa mãi
Ta đội mưa về ướt sũng vai
Đọng đôi mắt đó đầy trên lá
Tiếc tóc còn đâu để lược cài
Người đi rồi ta còn đêm thâu
Soi đêm đen với ngọn đèn dầu
Sẽ tàn lụi như từng sợi bấc
Mốt mai nảy đời trôi về đâu
Ta không buổn lối người đã chọn
Tuy ngậm ngùi lẫn chút xôn xao
Ta chỉ gởi một bàn tay vẫy
Đưa tới hư không thế tiếng chào
22.5.2019
DODUYNGOC























Sài gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thề giới nữa. Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè Kampuchia, món sushi của Nhật, món piza của Ý, món cari của Ấn, món nướng của Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Singapore, món Dim sum Hồng Kông...và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.
Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu xuân, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.
Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.
Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng. Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.
Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.
Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của văn hóa dân gian Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thuỷ.....
Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.
Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.
Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực ..tắc, sực...tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.
Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.
Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hoà thành một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam...Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cắng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!
Sau này còn có Hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai ăn với một loại sauce cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?
Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phầm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chở đợi.
Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng.
Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.
Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.
Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.
Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.
Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.
Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chằc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.
1.3.2018
DODUYNGOC


Tui vốn mang tiếng ba nhe từ nhỏ
Lớn lên hay nói ba lơn
Nhưng có răng mô
Cũng chỉ vui thôi mà
Mạ tui bảo tui ba trợn
Con gái nhà ai mà dám thương mi
Bởi rứa cho nên gần hai chục tuổi tui vẫn chưa có bồ
Mỗi ngày tui đi qua Đập Đá
Mùa hè nắng dội bể đầu
Mùa mưa lội bì bõm
Một mình tui
Tui vô Thành nội đi học vẽ
Người ta vẽ cô gái mặc áo dài
Tui toàn vẽ đàn bà ở lổ
Nhưng mà có ông Thầy khoái tui
Hai Thầy trò khi mô có tiền chạy ra Lạc Thiện ăn bánh khoái
Thầy bảo đàn bà đẹp khi không mặc gì
Rứa mà cứ bắt họ mặc đồ để lên tranh
Tiệm bánh khoái có mấy cô câm
Thầy tui bảo đàn bà không nói là đàn bà khôn lắm.
Có hôm vô quán bún bò mụ Rớt
Thầy nói mi thấy màu đỏ trong tô bún ni không
Mi pha được màu ni là mi ngon rồi đó
Có bữa ra cồn Hến ăn cơm hến
Ớt cay thấy mụ nội
Ỉa rát lỗ đít
Nhưng mà ngon.
Chỉ có người Huế thấy cơm hến ngon
Lạ rứa đó
Một lần đi phía sân vận động Tự Do
Ăn cơm Âm phủ
Thầy tui nói ai cũng sợ chết
Mà lại khoái ăn cơm âm phủ
Rứa mới lạ đời
Tui ngồi ngó rồi ăn chẳng biết nói răng chừ.
Thầy tui dạy tui làm chi thì làm chứ không được hèn
Vẽ chi thì vẽ chứ đừng vẽ bưng bô
Tui không có tiền tui đi làm thợ hồ
Thay vì trét màu lên tranh tui trét ciment để xây tường
Tui đạp xích lô
Thay vì nặn tượng
Ba tháng không vô trường
Người ta đuổi học
Tui hết dám nói ba lơn
Nhưng tui cũng không năn nỉ
Tui bỏ trường tui đi
Tui chỉ tiếc cây cổ thụ xum xuê ở trước sân trường
Với mấy cô người mẫu núm vú thâm chảy dài như trái mướp
Tui nói dạng chân cho tui vẽ mà các cô cứ khép lại hoài
Mấy cô chửi tui đồ ba trợn
Tui bu tàu lửa vô Nam.
Ở đó họ không hiểu ba nhe là chi
Nên chẳng ai nói tui ba nhe
Tui ở xóm kinh nước đen
Họ thường nói Đù má
Tui cũng Đù má
Và tui học nói theo tiếng Sài Gòn
Mới đó mà đã gần năm chục năm.
Thầy tui đã chết vì đói từ năm bảy lăm
Gục trên cầu Tràng Tiền
Chiếc xe đạp chở đàng sau mấy lon sơn đi vẽ khẩu hiệu
Tranh chất đầy nhà chẳng ai mua
Vì bị cho là tranh đồi truỵ
Tui thương thầy tui vì đói mà phải hèn, vì thời mà phải cắn răng vẽ lời ca tụng
Vẫn không đủ cơm ăn
Hôm ni nghe ai đó nói ba lơn
Tự nhiên tui nhớ Huế.
Nhớ Thầy tui
Tui muốn về mà ốt dột không dám về
Bởi vì chừ tui già rồi mà cũng chỉ là thằng đi làm thuê
Bi chừ tui vẽ đàn bà mặc áo
Vì chẳng có ai thuê vẽ tranh con gái ở truồng.
25.9.2018
DODUYNGOC
Tranh của Benito Cerna Leon











Ở gần hồ Con Rùa đi một đoạn khoảng 100 thước, có cái hẻm, đầu hẻm có xe mì Tàu. Gọi là xe vì nó có cái xe kiếng vẽ tranh Tàu màu sắc rực rỡ trên kiếng như các xe mì ở Chợ Lớn. Tuy nhiên ở đây không ngồi ở xe ăn như bình thường mà vào quán gần đó. Xe mì này có lâu đời rồi, riêng tui đã ăn ở đó gần năm chục năm, theo tui biết thì nó có ở đó hơn chục năm trước nữa, nghĩa là nó ra đời xấp xỉ với mì nhà xác trong đường Lê Đại Hành, Chợ Lớn, quán mì được gọi tên là quán mì lâu năm nhất Sài Gòn còn bán cho đến nay.
Xe mì Cao Vân thật ra là quán No name, nó đặt ở đường hẻm Trần Cao Vân nên nó chết tên thế, chứ chủ quán từ xưa đến nay không đặt tên. Xe mì này đã trải qua nhiều đời, nhưng rất may là các thế hệ con cháu trong gia đình tiếp nối nhau nên khẩu vị cũng không thay đổi mấy so với ngày xưa. Ngày trước, bàn ghế bỏ ở sát lề đường đi, che bạt khi mưa. Chiều chiều, học sinh, sinh viên đi học về, công chức hạng trung trở xuống rời sở, dân ăn hàng vỉa hè đói bụng sẽ đến đây ăn buổi xế. Ở đây có mì xá xíu, mì hoành thánh, mì xương, sau này lại có mì bò viên. Hủ tíu cũng mấy món đó. Khoái nhất là món xí quách ở đây, muốn ăn thì đi sơm sớm một chút. Xí quách là xương hầm để ngọt nước lèo. Xí quách của xe này có tuỷ béo ngậy, thịt mềm mà thơm ngọt. Có cái này tui cứ thắc mắc hoài là ở Sài Gòn bây giờ có rất nhiều tiệm hủ tíu mì được mở ra, có nhiều quán mở cả chuỗi, quận nào cũng có mặt, khách cũng khá đông, nhưng gọi không bao giờ có xí quách, hỏi bao giờ cũng nhận được câu trả lời: Không có chú ơi! Nồi nước lèo của xe hủ tíu mì mà không có xương thì họ nấu bằng gì? Chắc là bột nêm, bột ngọt hoặc một loại bột gì đó của Tàu rồi. Hoặc nấu với củ cải, mực khô thì khó mà có tô mì ngon.
Một lần, tui đi ăn một quán hủ tíu bò viên ở Phú Nhuận, đến hơi sớm nên chủ quán đang nêm nếm, tui quan sát thấy chủ quán chơi nguyên một bao bột trắng như bột mì vào thùng nước lèo, nhìn sợ quá mà không dám bỏ đi, đến khi người phục vụ bưng cho tô hủ tíu bò viên mới dám kêu tính tiền rồi dzọt. Thế nên, giờ đi ăn hủ tíu mì, vào tui hay hỏi quán có xí quách không? Nếu còn thì chơi một tô, nếu không còn thì hỏi kỹ là hết hay không có. Nếu chủ báo hết thì an tâm mà ăn, còn bảo là ở đây không có xí quách thì nên tìm cách bỏ đi là tốt nhất.
Trở lại xe mì Cao Vân hồi xưa, mấy người ưa nhậu thì bên cạnh tô mì hay tô hủ tíu, họ gọi thêm tô xương, là tô xí quách đấy, rồi kêu thêm chai la de con cọp. Nhậu sương rồi về với gia đình, ít lê la hàng quán như bây giờ. Buổi chiều thật là thú vị nhỉ. Người không uống bia lại khoái kêu chai xá xị Chương Dương. Hồi đó, xá xị chứa trong chai thuỷ tinh, thơm phức mùi xá xị và ngọt của đường vàng. Uống ngon hơn bây giờ nhiều. Lúc đó, Coca Cola cũng có nhiều rồi nhưng giá cao và nó cũng ngon hơn bây giờ gấp bội bởi được sản xuất từ các nhà máy tận bên Mỹ.
Mì của xe mì Cao Vân được làm theo công nghệ gia truyền. Sợi mì nhó, dai cho đến sợi cuối cùng, mang màu vàng của trứng chứ không phải của phẩm màu. Người sành ăn mì nhìn sợi mì biết sẽ ngon hay dở. Người sành ăn cũng thích gọi mì khô hơn mì nước. Ăn miếng mì khô, cái đậm đà, dai dai của sợi mì lẫn vào vị ngọt của miếng xá xíu lẫn vị mặn của xì dầu và chua nhẹ của dấm đỏ, biết ăn cay thì lại có chút cay của ớt ngâm hay cái mùi thơm thơm của ớt sa tế. Ăn mì Tàu khô, nhớ phải có giấm đỏ, chất giấm này giúp tô mì ngon hơn đấy, đừng quên.
Nói thế không phải bảo là mì hay hủ tíu nước không ngon. Bởi nước lèo ở đây ngọt thịt, nên có mùi thơm của xương hầm, vị beo béo của tuỷ xương. Gắp một gắp mì bỏ miệng, húp miếng nước lèo, những mùi vị hỗn hợp giúp nước miếng ùa ra, gắp mì đủ hương vị để ta buột miệng: ngon!
Buổi chiều mưa bay bay, gió chiều hơi heo may, vào gọi tô mì hay tô hủ tíu, nhấp nháp cục xương, thưởng thức miếng ngon là lạ, thấy đời sẽ đáng sống hơn, yêu cuộc đời này hơn một tý tỳ ty he..he.
Khẩu vị con người thì chín người mười ý. Nhiều khi tui nói ngon mà người khác chê là chuyện bình thường. Nên cũng không bàn chuyện ngon dở nữa, xấu đẹp tuỳ người đối diện, ngon dở tuỳ cái miệng mỗi người.
Riêng tui, năm mươi năm ăn mì và hủ tíu ở đây, tui thấy vẫn còn ngon. Vẫn nhớ cái dáng gầy gầy mặc áo thun ba lỗ của ông già người Tàu chủ quán. Đã mấy đời kế tiếp ông, nhưng tui vẫn nhớ ông nhiều nhất, dù ông đã qua bên kia thế giới lâu rồi.
Bởi thế, lâu lâu lại ghé vô, kêu tô mì ba vắt, nhiều lắm à nghe, một tô tú hụ, gọi là tô tài, khác với tô xỉu là tô thường, ăn chầm chậm, nhai từ từ, nhớ lại thời tuổi trẻ có những buổi chiều cùng bạn bè, có khi cùng cô bạn gái vừa quen, ngồi bên vỉa hè ăn tô mì nóng, ôi những buổi chiều đã đi qua không còn trở lại. Giờ ngồi ăn nhiều lúc là để nhớ một ký ức, là nhớ những kỷ niệm, là nhớ một quãng đời. Biết bao dâu bể, biết bao đổi thay, biết bao người đã đi qua, bao nhiêu người thân đã mất, bao nhiêu bạn bè ngày xưa không còn nữa, chiếc xe mì hàng mỗi buổi chiều trừ chiều chủ nhật, vẫn mở ra, tô mì vẫn có mùi ngon như thuở đó, và tui ngồi đây, lặng lẽ với những thời gian đã âm thầm trôi đi. Tui đi bốn phương trời, giờ già rồi, nhìn cái gì cũng nhớ về mãi một thời.
Đôi khi tô mì không còn chỉ là tô mì để ăn, mà nó còn là một gợi nhớ.
17.5.2018
DODUYNGOC


Người đi gió động gót hài
Con trăng lai láng nối dài bước chân
Đêm về hoa nở đầy sân
Có người ngủ mớ trên từng trang kinh
Nằm mơ tưởng bướm là mình
Vươn tay cánh vỗ rập rình dưới hoa
Hương lan thơm ngát cửa nhà
Mộng tràn chiếu gối sương nhoà lá xanh
Người về xiêm áo lướt nhanh
Con chim vội vã trên cành líu lo
Ta ngồi bó gối vai so
Nhìn con hạc trắng lò dò bước đi
Mười năm chọn kiếp thiên di
Mười năm nhìn bóng mình ghi cuối tường
Người đi để lại tai ương
Dòng sông phía trước con đường phía sau
Nhạt nhoà mưa ướt bụi lau
Chờ chi thân thể nhuốm màu nhân gian
Người về mang lại gian nan
Mười năm ôm mặt tan hoang phận mình
Bao năm chịu một tội tình
Hắt hiu bóng gãy nhục hình chung thân
Người đi bỏ cuộc ái ân
Ta người ở lại bần thần thịt da
Đêm nay người lướt qua nhà
Đốt thêm nhang khói nhập nhoà với trăng
Góc tường bụi đóng nhện giăng
Mười năm vết sẹo còn hằn nỗi đau
20.5.2019
DODUYNGOC


Nửa đêm khêu ngọn đèn dầu
Rót thêm chén rượu thêm mầu xót xa
Chung quanh chộn rộn người ta
Trăng soi mới rõ toàn ma ẩn hình
Phập phồng hơi thở điêu linh
Trong cơn bóng xế thân mình trơ xương
Ngựa chồn chân giữa đoạn đường
Giữa rừng lá cháy quỷ vươn tay chào
Nửa đêm nghe bụng cồn cào
Cầm ly rượu đắng thì thào lời buông
Cửa cài ngõ khép gõ chuông
Thấy hai con mắt buồn buồn sau lưng
Thắp nén nhang khói lưng chừng
Ba đốm lửa đỏ lừng khừng bước đi
Ai đè vai bắt ta quỳ
Gió đâu lạnh toát tức thì thân run
Nửa đêm kinh kệ trùng trùng
Những trang chữ cháy rùng rùng tiếng ca
Hoá ra tất cả là ma
Sáng ra lại thấy người ta nói cười
Tưởng thế gian nói tiếng người
Thật là giọng quỷ ở mười cõi âm
Chứa âm mưu chất hờn căm
Mốt mai non nước nát bằm như tương
16.5.2019
DODUYNGOC



CON NHỒNG
Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc
( Nảy sinh từ một chuyện kể của bạn Nguyễn Khắc Nhượng)
Đến tuổi sáu mươi thì anh mới qua Pháp định cư. Hồ sơ hoàn tất từ hồi tuổi năm mươi, không hiểu sao cứ kéo dài mãi. Toà lãnh sự kêu lên năm lần bảy lượt hết hỏi này nói nọ lại bổ túc hồ sơ. Anh thấy nản, chẳng muốn đi nữa, bỏ ngang. Sau khi vợ anh mất, anh lại càng không nghĩ đến chuyện đấy nữa. Nhưng cô em gái bảo lãnh cho anh, thương ông anh ruột côi cút một mình, cứ thúc anh mãi. Anh cứ lần khân vì anh không muốn làm gánh nặng cho cô em.
Hơn nữa, anh thích sống ở Việt Nam hơn. Ở đây có bạn bè, hàng xóm, bà con. Đi đến đâu cũng có người để nói chuyện. Mà anh lại là người thích chuyện trò. Ra quán cà phê đầu ngõ mỗi ngày, anh gặp bao người, đa số là quen cả, đủ thứ chuyện để nói với nhau. Hôm nào lười nói thì ngồi nghe, nghe người khác nói cũng là một cái thú. Đi sửa cái xe, bắt chuyện với anh thợ trẻ, nghe anh kể tâm trạng nhớ quê, nhớ vợ, thương cho hoàn cảnh của anh. Gặp anh thợ già lại nghe chuyện đời, chuyện lòng người, hiểu thêm nhiều cảnh ngộ. Vợ chồng anh sống giản dị, gắn bó với mọi người nên gặp ai trong phố cũng chào hỏi, nói cười rôm rả. Cho nên khi nhận được giấy tờ định cư, rồi mua vé máy bay, anh buồn lắm, tâm trạng chẳng muốn đi. Nhưng anh cứ lấn cấn chuyện ở đây thì vui nhưng lắm chuyện để nghĩ. Anh là người siêng năng nghe đài, xem báo, đọc mạng, biết nhiều chuyện quá buồn của đất nước, nhìn thấy bế tắc không có lối ra của nền kinh tế đang có dấu hiệu sụp đổ. Hàng ngày chứng kiến những tên tham ô, nhũng nhiễu, cướp của dân nghèo, anh xót xa thấy mình bất lực. Anh rùng mình sợ hãi với cách sống tàn nhẫn nhan nhản trong xã hội, con người tàn sát lẫn nhau để tồn tại, lừa gạt nhau để sống, đầu độc nhau để thủ lợi. Những điều đó làm anh trăn trở và anh nghĩ rời đất nước để không còn phải làm một kẻ chứng nhân và cũng là nạn nhân của sự tàn mạt đó. Anh biết qua đấy sẽ buồn nhiều hơn vui, vì anh đã có thời gian đi học ở đấy, nhưng ít ra anh khỏi phải là người chứng kiến một sự đứt gãy và sụp đổ những giá trị văn hoá mà anh đã một thời tôn thờ và ngưỡng vọng. Anh không muốn nhìn thấy những nền nếp lâu đời của một dân tộc đang rã nát. Và vì thế anh đi.
Khi máy bay tăng tốc để rời phi đạo, anh khóc khi nhìn qua cửa sổ và phía dưới kia là những con đường, những nóc nhà, những địa điểm quen thuộc. Và bỗng dưng anh tự nghĩ mình quyết định thế này có đúng không?
Nước Pháp đón anh với những cơn gió lạnh mùa đông tái tê. Anh thấy mình cô dộc hơn bao giờ với mớ hành trang lỉnh kỉnh. Những ánh đèn màu lung linh trên phố, tiếng người xôn xao nhưng không có giọng nói của quê hương khiến anh bơ vơ.
Ở chung với gia đình cô em được mấy tháng, anh thấy không được thoải mái lắm, lại thêm chẳng muốn làm phiền. Anh đi thuê một căn phòng nhỏ ở khu Saint Denis, một vùng ngoại ô và giá bình dân, nhưng khá lộn xộn. Cả ngày chẳng biết làm gì, anh lang thang ra công viên, vào quán cà phê bên đường, sáng ăn cái bánh croissant, uống ly cà phê sữa, trưa ăn khúc bánh mì mong có găp một người Việt để cùng nói chuyện năm ba câu. Cũng có khi gặp, nhưng ai cũng vội, chỉ mình anh không vội nên chỉ nói hai ba câu xã giao hờ hững. Anh thèm được nói chuyện, được nghe tiếng Việt như những ngày ở quê nhà, nhưng khó quá. Có nhiều đêm trong căn phòng nhỏ, không ngủ được, anh nhồi cho mình một cối thuốc đầy, thắp một ánh nến, rót một ly rượu rồi ngồi nói một mình như kẻ điên. Sau những lần độc thoại như thế, anh lại cảm thấy mình cô đơn hơn, chán nản hơn. Đối diện phòng anh là phòng của một tay Mỹ già. Ông ta vốn là một thuỷ thủ tàu buôn, đến lúc tuổi già thì rời vùng đất đầy gió biển Marseille về Paris chứ nhất định không về Mỹ. Lão bảo cứ xuống phi trường, đặt chân lên đất Mỹ là lão buồn ói. Ở lâu, hai lão già thành bạn, lâu lâu cũng ngồi với nhau nhấm nháp ly rượu, nhai một chút xúc xích, nói với nhau bằng hai thứ ngôn ngữ lơ lớ nhưng cũng hiểu nhau. Lão già Mỹ nói tiếng Mỹ pha chút tiếng Pháp, lão già Việt nói tiếng Pháp pha chút Mỹ, lâu lâu lại chêm tiếng Việt khiến tay người Mỹ ngẩn ngơ. Mỗi lần như thế, anh lại xin lỗi và bảo tại nhớ tiếng Việt quá.
Anh tìm đến cộng đồng người Việt, tham gia nhiều sinh hoạt với họ, được dịp nghe và nói tiếng Việt. Những cuộc gặp gỡ như thế thường chỉ tổ chức vào cuối tuần hoặc dịp lễ lạc. Thời gian đầu anh thấy thú vị và sung sướng lắm. Nhưng rồi lần hồi, anh nhận ra mấy tổ chức này lung tung quá, nhiều khuynh hướng chính trị quá lại cứ cãi nhau như mổ bò, tranh dành danh hão, gặp nhau là dịp để khoe đủ thứ trên đời, nói xấu thiên hạ. Anh nản nên rút lui dần, chỉ còn mỗi tuần đi nhà thờ ở cuối phố, gặp mấy bà già Việt qua đây từ thuở nào, chào nhau, nói vài chuyện. Các bà qua lâu quá rồi nên cũng chẳng có nhớ chuyện gì để nói ngoại trừ nhắc lại mấy chuyện xa lắc lơ của thập kỷ bốn mươi của thế kỷ trước ở vùng quê chiêm trũng Bắc bộ.
Và rồi anh phát hiện có bà cụ nuôi một con nhồng biết nói tiếng Việt. Cũng tình cờ thôi, hôm đó lễ xong trên đường về thì anh cùng đường với bà cụ. Bà cụ khoe anh là vừa được cậu cháu vừa đi Việt Nam về biếu cho con nhồng nói được. Cụ bảo gian truân, ma mãnh lắm mới đem được con chim qua đây. Thế là anh ghé nhà bà xem thử, con nhồng nói được thật, nhưng chỉ nói được "Trời ơi" và nhiều tiếng ậm ừ trong họng. Nhưng thế cũng là tốt rồi. Anh chợt nghĩ, giá mà anh có con chim thế này nuôi trong phòng, anh sẽ dạy nó nói thêm nhiều tiếng nữa, suốt ngày chim và người nói qua lại với nhau, cũng là điều quá thú vị. Từ đó, anh siêng đến thăm bà, để nghe bà ngọng nghịu nói vài tiếng Việt và chủ yếu là nghe con nhồng hét lên "Trời ơi". Bà cụ già, lười biếng nên chuồng chim lúc nào cũng đầy phân chua loét, lần nào ghé anh cũng dọn sạch lồng cho chim nên lần hồi chim cũng quen anh, mỗi lần thấy bóng anh là nó ngước mỏ lên mà la "Trời ơi". Bỗng một hôm bà cụ bảo anh: Anh ạ! Tôi thấy anh quý chim, tôi cũng thích nó nhưng không khoẻ để chăm sóc nó cho tốt. Hay là tôi xin tặng anh, anh đem về chăm sóc nó tốt hơn tôi. Nghe thế anh mừng húm, anh bảo gởi cho cụ ít tiền, cứ xem như anh mua lại con chim của bà cụ.
Từ đó, anh có con nhồng làm bạn. Anh đặt cái lồng giữa phòng, chùi rửa mỗi ngày, thức ăn, tắm rửa đầy đủ nên chim càng ngày càng phổng phao, bộ lông đen nhánh như nhung, cái mỏ với đôi tai lủng lẳng vàng choé như múi mít chín. Và cũng nhờ khoẻ nên chim siêng nói, nhưng chưa học thêm từ nào mới, vẫn cứ vểnh mỏ mà la "Trời ơi". Anh cũng trời ơi với nó, nói qua nói lại suốt ngày. Anh muốn dạy nó nói "Mẹ ơi", " Ba ơi", "Việt Nam ơi". Nhưng nó vẫn ầm ào trong miệng, phát âm chẳng rõ ràng. Anh bớt đi lang thang. Sáng pha cà phê, cắt cho chim miếng chuối, cho miếng croissant, chim kêu "Trời ơi". Anh hớn hở cười, nói lại "Trời ơi". Suốt ngày không biết chán. Chim và người cứ đối thoại với nhau như thế và anh thấm hơn cái nghĩa của chữ trời ơi của người Việt. Anh định viết một bài nghiên cứu về "Trời ơi" trong phong tục và ngôn ngữ của dân Việt, anh nghĩ chắc cũng lắm cái hay. Anh sẽ phân tích cái chữ trời ơi trong mọi hoàn cảnh mà người Việt thường dùng khi sung sướng cũng như lúc đau khổ, lúc ngạc nhiên cũng như lúc bế tắc của số phận. Anh khám phá ra triết lý của chữ trời ơi nó phong phú quá, nó sâu xa quá.
Mấy người bạn cũ của anh nay đang định cư ở Mỹ rủ anh qua Mỹ chơi nhân dịp họp mặt truyền thống trường học xưa thời trung học. Chuyến đi dự định một tháng. Anh chỉ một mình, đi đâu cũng được, ở đáu cũng thế nên chuyện đi đối với anh, anh chẳng có gì phải băn khoăn. Chỉ cần mua vé, xách vali lên là đi thôi. Nhưng anh ngại không ai chăm sóc con nhồng, cũng chẳng biết gởi ở đâu trong những ngày anh vắng mặt. Thời may, khi biết nỗi âu lo của anh, anh bạn Mỹ già mở lời sẽ chăm sóc chim chu đáo như lời anh dặn dò và khẳng định sẽ chẳng có chuyện gì có thể xảy đến cho chim.
Tin tưởng lời hứa của bạn già, anh đi Mỹ một tháng mà lòng cũng lo âu, vài hôm điện về Pháp hỏi thăm, biết chim vẫn khoẻ là an tâm rồi.
Lão bạn già người Mỹ đón anh ở phi trường lúc anh về lại Pháp. Câu hỏi đầu tiên của anh là chim sao rồi, khoẻ chứ. Lão Mỹ nhìn anh tủm tỉm cười: Khoẻ và hay hơn trước nhiều. Trong mắt lão ánh lên một tia nhìn tinh quái đầy vẻ bí mật. Anh hỏi lão chỉ cười: Về biết liền. Mở cửa phòng, thả cái vali, anh kêu: "Trời ơi" như lời chào. Con chim ngóng mỏ chào lại:"Oh my God". Cái gì thế này? Anh lập lại:"Trời ơi". Chim cũng trả lời:"Oh my God". Anh lập lại nhiều lần, chim vẫn trả lời :"Oh my God". Anh quay nhìn lão Mỹ, lão cười ha hả với giọng đắc thắng: "Mày thấy tao giỏi không? Chỉ một tháng, tao đã dạy nó nói được tiếng Mỹ, chưa đâu, nó còn biết chào Hello nữa kia, rồi mày sẽ nghe". Anh điên tiết nhìn hắn với cặp mắt toé lửa: "Tao chỉ muốn nó nói tiếng Việt, mày hiểu chưa, tao không muốn nó nói tiếng Mỹ". Lão Mỹ cười khùng khục: "Tiếng nào cũng thế thôi, mày phải cám ơn tao vì đã dạy được nó nói". Anh quắc mắt la lẻn: "Cám ơn cái con cặc, đụ má mày, mày làm hư con chim của tao rồi. Cút mẹ mày đi". Lão Mỹ nhìn anh ngạc nhiên, đôi mắt xanh mở to như mắt khỉ, ra dấu chẳng hiểu gì. Mà làm sao nó hiểu, làm sao giải thích cho nó biết anh chỉ cần chim nói tiếng của dân tộc anh, của quê hương xa tít của anh, để anh cảm thấy gần gũi với quê nhà. Anh chỉ cần nghe tiếng trời ơi, chỉ cần thế thôi. Lão thuỷ thủ già không hiểu điều đó, lão không có ý niệm quê hương, lão buồn ói khi nói về đất nước của lão, không có chút đồng cảm trong chuyện này thì làm sao để gỉải thích.
Anh đứng giữa phòng la to:"Trời ơi". Nhồng trả lời:" Oh my God". Cuộc đối thoại nhàm chán suốt như thế cho đến khi anh khản cả cổ. Chim đã quên tiếng Việt. Suốt cả tuần, trừ lúc ngủ, lúc ăn, anh cứ đứng với lồng chim mà kêu:"Trời ơi". Và chim mãi trả lời : "Oh! My God". Không biết tay Mỹ già dạy sao hay thế. Lần hồi, anh khám phá ra lão già cho chim ăn Hamburger. Anh chỉ cho nó ăn bánh Croissant. Lão cho Hamburger có thịt, chim khoái nghe lời lão. Anh lại biết thêm lão cho chim uống rượu Whisky, trong khi anh chỉ cho chim uống nước lã. Hèn gì, anh châm nước cho nó, nó chấm mỏ vào rồi vung vẩy, lấy mỏ kẹp nghiêng hủ nước cho đổ lênh láng. Hoá ra nó đòi Whisky. Lão này mất dạy thật. Con chim đã hư rồi. Bây giờ nó chào Hello khi muốn ăn, nó kêu Whisky khi muốn uống, lúc anh hét trời ơi, nó trả lời Oh! My God! Việc đó làm anh phát điên. Anh bỏ mấy tuần để dạy lại tiếng trời ơi cho nó, nhưng nó làm như đã quên rồi. Nó chỉ Oh! My God. Nhiều lần, tức quá anh đập mạnh trên nóc lồng rầm rầm, nó bay loạn xạ, dáng điệu ngạc nhiên, sợ hãi nhưng vẫn kêu : Oh! My God! Tức không chứ. Giờ thì nó chỉ ăn Hamburger, uống rượu và nói tiếng Mỹ.
Chịu hết nỗi, anh túm lấy chân nó, mở cửa sổ, tung nó ra ngoài trời. Anh nói: "Bay đi, tao không cần mày nữa". Nó chao một vòng. Paris đang mùa thu, lá vàng trên cây, lá đỏ dưới đất. Con chim màu đen lượn mấy vòng trong sắc thu rồi trở lại đậu trên bậu cửa sổ. Anh bảo: Trời ơi. Nó: Oh! My God. Nhiều lần như thế, bực mình anh xua nó bay đi, đóng cửa sổ lại, ngồi vào ghế nhồi cối thuốc. Nó quay lại, lại đậu trên bậu cửa, mỏ gõ cành cạch vào cửa kính. Nó kêu Hello, Hello!
Anh hét: Trời ơi! 
Nó trả lời: Oh! My God!
Anh ném mạnh tẩu thuốc đang hút vào cửa, chim hoảng hồn bay đi, vừa bay vừa kêu: Oh! My God!
Không biết nó kiếm ăn ở đâu, đêm có lẽ nó ngủ trên cành cây phía bên kia đường. Nhưng suốt cả tháng, sáng nào nó cũng đậu nơi cửa sổ phòng anh, dùng cái mỏ vàng gõ cành cạch vào cửa kiếng mà Hello với Oh! My God!
Thế rồi một hôm nó mất hút, mấy ngày không thấy bóng dáng nó. Anh mở cửa sổ, ngước lên cây gọi liên tục: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi!. Chẳng có tiếng vọng nào. Anh vẫn gọi, lớn hơn: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Những người đi đường nhìn lên, cứ nghĩ có một lão già châu Á đang bị điên, có lẽ vì lão nhớ quê hương.
Con chim Trời ơi của anh đã vỗ cánh bay mất, suốt cả buổi anh cứ gọi mãi trời ơi, hi vọng nó sẽ bay về. Nhưng nó đã mất biệt. Giọng anh lạc đi với hai hàng nước mắt. Nó đã nói tiếng Mỹ rồi. Nó đã quên tiếng Việt rồi. Thôi! Anh cũng đành quên nó đi.
26.10.2018
DODUYNGOC


Tôi giờ dấu mặt vào đâu
Không em bạc hết mái đầu trong gương
Hoa tàn lá héo úa vườn
Nửa khuya trăng vỡ gió trườn thịt da
Tôi giờ như kẻ không nhà
Lang thang xó chợ la cà phố đêm
Không dưng em cắt êm đềm
Cô đơn tôi thấy chiếu mền hoang vu
Chắc xưa tôi vụng đường tu
Yêu em mấy chặng đã tù tội nhau
Một thời hạnh ngộ qua mau
Vì ba con chữ hoá màu tối đen
Tôi giờ thắp mấy ngọn đèn
Bóng in dấu vách thấy nghèn nghẹn môi
Tay buồn vẽ nét đơn côi
Tháng năm còn lại tự bôi mặt mình
Tôi giờ đành chịu làm thinh
Nhìn em cười nói tự tình cùng ai
Cuối cùng em đúng tôi sai
Tôi soi bóng ngã in dài bước đi
Mấy năm tình giữ được chi
Bay theo gió thổi còn gì trên tay
Tôi giờ tập uống rượu say
Khật khà khật khưỡng nhìn ngày tháng trôi
Tôi giờ chẳng gọi là tôi
Bao nhiêu mộng mị thả trôi cuối trời
Ai bày ra một cuộc chơi
Để tôi chẳng đợi ai mời đành đi.
Tôi giờ làm gió thiên di
Chờ ngày hoá bụi bay đi phương đời
Có khi nào được nghỉ ngơi
Thắp dùm tôi với đôi lời khói nhang.
5.5.2019
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget