Hắn và cô ấy học cùng trường, hắn trên cô ấy hình như ba lớp. Từ nhà hắn đến trường, đi nửa đường là nhà cô ấy nên thường gặp nhau. Hồi đó học trò thường đi bộ, một số bạn bè đã có xe gắn máy nhưng bố hắn không cho đi xe sợ nguy hiểm, chỉ thỉnh thoảng rảnh rỗi bố hắn chở hắn đến trường, nhưng chỉ năm thì mười hoạ. Thường thường gặp nhau trên đường, hôm thì hắn đi trước, cô ấy đi sau. Những khi như vậy hắn thường đi qua bên kia đường, đi chậm lại cho nàng đi trước rồi băng lại qua đường đi sau lưng nàng một quãng. Hôm nào ngẫu nhiên đi sau, hắn cứ tà tà lẽo đẽo đằng sau, cách hơn mười thước. Hắn khoái đi sau lưng cô ấy để được ngắm những bước chân đi, nhìn gót chân hồng hồng trong đôi guốc mộc, nhìn dáng đi chậm rãi có vẻ đoan trang, thuỳ mị, con gái thời đó được dạy thế, nhìn suối tóc dài đen mướt buông thả ngang lưng với tà áo trắng. Chỉ thế thôi mà lòng rộn rã. Con đường đi qua nhưng hàng phượng đỏ, thuở ấy con đường này đầy phượng. Mùa nắng, hoa phượng đỏ rực dưới bước chân nàng. Trên cao những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ trên nền trời xanh. Một cơn gió thoảng qua, nhiều cánh hoa như những giọt máu bay trong gió. Ôi cái thời thật hồn nhiên và lãng mạn. Cô ấy có biết hắn theo không, hắn nghĩ là có biết bởi cũng có nhiều lần cô ấy quay nhìn lại, đôi mắt tròn xoe như có nụ cười. Và hắn làm thơ, viết bao nhiêu là bài thơ về mối tình một chiều đang ươm mầm và lên lá trong lòng cậu học trò lớp đệ tam. Ngày nắng hay ngày mưa, hắn vẫn như cái đuôi suốt đoạn đường đến trường lúc đi cũng như khi về. Con đường đấy có một nhà thờ, thỉnh thoảng giấc trưa đi học về có tiếng chuông ngân nga, mỗi chiều có tiếng kinh cầu. Hắn có viết một bài thơ có tiếng chuông ngân và lời kinh cầu đó.
Hình ảnh ấy kéo dài suốt hai năm mà cũng chẳng có gì thay đổi. Vẫn cô nàng đằng trước và hắn phía sau suốt hai niên học. Hắn học nhảy, năm đệ tam hắn đã thi thí sinh tự do tú tài một bằng cách mua một học bạ lớp đệ nhị của một trường tư thục. Bởi thế năm đang học đệ nhị hắn đã chuẩn bị thi tú tài hai. Đời học sinh của hắn không học lớp đệ nhất ở trường chính thức.
Vừa đậu tú tài hai chuẩn bị ra Huế hoặc vào Sài Gòn học đại học, hắn gom tiền in ba trăm tập thơ, toàn thơ tình viết cho cô ấy, viết về một mối tình câm lặng suốt hai năm, viết về những nỗi buồn không nói được, về những tâm trạng của thằng con trai mới lớn si tình. Trước ngày bay vào Sài Gòn, hắn gói mười tập thơ bằng tờ giấy hoa rất đẹp gởi đến địa chỉ nhà nàng rồi bay mất. Để lại thành phố nhỏ đó một mối tình si, mối tình của tuổi mới lớn nhiều ký ức nhưng không có kỷ niệm.
Hắn không chấp nhận ngành học mà bố hắn yêu cầu nên ở đất Sài Gòn, hắn thuộc diện sinh viên mồ côi, tức là không có trợ cấp của gia đình. Hắn làm đủ việc để kiếm tiền đi học, công việc cuốn hắn đi. Cơm ăn, áo mặc, tiền cours, tiền sách báo, tiền học thêm ngoại ngữ khiến hắn không còn thì giờ để nghĩ ngợi nhiều. Thế nhưng nhiều đêm, thỉnh thoảng ôm đàn dưới trăng, hắn lại nhớ về cô ấy, nhớ thế thôi chứ cũng chẳng biết làm gì. Có lần ghé ký túc xá sinh viên Trường Kỹ sư Phú Thọ, hắn bắt gặp ai đó viết bài thơ của hắn trên tường ở đầu giường. Hắn vui vì cũng có người thích những bài thơ vụng dại một thời của hắn.
Rồi hắn được một cái học bổng đi học xa, bốn năm xa tít mù khơi cũng khiến hắn phai mờ mối tình câm của thuở học trò. Trở về, hắn làm công chức, ngày hai buổi đón xe đến sở làm, rồi về. Hắn vẫn là thằng đàn ông nhạt thếch không biết ăn chơi, nhảy nhót như những bạn cùng sở. Hắn lại không rượu bia, cà phê lê la hàng quán. Cuộc sống của hắn nhàn nhạt ngoài mấy cuốn sách hắn ngấu nghiến hàng đêm và tiếng đàn nỉ non những đêm trăng.
Rồi biến cố lịch sử ào ạt ập tới, cuộc sống mới lắm đổi thay, hắn thất nghiệp vì không đi trình diện sở làm cũ. Hắn lại sống lây lất và cũng đến lúc hắn lập gia đình, vợ hắn là người Sài Gòn. Cuộc đời hắn lại qua một trang mới. Hắn xin đi dạy học, lúc ấy nhu cầu giáo viên rất cần nên hắn được nhận rất dễ dàng nhưng vì lý lịch xấu quá hắn được đưa về một trường xa tít mù ở ngoại thành.
Một lần, lúc hắn đang đứng lớp, có người báo tin vợ hắn lâm bệnh, phải đưa vào nhà thương. Hắn lật đật chạy về vào bệnh viện thăm vợ. Hắn tình cờ gặp cô ấy, người con gái ngày xưa đó trong phòng của bệnh nhân. Cô ấy muôi mẹ bệnh, giường mẹ cô cách giường vợ hắn hai dãy. Cô nhìn hắn với đôi mắt ngạc nhiên tựa hình dấu hỏi. Vẫn đôi mắt đen với rèm mi cong ấy. Hắn nhìn cô ngỡ ngàng, định mở lời hỏi thăm mà không dám mở lời bởi vợ hắn ghen ghê lắm. Đành thôi. Ở lại một đêm với vợ, thỉnh thoảng liếc nhìn qua giường bên kia, không biết cô ấy đang nghĩ gì về cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này.
Khi trời chưa sáng, hắn lật đật ra bến xe để đến trường dạy học và vợ hắn sẽ được xuất viện trưa nay. Hắn cứ ân hận mãi về việc không có một lời thăm hỏi sau một thời gian khá dài mới được gặp lại.
Dạy được đôi năm, biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình hắn, hắn cũng được cấp nhà ở thành phố, một căn nhà nhỏ đủ cho một cặp vợ chồng với một con tá túc. Nhận ngôi nhà trống chẳng có vật dụng gì, hắn xuống phố gần nhà kiếm bộ bàn ghế rẻ tiền làm bàn ăn cũng là nơi làm việc và tiếp khách. Hồi đó ai cũng nghèo, làm nghề thầy giáo lại càng nghèo nên cứ đi loanh quanh mà vẫn chưa tìm được bộ bàn ghế nào vừa ý và hợp với số tiền trong túi. Cuối cùng, có một tiệm đầu phố gần dốc cầu hắn thoáng thấy một bộ bàn ghế bằng gỗ tạp, chắc là giá không đắt lắm. Hắn ghé vào, tiệm lổn ngổn những tủ bàn gỗ mộc nhưng chẳng thấy ai đứng bán. Chỉ có một cô bé khoảng năm sáu tuổi đang ngồi chơi đồ hàng. Cô bé thấy có khách bèn ngừng chơi nói vọng vào trong: Mẹ ơi! Có khách mua hàng nè. Một người đàn bà xuất hiện, vừa nhìn hắn đã nhìn ra là cô ấy dù thời gian đã làm nhan sắc của nàng có chút đổi thay. Cô ấy cũng ngạc nhiên khi thấy hắn, một thoáng nhận ra nhau. Hắn chưa kịp mở lời thì nàng đã nói vọng vào trong: Anh ơi! Anh bạn ngày xưa làm thơ tặng em nè. Hắn vừa nghe đến đó cảm thấy quê xệ quá nên liền vọt lẹ, lúng túng nên đạp mấy cái xe cà tàng không chịu nổ, hắn chèo hai chân đẩy vội xe đi, đường hơi xuống dốc nên hắn lật đật gài số, xe nổ hắn rú xe chạy một mạch.
Nhà hắn cách nhà cô ấy chỉ một con đường và một chiếc cầu. Hắn thường đi qua đó nhưng chẳng có chi để ghé vào cho đến mấy năm sau, người ta trùng tu lại cây cầu, tiệm đồ gỗ của nàng đóng cửa, không biết dọn về đâu?
Gần ba chục năm sau, trong một buổi họp mặt sinh viên của trường đại học cũ, hắn ngồi cạnh một anh bạn. Thời sinh viên la cà hành lang, biết nhau chứ không thân. Hai thằng nói qua nói lại, hoá ra cũng là bạn của nhiều người bạn chung. Nhắc nhiều chuyện ngày xưa nên cũng cảm thấy thân tình như tìm được một người bạn cũ. Hẹn hôm nào uống cà phê nói tiếp.
Sáng hôm sau hắn đi ăn sáng ở cơm tấm Nguyễn Phi Khanh, lại gặp anh bạn ấy cũng ăn sáng ở đấy. Lại tám chuyện cùng nhau và bạn rủ về quán gần nhà uống cà phê. Quán nằm ngay sau lưng nhà cô ấy. Nói năm điều bốn chuyện, hết chuyện trường xưa bạn cũ lại chuyên chính trị, thời sự. Cuối cùng, như thói quen của những người già, hỏi thăm gia đình, con cái của nhau. Anh bạn hắn chỉ ngôi nhà của cô ấy và bảo nhà tôi đấy, vợ người cùng quê Đà Nẵng với ông và có hai con đã lớn. Hắn chột dạ, thấy mẹ rồi, thì ra tay này là chồng của cô ấy. Sao trái đất bé quá vậy ta?
Hắn định bảo hắn có quen biết cô vợ. Nhưng nghĩ chẳng nên nói mà chi. Hay là thằng này nghe vợ kể tên hắn rồi nên làm thân để điều tra chi đây? Câm là hay nhất. Từ lần đó hắn cũng không gặp lại người bạn này.
Thời gian lẹ quá, bỗng chốc mới đó mà đã quá tuồi bảy mươi. Vợ hắn mất đã được mấy năm. Hắn lại cơm hàng cháo chợ. Suốt ngày lang thang quán xá. Hắn phát hiện có một quán cơm ngon, vệ sinh mà giá phải chăng nên trưa, chiều đều đến ăn ở đấy. Quán nằm đối diện căn nhà của cô ấy phía bên kia đường. Đôi khi ăn cơm, hắn thường nhìn qua, căn nhà cứ mãi đóng cửa im ỉm. Hắn đợi một hôm nào đó nhìn thấy nàng, hắn sẽ mạnh dạn đi qua mở một lời chào. Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy. Suốt hơn năm mươi năm biết nhau, hắn chưa được một lời với người hắn đã từng có thời yêu say đắm. Giờ hắn đã là ông nội, cô ấy cũng đã là bà ngoại. Sao cuộc đời không cho hắn gặp lại chỉ một lần nữa thôi để hắn ngỏ được một lời, để thấy được một nụ cười dù biết nụ cười bây giờ đã móm mém rồi.
Chiều nay, như mọi buổi chiều, hắn ngồi ăn cơm quán. Trời mưa lớn, hắn nhìn qua căn nhà trong màn mưa. Căn nhà vẫn đóng cửa im ỉm, chẳng thấy bóng ai.
Tính đến nay, sau hơn hai năm con virus quái ác như cơn bão tấn công thế giới, toàn cầu đã ghi nhận hơn 535 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 6,3 triệu ca tử vong do đại dịch. Trong thời điểm đó, vaccine được xem như là vị cứu tinh để đối phó với cơn đại dịch. Trong một thời gian kỷ lục, bất chấp những quy định về việc sản xuất vaccine từ xưa đến nay, nhiều chủng vaccine đã ra đời một cách nhanh chóng để phòng chống dịch. Vaccine của Pfizer sau đó là Moderna đã được phê chuẩn vội vã trong vòng một năm để phục vụ cho loài người. Không thể phủ nhận nhờ có vaccine, dịch đã tạm lắng nhiều nơi trên thế giới, số người tử vong càng ngày càng giảm.
Ở nước ta cũng thế, khi đa số người dân được chích vaccine, tuy Covid 19 chưa bị đẩy lùi hẳn nhưng số người nhiễm bệnh và tử vong giảm rõ rệt. Ngày này năm trước, cơn đại dịch bùng phát ở thành phố và chỉ trong vòng nửa năm đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng. Thành phố đã trở lại cuộc sống bình thường, nỗi lo sợ về dịch bệnh và cái chết đe doạ hầu như không còn nữa. Người dân đã quen dần với những triệu chứng bệnh, dần dần xem như cảm cúm bình thường. Tuy vẫn còn mang khẩu trang như một thói quen, người ta bắt đầu không còn lưu tâm đến con virus khốn nạn đó nữa.
Thế nhưng, lại xuất hiện những di chứng mà các nhà khoa học cho là những hậu quả của hậu Covid. Vào tháng 10.2021, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid. Hội chứng này xảy ra ở những người nhiễm virus được 3 tháng, với các triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không có bất kỳ chẩn đoán thay thế nào có thể giải thích được. Hội chứng này biểu hiện những triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, khi leo cầu thang thường có cảm giác bị hụt hơi. Hay bị chóng mặt, mệt mỏi. Suy giảm trí nhớ, hay quên do khả năng cung cấp máu đến các cơ quan giảm, thiếu máu lên não ảnh hưởng đến khả năng tập trung. Giấc ngủ bị rối loạn, thức giấc giữa đêm. Ho kéo dài dai dẳng, giọng nói thay đổi. Khả năng co bóp cơ giảm, chân tay không còn tràn đầy sức lực như trước, hay bị đau cơ, đau khớp. Tinh thần không ổn định, thường xuyên lo lắng, thậm chí là trầm cảm. Những người có sẵn bệnh nền sẽ bị bệnh nặng hơn và khó chữa hơn.
Hội chứng hậu Covid tác động đến nhiều cơ quan bộ phận, không chỉ biểu hiện ở mặt lâm sàng mà còn xuất hiện những triệu chứng cận lâm sàng như: rối loạn đường huyết, giảm khả năng lọc cầu thận, tăng men tim,… Đặc biệt là tình trạng rối loạn chức năng hô hấp, nhất là giảm dung tích và độ khuếch tán phổi. Và cũng có nhiều trường hợp tử vong.
Cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng những biểu hiện trên xuất hiện ở những người đã chích vaccine và không hề bị nhiễm bệnh. Và những nghiên cứu đấy cho rằng đó là hậu quả của việc chích vaccine. Cho đến nay, những công ty sản xuất vaccine vẫn chưa báo cáo tổng kết những di chứng có thể xảy ra đối với người đã chích vaccine. Do đó, loài người vẫn chưa biết vaccine khi tác động vào tế bào của con người sẽ khiến cho cơ thể có những biến đổi như thế nào? Tất cả còn trong chờ đợi.
Và giờ đây nhà nước đang thực hiện tiêm mũi 4 cho các đối tượng dễ nhiễm bệnh và người trên 65 tuổi. Trong tình hình dịch bệnh đang tạm lắng, những di chứng hậu Covid và vaccine chưa được giải thích rõ ràng, người dân lại e dè, ngần ngại khi chích mũi thứ tư. Có lập luận cho rằng, chích hai, ba mũi vẫn không tránh được nhiễm dịch. Giờ chích thêm mũi thứ tư cũng vẫn có thể dính dịch, thì chích thêm làm gì lại có hại cho cơ thể. Lại có tin trên báo cho biết rằng hiện nay có hàng triệu liều vaccine đang cận date, dân lại lo sẽ bị chích thuốc quá date.
Trước tình hình không tích cực chích vaccine của một số người dân, Bộ Y tế và một số địa phương ban hành đề nghị những người không chấp nhận chích tiếp vaccine phải ký cam kết và chịu trách nhiệm khi cộng đồng nhiễm dịch. Kiểu này là tào lao rồi. Tiêm chủng là tự nguyện, khi người dân cảm thấy cần thiết thì sẽ chen nhau chích, xem được chích là một đặc ân, là may mắn như đã từng xảy ra trước đây khi dịch bệnh căng thẳng. Bây giờ tình hình đã khác rồi. Chỉ nên kêu gọi ý thức của người dân chứ không nên đề ra những biện pháp chế tài đe doạ. Khi cộng đồng nhiễm dịch, biết ai là người làm lây bệnh mà thi hành biện pháp, chuyện đấy bất khả thi. Hơn nữa, muốn thực hiện chuyện cam kết như thế chính quyền phải đưa ra quy định cụ thể và tính pháp lý của việc ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan. Khi thấy cần thiết phải tiêm chủng để tránh những nguy hiểm của dịch bệnh, người dân sẽ hưởng ứng ngay thôi.
Phòng chống dịch cần có những biện pháp, kế hoạch cụ thể và hợp lý. Những bi thương của năm trước do những sai lầm vẫn còn đó. Việc chọc ngoáy đại trà, liên tục với kit test dỏm giá cao của thời đấy đã cho thấy nhiều điều khiến dân phẫn nộ. Do vậy, khi ban hành những biện pháp nên cân nhắc và cẩn thận, không nên đi vào vết xe đổ đưa đến hậu quả không hay. Hệ thống truyền thông của nhà nước nên có những giải thích rõ ràng cho dân hiểu. Nhất là những triệu chứng tác động về lâu dài trên cơ thể khi chích vaccine. Khi dân đã thông thì mọi kế hoạch sẽ thực hiện thông suốt và dễ dàng.
Hổm rày báo chí và mạng xã hội bàn nhiều về phim Em và Trịnh. Yêu cũng có mà ghét cũng nhiều. Lắm người xúi tui viết một bài bày tỏ ý kiến, tui bảo người trong và ngoài cuộc viết nhiều rồi, tui viết thêm cũng bằng thừa. Nhưng rồi nhiều người xúi giục, tui cũng xin viết vài câu ngăn ngắn thế này.
Nhạc của ông thì người ta nghe nhiều quá rồi nên không nói về nhạc mà chỉ nói về phim. Chỉ nói thêm một chút như có người đã từng nêu là bài hát Tiến thoái lưỡng nan là bài đúng tâm trạng và tính cách của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đứng hàng hai. Và theo tôi, một trong những bài ca dở nhất của ông là bài Em ở nông trường, anh ra biên giới. Bài hát xu thời là bài Huyền thoại mẹ.
Ai cũng biết làm phim, viết truyện luôn phải có chút hư cấu. Nếu không thì thành phim tài liệu hay hồi ký mất rồi. Nhưng làm phim về một nhân vật có thật thì những hư cấu cũng không thể quá xa với sự thật như nó vốn có. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là nhân vật có thật. Ca sĩ Khánh Ly là nhân vật có thật. Dao Ánh và những nhân vật khác nữa đều là người thật. Nhưng tiếc thay phim lại không kể những việc thật mà thêm thắt quá đà thành ra tào lao. Nhét vào miệng của nhân vật những câu chữ không hề có cũng như chẳng phù hợp với thời kỳ nhân vật đang sống.
Những người cùng thế hệ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biết và hiểu rõ về ông. Thế hệ sau này không hiểu ông, chỉ biết ông qua các tác phẩm của ông, họ thích nhạc của ông nên tìm đến phim để hiểu hơn người nhạc sĩ mà họ ái mộ. Rất tiếc, phim đã thể hiện một cách lệch lạc về người nhạc sĩ này. Trịnh Công Sơn là một người tài hoa qua các bài hát của ông. Nhưng không thể gọi ông là thiên tài âm nhạc. Âm nhạc Việt Nam có nhiều người có nhiều tác phẩm để đời và tài năng hơn ông. Do vậy đừng biến ông thành thánh nhân.
Làm phim về một nhân vật có thật là điều khó khăn. Vẫn biết để tìm một diễn viên có ngoại hình giống y nhân vật là điều không thể thực hiện. Chỉ cần có nét giống là tạm ổn rồi. Cái cần là thần thái, cái hồn của nhân vật. Tiếc thay, phim Em và Trịnh lại chọn hai diễn viên chẳng có chút thần sắc, cái tâm hồn của người nhạc sĩ. Một anh thì ngu ngơ, khù khờ nhưng hám gái, muốn diễn cho lãng mạn mà thành lãng xẹt. Một ông thì nhìn gian gian, giống gã bụi đời, già mà muốn làm trai lơ chẳng có chi cái nét gầy gò, ốm yếu, nghệ sĩ nhưng không thiếu nét thanh lịch của nhạc sĩ ở đời thực.
Những người bạn nhạc sĩ, những người quen biết ông, những người đã từng gặp ông đều có nhận xét nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người rất khôn khéo. Khôn khéo rất Huế. Cái khôn của người biết ngã nghiêng theo thời cuộc và cái khéo của người không để lộ ý nghĩ của mình ra. Cả hai người diễn viên trong phim không diễn được tính cách này. Người nghệ sĩ như ông lãng mạn trong tình yêu và sự thật ngoài đời ông cũng bị cuốn theo nhiều người phụ nữ. Nhưng không có kiểu lãng mạn sến súa như trong phim.
Rồi từ phim, nhiều người nhân cơ hội tổ chức những đêm nhạc Trịnh Công Sơn khắp nơi, đúng là biết chớp cơ hội để kiếm tiền.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từ giã cõi đời hơn hai chục năm rồi, buồn thay giờ đây người ta lại dựng ông dậy mà giết chết ông một lần nữa. Tội nghiệp ông.
21.6.2022
Đỗ Duy Ngọc
Ở nước ngoài, Mỹ, Pháp hay Nhật chẳng hạn, người già tự đi khám bệnh một mình là chuyện bình thường, rất bình thường. Chẳng ai lưu tâm, hỏi han tọc mạch về chuyện đó cả. Bởi con cái có công ăn việc làm của chúng, có gia đình của chúng phải lo, có con cái còn nhỏ của chúng phải chăm sóc. Khi đi khám bệnh, nếu còn đi được, chưa phải nằm băng ca cấp cứu, người già có thể tự lo cho bản thân mình mà chẳng cần ai phải trợ giúp. Đến bệnh viện, làm thủ tục, bác sĩ khám bệnh rồi ra về, chuyện đơn giản thôi mà.
Người Việt ta thì khác, khi cha mẹ đi khám bệnh, con cái phải đi theo, nhiều khi cả mấy anh chị em và cả cháu. Nếu không làm thế sẽ bị người đời dè bỉu là không chăm sóc cha mẹ. Bởi vậy nên phải xin nghỉ việc, bán hàng thì tạm đóng cửa hoặc giao nhờ người khác, con cái phải gởi cho người quen, hàng xóm trông giúp. Mà thật ra bệnh cũng chưa phải trầm trọng chi lắm, có khi chỉ là bệnh thông thường của người có tuổi khi trái nắng trở trời, nhưng đến bệnh viện phải có người hộ tống. Trong khi người già có thể đi một mình bình thường nếu quãng đường không xa lắm, xe cộ thuận tiện, và làm thủ tục bình thường mà không làm phiền đến con cháu. Nhưng những người chung quanh, kể cả những người xa lạ khi thấy cảnh một người già lụm cụm đi khám bệnh một mình thì cứ xót xa, xuýt xoa thương cảm. Người Việt ta hay thương vay khóc mướn thế đấy!
Tôi thường tự đi bệnh viện một mình lúc có bệnh trong người, thường là những bệnh không nguy hiểm. Khớp đau, đầu gối nhức, trong người hơi mệt, cảm cúm theo mùa ...và hôm nay là đau nhức răng suốt đêm không ngủ được. Tôi bị thoái hoá khớp hành gần tháng nay nên phải chống gậy, mới gọi xe bảo đi bệnh viện, chưa kịp leo lên đã bị anh xe ôm hỏi con cháu đâu mà đi một mình khổ thế? Tôi bảo chúng bận trăm công ngàn việc, đi một mình cũng có sao đâu? Đến cổng bệnh viện vừa tập tễnh bước xuống đi vào thì có một cậu trung niên đến đỡ lại xuýt xoa, bác ơi con cái đâu mà để bác đi một mình thế? Tôi đi lại hơi khó khăn nhưng rất ghét ai dìu mình, chỉ muốn tự mình đi, không muốn ai nâng đỡ cả. Đi đâu mà người nào dìu là tôi phản ứng ngay. Vào làm hồ sơ, cô y tá cũng lại bảo sao chú đi một mình thế, con cháu đâu cả rồi. Đến lúc về cũng thế, leo lên taxi hơi khó, thế là anh tài xế trách móc con cái không theo giúp cha mẹ, anh cho vậy là bất hiếu.
Bực mình ghê chưa. Tôi còn sức đi mà, tôi còn minh mẫn để điền hồ sơ mà. Còn nhớ có một lần tôi bị đau chân, đi rất khó. Hẹn bác sĩ 9:00, tôi đến đúng giờ nhưng từ chỗ gởi xe vào phòng khám mất một đoạn khá xa. Tôi lê từng bước từng bước thầm. Hết người này đến người khác đến muốn dìu tôi đi nhưng tôi từ chối tất. Ai cũng bảo, khổ thân ông cụ, con cháu đâu mà tội nghiệp thế kia. Tôi muốn cãi mà thôi, mỗi người mỗi suy nghĩ, phản ứng làm gì.
Đó cũng là hai thái độ khác nhau giữa người Việt và người phương Tây. Người nước ngoài xem đó là chuyện thường tình, khi ta còn làm được thì tránh phiền cho người khác. Còn người Việt ta cho đó là việc hiếu, con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ. Suy cho cùng việc hiếu để nằm trong cách xử sự, trong hành vi, thái độ hàng ngày, trong lời ăn tiếng nói chứ nhiều khi không chỉ là sự chăm sóc đôi lúc không cần thiết. Khổng Tử đã từng nói: Nếu nuôi cha mẹ mà cho ăn lúc đói, đắp mảnh áo lúc rét thì có khác chi nuôi một con vật đâu. Cái chính là cái tâm của con cháu đối với cha mẹ chứ không chỉ là những chăm lo vặt vãnh hàng ngày khi người già còn tự mình làm được. Bởi thế, phương Tây cứ đến tuổi là vào viện dưỡng lão, có người chăm lo bữa ăn, giấc ngủ mà không làm phiền đến cháu con.
Theo tôi, tất cả tuỳ tâm, dung hoà giữa hai quan niệm, nếu con cái thấy có điều kiện để làm thì thuận theo chúng mà làm. Còn không, thì cứ việc ta ta làm, đường ta ta đi cho nó khoẻ, khỏi vướng bận đến ai.
Cấu trúc gia đình ngày xưa khác bây giờ, con cái, cháu chắt ở chung tam đại, tứ đại đồng đường. Làm nông là công việc chính nên việc chăm sóc, hiếu để với cha mẹ khác với thời nay. Bậc làm cha mẹ thời nay phải hiểu cho hoàn cảnh của con cái mà đừng bắt bẻ, yêu cầu chúng những việc không thuận cho sinh hoạt và công việc của chúng. Đó cũng là góp phần cho gia đình bớt xào xáo, phiền hà.
Khi con cái còn nhỏ, chỉ cần chúng húng hắng ho, chỉ cần chúng hơi sốt, hơi đau trong người, cha mẹ sẵn sàng đội nắng, đội mưa kiếm thuốc cho con. Bất chấp đêm hôm, sẵn sàng ôm con đến bác sĩ, đến nhà thương. Nhưng khi chúng lớn lên, trưởng thành, có gia đình sự nghiệp, cha mẹ muốn mở lời nhờ con đưa đi khám bệnh, nhờ mua viên thuốc, ổ bánh mì cũng ái ngại, rụt rè không dám mở lời, không muốn nhờ vả. Cuộc đời thế đấy, nước mắt chảy xuôi. Thôi thì cái gì ta tự làm được thì nên tự làm, sống như thế cho thanh thản, bình an trong tâm, khỏi phải phiền hà, trách móc thêm nặng lòng, tâm lại không vui.
Đêm khuya lắm rồi, những ngọn đèn đường vàng vọt cô đơn đổ bóng hắn xuống đường. Hắn đang đi mà chẳng biết sẽ đi về đâu. Nhà hắn đang ở một nơi nào đó trong thành phố này. Căn nhà trống vắng và hoang lạnh. Hắn chưa muốn trở về ngôi nhà với căn phòng đầy sách báo và chiếc giường trơ trọi. Bức tranh hắn đang vẽ dang dở dựng trên giá vẽ sẽ không bao giờ hoàn thành bởi hắn chẳng còn hứng thú. Có chiếc xe rú qua, tiếng nổ giòn trong đêm để lại một vệt khói trắng. Sau một ngày mưa, không khí như dịu lại. Có tiếng gió và hình như có chiếc lá rơi, tiếng rơi rất khẽ. Hắn có cảm giác có người đang ở sau lưng hắn, đi theo hắn. Rất gần, hắn nghe sau lưng có hơi thở. Hắn muốn quay đầu ngoái lại, nhưng trong lòng hắn lại có tiếng ai thì thầm đừng, đừng nhìn lại phía sau. Hắn tần ngần một bước chân, rồi đi tiếp. Đêm vẫn vắng lặng, đã khuya lắm rồi. Có tiếng mèo động đực gào lên trên mái ngói của căn nhà bên kia đường. Tiếng gào man dã, có chút hân hoan nhưng cũng có màu tuyệt vọng. Hắn vẫn có cảm giác có ai đi đằng sau, hắn không quay lại, không nên quay lại.
Phía trước có chiếc ghế đá, hắn ngồi xuống đốt một điếu thuốc, có ai đâu, chung quanh vẫn trống rỗng. Một kẻ trống rỗng. Một đêm trống rỗng. Một thế giới trống rỗng. Điếu thuốc lập loè, khói thuốc bay là đà. Bỗng hắn chợt nghĩ đến những người đàn bà đã đi qua đời hắn. Người còn sống thì xem như đã chết, người chết rồi lại luẩn quẩn đâu đây. Rồi tất cả biến mất như sợi khói vừa tan trong gió. Chỉ còn lại mình hắn, trơ trọi giữa đời. Tất cả đã bỏ đi. Hắn nghe phía ngực trái nhói một cái. Rất nhẹ nhưng làm nhịp tim lỗi một nhịp. Điếu thuốc đã tàn, những ngọn đèn vàng vẫn làm thành những bóng đổ. Hắn lại nghĩ về cuộc đời, mới như hôm qua tuổi thanh niên tràn nhựa sống với bao nhiêu khát vọng, bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu ước mơ. Thoáng một cái đã thành lão già cô độc với nhiều tiếc nuối. Một thời đã qua đi, bao khao khát đã lụi tàn, bao sức lực đã bị bào mòn, bao ánh lửa đã tắt. Đoạn đường phía trước đang ngắn lại, đời đang thả dốc. Cô quạnh một mình từng bữa ăn, giấc ngủ, hắn đã thấy được tàn phai. Giấc ngủ chẳng tròn lại lắm mộng dữ. Nhiều bữa nhìn đôi đũa, cái chén bơ vơ trên bàn, hắn không còn muốn ăn dù rất đói. Những mảng màu trên tranh, những vệt màu trên tường thành những hình quái dị. Có nhiều đêm không ngủ, hắn ngồi nhìn và tưởng tượng đủ thứ hình thù. Có khi là những khuôn mặt, những khuôn mặt của những người đàn bà. Nhu mì có, thanh lịch có, hân hoan lẫn với muộn phiền, chung tình lẫn với phản trắc. Có khi là bãi hoang tàn hắn đang vùng vẫy trong đó. Có khi là bãi sa mù của quá khứ nhấn chìm hắn xuống. Tất cả cứ lập loè mãi khiến hắn không có giấc ngủ trọn vẹn. Con người sinh ra vốn đã cô đơn. Con người thiếu đôi còn cô đơn hơn nữa. Hắn là kẻ lẻ đôi. Con chim lẻ bạn cất được tiếng kêu, hắn chỉ có sự lặng câm vô vọng. Đêm càng sâu càng buồn, hắn chẳng muốn trở về nhà. Sương đã xuống lạnh hai vai. Hắn muốn khóc nhưng không khóc được. Nước mắt đã cạn. Nước mắt của người già chỉ là ngân ngấn lệ. Hắn đã già. Già ở tuổi và cũng già cỗi trong trí não. Nửa đêm giữa đường phố hắn thèm một hơi thở trên vai mình, hắn thèm một bàn tay nắm, hắn muốn nghe một giọng nói, tiếng cười. Đêm đã khuya thật rồi, trần gian chẳng còn ai. Chỉ còn mình hắn trơ trọi bao phủ bởi những ngọn đèn vàng. Đời còn có gì đâu. Hắn chợt nghĩ đến một viện dưỡng lão cho mốt mai để giã từ căn phòng không hơi ấm. Bức tranh chỉ còn những vệt màu dở dang, không hình thù. Đêm và người đàn ông buồn như điếu thuốc đã tàn. Đêm rớt hắn lại thành chiếc bóng cô liêu. Sài Gòn 3.6.2022 DODUYNGOC
Cách đây mười mấy năm, ở đường Võ Văn Tần Sài Gòn có một quán thịt nướng đông khách vô cùng. Quán mở vào buổi chiều, khách ngồi xếp lớp, ngoài sân khói nướng thịt bay ngào ngạt suốt một đoạn đường dù không gian quán chật hẹp chỉ là một khe hẻm đằng sau của căn biệt thự. Quán mang tên Chiều nay. Chủ quán là một người Việt về từ Nga, không rõ là du học sinh hay xuất khẩu lao động. Trong thời gian ở nước Nga xa xôi anh được một phụ nữ Nga dạy cho cách chế biến và ướp thịt theo kiểu Nga. Nghe đồn bà này là cháu chắt gì của một ông đầu bếp từng nấu ăn cho Nga hoàng. Để ướp thịt ngon phải có một loại rượu đặc biệt được nấu để ướp thịt, cũng là loại bí truyền nên ông chủ này được truyền cho âu cũng là một cái duyên.
Chiếu chiều khách lũ lượt vào thưởng thức các món nướng đậm đà, thơm phức từ thịt heo, bò, bồ câu, cá sấu, Kangaroo, đà điểu...tất cả đều được nướng trên than hồng theo kiểu Nga ăn với salad cùng dưa chuột muối. Phải công nhận là ngon. Món nào cũng được ướp theo một công thức lạ, thịt mềm, ngon đến miếng cuối cùng. Bia đổ như thác, rượu rót tràn ly, từng dĩa thịt nướng được lần lượt mang ra và được vét sạch một cách nhanh chóng. Thịt nướng không kịp, khách ngồi chờ là chuyện bình thường ở huyện. Bánh mì ở quán cũng ngon vì được cung cấp từ lò bánh mì ngon có hạng ở lò bánh mì đường Trần Quang Khải. Nhân viên phục vụ chạy như vịt, xoay như chong chóng mà vẫn không phục vụ xuể khách đến thưởng thức. Có lần nhân dịp Tết, chủ quán ưu ái tặng tui một hộp pa tê gan bồ câu. Ngon hết biết. Giờ nhớ lại vẫn còn hương vị ở đầu lưỡi.
Đùng một cái, quán biến mất. Hỏi ra mới biết biệt thự đàng trước được cấp cho một cán bộ lãnh đạo cỡ bự ở trung ương. Người ta cho rằng cái khe hẻm đó là nơi thoát hiểm khẩn cấp khi có chuyện cho những người đang ở trong cái biệt thự to đùng kia. Thế là phải dời đi. Quán dọn về khu phố Tây Đề Thám. Ế chỏng gọng. Thế mới biết làm ăn có thời, sau thịnh có suy. Cầm cự được đôi năm, chịu hết xiết quán lại dời về đầu hẻm 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đầu đường vô Phở Dậu.
Đã ớn cảnh đi thuê mướn, lần này chủ quán mua luôn căn nhà làm quán dù nhà chẳng có bề sâu. Cũng vẫn là những món nướng như xưa. Lại có thêm món cơm văn phòng buổi trưa với sườn nướng, chả cá thác lác do bà chủ tháo vát đứng điều hành. Cũng là một cách xoay xở khi khách còn thưa. Dần dần khách trở lại, tuy không còn đông đúc như hồi ở quán Võ Văn Tần nhưng cũng khá. Không khí chẳng còn nhộn nhịp, món ăn hình như cũng không còn hấp dẫn như ngày nào. Quán ăn mà rộn ràng, khách khứa nườm nượp, muốn ăn phải đợi, phải chờ khiến cho món ăn thêm phần ngon thì phải. Tui có người bạn già đã định cư ở Mỹ nhưng rất thường về Việt Nam. Anh rất kết món heo nướng ở quán này. Lần nào về cũng phải ghé đôi lần, mỗi lần chỉ làm một dĩa heo nướng kiểu Nga với lon Coca Cola của Mỹ he..he.
Chủ quán cũng là dân chơi ảnh. Thuở bán buôn thịnh vượng, có loại máy ảnh nào mới ra đời là anh sắm ngay, chịu chơi lắm. Và cũng vì là dân chơi ảnh nên anh với tui thân tình với nhau. Thời anh phải dời về phố Tây cũng xót cho anh khi mua bán không còn ngon lành như hồi ở địa chỉ cũ.
Giờ ở địa chỉ mới cũng mừng cho anh vì đã có khách dù không đông đúc như thời huy hoàng. Ngày mà mỗi chiều dân chơi ơi ới gọi nhau tụ về quán Chiều nay để được ăn những món nướng thơm phưng phức.
Chủ quán tên Giang, bạn bè thân gọi là Giang cò ke. Nickname trên Facebook của anh là Gianggiahu. Anh giải thích là Giang già hú kkkk.
Cuốn sách "Ăn mà không chơi" đề cập đến những món ăn và quán ăn nhưng không phải là cuốn sách thuần túy hướng dẫn nấu ăn. Tuy đôi chỗ cũng có nhắc đến cách nấu nhưng đó chỉ mong giúp cho người đọc thêm chút kinh nghiệm để có một món ăn ngon hơn. Bởi lẽ tôi không phải làm nghề đầu bếp nên chẳng dám dạy ai. Trong sách cũng có vài đoạn đề cập đến giá trị dinh dưỡng cũng như chữa bệnh từ thực phẩm nhưng đó cũng chỉ là những ghi chép ở những sách thuốc và vài tờ báo chuyên về sức khoẻ chứ không phải ý của riêng tôi. Bởi tôi cũng không phải là nhà nghiên cứu về dinh dưỡng hay thầy thuốc.
Phần nhiều bài viết trong sách là những hồi tưởng, những ký ức về những món ăn, những hàng quán tôi đã từng được thưởng thức trong suốt quãng đời lê la của mình. Tôi xa nhà từ tuổi mười tám và giờ đã qua tuổi cổ lai hy. Phần nhiều trong suốt thời gian đó tôi ăn cơm hàng cháo chợ. Khi hàn vi, nghèo túng cho đến lúc có chút tiền trong túi tôi lang thang nhiều hàng quán ở đất Sài Gòn. Nghèo thì ăn cơm bình dân, cơm vỉa hè, cơm xã hội. Có chút tiền thì vào quán, vô tiệm cho biết với người ta. Mỗi nơi góp cho đời tôi thêm chút kỷ niệm, chút ký ức đã đi qua nhiều đoạn đời lúc lên voi khi xuống chó.
Mỗi lần nhớ về tuổi nhỏ lúc còn ở với cha mẹ, anh em tôi lại nhớ những món ăn của Mạ nấu. Và hình như đứa con nào cũng thế, đều cứ luôn nghĩ rằng cơm mẹ nấu là ngon nhất. Và rồi những món ăn đó lại nằm trong lòng của mình, đi theo suốt quãng đời của mình. Tôi viết lại những món ăn đấy để nhớ về một quãng đời, để nhớ đến Mạ tôi, nhớ những bữa cơm gia đình ngày xưa lúc cha mẹ, anh em còn đủ đầy. Giờ cha mẹ đã lên trời, anh đã mất, chị em tản mác đi khắp nơi trên thế giới. Tuổi già, ngồi nhớ lại những ngày hạnh phúc đó và ghi lại, tưởng nhớ những món ăn của ký ức, của hoài niệm. Bởi những món ngon là những món ta được ăn của một thời đã trôi đi không còn tìm lại được nữa.
Những hàng quán tôi từng đi qua cũng đọng lại đậm nét trong tôi sau hơn nửa thế kỷ sống ở Sài Gòn. Đấy cũng là những kỷ niệm những ngày khốn khó cũng như lúc thảnh thơi. Ghi lại để nhớ về. Cũng để cùng mọi người đã sống ở Sài Gòn nhớ những hàng quán đã từng có mặt ở Sài Gòn. Những hàng quán có thể vẫn còn tồn tại cho đến nay sau sáu bảy chục năm hoặc những địa chỉ không còn nữa sau những biến thiên của thời cuộc hay đổi thay bởi thời gian.
Mỗi người mỗi khẩu vị khác nhau. Có thể tôi khen quán này với món ăn kia nhưng cũng sẽ có người không thích. Cho nên trong sách có lúc những ý kiến của tôi sẽ có người không đồng tình. Điều đó cũng bình thường thôi, mỗi người mỗi ý mà. Tuy thế, tôi cũng mong cuốn sách sẽ giúp cho người đọc nhớ lại những món ăn, những hàng quán đã từng đi qua. Đôi khi món ăn, tiệm ăn không chỉ là những bữa ăn mà còn là những ký ức của một thời. Và hình như ký ức lúc nào cũng đẹp và tưởng nhớ. Mong cuốn sách có thể giúp nhiều người tìm đến những hàng quán tạm gọi có những món ăn ngon ở đất Sài Gòn.
Đặt tên sách "Ăn mà không chơi" vì tôi chỉ rành ăn mà không biết gì các món chơi bời của Sài Gòn. Hi vọng sau cuốn sách này, sẽ có người rành rẽ các chốn rong chơi của thành phố này sẽ viết cuốn " Chơi mà không ăn". Mong thế. Nhưng mà không ăn lấy chi mà chơi?
Hôm trước cái Ipad hư, không charge đuợc mới đem qua Trần Quang Khải nhờ sửa. Lúc chạy về phát hiện ngay góc Nguyễn Văn Nguyễn với Trần Quang Khải mới xuất hiện một quán phở tên Hoàng. Tui nhớ mang máng ở bên đường Đoàn Thị Điểm, Phú Nhuận cũng có một quán phở có tên như thế, không biết có phải dời về đây không? Quán đó tui cũng có đến ăn mấy lần vì ở gần nhà người bạn của tui. Lúc đó vì tò mò mà cũng đang đói nên tấp xe vào làm một tô. Vừa dựng xe, chủ quán đã cười chào nhận ra khách quen. Thì ra đúng là quán từ bên ấy vừa dọn qua đây đã được mươi hôm.
Phở quán này cũng chưa phải là xuất sắc lắm nhưng ăn được. Phở nấu theo lối tân cổ giao duyên, nửa Nam nửa Bắc. Nước lèo tạm được, hơi thiếu quế, hồi, thảo quả nên chưa có mùi đặc trưng phở Bắc. Sợi phở là đúng của Bắc, mềm và lớn bản. Trên bàn đủ loại tương. Tương Bắc, tương đỏ, tương đen. Lại có rau giá như quán phở Sài Gòn. Cũng có quẩy chiên theo kiểu Bắc, nhỏ và cứng chứ không lớn và mềm như quẩy Nam.
Thịt ngon, nhất là thịt bắp rùa. Món này thường ở quán ngoài Bắc mới có thì phải dù ở Sài Gòn ở các quầy thực phẩm cao cấp đều có bán nhưng giá khá cao so với những loại thịt bò khác. Giá cả hiện nay cho 1kg bắp rùa trên thị trường rơi vào khoảng 160 – 250.000/kg
Bắp rùa tiếng Anh gọi là Beef Heel Muscle, là phần thịt ngon nhất trên các bộ phận của con bò. Bắp rùa là phần bắp nhỏ xíu, nằm giữa lõi cái bắp đùi to ở chân con bò. Bắp rùa có những đường gân hình xoắn trắng ở giữa miếng thịt, khi ăn sần sật giòn giòn như bắp hoa. Phần thịt này ít mỡ, những bắp tròn đều, ngắn là bắp ngon. Nhưng với những người sành ăn thì bắp rùa mềm và thơm hơn bắp hoa.
Các nhà dinh dưỡng cho rằng bắp rùa mang lại giá trị dinh dưỡng cao tương đương so với các loại thịt bò khác như chứa protein, sắt, kẽm, các vitamin B6, B12, photpho, các acid amin, … Nhưng lại có một số ưu điểm nổi bật hơn như: chứa ít mỡ hơn, hàm lượng chất béo thấp hơn phù hợp với một số thực khách bị mỡ trong máu, béo phì,… có hàm lượng sắt cao hơn, và có tính hàn (lạnh), không độc. Với những người sành ăn, nếu chưa một lần được thưởng thức món ăn này quả thật là một thiếu sót trong nhật kí chinh phục món bò.
Bình thường tô phở ở đây giá 55.000 nhưng tô phở bắp rùa là 90.000. Giá cao nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Nhai miếng bắp rùa trong miệng đã lắm, ngọt, sần sật, dai dai chứ không như miếng tái bình thường. Quán cũng có tiết, tuỷ ăn cũng được.
Quán rất sạch sẽ, phục vụ nhanh, tốt và thân thiện. Khẩu vị mỗi người mỗi kiểu nên cũng khó phê bình. Tuy vậy, các tín đồ của phở cũng nên ghé một lần ở phở Hoàng. Thêm được một địa chỉ phở cũng là điều thú vị.
Địa chỉ của quán hình như là 212 Trần Quang Khải, Q.1.