Chiều nay trời bỗng liu riu, gió lành lạnh, bỗng dưng thèm tô cháo vịt nóng hổi, múc một muỗng cháo, húp một hơi cháo, người ấm lên. Gắp một miếng vịt luộc, chấm chén nước mắm gừng với ớt cay cay. Cái chất béo của miếng da vịt, cái bùi ngọt của miếng thịt vịt trộn lẫn với nước mắm gừng. Ôi chao! Buổi chiều thú vị hỉ! Nhưng rồi lười đi. Ăn một mình cũng chẳng vui. Rủ bạn thì không biết ai rảnh mà gọi. Đành nằm nhà nghiên cứu về thịt vịt, hoá ra có lắm cái hay.
Theo Y học cổ truyền, thịt vịt được xếp vào loại món ăn - vị thuốc bổ, chữa được nhiều bệnh. Người ta thường thì dùng thịt vịt mái già để làm thuốc. He..he thế mà đi ăn thì lại hay chê mái già. Chọn phụ nữ người ta cũng không chọn mái già. Già cũng có cái quý của già chớ!
Mấy ông bà làm nghề dinh dưỡng rỗi hơi mới phân tích thành phần thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… cần thiết cho sức khỏe và quá trình tăng cân. Chính vì thế, ăn thịt vịt rất có lợi cho sức khỏe. Rứa mà lâu ni giang hồ cứ nói: Độc hơn thịt vịt. Oan cho thịt vịt quá chừng. Lại bảo ăn vịt xui nữa chứ ha..ha.
Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị).( Cái này phải lưu ý là hỗ trợ thôi)
Ăn thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa. Lại còn để khắc phục tình trạng tăng huyết áp, ù tai, váng đầu, chóng mặt, mỗi buổi sáng, nên ăn 1 quả trứng vịt muối. Nếu trộn trứng vịt với bột sò biển để tráng lên ăn thì tác dụng chữa bệnh càng cao. Mấy ông bạn đồng môn, đồng tuế của tui nhớ cái vụ này nhen. Tuổi tụi mình cha nào cũng có vấn đề huyết áp, thành mạch máu bị hoen rỉ như ống nước lâu ngày rồi, nhớ hột vịt muối nghe mấy cha.
Vịt là loại gia súc được loài người thuần hoá lâu lắc lâu lơ. Ngoài vịt nhà nuôi còn có loại vịt trời, loại này hiếm nên ít phổ biến, thôi thì để dành cho mấy anh có súng đi săn. Vịt nuôi là món ăn phổ biến của người châu Á và cũng nhiều dân tộc trên thế giới. Ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường ăn thịt vịt vì nó có tính mát mà ngày mồng năm tháng năm lại là ngày nóng nhất trong năm.
Mấy ông bà dinh dưỡng không những phân tích thành phần trong thịt vịt mà còn đo đạc một cách khoa học giá trị dinh dưỡng có trong thịt vịt. Nếu ta bỏ vào mồm 100gr thịt vịt, tức là ta đã trang bị thêm cho ta 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… rất cao.
Không những thế, thịt vịt còn là vị thuốc có tác dụng tư âm, dưỡng vị. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi: Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt. Do thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn. thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, giải độc.
Không biết ngày xưa người ta nghiên cứu thế nào nhưng theo các tài liệu y thư cổ, thịt vịt được coi là loại thuốc bổ thượng hạng, có tác dụng điều hoà ngũ tạng, lợi thuỷ, trừ nhiệt, bổ hư. Sách Nhật dụng bản thảo còn cho rằng thịt vịt giúp nuôi dưỡng dạ dày, sinh tân dịch, trấn định tâm thần. Vịt có nhiều loại được chọn dùng tuỳ theo mục đích: vịt trống đầu xanh mạnh về lợi tiểu tiện, vịt trắng xương đen trị hư lao nhiệt độc. Để làm thuốc nói chung thì nên dùng thịt vịt mái già và thịt vị thiên về bổ dương nên nam giới ăn sẽ bổ hơn phụ nữ. Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị). Nghe dữ thiệt chớ! Có lẽ là góp phần trong việc điều trị thôi, chứ không phải là chữa trị, chứ không thì người ta tưởng tui đang có bầy vịt ế nên viết quảng cáo he..he hổng có đâu à nghe!
Cái này nữa nè, thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn.
Quá dữ luôn, quá trời công dụng của thịt vịt, vừa ngon vừa chữa được khối bệnh. Đọc đến đây có ai mời tui đi ăn thịt vịt không? Điện thoại cho tui nhe. Gởi tin nhắn cũng đặng kkkkkk.
Có hai điều nên nhớ khi chế biến vịt. Đó là: Thịt vịt thường dai hơn thịt gà, heo, vì thế muốn thịt vịt mềm, hãy thái xéo thớ thịt, thịt sẽ vừa mềm, vừa đẹp mắt. Thịt vịt có mùi hôi khó chịu, nên phải khử mùi trước khi chế biến. Gừng và rượu là hai loại gia vị hữu hiệu để khử mùi vịt. Bóp vịt thật kỹ với gừng giã nhuyễn hoặc xát với rượu rồi rửa sạch là vịt hết mùi hôi. Nếu không có gừng hoặc rượu, có thể thay thế bằng muối và giấm.
Vịt có nhiều cách chế biến để thành món ăn hấp dẫn và ngon miệng. Đầu tiên là các món quay mà nổi tiếng nhất là món Vịt quay Bắc Kinh. Nhưng mà tui nói thiệt, tui hổng có khoái món này. Ăn ở nhà hàng Bắc Kinh thì đợi lâu mà giá đắt trên trời, mà tui không thấy ngon, ngoài ra còn dùng cho món cháo vịt, vịt tiềm hay vịt hầm, vịt nấu chao... Cháo vịt đậu xanh, vịt nấu rau lang, vịt om sấu, thịt vịt nước mía... có ích cho người suy nhược, chán ăn, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, phụ nữ kinh nguyệt ít, sản phụ thiếu sữa.
Khoảng năm 2000, tui có công việc làm ăn kết hợp đi học lóm thêm quốc họa Trung Hoa ở Quảng Châu, Tế Nam, Hồ Nam, Bắc Kinh, Thượng Hải...được một số người quen biết giới thiệu bốn món vịt nổi tiếng của ẩm thực Tàu, đó là vịt quay Bắc Kinh, vịt Quế Hoa, vịt Tứ Xuyên và vịt quay tiêu Macau là những món vịt ngon có tiếng với những hương vị riêng rất đặc trưng.
Vịt quay Bắc Kinh (Bắc Kinh khảo áp) là một món ăn đặc sản nổi tiếng từ Đông Bắc Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Kinh. Đặc trưng của món vịt quay là da vịt mỏng, giòn, màu vàng sậm.
Vịt Bắc Kinh to, béo sau khi được quay trong lò lửa lớn được nhà hàng lạng lấy thịt và da phục vụ cho khách, riêng phần xương còn lại được hầm để nấu món súp. Lai lịch món này có lẽ từ thời nhà Nguyên (1206-1368). Đến đầu thế kỷ XV, món vịt quay đã nổi tiếng được các vua chúa nhà Minh ưa thích. Vịt quay Bắc Kinh, cùng với môn Kinh Kịch được người Bắc Kinh tự hào làm thương hiệu riêng khi đề cập đến văn hóa thủ đô Bắc Kinh với người nước ngoài.
Thành phẩm là vịt quay có màu nâu đỏ đều, da giòn rụm, thịt mềm và ngọt. Da vịt được dùng như món khai vị, chúng sẽ được cắt miếng, cuốn chung với hành lá, dưa leo, bao bọc bên ngoài bằng lớp bánh tráng mềm. Thịt vịt ngọt, được chiên với cơm, xào với mì hay lăn bột chiên muối. Bộ xương con vịt còn lại thường được nấu thành canh, cũng ngọt và thơm không kém.
Có những đầu bếp cầu kỳ đã cho ra một bữa ngon gồm 5 món như: Da vịt cuốn, vịt quay cuốn xà lách, vịt quay xào mì giòn, cơm chiên vịt quay, súp… tất cả đều từ một con vịt quay mà không hề làm thực khách ngán ngẩm. Vì với 5 món đó, cũng hương vị và mùi thơm ấy lại có những cách thưởng thức khác nhau. Tuy cầu kỳ thế nhưng tui không thích lắm và chưa thấy ngon, có lẽ không hợp khẩu vị
Món thứ hai là Vịt "long não" Tứ Xuyên (Zhangcha duck hay tea-smoked duck)
Từ khẩu vị đến cách ăn của món vịt này đều khác xa với món vịt quay Bắc Kinh. Nếu vịt Bắc Kinh sử dụng loại vịt béo, có lớp mỡ dày do nuôi trong lồng và nhồi thức ăn thường xuyên thì "vịt long não" lại sử dụng vịt hồ, có đầu nhỏ, ốm. Đồng thời vịt để nấu món "vịt long não" phải là vịt cái, thịt mềm tươi hơn vịt đực.
Giai thoại gắn liền với món vịt long não này là vào thời Từ Hy thái hậu, bà đã cho mời vị đầu bếp nổi tiếng tại Thành Đô là Huỳnh Tấn Lâm vào dâng thiện. Vị đầu bếp này đã làm món vịt hun khói với lá long não và lá trà, vốn là những loại lá thường thấy ở Tứ Xuyên để làm món vịt hun khói lá long não. Món vịt với vị thơm đặc biệt của loại lá trà này được Từ Hy thái hậu khen ngợi hết lời. Sau khi trở về quê nhà Thành Đô, món ăn này cũng trở nên nổi tiếng và là một trong những món vịt đặc sản của tỉnh Tứ Xuyên. Tui ở Tứ Xuyên thời gian ngắn, nên dù được hẹn để thưởng thức món ăn độc đáo này nhưng vẫn chưa có dịp. Do vậy không có ý kiến với món này.
Món thứ ba là Vịt Quế Hoa Nam Kinh
Món vịt luộc Nam Kinh có tuổi đời trên hai nghìn năm lịch sử này lại gắn liền với tiết trời thu mát mẻ bởi vào thời điểm mùa thu, vịt thường nhiều thịt, ít mỡ và các thớ thịt chắc nịch. Ngoài cái tên dân dã vịt luộc Nam Kinh, món này còn có một tên khác là vịt Quế Hoa bởi loại vịt này đặc biệt thơm ngon vào mùa thu, khi hoa quế nở rộ, đồng thời khi nhắm cùng rượu Quế Hoa.
Người đầu bếp sẽ chọn ra những con vịt ngon nhất, làm sạch, xát muối khử mùi hôi rồi tiến hành ướp chúng trong hỗn hợp nước sốt khoảng 2 giờ để gia vị ngấm sâu vào mọi ngõ ngách. Khi ăn, vịt sẽ được hấp chín để có được hương vị thơm ngon, lôi cuốn kỳ lạ. Món vịt này có ngon hay không tùy thuộc vào tài canh độ lửa của bạn. Ngày nay, món vịt Quế Hoa còn được xem là món ăn truyền thống vào mùa trung thu ở Nam Kinh. Tui có được ăn thử món này vào mùa thu năm 2001. Đúng là lạ miệng và hấp dẫn. Miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, thơm mát trong miệng. Không biết bao giờ mới được xơi lại món này. Nghe nói món này giá cũng không rẻ.
Và thứ tư là Vịt quay sốt tiêu đen Macau
Vào những năm đầu của thập niên 70, có người mang tên Trần Thụ Quang đi khắp Đông Nam Á khám phá các nền văn hóa ẩm thực khác nhau và tìm kiếm các bí kíp về nướng và quay. Vịt quay sốt tiêu đen trứ danh vùng Macau là món ăn được tìm kiếm nhiều nhất khi đến đây du lịch.
Và nay được mang đến Việt Nam và trở thành món ăn BÁN CHẠY NHẤT ở Trần Quang Ký, bởi các yếu tố: Chắc thịt, mềm mại, không bở, đậm đà - Sốt tiêu đen thơm lừng nhưng không cay - Da vịt giòn bùi, nâu bóng bởi kỹ thuật quay chín tới, chỉ có ở Trần Quang Ký.( phần này copy từ trang của vịt quay Trần Quang Ký nên khen một chút cho lịch sự)
Ngoài ra ở vùng Quảng Đông cũng có món vịt quay Quảng Đông cũng khá ngon, tui thích món này hơn vịt quay Bắc Kinh.Vịt được chọn là giống vịt ngon có trọng lượng tầm 3kg, sau khi được chính các đầu bếp Trung Hoa tẩm ướp công phu theo phương thức bí truyền và quay trong lu gốm đặc biệt từ 6 đến 8 tiếng( một mẻ vịt 10 con), vịt có trọng lượng sau khi quay xong từ 1,6kg đến 2kg
Da vịt giòn, căng vàng, chín đều đều nhờ sự đối lưu của lu kín
Thịt vịt mềm, riêng mùi vị lạ đặc trưng khác hoàn toàn với các sản phẩm vịt quay công nghiệp
Thấy bài đã dài quá rồi mà khám phá thêm cái này hay quá, nên phải cho vô luôn.
Nếu bạn bị đau lưng, viêm thận, hen hay phù dinh dưỡng, bạn hãy chế biến một số món ăn từ thịt vịt.
-Thịt vịt với đậu xanh chữa đau lưng: Thịt vịt nạc 200 gr, thái nhỏ, ướp gia vị. Đậu xanh 200 gr đun với 300 ml nước, khi sôi cho thịt vịt vào đảo đều đến chín. Ăn ba ngày liền, mỗi ngày ăn một lần.
-Thịt vịt với tỏi chữa viêm thận: Vịt một con làm sạch, bỏ lòng. Nhồi vào bụng vịt 50 gr tỏi đã bóc vỏ, khâu lại, nấu chín, ăn cái, uống nước. Khoảng 2 - 3 ngày ăn một con.
-Thịt vịt, đậu đỏ chữa phù dinh dưỡng: Thịt vịt 1 kg, đậu đỏ 50 gr, lạc 100 gr, vỏ bí đao 30 gr, nấu thành canh, tốt cho người thiếu máu.
-Thịt vịt, nước mía chữa hen suyễn: Thịt vịt nạc 300 gr, băm nhỏ, ướp gia vị, nước mía 300 ml, gạo tẻ 100 gr ninh nhừ. Khi thành cháo, cho thịt vịt vào đun chín. Ăn liền trong một tuần, mỗi ngày ăn cháo ra làm ba lần, ăn nóng.
-Vịt hầm sa sâm dưỡng da: vịt già một con, sa sâm 50g, ngọc trúc 50g. Vịt mổ bụng làm sạch (bỏ lòng) hai vị thuốc cho vào túi buộc miệng, nhét vào bụng, gập đầu vào bụng, buộc lại, hầm chín. Thích hợp với người da khô ráp, chảy máu cam, táo bón.
-Canh vịt đỗ trọng hạ huyết áp: thịt vịt 100g nấu 30 phút, gia đỗ trọng 30g, mộc nhĩ trắng 30g. Nấu thêm 15 phút. Ăn thịt vịt, mộc nhĩ, nước canh, bỏ đỗ trọng. Thích hợp với người bị huyết áp cao, đau đầu chóng mặt.
- Thịt vịt giảm lao phổi, ho sốt về chiều: vịt làm sạch hầm với chân giò heo hun (hoặc không) để ăn riêng, hoặc ăn với cháo. Có thể thêm mộc nhĩ trắng, củ cải.
- Vịt hầm bách hợp bổ phổi: vịt mái già một con, bách hợp tươi 300g. Vịt mổ bụng bỏ lòng, cho bách hợp vào bụng, tưới hai muỗng rượu, gia vị, bỏ đầu vịt vào bụng buộc chặt lại. Chưng cách thuỷ cho chín. Ăn thịt, lòng và bách hợp. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn, khạc ra máu, ho lao.
- Vịt chưng bổ thận: vịt trống già một con, đông trùng hạ thảo 10g, rượu, gừng, hành, muối tiêu vừa đủ. Vịt làm sạch, rạch từ đầu thẳng xuống cổ, cho 3g đông trùng hạ thảo vào, lấy dây buộc lại. Còn lại tất cả cho vào bụng (đã bỏ hết lòng), để vào bát lớn, đặt vào nồi chưng. Món này thích hợp với người di tinh, yếu dương, lưng gối yếu mỏi, ra mồ hôi nhiều.
- Canh vịt nấu đan sâm hoạt huyết: thịt vịt 100g, đan sâm 50g. Vịt làm sạch chặt miếng, nấu 60 phút cùng đan sâm bỏ vào túi vải, hoặc nấu đan sâm riêng 30 phút, chắt nước cho vào nồi canh vịt nấu thêm ít phút. Chia hai lần ăn sáng chiều. Thích hợp với người bị trúng phong bán thân bất toại.
- Vịt ngọc trúc giảm tiểu đường: vịt mái già một con (1,5kg), ngọc trúc 50g, mạch môn đông 50g, rượu vang 30g. Thuốc cho vào túi vải buộc miệng ngâm nước lạnh ba phút rồi bỏ vào bụng vịt. Đầu vịt gập vào bụng, lấy dây buộc lại đặt vào bát to rồi cho vào nồi chưng tới khi vịt chín mềm, bỏ túi thuốc ra vắt lấy nước. Thích hợp với người bị tiểu đường, âm hư miệng khát, uống nhiều nước.
Và đây là những món vịt dễ làm, ai cũng nấu được và cũng là món ngon nên thử qua cho biết:
-Cháo vịt đậu xanh: Vịt 1 con khoảng 1,5kg (đã làm sạch, xát rượu gừng cho thơm), gạo thơm 200g, đậu xanh nguyên hạt 200g, gừng tươi 3 củ, hành phi 50g, hành lá 100g, rau ngò. Gia vị gồm: hạt nêm, muối, tiêu, đường, nước mắm ngon. Rau ăn kèm gồm: rau đắng 200g, giá đậu 200g, cải xanh 200g.
Nguyên liệu pha nước mắm gồm: tỏi 2 tép, chanh 1 quả, ớt sừng 2 quả.
Cách làm: Luộc vịt chín, để nguội, chặt miếng mỏng vừa ăn. Nấu nước luộc vịt với gạo và đậu xanh thành cháo nhừ. Múc cháo ra bát lớn, rắc hành lá, rau ngò, tiêu, hành phi lên trên. Xếp thịt vịt ra đĩa lớn, dùng với cháo nóng, rau cải xanh, rau đắng, giá đậu, chấm kèm nước mắm gừng.
-Thịt vịt trộn rau lang: Thịt vịt (ức) 400g, rau lang non 400g. Gia vị gồm: tỏi bằm, tỏi phi, ngũ vị hương, dầu ăn, nước tương, chanh, muối, tiêu, đường. Thịt vịt làm sạch, ướp chút muối, đường, ít nước tương, hạt nêm, tỏi băm, ngũ vị hương, để khoảng 10 phút cho thịt thấm. Chanh vắt lấy nước cốt hòa tan với ít đường. Đun nóng chảo với dầu ăn. Cho ức vịt vào chiên áp chảo, chín đều hai mặt. Lấy thịt vịt ra, để nguội, xắt lát mỏng. Rau lang lặt những đọt, lá non rồi rửa sạch, để ráo. Đun nước sôi, cho rau lang vào luộc sơ qua, vớt ra, xả qua nước sôi để nguội.
Trộn thịt vịt với rau lang, rưới nước cốt chanh, nước tương vừa ăn. Bày ra đĩa, rắc thêm tỏi phi lên mặt. Dùng ăn trong bữa cơm.
-Vịt om sấu
Vịt già 1 con (1,5kg), sấu xanh 5 quả, nấm hương khô 50g, 1 nước dừa xiêm 1 lít, sa tế 1 thìa súp, tiêu hạt1 thìa cà phê, hạt nêm 2 thìa cà phê, muối 1 thìa cà phê, đường 1 thìa cà phê, ngò rí, hành lá.
Vịt già mua nguyên con đã làm sạch, chà xát nhiều lần qua muối cho bớt mùi hôi (để khử mùi hôi của vịt, ngoài việc dùng muối, có thể chà thêm gừng băm nhuyễn), chặt miếng vừa ăn. Ướp thịt với sa tế, hạt tiêu, hạt nêm, đường, để khoảng 15 phút cho thấm gia vị. Sấu xanh cạo vỏ, rửa sạch. Nấm hương rửa sạch, bỏ chân, ngâm với nước ấm, vớt ra, rửa lại với nước lạnh.
Bắc nồi, cho nước dừa vào, thả thịt vào nấu. Khi thịt sôi, cho sấu xanh vào, đun sôi lại, sau đó vặn nhỏ lửa, nấu đến khi vịt mềm. Cuối cùng, cho nấm hương vào, đun sôi khoảng 5 phút nữa là được. Lấy sấu ra, giầm lấy bột, cho trở lại vào nồi vịt, nêm muối, đường, hạt nêm vừa ăn, nhấc xuống. Múc ra tô, cho ngò rí, hành lá lên mặt.
Có thể làm theo cách khác như sau:
- Vịt 1 con làm sạch, chặt nhỏ vừa ăn. Khoai sọ cạo vỏ rửa sạch, bổ miếng. Sấu 3 - 5 quả, cạo vỏ. Rau rút + rau muống nhặt ngắn, rửa sạch. Hành khô bóc vỏ thái nhỏ.
Cho hành khô vào nồi phi thơm, cho tiếp thịt vịt vào đảo đều, nêm nước mắm, mì chính (có thể thay nước mắm bằng muối hoặc bột nêm tùy thích), sau đó cho nước vào đun cho tới khi sôi, vặn nhỏ lửa, hớt sạch bọt và váng mỡ, cho tiếp khoai sọ và sấu vào đun nhỏ lửa đậy hé vung khoảng 15 - 20 phút (khoai chín mềm là được)
Dầm sấu từ từ khi thấy vừa đủ độ chua thì ngừng, nêm nếm lại gia vị, thả rau vào, khi rau vừa chín tới thì bắc xuống. Nếu muốn để trên bếp như ăn lẩu thì khi ăn mới cho rau vào.
-Thịt vịt ram sả gừng
Thịt vịt 500g, gừng cắt sợi 50g, sả bào mỏng 50g. Ớt băm, hành tỏi băm, hành lá cắt nhỏ, hành lá tỉa xoăn, đường, nước mắm, tiêu, dầu điều, dầu ăn, bột tẩm khô chiên giòn.
Thịt vịt sơ chế sạch, chặt miếng vuông 4cm, để ráo. Tẩm đều vịt với 1 gói bột tẩm khô chiên giòn, sau đó đem chiên vàng, vớt ra để ráo dầu.
Phi thơm ½ lượng gừng, sả, vớt ra để ráo dầu.
Phi thơm lượng gừng sả còn lại với 2 m hành tỏi băm, cho thịt vịt vào, thêm 1 chén nước, 2m nước mắm, 1m dầu điều, đậy nắp nấu khoảng 10 phút, mở nắp thêm 1m đường rồi đảo nhanh tay, cuối cùng cho hành lá và ớt băm vào đảo đều rồi tắt bếp.
Múc vịt ra dĩa, rắc gừng và sả phi lên trên, trang trí với hành lá tỉa xoăn.
-Vịt nấu chao
Vịt 1 con (khoảng 1,8kg), nên chọn vịt da mỏng, ít mỡ, thịt dày, khoai môn cau 400g, dừa nạo 400g. Ớt, rau om (ngổ), ngò gai (mùi tàu), hành băm, tỏi băm, dầu điều, chao trắng, chao đỏ, bột ngọt.
Vịt làm sạch, chặt miếng vừa ăn, đem ướp với tỏi băm, hành băm, dầu điều, 2 muỗng chao đỏ (để thịt vịt có màu đẹp mắt hơn), thêm 1 muỗng chao trắng, cho thêm hạt nêm, đường, tiêu vừa phải. Để cho vịt thấm gia vị trong vòng khoảng 30 phút.
Cắt lát khoai môn, cắt khúc rau om, ngò gai dài khoảng 2cm. Đập dập ớt, bỏ hạt, băm nhỏ. Cho khoai môn vào chảo chiên sơ cho đến khi hơi vàng. Cho dầu vào chảo đun nóng, chiên tỏi thơm rồi cho thịt vịt đã tẩm ướp vào xào cho săn lại. Cho thịt vịt, khoai môn vào nồi áp suất, cho thêm nước cốt dừa vào ninh khoảng 10 phút. Cho thêm 1 bát nước cốt dừa, rau om, ngò gai vào, đun tiếp cho đến khi nồi sôi lại thì thôi.
Múc ra tô và ăn với bún, rau muống cọng cắt khoảng 5cm và nước chấm.
Pha nước chấm: cho hai muỗng chao trắng, hành băm, tỏi băm, ớt băm, 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng bột ngọt vào bát, trộn đều.
Đặc điểm của món vịt nấu chao: thịt vịt mềm, khoai môn bùi, nước ngậy thơm của nước cốt dừa và chao. Thời gian chế biến khá nhanh, nguyên liệu dễ tìm kiếm.
-Đùi vịt hầm
Đùi vịt 3 cái, sả 4 cây, nước cốt dừa 250 ml, tỏi 2 củ, ớt đỏ 2 trái. Muối, hạt nêm, đường, dầu ăn và 1 gói cà ri dầu.
Đùi vịt xát muối kỹ, làm sạch, để ráo, dùng mũi dao nhọn xăm đều quanh đùi vịt. Cho dầu vào chảo đun nóng, phi thơm tỏi và ớt băm, cho tiếp gói cà ri vào, khuấy đều, đun sôi, bắc xuống. Cho muối, đường và đùi vịt vào nước cà ri và tỏi, ớt, ướp khoảng 1 giờ. Sả nhặt bỏ bẹ già, cắt xéo thành khúc dài.
Cho dầu vào chảo, cho đùi vịt vào xào khoảng 5 phút, cho tiếp nước cốt dừa, sả và một ít nước ấm vào, đậy vung hầm nhỏ lửa khoảng 1 giờ cho đến khi đùi vịt dậy mùi thơm và chín mềm. Nêm thêm gia vị vừa ăn, tắt bếp, dọn món ăn ra bát sâu lòng, trang trí vài lát ớt và sả lên trên.
-Thịt vịt nước mía
Thịt vịt nạc 300g, , gạo tẻ 100g, nước mía 300ml, gia vị các loại.
Thịt vịt băm nhỏ, ướp gia vị. Nấu cháo gạo tẻ với nước mía. Cháo chín nhừ thì cho thịt vịt vào, đảo đều, đun tiếp cho thịt vịt chín vịt.
Chia ăn ngày ba lần, liền một tuần. Tác dụng chữa hen suyễn.
-Thịt vịt hầm chân giò heo
Vịt mái già 1,5 - 1,8kg, chân giò heo 300g.
Vịt làm sạch hầm với chân giò heo hun (hoặc không) để ăn riêng, hoặc ăn với cháo. Có thể thêm mộc nhĩ trắng, củ cải.
-Bánh canh thịt vịt
1 con vịt tơ. 1 củ gừng.500 gr bột gạo.Nước cốt dừa.Hành lá, rau mùi (ngò).
Cách làm như sau:
Vịt nhổ lông, rửa sạch. Nếu muốn khử mùi hôi của vịt bạn hãy xát gừng lên mình vịt rồi rửa với rượu trắng.
Bắc nồi nước sôi lên bếp, thêm vài miếng gừng cắt lát, thả vịt vào luộc chín.
Trong lúc chờ vịt chín, bạn chuyển sang khâu làm sợi bánh canh. Bánh canh dùng cho món ăn này được làm hoàn toàn từ bột gạo. Cho bột gạo vào một thau nhỏ, chêm chừng 1 chén nước nóng và bắt đầu nhào bột. Bạn lưu ý, lượng nước cũng tùy thuộc vào loại bột gạo.
Nhào bột cho đến khi thấy bột mịn, dẻo, không dính tay là được.
Cho bột ra một mặt phẳng, sạch, trải lớp nylon lên trên cục bột. Sau đó, lấy ống cán bột, cán dẹt ra, càng mỏng càng tốt.
Sau khi cán dẹt bột, bạn dùng dao thật sắc, cắt bột ra thành từng sợi. Nước cốt dừa chia làm hai phần, phần béo ở trên, bạn để riêng. Phần còn lại cho vào nồi nước sôi dùng để luộc bánh canh. Làm như vậy sẽ giúp cho sợi bánh canh thơm mùi dừa
Luộc bánh canh: Bạn đặt nồi nước lên bếp, đun sôi, cho sợi bánh canh vào, khi thấy bánh canh nổi lên là được. Bạn vớt ra, cho ngay vào thau nước lạnh.
Lúc này vịt đã chín, bạn vớt ra, chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, xếp lên trên tô bánh canh, rắc hành, rau mùi lên trên bề mặt.
Món bánh canh thịt vịt nước cốt dừa có xuất xứ từ vùng miền Tây sông nước. Nếu ăn lần đầu có lẽ bạn sẽ thấy lạ vì món bánh canh vốn là món mặn sao lại có nước cốt dừa. Nhưng đối với những người con miền Tây thì chắc hẳn ai cũng nhớ món bánh canh này như một kỷ niệm đẹp của tuổi thơ.
Món bánh canh xắt nước cốt dừa - chỉ tên gọi thôi đã gợi nhớ ký ức về một món ăn dân dã. Tuy không phải là món cao lương mỹ vị, nhưng ai đi xa cũng đều nhớ về tô bánh canh thịt vịt nóng hổi, beo béo nước cốt dừa. Một món quà quê chở nặng nghĩa tình.
Trong tất cả các món vừa nêu, ăn gì thì ăn, không thể thiếu một tô cháo vịt. Muốn có tô cháo vịt ngon ư, nghe theo tui:
Nguyên liệu để nấu món cháo vịt
1 con vịt cỏ (nếu chọn được vịt cỏ càng tốt) 1 lon gạo (trộn cả gạo tẻ và gạo nếp) 6 củ tỏi 8 củ hành tím. 5 trái ớt. 1 nhánh gừng tươi
Rau ăn kèm: Tía tô, hành lá, hung quế, mùi tàu, rau mùi, hành lá và hành phi. Gia vị: muối, tiêu, nước mắm và dầu ăn
Cách nấu cháo vịt ngon
Bước 1: Chà sạch vịt với muối cho bớt mùi hôi, sau đó xát lại với rượu và gừng.
Bước 2: Nướng vài ba củ hành tím cho thơm và đập dập. Sau đó thả vào nồi nước sôi.
Bước 3: Khi nước trong nồi sôi, cho vịt vào nấu. Trong lúc nấu, nhớ hớt bọt để nước không bị đục và có mùi. Đây là một bí quyết nho nhỏ trong cách nấu cháo vịt để cháo thơm và có hình thức đẹp khi dọn dùng.
Bước 4: Vo gạo sạch, để ráo và rang sơ qua. Sau đó cho vào nồi cháo và nấu đến khi gạo nở búp. Với cách nấu cháo vịt như thế này, bạn sẽ làm cho hạt gạo bung nở vừa phải, không quá nhừ và nồi cháo cũng thơm ngon hơn.
Bước 5: Vớt con vịt ra ngoài và chặt thành miếng nhỏ. Nêm lại gia vị cho nồi cháo đậm đà.
Bước 6: Làm nước mắm gừng chấm vịt: Giã ớt, tỏi và gừng, sau đó hòa nước mắm đường theo tỷ lệ 2 mắm: 1 đường và trút gia vị vào khuấy đều. Có thể vắt thêm ít nước cốt chanh để làm mắm dịu.
Khi ăn, sắp thịt vịt và rau ăn kèm trong một đĩa nhỏ. Riêng cháo múc ra tô lớn, rắc thêm hành lá, hành phi, tiêu và ít đầu hành. Cách khác, bạn cũng có thể thái mỏng miếng thịt và sắp trên mặt bát cháo.
Hê..hê làm thử đi nghe. Ngon nhớ kêu tui.
Thịt vịt bổ và chế biến được nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, có một số người không nên ăn thịt vịt.
Dù thịt vịt bổ dưỡng nhưng nếu bạn rơi vào các trường hợp dưới đây thì hãy tránh xa món ăn này:
1. Người đang bị cảm
Theo Y học cổ truyền, thịt vịt tính hàn, hơi mặn, có vị ngọt, có nhiều tác dụng như bồi bổ cơ thể, bổ hư, lợi tiểu, ích tạng, giải nhiệt, hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh như bệnh tim mạch, lao phổi hay ung thư… Do có tính hàn cho nên người đang bị cảm tuyệt đối không nên dùng thịt vịt để tránh bệnh nặng hơn.
2. Người bị bệnh gout
Trong thịt vịt có chứa một lượng purin cao, nó có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. tinh thể uric lắng đọng trong. Là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân gout khó chịu mỗi khi ăn thịt vịt xong. Xem như tui bị cấm ăn thịt vịt vì bị gout mãn tính hic...hc
3. Người có hệ tiêu hóa kém
Người có hệ tiêu hóa kém cũng nên ăn ít thịt vịt. Vì thịt vịt có tính hàn dễ làm suy yếu hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch…
4. Người mới phẫu thuật
Đối với người mới phẫu thuật xong, vết thương chưa lành cũng không nên ăn thịt vịt. Vì thịt vịt có chất tanh làm làm cho lâu lành
Thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư, tỳ vị yếu, lạnh, người bị ngoại cảm chưa khỏi hẳn, tạm thời chưa nên ăn. Không ăn thịt vịt cùng với hồ đào (quả óc chó), mộc nhĩ, thịt ba ba, thịt rùa đen.
Định viết lai rai cho đỡ thèm thịt vịt, ai dè tư liệu quá nhiều thành bài viết dài ngoằng. Ai thích thì đọc. Không thích đọc thì ra quán vịt ở địa chỉ 281/26/9 Đường Lê Văn Sỹ, phường 1, Quận Tân Bình. Kêu một dĩa gỏi vịt, ở đáy không có cháo, chỉ có bún măng. Nhớ đi trong khoảng 15:30 đến 16:30. Đi trễ hết ráng chịu.
Thật ra vịt còn nhiều món ngon như mì vịt tiềm, vịt quay, hột vịt lộn, vịt lạp, vịt quay sốt tiêu đen, vịt nướng... Nhưng bài dài quá , nhét không vô, thôi hẹn dịp khác
17.8.2018
DODUYNGOC
(Cóp nhặt tứ phương)