Latest Post


Cũng lối nhỏ đi về và cũng những con đường
Nhưng lạc lối
Và chẳng thấy ai quen
Tôi lại thấy những muộn phiền xa lạ
Nhớ một thời đã đi qua
Tưởng là lâu lắm
Thuở đó tuổi mới lớn
Mỗi ngày đi dọc đường ray đến lớp
Đếm những chiếc lá vàng trên những cành khô của mùa thu
Nghe tiếng đại bác dội về
Từ làng quê
Cảm nhận chiến tranh từ tiếng nổ
Đường ray cũ mất rồi
Bây giờ là một ngã tư
Chia bốn hướng
Tôi không biết phải đi hướng nào
Về chỗ cũ
Mỗi ngày ghé lại chợ Cồn
Mua gói thuốc nhỏ
Tập hút để làm người lớn
Và tập yêu cô gái cùng trường
Không dám ngỏ
Cô gái ấy chắc đã làm bà nội
Có gặp cũng chẳng nhận ra
Mỗi ngày cùng đám bạn chạy miên man
Theo những tà áo trắng
Rồi từng đứa lần lượt ra đi
Và xếp hàng ngã xuống.
Những hàng cây rỏ máu xuống đường
Có những đứa chưa một lần biết yêu
Đã vỡ toang lồng ngực
Bởi viên đạn vô tình
Của chiến tranh
Giờ đã làm cát bụi
Tôi một mình bỏ vô Sài gòn
Làm kẻ lang thang
Vì sợ mang áo lính
Những năm tháng nhọc nhằn toan tính
Lòng cứ nghĩ về chốn này
Trong những buổi chiều say
Những con đường áo lụa
Những con đường bạn bè
Những con đường đắm say
Những con đường loang máu
Những con đường lá bay
Bốn mươi năm rồi trở lại
Con ngõ vẫn tồi tàn
Nhưng phố không còn những con đường
Bạn bè xưa đi gần hết
Những chân trời góc bể
Tôi đi một mình
Đường chẳng có thanh âm
Những con đường lạ lẫm
Chẳng còn chi dấu tích của ngày xưa
Tôi đi một mình
Giữa phố đứng làm thinh
Chẳng có nụ cười nào cho tôi
Khi tôi vẫy tay chào từ giã
Tôi làm kẻ lưu vong
Trên chốn cũ của mình
Những con đường cũ đâu rồi
Tuổi xanh của tôi đâu rồi
Trôi mất hết
Chỉ còn nếp nhăn trên khuôn mặt
Chỉ còn nét buồn trong khóe mắt
Vẫn một mình tôi lại đi
Chẳng hẹn về
Đà Nẵng. Tháng 5.2007


Bước qua lầy lội
Chân đụng hoàng hôn
Một bờ đá dựng
Chận gió lên cồn
Ta về chốn cũ
Môi héo nụ cười
Có mùa ủ rũ
Trên lá vàng tươi
Thành rêu ẩm nắng
Mắt rạn chân chim
Buồn như trấu cắn
Trăng úa đang chìm
Mở một lối đi
Về nơi gió cát
Cả đời thiên di
Thở đầy ngột ngạt
Đốt thêm đốm lửa
Nghe giữa quạnh hiu
Ấm vừa một nửa
Vẫn thấy buồn thiu
Giữa mùa tịch mịch
Suối chảy âm u
Rùng im thin thít
Ngã lạc sa mù
Xương như rạn vỡ
Đời buốt dao đâm
Cửa không còn mở
Ly biệt nẩy mầm
Ai ở nơi xa
Nụ cười dấu mặt
Mây phủ hiên nhà
Chim kêu ngằn ngặt
Chất thêm hương hoa
Vào trong cõi nhớ
Khuya trăng không qua
Ngày thêm gánh nợ
Con dế buồn tênh
Cành hoa úa héo
Nỗi đau không tên
Đời không liền sẹo
Ta về dưới lá
Tím nhuộm chín chiều
Bóng chim tăm cá
Buồn biết bao nhiêu
Thôi bỏ trầm luân
Đêm vờn kinh kệ
Mõ vỡ đầu xuân
Thấy mình quá tệ
Khép thêm cánh cửa
Dấu mặt trong tay
Sống thêm chút nữa
Biết đâu đời say
Một lần xa xôi
Buồn nhìn thánh giá
Nghĩ mình mồ côi
Tủi thân quá xá
Có nửa hoang vu
Đi tìm manh mối
Gục giữa ngục tù
Tôi nơi xó tối
Ừ thì thôi vậy
Sóng cuốn đi rồi
Cuối đời mới thấy
Mình vẫn mồ côi
3.7.2018
DODUYNGOC


Nửa khuya nghe những tàn phai
Nghiêng trong hiu hắt chảy dài thịt xương
Nghĩ trăm năm một đoạn trường
Trong hơi thở gấp máu trườn dưới da
Quanh đi quẩn lại xó nhà
Nhìn mây khao khát la cà quán xưa
Dở trang kinh thấy chữ thừa
Rớt trên chuỗi hạt lưa thưa giọng cầu
Soi gương thấy những tóc râu
Thiên thu hiển hiện giữa màu phôi pha
Đèn mờ những bước chân qua
Rào thưa ngõ cụt nhập nhoà khói sương
Tàn phai ngã ngửa góc đường
Bên kia nhan sắc đưa giường chiếu trôi
Chiều về quờ quạng mình tôi
Hét lên một tiếng chẳng hồi vọng âm
Cây cột điện đứng âm thầm
Soi tôi ngồi khóc ướt đầm hai tay
Có còn chi chuyện rủi may
Tàn phai mộng ảo thân này đành quên
Nửa đời ú ớ tuồi tên
Chẳng còn quê quán không đền nợ ai
Tàn phai đuổi những tàn phai
Sắc không không sắc chạy dài suốt đêm
6.7.2018
DODUYNGOC


Ta xoay chiếc gối chèn lên mặt
Che bớt đèn đêm rọi sáng giường
Mưa sốc hàng cây nghiêng bóng đổ
Mắt người thấp thoáng bóng trong gương
Viên thuốc đầu hôm quên chưa uống
Chiếc ly lạnh ngắt ngã trên bàn
Cái chăn xô lệch nằm trong xó
Trăng với trời hình như ly tan
Trong không khí có mùi thuốc nổ
Giữa trái tim đạn đã lên nòng
Ta nhỏm dậy đất trời dựng ngược
Hoa rụng rồi đêm có tàn không?
9.7.2018
DODUYNGOC



Bởi vì những điều tôi tin lại không có thực
Và những điều có thực tôi lại chẳng còn tin
Cho nên tái tim già nua của tôi vẫn im lìm và hấp hối
Tôi đi tìm gã đánh trống khua vang gọi dậy những giấc mơ
Giấc mơ của sự thật
Tôi đi tìm cô gái di gan mặc váy rộng nhảy múa giữa quãng trường nửa thế kỷ trước
Cô tung váy và như trần truồng giữa phố.
Đó là sự thật của cái đẹp
Tôi không tìm thấy nữa
Tôi lại đang đi tìm câu trả lời
tại sao sự già nua trí não và ngu ngốc cứ mãi hiện diện ở đất nước này.
Sao nó không chết đi với thời gian?
Sao những điểu tôi tin lại không có thực
Và những điều có thực tôi lại chẳng còn tin
Sáng hôm nay có một bông hoa nở
Và mưa bụi
Điều đó là có thật.
Cho tôi chút lòng tin
Thế giới vẫn còn nở ra cái đẹp
12.7.2018
DODUYNGOC


Chuyện kể của Đỗ Duy Ngọc
Nhà hắn nằm sau lưng nhà tôi. Hắn là thằng lai Tây, hơn tôi đâu ba tuổi. Hắn sinh năm 1947 thì phải. Hắn có bố đàng hoàng chứ không phải là thằng con lai hoang. Hắn từng khoe giấy khai sinh làm từ lúc hắn mới sinh, bố hắn là quan ba Pháp, là Capitaine quân đội Pháp. Cũng là thứ dữ chứ chắng phải thường đâu. Sinh ở Hà Nội di cư vào Nam 1954. Mẹ hắn là một phụ nữ đẹp, da bà trắng, mũi cao thon như người Nhật với đôi mắt ướt. Bà lại thường mặc yếm và cái váy đụp như người đàn bà nông dân Bắc bộ nhưng không che hết nhan sắc của bà. Hắn kế thừa nước da trắng, mũi lõ mắt xanh và thân hình to lớn của giống Tây, lại hưởng chút nhan sắc của mẹ nên hắn là thằng đàn ông rất đẹp trai. Cả xóm gọi hắn là thằng Lai. Hắn đẹp không thua gì tài tử Alain Delon, một diễn viên điện ảnh nổi như cồn thời ấy nên tôi gọi hắn là Alain Delai. Hắn cũng khoái được gọi thế với một niềm hãnh diện. Hắn bảo bố hắn bị bắt làm tù binh của Việt minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó được về cố quốc, bỏ mẹ con hắn lại đi tàu há mồm vào Nam.
Hắn sống cùng mẹ với một ông bố dượng trong căn nhà khá rộng nhưng lúc nào cũng tối om om. Mẹ hắn làm nghề đúc đậu khuôn. Những miếng đậu của bà lúc nào cũng chắc, beo béo. Nhất là những khuôn đậu chiên, vàng dòn ở bên ngoài, mềm mại ở bên trong. Những miếng đậu nóng hổi vừa mới rời chảo mà chấm với chén nước tương đầy ớt trái thì ngon rụng rời. Ký ức tuổi nhỏ của tôi ở xóm bến xe Chợ Cồn đầy những bánh đậu khuôn dòn béo ấy.
Bố dượng hắn đúng phong cách công tử Hà thành, ông chẳng làm ăn gì, lại nghiện thuốc phiện. Tôi không quên được cái phong thái vừa lịch lãm vừa phớt đời của ông. Ông cao lắm, chắc phải mét tám, nhưng gầy, vai so ngang của người nghiện thuốc lâu năm. Tôi nhớ mãi ông vì ông giống y chang hình nhà văn Vũ Trọng Phụng trong cuốn sách gì đó mà lâu quá tôi quên mất. Mà tôi thì khoái đọc mấy cái phóng sự rất đời của nhà văn này hồi mới vào lớp nhất dù ba tôi cấm triệt, bắt gặp tôi đọc loại sách ấy là đánh đòn nặng tay với những chiếc roi mây.
Đó là hình ảnh của một người đàn ông với khuôn mặt gầy xương, má hóp, cồ quấn chiếc khăn kẻ ca rô. Khuôn mặt ông bố dượng hắn đấy. Ra ngõ ông đội thêm cái mũ phớt nỉ hoặc chống cây baton lên nước bóng. Hắn có vẻ sợ bố dượng, nhưng trong ánh mắt xanh xanh của hắn có thoáng chút thù hận không nói ra.
Hắn là thằng nghịch phá nhất xóm, hình như đứa con lai nào cũng thế. Hắn lớn con, liều lĩnh, chẳng biết sợ ai nên đám trai trẻ quanh vùng đều tránh không dám gây sự với hắn. Xóm tôi ở là xóm bến xe Chợ Cồn, dân du đãng tứ xứ tụ về, dân tài xế, lơ xe toàn là dân giang hồ, thế mà ai cũng sợ hắn. Hắn liều lĩnh, bất chấp, trong mọi cuộc đấm đá, hắn là thằng đi đầu, xông vào trước, luôn hỗ trợ cho mấy thằng yếu thế hơn. Hắn liều, nhưng chơi đẹp, không bao giờ ăn hiếp kẻ thế cô, không bao giờ đánh tán mạng kẻ thù. Đánh gục đối thủ, hắn thường xốc nách chúng lên, cho ngổi dựa vào tường, lấy nước, mang bia cho uống, lấy khăn ướt lau mặt cho.
Bởi thế, những tay hảo hớn bến xe đã từng đụng độ với hắn một lần thì đâm ra phục hắn, xem hắn như đại ca. Nhưng hắn không muốn làm đại ca, hắn chỉ ra tay khi thấy chuyện bất bình. Đám cảnh sát ở ngã tư Chợ Cồn cũng ngán hắn. Có lần tay cảnh sát ức hiếp bà già bán rau ở lề đường, hắn bay từ xa đá vào ngực tay cảnh sát làm y bồ ngửa, hắn bảo không được ức hiếp người nghèo, có giỏi thì chơi tay đôi với hắn. Xong nó kéo tay tên cảnh sát vào quán bún bò bà Hưng ngay nơi ngã tư,
kêu bún bò xí quách và bia nhậu. Thế là xong.
Khi tôi vào tuổi mới lớn, khoảng mười ba, mười bốn thì hắn đã là một thanh niên vạm vỡ. Hắn rất thích chơi với tôi, hắn bảo hắn khoái cái kiểu sống của gia đình tôi. Tuy là một thằng rất ba trợn, nhưng hắn lại là một thằng rất tình cảm. Hồi đấy, tôi đang tập đàn mandoline, cũng chỉ biết lỏm bỏm thôi, nhưng tối tối không có chuyện đi đâu hắn lại rủ tôi ra đầu ngõ, dưới tàng cây trứng cá, đàn cho hắn nghe. Hắn chỉ thích độc một bài của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, bài Giọt mưa thu. Thế mới lạ.
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly .
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
chân buông mau
dương thế bao la sầu .
Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
bao kiếp sầu ta nguôi .
Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời ...
... Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu.”
Tôi đàn, hắn hát theo, tôi không ngờ hắn có giọng hát hay thế. Một giọng Bắc chuẩn thật chuẩn, luyến láy đúng điệu, nhịp phách không sai chút nào. Hắn làm tôi khá bất ngờ, bởi tôi biết hắn có chút kiến thức âm nhạc nào đâu.
Giọng hắn thê thiết, buồn, trẩm, có hồn vía ghê lắm. Hắn chỉ hát có một bài đó. Buồn vui chi cũng Giọt mưa thu. Đám cưới, đám ma, sinh nhật, nhậu nhẹt mà có hát là hát Giọt mưa thu. Tò mò, tôi hỏi hắn thì mới biết là ngày xưa ở Hà Nội, lúc tuổi mới lớn, mẹ hắn là láng giềng và cũng là người yêu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Người nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh, mẹ hắn vì thời cuộc cũng long đong. Khi sinh ra hắn, suốt quãng đời trong nôi, mẹ hắn chỉ ru hắn bằng một bài Giọt mưa thu. Bài hát thấm trong máu hắn, nằm mãi trong ký ức hắn và đối với hắn, âm nhạc chỉ có mình bài đó thôi.
Hắn rất thương mẹ, mẹ hắn ít nói, nhiều khi chỉ một ánh mắt nhìn, hắn đã líu ríu làm theo những gì mẹ hắn muốn. Ra khỏi nhà, hắn là thằng du côn, nhưng ở nhà, hắn là đứa con ngoan. Hắn phụ mẹ hắn xay đậu, ép khuôn, gánh hàng ra chợ. Nhìn hắn quấn quýt bên mẹ, thương lắm. Hắn bảo đời mẹ hắn có lắm nỗi buồn, hắn không muốn làm cho mẹ hắn thêm buồn nữa.
Hắn nói thế mà mười tám tuổi, hắn bỏ nhà đi lính sau một trận cãi nhau bốc lửa với ông bố dượng. Mẹ hắn buồn ghê lắm, nhưng cũng đành, bên chồng, bên con, biết làm sao?
Hắn đi lính nhảy dù. Ngày gặp lại hắn với bộ đồ rằn ri, cái mũ bê rê đội lệch, tôi thấy hắn đẹp quá. Bộ đồ lính ấy trong thân hình thước tám hai, với mấy chiếc lựu đạn mini bên hông, đôi bốt đờ sô dềnh dàng trông nó oai hùng quá. Nhìn hắn chẳng khác chi tay lính Mỹ. Tôi chào hắn như mọi khi: Chào Alain Delai, hắn cũng chào lại như mọi lần gặp nhau: Chào thằng em bô giai.
Hai thằng ôm nhau. Từ đó, sau những đợt hành quân, về hậu cứ là hắn dẫn tôi đi ăn chơi. Tôi vừa mới tuổi mười lăm, cao mét sau lăm, mới đứng ngang nách hắn. Hắn dẫn tôi đi mấy cái bar ở ngã năm. Đó là những nơi tôi chưa từng vào và cũng chưa từng biết. Hắn giúp tôi khám phá thế giới ấy. Thế giới của rượu, bia, thuốc lá và gái. Hăn đi đến đâu, mấy em cave theo đến đấy. Hắn đẹp quá mà. Người đàn bà nào lại không thích trai đẹp, kể cả những người đàn bà làm đĩ. Tôi đi với hắn, ngoan ngoãn như đứa em hưởng sái của thằng anh. Đi đến đâu hắn cũng được các em bao, rượu tràn trề, khói thuốc mờ mịt. Cũng có lần vì ganh tức mấy em, đám lính không quân gây sự, hắn đánh đấm một trận ra trò phải vào bệnh viện còn tôi thì trốn nhủi trong cầu tiêu. Ba tôi biết chuyện, cấm triệt, không cho tôi đi chơi với hắn. Nhưng đôi lúc ngồi đàn cho hắn hát Giọt mưa thu, ba tôi cũng chẳng nói gì, có lần khen hắn hát hay. Hắn cũng rất kính Ba tôi, mỗi lần gặp đều khoanh tay thưa ông Đốc rất đàng hoàng.
Năm 1966, lính vùng một của tướng Nguyễn Chánh Thi liên minh với Phật giáo miền Trung ly khai. Tướng Kỳ đem quân ra dẹp. Lực lượng nhảy dù làm nòng cốt dẹp loạn. Khu vực xóm tôi là trung tâm của cuộc giao tranh. Lính ông Kỳ từ ngã tư Chợ Cồn đánh thẳng đường Ông Ích Khiêm tiến tới chùa Tỉnh hội, trung tâm đầu não của cuộc đấu tranh. Súng nồ ì xèo. Lần đầu tiên tôi biết mùi của đạn bom, của chiến tranh. Hai quả M79 rớt ngay sân nhà tôi, tường lủng tứ tung. Cả nhà sợ quá dắt díu nhau chạy vô bàu Thạc Gián. Đêm tá túc nhà người quen, không dám ngủ, nhìn ra trời thấy đạn bay líu ríu, chỉ mong trời mau sáng. Đến sáng thì êm,khoảng trưa thì nghe tin hắn bị thương, một viên đạn M79 quét ngang chần hắn, hai chân nát bét phải cưa đến đầu gối, đang nằm ở Tồng y viện Duy Tân, chỗ làm việc của Ba tôi. Mẹ hắn qua gặp Ba tôi, nhờ giúp.
Tôi vào gặp hắn, hắn xanh xao vì mất nhiều máu, hai chân băng trắng xoá. Tôi chào: Chào Alain Delai. Hắn cầm tay tôi thều thào với nụ cười méo xệch: Chào thằng em bô giai. Hắn bảo hắn không sao, nhưng chỉ thương mẹ hắn, chắc mẹ buồn lắm. Mẹ hắn chỉ biết khóc. Đi chiến đấu bao lần không sao, cuối cùng lại bị thương vì đạn của phe mình. Hắn chửi đụ mẹ mấy thằng rách việc, bày đặt đấu tranh khiến hắn mất cặp giò. Thà ngoài chiến trường nó không tức. Đây lại tàn phế vì đồng đội, có khốn nạn không?
Từ đó, hắn trở thành kẻ cụt chân, di chuyển bằng đôi nạng, hắn vẫn đẹp, nhưng vẻ đẹp của kẻ thiếu đôi chân. Hắn vẫn là thằng giang hồ, đấm đá với đôi nạng, tuy không còn sức mạnh như xưa nhưng hắn vẫn là ông trùm của khu bến xe Chợ Cồn. Tôi chuẩn bị thi Tú tài, nên cũng ít gặp hắn, thỉnh thoảng lại đàn cho hắn hát Giọt mưa thu, giọng hắn lại buồn hơn.
********
Năm 1968, Mậu Thân, tôi đậu Tú tài hai, đi học xa nhà, đi ta bà thế giới, chẳng có dịp về lại cái xóm bến xe của một thời nên cũng không gặp hắn suốt cả mấy chục năm trời. Thời thế nhiều đổi thay, đời tôi cũng trải nhiều biến cố. Sau 1975, ba mẹ và các em tôi vào hết Sài Gòn, rồi lần lượt phân tán khắp nơi. Tôi chẳng còn ai ở Đà Nẵng nên cũng chẳng hẹn về nên chẳng biết tin tức gì về hắn.
Năm 1985, trong một dịp công tác, tôi trở về xóm cũ. Thay đổi nhiều, người cũ còn lơ thơ, toàn người mới đến. Hỏi thăm mới biết hắn đã đi Pháp theo diện con lai từ năm 1980. Mẹ hắn tự tử chết sau ngày hắn lên phi cơ đến Pháp. Bà tự tử bằng sái thuốc phiện với giấm thanh lấy ra từ cái bàn đèn lưu niên của ông bố dượng hắn. Tôi lại nhớ những miếng đậu khuôn dòn tan của bà, tôi lại nhớ cái nhan sắc rất Bắc của bà, một nhan sắc lầm lũi. Tôi nhớ đến lần đầu tiên tôi thấy bà mặc chiếc áo dài nhung đen với chuỗi hạt ngọc xanh nơi cổ và chiếc khăn quàng hững hờ trong một dịp Tết năm nào đó. Một hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam của một thời đã đi qua. Một hình ảnh rất đẹp đọng mãi trong đầu tôi. Đã nhiều lần tôi muốn vẽ một bức tranh như thế mà vẫn chưa vẽ được vì cái hồn cốt của nhân vật cũng chưa tìm lại được. Bây giờ bà đi xa rồi. Cầu mong bà yên nghỉ. Cũng xong một đời người.
Tôi cũng cầu xin bạn tôi, Alain Delai của tôi sẽ có một cuộc sống bình yên nơi quê nội, chắc là chúng ta sẽ chẳng có dịp để gặp nhau nữa rồi.
*******
Năm 2010, tôi trở lại nước Pháp để hoàn tất một số giấy tờ cho bản thân và gia đình. Chuyến đi dự trù ba tuần lễ, vì tôi nghĩ thủ tục hành chánh rất khó khăn, nhưng không ngờ chỉ trong một tuần lễ, mọi việc hoàn tất suông sẻ. Rảnh thì giờ, tôi đi lang thang.
Tôi đến lại những chốn xưa của một thời long đong và cô đơn ở xứ người. Có nhiều nơi chẳng chút đổi thay dù mấy chục năm đã trôi qua. Tôi đứng trên đồi Montmartre, một khu phố của Paris, quả đồi lớn thuộc Quận 18. Nơi đó là nơi tập trung của nhiều họa sĩ nổi tiếng, cộng với nhà thờ nhà thờ Sacré-Cœur, các con phố nhỏ, quán cà phê, nhà hàng... để nhớ những ngày lang thang vẽ chân dung cho du khách kiếm sống dưới những cánh tuyết mùa đông ẩm ướt.
Tôi tìm về khu Quartier Latin Quận 5 thành phố Paris. Nằm ở tả ngạn sông Seine, khu có nhiều trường đại học nồi tiếng thế giới. Ở đây còn có Điện Panthéon, cung điện Luxembourg trong vườn Luxembourg, Sorbonne, Bảo tàng Trung Cổ...
Nơi đây đầy khách du lịch bốn phương tụ về. Tôi đi bộ trên phố Huchette nằm cạnh sông Seine, hai bên đầu đại lộ Saint-Michel với các con phố nhỏ, lát đá.. khu này có rất nhiều nhà hàng, quán cà phê, cùng các quán bar và nhiều gallery nghệ thuật. Ngày xưa nghèo, đi ngang mà chẳng dám vô. Bây giờ có đủ tiền để làm thực khách thì đi một mình, cảm thấy buồn nên cũng chẳng muốn vào.
Lang thang mãi cũng chán, tôi đi khám phá các metro ở Paris. Métro Paris là một trong những biểu tượng của thủ đô nước Pháp, đặc trưng bởi mạng lưới các tuyến dày đặc, mật độ sử dụng cao và các bến tàu điện ngầm được trang trí theo phong cách Art nouveau. Tôi làm nghề mỹ thuật nên rất ham tham khảo và chiêm ngưỡng những công trình độc đáo này.
Các bến Métro Paris trang trí theo phong cách Art nouveau, được lựa chọn từ năm 1900. Ngay cả trong những lần tu sửa và mở rộng sau này phong cách đó vẫn được tôn trọng. Các vách và trần bến thông thường được lát bằng các viên gạch sành hình vuông hoặc chữ nhật nhỏ màu trắng. Một số bến được trang trí cầu kì hoặc có phong cách rất khác biệt.
Tôi ghé Bến Louvre-Rivoli tuyến 1 mang tên phố Rivoli và Bảo tàng Louvre vào buổi sáng, trời chưa có nắng. Bến được trang trí bằng những bản sao các tác phẩm nổi tiếng của Bảo tàng Louvre, trưng bày trong các hốc tường được chiếu sáng rất đẹp. Chán, tôi lại về Bến Arts et Métiers tuyến 11, vốn mang tên của Bảo tàng Kỹ nghệ Paris (Musée des arts et métiers), khu này toàn phú bằng những rãnh đồng chạy suốt.
Lại định ghé qua Bến Pont Neuf tuyến 7 đặt theo tên cây cầu Pont Neuf. Nằm gần La Monnaie de Paris, chỗ in tiền, nhưng không đến, ngồi nghỉ nhìn đám bồ câu bay.
Loanh quanh toàn thấy quảng cáo. Các tờ quảng cáo được dán trong các ô có viền trang trí và ký hiệu hãng khai thác.
Đang mỏi chân định nghỉ, nhưng rồi lại kêu taxi chạy lăng quăng. Trôi dạt về Gare du Nord. Rổi qua metro Crimée lúc nào không hay.
Không biết sao mình lại giạt về đây, bởi khu này lộn xộn lắm, dễ bị móc túi, người đi lại nhiều lại lắm ăn xin. Nhưng rồi lại tự nhủ, biết muôn mặt của metro Paris cũng là điều thú vị nên dù chân đã mỏi cũng gắng thêm một vòng. Người nườm nượp, ồn ào. Con đường dẫn xuống hầm chật chội. Hai bên có mấy người ăn xin, người đàn, kẻ hát, tiếng trống bập bùng. Một không khí lạ lùng và cũng độc đáo. Trời về chiều, sương xuống sớm, không khí hơi lành lạnh. Đã cuối đông rồi.
Tôi dừng chân, đốt điếu thuốc, khói thuốc tuôn mờ đục. Bỗng trong mớ âm thanh ồn ã ấy, tôi nghe loáng thoáng một giai điệu của bản nhạc Việt Nam. Thoang thoảng thôi, xa xa gần gần như sương khói. Nhưng chắc chắn là một bài hát Việt.
Tôi đi men theo tiếng hát và bắt gặp nột ông Tây già, râu ria lởm chởm, tóc phủ gáy ngồi trên chiếc xe lăn đưa hai chân cụt đến mỏm gối. Ông nhắm mắt hát say sưa bài Giọt mưa thu, hát đi rồi hát lại. Chiếc mũ trước mặt ông cũng có vài đồng tiền giấy và ít tiền xu. Nghe bài hát tôi hình dung ra hắn và tôi đoan chắc chắn là hắn chứ không ai khác. Chỉ có hắn, Alain Dalai mới hát Giọt mưa thu như thế, với giọng như thế và say sưa như thế. Tôi chạy nhanh đến bên lão và hét lớn Chào Alain Delai. Hắn hé mắt, ngập ngừng, nhìn rất lâu vào khuôn mặt tôi, rồi hắn cũng hét lớn Chào thằng em bô giai. Hai đứa tôi ôm nhau, cả hai đều khóc. Không ngờ còn được gặp nhau, mà lại gặp nhau giữa Paris khi tuồi đã già, thời gian chẳng còn bao nhiêu nữa.
Tôi bảo hắn kiếm gì ăn tối, hắn dẫn tôi vào một quán be bé trong con đường nhỏ lát đá với những hàng cây leo. Quán vắng, kêu mấy món ăn, hai chai bia lạnh, hắn kể một đoạn đời mình.
Hắn qua Pháp trong những đợt đầu tiên của chính phủ Pháp giải quyết con lai còn lại ở Việt Nam. Nhờ hắn có giấy khai sinh và một số giấy tờ chứng minh, hình ảnh khác nên nó nhờ các tổ chức xã hội tìm lại bố ruột một cách dễ dàng. Một năm sau khi đến Pháp, hắn được gặp bố. Bố hắn đã già, nhưng rất thương yêu hắn, đó là những ngày hạnh phúc nhất của đời hắn ở nước Pháp. Gia đình bố hắn ở Marseille. Đó là một thành phố cảng của nước Pháp, là thành phố lớn thứ hai của Pháp, sau Paris, và là vùng đô thị lớn thứ ba của Pháp. Hạnh phúc được hai năm thì bố hắn qua đời. Bố hắn có để lại di chúc, có phần thừa kế của hắn. Nhưng hắn lại không đọc được chữ Pháp, nên các anh chị em cùng cha khác mẹ của hắn bảo sao thì nó nghe vậy. Họ bảo nó không được hưởng thừa kế, không có quyền gì trong tài sản bố hắn để lại. Họ giao cho hắn mười ngàn quan, gọi là trợ cấp cho hắn để hắn ra đi. Thân cô thế cô,chữ nghĩa không biết, thân thể què cụt, hắn ngậm đắng nuốt cay, gạt nước mắt rời khỏi nhà làm kẻ lang thang, sống nhờ trợ cấp. Làm kẻ vagabond trôi giạt từ Marseille về đến Paris. Chờ ngày thành tro bụi giữa thành phố hoa lệ này. Mỗi ngày ngồi ở metro hay mấy quãng trường, hát Giọt mưa thu mấy chục năm rồi, để nhớ về mẹ hắn, để nhớ về Việt Nam, một chốn quê không còn chỗ để về.
Đêm đó, lúc chia tay, dù đã say khướt, bởi tôi có biết uống đâu, hai đứa tôi ôm nhau ở cửa quán ăn, tôi lè nhè Chào Alain Delai. Hắn siết vào vai tôi Chào thằng em bô giai. Tôi thấy vai mình ướt đẫm nước mắt. Tôi đẩy xe lăn của hắn một đoạn đường trong khi chờ taxi. Hai thằng già vừa đi vừa ngêu ngao bài Giọt mưa thu, tiếng hát hoà trong nước mắt. Những giọt mưa thu Việt Nam nhỏ xuống con phố nhỏ giữa khuya của Paris đang cuối đông. Lúc tôi leo vào taxi, hắn ngoái đầu lại, đưa tay lên và nói nhỏ Au revoir mon ami.
Hôm sau tôi trở lại Gare du Nord, không thấy bóng dáng hắn đâu. Tôi qua Gare de l’Est, một khu cũng lộn xộn không kém, cũng không thấy hắn. Hắn biến mất tăm. Những ngày còn lại ở Paris, tôi đi khắp nơi để tìm hắn, nhưng hắn đã biến mất như cây kim rơi vào đống sắt vụn. Biết đâu tìm.
Alain Delai! Với cái chân cụt đấy, bạn sẽ đi về đâu mà tìm không thấy?
Thôi thì cũng bắt chước hắn, tôi đến bên con đường lát đá có hàng dây leo tường vi, ngước nhìn lên trời và nói nhỏ Au revoir mon ami!
14.7.2011
Bastille Day
Lễ Quốc khánh Pháp
DODUYNGOC


Chúng ta là những kẻ có tội
Tội sinh ra và sống ở thời đại này
Tội im lặng, tội đồng loã
Tội phản kháng, tội đấu tranh
Thái độ nào anh cũng là kẻ có tội
Lịch sử không có tên anh
Lịch sử chỉ ghi một thời kỳ rực rỡ
Nhân dân là kẻ vô danh
Chúng ta đều là những kẻ có tội
Đánh trống khua chiêng gõ mõ rung chuông
Mấy ngàn năm nhân loại giật mình
Những thói khoa trương những lời dối trá
Anh đã bị bắt, tôi sẽ bị bắt
Tất cả sẽ ngồi sau song sắt
Ngóng mãi tương lai.
Chúng ta luôn là kẻ thù của nhau
Và chúng ta là người có tội
Lắm kẻ nhân danh không người hối lỗi
Cả dân tộc điên cuồng với những nỗi đau
Chúng ta là những kẻ có tội
Tội đứng nhìn những cái chết oan khiên, những kiếp đời oan nghiệt
Mà không dám nói
Mỗi ngày tống chất độc vào mồm mà vẫn lặng câm
Thở không khí lâm thâm chứa những bụi mù
Mà không dám hỏi
Nhìn đất nước bị gặm mòn mà dửng dưng
Thấy giặc ngênh ngang ngoài đường mà cúi mặt
Còn đốm lửa cuối cùng ai thổi tắt
Chúng ta là những kẻ có tội
Một ngày nào đó cháu con hỏi chúng ta
Vào thời ấy, cha, ông đã làm gì?
Chúng ta im lặng
Như những hàng cây chém cụt đầu
Không trăn trối, ngậm miệng ở mộ phần
Tủi nhục của chúng ta truyền lại cháu con
Đời chúng ta chỉ là những bãi phân
Chứa đầy tội lỗi.
17.7.2018
DODUYNGOC



Giữa đêm cá khóc ngoài ao
Chim kêu dưới núi gió bào mỏng da
Ngẩn ngơ bỗng thấy mình già
Bóng in trên vách nhạt nhoà khói bay
Rượu đâu có uống mà say
Chuyện xưa lâu lắc làm cay xé lòng
Một đời mãi kiếp long đong
Rừng lau trắng xoá ngựa hồng chồn chân
Giữa đêm hoa nở trước sân
Đi lên đi xuống tần ngần vào ra
Loanh quanh dưới mái hiên nhà
Ngó con trăng rụng trên toà lầu cao
Ngẩng đầu thấy những chòm sao
Rõ thêm thân phận lào xào dưới chân
Chỉ xin một chút ân cần
Để cho khuây khoả giữa trần gian đau
Vọng trong thiên cồ nát nhàu
Bụi bay khói toả nhuốm màu nhân gian
Bóng cô liêu đứng xếp hàng
Đêm trông tiếng nổ nát tan phận đời
Quẩn quanh chỉ một trò chơi
Sống như ngựa chạy khơi khơi mấy vòng
Thời gian chỉ một đường cong
Leo lên tuột xuống là xong kiếp người.
Xin cho tôi một nụ cười
Rải theo sông suối để người trông theo
Nỗi buồn làm sợi dây leo
Tôi làm trái héo chèo queo giữa trời
19.7.2018
DODUYNGOC


Truyện kể của ĐỖ DUY NGỌC
Những năm đầu của thập niên 80, sau năm năm lưu đày ở Củ Chi, tôi được về thành phố dạy một trường cấp ba ở gần nhà. Mỗi tuần chỉ có 12 tiết dạy của ba lớp cuối cấp, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông. Rảnh rỗi dù thời gian này, cả nước đang đói. Nhưng tôi vốn vô lo, đến đâu hay đến đó, quanh quẩn với đồng lương chết đói, sống tạm qua ngày. Chẳng biết làm chi cho hết giờ, lại bày đặt chơi chim. Chơi ở vườn Tao Đàn, sáng sáng xách lồng chim, đạp xe ra, tụ nhau lại đấu láo và nghe chim hót. Và cũng từ đó thành lập một nhóm cùng ngồi với nhau. Người cao tuổi nhất nhóm là chú Tư Mạnh, hồi đó cũng khoảng năm mươi. Chú cao to như Tây, ăn mặc chải chuốt và thanh lịch như công chức cao cấp thời trước. Giọng rặt Nam bộ và hành xử cũng khá hào phóng với mọi người. Gia đình chú thuộc loại giàu có, hồi đó đa số đều đi xe đạp hoặc xe gắn máy cũ mèm, chú chơi xe Honda đời mới do đám viễn dương đem về bán, chiếc nào cũng giá mấy lượng vàng. Đôi khi cuối tuần, chú lại đến bằng xe hơi Peugeot có tài xế lái. Lúc đầu, ai cũng tưởng chú là cán bộ có chức vụ về hưu, nhưng dần dần hỏi chuyện hoá ra không phải. Chú là dân buôn bán từ xưa đến giờ. Chuyên bán vàng. Lúc đó nhà nước cấm dữ lắm, nhưng nhu cẩu xã hội vẫn có, nên chú vẫn tiếp tục nghề xưa, dù là mua chui bán lậu. Chú có đến ba căn nhà, toàn mặt tiền đường lớn, mà cái nào cũng to. Tụi tui cứ thắc mắc không hiểu với tài sản như thế mà sao gia đình chú lại thoát được mấy lần đánh tư sản khốc liệt vậy? Hoá ra là chú có người em ở rừng về, làm chức gì lớn lắm trong uỷ ban thành phố, nên tài sản chú được an toàn mà nghe đâu lại càng nhiều hơn khi có sự trợ thủ đắc lực của chú em. Sáng nào cũng vậy, chú đều chơi dĩa bò kho bánh mì có bốn miếng thịt lớn, chú bảo chú rất thích món này, ăn hoài không thấy ngán. Thường thường, chú ăn hai miếng, còn hai miếng bà chủ đã biết ý, luôn gói lại đưa chú mang về cho hai con chó Fox bé tí tì ti. Thời đó đói ăn, cả tháng làm giáo viên như tôi mới mua tiêu chuẩn được nửa kí thịt heo bạc nhạc với mỡ, nên thấy chú ăn sáng như vậy, tụi tôi thấy chú quá sang trọng, nên dù ngồi với nhau, tiếng nói của chú vẫn có giá trị hơn hẳn. Người giàu sang lúc nào cũng thế, giữa mọi người họ vẫn có vị thế cao hơn một bậc, bởi họ nhiều tiền hơn đương nhiên tiếng nói của họ được vị nể hơn. Chúng tôi càng nể chú hơn nữa khi gặp hai đứa con của chú. Chú có hai đứa con, trai lớn gần ba chục, cô con gái nhỏ khoảng hai lăm, hai sáu tuổi. Cả hai đều rất lễ phép và cũng vừa lập gia đình. Mỗi lần đi đâu xa hoặc cuối tuần về quê chồng quê vợ, con chú đều ra tận nơi sân chim để chào và xin phép chú về thăm cha thăm mẹ. Lần nào cũng cúi đầu, khoanh tay chào hết mọi người khi đền cũng như lúc đi. Chú hãnh diện về điều này, mà tụi tôi cũng đồng ý về sự hãnh diện đó của chú. Cái thời buổi nhiễu nhương, ông thằng thay đổi tá lả thế này, nề nếp gia phong lộn tùng phèo mà còn được những đứa con như thế thì hãnh diện là quá đúng rồi!
Nhưng hoá ra là đóng kịch cả, là mưu mô cả. Lần hồi, các màn kịch cứ he hé và lần lượt diễn ra, tụi tôi nhiều khi không tin được, không ngờ cuộc đời lại có nhiều chuyện khốn nạn đến thế. Khi xã hội Việt Nam bắt đầu mở cửa là lúc màn kịch bắt đầu.
Đầu tiên là căn nhà ba tầng ở Bùi Thị Xuân, căn nhà lâu nay giao cho anh con trai lớn ở và bán buôn. Một ngày đẹp trời vợ chồng anh về thưa với vợ chồng chú là anh ta muốn sửa sang lại để biến thành khách sạn, bởi bắt đầu sẽ có khách du lịch về, doanh nghiệp qua, đón đầu như vậy mới thắng lớn được. Nghe bùi tai quá, vợ chồng chúng nó từ xưa đến nay ngoan ngoãn, biết lo làm ăn, chưa hề làm mất lòng hai vợ chồng chú. Thế là sang tên cho chúng để chúng chúng mở doanh nghiệp, xin giấy phép xây cất. Lại còn cho chúng mượn 300 lượng vàng làm vốn. Hai vợ chồng an tâm phần thằng Hai. Chúng nó làm ăn thành công thì mình lo chi tuổi già, xem như chia gia tài trước cho chúng. Giải quyết nhẹ bâng.
Lại đến cô con gái, cũng một đêm mát trời, con gái nằm gãi lưng cho mẹ vừa thủ thỉ: Vợ chồng con cũng đã lớn rồi, ba má cho chúng con ra riêng đặng lo cho tương lai. Ba má giao cho tụi con cái nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu đang cho thuê, tụi con dọn về đó mở tiệm vàng, bây giờ nhà nước cho tư nhân mua bán vàng, làm ăn tốt lắm. Ba má vẫn ở nhà này, tuổi già cần yên tĩnh mà ở chung thế này nhiều khi các con của con quấy quá làm phiền ba má. Nói nghe lọt tai quá, nghĩ cũng hợp lí quá, sang tên nhà, đưa thêm 300 lượng làm hàng bán. Lúc đưa vàng, vợ chồng chú bắt phải có mặt con rể, hai vợ chồng cùng ký giấy mượn của vợ chồng chú 200 lượng, còn 100 lượng kia cho hai đứa bây làm vốn. Thế là xem như xong chuyện của hai đứa con, hai vợ chồng chú vui vẻ để lại tiếp tục sống cuộc đời hạnh phúc.
Đùng một cái, anh con trai lớn không biết làm ăn hùn hạp với ai, phải cầm cố nhà cửa, khách sạn. Rồi một ngày cả nhà trốn mất. Vượt biên. Khách sạn bị tịch thu, cửa khoá to đùng với tờ giấy dán chéo ghi: Vượt biên, phản quốc với mấy dấu đóng đỏ lòm. Chú Tư Mạnh ốm mấy tháng, vợ chú lên cơn đau tim phải vào cấp cứu. Thôi! Của đi thay người, chỉ mong gia đình nó đến nơi bình an. Nhưng rồi, tin đến chẳng bình an, anh con trai chỉ đi ra được đến bãi là bị gài bắn chết ngay tại chỗ để bọn dân quân, công an cướp vàng. Cô vợ và đứa cháu bay ra được tàu lớn, nhưng rồi bão đánh chìm đâu đó ngoài biển sâu. Vợ chồng chú suy sụp hẳn, chú vật vờ như mộng du, thương con, thương cháu đến đứt cả ruột. Một năm sau, không chịu thấu nỗi đau, không dằn nổi những cơn đau tim, vợ chú qua đời. Đến thắp nhang cho thím, nhìn thấy mái tóc mới qua mấy đêm đã bạc trắng của chú, chúng tôi xót xa cho bi kịch dồn dập đổ xuống gia đình của chú. Cô con gái và chàng rể quấn khăn tang lo hậu sự, nước mắt vẫn lả chã nhưng trong đầu cũng đang tính chuyện mốt mai. Thế rồi khi tro cốt của vợ chú an vị ở chùa, ngày cúng thất đầu tiên, hai vợ chồng cô con gái vẫn còn mang áo tang đề nghị với chú: má mất rồi, ba tuổi đã lớn, ở đây một mình chẳng có ai chăm sóc gần gũi, gia đình mình giờ chỉ còn con với ba, ba bán căn nhà này đi, cho chúng con mượn thêm, làm ăn bây giờ hơn nhau ở chỗ vốn nhiều mới mong thắng lớn, về ở với vợ chồng con, để con được săn sóc ba tuổi về già, lúc đau ốm, đỡ buổn lo, quạnh quẽ. Nghe đúng quá mà. Bây giờ chỉ còn mình nó, không ở với nó thì ở với ai? Một mình giữ tiền chi cho nhiều, đưa cho chúng làm ăn, có phải là sinh lợi hơn sao. Nỗi buồn chưa lắng xuống, nên chú Tư giao việc bán mua cho vợ chồng cô con gái, dọn về ở cùng con. Thế là cuối cùng, chú chỉ còn độc ngôi nhà này.
Lúc đầu, ông con rể bố trí cho chú ở lầu một, lên xuống cho dễ. Phòng này trước đây cháu ngoại của chú ở, bây giờ nó dọn lên phòng trên. Phòng tiện nghi, có cửa sổ, có máy lạnh, giường nệm êm, chú tự nghĩ thế cũng tốt, cũng là nhà của mình mà. Chú lại ra chơi chim với nhóm, dù không thường xuyên lắm. Tóc chú trắng xóa, khuôn mặt buồn không còn vui vẻ như trước, nhưng hàng ngày vẫn dĩa bò kho bốn miếng thịt, ăn hai miếng đem về hai miếng cho hai con chó Fox bé tí tì ti.
Nhưng cuộc sống vẫn chưa yên. Hai vợ chồng cô con gái bắt đầu kiếm chuyện. Đầu tiên là mấy con chim. Trước đây ông con rể khi ra chỗ chơi chim thường xách lồng ra xe cho chú, lặt cào cào cho chim ăn, hàng ngày phụ trách vệ sinh mấy lồng chim cho chú. Bây giờ ông con rể ngạo ngược bảo chim cò bẩn cả nhà, trưa nghỉ một tí cũng không yên bởi tiếng hót lanh lảnh của nó. Chú Tư tắm chim, phơi nắng cho chim, hắn đi ngang đá lồng lăn lông lốc và bảo: chật chội, vướng víu quá! Bực cả mình! Đôi mắt chú ngày càng buồn, miệng chú càng ngày càng ít nói. Rồi từ lầu một, chúng dời chú lên phòng sân thượng, ông con rể bảo cho chú lên đấy để chú tiện gần gũi với chim, để chim phía dưới mất vệ sinh, thức ăn rơi ruồi bu, kiến đậu, lông chim bay ảnh hưởng sức khoẻ của mọi người. Chú bằng lòng với sự sắp xếp của nó, dù mỗi lần lên xuống cầu thang, chú phải nghỉ thở mấy lần. Hồi còn ở dưới, đến bữa cô người làm hoặc cháu ngoại còn lên mời chú xuống nhà ăn cơm. Từ hồi lên trên này, chúng chẳng kêu, chẳng báo. Khi nào đói, chú lặng lẽ lần mò xuống ăn. Thức ăn lỏng chỏng như đồ thừa, nhiều lần ngồi ăn, chú rớt nước mắt. Chú thèm được một bữa cơm gia đình sum họp, đầy tiếng nói cười với những ánh mắt thương yêu. Mất hết rồi! Chẳng tìm đâu thấy nữa. Hàng ngày, chú xách lồng chim ra ngồi với chúng tôi chốc lát, đó là niềm vui còn sót lại trong ngày của chú, chú xem chúng tôi như người nhà, nên những chuyện buồn, bất hạnh của chú, chú đều kể cho chúng tôi nghe. Chú vẫn còn ăn món bò kho, nhưng không gói thịt về cho chó nữa vì chúng cũng đã bị cậu con rể đá chết rồi.
Nghe tin chú bệnh, nhóm chúng tôi đến thăm chú. Bước qua cửa, chúng tôi được đón bằng cái nguýt dài của cô con gái, cái ánh mắt bực bội của chàng con rể. Chúng chẳng chào một tiếng, chẳng hỏi một câu làm chúng tôi ngỡ ngàng, sao con người biến đổi một cách lạ kỳ như vậy? Chú Tư đón chúng tôi nơi phòng khách, kế bên cửa sổ nhìn ra sân, chú không dám nhìn thẳng mắt ai, ánh mắt như muốn xin lỗi, ngượng ngùng. Ngồi chưa nóng đít, anh con rể vừa nhả khói thuốc vừa nói vọng vào từ ngoài sân: Ba đưa mấy chú lên lầu, lát nữa tui có khách. Chú Tư nhìn ra, ánh mắt một thoáng như toé lửa, rồi hạ nhiệt ngay, cụp xuống đầy uất hận. Thấy không tiện, tụi tôi rút, ra về cũng không có một lời chào. Ai cũng chép miệng: Tội nghiệp chú Tư..
Cuối năm 92, nhóm chúng tôi tản hàng, anh Ba cộng hoà đi HO chuyến áp chót, anh Nam mắt kiếng đi diện đoàn tụ gia đình, tôi bỏ dạy sau một màn ác chiến với tay hiệu trưởng vừa nhậm chức, tôi rời bục giảng, mở công ty, chen chân làm doanh nghiệp. Công việc bận rộn, chẳng còn thời gian đâu mà chim với cò, nên cũng chẳng có dịp để gặp chú Tư Mạnh. Đôi khi gặp đám chơi chim ở Tao Đàn, hỏi thăm tin tức về chú, có người bảo gặp, có kẻ bảo không, định bụng bữa nào ghé thăm chú một bữa. Tình cờ một hôm đi qua nhà chú, thấy người ta đập xây cao ốc mới, hỏi thăm mới biết nhà đã thay chủ, không biết gia đình chú dọn đi đâu, có người bảo đã đi hết ra nước ngoài. Tôi bặt tin chú Tư từ đó, lòng vẫn mong chú khoẻ, hi vọng ở nước ngoài, có viện dưỡng lão, chú được vào đó cũng đỡ khổ thân.
*******
Tết Nguyên Đán năm 2005, thay vì tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ bị bệnh ở khoa Nhi bệnh viện Ung bướu như mọi lần, công ty chúng tôi đổi hướng đi đến thăm những người già ở nhà dưỡng lão Thị Nghè. Thấy các bé còn nhỏ đã mắc bệnh nan y, thương cho chúng chưa hưởng gì ở cuộc đời đã mang bệnh chờ chết, đau xót lắm. Nhưng dù sao các cháu khi bệnh, đứa nào cũng có mẹ, hoặc cha, hay ông hay bà thay phiên chăm sóc. Còn ở đây, trong thế giới người già, là nỗi cô đơn cùng cực. Hầu hết các cụ ở đây đều không có gia đình, người thân, hoặc bị con cháu bỏ rơi. Họ cô độc trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, họ chờ đợi trong vô vọng những ánh mắt thương yêu của người thân, họ khát khao được nhìn mặt, cầm tay cháu con, nhưng không bao giờ toại nguyện. Họ chậm chạp trong sinh hoạt và chậm chạp đến lần với cõi chết. Những căn phòng ẩm ướt, những áo quần chẳng lành lặn, những gói, những bao không biết đựng gì để đầy trên giường, dưới chân họ. Họ mừng khi thấy chúng tôi đến, họ vui khi nhận được quà, nhưng ánh mắt vẫn nặng trĩu nỗi muộn phiền. Ở cuối phòng, có một cụ già cứ lấy tay che mặt khi chúng tôi trao quà, tránh ánh mắt của tôi.
Tôi xong việc của mình, định ra, bỗng ông cụ buông tay, vươn cánh tay vẫy vẫy. Ông cụ gầy gò, da bọc xương, hai xương vai nhô lên như hai mảnh nhọn, bụng trương lên như trống. Tóc lơ thơ rụng gần hết, mắt đục lờ với khuôn mặt nhăn nhúm, vàng khè. Trên khuôn mặt đó, tôi tìm thấy một nét quen thuộc của ai đó mình đã từng gặp trong đời. Tôi chưa nhớ ra.
Ông cụ vẫn vẫy, tôi đi ngược trở lại và ông nắm lấy bàn tay tôi, nói nhỏ: Anh Ngọc phải không? Có còn nhớ tôi không? Tôi Tư Mạnh đây. Tôi giật mình, gai ốc bỗng rờn rợn, trời ơi! Chú Tư Mạnh đây sao. Cuộc đời sao vậy trời. Sao chú lại ở đây, sao chú ra nông nỗi này?
Tôi ngồi xuống ôm chặt lấy chú, chú cũng ôm tôi và chú khóc, nước mắt ướt đẫm vai tôi và tôi cũng khóc theo chú. Hai người ôm nhau khóc một hồi, có ông cụ giường bên nhìn tôi với ánh mắt chẳng có chút thân thiện: Con cháu, anh em gì mà bỏ rơi ông cụ mấy năm liền, giờ còn khóc lóc gì? Chú Tư xua tay: Không phải, không phải đâu, người quen thôi mà.
Chúng tôi ra ngoài sân, ngồi trên ghế đá nói chuyện. Tôi hỏi chú hay là mình qua bên đường uống cà phê. Chú gật, ánh mắt thoáng chút vui. Tôi xin phép cán bộ dẫn chú ra ngoài. Hai chúng tôi băng qua đường, chú đi khập khiễng, tôi phải dìu chú đi. Tôi hỏi chú muốn ăn gì không, chú nhìn tôi, ngập ngừng: Tôi...thèm ăn dĩa bò kho... dĩa bò kho bốn miếng thịt và ổ bánh mì thật dòn. Tôi chảy nước mắt ngồi nhìn chú ăn, chú ăn ngon lành, miếng thịt trệu trạo trong cái miệng móm mém gần hết răng của chú.
Và rồi chú kể cho tôi nghe tại sao chú có mặt ở đây mấy năm nay.
****
Anh biết không, con Hiếu, con gái khốn nạn của tôi, anh còn nhớ nó chứ? Tôi đặt nó tên Hiếu mà nó bất hiếu ác nhơn. Nó lấy hết tiền của tôi rồi lừa cho tôi vào đây. Hồi đấy, sau cái lần tôi bệnh mấy anh em vào thăm, thấy chúng nó tồi tệ quá mức rồi, tôi chịu hết nổi nên nói với vợ chồng nó trả vàng cho tôi để tôi đi kiếm chỗ khác ở, dứt tình cha con. Nhưng chúng lật lọng, bảo chẳng nợ gì tôi. Tức quá tôi thưa, tôi còn đủ giấy tờ mà. Toà xử chúng phải trả nợ cho tôi. Chúng lần lửa mãi, và có trả tôi một lần mười cây vàng, hẹn cuối năm thanh toán hết. Rồi bỗng dưng hai vợ chồng nó thân thiện, săn sóc tôi dữ lắm. Mua đồ này thức nọ cho tôi ăn, sắm áo quần mới cho tôi mặc, đối xử với tôi rất nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, thôi thì con mình đã biết suy nghĩ lại, gia đình, thân thuộc tôi chẳng còn ai, có đứa em trai thì bệnh ung thư chết mấy năm rồi. Làm cha mẹ phải biết tha thứ cho con. Được mấy tháng thì một hôm nó nói mời cả nhà đi du lịch Nhật Bản, tôi vui lắm, hăm hở sửa soạn đồ đạc để đi đến mười ngày. Nhưng đến phút chót, lấy cớ có việc đột xuất, cả nhà nó ở lại, đành bỏ vé, nên tôi đi một mình. Đi du lịch cùng đoàn nên có bạn có bè cũng vui. Hôm đầu điện thoại về, còn nghe nó trả lời, hôm sau cũng còn, nhưng đến hôm thứ ba thì gọi mãi không được. Tôi sốt ruột nhưng cũng đành chờ cho đến ngày cuối, do vậy chuyến du lịch bỗng mất vui. Nào ngờ khi về đến nhà thì cửa đóng im ỉm, bấm chuông mãi thì có người thò đầu ra mắng, cái mặt lạ hoắc. Hỏi anh ta là ai? Anh ta hỏi vặn lại tôi là ai? Tôi bảo tôi là chủ nhà, anh ta cười hô hố bảo tôi điên, rồi bảo anh ta đã mua căn nhà này rồi, đừng có kiếm chuyện. Tôi như từ cung trăng rớt xuống, mồ hôi ra lạnh cả người và nằm thẳng cẳng giữa lề đường. Hàng xóm thấy vậy chở tôi đi nhà thương, đến khi tỉnh, được mọi người kể mới biết gia đình nó đi Mỹ định cư cả tuần lễ nay rồi, ai cũng tưởng tôi đã cùng đi với chúng nó. Thế ra nó lừa tôi, nó giả vờ thương yêu tôi để tôi mất cảnh giác, nó lừa tôi đi du lịch để nó giao nhà và ra đi. Nó cướp hết số vàng mà vợ chồng tôi cho nó vay. Nó khốn nạn thế đấy, nó mưu mô hiểm ác vậy đấy. Thế là tôi trở thành kẻ vô gia cư. Còn ít vàng tôi để ở nhà, chắc nó cũng lấy đi rồi, tôi chẳng có cách nào để sống nên khi hết bệnh ở nhà thương, chính quyền đưa tôi vào đây ở mấy năm nay.
Tôi nghe mà bàng hoàng, không tin nổi nếu như không gặp chú Tư ở đây. Tôi không ngờ trên đời lại có những đứa con như vậy. Rồi cuộc đời nó có an lành để sống không? Con cái chúng sẽ nghĩ gì khi biết được cha mẹ chúng đã đối xử với ông chúng như thế? Tôi thật sự khiếp hãi khi nhìn thấy con người ta vì đồng tiền mà bán cả lương tri.
Tôi khuyên chú đi bệnh viện vì thấy chú yếu quá, nhưng chú bảo chú không muốn chữa bệnh, chú chỉ mong được đi mau để khỏi phải đau khổ và dằn vặt. Chú xin tôi một điều là gắng đến thăm chú và khi nào chú mất, làm ơn đem tro cốt của chú để vào chùa cùng nơi với vợ chú.
Đó lại là lần cuối cùng tôi gặp chú, chủ nhật sau tôi ghé chú thì chú đã đi rồi, trên tay tôi vẫn còn mang cặp lồng món bò kho bốn miếng thịt mà chú ưa thích. Tôi lặng lẽ mang hủ tro cốt của chú vào chùa, làm thủ tục để cạnh hủ tro của vợ chú, từ nay hai vợ chồng sẽ mãi gần nhau và chú đi được vậy cũng là điều giải thoát cho một kiếp người. Mong chú đến nơi không còn khổ đau, gian dối và lừa lọc. Mong chú yên nghỉ nghe chú Tư Mạnh.
Saigon. Tháng bảy. 2015
DODUYNGOC


Nhà hắn cách nhà tui khoảng năm ba căn, ở phía đối diện. Đó là nhà của bà Bốn Ù, nhà hắn ở thuê. Bà Bốn có chồng là thượng sĩ Bốn, chắc là mãi đi hành quân đâu đó, lâu lâu mới thấy về. Căn nhà nhỏ, ẩm thấp. Bố mẹ hắn là dân di cư năm tư, làm nghề mổ gà bán ngoài chợ Cồn, một ngày làm cả thau gà, chọc tiết, vặt lông nhanh như gió. Bố hắn là lính theo Tây, bị thương ở Điện Biên Phủ, cụt mất một giò, hàng xóm gọi là ông Ty què. Bởi hắn tên Ty. Tụi tui gọi hắn là Cu Ty. Bố hắn là lão gìà cọc cằn, luôn mồm chửi rủa, ăn nói như chọc vào mặt người ta, nên cũng chẳng mấy người ưa.
Hắn thua tui khoảng một hai tuổi, nhưng cao nhồng, mặt đầy mụn trứng cá. Hắn hiền vô cùng hiền, ít nói và không bao giờ gây sự với ai. Hồi mới lớn, tụi tui chia phe đá bóng, hắn chỉ đứng xem, chẳng bao giờ tham gia. Hắn đứng xem với một tác phong rất nghiêm chỉnh, vòng tay trước ngực, người đứng thẳng như pho tượng, thấy vui thì tủm tỉm cười vu vơ. Thế nhưng khi tụi tui bất hoà, tranh cãi vì lí do nào đấy, là có mặt hắn ngay. Hắn nói chuyện như ông già, khuyên bọn tui không gây nhau, giải hoà mọi chuyện bằng một giọng nói nhẹ nhàng mặc dù hắn nhỏ tuổi hơn tụi tui. Thế mà, thường là bọn tui nghe hắn, vì hắn nói có lí, phải trái phân minh. Xử xong, hắn lại vòng tay, đứng im như cũ, nhìn mọi người rồi tủm tỉm cười.
Có một thời, tụi tui tưởng hắn có vấn đề về thần kinh, nhưng không phải. Chẳng qua trời sinh bản tánh nó khác người, trưởng thành sớm, chín chắn trước tuổi thôi. Khi tụi tui tới tuổi trưởng thành, bắt đầu biết o bế đầu tóc, lưu tâm đến cái áo, cái quần cho hợp mốt, thì nó vẫn thế, vẫn chiếc áo vải thô màu cháo lòng cổ bẻ, cái quần ka ki ngắn đưa hai mắt cá chân. Tụi tui tụ họp nhau đầu ngõ, nhìn các cô gái hàng xóm mới lớn đi qua để phẩm bình, để buông lời trêu ghẹo, thì hắn vẫn đứng nghiêm như tượng, tay vòng trước ngực, chẳng có lời nào. Hắn không để ý đến phụ nữ, đối với hắn, đàn bà, cô gái, trẻ em đều giống nhau, đều phải trân trọng và đem tình thương đến cho họ một cách bình đẳng. Cho nên hắn đối xử với phụ nữ rất lễ phép và kính trọng, dù đó chỉ là một đứa bé. Nhìn cách đối xử của hắn, bọn tui chỉ cười, riết rồi quen, cũng chẳng ai để ý nữa.
Chiến sự càng lúc càng căng thẳng, lũ tụi tui lần lượt vào lính, thằng nào còn được đi học thì được hoãn dịch. Hắn là con một, bố mẹ có tuổi, nhà hắn lại chịu chi tiền nên hắn được ở nhà, khỏi nhập ngũ. Tui ra Huế học, vài tuần lại vượt đèo về nhà lấy viện trợ, thấy hắn vẫn thế, chiều chiều lại thấy hắn ngồi thiền trước sân nhà, chẳng biết hắn học trò đó ở đâu.
Thời điểm này, quân đội được tăng cường, lính Mỹ xuất hiện càng nhiều, khu tui ở bỗng dưng biến thành xóm đĩ nổi tiếng vì có ba bốn nhà thấy nghề chứa đĩ có ăn, lần lượt biến thành nhà thổ. Đĩ thời đó đa số là ở quê ra, gia đình túng bấn mà biến thành đĩ. Cũng có một số là dân chơi, trôi giạt bốn phương tụ về thành đĩ. Nhiều lần từ Huế về, tui bắt gặp cả đàn bảy tám cô son phấn loè loẹt ngồi đầu ngõ, thấy tui mang túi xách, tưởng khách xa đến, kéo tay chào mời công khai, tui phải chạy một mạch về nhà. Tui kể mạ tui nghe, mạ tui dạy tui là đừng gọi mấy cô này là đĩ, họ vì hoàn cảnh đưa đẩy thôi, chứ làm nghề này họ cũng chịu nhiều đau đớn lắm. Nhưng không gọi họ là gái đĩ thì biết gọi bằng gì? Mạ tui cũng bảo rằng, chỉ có những người đàn bà không sống bằng nghề này, mà ngủ hết người này đến kẻ khác, phá hại gia cang của người ta, loại ấy mới gọi là đĩ. Bởi vậy, lần nào về cũng bị chọc ghẹo, nhưng tui chẳng giận mà cũng thấy tội cho họ, sống làm vợ khắp người ta, chết xuống âm phủ làm ma không chồng.
Tui vẫn hay gặp hắn, thằng Cu Ty, hắn vẫn thế, không đổi, chỉ thấy cao hơn, cao nhồng, chắc hơn thước tám, thời đó thế là cao lắm. Gặp tui, hắn toàn nói chuyện tha thứ, nhẫn nhịn, ban phát yêu thương. Nhiều khi tui cứ ngỡ hắn là mục sư Tin Lành, hay sư trụ trì chùa nào đó. Hắn vẫn thánh thiện một cách thơ ngây và hồn nhiên như đứa bé, sự hồn nhiên của một đấng tu hành.
Thế mà đùng một cái, tui được tin hắn có vợ. Người hắn lấy làm vợ là cô gái làm đĩ ở động ông Vấn, cách nhà hắn bảy tám căn. Tui ngạc nhiên ghê lắm, hắn vốn không để ý đến đàn bà, lại hay nói cái sắc đẹp bên ngoài của phụ nữ chi là che dấu bộ xương ghê tởm ở bên trong. Bây giờ hắn lấy vợ, ừ thì cũng được đi, đến tuổi thì phải có gia đình, quy luật của đời sống mà. Nhưng mà sao hắn lại lấy một cô làm gái mà mọi người đều biết rõ. Lạ thật, chẳng hiểu nổi! Bố mẹ hắn giận ghê lắm, bố hắn vác cây đuổi cô vợ hắn chạy khắp xóm, đuổi không biết bao lần, nhưng rồi hắn lại dẫn về, quỳ mọp giữa nhà, không ăn uống, cầu xin bố mẹ hắn cho hắn được toại nguyện. Hắn là con một, kẻ nối dõi giòng họ nhà hắn, bố mẹ hắn sợ hắn chết, đành lòng nhắm mắt làm ngơ. Nhưng để khỏi gai mắt, thuê cho vợ chồng hắn căn phòng nhỏ phía sâu trong ngõ, mẹ chồng nàng dâu khỏi khó chịu với nhau.
Ban đầu thì thấy cũng có vẻ hạnh phúc. Sáng sáng hai vợ chồng ra quán bà Sáu. Vợ một ly cà phê sữa, chồng một ly cà phê đen. Vợ phì phèo điếu Salem, chồng tủm tỉm cười nhìn thiên hạ. Trưa một chút, chồng chở vợ ra chợ Cồn, vợ ngồi đó kiếm mối hàng ăn cắp từ PX Mỹ, mua đi bán lại, hồi đó ở chợ Cồn đầy hàng hoá như thế. Đến giờ cơm, vợ vào quán, gọi cơm gà, cơm thịt heo quay tuỳ bữa, còn Cu Ty ở nhà, ăn rau vì hắn không ăn được thịt, chỉ biết ăn rau quả. Thật ra ai cũng biết vợ hắn ra chợ cho vui, có buôn bán chi mấy đâu. Nguồn sinh hoạt của gia đình hắn là do mẹ hắn chu cấp, bởi mẹ hắn thương con, không muốn hắn phải túng thiếu, buồn lo. Nhiều khi may mắn tụi bạn cũ đôi ba thằng gặp nhau, cứ thắc mắc không biết đêm về, hắn có biết làm nghĩa vụ đàn ông với vợ hắn không. Có thằng lại bảo, chúng mày đừng quên vợ hắn là gái giang hồ, biết bao kinh nghiệm giường chiếu, dạy cho hắn mấy hồi.
Nhưng rồi chúng nó sống với nhau chẳng được bao lâu, nghe đâu năm sáu tháng chi đó. Bởi con vợ cứ than buồn, cô ta nhớ những trận cười thâu đêm suốt sáng, những ván bài suốt đêm thâm cả mắt, những li rượu làm nóng ran cả châu thân, những ve vuốt của những gã đàn ông, những lời thì thầm đường mật. Cũng có nhiều lúc nhục, nhưng có lắm đêm vui. Sống thế mới gọi là sống. Sống với anh Cu Ty thì êm ấm đấy nhưng buồn tẻ quá, thân xác cũng chẳng được đáp ứng những cơn thèm khát thình lình của thói quen. Cô đi. Hắn gói ghém áo quần cho vợ vào va li, đưa cho vợ một số tiền rồi dẫn đến tận cửa động bà Vấn mà làm cuộc tiễn đưa. Chẳng có một lời trách móc, chẳng có chút giận hờn. Ai cũng bảo hắn là ông thánh. Vợ hắn cũng bảo hắn là ông thánh, ổng tốt quá nên không ở chung được khi mình đã là con quỷ.
Hắn lại về ở với bố mẹ, bố mẹ hắn là người vui nhất, mừng nhất. Ông bà vào chùa cúng tạ ơn trời Phật đã giúp cho con trai xa lìa được quỹ dữ. Hắn lại sống chẳng khác xưa, sáng đứng nhìn mặt trời, chiều ngồi thiền, cũng chẳng tìm việc chi làm ăn dù thân đã gần 24 tuổi.
Người ta đồn bố mẹ hắn trúng số triệu đồng khi thấy bố mẹ hắn mua cái nhà lầu ba tầng ở đầu ngõ. Căn nhà của ông Đại uý Hiền, ông ta đổi vô Sài Gòn, bán gấp. Nhà rộng, bố mẹ nghe theo lời hắn, làm một cái bàn thờ Phật thật lớn ngay giữa nhà, đèn đuốc lúc nào cũng sáng choang, nhang trầm lúc nào cũng nghi ngút. Hàng xóm lại râm ran hắn đi tu, sáng sáng chiều chiều thấy hắn đọc kinh rất thành tâm. Bố mẹ hắn hàng ngày vẫn chọc tiết hàng trăm con gà cho mấy quán phở, quán ăn và bán lẻ ở chợ. Đôi khi cũng thấy ông bà cũng mặc áo lam, ngồi tụng cùng con. Bố mẹ hắn thấy hắn siêng năng tu hành, cũng mừng, ông bà cứ thấp thỏm sợ chuyện ngày xưa tái lại.
Nhưng sự đời éo le, sợ nhưng rồi cũng không tránh khỏi. Một buổi chiều đẹp trời, thấy hắn chở về một cô, đầu uốn quăn nhuộm vàng, môi tô đỏ, mắt vẽ xanh lè như gái Mỹ. Trên xe cồng kềnh mấy cái va li. Chưa nói gì, mẹ hắn đã ngất. Bố hắn trợn tròn mắt như có lửa. Hắn cũng quỳ mọp như xưa, xin bố mẹ đồng tình cho cô này làm dâu, làm vợ. Hai ông bà già biết nói cũng bằng thừa, lẳng lặng lên lầu. Từ ngày đó hắn lại có thêm cô vợ mới. Hàng xóm đâu để yên, chia nhau đi điều tra. Hoá ra cô này là vũ nữ ở một bar chỗ ngã năm, hơn ba chục tuổi rồi, đã có một đứa con lai Mỹ, gởi đâu đó.
Thế là cảnh cũ lại tái hiện, sáng sáng người ta lại thấy vợ chồng hắn ở quán bà Sáu, vợ ly cối cà phê sữa, trên môi điếu Camel, chồng cà phê đen, tủm tỉm cười. Sau màn cà phê là ăn sáng, lần nào cũng gọi vài món đầy bàn mới thoả chí. Nhưng cô này khác cô trước, cà phê xong là bắt đầu gây độ đánh bài. Độ bài có cả đàn ông lẫn đàn bà, cô ngồi đưa vú lồ lộ, ngã ngớn bên này, cười nói bên kia đùa giỡn với đám đàn ông, mà toàn nói tục tĩu xa gần rồi cả đám cười hô hố. Cu Ty vòng tay đứng nhìn một lát rồi lẳng lặng ra về, lo chuyện cơm nước ban trưa cho riêng mình. Cả xóm, nhất là mấy mụ đàn bà gai mắt lắm. Cứ gặp mặt là liếc là háy là nguýt, chửi lầm bầm trong miệng thôi. Nhưng khó chịu lắm, lúc nào cũng ngay ngáy có ngày nó mồi chài luôn chồng mình. Bởi con mắt nó lẳng quá , tướng đi nó dẻo quá, cái vú nó đong đưa, cái mông nó nây nẩy. Ai cũng lo. Rồi từ gây sòng ở quán, cô ta dời sòng về nhà. Bố mẹ hắn chỉ biết kêu trời, đứng hàng hiên mà gào mà khóc, bố nó thì lấy nạng cứ gõ vào sàn, mắt như bật máu.
Từ bài bạc, dẫn đến rượu chè, nhiều đêm kéo dài qua nửa đêm mới tan hàng. Cô này thâm hiểm và mưu mô hơn cô trước nhiều. Cô trước bố mẹ hắn có chửi cũng im, đánh thì chạy. Cô này dễ gì, mẹ hắn vừa mở miệng than phiền là vợ hắn nhảy vào họng làm một tràng khiến bà cụ muốn nín thở, đành thua. Vợ hắn lại hay đi đêm, lâu lâu có mấy lão già, mấy cậu thanh niên nhìn có vẻ dân chơi đến chở đi thâu đêm. Có khi đi vắng cả vài hôm. Hắn cũng chẳng nói gì. Bởi vợ hắn bảo ở nhà lâu cũng buồn, mà vợ hắn là chân đi, chân nhảy, dân vũ nữ mà. Vợ hắn không chịu được không khí êm ắng, vợ hắn ghiền tiếng cười, tiếng nhạc xập xình. Vợ hắn thích thú khi đêm đêm được chở ra xa lộ, gió thổi bung tóc, rượu tràn môi, nói cười cho thoả chí. Hắn không làm được chuyện đó, nên cứ để cho vợ được vui.
Đi chơi suốt thế nhưng vợ hắn ít khi về thăm con, lâu lắm hoạ hoằn thị mới ghé lướt qua rồi đi. Thế nhưng đêm nào rượu say cũng gào lên nhớ con bé quá, khổ thân con bé quá!!!
Mẹ hắn thì đêm đêm ra sân thắp nhang trước bàn thiên mà lẩm bẩm tai hoạ, tai hoạ, mong sao thoát được kiếp nạn này.
Và tai hoạ đã đến thật. Sáng ông bà chở nhau đi giao hàng, đàng sau cồng kềnh mấy thau gà làm sẵn, tránh chiếc xe Lambretta đàng trước, bị chiếc xe nhà binh đi đàng sau chèn nát bét. Bố hắn chết ngay, mẹ hắn chết ở nhà thương. Mấy hôm đám ma, trong nhà ê a tiếng tụng kinh của mấy thầy chùa, ngoài sân con vợ hắn vẫn gày sòng và độ nhậu. Nó bảo chết cũng chết rồi, người sống phải vẫn vui vì cuộc đời chẳng biết chết lúc nào. Mọi người giận lắm nhưng chẳng biết tính sao vì cô ấy dữ còn hơn hổ, chả ai dám vướng vào, rách việc.
Bốn chín ngày vừa xong thì vợ hắn dẫn về một đứa bé lai, bảo từ nay cho mẹ con được gần gũi nhau. Con bé dễ thương lắm, tóc vàng hoe, mũi cao, da trắng hồng, đôi mắt xanh biếc nhìn như con búp bê. Con bé sợ mẹ lắm, cứ nhìn thấy mẹ là người co rúm lại, nhìn chung quanh như cầu cứu.
Hắn có bao giờ cãi vợ đâu, nên đương nhiên là hắn bằng lòng. Mọi người ai cũng nghĩ cặp này chắc cũng giống trước, vài tháng là tan hàng. Nhưng không, kéo dài khá lâu và quyền sinh sát, mọi toan tính đều nằm trong tay bà vợ. Trước tiên là cô ta đề nghị bán nhà lớn, mua cái nhà nhỏ gần đó, lấy tiền gởi Việt Nam Thương Tín, lấy tiền lời sống. Ban đầu hắn không đồng tình, lần đầu tiên người ta thấy nó cãi cọ, nhưng vẫn cái giọng nhỏ nhẹ thường ngày. Hắn bảo nhà của bố mẹ, không thể bán được và hắn cương quyết giữ lập trường. Nhưng hai tháng sau, căn nhà có chủ mới, vợ chồng hắn dọn về căn nhà cách đấy ba căn, nhà nhỏ xíu chỉ có một phòng. Dư luận lại xáo xào, dị nghị, nhưng rồi ai cũng tặc lưỡi: thôi kệ, miễn thằng Cu Ty vui. Tội nghiệp nó. Hình như mọi người cũng bắt đầu nhàm chán câu chuyện này, bởi cũng đều đều như thế, chẳng có gì mới để bàn tán thêm, nên lơ.
Nhưng rồi không lơ được, bởi một sáng, mọi người nghe tiếng chửi rủa của cô vợ, tiếng rì rầm của Cu Ty rồi sau đó là chiếc va li quần áo của hắn bị ném tung tóe ra ngõ. Loang thoáng lắng nghe, người hiểu chuyện biết rằng cô vợ đã khôn ngoan mua nhà đứng tên của cô ấy, và đã đến lúc hoàn tất âm mưu, chấm dứt quan hệ và kết cục là hắn mất hết, phải ra đường.
Cu Ty lang thang mọi ngả đường, mấy ngày đầu còn chút tiền để mua, sau đó là xin ăn. Có lúc đói quá lại vào chùa kiếm cơm, ở đôi ba bữa lại đi.
Thời gian sau, người ta gặp Cu Ty đi ngoài đường, đã tiều tuỵ lắm, quần áo tả tơi. Hắn vừa đi vừa làm điệu như vỗ cánh, lâu lâu lại ngồi xuống mổ tìm gì đó ở dưới đất. Hỏi hắn tìm gì, hắn bảo tìm hạt lúa, sao bây giờ lúa hiếm hoi thế. Lắm kẻ độc miệng bảo ngày xưa bố mẹ hắn giết nhiều gà quá, bây giờ hắn phải trả cái nợ đó cho bố mẹ hắn. Mà nhìn cái dáng vỗ cánh và mổ tìm lúa của hắn, nhìn y như con gà.
Sau này, có dịp về lại xóm cũ, hỏi thăm mọi người về Cu Ty, người ta bảo sau khi mất hết nhà cửa rồi điên loạn, hắn được một thầy trụ trì đem về chùa, tu học tinh tấn lắm và sau đó viên tịch ở chùa. Cũng xong một kiếp nạn. Tui chỉ băn khoăn một người hiền như Phật thế kia sao mà khổ thế, chỉ toàn gặp dối lừa, khổ nạn. Có phải vì trời sinh hắn hiền quá chăng? Nếu thế thì chính tâm Phật đã hại hắn rồi.
Saigon. 20.5.2017
DODUYNGOC

 


Những giấc mơ bay trên bầu trời
Mặt đất đầy tiếng khóc
Những bức tường ẩm mốc 
Trói chân đi
Vực thẳm vây quanh
Con chim héo giọng trên cành khô
Bay mãi không ra khỏi trời
Đêm đầy tiếng ma trơi
Ngày âm u tiếng hát
Lịch sử phô ra những điều cũ nát
Người lầm lũi lưng uốn xuống đường
Kiếm miếng ăn
Thời đại không biết ăn năn
Trước những điều xấu hổ
Những khẩu hiệu như bom nổ
In trên những vách tường lổ chổ
Và những cờ xí xếp hàng
Chở những lầm than
Máu tràn lan như nước sông
Mà sông thì cạn kiệt
Sông núi chỉ một màu máu đỏ
Khói bụi bay đầy xóm ngõ
Người già gục đầu và trẻ nhỏ ho khan
Ác quỷ sinh nở tràn lan
Người đứng xếp hàng chờ mệnh số
Cả đám đông đứng trên miệng hố
Đợi phút ngã nhào
Cỏ cây tức thở
Hàng cổ thụ cụt đầu
Biển ầm ào sủi bọt biển dâu
Đã có kẻ âm mưu đầu độc biển
Ta đợi gì đây
Đợi trái đất vỡ tan
Đợi tinh tú chẳng còn
Đợi những ai sống sót
Những bạn bè thất lạc
Những oan hồn lang thang
Chẳng nhìn rõ mặt nhau
Lên một toa tàu
Vào phòng hơi ngạt
Thế giới rì rầm tiếng gọi địa ngục
Trần gian ầm ào tiếng của máu xương
Lịch sử vội vã cho xong một âm mưu
Hiện thực trì hoãn
Những con rắn không còn bờ bụi che khuất
Bỗng lộ mặt nạ con người
Với mồm đầy nọc độc
Đất nước bị tiêu chảy dưới cơn mưa
Ở đâu cũng đầy cứt
Trây trét vào mặt nhau
Bóng tối che khuất tội lỗi
Cả lũ nhe răng cười
Tiếng kinh rì rầm, tiếng mõ khua
Tiếng chuông buổi chiều tan trong mây xám
Phật bỏ đi đâu rồi
Chùa chỉ còn những pho tượng đồng khổng lồ rỗng ruột
Chúng sinh quỳ vái vào đít nhau
Đốt những đồng tiền giả
Những ngọn cỏ khô trên những gò mả
Những bia mộ không tên
Hậu quả của cuộc chiến tranh phi lý
Hàng lau trắng như dåi khăn tang
Bay hoài trong gió xuyên qua hai thế kỷ
Có còn giọt nước mắt nào cho người đi mãi không về
Khuya nghe mọt gặm trên hàng cột
Như nỗi đau xé ruột
Ngày nhìn mảnh ruộng sắp cưỡng chế
Không biết mốt mai
Tổ quốc còn đi trên những chặng đường dài
Đầy bất trắc
Hiện tại chứa đầy điều nôn mửa
Âm binh chạy đầy đường và quỷ sứ vẫn ngang nhiên
Những chính trị gia già mồm như gái đĩ
Phát biểu những điều cái đầu không nghĩ
Tàu đi ta đang đợi tàu đi
Chẳng biết đến nơi có những gì
Vân mơ tàu chạy
Chẳng còn sân ga nào giữa sa mạc nóng chảy
Với những con đường quạnh hiu
Chúng ta đi về đâu
Phần thế kỷ còn lại
Hình như chẳng có toa tàu nào nổ máy
Ta cột những giấc mơ vào những đám mây
Gió sẽ mang đi đâu dó
Thời đại đen như mõm chó
Và đầy những lỗ đen
Đẻ ra những quyền lực
Ăn cướp giấc mơ
28.7.2018
DODUYNGOC










Bây giờ mà ngồi nói chuyện với ai đó, hoặc đọc đoạn văn của ai đó mà gọi bệnh viện là nhà thương thì chắc chắn rằng ai đó chánh hiệu con nai vàng là dân Sài Gòn trước 75. Chắc chắn là như thế. 

Bởi trước 1975 ở Sài Gòn dù các bảng tên đều ghi là Bệnh viện, nhưng dân Sài Gòn vẫn gọi là nhà thương. Bởi theo quan niệm của họ đây là nơi nhà chữa trị cho người thương tật bịnh hoạn, là nơi xoa dịu nỗi đau, giúp họ khỏi bệnh tật.

Người miền Nam trước 1975 gắn liền nhà thương với tình thương, là nơi thể hiện tình cảm của những người làm ngành y tế với bệnh nhân, là nơi các soeur Công giáo hi sinh trọn đời để chăm sóc và thương yêu từng bệnh nhân, là nơi các bác sĩ, y tá hết lòng cứu chữa bệnh nhân với tình thương và trách nhiệm. Nên họ gọi bệnh viện là nhà thương, tiếng gọi bao hàm nhiều tình thân và nhân bản.

Sài Gòn thời đó có nhiều bệnh viện công do nhà nước quản lý như nhà thương Chợ Rẫy, nhà thương Chợ Quán, Bình Dân, Nguyễn Văn Học, Từ Dũ, Hùng Vương hay nhà thương Hồng Bàng, Vì Dân...Bệnh nhân vào chữa trị ở các bệnh viện này đều được miễn phí hoàn toàn, nên còn gọi là nhà thương thí. Mang danh nhà thương thí nhưng y bác dĩ vẫn tận tâm, chữa trị đến nơi đến chốn.

Đương nhiên ở nhà thương thí thì điều kiện sinh hoạt không được tốt như những nhà thương tư. Nhưng không bao giờ có cảnh ba bốn người một giường hay điều kiện vệ sinh quá nhếch nhác như một số bệnh viện bây giờ. Cũng không có cảnh phải phong bì bồi dưỡng từ y công, y tá đến bác sĩ như bây giờ.

Thuở đó Sài Gòn cũng có nhiều bệnh viện tư dành cho người có tiền như bệnh viện Đồn Đất (Grall của Pháp) hay các bệnh viện của bang hội người Hoa như Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Sùng Chính…mở ra nhiều ở Sài Gòn. Nhiều nhà sinh tư nhân thì gọi là nhà bảo sanh, cũng là nơi giúp các sản phụ khi sinh nở. Ở nhiều nhà bảo sanh có các bà mụ là y tá lâu năm, tốt nghiệp nữ hộ sinh quốc gia, tay nghề còn giỏi hơn bác sĩ

Thế nhưng, nằm nhà thương tư thì sạch sẽ, thoáng mát nhưng nếu gặp biến cố hay ca khó, bệnh nhân cũng đều phải chở vào nhà thương công, bởi mang danh là nhà thương thí nhưng ở đó đều quy tụ bác sĩ giỏi và các sinh viên y khoa ưu tú nội trú ở đấy.  Họ giỏi về chuyên môn và đối xử với bệnh nhân bằng y đức. Sanh con so hay khó sinh thì phải vào nhà thương Từ Dũ, Hùng Vương, lao phổi thì phải vào bệnh viện lao Hồng Bàng.

Cả một thời gian dài mấy chục năm, chưa bao giờ có cảnh người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế mà chỉ có một thái độ kính phục, trân trọng và biết ơn.

Thời thế đổi thay, chẳng còn ai gọi bệnh viện là nhà thương nữa. Gọi thế thành châm biếm. Bởi bây giờ chốn ấy chẳng còn tình thương, không còn là nơi để sẻ chia những đau đớn của người bệnh nữa. Giờ bệnh viện là chốn kinh doanh, có nơi tiền phòng đắt như khách sạn bốn năm sao. Vào nhập viện dù đang cấp cứu sắp chết thì cũng phải đóng tiền mới có người đến khám. Mọi sinh hoạt đều phải trả tiền, từ miếng nước cho đến giấy chùi cầu, từ ngọn đèn cho đến bông băng. Chẳng còn phân biệt công tư, chỗ nào cũng phải có tiền mới chữa. Giờ mang bệnh thì giàu có không nói làm chi, chứ khá sẽ xuống nghèo, nghèo xuống mạt và chẳng còn chi để sống, bán vợ đợ con, bán hết đất hết vườn hết ruộng hết nhà vì bệnh. Tiếc cái nhà thương thí biết bao nhiêu.

Cái tên nhà thương thí đã trở thành dĩ vãng.

Bỗng dưng nhớ tiếng nhà thương tha thiết và tiếc một thời gọi thân thương nhà thương thay cho bệnh viện.

27.6.2018

Đỗ Duy Ngọc





















Hôm qua nói chuyện cái ấm tử sa, có người bảo tui nói cái ấm mà không nói cái chén là chưa có đủ. Bởi tiếng Việt ta thường nói ấm chén, chỉ nói ấm là lẻ bộ. Có cô gái đẹp còn nhờ tui chỉ mua một bộ ấm chén về chơi nữa. Thật ra, chơi ấm chỉ là chơi cái ấm, hổng có dính tới cái chén. Nhưng thôi, đã nói thì nói luôn cho nó đủ, nên hôm nay nói chuyện cái chén trong bộ đồ trà của người Việt.

Ta thường nghe "Trà tam tửu tứ" Có người giải thích “trà tam” là cuộc trà chỉ nên có ba người. Ba người cùng tận hưởng thì mới vui, hai người vẫn là số ít, còn một người thì chả có gì lý thú, thi vị. Còn “tửu tứ” là bữa rượu phải có bốn người ngồi chạm ly đối ẩm thù tạc, khề khà với nhau qua hơi men mới thấm thía tận gan ruột. Như thế “tam, tứ” (ba, bốn) ở đây chỉ số lượng chủ thể là người uống.

Lại có người cho rằng, uống trà phải đủ ba cốc mới thưởng thức hết được cái hương vị chát ngọt của trà, lúc đó mới thông nhuận được thần khí hào sảng. Còn rượu phải bốn chén mới ngấm từ đầu lưỡi vào ngũ tạng và mùi vị sực nức mới đủ tỏa hương dẫn tới ngà ngà. Có một lập luận mềm dẻo hơn cho rằng “trà tam” là trà pha đến nước thứ ba mới đích thực nước cốt của trà cả về màu sắc lẫn tinh chất. Còn nước một chỉ là rửa trà, nước hai còn chát, cứng, nước thứ tư trở đi gần như loãng, nhạt, mùi vị rơi rớt. Như vậy, “trà tam” là nhấn mạnh đến phương thức pha chế và chất lượng của trà, chứ không phải loại trà nào cũng qua ba bước, ba bận mới ngon. (Hoàng Hương Việt - Trà tam tửu tứ)

Tìm hiểu thú tiêu dao trà rượu của người Trung Hoa, người Nhật Bản, lại không thấy quan niệm này. Chứng tỏ "Trà tam tửu tứ" là quan niệm riêng của người Việt. Tàu chỉ có độc ẩm và quần ẩm. Tức là ngồi uống một mình hay ngồi với số đông. Cái chuyện ngồi cũng lắm chuyện lắm: Nếu hai người thì ngổi đối diện nhau, gọi à đối ẩm hoặc song ẩm, Khách đông năm người, ngồi kiểu năm cánh mai (ngũ mai); sáu người, thì ngồi theo kiểu bông tai vị (lục vị); bảy người ngồi kiểu thất hiền (bảy tiên), kỳ dư đông quá thì sắm bàn tròn, đông hơn nữa thì bàn bầu dục, bao nhiêu người cũng xong.

Lại trở về với cái chén. Xuất phát từ chuyện trà tam tửu tứ đó, nên bộ đồ trà Việt có 3 chén, để dành cho ba người. Bàn để đồ trà, tục gọi xà kỷ (trà kỷ) thì kê sát vách, chừa đủ ba mặt để ba người bắc ghế ngồi thưởng trà. Nếu bốn người thì bàn vuông và đương nhiên phải sử dụng bộ 4 chén.

Người ta cho rằng năm 1804 (Giáp Tý), sau khi lên ngôi, Vua Gia Long lệnh vẽ kiểu thuê lò Cảnh Đức bên Tàu làm, nên gọi là đồ ký kiểu. Thuê làm bộ chén sứ, ba quân một tống để chung trên một đĩa bàn, quần thần chung lưng đấu cật, ngụ ý câu “ Quân cộng lạc, hề thần cộng lạc. Quân cộng ưu thần tất cộng ưu”. Hành động này cho thấy vua vẫn ghi ân ba quân trong những ngày tháng bôn ba, cùng chia ngọt sẻ bùi. Từ đó trong bộ đồ trà có thêm chén tống. Chén tống là chén lớn hơn ba chén còn lại, dành cho vua. Ban đầu để chung một dĩa. Nhưng đến 1813, khi làm bộ trà Mai Hạc, tức bộ đồ trà vẽ cảnh cây mai và chim hạc thì sự sắp xếp đã đổi thay. Bộ trà lúc này gồm một chén chứa nước trà, dầm trà, trước đây gọi “chén tướng” nay vì kiêng cữ đành đọc trại ra “chén tống”, và để riêng ra trên một đĩa dầm, cho thêm phân biệt (vua ngự cung nội). Những chén còn lại gọi là chén quân, nhưng sau vì ngại chữ quân gợi vua nên gọi là chén tốt. Lúc này đây, Gia Long đã có quyền lực vững vàng, đã bắt đầu xa cách ba quân, nên chén tống được đứng riêng một dĩa. Chuyện này cũng do người ta nghĩ thế, không biết lòng dạ của Gia Long có thế thật không. Nhưng chính xác là chén tống xuất phát từ thời kỳ ấy.

Thế khi uống trà bình thường, chén tống có công dụng gì? 

Chén tống là một trà cụ không thế thiếu được trên bàn trà, được sử dụng để làm đều trà trước khi rót ra các chén quân, ta rót trà từ ấm ra chén tống trước rồi mới rót từ chén tống ra chén quân,vì vậy khi rót trà cho khách thì không bị chén đậm chén nhạt nước . Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng trước khi có chén tống người ta thường sử dụng các cách rót trà khác cũng có mục đích làm đều trà khi rót trà ra các chén quân cụ thể như cách :

” Hàn tín điểm quân ” : rót trà vào chén quân lần lượt điểm mỗi chén một chút trà cho đến khi đầy chén

” Quan Công Tuần Hành ” : đặt các chén quân thành một hàng sát cạnh nhau rồi rót trà từ ấm ra các chén bằng cách lướt nhanh dòng nước qua các chén trà, lướt qua lại vài lần cho đến khi các chén quân đầy trà .

Nhưng chén tống cũng có nhược điểm là làm cho trà nhanh bị nguội quá, nhất là vào thời tiết mùa đông lạnh .

(Trà Thuần Việt)

Tóm lại, chén tống dùng để trà được đồng nhất, không có chén đậm chén nhạt, cuộc trà mới cùng được 

thưởng thức vị ngon của trà giống như nhau.

Ngày trước, trong bộ đồ trà, chén tống cũng được làm hình dáng và trang trí hoạ tiết giống các chén tốt, chỉ có kích thước lớn hơn thôi. Như thế, bộ đồ trà mới đồng bộ, đẹp mắt. Sau này, người ta dùng đủ loại chén tống, đủ loại nguyên liệu, đôi khi nhìn lạc lõng với toàn bộ, khiến cuộc trà thiếu tính thẫm mỹ.

Chén trà ngày xưa thường không có quai, cầm chén trà thấy ấm tay, uống thong thả để trà thấm vào lưỡi, vào miệng, xuống họng, thế mới gọi là uống trà. Cho nên người ta mới gọi là nhắm rượu, thưởng trà. Tức uống rượu phải nhâm nhi, uống trà phải khoan thai thưởng thức. Còn uống vội vàng, uống chén to nhiều nước sẽ bị gọi là "ngưu ẩm". Uống trà là cả một sự tinh tế, là lúc để hưởng cái thú, được thăng hoa để chiêm nghiệm sự đời. Cho nên chén trà ngày xưa bé xíu, uống từng ngụm nhỏ để thấy hết cái hương hoa, cái vị của trà. Đó là lúc tận hưởng, là lúc các giác quan thưởng thức chứ không còn là chuyện uống để giải toả cái khát trong người. Từ đó mới thành một cái gọi là Trà đạo. Uống trà để chiêm nghiệm, để hiểu thêm sự đời chứ không phải là "trà dư, tửu hậu". Uống trà như thế mới là người biết thưởng trà, sành điệu.

Những bộ đồ trà ký kiểu còn lại của Việt Nam. (Theo Trà Thuần Việt):

Sau bộ Mai Hạc do Vua Gia Long lệnh làm, hiện nay còn lưu giữ những đồ trà dưới đây, tuy không còn đủ bộ nhưng cũng cho thấy sự tinh xảo và mang nhiều ý nghĩa dù là đồ ký kiểu do Trung quốc sản xuất theo đơn đặt hàng của triều đình nhà Nguyễn.

1. Kiểu “ Mãn hoạ tùng đình”, hiệu Ngoạn ngọc hay Nhã ngọc :

Vẽ san thuỷ giáp vòng, vóc lớn hơn chén Mai Hạc một tí, đặc biệt là ký kiểu Phong cảnh Huế: núi non chập chồng, có mấy khóm trúc lơ thơ, liễu múa giao nhành, lâu đài thuỷ tạ, trên cầu có hai người đi, nơi cửa vòng nguyệt thấy có bóng người đọc sách, trong nhà thấy hai người ngồi đánh cờ, giữa sân thấy hai người đang giang thẳng cánh một bức cổ tranh cùng đứng ngắm vẽ chi chít những nét xanh trên nền sành trắng, vẽ đầy mặt chén, có gốc tùng, có mái đình nên gọi “ mãn hoạ tùng đình” chế cỡ lớn và không đề một chữ nào, vì độc nhứt làm cho hạng người “ ăn mặn uống đậm”, bình sanh chỉ biết múa gươm nhưng thường cũng thích chửi thề với văn tự từng lập nghiệp trên lưng ngựa mà chưa hoặc ít từng vào trường học một chữ nào, và những bộ chén lớn ấy, dành cho các nhà cựu công thần, xuất thân là võ tướng không biết chữ !

2. Kiểu “liên áp” tục gọi “sen le” thường ký hiệu “Ngoạn ngọc”, và chia ra nhiều cách vẽ riêng biệt:

a. Một bộ không có đề thi và vẽ bốn con chim vịt, gọi lele cũng được, khi thì vẽ lội dưới ao có sen mọc, vì vậy gọi kiểu “sen le”, chữ là “liên áp” khi thi vẽ bốn chim vịt ấy có cử động khác nhau:

- Con thì cất cánh, như bay (phi)

- Con thì há miệng như kêu (minh)

- Con thì dấu đầu dưới cánh như ngủ (túc)

- Con thì lặn ngụp dưới nước kiếm ăn (thực)

Kiểu nảy không vẽ sen, lại vẽ vài bụi trúc, nhìn kỹ thấy rõ là loại trúc mọc bờ sông Hương, và vì vẽ chim bay, kêu, ngủ, ăn nên gọi kiểu “phi minh túc thực”. Hiệu đề bốn chữ “ Ngọc lâu quang uẩn” ( số mục lục 1010) vì góc gãy, định làm vào đời Thiệu Trị Tự Đức

b. Một đĩa bàn thật lớn, cạnh mẻ bịt lại bằng đồng, hiệu sáu chữ ” Đại Minh Thành Hoá niên chế” viết trong hai vòng thật tròn (double cercle) (mục lục số 410) vẽ hai con chim vịt lội dưới nước, gần mỏm đá có bụí lan hoa lá lòng thòng ghi ra “chiếu thuỷ”, nét vẽ thần tình, mầu tô thật đậm, định đời Khang hy ( 1662-1722). Dĩa này lớn quá nên không phải dĩa đựng chén trà; vì mặt bằng phẳng và kính tâm đến 23,4 phân tây ( 235 mm) nên định đời xưa dùng làm mâm đựng trầu têm, hoặc bánh trái và gọi là mâm hiến lộc.

c. Một kiểu nữa, cũng dĩa bàn dáng bánh sáp, nhưng bị mẻ nhiều nên hay mài cạnh thâu nhỏ lại và bịt cạnh bằng bạc hiệu Ngoạn ngọc.

Trên dĩa vẽ hai chim vịt: một con giấu đầu vào cánh, một con ngước mỏ kêu, gần bên vẽ hai lá sen và hai bông sen chật dĩa, thêm có hai câu thi hán tự:

”Lộ dục trì biên hậu

Hoa dương thuỷ điện thi”

Dịch:

“Chim tắm bờ ao phải lúc

Bông thơm mặt nước nhằm thời”

Xét ra hai kiểu đều thợ lò Giang Tây vẽ, nhưng bộ c) có vẽ tàu hơn bộ a), bộ c) ắt chế cho Trung Hoa dùng, 

còn bộ a) là làm cho Việt nam theo kiểu thức đã vẽ trước, cả hai đều đẹp mỗi bộ một điệu riêng, tiếc thay không bộ nào còn sót chén lại, nếu còn dùng làm quà dâng tiệc cưới thì thanh nhã vô cùng, lại thêm đẩy đủ ý nghĩa chúc câu “hoà minh, túc đế”

d, Một cái chén lẻ bộ, toàn hảo, số mục lục 716, hiệu “Tuyên Đức Niên chế” (khéo như cổ vật đời Minh Tuyên Đức), có lẽ chế tạo đời Khang hy, vẽ kiểu “liên áp” khác hơn các kiểu thường thấy, bụi sen đã khéo, lại vẽ hai chim không giống các kiểu nói trên đó là hai ngỗng cao lớn đứng kề nhau, hai thân nhập một, một con ngó trước còn con kia ngó ngoáỉ đầu lại nhìn theo con bạn, nét vẽ thần tình, kiểu vẽ độc đáo, quả là một tân ngoạn khó kiếm.

Một nhà chơi cổ, dựa theo điển tích, chuộng món đồ cổ kiểu của nước nhà hơn kiểu của Trung Hoa, nên ngụ ý hai câu lục bát sau đây, làm câu thiệu dễ nhớ:

“Thứ nhứt liên áp bốn con,

Thứ nhì liên áp hai con chữ đề”

Một dĩa khác, hiện không dễ kiếm, hiệu “Mỹ Ngọc” vẽ lá sen và con chẫu chuộc, Nam gọi “chàng hiu”, đề câu thi “Thuỷ phiếm liên hạ ẩn, oa hướng hà thượng minh” (Dĩa này cũng sắp vào bộ môn “sen le”).

Kết lại, kiểu uống trà thời nay đã khác nhiều. Trà cụ cũng đổi thay. Ngày nay người ta dùng chén tống bằng nhiều chất liệu, chuệch choạc với các chén và bình. Chén trà có quai, to như tách uống cà phê, người uống không còn nhâm nhi thưởng thức như người xưa nữa, mất đi cái thú thanh cao. Thôi thì thời thế đổi thay, thời giờ sinh ra tiền ra bạc, ai cũng nháo nhào, còn đâu cái an nhàn, sống chậm như xưa. Biết làm sao  khác được.

Mồng ba tết Đinh Dậu

30.01.2017

Đỗ Duy Ngọc

(Sử dụng một số tư liệu của Trà Thuần Việt)


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget