Thông thường, làm chủ, quản lý, điều hành để phát triển một nhà hàng có tên tuổi là một công việc khó nhọc và tốn nhiều thời gian, công sức. Thế mà ở đất Sài Gòn có một cô từng làm chủ năm cái nhà hàng giờ còn bốn, thật đáng nể! Nể hơn nữa là thường thường nếu làm chủ một chuỗi nhà hàng, tất cả hệ thống đó đều bán chung một mặt hàng và trang trí giống nhau. Ở đây không thế, bốn nhà hàng bán bốn món ăn vùng miền khác nhau, trang trí hoàn toàn khác nhau, cho nên tốn rất nhiều ý tưởng để thực hiện cũng như theo dõi, tổ chức. Cô chủ lại là người duy mỹ, cầu toàn. Bởi vậy trong các nhà hàng của cô, những chi tiết rất nhỏ cũng được lưu tâm một cách tinh tế. Từ cái chén, đôi đũa, cái muỗng cho đến cái gác đũa. Từ cái vòi nước trong phòng vệ sinh cho đến cánh cửa sổ, nhất là những bình hoa. Tất cả đều được lựa chọn theo ý của chủ nhân để tạo một hình ảnh phù hợp với yêu cầu của khách và cả của chủ. Không ngại tốn kém, không sợ tốn công. Chỉ cần nhà hàng phải đẹp, phải tạo được niềm vui cho khách. Khách bây giờ đến nhà hàng không chỉ để thưởng thức món ăn mà còn để ngắm. Ngắm rồi chụp hình đưa lên Facebook, để khoe với mọi người, để kỷ niệm ghi lại một lần đã đến. Món ăn thì khó mà chiều lòng cho tất cả. Bởi ngon hay dở cũng tuỳ cái lưỡi của mỗi người. Mỗi người một khẩu vị, khó mà đáp ứng được. Thế nhưng món ăn, khung cảnh đẹp thì ai cũng thích. Những nhà hàng của cô chủ này đã mang đến cho thực khách niềm vui đó dù giá có thể hơi cao hơn mặt bằng chung một chút nhưng cũng khó phàn nàn.
Tôi đang đề cập đến các nhà hàng có tên Bếp nhà xứ Quảng, Bếp nhà Lục tỉnh, A bún bò và một nhà hàng cũng mang tên Bếp nhà xứ Quảng vừa mới khai trương ở phố cổ Hội An của Cô Ba Đoàn Thu Thuỷ. Cũng không quên nhắc đến nhà hàng L'Aura de Nam Kỳ rất hay, rất chất ở con đường Tú Xương khá sang của đất Sài Gòn. Nhưng vì nhiều lý do nhà hàng phải đóng cửa sớm trong nuối tiếc của nhiều người đã có lần ghé đến.
Bếp nhà xứ Quảng là nhà hàng đầu tiên của Cô Ba Thuỷ. Trước ở đường Hai Bà Trưng, sau dời về Trần Cao Vân. Như tên gọi, nhà hàng chuyên về các món ăn xứ Quảng. Ở đây, khách có thể gọi tô mì Quảng, tô Cao lầu, thịt heo luộc chấm mắm cái, tôm chua, cá nục cuốn bánh tráng, cá chuồn kho, canh mít non... và nhiều món nữa. Người Quảng ở Sài Gòn, người Quảng từ xa về, đến đây sẽ thưởng thức được những món ăn của quê nhà, món ăn của kỷ niệm. Nhà hàng là một ngôi nhà Hội An được dựng lên ở phố Sài Gòn. Cũng giàn bông ngoài sân, cũng những chiếc lồng đèn đỏ treo cao gợi không gian Phố Hội.
Rồi đến Bếp nhà Lục tỉnh ở đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cải tạo từ một quán bar Blue Ginger của một tờ báo, cô chủ đã đào một cái ao giữa nhà hàng, bên bờ có bụi chuối, hàng cây và một dãy lu sành xếp hàng hứng những giọt mưa nhỏ xuống từ những mái lá. Tất cả gợi một không khí của một miền quê miền Tây Nam Bộ, chỉ thiếu điệu hò trên sông nước. Món ăn cũng như tên gọi của nhà hàng, rặt món ăn của miền lục tỉnh. Những món ăn bình dân được nâng lên một bậc để trở thành những món đặc sản trong nhà hàng sang trọng. Và cũng như quán xứ Quảng, người ta đến đấy để nhớ về một miền lục tỉnh với những món của những ngày thơ ấu, món ăn của một thời khi còn ở quê nhà. Không gian ở đây lắng lại, nghe đâu đó có một giọng ca cải lương thoang thoáng trong những món ăn.
Rồi đến A bún bò nằm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ở đây chỉ có bún bò Huế và mấy món bánh Huế như bột lọc, bánh nậm. Có thể có khách gốc Huế khó tính sẽ bảo chưa giống với món bún bò Huế thuở xa xưa Mạ nấu. Nhưng giờ đây kiếm đâu ra cái mùi, cái vị của quá khứ. Nhưng ở A bún bò, ta vẫn tìm được cái hồn của tô bún Huế dù đã hơi nhạt phai vì phải biến tấu cho hợp thời và đất, người miền Nam. Miếng giò heo mềm, nước lèo ngọt thịt, sợi bún trôi tuột vào miệng, mùi ruốc, mùi sả vẫn có tuy thoang thoảng. Thời nay thế là đã tốt rồi. Lại có thêm chả cua, chả tôm, chả lọn của Huế. Dọn tô bún ra bàn, thêm dĩa bánh bột lọc, bánh nậm và chén nước mắm mặn nhiều ớt. Ta tạm thời nhớ tới xứ Huế đang xa lắc lơ, nhưng Huế vẫn ở đây trong tô bún bò của Cô Ba Thuỷ.
Nhà hàng ở Hội An tuy mới khai trương chưa lâu nhưng đã trở thành địa điểm nhiều người thích đến để chụp hình. Bởi nó đẹp, cái đẹp rất Quảng từ ngôi nhà gỗ, từ những chậu cây được chăm chút, chọn lựa kỹ càng, từ những đèn lồng và cách trang trí tuy cầu kỳ nhưng vẫn thanh lịch, tự nhiên. Bạn đến Phố Hội mà chưa một lần vào nhà hàng để nhìn ngắm, để thưởng cho mình một món ngon xứ Quảng e rằng cũng là điều thiếu sót.
Để điều hành, quản lý mấy nhà hàng như vậy mà mọi thứ vẫn trơn tru phải khen là cô chủ giỏi. Mấy ai làm được thế?
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét