Cuối cùng, những người lao động nghèo muốn trở về quê ở những tỉnh miền Tây cũng đã được giải quyết. Điều đó cho thấy chẳng qua chính quyền không muốn làm hay không dám làm thôi. Nếu muốn quyết tâm làm rồi cũng sẽ được sắp xếp êm đẹp. Chính quyền thành phố đã phối hợp các tỉnh thành dùng xe buýt, ôtô tải đưa hàng nghìn người chạy xe máy từ thành phố về miền Tây. Hơn 20 ôtô tải, xe khách, buýt được lực lượng chức năng bố trí đậu dọc đường, hướng về tỉnh Long An, chờ sắp xếp đưa người dân về quê. 113 xe buýt được thành phố bố trí tại các chốt kiểm soát cửa ngõ hỗ trợ người dân về quê. Các xe buýt có sức chứa 40-80 chỗ, được bố trí gần các chốt nhằm sẵn sàng giải toả ùn ứ, hỗ trợ đưa người dân về các tỉnh thành an toàn. Phương án đưa ra ôtô sẽ chở cả người lẫn xe máy về từng tỉnh thành. Trước khi lên xe, người dân được xét nghiệm nhanh có kết quả âm tính. Người có xác nhận âm tính còn hiệu lực 48 giờ không cần test lại. Đã có gần gần 500 người dân được xe cảnh sát dẫn về các tỉnh theo nguyện vọng.
Tỉnh Long An cũng chuẩn bị xe buýt, xe tải để hộ tống 1.200 người trong hai ngày qua đang bị kẹt ở huyện Đức Hoà về quê. Tại chốt kiểm soát tỉnh Long An giáp ranh Tiền Giang, cảnh sát giao thông hộ tống 2 đoàn về Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Sóc Trăng với 6 xe được huy động. Kế đến, tỉnh Kiên Giang được bố trí 5 xe; An Giang, Bạc Liêu mỗi tỉnh 3 xe. Tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang mỗi tỉnh 1-2 xe đưa người dân hồi hương.
Những người liều lĩnh trở về ai cũng biết mình đang làm sai, nhưng không còn cách nào khác. Đã cùng đường sau thời gian bị phong toả, không còn tiền trả tiền trọ, cũng chẳng còn cách gì để kiếm sống, họ buộc phải tìm đường sống bằng cách trở về nhà. Một người trong đoàn sau khi đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính, được hỗ trợ phương tiện về quê đã phát biểu thật lòng:"Cảm ơn lực lượng chức năng đã hỗ trợ, giúp đỡ cho chúng tôi được về quê, dù chính chúng tôi là người làm trái quy định của thành phố".
Việc người dân được thu xếp để được về theo nguyện vọng cho thấy khi chính quyền thông cảm được cho dân, hiểu rõ được nguyện vọng của người dân thì mọi chuyện đều đưa đến kết quả êm đẹp. Không thể ép dân phải tuân theo những chủ trương khi dân chưa thuận tình.
Sáng nay 2.10, lại có thêm hàng ngàn người dân đi xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc tập trung trước chốt kiểm soát dịch trên đường Đồng Khởi, đoạn tiếp giáp giữa huyện Vĩnh Cửu với TP Biên Hòa yêu cầu được về quê. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, dù chủ trương của chính phủ là hạn chế tối đa những cuộc di chuyển đông người như thế này. Nhưng chính quyền Đồng Nai đã cố gắng tạo điều kiện cho những người muốn hồi hương. Lực lượng công an, cảnh sát cơ động , dân quân đã giúp đỡ và vẫy tay tạm biệt đoàn người từ giã.
Những cách giải quyết đấy hợp tình nên được sự ủng hộ của nhiều người dù vẫn biết những việc di chuyển đông người như thế có thể khiến cho dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. Thế nhưng khi chúng ta đã chấp nhận sống chung với virus, xét nghiệm kỹ càng và số người đã được tiêm chủng khá nhiều thì việc cho phép nhân dân đi lại là việc cần làm. Không thể để cho dân nhập cư và những người lao động nghèo chịu đựng khó khăn hơn nữa.
Qua cơn đại dịch mới thấy rõ hơn dân ta còn nghèo quá, còn khổ quá. Ngay những người đã định cư ở Sài Gòn lâu năm, vẫn còn rất nhiều khu vực, nhiều gia đình, nhiều người còn sống trong thiếu thốn và tạm bợ. Đi vào trong những hẻm sâu, ngõ nhỏ, vẫn còn đó những căn nhà chật chội, thiếu ánh sáng, những xóm nghèo, thiếu nhiều tiện nghi sinh hoạt, người ta sống ở ngoài đường nhiều hơn ở trong nhà tăm tối và ngột ngạt. Đi vào những con hẻm ở quận 4, Bình Thạnh, Gò Vấp hay Thủ Đức..đằng sau những cao ốc, những hàng quán, tiệm ăn rực rỡ ánh đèn là những khu lầy lội, ẩm thấp và trong đó có nhiều gia đình đã sống mấy đời ở đấy. Họ quẩn quanh với số phận mà không thoát ra được.
Những người nhập cư sống trong những dãy nhà trọ cũng chật chội và nóng bức. Thu nhập chỉ đủ trả tiền nhà và những bữa ăn không đủ dinh dưỡng. Nhưng vẫn còn hơn bám ở làng. Nhiều người đành sống trong những khu nhà mọc lên trên những đồng hoang, không điện nước, nhà vệ sinh, chắp vá và tạm bợ. Trú ngụ trong những lán nhà theo từng công trình đi mọi nơi. Nơi nào cũng đầy muỗi mòng và dễ lây nhiễm tật bệnh.
Họ làm đủ nghề để sống, có nhiều người mấy đời chạy chợ, buôn thúng bán bưng, có một chỗ ngồi nho nhỏ ở một cái chợ ven đường buôn bán những món rẻ tiền cho người nghèo, có người lượm ve chai, có người đi làm thuê, làm giúp việc nhà, phụ bán quán, rửa chén trong các nhà hàng, tiệm ăn. Người nhập cư đa số làm thợ hồ, chạy xe ôm, làm công nhân trong hãng xưởng, bán vé số, bán hàng rong. Nói chung thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh, con cái khó được học hành đến nơi đến chốn. Đầu tắt mặt tối, suốt ngày chịu nắng mưa, gió bụi nhưng chẳng để dành được bao nhiêu.
Do vậy, khi có dịch, họ là những nạn nhân đầu tiên lâm vào cảnh thiếu ăn, dễ dính bệnh và có nhiều người tử vong nhất. Và rồi không thể chịu đựng một thời gian dài giãn cách, họ không còn được làm việc, không còn được bán buôn, họ kiệt sức và không lối thoát. Những gói an sinh, những đồng tiền hỗ trợ của chính phủ chỉ giúp họ một thời gian ngắn, sau đó lại thiếu thốn. Người nhập cư tìm cách về quê. Họ quyết về nhà bằng bất cứ phương tiện gì, đa số là xe gắn máy. Nhưng cũng có người về bằng xe đạp và cũng có những thanh niên đi về bằng đôi chân trần qua hơn 300 cây số.
Người nghèo thành phố đành tìm mọi cách để chịu đựng qua cơn khốn khó. Trước họ sống nhờ những đoàn thiện nguyện, những nhóm từ thiện. Giờ họ chờ những hỗ trợ của nhà nước, lúc có lúc không với nhiều thủ tục. Họ mong ngày mở cửa để được đi làm. Cho nên họ vui mừng khi nghe tin giảm giãn cách. Dù biết trước mặt còn biết bao gian khổ khó thoát ra được.
Suy cho cùng, tình trạng bỏ làng quê ra thành phố kiếm cơm là chuyện bình thường ở các nước nghèo đang phát triển. Tuy nhiên, nếu các chính sách về đời sống cũng như về nông nghiệp được quan tâm tốt hơn sẽ không có nhiều người bỏ làng ra đi như hiện nay. Người nông dân làm suốt bốn mùa mà vẫn thiếu ăn. Đất đai bị quy hoạch vô tội vạ, mảnh ruộng càng ngày càng bé lại, thu hoạch không đủ trả chi phí, họ đành bỏ đất mà đi. Ra thành phố cũng chỉ kiếm đủ miếng cơm qua bữa. Cho nên khi thành phố có biến động, không còn kiếm sống được nữa họ đành phải trở về. Đó là vòng luẩn quẩn của số phận người nông dân Việt bây giờ. Chưa có thời kỳ nào mà người Việt phải ly hương nhiều như thời nay. Lớp thì đi lao động, làm thuê ở xứ người. Lớp thì vào thành phố kiếm sống. Và cũng không thiếu người rời quê lấy chồng phương xa mong được đổi đời, đi ra xứ lạ bán thân nuôi miệng.
Làng quê Việt Nam không còn không khí của làng xưa nữa và những phong tục, nét đẹp của cha ông mất dần đi. Quan niệm sống cũng đổi thay, tình người đối xử với nhau cũng không còn như cũ nữa.
Những người hôm qua còn đứng dưới nắng nóng để mong một cuộc trở về giờ này chắc cũng đã thoả lòng với gia đình của mình nơi quê nhà. Cũng mừng cho họ nhưng rồi không biết tương lai sẽ ra sao? Có lẽ mốt mai, cuộc sống bình thường trở lại, họ lại lên thành phố, tiếp tục với những công việc cũ chứ ruộng đồng lúc này không còn nuôi sống họ được nữa rồi.
Hôm nay là ngày thứ hai giảm giãn cách ở Sài Gòn. Không khí thành phố có vẻ náo nhiệt hơn, mọi người cũng vui hơn. Nhiều chợ đã có lác đác người bán kẻ mua. Người bán tươi cười chào khách, tuy hàng hoá chưa nhiều, giá cả còn cao nhưng đã có sinh khí của cuộc sống. Như thức dậy sau giấc ngủ, như khoẻ lại sau cơn bệnh nặng, mặt người hớn hở với nụ cười dù đâu đó vẫn thấp thoáng nỗi đau của mất mát và chia lìa. Những tiệm vàng rộn rịp người bán, mấy tháng rồi ngồi không, giờ bán vàng để chi tiêu trong cuộc sống. Bán vàng còn để làm vốn tiếp tục bán buôn kiếm sống sau chuỗi ngày dài ngồi chờ đợi. Đem vài món quý đi cầm để có chút tiền mua nguyên liệu nấu đôi ba món ăn, mua vài thứ bán buôn kiếm chút lời để tiếp tục cuộc sống. Tiệm hớt tóc đông người, tiệm sửa xe lắm khách, tiệm tạp hoá nhiều người mua, tiệm sửa máy móc, điện thoại chen nhau, quán ăn cũng nhộn nhịp với những món ăn nhiều người đợi chờ. Mọi người ai cũng muốn giải quyết những việc mà hơn 120 ngày vừa qua không làm được. Nhưng trong sự hân hoan cũng còn lắm nỗi lo. Dịch vẫn còn đó, virus ở khắp nơi nên lúc nào cũng phải cảnh giác. Nhu cầu thì nhiều mà tiền bạc thì đang ít lần đi. Công việc kiếm ăn cũng nhiều khó khăn. Vui vì không còn bị giam hãm nhưng vẫn còn đó lắm nỗi lo cho tương lai. Lo cha mẹ đi làm mà con chưa được vào trường, ở nhà học trực tuyến không người trông coi. Lo mấy cái app lung tung chưa cập nhật nên ngại sẽ gặp rắc rối khi bị xét hỏi. Tiệm, quán, cửa hàng, chợ đang dần mở lại sợ tập trung lây nhiễm. Lo trộm cướp, băng nhóm tội phạm sẽ gia tăng vì túng quá làm liều, vì thiếu tiền làm bậy.
Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, giám đốc Công an thành phố cho biết sau quá trình áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, các loại tội phạm nằm im không thể hoạt động. Do đó, sau khi nới lỏng giãn cách; các băng nhóm tội phạm sẽ gia tăng hoạt động, nhất là trộm cắp, cướp giật tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, ma túy; cho vay lãi nặng, tín dụng đen...Vì vậy đêm sẽ khó yên giấc, đi làm cũng khó yên lòng.
Sở Giao thông Vận tải cũng có văn bản khẩn về việc hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố. Từ ngày 5.10, xe buýt, xe khách, xe taxi, xe công nghệ.... ở thành phố sẽ tái khởi động. Nhịp thở của thành phố đang dần trở lại, mong nhịp thở không còn bị tắc, mạch máu được lưu thông để Sài Gòn đứng dậy đi lên.
Hôm nay chỉ nói chuyện vui, không nhắc đến những bi thương và buồn thảm của 120 ngày tù hãm. Không nhắc đến những con số lạnh lùng của dịch bệnh. Không nói đến những oan khuất, những thói của bọn sai nha, những thủ đoạn làm giàu trên xương máu nhân dân của bọn tài phiệt. Những tin vui sẽ bớt những mây mù của một mùa đại dịch. Mừng cho những ai qua cuộc đau thương vẫn còn đủ cha mẹ, anh em, con cháu, bạn bè, người thân và bản thân vẫn còn vui khoẻ.
2.10.2021
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét