Tối hôm qua phường nhắn tin trưa nay chích mũi 2. Gắng ngủ sớm mà trằn trọc mãi không ngủ được. Sáng người không khoẻ, chuẩn bị mấy thứ linh tinh để đi chích. Trưa nóng, người đông quá. Hơn trăm người gộp ba bốn phường. Toàn người già ngồi ở sân trường học. Kiếm một góc vắng người ngồi chờ. Trước đây tôi và cũng đã có nhiều chuyên gia nói về chuyện đo huyết áp và khám sàng lọc khi tiêm chủng, hai khâu có lẽ thừa và cũng dễ lây nhiễm cho người đi tiêm chủng. Tưởng là đã được đơn giản hoá, ai ngờ bây giờ vẫn thế. Vẫn cái máy đo hết quấn cho người này đến người khác, vẫn những câu hỏi sơ sài cho có việc sàng lọc dù đã có ghi rõ trong phiếu đăng ký tiêm chủng. Thêm khâu sàng lọc hoá ra thừa vì chỉ là câu hỏi cho có lệ. Nếu giảm bớt hai khâu này, tốc độ tiêm chủng sẽ nhanh hơn nhiều và người đi tiêm cũng bớt được thời gian chờ đợi. Thú thật là ngồi trong đám đông hàng trăm người thế này, dù đã bịt kín tối đa cũng cảm thấy ơn ớn vì con Delta này lây nhanh lắm, nhất là người già sức đề kháng kém. Mũi 2 là Pfizer thôi, đành có chi xài nấy vậy, có muốn khác hơn cũng không được. Chấp nhận thì chích, không thì về. Đã về là khỏi chích luôn dù sau này thành phố có thể có Moderna. Chích xong ngồi chờ, có một cô nhà báo đến phỏng vấn, he..he khẩu trang, kiếng chống giọt bắn, mũ đội sùm sụp mà sao nhà báo nhìn ra tui mà hỏi và quay film. Hỏi có ý kiến chi khi chích mũi 2 là Pfizer, trả lời thì có gì chích đó thôi. Hỏi về khâu tiêm chủng, trả lời là tổ chức yếu quá. Có sao nói thế mà.
Thành phố muốn đạt tỷ lệ tiêm chủng trước 15.8, cho nên địa phương nào cũng khẩn trương làm cho nhanh, tập trung nhiều phường chích một lần do vậy đông người dồn ứ quá. Bộ Y tế bày ra Sổ sức khoẻ điện tử, lúc đầu thấy cũng hay, vừa chích xong mũi 1 là sổ cập nhận liền. Nhưng rồi sau đó trục trặc liên tục và bây giờ là"Có lỗi khi giao tiếp với hệ thống". Không vào được sổ của cá nhân cho nên xem như sổ đấy bỏ thùng rác. Dù đã xong 2 mũi nhưng cũng phải hết sức đề phòng, tuân thủ 5K. Về đến sân nhà là xịt nước rửa tay chân, bỏ khẩu trang, lên phòng là cởi hết áo quần đem giặt, tắm gội sạch sẽ cho yên tâm. Đã gần ba tháng rồi, đây là lần thứ hai đi ra đường. Hai lần đều là đi tiêm. Phố xá buồn hiu, lác đác cũng có người đi, thấm thía nỗi buồn của Sài Gòn trong thời gian dài giãn cách. Chờ thêm thời gian nữa, thêm một quãng đời bị đánh mất, thêm những ngày sống với lo âu, thêm những khoảnh khắc buồn.
Vaccine vẫn còn là nỗi lo của chính quyền cũng như người dân. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Đầu năm tới, chúng ta sẽ tự chủ vaccine trong nước và sắp tới nguồn vaccine nhập khẩu sẽ về nhiều, dự kiến trong tháng 9, tháng 10 sẽ có khoảng 30 triệu liều. Hiện Việt Nam đã triển khai công tác vận động ngoại giao vaccine hết sức quyết liệt theo cơ chế song phương, đa phương và qua mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để tiếp cận không chỉ vaccine mà cả thuốc đặc trị. Ngoài ra, còn thực hiện đôn đốc các hãng Astra Zeneca, Pfizer thực hiện các cam kết về cung cấp vaccine, đồng thời viện trợ, vay vaccine từ nước ngoài, đẩy mạnh hợp đồng mua vaccine mới từ các nước. Thông báo là vậy, nhưng thực tế thì chúng ta vẫn đang thiếu vaccine. Không chuẩn bị, thiếu tính toán đương nhiên hậu quả phải là vậy thôi. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, nếu không có đủ vaccine thì không thể ngăn được dịch. Việc quan trọng bây giờ của chính phủ là phải tìm mọi cách để có vaccine, không chỉ đủ cho bây giờ mà phải có dự trữ về sau vì chúng ta đã chấp nhận sống chung với virus.
Đã từ lâu lắm rồi, Sài Gòn là đầu mối giao thương với miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Hàng hoá tứ phương đổ về thành phố này. Thế nhưng khi bùng phát dịch, lãnh đạo chọn phương án đóng cửa để ngăn chận. Đó là biện pháp sai lầm và sau đó thành phố đã nhìn thấy. Thế nhưng lại lúng túng trong việc lưu thông hàng hoá đến tay dân. Phiếu đi chợ, mở cửa một vài siêu thị, cấm shipper, quân đội đi chợ hộ, rồi tổ chức shipper tình nguyện, cuối cùng cũng phải sử dụng đội ngũ shipper chuyên nghiệp. Nhưng giờ lực lượng đó cũng đang gặp vấn đề. Trước đây, số shipper trên địa bàn thành phố khoảng 62.000 người nhưng giờ đây Sở Công thương chỉ huy động được khoảng 25.000 người. Lý do cơ bản là chuyện xét nghiệm, nếu nhà nước không giải quyết được khâu này, xem như hệ thống shipper lại gặp khủng hoảng, mạch máu lưu thông hàng hoá lại tắc nghẽn. Xét nghiệm quá dày, chi phí xét nghiệm quá cao, nhân viên xét nghiệm không bảo đảm an toàn, dịch bệnh đang căng, đi làm lúc này rất dễ dính bệnh gây nhiễm cho gia đình. Đó là những lý do shipper không thiết tha với công việc dù đang gặp khó khăn về đời sống. Hiện nay trên mạng xã hội, chợ mở ra đông đúc, muốn mua gì cũng có. Cần bún riêu có bún riêu. Cần cháo lòng có cháo lòng. Cần bánh mì có bánh mì. Cần rau củ có rau củ. Chỉ có điều chưa biết ngon dở thế nào thôi. Và ngại nhất vẫn là không có người đi giao hàng. Nếu shipper được tổ chức và hoạt động tốt, sự nghẽn mạch trong phân phối không còn là nỗi lo dù tốn thêm tiền ship.
Tốt nhất vẫn là cho phép mở cửa có kiểm soát các chợ. Nghe tin chợ đầu mối Bình Điền sẽ được hoạt động, mối lái cũng mừng. Tuy vậy, có chợ đầu mối mà không có chợ nhỏ phân phối thì cũng chưa giải quyết được toàn diện.
Thành phố vẫn đang rụt rè trong chuyện giảm giãn cách. Vẫn đang trong tình trạng nửa vời chưa dám có một biện pháp nào sau 15.9. Tin tùm lum trên mạng nhưng chẳng biết nên tin cái gì vì nhiều khi hôm trước giả hôm sau thành thật, hôm nay thật ngày mai lại giả. Ông Vũ Đức Đam hôm trước nói một câu nghe cũng có lý: Vùng xanh phải cho hoạt động trở lại chứ vùng xanh mà như vùng đỏ, vùng cam; vẫn “ai ở đâu ở yên đó” thì vùng xanh để làm gì? Thiết nghĩ, khi có một tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine, thành phố nên mạnh dạn giảm giãn cách để cho người dân làm ăn kiếm sống. Thời gian kéo dài quá rồi, dân bắt đầu não nề, nếu không thì cũng khó có biện pháp ngăn chận, cách ly khi dân tuôn ra đường kiếm ăn.
Con số nhiễm bệnh và tử vong hàng ngày vẫn chưa giảm, nhiều tỉnh thành khác cũng đang tình trạng bùng phát dịch. Hà Nội đang tìm mọi cách để khắc chế cơn dịch. Tuy nhiên, lại đưa ra những biện pháp đi vào vết xe đổ của Sài Gòn. Nếu không có chủ trương và biện pháp khác hơn, e rằng Hà Nội sẽ như Sài Gòn. Lúc đó thì khó khăn vô cùng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đã có gần 15.000 người thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ; các tỉnh, thành phố; khối các bệnh viện Trung ương; các trường y dược đã tham gia chi viện cho thành phố và các tỉnh phía Nam. Lực lượng này đã góp phần rất lớn để giúp Sài Gòn khắc phục dịch bệnh. Khi nhiều nhân viên y tế đã bỏ việc về nhà vì không chịu nổi áp lực kéo dài, vì không được đãi ngộ xứng đáng, nếu bây giờ các tỉnh phía Bắc vào cao trào của dịch, lực lượng này phải rút về lại địa phương thì các bệnh viện của thành phố sẽ thiếu hụt nhân lực trầm trọng, e rằng con số tử vong sẽ tăng cao.
Hôm nay, TP.HCM đề xuất cho bệnh viện tư nhân thu phí điều trị virus Vũ Hán. Theo UBND thành phố, việc này giúp đảm bảo nguồn lực tài chính để y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống công lập, kịp thời cứu chữa người bệnh. Theo văn bản này, trong quá trình huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị virus Vũ Hán có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Hệ thống tư nhân từ trước đến nay không có sự hỗ trợ tài chánh từ nhà nước, giờ gánh việc điều trị cho người bệnh nhưng theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh thuộc nhóm A (trong đó có virus Vũ Hán) được khám và điều trị miễn phí. Ngoài ra, thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định người bị áp áp dụng biện pháp cách ly y tế được miễn chi phí khám, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị bệnh truyền nhiễm. Nếu thực hiện theo văn bản của Bộ, hệ thống bệnh viện tư nhân sẽ đuối sức, không kham nổi việc điều trị lâu dài cho người bị nhiễm dịch. Văn bản của UBND TP.HCM cho biết theo báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân, hiện rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả phí điều trị. Các cơ sở y tế tư nhân đã đề nghị cho phép được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân virus Vũ Hán. Điều này cũng hợp lý vì ở bệnh viện tư, bệnh nhân được chăm sóc kỹ hơn, phòng ốc, giường nằm cũng thoải mái hơn các khu bệnh viện dã chiến.
Trong khi công nhân, người lao động đang lao đao vì cách ly, giãn cách, thất nghiệp, đói ăn thì ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi công nhân "đồng cam cộng khổ". Lời kêu gọi trên được phát ra nhân dịp Liên đoàn Lao động phát động phong trào thi đua với tên gọi “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Xin thưa với ông, người lao động đang khổ vì thiếu ăn, đáng lẽ với tư cách là chủ tịch Liên đoàn Lao động, ông và tổ chức của ông phải tìm ra kế sách để giúp người lao động qua được cơn ngặt nghèo này. Theo báo cáo, kiểm tra, Liên đoàn tích luỹ tài chính là hơn 28.364 tỷ đồng. Tại sao không sử dụng số tiền này để giúp người lao động mà lại đi kêu gọi công nhân"đồng cam cộng khổ". Số tiền này gởi ngân hàng mỗi tháng, mỗi năm lời bao nhiêu, người dân không hề biết. Các ông nên "đồng cam cộng khổ" với nhân dân thì đúng hơn chứ! Lại kêu gọi vượt khó, sáng tạo, quyết tâm, toàn những từ ngữ sáo mòn vô ích. Cái người lao động cần là việc làm, là chén cơm lúc đói, viên thuốc khi bệnh chứ cần chi những lời sáo rỗng. Con virus này ghê lắm cán bộ ơi! Không thể hô quyết tâm với nỗ lực mà nó sợ đâu.
Tin cuối hôm nay có thể xem là một tin vui, đó là dự kiến từ ngày 20.9, quận 7 sẽ cho mở cửa trở lại một số hoạt động kinh doanh mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Lãnh đạo thành phố đang đi tìm phương án khôi phục kinh tế trong giai đoạn bình thường mới và giao cho quận 7 làm điểm. Hi vọng phương án này sẽ dần lan rộng đến các quận khác của thành phố để cuộc sống được hồi sinh.
Sài Gòn không thể đóng băng mãi và dân Sài Gòn không lẽ cứ đông cứng hoài. Số nhiễm hôm nay là 7308 và số tử là 268. Vẫn những con số buồn.
Mong đợi ở ngày mai, Sài Gòn sẽ sớm có lối thoát.
8.9.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi hai
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét