Dự định không viết về chuyện chọc ngoáy mũi nữa, bởi nó đã lột trần ra hết rồi và ai cũng hiểu mục đích của cuộc xét nghiệm toàn diện và thần tốc trên thành phố này và cả nước. Thế nhưng, hôm qua xem clip cưỡng chế một phụ nữ ở chung cư Ehome 4, thuộc phường Vĩnh Phú, Thuận An, tỉnh Bình Dương vì cô này không đồng tình xét nghiệm mà giận quá nên lại viết thêm cái vụ ngoáy mũi này.
Trong clip cho thấy khoảng gần chục người đàn ông, cảnh sát cơ động có, thường phục có, dân phòng có và do Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú là ông Võ Thanh Quan dẫn đầu. Họ đến gọi chủ hộ đi xét nghiệm nhưng cô này đóng cửa không đi vì sợ đau và nhiễm bệnh dịch từ nơi xét nghiệm. Thế là gọi thợ đến phá cửa, xông vào bẻ ngoặt tay người phụ nữ và giải đi như tội phạm mặc tiếng khóc thét hãi hùng và sợ hãi của những đứa bé trong nhà. Một người trong đám còn bảo sẽ làm biên bản tội cô này chống người thi hành công vụ. Người phụ nữ bị khoá tay đưa xuống sân, ép ngồi xuống ghế để thọc mũi. Cô ta cũng không có một kháng cự nào vì người cô nhỏ nhắn làm sao gỡ được hai cánh tay của người cảnh sát cơ động lực lưỡng. Đọc trên các báo tường thuật chuyện này thấy chuyện có vẻ nhẹ nhàng và hợp lý quá. Nào là thuyết phục, nào là đề nghị, nào là khuyên nhủ. Nhưng xem clip mới thấy sự thật, đúng với nghĩa cưỡng bức. Khi phá được cửa, cả đám xông vào bẻ tay người phụ nữ, giải đi ngay mặc cô gái phân trần nhưng không phản ứng hay có hành động chống đối lực lượng chức năng. Hành động của đám người này dưới sự chỉ đạo của Bí thư phường cho thấy đây là lối xử sự của một đám lạm quyền. Cách hành xử đó khiến người ta có suy nghĩ đất nước này không còn luật pháp, chẳng có hiến pháp, vô pháp vô thiên. Không luật nào cho phép phá cửa của nhà dân ngoại trừ cấp bách như cháy nhà, cấp cứu tai nạn hay người trong nhà có hành động phạm pháp nguy hiểm. Cũng không luật nào cho phép vào nhà riêng để thực thi các biện pháp hành chính khi chưa có lệnh khám xét nhà của cơ quan công quyền. Cũng theo luật của nhà nước ban hành thì người không chấp hành xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế thì chỉ là phạt tiền từ 1 đến 3 triệu. Không có luật nào ghi cho phép phá cửa và bắt người khoá tay giải đi như tội phạm. Cũng may cô này không phản ứng mạnh chứ cứ nhìn những bộ mặt đằng đằng sát khí với những lời hằn học răn đe kiểu đấy, loạng quạng chắc bị ăn đòn. Nhìn cứ như ở Vũ Hán khi mới dính dịch, như đám Hồng Vệ binh thời Cách mạng Văn hoá ở bên Tàu. Có phải đó là chuyên chính. Bà Chủ tịch đến ông Bí thư khi trả lời báo chí thì mô tả sự việc rất nhẹ nhàng, như chẳng có chuyện chi quan trọng. Thế nhưng sự thật đây là việc xúc phạm thân thể người khác một cách cứng rắn và thô bạo, xâm nhập gia cư bất hợp pháp và vi phạm luật pháp cũng như quyền con người. Chỉ vì nạn nhân không đồng tình việc xét nghiệm vì sợ lây nhiễm. Cô cũng sẵn sàng tự xét nghiệm, sao không để cô ấy tự làm test nhanh, chẳng nguy hại gì cả. Mà nếu người phụ nữ bé nhỏ đó không chịu hợp tác, có thể phạt tiền theo luật, sao phải dùng đến bạo lực như thế. Nhìn cảnh này lại nhớ mấy câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du"Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao. Người nách thước, kẻ tay đao. Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi".
Từ khi có dịch ở Việt Nam, cảnh này không thiếu. Bị bắt, bị khoá tay, bị giải đi vì không chịu xét nghiệm là chuyện ở đâu cũng có. Tất cả đều bị ghép tội chống chủ trương của nhà nước và chống người thi hành công vụ. Dân bị chụp những cái mũ tội phạm dù chỉ là không muốn bị đau vì chọc ngoáy và có thể bị nhiễm bệnh vì những sơ sót trong việc sát trùng găng tay của những người thực hiện. Đó có thể xem là một tội không?
Yêu cầu lãnh đạo Bình Dương phải có giải trình và kết luận vụ việc này một cách hợp lý, công bằng và đúng với luật pháp, hiến pháp quy định. Clip này đã phổ biến rộng khắp, không thể bao che và nói dối với dân được. Những người có mặt hôm đó phải thấy sai phạm của mình để không còn kiểu dùng quyền lực của mình để áp bức, dùng bạo lực để xâm phạm và đàn áp dân. Đề nghị báo chí nên phản ánh sự thật trên tinh thần thượng tôn luật pháp, với ngòi bút trung thực của một người làm báo để khỏi cảm thấy cắn rứt lương tâm với những dòng chữ của mình.
Đã nói thì nói luôn, theo tính toán của nhiều người thì nếu căn cứ vào báo cáo của Sở Y tế từ ngày 27.4 đến 15.9.2021, thành phố đã thực hiện gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên. Công việc xét nghiệm vẫn được tiếp tục thần tốc cho đến hết ngày mai 30.9. Với chi phí xét nghiệm bằng test nhanh là 238.000/mẫu và 734.000/mẫu với phương pháp PCR. Số tiền phải tốn kém cho những cuộc xét nghiệm này ước tính là khoảng 3729 tỷ đồng. Đó là chưa tính những khoản khác như nhân lực thực hiện, chi phí phát sinh. Vaccine AstraZeneca có giá rẻ chỉ 3 đô la một liều, như thế với số tiền chi cho việc chọc ngoáy ở thành phố cho đến giờ này, thành phố có đủ tiền để mua 55 triệu liều vaccine Astra Zeneca, dư sức để chích cho mỗi người dân thành phố mỗi người 2 mũi theo yêu cầu mà vẫn còn thừa 32 triệu liều vaccine dự trữ nếu cần chích thêm mũi 3 hay hỗ trợ giúp các tỉnh thành lân cận. Bài toán bậc tiểu học đứa bé nào cũng tính được tại sao chúng ta không làm mà cứ mãi xét nghiệm tràn lan mặc cho những ý kiến của chuyên gia cũng như dân chúng? Nhiều khi những việc của chính phủ, của nhà nước lạ lùng quá, dân không hiểu nổi. Vaccine thì luôn thiếu, cắp rổ đi xin khắp nơi trong khi tiền thì bỏ ra làm chuyện chẳng ích lợi gì, chỉ khiến cho dân oán. Hay là mang tiền đi mua vaccine tào lao dân không khoái mà lại bị thằng bán ép đủ điều không khác của bố thí.
Cũng là chuyện vaccine, trưa 28.9, Sở Y tế bất ngờ chỉ đạo khẩn ngừng tiêm vắc xin Pfizer lô FK0112 cho đến khi có thông báo mới.
Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, sở thông báo cho tiêm trở lại đối với lô vắc xin này.
Lúc 17 giờ ngày 28.9, các trung tâm y tế trên địa bàn thành phố cho biết đã nhận được chỉ đạo mới của Sở Y tế cho phép tiếp tục tiêm vắc xin Pfizer - lô FK0112 sau khi hội đồng khoa học công nghệ đã xem xét.
Chiều 28.9, trả lời báo chí về việc vì sao trước đó Sở Y tế yêu cầu các quận, huyện tạm ngừng tiêm lô vắc xin FK0112 của Pfizer, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến thời điểm này Sở chưa có văn bản nào chỉ đạo ngừng tiêm vaccine Pfizer. Đồng thời theo bà cho biết trong quá trình quản lý điều hành, nếu thấy có một số vấn đề cần chấn chỉnh lại, Sở Y tế sẽ yêu cầu tạm ngưng, sau khi khắc phục những điểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý, thì cho tiêm trở lại. Bà này cũng nói thêm, đến nay, không có 1 văn bản nào yêu cầu là ngưng tiêm. Chỉ có lệnh miệng từ trên đối với với hệ thống y tế.
Giỡn chơi sao bà nội? Chích vaccine là chuyện hệ trọng mà các ông các bà làm như chuyện giỡn chơi. Muốn cắt là cắt, muốn tiếp là tiếp mà chẳng có một lời giải thích cho rõ ràng. Dân đồn là có người chết vì chích, cũng có lời qua tiếng lại là lô thuốc này có vấn đề, cũng có nhiều nghi là tráo thuốc gì đấy. Cũng toàn là lời đồn thổi vì không được giải thích, các ông các bà lúc nào cũng làm như thời chiến tranh, hoạt động bí mật lúc nào cũng chụm đầu to nhỏ sợ lộ bí mật nên không bao giờ nói rõ ràng cho dân hiểu. Thế thì cái câu" Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" đưa ra để làm gì khi các ông các bà chuyện gì cũng lấm lét, chuyện gì cũng ấp úng nói quanh. Thằng bạn tôi vừa chích đúng lô thuốc ấy, về cứ lo mãi không ngủ được không phải vì thuốc nó hành mà chỉ lo không biết sự thật về lô thuốc ấy. Nó nghĩ chắc phải có trục trặc chi đó mới không kịp ra văn bản mà chỉ thị miệng khẩn cấp chứ. Giờ đã chích rồi mà không ai làm cho rõ nên lo. Dân ta chích được vaccine là mừng, nhưng xui bị trúng trường hợp này thì đúng là ngủ không yên.
Một tin vui cho những người không khoái chuyện chọc ngoáy khi đi xét nghiệm. Thế giới đã có cách xét nghiệm virus Vũ Hán từ nước bọt có độ nhạy cao. Xét nghiệm từ nước bọt đã được chứng minh là an toàn, tiện lợi và ít tốn kém hơn so với các xét nghiệm nhanh hiện tại, theo Science Daily.
Một nghiên cứu mới đã chứng minh rằng xét nghiệm nước bọt có độ nhạy cao và độ chính xác không khác với xét nghiệm “ngoáy mũi”.
Giáo sư, tiến sĩ Robert B. Darnell, Trưởng phòng thí nghiệm Ung thư thần kinh phân tử, bác sĩ kỳ cựu tại Bệnh viện Đại học Rockefeller (Mỹ), đã phát minh ra một loại xét nghiệm được dùng nội bộ để xác định các trường hợp dương tính cho nhân viên của Đại học Rockefeller.
Xét nghiệm này dễ sử dụng và an toàn hơn các xét nghiệm có sẵn vào thời điểm đầu của dịch và đã được sử dụng đến 65.000 lần trong thời gian qua.
Giờ đây, một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí khoa học PLOS ONE, xác nhận rằng xét nghiệm nước bọt rất tốt, được Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép, theo Science Daily.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đánh giá xem xét nghiệm nước bọt có thể phát hiện được bao nhiêu bản sao vi rút trên mỗi đơn vị thể tích chất dịch. Kết quả là xét nghiệm đã có thể phát hiện dù chỉ 1 phần virus trong một microlit nước bọt, kết quả này bằng với các xét nghiệm có độ nhạy cao nhất, theo Science Daily.
Như vậy, nếu xứ ta sử dụng phương pháp này, mọi người chỉ cần cho nước bọt vào ống rồi giao cho bộ phận xét nghiệm. Vừa tiện lợi, an toàn mà khỏi thốn óc vì que chọc vào mũi. Chỉ sợ kiểu này khó thu lợi nên người ta không thực hiện thôi.
Cách đây mấy hôm, Sở Y tế thành phố tiết lộ còn khoảng 150 ngàn ca dương tính với virus vẫn chưa được tính để cập nhật do chưa được cấp mã số. Người ta băn khoăn không biết con số này công bố với mục đích gì đây? Để giảm tỷ lệ tử vong hay sơ sót của cán bộ thừa hành. Nhưng sau đó, Bộ Y tế từ chối trách nhiệm về 150 ngàn ca ở thành phố không được cập nhật. Đại diện Bộ Y tế vào sáng ngày 28.9 lên tiếng thanh minh đã có hướng dẫn Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc cập nhật số liệu ca F0 qua xét nghiệm bằng test nhanh hơn một tháng trước rồi; tức vào ngày 20.8. Còn theo văn bản do ông ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký thì con số 150 ngàn ca nhiễm này được phát hiện sau khi chính quyền thực hiện chiến dịch xét nghiệm nhanh từ ngày 20 tháng 8 đến nay. Thế rồi số phận 150.000 ca nhiễm đó rồi sẽ đặt vào đâu? Không được công nhận rồi si cấp cho họ thẻ đã nhiễm và hết bệnh để được ra đường làm việc vào thời gian tới? Chỉ có mấy con số nhiễm và đã chích ngừa mà cứ rối tung lên. Cho đến giờ này, ngày mở cửa đã cận kề mà hàng trăm ngàn người vẫn chưa có thấy dấu hiệu gì trên sỏi sức khoẻ điện tử của mình. Thôi thì nếu thấy làm không xong thì hoàn tiền lại cho nhà nước mà rút về đi mấy ông thần. Cứ hẹn lần lửa chỉ làm cho dân sốt ruột và lòi cái dốt lâu khó chữa của các chuyên gia IT thành phố.
Chỉ còn ngày mai nữa là đến tháng mười. Thành phố sẽ ban bố lệnh giảm giãn cách. Nhưng chốt chặn vẫn còn, nhiều khu cách ly chưa giải toả, một số ngõ xóm còn giăng dây. Tối hôm qua báo cáo hàng ngày của Bộ Y tế khiến cho dân tình hơi nghi ngờ con số. Bản tin của Bộ Y tế ngày 28.9 cho biết có 4.589 ca nhiễm. Đây là tin vui trong công tác phòng chống dịch ở nước ta bởi lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, số mắc một ngày chỉ gần bằng 1/5 số ca khỏi. Hôm nay có 21.478 bệnh nhân khỏi.
Từ con số ngàn nhiễm dịch hôm trước ở thành phố, ngày 28.9 chỉ còn 377 và số tử vong là 131. Nếu đây là con số thực thì đó là tín hiệu đáng mừng. Chứng tỏ dịch đã vào cơn thoái trào, mong hôm nay con số sẽ xuống thấp hơn nữa để ngày mốt ra đường có thêm chút an tâm.
Tin bàn cuối cùng cho thêm chuyện để tám là tin đàn ông có thể có nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn cao gấp 6 lần sau khi nhiễm virus, các chuyên gia y tế Mỹ khẳng định như thế.
Nhà tiết niệu học, bác sĩ Ranjith Ramasamy ở Nam Florida, Mỹ đã quan sát thấy một xu hướng đáng lo ngại trong số các bệnh nhân của ông khi dịch lan rộng khắp nước Mỹ vào năm 2020. Ngày càng nhiều đàn ông sau khi nhiễm dịch phàn nàn rằng họ gặp "vấn đề nghiêm trọng" trong quan hệ tình dục .
Lúc đầu, bác sĩ Ramasamy và các đồng nghiệp của ông tại phòng khám tiết niệu của Bệnh viện Đại học Miami, Mỹ nghĩ rằng hiện tượng số lượng ca bệnh rối loạn chức năng tình dục ngày càng tăng xuất phát từ vấn đề tâm lý, hậu quả của đại dịch căng thẳng.
Nhưng nhiều bệnh nhân cho biết họ không cảm thấy lo lắng hay chán nản, trong khi đối với một số người, tình trạng bệnh rối loạn chức năng tình dục kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn. Sau đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ một nguyên nhân cơ bản chính là con virus.
Mặc dù virus được coi là gây hại nghiêm trọng cho phổi, song đây cũng là một bệnh toàn thân, có thể ảnh hưởng đến tim, thận, não và các cơ quan khác và những tác động đó có thể kéo dài sau khi người mắc bệnh đã bình phục. Nhiều người hiện đang phải sống trong tình trạng "COVID kéo dài" mà theo các chuyên gia y tế đánh giá, đó là thảm họa sức khỏe tiếp theo của con người.
Trong số đó, nhiều bằng chứng cho thấy virus có thể phá hoại sức khỏe tình dục của nam giới.
Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 3, nam giới có thể mắc chứng rối loạn cương dương ngắn hạn hoặc dài hạn cao gấp 6 lần sau khi nhiễm coronavirus. Các nghiên cứu khác đã ghi nhận nhiều trường hợp nam giới sau khi nhiễm virus bị ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục như: không thể có hoặc duy trì sự cương cứng, tổn thương tinh hoàn, đau hoặc sưng tinh hoàn, không có khả năng đạt được cực khoái, mức testosterone thấp và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Nếu đúng thế thì các ông nào không dính bệnh trong cơn đại dịch này nên khui bia mà ăn mừng đi nhé. Lớp già chúng tôi thì tới tuổi lão khô mẹ hết rồi chỉ còn dùng như cái robinet thoát nước nên đọc chơi cho biết chứ cũng chẳng quan tâm he..he.
29.9.2021
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét