Top Menu

Main Menu

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BỐN MƯƠI HAI









 Đêm qua Sài Gòn lại mưa, mưa kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Lại nghĩ đến những người đang nằm ở vỉa hè, những bệnh nhân đang nằm tạm bợ ở sân bệnh viện. Người ở vỉa hè càng ngày càng nhiều, đó là những người vốn là kẻ vô gia cư trước đây, lấy hè phố làm nơi trú ngụ. Bây giờ, sau thời gian dài giãn cách, phong toả, số người thất nghiệp nhiều hơn, không việc làm, không có thu nhập để trả tiền trọ, họ đành trở thành kẻ không nhà. Cũng có nhiều người lỡ đường, không về quê được vì chỉ thị của chính phủ, vì không có phương tiện và điều kiện để về, họ trở thành kẻ lang thang, sống lây lất chờ ngày bớt dịch. Đối với người Việt từ xưa nay, người sống vô gia cư, thác vô địa táng là nỗi đau nhất của một đời người. Nhưng thời đại dịch, họ đành chấp nhận đau thương, hàng ngày sống bằng chén cơm từ thiện. 

Đã có rất nhiều tấm lòng, nhiều mạnh tường quân san sẻ những đồng tiền của họ để giúp cho người lỡ bước, đã có rất nhiều chàng trai, cô gái hàng ngày không ngại hiểm nguy và đem công sức của mình đến với đồng bào. Tuy thế, trong cơn đau của thành phố này cũng xuất hiện những kẻ táng tận lương tâm, những người như lũ kền kền bám vào xác chết để rỉa rói đồng loại. Thành phố chủ trương tiêm chủng miễn phí với bất cứ loại thuốc nào thành phố được phân bổ. Nhưng có người lợi dụng tình hình dụ nhiều người thu tiền để được chích. Trong khi Chính phủ và chính quyền thành phố đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, có người lợi dụng sự bức bách của người dân để kiếm chác.

Điển hình như tên Trương Mạnh Thảo (cán bộ trật tự đô thị phường 2, quận 6) đã làm cò để bỏ túi trong đợt tiêm chủng vừa qua. Dù không được phân công nhiệm vụ quản lý điểm tiêm Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật nhưng phạm vi hoạt động của ông này khá rộng, thậm chí còn điều chỉnh được cả nhân viên đang trực điều tiết người tiêm vắc xin. Tên này nhảy ra số thứ tự cho người tiêm và thu mỗi người 1 đến 3 triệu đồng một mũi vaccine. Ngoài tiêm ở cộng đồng, ông Thảo còn gợi ý người bị cao huyết áp kết bạn Zalo và gửi CMND, số điện thoại để đăng ký tiêm dịch vụ tại bệnh viện với giá 2 - 5 triệu đồng mỗi người tùy loại vaccine. Đây là hành vi không thể chấp nhận được. Nó vừa khiến cho chiến dịch tiêm chủng miễn phí của thành phố bị ảnh hưởng đồng thời cho thấy sự bất lương của một tên vô nhân tính. Yêu cầu thành phố truy tố hình sự tên này để làm gương.

Sáng nay, báo chính thống của nhà nước cũng đưa tin một bệnh viện Đa khoa Quận Bình Tân thu 36 triệu đồng tiền viện phí của người mắc virus Vũ Hán tử vong. Trước nỗi đau khi mất người thân, khi làm thủ tục để lo hậu sự, bệnh viện thông báo phải đóng đủ tiền viện phí mới nhận được giấy báo tử và đưa tử thi đi an táng. Theo người nhà của bệnh nhân, khi vào nhập viện, phía bệnh viện yêu cầu nộp tạm ứng tiền viện phí nhiều lần với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng. Đến ngày 16.8, bệnh viện thông báo bà T. tử vong và yêu cầu đóng tiền 111 dịch vụ trên 36 triệu đồng để nhận giấy báo tử và thi thể an táng. Gia đình tự liên hệ với các cơ sở mai táng và lo hỏa táng cho người thân.

Theo ông Phan Văn Mến, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM ông khẳng định theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A (COVID-19 thuộc nhóm A) được khám và điều trị miễn phí, chi phí do Nhà nước chi trả 100%, từ tiền giường, tiền thuốc và các dịch vụ liên quan.

Ngoài ra, theo ông Mến, có một số trường hợp bệnh nhân mắc virus đồng thời mang thêm bệnh nền nằm ngoài phác đồ điều trị virus Vũ Hán, Bộ Y tế quy định, Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả phần lớn chi phí điều trị, người bệnh chỉ phải đóng tối đa khoảng 20% trên tổng số tiền viện phí.

Tuy nhiên, Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh Văn phòng Sở Y tế lại khẳng định không phải người mắc virus nào cũng được nhà nước chi trả toàn bộ chi phí. Cụ thể với trường hợp người mắc virus nhưng có bệnh lý nền vẫn phải chi trả chi phí, nếu dịch vụ đó không nằm trong danh mục được BHYT chi trả.

Ông nói gà, bà nói vịt, rốt cuộc người nhà bệnh nhân phải vay mượn cho đủ 36 triệu đồng để lấy xác về tự lo hoả thiêu. Mặc dù theo chủ trương của thành phố mà ông Bí thư Nguyễn Văn Nên đã từng khẳng định mức hỗ trợ 17 triệu đồng mỗi trường hợp tử vong vì dịch bệnh và số tiền này được trích từ ngân sách thành phố.

Cụ thể đối với người mất vì nhiễm dịch tại các bệnh viện, thành phố sẽ phân bổ ngân sách về cho Sở Y tế thành phố để sở chuyển cho các bệnh viện lo hậu sự. Bệnh viện phải phối hợp với các nhà đòn lo công tác khâm tiệm rồi đưa đi hỏa táng. Trường hợp bệnh viện và nhà đòn quá tải, quân đội sẽ hỗ trợ. Một chủ trương hết sức hợp tình, hợp lý như thế nhưng Bệnh viện Đa khoa Bình Tân không chấp hành, cố tình bóp chẹt người dân trong lúc đau đớn và gặp khó khăn khi mất người thân. Hành động đó đáng lên án hay không? Và thành phố nên xử lý như thế nào vì đây có thể chưa phải là trường hợp cá biệt trong tình hình căng thẳng ở các bệnh viện hiện nay. Rõ ràng đây là biểu hiện tình cảnh trên bảo dưới không nghe. Nhà nước yêu cầu các bệnh viện phải mở cửa cấp cứu nhưng chẳng mấy bệnh viện thi hành. Nhà nước không thu phí người nhiễm dịch nhưng bệnh viện cứ ung dung ra hoá đơn bắt chẹt người dân. Mà đây là bệnh viện công ở quận đấy nhé! Cuối cùng nạn nhân vẫn là người dân thôi.

Lợi dụng tình hình đại dịch, nhiều người tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà. Trên mạng liên tục quảng cáo cho các loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo SpO2...Toàn giá cả trên trời. Ví dụ như máy đo lượng oxy trong máu SpO2 được rao bán nhiều nhất. Giá từ rất bèo chỉ vài chục ngàn đến vài triệu được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí được quảng cáo là có thể phát hiện virus Vũ Hán. Thường là những loại máy nhái với các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Những loại giá rẻ được nhiều người quan tâm mua về sử dụng nhưng kết quả không bao giờ chính xác. Các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy. Trên các mạng xã hội và các ý kiến gởi cho các bộ phận chuyên môn cho thấy hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này rất nguy hiểm khi tin theo những chỉ số báo trên máy dỏm. Người sử dụng cũng nên nhớ rằng chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Theo một bác sĩ chuyên khoa thì:"Các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch." Bởi vạy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai biệt rất tai hại. Chỉ làm giàu cho những kẻ lợi dụng cơ hội. Sắm một máy đo SpO2 để có sẵn trong nhà cũng tốt nhưng nên lựa mua loại tốt, có thương hiệu với giá cao, đừng ham rẻ mà tiền mất mà lại mang hoạ.

Sau thời gian dài giãn cách, điều ai cũng thấy là các biện pháp rào chắn này không hiệu quả và chỉ làm khổ dân. Con số nhiễm bệnh và tử vong không dừng lại, F0 tràn lan khó kiểm soát. Theo dự báo của thành phố, trong tháng tới sẽ có 182.408 ca F0 cách ly tại nhà và dĩ nhiên con số tử vong sẽ không dừng lại. Cách ly F0 tại nhà khi chưa có triệu chứng nặng là đúng, tuy nhiên chúng ta chưa có hệ thống theo dõi và kiểm soát tốt cho nên F0 vẫn tự do sinh hoạt với cộng đồng gây lây nhiễm cao. Khi F0 có triệu chứng trở nặng, ta lại không có xe cấp cứu kịp thời, không có những đội ngũ cấp địa phương xử lý tại chỗ đưa tới nhiều người chết tại nhà vì không được chữa trị và đưa đi đúng lúc. Điều đó làm cho chính quyền khó xử và cũng nỗi lo của người dân. Tính đến 18.8, thành phố có 44.478 ca F0 cách ly, điều trị, chăm sóc tại nhà. Trong đó có 17.904 ca F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.574 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Con số này là gánh nặng của địa phương đồng thời cũng gây sợ hãi trong cộng đồng vì giờ đây biến thể Delta lây quá nhanh và dịch bệnh diễn biến quá lẹ, nhiều khi không trở tay kịp đã tử vong.

Trước tình trạng số F0 cách ly chữa bệnh tại nhà quá nhiều mà y tế địa phương không kiểm soát nổi như thế, một số phòng khám, bệnh viện tư tại thành phố đã triển khai các gói chăm sóc với mức giá hàng chục triệu đồng.

Qua khảo sát tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, nhân viên tư vấn cho biết nếu tư vấn sẽ miễn phí, còn chăm sóc F0 tại nhà thì sẽ được ký kết hợp đồng có thu phí. Tùy thuộc vào nơi ở của bệnh nhân sẽ có chi phí khác nhau. Ví dụ, với người tại quận Phú Nhuận sẽ có giá chăm sóc là 6,168 triệu đồng/14 ngày.

Trong gói chăm sóc có thu phí, điều dưỡng sẽ đến đo huyết áp, trong quá trình điều trị có 2 lần xét nghiệm PCR. Để được điều trị, phải đáp ứng điều kiện người bệnh có thể tự chăm sóc hoặc có người thân hỗ trợ. Về thuốc điều trị sẽ có bác sĩ kê toa nhưng toa thuốc do người bệnh tự mua. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chuyển nặng hơn thì BV sẽ không điều trị tiếp và hợp đồng sẽ kết thúc. BV sẽ hướng dẫn chuyển viện nhưng không chắc chắn có được nhập viện hay không vì hiện tại nhiều nơi cũng quá tải. Đây cũng là một dịch vụ cần thiết nhưng không dành cho người lao động nghèo. Người nghèo trong trường hợp nào cũng chịu thiệt thòi. Người chích Sinopharm nhiều nhất cũng là người lao động, người khó đến với gói hỗ trợ của chính phủ cũng là những người nhập cư không hộ khẩu, thiếu địa chỉ liên hệ.

Thành phố đang vào mùa mưa, đề nghị chính quyền nên có kế hoạch tập trung người dân đang sống vạ vật ở vỉa hè vào một trung tâm, một trường học hoặc một doanh trại quân đội. Họ là đối tượng dễ nhiễm bệnh và truyền bệnh cho cộng đồng. Nếu không giải quyết triệt để, tình trạng lây nhiễm khó mà chấm dứt được.

Các nơi nuôi dưỡng người già, các trung tâm nhân đạo, các chùa nuôi những người không nơi nương tựa đang gióng lên tiếng kêu tuyệt vọng. Họ hầu như bị bỏ quên và rất nhiều người đã nhiễm dịch. Chiều ngày 18.8, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở Dĩ An (Bình Dương) cho biết chiều 17.8 địa phương thực hiện test nhanh virus Vũ Hán cộng đồng tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương cho hơn 100 trẻ mồ côi và bảo mẫu.

Qua đó, ghi nhận có hàng chục trẻ và bảo mẫu dương tính với và đang chờ kết quả khẳng định PCR. Các trung tâm này trước đây nhận rất nhiều tiền trợ giúp của các tổ chức quốc tế cũng như các Hội, đoàn, cá nhân nhưng ít quan tâm để nâng cao đời sống cho các bé và những người già đang lưu trú tại đây. Giờ đang mùa dịch bệnh, nguy cơ bị đe doạ mạng sống luôn đe doạ họ nhưng họ chẳng biết kêu với ai?

Trở lại chuyện khai giảng cho học sinh vào năm học mới. Chỉ thị của Bộ và Sở Giáo dục thành phố thì các trường THCS, THPT sẽ hướng dẫn trực tuyến cho học sinh về kỹ năng, phương pháp học từ ngày 1 tới ngày 5.9. Từ ngày 6.9 sẽ bắt đầu dạy theo chương trình năm học 2021-2022. Các trường tiểu học tổ chức hướng dẫn trực tuyến về  kỹ năng, phương pháp học từ ngày 8 tới 19.9. Từ ngày 20.9, sẽ dạy theo chương trình năm học mới. Đương nhiên là học online vì theo Báo Tuổi Trẻ Online vừa dẫn thống kê của Sở Giáo dục thành phố cho biết Sài Gòn hiện có: 249 trường học đang làm khu cách ly, 453 trường làm điểm chích vắc-xin, 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Tình hình như thế thì lấy đâu mà tựu trường với khai giảng. Như vậy sẽ dạy và học trực tuyến. Dân tình đang đói khổ, cơm ăn chạy từng bữa, những đứa trẻ có an tâm để ngồi học được không? Bụng đói, dịch đe doạ, cha mẹ thất điên bát đảo với miếng cơm manh áo, những học trò các lớp phổ thông có đành lòng ngồi học được à? Chưa kể không phải học sinh nào cũng có thiết bị để học, có mạng để vào lên lớp. Thành phố thống kê có 4,5 triệu người cần hỗ trợ trong cơn đại dịch, quý vị ngồi phòng lạnh yêu cầu học sinh học trực tuyến, học online. Học với mái tranh, bức tường à? Quý vị châm biếm vừa vừa thôi chứ! Nếu không có việc gì làm, mời quý vị tham gia vào các đoàn tình nguyện, tham gia vào các đội từ thiện phát cơm cho người nghèo, làm được như vậy xem ra có ích hơn là ngồi thừa giấy vẽ voi. 

Tình hình người nhiễm bệnh từ các điểm xét nghiệm và tiêm chủng mấy ngày qua đã báo động. Nhiều người, nhiều gia đình đã trở thành dương tính khi đến test và chủng ngừa. Tình trạng sử dụng găng tay không sát trùng và tổ chức các địa điểm thiếu khoa học đã đưa đến hậu quả đó. Giờ lại nghe thành phố đang phát động xét nghiệm toàn thành phố. Những bài học ở sân Phú Thọ, ở chợ Bình Điền còn sờ sờ ra đấy, sao các ngài vẫn tiếp tục cái biện pháp sai lầm này mãi thế?

Trên thế giới, người ta chỉ xét nghiệm khu vực trọng điểm, những đối tượng ngẫu nhiên để tìm ra con số lây nhiễm. Người ta cũng không đưa ra mục đích vét sạch, bóc, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Một việc làm vô ích chỉ tốn kém tiền bạc và công sức. Không ai có thể cực đoan đến độ tổ chức xét nghiệm toàn thành phố 10 triệu dân. Với cách test và tổ chức test như đã làm chỉ tạo thêm số người nhiễm bệnh. Một trong các phương pháp cơ bản của dịch tễ, y học dự phòng là xét nghiệm khu vực trọng điểm. Đó là cách làm khoa học nhất hiện nay. Xét nghiệm đại trà chỉ có lợi cho các tập đoàn mua bán thiết bị xét nghiệm, ngoài ra chẳng có lợi ích gì. Tôi phản đối và bất hợp tác việc xét nghiệm toàn thành phố. Nếu bị bắt buộc tôi sẽ yêu cầu nhân viên y tế phải sát trùng hoặc thay găng tay khi xét nghiệm cho tôi. Nếu không tôi bỏ về như bác sĩ Trương Hữu Khanh, một cán bộ y tế của nhà nước đã đề nghị trên phương tiện truyền thông. Mọi người phải có thái độ dứt khoát về việc này, chúng ta tôn trọng và thực hiện tốt 5K, nhưng rồi lại bị dính bệnh vì sự tắc trách và thiếu chuyên nghiệp trong việc xét nghiệm và tiêm chủng, đó là một việc không thể chấp nhận được.

Thành phố đang tìm mọi cách để giảm con số tử vong, tuy nhiên con số thống kê chỉ ghi nhận được trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân, chứ không ghi được số tử vong tại nhà. Hôm qua tại thành phố có 255 ca tử vong tại bệnh viện. Con số vẫn là nỗi đau của Sài Gòn.

19.8.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi hai

DODUYNGOC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét