Từ bé, tôi không có khái niệm gì về Tết Đoan Ngọ. Bởi nhà tôi không có tục cúng kiếng ngày Tết ấy. Tôi nhớ hàng năm cứ vào ngày này, những nhà hàng xóm cúng lễ, nấu nướng, ăn uống thì nhà tôi vẫn im re như ngày thường. Có chăng là mấy chị, mấy bà giúp việc đem ở quê lên vài chục cái bánh tro, bánh ú, đôi bánh đường đen. Anh em tôi gỡ bánh chấm đường cát, ăn cho vui chứ cũng chẳng thấy ngon lành chi. Có năm nếu Mạ tôi rảnh rỗi thì nấu nồi chè kê ăn với bánh tráng nướng, cũng ăn chơi chứ chẳng cúng chi cả. Đến khi tôi lập gia đình, vợ tôi cũng chẳng biết gì về Tết Đoan Ngọ, vì cô ấy mang yếu tố ngoại lai, không hiểu cái Tết này, chỉ biết Tết Nguyên Đán và Tết Trung thu. Và thế là cũng như hồi tôi ở với cha mẹ, nhà tôi chẳng ăn cái Tết này. Đi chợ hoặc người quen gởi biếu bánh trái, bày ăn cho vui thôi. Rồi các con tôi cũng thế, bởi tập tục của gia đình nên cũng chẳng đứa nào đoái hoài Tết. Hôm nay 5 tháng 5, nhà tôi cũng ăn bữa cơm bình thường như mọi khi, thì cũng có bánh tro mấy người bạn gởi, chấm đường ăn chơi. Hôm trước, Cô Ba Thuỷ biếu cái bánh Bá Trạng, thì cũng xơi từ bữa rồi.
Lớn lên cứ vào ngày này thấy thiên hạ nhộn nhịp mới đi tìm hiểu về Tết Đoan Ngọ mới hiểu nó bắt nguồn từ văn hoá Trung Hoa. Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều, và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Theo y học Đông phương thì dương khí của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày này lên cao nhất trong năm.
Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng.
Ở Trung Quốc, thời Nam Bắc triều, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Dục Lan tiết. Lan có nghĩa là "túi đựng tên, hình dáng của nó như cái hộp gỗ". Theo truyền thuyết vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly tao nổi tiếng trong văn học cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với họa mất nước. Do can ngăn Hoài vương nên đến cuối đời, ông lại bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam. Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử. Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 là ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á. Thật ra dân ta cúng kiếng, ăn Tết Đoan Ngọ nhưng mấy ai biết đến ông Khuất Nguyên.
Lại có ý cho rằng Tết Đoan Ngọ còn được gắn thêm tích khác kể chuyện hai chàng Lưu – Nguyễn gặp tiên. Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi Thiên Thai hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về…
Trên thực tế, từ cuối thời Đông Hán, người ta đã tìm thấy những thư tịch sưu tầm về Tết Đoan Ngọ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ lại cho rằng, Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau.
Theo đó, có một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất.
Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày 'Tết diệt sâu bọ', có người gọi là 'Tết Đoan Ngọ', vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Trong văn hóa Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
Tháng Năm ngày tết Đoan Dương,
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Văn học dân gian Việt Nam có bài:
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già.
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô,
Tháng tư đi tậu trâu bò.
Để cho ta lại làm mùa tháng năm,
Sớm ngày đem lúa ra ngâm.
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đế khi lên mạ, thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công.
Và cũng có bài này nữa:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trâm,
Tháng bảy ngày rằm Xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn
Văn minh nước ta là văn minh lúa nước, cho nên khi ăn chơi mút mùa trong Tết Nguyên Đán thì đến tháng năm là bắt đầu vụ mùa. Và để mở đầu mùa vụ, người ta cúng lễ mong mùa màng bội thu, thời tiết tốt lành. Và cũng là vào mùa hè, nắng tốt, người ta tìm diệt sâu bọ làm hại cây trái. Từ đó dân ta ăn Tết Đoan Ngọ theo tập tục của Tàu.
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là dịp người ta ăn tết ở nhà với gia đình. Mọi người ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.
Người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự sáng tươi của trời đất và cầu mong mưa thuận gió hoà. Lại có tục tắm nước lá để phòng bệnh và trừ sâu bọ. Bó lá sau khi nấu lấy nước tắm sẽ được cài trên cửa nhà, hoặc là bó lá tươi hái hay mua về cũng gắn trên cửa như thế như một cách ngăn sâu bọ và tà khí vào nhà. Ngày trước người ta rủ nhau lên rừng, ra vườn hái lá thuốc. Các thầy thuốc cũng thế vì họ cho rằng các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất. Người xưa cũng cho rằng trong dịp Tết Đoan ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng năm loại lá là bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà hoặc cài trên cửa để đuổi tà ma.
Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú, bánh gio và bánh âm, và có cách làm khác nhau theo địa phương. Nhưng cơ bản vẫn là làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro thường chấm đường hay mật khi ăn.
Người Hoa thì ăn bánh ú, bánh Bá Trạng. Tương truyền, sau khi Khuất Nguyên nhảy sông Mịch La tự vẫn, người dân yêu mến ông sợ cá tôm rỉa xác của ông nên đã dùng nếp và lá để gói thành bánh đem thả xuống sông cho cá ăn để bảo vệ thân xác của ông. Và từ đó xuất hiện tập tục ăn bánh ú trong ngày Tết này. Tùy mỗi vùng khác nhau mà nhân bánh nếp có thể là thịt, đỗ xanh, long nhãn, trứng mặn hay hạt dẻ nhuyễn, hạt tiêu,...
Người Việt ta lại có tục ăn thịt vịt trong ngày Tết này. Thông thường, người ta ít khi cúng vịt nguyên con trong những ngày giỗ kỵ. Chỉ có người buôn bán thường cúng nguyên vịt quay trong ngày 16 hàng tháng để cầu mua may bán đắt. Người Việt lại có quan niệm không ăn thịt vịt vào những này đầu tháng âm lịch vì cho rằng xúi quẩy. Thế nhưng ngày 5 tháng 5, lễ Tết Đoan Ngọ thì cúng và ăn thịt vịt.
Vì sao lại có phong tục khác lạ thế?
Theo Đông y, vịt còn gọi là “Gia Áp”, có nơi còn gọi là Gia Phù, cũng còn gọi là Vụ. Thịt vịt có tính mát, ngọt, có tác dụng làm lưu thông khí huyết và thêm năng lực, bồi bổ cơ thể. Thịt vịt lại được dùng khi nóng sốt cao, thịt vịt cũng giúp giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Thịt vịt có sắc vàng trắng tác dụng “Bổ Trung Ích Khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí. Người ta nói “ăn thịt vịt hiền và bổ khỏe”.
Tết Đoan Ngọ vào lúc mùa hè, khí trời nóng nực nhiệt độ lên cao, ăn thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình giữa nhiệt và hàn của Trời và Người. Do vậy người ta chọn món thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ. Xem ra người Việt từ xưa đã hiểu thấu âm dương, nóng lạnh trong các món ăn để mang lại sức khoẻ. Thông thường người ta ăn thịt vịt theo lối luộc chấm nước mắm gừng hoặc nấu cháo vịt. Thịt vịt đi với gừng cũng nằm trong thế quân bình âm dương đó.
Một món cũng không thể thiếu trong Tết này là cơm rượu. Theo người Trung Hoa xưa, họ dùng loại được gọi là "hùng hoàng" (theo sách Bản Thảo Cương Mục) là một vị thuốc có thể giết sâu bọ và tiêu độc, dùng để pha rượu uống. Rượu hùng hoàng được làm bằng cách lên men lúa mạch với hùng hoàng, một khoáng vật màu vàng. Ngoài ra, rượu này còn được dùng để xức lên mặt, lòng bàn tay của trẻ em hoặc rưới lên các góc tường để trừ sâu độc.
Ở xứ ta thì ăn cơm rượu. Người xưa quan niệm bộ phận tiêu hoá có nhiều ký sinh trùng và chỉ có ngay 5 tháng 5 hàng năm thì loại ký sinh này ngoi lên trong ruột, ta ăn hoa quả và đặc biệt là cơm rượu để loại chúng. Hiệu nghiệm nhất là ăn lúc bụng đói, vừa ngủ dậy buổi sáng. Cơm rượu được làm từ các loại gạo nếp trắng hay cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Xôi đặt trong thúng, để trên một thau hay chậu để hứng lấy nước rượu. Nước này ngọt, ngon, có mùi rượu rất thơm ngon. Miền Bắc làm cơm rượu cho vào chén khi ăn. Cơm rượu nếp miền Trung thường có hình vuông từng viên nhỏ. Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ, nước tiết ra được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.
Tóm lại, Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm tuy bắt nguồn từ phong tục của Trung Hoa, nhưng khi vào Việt Nam, nó lại mang hình thái và những món ăn cũng hơi khác phù hợp với quan niệm và lối sống của người Việt. Có một điều hơi lạ là Bài cúng Tết Đoan Ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam lại khấn Phật:
"Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ)
Tín chủ chúng con là:……………………………………………
Ngụ tại:………………………………………………………….
Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…………………, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an.
Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!"
Có lẽ đó là sự giao thoa giữa Đạo Lão và Đạo Phật chăng?
Năm nay tôi cũng được tặng bánh của một doanh nhân có mấy nhà hàng ăn uống biếu trước ngày Tết, cũng có cơm rượu rất ngon của một cô bạn gái Nam lai Bắc tặng, cũng có mấy chục bánh tro do cô con dâu mua từ chợ. Chỉ thiếu thịt vịt và nồi cháo vịt. Thế cũng đủ trong mùa giãn cách vì dịch bệnh cho một người chẳng bao giờ ăn Tết Đoan Ngọ. Chỉ cầu mong sao con sâu Virus Vũ Hán bị tiêu diệt trong cái Tết diệt sâu bọ này.
Ngày năm tháng năm Tân Sửu.
(Những ngày giãn cách, rảnh quá viết tào lao chơi.)
14.6.2021
DODUYNGOC
(Hình trên mạng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét