Thời sinh viên Kim là bạn học cùng lớp với tôi. Nhà Kim nghèo, mẹ bán chuối ở phía ngoài chợ, không có sạp, nắng mưa rất khổ. Tuy vậy, Kim lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, dù không phải là hàng hiệu hay may ở những nhà may lớn nhưng nhìn cũng khá mốt. Lúc đấy tôi là sinh viên xa nhà bụi đời nên nghèo rớt mùng tơi, cơm ba bữa còn thiếu lên thiếu xuống nên chẳng quan tâm đến áo quần. Hồi đó có chợ áo quần cũ ở đường Hàm Nghi và khu Dân Sinh, tôi thường ra đấy lựa cái nào còn khá, mua với giá rẻ về mặc. Đó thường là đồ viện trợ của các tổ chức từ thiện quốc tế nên không có cái nào giống cái nào, mặc vào cũng là hàng độc. Kim thường phê bình cách ăn mặc của tôi, hắn cho là không đứng đắn và trông có vẻ túng bấn quá. Ái chà một thằng con nhà nghèo tận đáy lại chê bai thằng bụi đời cũng nghèo tới háng. Lạ nhỉ! Sau đó tôi biết hắn là thằng sống bằng vẻ bề ngoài, chuộng hình thức, tự ti với hoàn cảnh gia đình nên lúc nào cũng cố giấu cái thân phận hèn mọn của mình.
Tụi tôi ra trường đi dạy học, Kim đổi về miền Tây còn tôi thì cứ mãi lông bông làm từ báo này giạt qua báo khác. Đến cái thời mọi người chộn rộn đi ra phía biển tìm đường sống, nghe tin Kim cũng đã vượt biên và sau đó định cư ở Mỹ. Bạn bè thất lạc nhau từ đấy.
Mấy chục năm sau, Kim về Việt Nam du lịch có gặp tôi. Tôi dẫn Kim đến các quán ăn, các quán cà phê và mấy phòng trà ca nhạc. Đến đâu Kim cũng chê dơ, chỗ nào Kim cũng chê bẩn. Vào quán ăn, mà tôi toàn dẫn Kim đến những quán nổi tiếng của đất Sài Gòn, Kim đòi nhà hàng rửa đũa muỗng, tô chén lại bằng nước sôi trước khi ăn. Tôi bực mình ra mặt. Kim bảo ba thứ nước ở đây đầy chất hoá học, uống vào nguy hiểm, sinh bệnh. Ăn vài miếng hắn chê dở quá, nấu không đúng điệu. Ngồi trong xe taxi, Kim liên tục bịt mũi và bảo rằng xe hôi hám quá. Ngồi phòng trà thì hắn nói người ta không vệ sinh hay sao mà ai cũng có mùi và ăn mặc nhếch nhác thế. Nói chung là đi đến đâu anh chàng cũng chê và bảo lạc hậu, thiếu văn minh. Tôi không hiểu hắn làm vương làm tướng gì bên Mỹ mà làm ra vẻ thế. Bạn bè cũ muốn gặp mặt nhân dịp Kim về, hắn khệnh khạng đến trễ, mũi như con thú đánh hơi rồi bảo nhà hàng có mùi gì khó chịu quá. Bạn bè lâu ngày gặp lại, muốn bắt tay hắn, hắn quăng cục lơ. Đến khi thức ăn dọn ra, hắn chẳng động đũa món nào, mọi người ngạc nhiên nhưng riêng tôi thì biết hắn sợ trúng độc vì nghe nói ở Việt Nam thức ăn toàn tẩm hoá chất. Mọi người thấy vậy thì rất bực mình. Từ đó chẳng có ai liên lạc với hắn cho đến ngày hắn về lại Mỹ.
Năm sau tôi có việc qua Mỹ giải quyết một số công chuyện. Theo kế hoạch có một tuần ở thành phố Houston. Gặp một số bạn cùng lớp, ngồi tụ tập nhau tôi hỏi thăm về hắn. Ai cũng lắc đầu bảo đụ mẹ thằng Kim qua đây đi học lại lấy được bằng kỹ sư, sau đó làm việc trong nhà máy mà hắn cứ tưởng là oai lắm, làm như nhà khoa học vĩ đại, cách ly bạn bè. Hắn có giàu có gì đâu, mà lúc nào cũng làm như quý tộc từ thuở nằm nôi, giờ chuẩn bị về hưu. Bạn bè cũ ngày xưa chung lớp không còn ai chơi với hắn. Nghe nói năm ngoái hắn có về Việt Nam, mày không gặp hắn à. Tôi ừ hử cho qua chuyện. Từ đó tôi chẳng quan tâm đến hắn nữa. Vừa rồi nghe tin hắn qua đời vì bệnh Virus Vũ Hán. Dù chẳng còn cảm tình chi với hắn nữa nhưng lòng cũng buồn vì vĩnh biệt một thằng bạn cũ.
Lại thêm một cô bạn, rời Việt Nam đâu từ ngày 27.4.75 vì có người yêu là sĩ quan không quân. Mấy chục năm gặp lại, tôi cũng mời đi ăn ở nhà hàng cơm niêu Sài Gòn. Khi thấy cơm cháy, cô ta làm bộ ngơ ngác gạo này là gạo gì mà nấu cứng và vàng thế. Tôi hơi quê rồi nghe. Thấy dĩa mè đậu cô cũng hỏi là cái gì? Bà mẹ nó, nó rời Việt Nam khi đã hai lăm tuổi chứ có phải là đứa con nít còn ẵm ngữa đâu mà không biết cơm cháy với muối mè. Chẳng qua làm bộ cho có vẻ người Tây, người Mỹ vậy mà. Từ đó tôi cũng Au revoir luôn. Sao phải làm ra vẻ chi vậy nhỉ?
Có một thời kỳ, nhất là khi chưa có bang giao Việt Mỹ, chưa bỏ cấm vận, nhiều người ở nước ngoài cứ tưởng mình là người đem văn minh về từ một quốc gia hùng cường, giàu có nhất thế giới. Dưới mắt họ xứ xở này dơ bẩn, lạc hậu, thiếu ánh sáng văn minh như vùng đất Châu Phi. Những thiết bị, đồ dùng của họ hiện đại xứ này làm gì có. Sau này đi về dễ dàng, người trong nước đi qua Mỹ, sang Tây chơi là chuyện bình thường thì nhiều người đã thay đổi cách nhìn khác hơn trước, không còn đóng kịch chảnh chó như cũ nữa. Tôi mất hai người bạn cũng từ cách làm ra vẻ ấy.
10.5.2021
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét