Hồi xưa ở Đà Nẵng có một địa điểm gọi là Cầu Vồng. Nếu quan niệm cầu là bắt qua sông, rạch, suối nước thì cầu Vồng này không phải thuộc loại cầu ấy. Vì nó giống như là con dốc, như một ngọn đồi mà dưới kia là một cái hầm ngắn cho tàu lửa chạy qua. Có người còn gọi là đường Cầu Vồng, đó là tên dân đặt chứ thành phố này chẳng có con đường nào có tên là đường Cầu Vồng cả.
Dốc Cầu Vồng này ngày xưa nằm trên đường Thống Nhất, thời Pháp đường có tên là Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Ông này là linh mục người Pháp cũng là người từng thay chúa Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles năm 1779 với triều đình Louis XVI. Đó là con dốc cao nằm trên con đường khoảng giữa đường Khải Định( thời Pháp tên là Edouard de L’Horlet). Ở bên kia chân dốc là con đường song song với sân vận động Chi Lăng xuống đến ngã tư Yersin. Xuống chút nữa thì gặp Nguyễn Thị Giang, rồi đường Lê Lợi, khu tập trung nhiều trường học. Con đường này chạy mãi đến sông Hàn. Ngày trước, hai bên đường có những hàng cây cao nên con đường này có nhiều bóng mát. Ngay trên đỉnh dốc Cầu Vồng có một đường mòn nhấp nhô đá và đất đỏ có thể đi xuống dưới để về lại đàng sau Chợ Cồn và ra đường Hùng Vương men theo đường xe lửa. Theo lời đồn, chính vì đường xe lửa này mới có cái Cầu Vồng. Trước đó con đường Pigneau de Béhaine là một con đường thẳng, không có đồi dốc chi. Khi thực dân Pháp làm con đường sắt nối ga xe lửa Đà Nẵng đi về hướng Bắc gọi là Gare de Tourane central, có một đoạn phải băng ngang qua đường Pigneau de Béhaine. Đường này lại là con đường lớn và cửa ngõ chính của thành phố nên mật độ người xe qua lại khá đông. Mỗi lần tàu đi qua, phải có ba ri e chận lại cho tàu qua. Việc này rất phiền phức và dễ gây tai nạn nên chính quyền thời bấy giờ cho đắp một con dốc cao trên đường, phía dưới thành một đoạn hầm ngắn cho tàu lửa thuận tiện đi lại. Từ đó có Cầu Vồng. Cái tên này có lẽ cũng chẳng có cơ quan nào đặt mà là một tên gọi dân dã, theo nghĩa là cong lên như hình cung, cuốn vồng lên, luống đất đắp cao, hình khum khum.
Cầu Vồng với tôi có rất nhiều kỷ niệm để nhớ. Hồi còn bé đi học ở trường Nam tiểu học, nhà tôi ở khu Chợ Cồn, cứ đúng đường mà đi thì theo đường Hùng Vương, đến ngã ba Nguyễn Thị Giang thì theo đường đấy khi đụng Thống Nhất là đến cửa sau của trường. Đi thế thì hơi xa. Cho nên tôi đi men đường rầy sau chợ, khu đó dơ lắm, có dãy cầu tiêu công cộng, đi trên đường rầy lại có lắm phân người do từ tàu xổ xuống và dân hai bên phóng uế ra. Đến hầm có con đường dốc đầy đá, đất đỏ leo lên là đến Cầu Vồng, đi thêm đoạn nữa là đến trường, đỡ được chút thời gian. Hơn nữa, đứng trên đỉnh dốc đó có thể nhìn rất rõ trong sân vận động Chi Lăng, nếu lúc đó có trận bóng nào thì đứng xem cũng thú vị. Hai bên Cầu Vồng cũng có khu người ở, gọi là xóm Cầu Vồng, tôi có mấy thằng bạn học ở đấy, ghé rủ cùng đi. Tới tuổi mới lớn, tôi học trung học ở trường Kỹ Thuật, nếu đi học bình thường thì đi một mạch từ nhà ra đường Khải Định đến gần biển Thanh Bình là đến trường. Hồi đấy biển chưa có nhà cửa sầm uất như sau này, cuối con đường Khải Định là đã thấy những hàng phi lao, cát trắng và biển xanh rồi. Tôi nhớ mãi những chiều mùa hè, Mạ và mấy anh chị em tôi thuê xích lô chở xuống biển Thanh Bình, mang theo cơm nắm, cá nướng, muối mè đùa giỡn với sóng biển, vui và đầm ấm không quên được. Dù đi học trung học không qua đường Thống Nhất nhưng cũng hay chạy qua Cầu Vồng với mấy thằng bạn để theo mấy cô nữ sinh ở trường nữ Hồng Đức hay trường Phan Thanh Giản, Bồ Đề, những trường loanh quanh khu ấy. Trường Hồng Đức toàn nữ sinh, nằm cuối dốc Cầu Vồng một đoạn hơn cả cây số. Vốn ngày xưa là Mả Tây, là nghĩa địa chôn mấy tay lính Pháp chết trận, sau giải toả xây trường học. Lại thêm năm tôi học đệ tam, tôi để ý một cô gái cùng trường có nhà nằm dưới dốc Cầu Vồng trên ngã tư đường Thống Nhất và Khải Định. Tuổi mới lớn mà, thích thì cứ lượn lờ khu đó thôi chứ cũng chẳng làm được gì, nhưng chỉ cần nhìn em với chiếc áo dài đi học là thú vị lắm rồi. Nhìn, ngắm rồi về làm thơ, những bài thơ tình tưởng tượng.
Mấy năm đi học xa, vẫn nhớ về con dốc Cầu Vồng, vẫn nhớ về con đường có hai hàng cây kiềng kiềng cao vút, vẫn nhớ ngôi nhà có giàn hoa trước ngõ trên con đường Thống Nhất ấy. Vẫn nhớ những ngày thơ bé loắt choắt leo từng bước ngắn đi lên dốc Cầu Vồng với đá và đất đỏ lạo xạo dưới chân. Vẫn nhớ nhiều hôm đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống sân vận động, vẫn nhớ quán bún thịt nướng cũng trên con đường đó, góc ngã tư, nơi có tượng anh công nhân đen thui với hai xiềng xích đã bứt gãy gọi là quán bún thịt nướng Lao động, quán bún xập xệ, hơi dơ mà lúc đó ăn thấy ngon quá xá ngon. Vẫn nhớ những buổi xà quần với bạn bè khắp chốn, thời ấy sao mà vui quá thế. Cầu Vồng ghi dấu những kỷ niệm khiến mỗi khi nhớ về Đà Nẵng lại nhớ đến Cầu Vồng.
Sau 1975, tới những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi mới trở lại Đà Nẵng. Ngỡ ngàng vì con đường Thống Nhất ngày trước giờ mang tên Lê Duẩn, thẳng tắp, rộng rãi, nhà cửa phố xá khang trang nhưng không còn Cầu Vồng nữa. Dấu tích kỷ niệm không còn, lòng bùi ngùi tiếc. Bạn bè cũng không tìm thấy, cô gái ngày xưa chắc đã yên bề gia thất, có thể là bà nội, bà ngoại rồi. Tôi đứng ngay địa điểm Cầu Vồng cũ chẳng thấy hình ảnh nào quen thuộc. Đi đến đường rầy năm xưa, giờ nhà cửa chen chúc nhau chẳng còn hình ảnh nào của ký ức. Nghĩ đến bể dâu và bài thơ Sông lấp của nhà thơ Tú Xương:
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Cầu Vồng là con đường, không phải dòng sông, không có tiếng ếch kêu, nhưng những đổi thay cũng khiến tai nghe tiếng ai đó của năm xưa vọng lại như nhà thơ nghe tiếng gọi đò mà xót xa trong dạ.
24.5.2021
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét