Top Menu
▼
Main Menu
▼
Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020
GIAI THOẠI VỀ HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ NHỮNG CÂU ĐỐI
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được xưng tụng là Bà chúa thơ Nôm. Làm câu đối mà bằng tiếng Nôm không phải dễ dàng. Thông thường câu đối thường chứa điển tích Trung Hoa, dùng chữ Hán để thể hiện. Ở câu đối cũng như thơ Hồ Xuán Hương rặt Nôm, mà lại toàn những chữ Nôm độc đáo và ấn tượng. Vào thời kỳ của bà mà viết được như thế chẳng khác gì một cuộc cách mạng (Đỗ Duy Ngọc - Phê bình thơ và câu đối của Hồ Xuân Hương - Tiểu luận, Sài Gòn 1974)
Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Phi Diễn, làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu Nghệ An. Lúc Hồ Xuân Hương đã lớn, gia đình về thôn Tiên Thị, Tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Lý Quốc Sư - Hà Nội). Nữ sĩ có một ngôi nhà riêng dựng gần hồ Tây, lấy tên là Cổ Nguyệt đường, chiết tự họ Hồ của mình ra thành 2 chữ Cổ và Nguyệt. Hồ Xuân Hương ở với mẹ, có đi học, sáng dạ, thông minh, nhưng không được học nhiều, thích làm thơ. Khi Xuân Hương lánh nạn lên Vĩnh Yên gặp Tổng Cóc Nguyễn Công Hòa (1802-1804), bắt đầu cuộc đời mười năm lận đận, vợ cả ghen tuông, thân phận như nàng Tiểu Thanh. Dứt tình với Tổng Cóc, quan Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển cầu hôn, đám hỏi chẳng bao lâu thì mẹ mất, phải cư tang mẹ, đến đầu năm 1816 Hồ Xuân Hương mới về Yên Quảng được hai năm thì chồng bị bắt và kết án tử hình. Xuân Hương đi tu rồi trở về làng Nghi Tàm chết trong cô đơn, không một bài thơ phúng điếu.
Tự thuật và ứng khẩu
Câu đối vịnh cái Âm Hộ:
Khi khép tối om om, quân tử tò mò nhìn chăng thấy
Lúc mở ra toang hoác, anh hùng tấp tỉnh đứng coi
Ứng khẩu khi bị trượt ngã:
Hôm ấy, Hồ Xuân Hương cùng bạn bè ra phố dạo chơi, không may bà dẫm phải chỗ trơn trượt té sõng soài xuống đất. Người đi đường và bạn bè thấy vậy cười lăn cười bò, bà liền giơ tay trỏ lên trời đọc luôn đôi câu đối:
Giơ tay với thử, Trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem, Đất vắn dài
Hồ Xuân Hương khi du ngoạn qua cửa Gió ở Đèo Ngang, đã viết:
Khéo khen ai đẽo đá chênh vênh, tra hom ngược để đơm người đế bá
Gớm con tạo lừa cơ tem hẻm, rút nút nuôi cho lọt khách cổ kim
Câu đối Tết:
Đêm ba mươi tống cựu, khép cánh càn khôn, một then đưa đẩy khìn khin khít khịt
Sáng mồng một nghinh tân, mở lò tạo hóa, hai cánh banh ra toác toạc toàng toang
Câu đối nhận xét về tình duyên của mình:
Muôn kiếp biết là duyên trọn vẹn
Một đời riêng mấy tiếng chua cay
Hồ Xuân Hương và quan lớn:
Hôm ấy, một viên quan lớn trong triều đi vãn cảnh hồ Tây. Trời trong, nước xanh, cảnh vật đẹp đến nao lòng vì bao nhiêu tinh tú của đất trời dường như tụ hội cả ở nơi đây. Nơi mà tâm hồn nhạy cảm của bà nhìn ra và quyết định dừng lại an cư lập nghiệp chứ không tiến vào kinh thành Thăng Long - nơi bao văn võ bá quan, dân kinh kỳ kẻ chợ có máu mặt đều tìm vào - vì vị trí khuất nẻo so với kinh thành...Tiếng quân lính hô hét dẹp đường, cảnh võng lộng nghêng ngang, tiền hô hậu ủng, phá tan cảnh đẹp của bầu trời nơi đây. Xuân Hương đang giặt ở ven hồ thấy chướng tai gai mắt, liền buông rải quần áo ven bờ, điềm nhiên nhìn thẳng vào kiệu của quan đang đi tới, ngẫm nghĩ trong đầu, tìm tứ thơ, rồi đọc to:
Võng đào quan lớn đi trên ấy
Váy rách bà con giặt dưới này
Ví cái võng điều của quan lớn với váy rách của bà con quả là chua cay. Xem ra, quan thời xưa chả khác quan thời nay là mấy. Trong khi bà con khổ sở, cùng cực thì quan vơ vét hết cho bản thân. Nhà cao cửa rộng, vợ nọ con kia, còn ô dù võng lọng, nghêng ngang, quát lác, chỉ ăn tàn phá hại, có lợi gì cho dân đâu? Nghe câu đối, cả thầy, cả tớ trợn mắt nhìn Xuân Hương, thấy phong thái ung dung, ngôn từ sóc lỏi, độc địa, biết không thể là đối thủ để nạt nộ, đành lẳng lặng đi qua như không hề nghe thấy...Chuyện này mà để lan truyền ra khắp kinh thành Thăng Long thì mặt quan thành mặt mo, còn nhục hơn bị bà con dùng váy rách che lên mặt. Từ đó, như quả pháo xịt ngòi, quan mất hẳn thói nghêng ngang, hống hách, đi đâu bỏ hết lính dẹp đường ở nhà, Hồ Tây trở lại với khung trời cao rộng, cây xanh, nước biếc, đẹp mê hồn.
Đối đáp với Chiêu Hổ
Phạm Đình Hổ tên chữ là Tùng Niên hoặc Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Tiều, tục gọi là Chiêu Hổ. Chiêu Hổ người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí rằng: "Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời..." Tuy đọc nhiều sách, nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ. Khi Gia Long lên ngôi, ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Tại đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, dưới đây là những giai thoại đối đáp giữa hai người:
Những câu đối chào hỏi khi gặp gỡ:
Hồ Xuân Hương ra: Khấp như thiếu nữ vu quy nhật (Khóc như thiếu nữ vui ngày cưới)
Chiêu Hổ đối: Tiếu tự thư sinh lạc đệ thi (Cười như anh khóa lúc hỏng thi)
Chiêu Hổ hứng khởi lại ra: Người Cổ lại còn theo thói Nguyệt (Chữ cổ ghép với chữ nguyệt là chữ hồ, ý nói Hồ Xuân Hương đã lớn tuổi mà vẫn đa tình)
Hồ Xuân Hương đối: Buồng Xuân đâu đã nhạt mùi Hương (Chữ Xuân với ghép chữ Hương là tên, ý nói Hồ Xuân Hương này đâu đã phải là người “nhạt phấn phai hương”, đâu đã chịu già hom!)
Có thuyết nói cả 2 vế đều của Chiêu Hổ viết tặng Hồ Xuân Hương, vế sau thay chữ "đâu đã" bằng chữ "chi để". Câu đối ghép lại đủ cả tên họ bà, còn tách ra lại là sự trách khéo: "Đã tự coi là người cổ hủ, trọng nề nếp, gia phong lại còn thích thói hưởng nguyệt, xem hoa, lả lơi, thi phú ? Đang tuổi xuân thì còn hương sắc, mà không gìn giữ nền nếp, gia phong thì buồng xuân còn để lạnh đến bao giờ?
Lúc mới quen nhau, Chiêu Hổ còn ngại ngùng, Xuân Hương đùa:
Những bấy lâu nay luống nhắn nhe, nhắn nhe toan những sự gùm ghè, gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám, chưa dám cho nên phải rụt rè.
Chiêu Hổ cả thẹn nổi máu nóng anh hùng phản công liều lĩnh: Hỡi hỡi cô bay tớ bảo nhe, bảo nhe không được gậy ông ghè! ông ghè không được ông ghè mãi, ghè mãi rồi lâu cũng phải rè!
Ta thấy Chiêu Hổ mất bình tỉnh, lời thơ hồ đồ, nóng nảy. Tuy nhiên chúng ta thấy hai người đừa bởn rất thân tình.
Một hôm, Chiêu Hổ đến chơi nhà Hồ Xuân Hương, khi đi qua sân, đụng phải quần áo của nàng đang phơi. Hồ Xuân Hương xuất thần đọc: Tán vàng, lọng tía, che đầu nhau mỗi khi nắng cực
Chiêu Hổ đối lại: Thuyền rồng, mui vẽ, vém buồm lên rồi sẽ lộn lèo
Bữa nọ, Chiêu Hổ hơi men chếnh choáng ghé sang nhà Hồ Xuân Hương chơi, mượn cớ say rượu ông vừa nói chuyện vừa đưa tay quờ quạng lung tung, Hồ Xuân Hương biết Chiêu Hổ giả đò liền tức cảnh thành thơ:
Vẫn giả tỉnh vẫn giả say, sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày? này này chị bảo cho mà biết, chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
Chiêu Hổ đáp: 'Nào ai tỉnh nào ai say, nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày? hang hùm ví bẳng không ai mó, ao có hùm con bỗng trốc tay?
Văn bản cổ nhất chép giai thoại này không gọi là thơ Chiêu Hổ mà ghi là thơ "Mắng người say rượu", các văn bản về sau dựa vào chữ hùm, hùm con nên cho rằng đó là của Chiêu Hổ đối đáp với Hồ Xuân Hương.
Năm 1804 sau khi thôi Tổng Cóc, Hồ Xuân Hương vay tiền Chiêu Hổ để mở hiệu sách ở Phố Nam gần đền Lý Quốc Sư, Xuân Hương vay năm quan tiền. Chiêu Hổ cho mượn có ba, Xuân Hương trách:
Sao nói rằng năm lại có ba? trách người quân tử hẹn sai ra, bao giờ thong thả lên chơi nguyệt, nhờ hái cho xin nắm lá đa.
Chiêu Hổ đáp: Rằng gián thì năm quí có ba, bởi người thục nữ tính không ra, ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt, cho cả cành đa lẫn củ đa.
Xuân Hương trách Chiêu Hổ là Cuội, nói dối như Cuội ngồi gốc cây đa trên mặt trăng, có lẽ Chiêu Hổ cũng không giàu có lắm, nên mượn chuyện tiền quí với tiền gián mà trả lời. Ngày xưa một quan có mười tiền, tiền gián có 36 đồng, một quan bằng 360 đồng, do đó 5 quan bằng 1800 đồng. Tiền quí có 60 đồng; do đó 3 quan tiền quí bằng 60 X 3 = 1800 đồng. Xuân Hương tưởng mượn Chiêu Hổ tiền quí, nhưng Chiêu Hổ cho mượn tiền gián, trách Xuân Hương sao tính không ra.
Năm 1821, Phạm Đình Hổ dâng sách được vua Minh Mạng vời ra: Ông được bổ làm Hành Tẩu Viện Hàn Lâm. Xuân Hương năm ấy chồng Tham Hiệp Trần Phúc Hiển bị tử hình, trở về Cổ Nguyệt Đường, hay tin đã làm câu đối mừng Chiêu Hổ với lời đùa nhẹ nhàng:
Mặc áo Giáp, dãi cài chữ Đinh, Mậu Kỷ Canh khoe mình rằng Quý
Hồ Xuân Hương lấy những chữ trong thập can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý ý muốn chế diễu Chiêu Hổ chỉ đỗ Tú Tài, nhờ dâng sách mà được làm quan nay mặc áo đẹp ra vẻ ta đây.
Chiêu Hổ nổi nóng, đối đáp bằng lời mắng nặng nề: Làm đĩ Càn, tai đeo hạt Khảm, Tốn Ly Đoài khéo nói rằng Khôn
vế đối lấy những chữ trong bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn , Ly, Khôn, Đoài mắng Xuân Hương là 'con đi càn dỡ lại còn tự phụ, cho mình khôn'. Những lời mắng nặng nề ấy đã chấm dứt mối liên hệ giữa Xuân Hương và Chiêu Hổ. Trong thư hồi âm, đoạn cuối ông viết hai câu kết để cắt tình đoạn nghĩa với "bà chúa thơ nôm":
Nay đã mần cha thằng xích tử
Rầy thì đù mẹ cái hồng nhan
Xích tử là con đỏ, trỏ dân chúng. Theo Lê Thước, thì hai câu này là của Nguyễn Công Trứ - thân hai câu này là vô nghĩa lý: tại sao đã được mần cha thằng xích tử, thì lại đù mẹ cái hồng nhan! Không thèm đù nữa, hay lại đù hơn bao giờ hết? Chẳng qua đây là đối chọi chữ chan chát cho thích. Những chuyện tục truyền như thế này, rất có thể không phải là sự có thật (có ý kiến cho Chiêu Hổ chỉ là nhân vật trong giai thoại, không phải là Phạm Đình Hổ), nếu mà có thì như vậy thật đáng buồn biết chừng nào, Chiêu Hổ thì có vợ con, yên nhà yên cửa, tốt thân tốt thế, quan lớn sống lâu! Còn Xuân Hương thì lận đận, long đong, chưa bề nào! Hạ những lời đùa như thế giữa hai người tài tử ai đáng hơn ai?
Đối đáp với học trò
Một hôm sau ngày mưa, Hồ Xuân Hương đến trường, giẫm phải hòn gạch dưới có bùn bắn lên tận cẳng chân (hồi đó con gái còn mặc váy) Hồ Xuân Hương phải ra cầu ao cúi xuống vén váy rửa cẳng chân. Một cậu học trò tinh nghịch trông thấy liền đọc một vế:
Nê nếnh do chi tầm hà xứ? (Đại ý: Bùn bắn lên cẳng chân để tìm cái gì trên ấy nhỉ?)
Hồ Xuân Hương liền đáp: Mạc tương thoá thủ tiếu anh hùng (Đại ý: Khi cúi xuống rửa tay thấy nó cười người anh hùng như cậu).
Đối đáp với nhà sư
Tương truyền khi Xuân Hương qua chùa chơi, vốn biết Xuân Hương nổi tiếng thơ phú, nhà sư liền cho chú tiểu mang ra 1 vế thách đối.
Vế ra như sau: Thông ba sáu bộ chân kinh, dẫu chẳng La Hán Kim Cương, cũng cao tăng đạt đạo
Hồ Xuân Hương liền bảo chú tiểu đưa bút và viết ngay vế đối lại bên cạnh: Dù hay ba vạn chín nghìn, không biết méo tròn ngang dọc, thì cũng đếch ra người
Đối đáp với Tổng Cóc (có thuyết khác nói cả 2 vế đều của Hồ Xuân Hương)
Trong thời gian theo cha về Sơn Dương dạy học, Hồ Xuân Hương được nhiều cậu Tú, anh Nho ngấp nghé chuyện riêng tư, trong những người đó có Tổng Cóc. Ông Tổng Cóc có tên thường gọi là Kình, quê ở làng Gáp, xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ). Khi đi lính lên chức Đội, gọi là Đội Kình. Khi làm Phó tổng được gọi là Tổng Kình. Tên chữ của Tổng Kình là Nguyễn Công Hòa. Cóc là tên gọi lúc còn bé. Gọi tên xấu xí thế cho tà ma bớt quấy. Sau này Hồ Xuân Hương có bài thơ Khóc Tổng Cóc nên dân làng mới gọi ông là Tổng Cóc. Tổng Cóc là con cháu quan nghè làng Gáp Nguyễn Quang Thành. Tương truyền Tổng Cóc kết thân với Tú Điếc làng Xuân Lũng và Nho Trâm người làng Kinh Kệ. Ba người quen biết Hồ Xuân Hương trong dịp họ đi thi Hương. Nhờ sự mối manh của họ, mà cụ Đồ Xứ người Nghệ An (đỗ đầu xứ nên khi dạy học họi là Đồ Xứ) đã dẫn con gái Hồ Xuân Hương về làng Sơn Dương cạnh làng Gáp để dạy học. Một hôm, nhân ngày Tết Nguyên đán, cậu Tú Kình cùng một số thư sinh đem biếu quà Tết cho cụ đồ Hồ Sĩ Danh, thân sinh Hồ Xuân Hương, bị Hồ Xuân Hương ra câu đối:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới
Tú Kình đối lại: Sáng mồng một mở then tạo hoá để cho thiếu nữ rước xuân vào
Nhờ câu đối này, Tổng Cóc cưới Hồ Xuân Hương về làm vợ kế, đương nhiên bị vợ cả và con cái bất bình, nhưng vì “trai làm nên lấy năm bảy vợ”, nên họ phải ngậm đắng nuốt cay. Một lần vợ chồng có va chạm, Tổng Cóc giận dỗi viết thư trách móc để dưới gối rồi bỏ đi xa một thời gian, khi Tổng Cóc về thì Hồ Xuân Hương đã không từ mà biệt. Mãi lâu sau Tổng Cóc mới dò la biết Hồ Xuân Hương đang sống trong phủ Vĩnh Tường, tính đếm ngày tháng, Tổng Cóc biết Hồ Xuân Hương đã sinh đẻ. Ông đến phủ Vĩnh Tường chỉ dám lân la ngoài phố, chờ con sen trong phủ ra hỏi mới biết được con gái Hồ Xuân Hương đã chết khi sinh ra. Tổng Cóc đành tay không ra về, ông viết mấy câu đối tỏ vẻ nuối tiếc như sau:
Thảo lai băng ngọc kính (Nói đến tấm gương bằng ngọc)
Xuân tận hóa công hương (Hóa công cũng chịu lúc tàn xuân)
Hai câu này hiểu theo nghĩa đen là: “Tấm gương trong trắng ví với người con gái trong trắng, nhưng khi hết xuân thì thợ trời cũng chịu”.
Độc bằng đan quế thượng (Chi bằng lúc ta vin cành quế đỏ)
Hỏa phóng bích hoa hương (Tha hồ hoa biếc tỏa hương thơm)
Hai câu này hiểu theo nghĩa đen là: “Chỉ biết dựa vào phúc đức, con cháu khi ấy hương thơm sẽ tỏa khắp muôn nơi”.
Đối đáp với ông đồ Bút
Khi tiếp chuyện một ông đồ tên là Bút ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Hồ Xuân Hương (có một thời cùng gia đình sống ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, nay là vùng vườn Bách Thảo, Hà Nội), ra vế đối: Gái Khán Xuân, xuân xanh tuổi mười ba, khép cửa phòng xuân còn đợi nguyệt.
Ông đồ Bút đối lại: Trai Đình Bảng, bảng vàng treo đệ nhất, chờ khi chiếm bảng trúng khôi khoa
“Bảng” (trong “bảng vàng”) cùng âm với “bảng” (trong “Đình Bảng”); tương ứng với “xuân” (trong “xuân xanh”) cùng âm với “xuân” (trong “Khán Xuân”) của vế ra.
Đối đáp với Dương Trí Tản
Một lần về quê nội Quỳnh Đôi, Hồ Xuân Hương cũng đối đầu ngang ngửa với các sĩ tử, ông đồ- những người ngưỡng mộ bà lũ lượt kéo tới nhà để xem mặt, bắt...hồn thơ, xem có đúng "danh bất hư truyền" như người đời tán tụng không? Trước mặt họ là một người đàn bà nhan sắc chưa phải chim sa cá lặn, dung mạo cũng chẳng phô bày nhung lụa, phấn son, nhưng phong thái đoan trang, ngôn từ lịch thiệp, lại nổi tiếng về trình độ học vấn, giỏi thơ nôm, khiến ai cũng cảm thấy hài lòng, mến mộ. Cuộc thi tài diễn ra ngay tối đầu tiên, tất cả các sĩ tử, văn nhân đều bị đánh bại, riêng ông đồ Dương Trí Tản - tính tình ngang ngạnh, tự phụ, là ra vẻ bất cần. Chờ cho đám bạn bè thất trận đi vãn ông mới thủng thẳng tìm đến ra mắt người đẹp. Rít xong điếu thuốc lào, nhả khói mù mịt gian phòng, Trí Tản cố tình ứng khẩu lại bài thơ đã chuẩn bị sẵn:
Eo lưng thắt đáy thật là xinh, điếu ai hơn được điếu cô mình, thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa, càng núc càng say tính với tình
Hồ Xuân Hương đối: Giương oai giễu võ thật là kinh, danh tiếng bao năm đã Tản mình, thoáng ngửi thoáng ghê hơi hương lửa, tài Trí ra sao hỏi tính tình?
Bài thơ tỏ rõ bản lĩnh nhanh nhạy, sắc sảo và cũng không kém phần thẳng thắn, quyết liệt của Hồ Xuân Hương, dùng chính cái tên của ông đồ rởm, gõ đầu trẻ không xong, còn đòi gõ đầu Hồ Xuân Hương? Mượn điếu bát để tỏ tình thân...gái, chưa được gái già này cho phép đã tính chuyện ái ân (hương lửa) trong khi Xuân Hương có cả đống người chạy theo tán tỉnh nơi kinh kỳ, đô hội còn không được nữa là người nghiện thuốc lào, suốt ngày hun khói mù trời, ăn nói ngạo mạn, xấc xược như ông ta. Xuân Hương là con người bằng xương, bằng thịt, thích cảm xúc êm dịu, tao nhã, chứ đâu phải cái điếu bát trơ khấc, để ông muốn bén duyên hương lửa, ân ái vợ chồng lúc nào là có thể đè ra như đè điếu được? Bên cạnh đó còn có cả họ tên của ông Dương cũng được lồng ghép vào. Vừa song phi đã ngã ngựa, ông Trí không dám giữ bộ mặt dương dương tự đắc nữa mà nhân lúc mọi người tản đi vì trời khuya, bèn bấm bụng rút lui, thua tài trí Xuân Hương và trở thành bằng hữu. Từ đó ông ta thôi ti toe, không còn giở thói đàn anh, bắt nạt, lấn lướt, lớp nho sinh, văn sĩ trong làng nữa.
Năm 1788, sau khi treo ba chữ “Cổ Nguyệt Đường” lên, khiến khách văn chương thành Thăng Long tò mò kéo đến tấp nập. Hồ Xuân Hương đã nổi hứng ra vế đối hiểm hóc:
Gái Cổ Nguyệt chơi Hồ cổ Nguyệt, Nguyệt Nguyệt bằng quân tử trượng phu.
Trong vế đối hai chữ ‘nguyệt” ghép lại thì thành chữ “bằng” (朋), chữ “bằng” ở đây có nghĩa là bằng hữu. Vế đối ngầm khoe bàn bè bằng hữu của Cổ Nguyệt Đường đều là bậc quân tử trượng phu.
Phải mấy năm sau, Dương Trí Tản mới đối lại được như sau: Trai Kỳ Sơn chơi núi Kỳ Sơn, Sơn Sơn xuất anh hùng hào kiệt.
Tuy nhiên, những người am tường Hán học bình luận rằng vế đáp của Dương Trí Tản chưa chỉnh so với vế đối của Hồ Xuân Hương, vì tuy vế sau hai chữ “sơn” ghép với nhau thì thành chữ “xuất”, nhưng vế trước chữ “Kỳ” không ghép được với chữ “sơn” để nên nghĩa như chữ “cổ” ghép với chữ “nguyệt”.
Cũng giai thoại này nhưng có thuyết khác lại chép vế ra rằng: Gái Vọng Nguyệt chơi giăng vọng nguyệt, (Nguyệt 月) (nguyệt 月) (bằng 朋) tể tướng công khanh. Ở đây có tên làng Vọng Nguyệt (làng Vọng), huyện Yên Phong, tỉnh bắc Ninh là làng nhiều người đậu tiến sĩ. Ý nói, gái làng Vọng Nguyệt chỉ chơi "giăng vọng nguyệt" là trăng rằm, và kết bạn (bằng 朋) với ai có tài làm tể tướng. Vế đối như sau: Trai Tam Sơn đứng núi Tam Sơn, (Sơn 山) (sơn 山) (xuất 出) anh hùng hào kiệt. Làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn; nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng có 2 Trạng nguyên là Nguyễn Quang Quan và Ngô Miễn Thiệu.
Vọng nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong) xưa có tên là làng Ngột Nhì. Người họ Chu đến đây khai cơ lập nghiệp đầu tiên. Sau khi ông tổ họ Chu mất, mộ ông được đặt ở đồng Đống Tranh, nhìn xuống một cái ao bán nguyệt. Do vậy, làng được đặt tên tự là Vọng Nguyệt. Vọng Nguyệt nghĩa là trong trăng, đẹp và thơ mộng đến kỳ ảo. Đây là một làng cổ mang đầy đủ bản tính của quê hương Bắc Ninh trong truyền thống: anh hùng và trữ tình. Tính anh hùng được biểu hiện rõ trong câu chuyện dân gian và mối tình sử giữa chàng trai làng Vọng Nguyệt Chu Đình Dự và công chúa Lý Nguyệt Sinh. Họ gặp nhau trong ngày hội xuân và trai tài, gái sắc đã nên nghĩa trăm năm. Gặp khi giặc Tống xâm lấn nước ta, họ đã lập đội dân binh, góp phần vào chiến thắng hào hùng trên sông Như Nguyệt mùa xuân 1077. Nay, Vọng Nguyệt vẫn còn đền thờ Nguyệt Sinh công chúa, mối duyên tình kỳ ngộ giữa người con gái Vọng Nguyệt Chu Thị Bột và chàng thư sinh Tam Sơn Ngô Sử Toàn đã để lại cho người đời một đôi câu đối như trên mà sự kết hợp giữa chữ tình và chữ tài thật quả tùng lai ít thấy.
Gần đây, có người là Hồ Bá Quỳnh xin đổi lại câu của Dương Trí Tản như sau:
“Trai Nhân Sơn gặp tiên Nhân Sơn, sơn sơn xuất công hầu khanh tướng”
Về phía Tây Nam cách làng Quỳnh Đôi khoảng 3km có làng Nhân Sơn. Nay thuộc xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu gần thị trấn Cầu Giát. Ngay trong làng ấy có hòn núi gọi là Lèn Nhân Sơn rất đẹp. Núi Nhân Sơn nay đã bị phá đá nung vôi gần hết. Nhưng truyền thuyết vẫn còn vì đã đi vào lòng dân. Truyền thuyết kể rằng: Nhiều đêm trăng thanh gió mát người ta tưởng thấy các cô tiên thưởng nguyệt cạnh các ông tiên đánh cờ. Dưới chân núi có ngôi đền cổ nhân dân thường hương khói lễ vật phụng thờ. Câu đối này đảm bảo được chữ Nhân là người ghép với chữ Sơn là núi thì thành chữ Tiên (ông Tiên, cô tiên) và hai chữ sơn ghép lại thành chữ xuất như ông Dương Trí Tản đối.
Hồ Bá Quỳnh biệt danh là ông “vua hiến kế” (nguyên cán bộ Ủy ban vật giá tỉnh Nghệ An, ngụ xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vị Tiến sĩ được coi là một trong những cha đẻ của ý tưởng “Hưu nông dân”, có hàng trăm tờ trình ở tầm kinh bang tế thế, quốc kế dân sinh... làm lợi cho cộng đồng nhiều tỉ đồng, nhưng lại không nuôi nổi vợ con
Hồ Xuân Hương và Khâm sai đại thần
Khi Gia Long diệt được nhà Tây Sơn, tiến ra Bắc Hà, viên khâm sai lúc bấy giờ được lệnh đi kinh lý các tỉnh có gặp Hồ Xuân Hương để xin câu đối. Bà liền viết:
Thiên tử tinh kỳ đương bán diện (Che nửa mảnh rực cờ thiên tử)
Tướng quân thanh thế áp tam thuỳ (Trấn ba góc, rõ tài tướng quân)
Câu đối trên có nghĩa đen là: Cờ xí của nhà vua treo khắp mọi nơi, che nửa mặt người. Uy danh của vị khâm sai rất to lớn, bao trùm cả ba cõi. Câu đối được treo lên, vua Gia Long nắc nỏm khen, bàn dân thiên hạ cười mủm mỉm, còn quan bé, quan to giật điếng người...vì phong cách nghịch ngợm của Hồ Xuân Hưng chẳng giấu vào đâu được, khen vua mà lại xỏ ngầm chết vua đấy. Bán diện nghĩa là khuôn mặt chia ra làm hai nửa theo chiều dọc, còn áp tam thuỳ...chỉ khác gì áp vào cái chỗ ba góc da còn thiếu ấy? Đến nỗi chúa dấu vua yêu một cái này thì tướng quân dại gì buông tha? Câu đối được hiểu theo nghĩa ngầm rằng:
Che nửa mặt, rực cờ Thiên tử
Trấn ba góc, rõ tài tướng quân
Wikiquote
DODUYNGOC chép lại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét