Trước năm 1975, tui khoái kiểu vẽ bìa nhạc của hoạ sĩ Duy Liêm và Kha Thuỳ Châu. Nhiều bản nhạc tui không thích nhưng vì cái bìa nên tui cũng mua. Hai hoạ sĩ vẽ hai phong cách khác nhau, đặc biệt là hoạ sĩ Duy Liêm, hình vẽ của ông có nhiều hình khối, đường cong, nét gãy rất đặc biệt. Chữ tít bản nhạc ông cũng thường sử dụng những nét gãy không giống ai trước đó tạo thành font chữ của Duy Liêm. Hồi thời sinh viên, tui nhận viết thông báo, vẽ bích chương, biểu ngữ cho Viện Đại học Vạn Hạnh, rồi nhận làm bìa sách, tui cũng thường bắt chước kiểu chữ của ông. Sau năm 1980, tui vẽ rất nhiều bìa sách, cũng học của ông rất nhiều về bố cục, font chữ.
Sau này khi tìm hiểu về hoạ sĩ Duy Liêm mới thấy ông có số lượng sáng tác đồ sộ và phong phú vô cùng. Ông đã từng vẽ tiền từ thời Việt Minh, vẽ áo dài cho bà Ngô Đình Nhu, tranh sơn mài Thành Lễ, Lam Sơn, mẫu thêu, tranh lụa, tranh sơn dầu. Hoạ sĩ Duy Liêm từ năm 1954 đến khi qua đời đã vẽ hàng trăm bìa sách, hàng trâm bản nhạc. Ông là người kín tiếng, không khoe khoang cũng như ít ngao du với văn nghệ sĩ nên ít người biết ông là một hoạ sĩ đa dạng, đa tài và có một số lượng tác phẩm gây sửng sốt cho người tìm hiểu về ông. Các nhạc sĩ miền Nam trước 1975 thường muốn có bìa nhạc của mình do hoạ sĩ Duy Liêm vẽ. Thời đó nổi bật có các nhà xuất bản chuyên in nhạc là Tinh Hoa Miền Nam, Diên Hồng, Sống Mới…đây là các nhà xuất bản rất chuộng nét vẽ của hoạ sĩ Duy Liêm.
Trong cuốn sách “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại » (in tại Hoa Kỳ năm 2009) của nhà phê bình nghệ thuật Huỳnh Hữu Ủy, phần “Tiến vào nghệ thuật mới”, tác giả xếp họa sĩ Tạ Tỵ và Duy Liêm vào một nhóm. Theo Huỳnh Hữu Ủy, sau 1954 cho đến các năm 70, Duy Liêm đã rất thành công với “Lập thể Duy Liêm” trong đại chúng, xâm nhập mạnh mẽ vào trong cuộc sống hằng ngày của mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là các minh họa trên các bìa nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, Nguyễn Hữu Thiết, Phạm Đình Chương… và vẽ nhiều mẫu tranh cho hãng Thành Lễ với tư cách là họa sĩ chính. (Phạm Công Luận)
(Trích trong cuốn “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” tập 1)
Nhiều người treo trong nhà những bức sơn mài của Thành Lễ trước đây và Lam Sơn sau này nhưng chẳng mấy người biết đó là tác phẩm của hoạ sĩ Duy Liêm. Cho đến giờ, gần 60 đi qua, tui vẫn kính phục ông, vẫn mê những tranh và bìa nhạc của ông.
17.12.2019
DODUYNGOC
HOẠ SĨ DUY LIÊM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét