Top Menu

Main Menu

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

NHỮNG CƠN ĐÓI CỦA VŨ

Tặng bạn tôi để nhớ một thời
Có một thời Vũ đói, đói rạc cả người, hình hài như xác ve. Cứ thử tưởng tượng một thằng thanh niên mười tám tuổi, cao một mét sáu sáu mà chỉ nặng bốn mốt kí lô là hình dung ra Vũ thời kỳ ấy. Đói liên tục, nhiều khi cả tuần không có chút cơm vào bụng, chỉ toàn khoai lang, khoai mì, bánh ít lề đường, gặp gì ăn nấy, vơ vét được vài ba đồng mua đại thứ gì rẻ nhất bỏ vào mồm. Đói đến độ nhiều bữa đi ỉa chẳng có phân, toàn vỏ khoai với nước lỏng bỏng. Mặt xanh rớt, chỉ còn đôi mắt sáng ương ngạnh lại càng to hơn vì hai má lõm. Cũng may giòng giống nhà Vũ không có miệng vẩu, nếu không chắc hàm răng kẻ đói cũng đưa ra như mái hiên nhà. Tóc phủ chấm vai, dáng lừ đừ như thằng nghiện.
Điều khó cho Vũ là gia đình vốn không phải là nhà nghèo, từ bé đến tuổi đó Vũ chưa bao giờ có khái niệm cái đói, nên bây giờ luôn dấu diếm cái đói của mình, sợ bị cười chê và những câu hỏi tò mò của người tọc mạch. Vũ bắt đầu nếm mùi đói khi tự ý bỏ nhà đi học theo nghành học mà Vũ ưa thích. " Ừ! Muốn vậy thì tự lo cái thân mày nhé!". Bố Vũ nổi sùng kết thúc buổi nói chuyện, Vũ lặng lẽ xách túi vào Sài Gòn. Lúc đó y vẫn nghĩ, làm giàu mới khó chứ cơm ngày ba bữa thì khó khăn gì. Nhưng vào rồi mới biết, kiếm được miếng cơm không phải là điều dễ dàng. Mấy tháng đầu mới vào lơ ngơ, chẳng biết kiếm gì để sống. Chiếc đồng hồ đeo tay, món phần thưởng hồi học lớp nhất lên đường đầu tiên. Lúc đầu chỉ định cầm ở tiệm cầm đồ của vợ chồng anh lùn ở chợ Trương Minh Giảng, nhưng nghĩ lại làm quái gì tiền mà chuộc nên đem ra chợ trời Hàm Nghi bán luôn. Cũng chẳng có chút ngậm ngùi nào dù Vũ đeo nó đã được bảy năm, suốt thời trung học. Cứ nghĩ đến bữa cơm tươm tất có chút thịt là kỷ niệm với kỷ vật đều quăng vào sọt rác. Tằn tiện cũng được hơn tháng, lại bán từng cuốn sách ăn từng bữa. Hồi còn ở nhà, mê văn chương nên khi nào có chút tiền là mua sách đọc, bây giờ cơm không có ăn, văn học nghệ thuật chẳng còn giá trị gì, đem đổi cho qua cơn đói. Hết sách, lại đến giày, rồi áo, rồi quần lần lượt ra đi. Chỉ còn bộ đồ trong người và đôi giày để đến lớp. Hôm nào ngủ nhờ nhà bạn thì giặt, vắt thật kỹ, phơi dưới gió cho mau khô, mai lại tiếp. Bữa nào không có chỗ qua đêm thì lẻn vào trường, len lén vô phòng sinh hoạt sinh viên, tắm một phát, giặt cái áo, chỉ áo thôi vì quần dễ dấu vết dơ, mà lại lâu khô, đôi khi thì chỉ vò sơ hai ống quần. Giặt xong thì ở trần, ngồi co ro trong bóng tối đập muỗi chờ áo hơi ráo xếp thật kỹ làm gối, tìm xó nào ngủ qua đêm.
Vũ sống như thế hơn ba tháng đầu của năm thứ nhất. Chẳng mấy ai biết y đói, nhưng có người nghi y chơi xì ke. Rồi cũng chẳng còn gì để bán, mới vào học nên cũng không dám bỏ học kiếm việc làm, sợ thi rớt đi Thủ Đức. Lần đó Vũ đói đến tám ngày, mấy hôm đầu còn thèm ăn, thấy gì cũng thèm, từ viên kẹo cho đến trái chuối, ổ bánh mì chan nước xốt cứ lởn vởn, bụng cứ sôi sùng sục. Lúc nào cũng ngửi có mùi món ăn thoang thoảng. Sáng lừ đừ đến quán bà Vú bên hông trường, mấy thằng bạn uống cà phê, Vũ chỉ rót trà từ bình thiếc qua li, len lén lấy chút đường trong hủ, khuấy nhè nhẹ, uống chậm rãi, nuốt tới đáu nghe tới đó. Cầm cự đến hôm thứ tư thì chẳng còn thấy đói, chỉ thấy mệt, gió hiu hiu cũng thấy gai gai người, cũng có một bữa được miếng khoai thằng bạn mua ăn dở, cầm miếng khoai khới nhẹ, dè dặt vì sợ lủng bụng, nhai khoai ra nước rồi nuốt. Đến ngày thứ tám thì y đứt hơi, ngã quỵ trên cầu thang đi lên giảng đường, vẫn tỉnh táo nhưng không bước nổi, thấy trời đất, con người cứ quay vòng vòng như đèn cù, mọi người la ơi ới, có ai đó xốc nách, giữ chân Vũ khiêng xuống phòng y tế. Nhiều sinh viên bu quanh, tò mò cũng có mà rảnh rỗi quá cũng có. Y tá Đào chạy lăng xăng đi kêu bác sĩ. Bác sĩ Đỏ đến, dáng lùn lùn của ông, Vũ nhìn như ông đi dưới sương mù mờ ảo. Ông khua tay bảo: các bạn giãn ra cho người ta thở nào! "Trúng gió thôi, có gì mà bu lắm thế???"
Y còn chút tàn hơi, thều thào: "Không phải trúng gió. Đói. Tám ngày rồi không ăn". Có tiếng cười rộ lên của một vài người. Y tá Đào bị sai đi kiếm bánh mì và li sữa. Chơi hết hai món, Vũ lại tỉnh như sáo. Nhưng từ đó, y vào trường như thằng bị bệnh tự kỷ, nhìn thấy ai cũng có cảm giác họ biết chuyện đói đến xỉu của mình, đi cứ cúi gằm mặt xuống đất, tránh ánh nhìn của mọi người. Lúc đó mới bắt đầu thấm thía nỗi nhục của kẻ đói ăn. Suốt thời gian dài sau đó, Vũ chẳng dám làm quen với cô gái nào và cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện yêu ai.
Thời kỳ này, nhà trường tổ chức Câu lạc bộ sinh viên, có bán cơm giá rẻ cho sinh viên. Mỗi người lãnh một khay có chia nhiều ô, có món canh lỏng bỏng và một món mặn, thêm ô nước mắm có lúc kèm trái chuối nhỏ. Thức ăn thì theo tiêu chuẩn, nhưng cơm thì tự do. Khi có chút tiền, Vũ mua phiếu ăn bình thường, lúc không có, Vũ nhở mấy đứa bạn thân ăn xong không dọn khay mà để yên trên bàn và bỏ đi, Vũ sẽ vào thế chỗ, ung dung cầm khay cơm đi đến lấy cơm thêm. Có lúc cũng còn chút món mặn thằng bạn thương tình để lại, nhưng thường thường là ăn với nước mắm hoặc trái chuối. Cũng còn hơn là đói.
Bỗng một bữa, nhạc sĩ Mỹ, trưởng phòng Văn Thể Mỹ gọi vào, bảo trong phòng cần người viết các poster thông báo các sinh hoạt sinh viên, biết Vũ chữ đẹp nên nhờ Vũ làm và phòng gởi cho Vũ mỗi tuần mười phiếu cơm của Câu lạc bộ. Đồng ý thôi, từ nay khỏi lo chuyện cơm, nhưng Vũ thắc mắc sao cả tuần mà chỉ có mười phiếu năm ngày, thắc mắc trong bụng thôi, chứ không dám hỏi. Thôi thì tuần được từng đó cũng tốt quá rồi.
Trung tâm sinh viên cũng thường hàng tuần có chuyến đi các làng cô nhi, giúp chúng vệ sinh thân thể, hớt tóc cho chúng, dạy chúng hát ca. Vũ siêng tham gia vụ này lắm, thường được mọi người khen là siêng năng, tích cực. Nhưng thật ra, y tham gia không phải vì tấm lòng với trẻ., Mà vì đi vậy thì trưa chủ nhật có được ổ bánh mì, khỏi lo bữa trưa, còn đem về một ổ cho bữa tối. Bởi thế, mỗi khi được khen, Vũ lấy làm mắc cỡ, áy náy trong bụng lắm.
Ăn thường xuyên ở câu lạc bộ, nhưng Vũ rất sợ những ngày lễ với mấy ngày hè. Nhưng lúc đó, quán cơm không mở cửa, nhiều bữa y đành nhịn đói, có hôm ki cóp vài đồng, lại ra chợ Trương Minh Giảng vào quán cơm bên hông chợ, mua dĩa cơm trắng, xin chút nước tương ăn đỡ. Nhiều lần như vậy, cô gái bán cơm hỏi: "Sao không thấy anh ăn thức ăn mà ăn toàn nước tương thế?". Y quê, nên lấp liếm: "À. Tui ăn chay, nên không ăn cá thịt được." Từ hôm đó, khi nào anh ăn cơm ở quán, luôn ở dưới lớp cơm trắng thường có miếng tàu hủ kho hay miếng trứng chiên. Thấy thế, Vũ ngại, nên lúc cần y bỏ qua quán trước chợ, đành phụ lòng tốt của cô chủ quán từ tâm và dễ nhìn.
Biết là sẽ bế tắc khi cuộc sống khó khăn, ngay từ đầu Vũ ghi danh thêm lớp dự bị Đại học Văn khoa, định là lấy được chứng chỉ dự bị, sẽ thi vào Đại học Sư phạm vì ở đó học có học bổng tháng gần chục ngàn, có thể an tâm học hành cho đến lúc tốt nghiệp. Y quanh quẩn khu cầu Trương Minh Giảng vì bạn bè trọ học đông ở đó, kẹt quá thì vào trường cũng ổn. Nhưng cũng chính vì vậy mà chuyện học cùng lúc hai trường sinh ra lắm chuyện khó xử. Phải biết chọn giờ nào học bên nào, hơn nữa lớp dự bi các ban học chung, nên sĩ số sinh viên ghi danh rất đông, đi trễ là không có ghế ngồi. Nhà xa, không có phương tiện di chuyển, muốn lên Văn khoa Vũ phải mất hai chuyến xe buýt, ít tiền, y thường đi lậu, lên cửa trước chạy ra cửa sau ngồi, tránh mặt mấy người soát vé. Học được thời gian Vũ để ý nhận thấy các nàng thường tập trung tán gẫu khi giờ trống, hay nói chuyện bói toán, bói bài. Ở trường kia y bị mang danh kẻ đói nên mặc cảm, nhưng ở đây chẳng ai biết chuyện đó nên y tự tin hẳn. Vũ lò dò đến làm quen với các nàng, nhất là các em ở ban Văn chương VN và ban sử địa, dở trò xem bói toán, chỉ tay, chỉ chân tá lả, toàn nói tào lao mà các nàng vẫn tin mới lạ. Từ đó, muốn đến lớp, Vũ cứ tà tà, các nàng đến sớm xí chỗ cho y, đôi khi kèm trong hộc bàn có thêm ổ bánh ngọt, thanh chocolat, hoặc trái xoài, trái cóc…
Trong đám các nàng, có Bích Anh rất đẹp, ăn mặc đúng mốt, chắc hẳn là con nhà giàu có. Vũ biết thân biết phận của mình, nên biết Bích Anh hình như có chút cảm tình với Vũ, y cũng ngậm đắng mà tảng lờ như chẳng biết gì.
Ngay chân cầu Trương Minh Giảng có quán cơm của Vú Hai. Lâu lâu , có chút tiền, Vũ ra đó ăn cơm. Vú nấu nhiều món ăn ngon, nhưng với Vũ, giá hơi cao. Một bữa, Vũ đến quán hơi trễ, khách vắng, Vù Hai đang ngồi kiểm tiền, thấy Vũ liền nói: "Trời ơi, Vú kiếm con mấy bữa rày, có khách mới đặt cơm tháng, hơi xa chút mà Vú neo người quá. Vú định nhờ con, nếu con đồng ý thì Vú ưu tiên con ăn trưa miễn phí". Vũ bảo: "Ồ! Được thôi. Vú tốt với con quá! Nhưng thưa Vú, con không có xe đi". Vú ngẩn người một chút rồi bảo: "Thì con lấy xe của Vú đi, xe đạp cũ thôi, nhưng đạp nhẹ lắm."
Thế là Vũ nhận lời. Địa chỉ ở lầu ba đường Huyện Thanh Quan, Vũ đạp một lèo là tới. Lên lầu, bấm chuông, oái ăm thay, người nhận cơm là Bích Anh. Cô trố mắt nhìn y, y cũng ngạc nhiên tột độ, nhưng trấn tĩnh ngay, y làm mặt lạ: "Bà Vú bảo cô ăn xong khỏi rửa, cứ để yên trong gà mên, chiều tui đến tui mang về". Bích Anh chẳng nói tiếng nào, cứ ngước mắt nhìn chăm chú vào Vũ. Y chào và chạy nhanh xuống cầu thang, mặt đỏ như gấc. Vũ bỗng thấy chán nản, muốn bỏ hết đầu quân, y sợ không tiếp tục học hành được nữa và Vũ cũng đành từ chối công việc đưa cơm.
Tuần sau gặp Bích Anh ở hành lang, Vũ làm như chẳng biết gì, vẫn bình thường như không, nhưng ánh mắt Bích Anh cứ nhìn vào Vũ, khiến y chột dạ. Bích Anh mượn cours của Vũ, chuyện lâu nay vẫn thường xảy ra, nhưng hôm sau khi trả, Vũ phát hiện nhiều tờ tiền năm trăm đồng kẹp giữa trang vở. Y cảm thấy bị xúc phạm, y cảm thấy bị coi thường, Vũ hậm hực đến trường định chửi nàng một trận, nhưng rồi khi gặp Bích Anh, nhìn thấy đôi mắt của nàng nhìn y, y không nỡ. Để cuốn tập lên bàn, Vũ nhìn rất nhanh vào mắt Bích Anh rồi quay đầu bỏ đi thẳng. Và Vũ cũng bỏ trường Văn Khoa từ bữa đó, bỏ luôn mong muốn thi vào Đại học Sư phạm.
(Sau này, trong một chuyến đi Úc, Vũ được tham dự ngày hội Văn Khoa, Vũ có gặp lại Bích Anh đang định cư ở Úc. Hai người nói chuyện với nhau cả buổi chiều, nhưng tuyệt nhiên, cả hai không ai nhắc đến những tờ tiền kẹp trong tập vở của gần năm mươi năm trước, dù cả hai biết rằng, không ai quên chuỵện đó.)
Sau khi bỏ học ở Văn khoa, Vũ đi học đều hơn ở Vạn Hạnh, lại bắt đầu làm thơ, viết văn gởi báo. Mười bài gởi đi, cũng có đôi bài được đăng, tiền nhuận bút cũng giúp cho Vũ có miếng ăn đều đặn hơn.
Nhưng rồi, Vũ lại bị một trận đói nữa. Đó là lúc Tết, bạn bè đa số về quê, quán cơm sinh viên nghỉ Tết, trước Tết cũng gắng kiếm nhiều việc lặt vặt, cũng được chút tiền, nhưng lại đến kỳ đóng học phí học kỳ hai, nên hết ráo, Tết chỉ còn trong túi vài đồng tiền lẻ. Đói tới ngày thứ hai thì Vũ lên kế hoạch kiếm cơm. Đầu tiên, Vũ đi đến nhà người anh họ ở Chợ Lớn, cũng lại đi buýt lậu thôi. Tết nhất, chắc nhà nào cũng có thịt, Vũ nghĩ đến thịt và nước miếng ứa ra đầy miệng. Vừa đến nơi, chưa kịp chúc Tết, chưa kịp nhìn miếng thịt Xuân, vợ chồng ông anh họ bảo phải đi thăm chúc Tết họ hàng, thế là phải đi về thôi. Bụng lại sôi sùng sục, hình ảnh miếng thịt béo ngậy hiện ra trong mắt Vũ, chập chờn như muốn trêu ngươi. Vũ lục trí nhớ, phát hiện quanh đây còn mấy người quen, bèn chậm rãi bước. Chậm vì đã thấy mệt. Chậm vì không biết có hi vọng chi không? Nhưng tới rồi mới biết chứ! Thế là lại nhanh chân bước được thêm một chút. May quá, vừa đến cửa thì gặp anh bạn cùng trường, hắn học ban Anh văn, cũng khá quen nhau. Vũ chắc mẩm phen này có cơm ăn, lại hi vọng có thêm chút bia vì tay này chịu bia bọt lắm. Thế nhưng gặp Vũ, hắn tay bắt mặt mừng, hỏi đủ thứ chuyện, nhưng vẫn đứng nơi cánh cửa sắt giáp đường. Nói loanh quanh nhưng chẳng mời vào nhà, Vũ đã thấy thất bại nên đành dứt ngang câu chuỵện, chào đi. Trưa bắt đầu nắng, nắng xuân không chói chang như mùa hè, nhưng cũng làm người ta mệt. Nhất là Vũ đang đói. Y thất thểu qua ngã tư, vượt một đoạn nữa là đến nhà cậu Bảy, cậu bà con bên ngoại của Vũ. Lâu nay tuy không gặp thường xuyên, nhưng cũng gắn bó qua những ngày giỗ kỵ. Gặp nhau, cũng tay bắt mặt mừng, hỏi han đủ chuyện. Ngồi ở salon, kế đó có bàn ăn, trên có đậy một cái lồng bàn. Vũ ngửi được mùi xôi, mùi gà luộc với mùi bánh chưng. Hít sâu vô chút nữa, y nhận ra mùi thịt kho tàu, những tảng thịt lớn màu vàng nâu béo ngậy, những quả trứng vịt và nước thịt kho sóng sánh trong đầu Vũ. Người cậu cứ huyên thuyên chuyện Tây qua đến chuyện Tàu, cứ liên tục châm nước vào bình và rót trà vào chén. Uống được bốn li, Vũ nghe đắng họng, thấy hơi say say. Thì bụng rỗng, ngồi uống trà đặc, làm gì không say. Chờ hoài không thấy một lời mời ăn, Vũ thấy thất bại rồi, ngã nghiêng đứng dậy, xin rút. Y thấy mệt và chán. Cơn đói lại râm ran trong bụng. Ra cửa thều thào một câu chào, lại một lần nữa trớt quớt. Chiếc xe buýt bỗng dừng trước mặt, Vũ leo lên mà chẳng biết mình sẽ đến đâu. Cũng may chuyến xe chạy về cầu Công Lý. Tần ngần bước xuống, chưa biết phải làm gì thì Vũ nhớ đến anh Tư Vạn. Anh cùng ngoài quê giạt vào đây, hơn Vũ đôi ba tuổi, một vợ hai con, nghèo sát đất, cắm đại mấy cọc gỗ trên kinh Nhiêu Lộc, làm cái nhà sàn nhỏ như cái lỗ mũi, cả gia đình ở chung vởi bùn sình và mùi hôi lưu cửu của con kinh nước đen. Vũ lâu lâu cũng tạt qua đây, nằm nghĩ một chút rồi đi, nhiều bữa muốn ăn với anh miếng cơm mà rồi ngại vì thấy anh nghèo quá. Thôi thì nhân ngày Tết qua thăm anh, nằm nghĩ chút chứ đã thấy mệt lắm rồi. Vũ rút trong túi mấy đồng bạc lẻ nát nhàu, vuốt ngay ngắn rồi xếp đôi, định bụng sẽ lì xì cho hai đưa con anh, chẳng bao nhiêu nhưng không lẽ ngày Tết đến tay không. Không ngờ anh Tư lại ở nhà có một mình, vợ con đi về ngoại ở Long Khánh, mình anh ăn Tết trên này. Vũ bước vào, đầu phải cúi để khỏi va vào khung cửa. Anh Tư Vạn lăng xăng, cười cười trên khuôn mặt xạm nắng gió. "Ngồi chơi, ngồi chơi nghe. Có mấy con cá khô, tui nướng lên rồi làm tí nước mắm kho quẹt ăn với bầu luộc, làm miếng cơm ngày Tết". Vũ định từ chối, nhưng cơn đói ngăn anh lại, đồng thời làm sao ngăn được cái nhiệt tình của anh. Hoá ra, lòng tốt nhiều khi nằm ở người nghèo nhất, bần cùng nhất, bởi họ thông cảm rồi đồng cảm với người nghèo như họ, họ biết người bạn nghèo của họ đang đói, họ sẵn lòng chia với bạn. Còn mấy người dư dả, giàu có, họ không nghĩ đến hoàn cảnh của người nghèo, thờ ơ với mục đích của người khác đang đến với họ, cho nên họ hời hợt, cho nên họ vô tâm. Bữa ăn đó là bữa cơm Tết ngon nhất của mùa xuán năm đầu tiên xa nhà của Vũ.
Mùa xuân đi qua nhanh, mùa hè đang tới. Vũ lại đói, có công việc nho nhỏ ở nhà in, đang làm ngon trớn thì bị đuổi vì đánh nhau với đám thợ montage, nói đánh nhau cũng không đúng nữa, chỉ hụ hợ lấy không khí thôi. Sự việc vở lở, chủ đuổi. Lại đói. Ba ngày rồi, chỉ có nước lã, lần này lại run người. Cố lết đến cổng xe lửa số sáu, có mấy đứa bạn cùng quê đang học Kỹ sư Phú Thọ ở đó. Đám này có gia đình gởi tiền hàng tháng, lúc nào cũng có cơm. Ở chung nhau năm thằng, thay phiên nhau đi chợ nấu ăn. Lúc Vũ đến, cơm chiều đã nấu, nhưng có lẽ có đứa nào trúng áp phe gì đấy, rủ nhau đi nhậu, bỏ cơm. Rủ Vũ cùng đi, Vũ tiếc bữa cơm, nên tình nguyện ở nhà ăn cơm kẻo bỏ uổng. Hôm đó, một mình y ăn phần cơm của năm người sạch bách. Đám đi nhậu về thấy thế trợn mắt ngạc nhiên. Vũ cũng trợn mắt vì no quá. Nằm ngửa cũng tức, nằm nghiêng thì cấn, nằm xấp là không ngóc dậy được. Đi cũng đau, đứng cũng đau. Bụng như trống chầu, nặng nề. Vũ bỗng sợ chết khi y nghĩ đến chuyện "Một bữa no" của nhà văn Nam Cao, kể chuyện một bà vì sau khi đói ăn no nên chết. Vũ sợ chết, mồ hôi đổ như tắm. Sao đói lại không chết mà bây giờ no lại sắp phải chết. Mà kiểu này chắc chết rồi. Bụng cứng ngắc rồi. Năm tên trong phòng nhìn Vũ ái ngại. Thằng thì kiếm dầu thoa, thằng kiếm thau bắt ói. Vũ bắt đầu rên, rồi ngủ với một dáng ngủ rất kỳ khôi. Cũng may, chắc nhờ sức trẻ, y còn sổng cho đến bây giờ.
08.8.2016
DODUYNGOC
Viết thêm chuyện cũ: Căn phòng của năm người bạn ấy gồm: Thọ, Bính, Chi, Dưỡng và người anh của Chi. Đến nay 4 người đã mất, đó là: Thọ, Chi, Bính, anh của Chi. Chỉ còn bạn Dưỡng đang còn ở Sài Gòn. Bỗng dưng hôm nay nhớ các bạn quá, nằm khóc suốt trưa nay.
Vũ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét