Top Menu

Main Menu

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ












Trước năm 1975, Tết Sài Gòn có đường hoa Nguyễn Huệ. Ở đó những ngày cận Tết, các thương lái, nhà vườn đem hoa của mình về đường hoa để trưng bày đồng thời để bán cho khách chơi xuán. Người đi rộn rịp ngắm hoa, chụp hình, mua bán tạo thành một không khí sinh động của một chợ hoa giữa chốn đô thành. Người Sài Gòn trước 75 ai cũng có kỷ niệm về đường hoa, ai cũng giữ cho mình một tấm hình kỷ niệm với những bông hoa thật, chậu hoa thật, nét đẹp thật sự của thiên nhiên với muôn hoa ngàn tía.
Sau năm 1975, được tiếp tục vài ba năm rồi sau đó là đường hoa với toàn cảnh giả, màu mè, quê kệch thiếu bóng dáng của thiên nhiên. Tất cả đều là nhân tạo với màu sắc sặc sỡ kèm theo những chủ đề nổ như đạn pháo. Người đi đường hoa không còn cái náo nức ngắm những cành hoa đẹp, không còn cái thú chọn được chậu hoa ưng ý chở về sau xe với tâm trạng rộn ràng sắc xuân, không còn chụp được những tấm hình hoa thật để giữ một kỷ niệm. Giờ đây họ chỉ là những người đi dạo ngắm những thứ đồ giả. Và hiệu ứng chưng đồ giả đó lan ra khắp nơi, đi đâu cũng thấy những sắc màu rực rỡ vô hồn. Người Sài Gòn bị đánh mất đường hoa và được thay thế những mô hình, những hình nộm khô cứng, rẻ tiền. Có thể chợ hoa ngày xưa không màu mè, phô trương như bây giờ, nhưng nó mang cái chân chất của chợ hoa, đường hoa. Là nơi để ngắm hoa chứ không phải đi vào một cái nhà trẻ khổng lồ với những mô hình giả.
Bây giờ cũng có những chợ hoa như ở công viên Lê Văn Tám, trước khách sạn New World và nhiều nơi khác. Thế nhưng người ta thích ở Nguyễn Huệ vì ở đó có phông nền là những ngôi nhà cao, xa xa có Tòa Đô chánh, biểu tượng của Sài Gòn. Chụp một tấm hình với muôn hoa và phông nền là một cảnh Sài Gòn như thế, ai mà không thích. Còn bây giờ, đường hoa như một công viên, chẳng có gì để háo hức.
Cái náo nức đợi chờ ngày đường hoa, chợ hoa Nguyễn Huệ khai trương không còn như xưa nữa. Ôi cái thời đồ giả lên ngôi. Những thứ màu mè loá mắt đó chỉ để nhìn vui mắt chứ bản thân nó là vật vô hồn. Ký ức chỉ được giữ lại khi nó mang đậm một hồn vía của một vùng đất, giữ được cái đẹp tự nhiên của muôn hoa, lưu lại cái chân chất thật thà của nhà vườn trong việc bán mua những bông hoa của ngày xuân. Và thời đó người ta không bao giờ nhìn thấy những giọt nước mắt của người bán hoa, cũng không bao giờ chứng kiến cảnh người ta đập chậu, bẻ cành chiều 30 Tết. Tiếc một đường hoa, ký ức của một thời.
Mồng một Tết Kỷ Hợi
5.2.2019
DODUYNGOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét