Đài BBC Việt ngữ có đề nghi tui phát biểu về suy nghĩ của tui trước việc nhà văn Kim Dung vừa qua đời. Đành viết vội mấy dòng như ghi lại những ký ức về những tháng năm tuổi trẻ mê đắm truyện Kim Dung
MẤY SUY NGHĨ VỀ TIỂU THUYẾT KIẾM HIỆP CỦA KIM DUNG
Tài năng đầu tiên người đọc cảm phục nhà văn Kim Dung là khả năng xây dựng tính cách nhân vật. Tiểu thuyết của ông có hàng trăm hàng ngàn nhân vật, nhưng mỗi người có một tính cách riêng, khó lẫn vào nhau, trở thành tên hiệu nhiều độc giả dùng làm biệt hiệu để thể hiện tính chất của riêng mình. Trong Thiên Long bát bộ có 230 nhân vật, trong đó có nhân vật như Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Minh, Liêu Đạo Tông và Kim Thái Tổ được dựa trên các nhân vật có thật. Phần còn lại là hư cấu. Nhân vật của Kim Dung có đủ loại hạng người. Chính có, tà có. Có kẻ vừa chính vừa tà như Vi Tiểu Bảo. Có kẻ nguỵ quân tử như Nhạc Bất Quần. Khi nhận xét với "Quân Tử Kiếm" Nhạc Bất Quần, Nhậm Ngã Hành có một câu nói nổi tiếng:
"Ðối phó với kẻ chân tiểu nhân là một chuyện dễ, nhưng đối phó với người "ngụy" quân tử thật khiến cho người ta phải điên đầu." Mà loại người như Nhạc Bất Quần thì thời nào cũng có.
Từ Quách Tĩnh, Hoàng Dung trong Anh hùng xạ điêu cho đến Kiều Phong, Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ, rồi Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ và Trương Vô Kỵ trong Ỷ thiên Đồ Long ký, tất cả họ đều là những kẻ tài nghệ vô song, thế nhưng họ gặp nhiều nghịch cảnh. Và nổi bật hơn cả đó là nỗi cô đơn của kẻ anh hùng. Trong chốn giang hồ, họ lắm kết giao nhưng vẫn là những người đi trên hành trình cô độc với những tính chất chẳng có nhân vật nào trùng lắp.
Nổi bật lên là nhân vật Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký, một trong hai cuốn sách cuối cùng của Kim Dung. Đó là một nhâm vật đặc biệt mà có người cho rằng đó là nhân vật hay nhất, thành công nhất của Kim Dung. Cũng có người không e ngại mà tôn Lộc Đỉnh Ký là kỳ thư.
Xuất thân từ kỹ viện lại lớn lên ở hoàng cung, Vi Tiểu Bảo là người khôn lanh, giảo hoạt. Y gian manh mà không ác độc, xảo quyệt mà không hèn hạ, tham lam nhưng lúc cần chẳng tiếc của. Y ít học, chẳng có võ công, ăn tục nói phét, nói năng tục tĩu, chửi thề luôn miệng nhưng người ta khoái y chửi vì y chửi đúng người, đúng lúc, đúng tội. Y cũng là người có nghĩa khí và trọng nghĩa. Những mâu thuẫn về mặt tính cách của Vi Tiểu Bảo cho thấy nhân vật này thật gần gũi trong đời sống, bình thường dễ bắt gặp, khác xa những nhân vật lý tưởng trong những cuốn khác của Kim Dung.
Hành trình xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Dung là một tiến trình có nhiều thay đổi đáng kể. Từ một Trương Vô Kỵ, nhân vật anh hùng võ công thượng thừa, có những tính chất của một hảo hán lý tưởng đến Lệnh Hồ Xung giao thoa giữa chính tà, sống tự do như cánh chim, vượt ra khỏi khuôn mẫu để được sống như một kẻ giang hồ thứ thiệt. Lệnh Hồ Xung cũng là một nhân vật đẹp khá toàn vẹn của Kim Dung. Và cuối cùng là Vi Tiểu Bảo, nhân vật châm biếm, ba trợn hoàn toàn khác với những nhân vật trước đó nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.
Đọc Kim Dung, người đọc còn học nhiều điều từ tác phẩm của ông ngoài chuyện nghĩa khí, chung thuỷ, hi sinh vì đồng đội, sẵn sàng chết vì chính nghĩa, tiêu chuẩn của một bậc trượng phu...Người đọc cỏn được trang bị thêm nhiều kiến thức về võ học, tôn giáo, trà đạo, tửu đạo, triết học, thơ ca, tâm lý, thiên văn, y học, tướng số, phong thủy, hội hoạ, lịch sử...Đọc sách của ông người đọc như được khám phá một kho tàng khổng lồ của văn hoá Á đông và đặc biệt là văn hoá Trung Hoa. Bởi nhà văn là một kho kiến thức khổng lồ, mênh mông.
Sau khi ông qua đời, có lẽ khó tìm được một nhà văn viết kiếm hiệp nào để sánh bước ngang hàng với ông.
31.10.2018
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét