Tui không ngờ gặp lại hắn và thật lòng tui cũng chẳng muốn gặp hắn tí nào. Nhưng sáng nay tui đã gặp hắn. Sáng nay anh bạn gọi ra cà phê ở đường Nguyễn Huệ, quán Ciao. Đến giờ hẹn, anh bạn vẫn chưa thấy đến. Tui lấy điện thoại ra đọc mấy tin buổi sáng. Đang chăm chú vào màn hình thì có tay ai đặt trên vai tui bóp nhẹ. Tui xoay lại thì bắt gặp một khuôn mặt vừa quen vừa lạ. Quen vì khuôn mặt ấy có những nét nhắc tui về một người bạn. Lạ vì khuôn mặt ấy lại có những nét lạ lẫm. Đó là một khuôn mặt bệnh hoạn, má hóp, da vàng ệch, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng, tóc trên đầu chỉ còn lơ thơ mà bạc trắng. Bàn tay đặt trên vai tui khẳng khiu, những ngón dài với màu da thâm thâm đen của người bệnh gan nặng. Anh ta cười, nụ cười nhăn nhúm lộ hàm răng rụng gần hết. Giọng anh khào khào, thì thào: Nhớ tao không? Huỳnh ở Văn khoa, nhớ không?
Huỳnh, Lê Văn Huỳnh. Sao quên được. Những năm cuối thập niên sáu mươi thế kỷ trước, ở đường Trương Minh Giảng Sài Gòn. Trong những căn nhà tạm bợ ở bờ kênh Nhiêu Lộc. Dưới là dòng kênh nước đen, bùn lầy và rác rến. Không khí lúc nào cũng có mùi, mùi của ao tù và xác chết lâu ngày của những con vật, mùi của chất thải đổ ra. Tụi tui, những sinh viên nghèo từ ngoài Trung vô đi học, tạm thuê căn phòng nhỏ ở đấy sống tạm. Bốn thằng trong căn phòng mười mấy thước vuông được dựng bằng gỗ tạp, có chỗ phẻn tre và trên đầu là tấm tôn rỉ, mùa nóng thì hầm hập như lò thiêu xác, mưa thì dột tứ tung. Bữa đói, bữa no. Sống nhờ cơm ở câu lạc bộ ở Đại Học Vạn Hạnh, giá rẻ. Đói nữa thì lê thân xuống cơm xã hội ở đường Trần Quốc Toản( bây giờ là đường Ba tháng Hai). Hết tiền thì vô Đại học xá Minh Mạng ăn ké. Chỉ mong có miếng cơm qua ngày. Thằng nào cũng gầy gò và xanh mướt. Tui và Huỳnh thuê chung phòng. Hắn dân Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Còn tui dân Đà Nẵng. Hắn và tui cùng học Văn Khoa. Tui học Ban Triết. Còn hắn học Ban Sử Địa. Hai thằng đều là con hoang, tức là chẳng có ai nuôi, hàng tháng chẳng được diễm phúc lãnh măng-đa người nhà gởi tiền. Bởi vậy hai thằng sống thiếu trước hụt sau, nhiều bữa đói vàng mắt.
Có một dạo tui xin được hai cái phiếu cấp bánh mì của tổ chức Caritas, một cơ quan từ thiện của Công giáo. Bánh mì ở đấy rất ngon, làm bằng bột mì viện trợ của Mỹ. Ổ bánh mì dài ngoằng, ăn được nửa ổ là no vật vã. Thế mà mỗi phiếu lại được phát mỗi ngày hai ổ. Tui giữ một phiếu, tui đưa cho Huỳnh một phiếu. Sáng sáng, hai thằng ra chỗ bô rác dốc cầu đường Trương Minh Giảng chờ xe buýt đi qua quận tư lãnh bánh mì. Hôm nào có tiền thì kiếm ghế ngồi. Bữa nào cháy túi thì lên cửa trước lẻn ra cửa sau trốn vé. Lãnh được bốn ổ bánh, hai thằng bán lại cho xe bánh mì quen. Hôm thì lấy tiền mua gạo nấu hoặc đi cơm quán vỉa hè. Có hôm thì đổi đồ ăn, lúc thì mấy miếng thịt, khi thì mấy cái trứng. Cũng được một thời gian. Sau đấy, tui tìm được việc làm trong một toà báo, còn Huỳnh thì biến đâu mất tăm. Nghe đồn hắn vô bưng. Tui biết hắn hoạt động cho Việt cộng lâu rồi, nhưng chẳng quan tâm vì tui nghĩ mỗi thằng có mỗi lý tưởng riêng, mục đích riêng để sống.
Tui được một học bổng du học. Một thời gian dài cũng chẳng liên lạc với bạn bè cũ. Đi rồi trở về. Rồi biến cố tháng 4.75. Một thời gian sau nghe tin Huỳnh khi vào bưng được đưa ra Bắc rồi đi học ở Nga vì ba hắn cũng là dân miền Nam tập kết đang giữ một chức vụ khá lớn trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau đó cũng nghe tin hắn về nước và đang ngồi vào một cái ghế kha khá ở một sở của thành phố này. Nhưng tui cũng không có dịp gặp.
Những năm tám mấy chín mươi, tui mê chơi tennis lắm. Suốt ngày vác vợt đi khắp sân của thành phố. Sáng sớm thì ở sân Phan Đình Phùng. Trưa thì chạy vào sân Đường sắt hoặc Lê thị Riêng. Chiều thì vào sân Dinh Độc Lập hoặc sân Quốc gia Hành chánh. Và tui gặp lại hắn ở sân Quốc gia Hành chánh. Hắn cũng đi đánh tennis với người bạn trong nhóm tui, một cán bộ của quận 10. Chắc hắn có chức vụ khá lớn bởi tui thấy ai cũng có vẻ nể hắn, đồng thời hắn lại có hai cậu phục vụ lúc nào cũng sẵn sàng chăm sóc lúc cái khăn, khi chai nước. Hắn bây giờ hồng hào, bệ vệ, mập mạp với cái bụng đã phệ. Hai thằng gặp nhau mừng lắm, huyên thuyên đủ chuyện. Nhưng khi tui nhắc đến giai đoạn hai thằng đi xe buýt lậu vé qua quận tư xin bánh mì Caritas thì hắn chối. Hắn dứt khoát là không có chuyện đó, hắn cãi cho bằng được không có là không. Bực quá, tui bảo: Thế thì tui xin lỗi, tui nhận nhầm người rồi. Và tui bỏ đi về trước sự ngạc nhiên của hắn. Tui đi và không ngoái đầu lại và cả tuần sau tui không đến sân đó nữa vì ngại sẽ gặp lại hắn. Khi tui trở lại sân, anh bạn cán bộ đánh chung nhóm bảo rằng hôm đó hắn ngạc nhiên và bực mình vì thái độ của tui. Tui cũng chẳng giải thích gì. Và cũng qua anh bạn đấy, tui biết hắn đang giữ chức Vụ trưởng của một bộ nào đấy, đặc trách phía Nam. Vợ hắn là con gái rượu của một thứ trưởng. Nghĩa là hắn đang làm quan lớn và lẽ dĩ nhiên là hắn rất giàu. Nhưng tui không chịu được những kẻ chối bỏ quá khứ. Ai lại không có thời khó khăn. Sao phải tránh né nó khi đã thành đạt và giàu sang? Kể từ đó, tui quên luôn hắn.
Hôm nay tui lại gặp hắn, đã mấy chục năm rồi chẳng liên lạc, chẳng tin tức. Bây giờ gặp lại hắn, thân thể tiều tuỵ, bệnh hoạn. Tự nhiên tui thấy thương hắn. Hắn bảo hắn ung thư gan giai đoạn cuối, thời gian sống chẳng còn bao nhiêu nữa dù đã qua Sing, sang Nhật, đến Mỹ chữa nhưng mọi nơi đều đã bó tay. Hắn xin lỗi tui vụ hắn chối chuyện đi xin bánh mì trong quá khứ. Hắn bảo lúc đó đông người, hắn đang là sếp bự nên không thể chấp nhận chuyện ấy, sợ mất mặt với đàn em. Thôi thì dù sao cũng là bạn bè ở thuở hàn vi, hơn nữa hắn đang bệnh sắp chết, tui cũng chẳng sân si, giận hờn chi nữa nên hai thằng ngồi nói lại rất nhiều kỷ niệm. Hắn cầm tay tui, nắm chặt và hắn khóc. Hắn đang nghĩ đến cái chết, hắn đang tiếc nuối cuộc sống. Tui cũng chẳng biết nói với hắn gì nữa. Mỗi người mỗi số phận. Sống chết là quy luật của đời sống, ai tránh được đâu. Tui bảo hắn cứ bình tĩnh, an nhiên cho đến phút cuối. Lo âu, bi quan càng dễ suy sụp hơn. Thấy hắn khóc, tui cũng không cầm được nước mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét