Top Menu

Main Menu

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

LỄ KHAI GIẢNG

Hôm nay cháu nội tui dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời đi học. Năm nay cháu vừa vào lớp một. Cháu thì nôn nao vì là được tham dự lễ, nhưng tui thì lo ngay ngáy. Bởi hôm qua cháu sốt, sáng nay người còn nóng hầm hập. Mà lễ khai giảng của các trường hiện nay thường kéo dài lê thê, học sinh ngồi dưới nắng để nghe những lời vô bổ và nặng phần trình diễn hình thức, không biết cháu tui có chịu nổi không?
Tui không hiểu là học sinh đã đến trường gần nửa tháng nay rồi, đã bắt đầu học hành rồi thì lễ khai giảng hôm nay còn ý nghĩa chi không, hay chỉ là một màn trình diễn của những người lớn với nhau. Ngày xưa, lễ khai giảng là ngày tụ hội, gặp lại bạn bè, Thầy Cô sau ba tháng hè. Là ngày được lên lớp mới, với Thầy Cô mới. Một ngày ý nghĩa. Còn bây giờ, trước đó đã lặng lẽ vào trường, âm thầm nhận lớp, rồi tập dượt xếp hàng, tập phất cờ, tập hát, tập đi, tập phát biểu, tất cả để phục vụ cho buổi khai giảng hôm nay. Hình thức cả. Đóng kịch cả. Học sinh chẳng còn chút rung động hồn nhiên nào của buổi khai trường để mở đầu một năm học mới.
Buổi lễ khai giảng của bất cứ nhà trường nào hiện nay đều chỉ có một kịch bản. Toàn là những diễn văn. Đọc thư chủ tịch nước gởi các em học sinh, nội dung thư chung chung, năm nào cũng như năm nào, ông nào cũng viết giống nhau. Rồi diễn văn của hiệu trưởng dài lê thê, kể về thành tích năm qua và kế hoạch năm tới. Rồi phát biểu của đại diện Phòng, Sở Giáo dục. Phát biểu của quan chức địa phương. Rồi chủ tịch công đoàn trường phát động thi đua, đại diện Thầy Cô hứa hẹn phấn đấu dạy tốt, đại diện học sinh phấn đấu học tốt. Rồi đại diện phụ huynh học sinh. Rồi phát thưởng, rồi cả trường hưởng ứng thi đua. Rồi đánh trống trường, rồi văn nghệ...Tất cả chẳng có tác dụng gì đến những đứa học trò héo queo dưới nắng và mệt mỏi vì phải chịu ngồi hàng giờ không được chạy nhảy, ngáp lên ngáp xuống với mồ hôi nhễ nhại. Tất cả đều để phục vụ cho người lớn, tất cả đều chỉ đóng trò. Đó là chưa kể có trường còn mời một ông bà nào đấy, có thành tích cách mạng hoặc có chút thành công, có chút tiếng tăm lên nói chuyện hàng giờ tự kể công và tâng bốc mình. Có nơi còn mời ca sĩ, ban nhạc ò í e như đại nhạc hội, học sinh, cô giáo nhảy nhót như ở vũ trường, sau lễ lại còn có tiệc tùng chiêu đãi!!!! Mà bây giờ người ta lạm dụng cờ dữ quá, lễ nào cũng đỏ rực cờ là cờ, rồi mỗi học sinh cũng cẩm một lá cờ, cả một khoảng sân đỏ như lửa cháy.
Theo tui chỉ cần hiệu trưởng và Thầy Cô chào mừng cuộc gặp gỡ của Thầy trò sau ba tháng hè, đánh trống mở đầu năm học mới và nếu cần, phát biểu của một đại diện học sinh với những suy nghĩ hồn nhiên của lứa tuổi các em. Thế là đủ. Mọi nội dung khác, nếu cần thiết có thể phổ biến bằng văn bản. Bởi đây là ngày hội của học sinh. Nên nhớ rằng, trong trường học, học sinh là chủ thể quan trọng chứ không phải chỉ là những kẻ ăn theo người lớn.
Lễ khai giảng nên gọn nhẹ, trang nghiêm nhưng tình cảm để mở đầu một năm học. Đây không phải là lúc khoe công, cũng không phải là nơi để người lớn dông dài những điều vô bổ. Làm được thế, học sinh cảm thấy thoải mái, nhà trường cũng không tốn nhiều công sức, tiền của cho buổi khai trường. Đồng thời còn giữ được sức khoẻ cho những cô cậu học trò, chuẩn bị cho năm học mới. Đến trường là để học chứ không phải để đóng kịch.
5.9.2018
DODUYNGOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét