Top Menu

Main Menu

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

ĐÌNH THẠC GIÁN - ĐÀ NẴNG

Hôm trước có viết một bài về Bàu Thạc Gián, còn có tên là Bàu Lác. Nơi tui có nhiều kỷ niệm lúc tuổi còn bé. Một ông bạn già của tui đang định cư ở Canada nhắn về bảo rằng ở Bàu Thạc Gián có cái đình to lắm, sao không nhắc tới. Ừ! Đúng rồi, nói đến vùng Thạc Gián, nhắc tới Bàu Thạc Gián mà không đề cập đến cái Đình Thạc Gián là chưa đủ bộ, vẫn còn thiếu thiếu, bởi Đình Thạc Gián là một trong những di tích lâu đời của vùng đất này, là niềm tự hào của người dân đất ấy. Nên phải nhắc cho cháu con, cho thế hệ đời sau biết để giữ gìn và tôn tạo.
Thời còn bé, tui cũng thường đến đình này chơi. Đình nằm gần Bàu Thạc Gián. Hồi nhỏ, đối với tui, đây là nơi trang nghiêm nên dù rất nghịch ngợm, khi đến đây tui luôn có một sự tôn kính. Tui thích nhất là khoảng sân trống trước đình, trồng hai hàng mù u cao tít. Thuở bé thấy gì cũng rộng, cũng lớn nên tui vẫn hình dung cái sân ấy mênh mông trong trí tui cho đến bây giờ. Thời thanh niên, tui đến đó, nghe chim hót, lá xào xạc từ những bụi tre trong xóm gần đấy, nhìn màu xanh mát mắt của cỏ cây, lòng thấy thanh thản với những ý nghĩ thánh thiện. Có lẽ vì vậy mà có một thời tui gần gũi với kinh kệ và ham đọc sách về giáo lý nhà Phật, khoái đọc sách Thiền. Lượm những trái mù u làm những viên bi để chơi bắn bi, cho mấy đứa em gái chơi đồ hàng, lại ngửi mùi là lạ của tinh dầu mù u phát ra từ trái, lại thấy vui vui. Lại nghe dầu mù u dùng được chữa nhiều bệnh, nhất là những bệnh về da nên càng khoái lượm về để đầy hộc tủ.
Được biết, căn cứ theo lời của truyền thuyết và các văn tự, văn bia… còn giữ được, Làng Thạc Gián vốn ban đầu có tên là Thạc Giản và nhiều cách gọi khác như Thạch Giản, Thạch Gián là mảnh đất được khai phá sớm, vào khoảng nửa thế kỷ XV, hình thành sau khi vua Lê Thánh Tôn mở mang bờ cõi đất nước về phương Nam vào năm Canh Thìn – 1470. Ngài Huỳnh Văn Phước đã từ miền Bắc là người chiêu tập dân binh vào khai khẩn vùng đất Thạc Gián. Lần lượt các bậc tiền nhân của các Tộc Nguyễn Ngọc, Tộc Lê, Tộc Ngô, Tộc Phạm, Tộc Trương, Tộc Trần đã tiếp tục khai canh, khai cư xây dựng nên làng Thạc Gián.
Trong quá khứ, Thạc Gián là một làng rộng. Cho đến đầu thế kỷ XIX, địa giới: Đông giáp làng Hải Châu và thẳng đến Vũng Rong; Tây giáp làng Xuân Đán, vịnh Đà Nẵng và Nam giáp các làng Bình Thuận, Liên Trì (nay thuộc phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu).
Ngày xưa, khi chưa có đường đèo Hải Vân, từ Huế vào Đà Nẵng phải đi bằng đường biển. Một đường vào cửa Thanh Bình, theo lạch lên bến sông trước đình Thạc Gián. Một đường vào cửa sông Phú Lộc, đi qua Quán Cơm, rồi đến vùng Thanh Lộc Đán ngày nay.
Như tên gọi, địa danh Quán Cơm là nơi có quán cơm cho khách bộ hành vãng lai. Cửa sông Phú Lộc xưa nước trong xanh, tương truyền, khi Cao Bá Quát qua đây, nhìn cảnh sắc lạ lùng, bảo: Đất nước mình phong phú thật, ngay sát cửa biển lại có một vùng Thanh Khê (khe nước xanh), trong khi ở Trung Hoa thì trên núi mới có.
Sau khi thực hiện công cuộc khai khẩn, khai canh, khai cư hoàn tất, khi cư dân bước đầu có cuộc sống ổn định. Các vị tiền hiền làng Thạc Gián lúc đó đã kêu gọi cư dân xây dựng Đình Làng Miếu Vũ nhằm đưa hồn thiêng quê cũ vào vùng quê mới. Thực hiện tín ngưỡng Thờ Phụng Tổ Phụ, Tổ Mẫu, Anh hùng dân tộc, các Bậc Tiền nhân, Tiền hiền. Đình được dựng lên từ ý tưởng ấy.
Ban đầu, ngôi Đình xây dựng bằng tre; nằm riêng trên một khu đất giáp với bàu sen, gọi là bàu Làng, nối với biển Thanh Bình bằng một con lạch nhỏ. Đời Minh Mạng (1819-1040) được làm lại bằng gỗ, mái lợp tranh; Năm Tự Đức thứ Bảy (1854) các bậc kỳ lão trong làng đã đứng ra vận động nhân dân trong làng kiến tạo lại ngôi Đình bằng gạch, mái lợp ngói âm dương; năm Duy Tân thứ Ba (1909), dân làng lại cùng nhau góp sức tôn tại Đình.
Vào năm Khải Định nguyên niên (1916) dẫn làng một lần nữa lại góp công tu sửa Đình do bão tố làm hư hại.
Đình làng Thạc Gián có diện tích rộng hơn 2.000mét vuông, giờ đây lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc tại con hẻm nhỏ gần ngã ba Cai Lang, thuộc Tổ 5, Phường Chính gián, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Trải qua mấy trăm năm tồn tại, qua bao biến cố của thời cuộc, tàn phá bởi thời gian và mưa nắng, quần thể di tích gồm đình làng, nhà hồi hương, nhà trù, miếu âm linh - những nét độc đáo của văn hóa làng ở Đà Nẵng vẫn còn nguyên giá trị. Nhà hồi hương đấu lưng với đình làng, có ba bộ cửa thoáng đãng, từng là nơi hội họp của các bậc kỳ lão, hương thân, chức sắc trong làng. Khi đình còn tranh tre thì nhà hồi hương được gọi là dịch trạm - nơi dừng chân ngơi nghỉ của quân lính đưa văn thư hoặc các quan từ Huế vào.
Mái đình lợp ngói âm dương, bờ nóc được trang trí hình “lưỡng long triều nguyệt” ghép bằng sành sứ, các bờ góc được trang trí hình rùa và phượng. Diềm mái hiên gắn đĩa men lam Huế. Đình có hai bộ phận kiến trúc chính là nhà chính điện và hậu tẩm nối liền phía sau.
Đáng chú ý ở trước sân đình, hai bên bình phong có cặp voi phục được xây bằng gạch, vôi vữa chầu vào chính điện. Về phía Đông Bắc của đình là miếu âm linh, phía sau đình có một nhà hồi hương được xây dựng bằng gạch, vi kèo, đòn đông bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch… Nơi đây, ngày xưa là nơi hội họp của các bậc kỳ lão, hương thân, chức sắc. Hai gian tả, hữu mọi người dự họp tùy theo thứ bậc, tuổi tác mà ngồi trước hoặc sau. Đây là nơi để các vị chủ tế, bồi tế, học trò gia lễ, các chấp sự…chuẩn bị lễ phục trước khi vào tế lễ. Sau khi tế lễ, nhà hồi hương còn được dùng làm nơi dân làng ăn cỗ.
Đình có một cái giếng xưa. Nhiều buổi trưa nắng, lang thang ở đó, tui thường dùng gàu múc lên những gàu nước lạnh mát, ngon còn hơn những chai La Vie bây giờ. Nghe nói giếng làng đã trên 200 năm, nước rất tốt, mỗi khi có cúng giỗ, lễ Tết, dân làng gánh nước về nấu cúng. Chếch về phía hữu đình có miếu Âm linh với tấm bia sa thạch ghi bốn chữ Hán “Thạc Gián xã Nghĩa trũng” được lập năm Thành Thái thứ 19 (Đinh Mùi - 1907).
Ngày xưa ở Đình có lưu giữ và chôn cất một số hài cốt của các nghĩa sĩ hi sinh rong các cuộc chiến đấu, Sau này, cốt của các anh hùng nghĩa sĩ an táng ở nghĩa trủng đó đã được dời lên Gò Cà. Đình làng hiện còn lưu giữ 18 sắc phong, 38 chiếu chỉ của các triều đại hậu Lê, Nguyễn. Tuy thế, lúc còn nhỏ mỗi lần bước vào chánh điện của Đình, nhất là những trưa vắng, tui vẫn cảm thấy rờn rợn. Đúng là hồi đó tui nhát gan thiệt.
Ở ngoài sân đình có xây một bình phong, trên đó đắp nổi bằng những mảnh sành màu một con bạch hổ rất đẹp. Tui cũng sợ khi nhìn đôi mắt của bạch hổ, đôi mắt đe doạ thằng bé nhiều tưởng tượng.
Ngôi đình được xây dựng điều hoà âm dương theo quan niệm phương Đông. Âm dương hiện hữu ngay trong cấu trúc của ngôi đình với những chi tiết: cổng tam quan, bức bình phong và lối kết cấu rường chồng ở phần mái của ngôi đình. Triết lí âm dương không những có một vị trí thiết yếu trong việc tạo lập sự bền vững ở kết cấu của ngôi đình mà còn tôn lên những giá trị, phẩm chất đẹp của con người. Đó chính là những giá trị văn hoá của người Việt mà ta có bổn phận phải giữ gìn.
Lâu lắm rồi, tui mới về thăm lại Đình sau khi đã chiêm ngưỡng biết bao lâu đài tráng lệ, bao nhiêu nhà thờ cao vút ở Châu Âu và những di tích kỳ vĩ trên thế giới. Đẹp đấy! Nhưng với tui, nó thiếu hồn của riêng mình, nó không có kỷ niệm của riêng ta, nó không có ký ức của một thời của một cá nhân là ta. Nên khi trở về nhìn cái Đình nho nhỏ, trầm mặc với thời gian, khép nép giữa những ngôi nhà, sau những hàng cây lại chứa bao nhiêu hình ảnh của ký ức, bao nhiêu kỷ niệm của một thời, lòng lại thấy rộn ràng, mừng vui như tìm lại được cái tưởng là đã bị đánh mất. Có phải chăng là hồn của một di tích, hồn vía của quê nhà.
Những cây mù u đã chết với thời gian, con bạch hổ bằng sành không khiến tui sợ nữa, nhưng trong tôi, lòng tôn kính ngôi Đình mấy trăm tuổi với nhiều vết tích thời gian, với những giá trị của một vùng đất, một dân tộc, một giá trị văn hoá mà khi bay đi bốn bể vẫn không tìm thấy được vẫn còn mãi.
Lòng bỗng rưng rưng.
Có lẽ hồn rêu xanh, xanh mãi ở trong lòng.
3.9.2018
DODUYNGOC
( Bài viết có sử dụng một số tư liệu và hình ảnh của Cổng TTĐT Thành phố Đà Nẵng và nhà báo Văn Thành Lê)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét