Top Menu

Main Menu

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

BÀU THẠC GIÁN


Hồi xưa ở Đà Nẵng có cái bàu lớn lắm. Hoặc có lẽ lúc đó tui còn nhỏ nên thấy nó lớn. Nó nằm ở trong hẻm bến xe chợ Cồn đi vào. Khu đó thì có nhiều hẻm lắm, hẻm nào cũng vô tới bàu. Còn đi đường Ông Ích Khiêm xuống tới Hoàng Diệu thì kiệt nào cũng dẫn đến bàu. Nó nằm song song với đường rầy. Đi từ Ông Ích Khiêm xuống thì gặp một đường xe lửa, cứ men theo đường đấy thì một bên là nhà dân một bên là bàu nước mênh mông và ở giữa là đường tàu lửa chạy. Hồi tui học lớp nhất, ba tui bệnh một thời gian nằm điều trị trong cơ quan của ba tui là Tổng y viện Duy Tân, ngày nào tui cũng đi dọc theo đường rầy mang cơm cho Ba, thích lắm vì vừa đi vừa bắt chuồn chuồn, châu chấu, ngắm hoa và cỏ dại ven đường. Thú thế cho nên tui hay giành lấy việc này mà chẳng ngại trưa nắng, chiều mưa. Những trò mà ngày thường không thể nào làm được. Nhà tui ở khu Chợ Cồn trên đường Ông Ích Khiêm, hồi đó Ba tui nghiêm lắm, sáng phải thức dậy lúc năm giờ, trưa phải ngủ trưa. Tui hay trốn ngủ mò vô bàu để săn những con chuồn đỏ, những con chuồn chuồn có màu đỏ rực với hai cánh mỏng, đậu lắt lay trên cành lá cỏ hay những đọt cây thấp, những con chuồn chuồn voi to kềnh với hai con mắt to, hàm răng khoẻ cắn đau lắm. Có khi lại chạy theo những con chuồn kim bé xíu có thân dài ngoằng bé tẹo. Có lúc lại ngồi ở mấy gốc tre nghe mấy con chim chích chòe than hót trầm bổng giữa buổi trưa hè, thú vị lắm. Cũng có khi ngồi nhìn lên mấy đọt tre trên cao đung đưa xào xạc với gió, mê lắm. Khu này có nhiều cáy tre trồng hai bên vệ đường, lúc đó chỉ là những con đường đất đỏ, nên xóm này còn có tên gọi là xóm Tre. Hậu quả của những buổi trưa thơ mộng đó là những trận đòn nát đít, nhưng tui vẫn không chừa. Và cũng vì nó hoang vắng cho nên Ba tui hay đem quỷ ma ra doạ, Ba tui bảo khu đó toàn ma ở với người nên nhiều lúc trốn vô đó chơi mà thấy vắng quá lòng tui cũng hơi hoảng, nhất là khi nghe hai thân tre cọ vào nhau kêu kót két là lúc đầu toàn nghĩ chuyện ma bắt người đem vô bụi.
Khi lính Mỹ đổ quân vào miền Nam, khu đường rầy biến thành xóm đĩ. Lúc đó ai nói đi đường rầy là người ta nghĩ đến đi chuyện giải quyết sinh lý. Nơi nào có đĩ thì có du đãng, bụi đời, xì ke, thuốc phiện. Do đó, có một thời khu này khét tiếng lộn xộn, lính lác, cô hồn choảng nhau như cơm bữa.
Lúc mới lớn, có đôi chút chữ nghĩa tui cứ thắc mắc về cái chữ bàu này. Tìm hiểu thì được giải thích người miền Trung thường gọi hồ là bàu. Tui vẫn thấy hình như chưa đúng. Tìm hiểu mãi cho đến giờ cũng chưa trả lời được khi nào thì gọi là bàu và như thế nào thì gọi là hồ, là ao. Và giờ đây, người ta vẫn gọi là bàu Thạc Gián.
Theo những người nghiên cứu về Đà Nẵng thì xưa kia vùng này chia làm sáu xứ. Ở hữu ngạn sông Hàn là xứ Bà Thân (một trong các tiền hiền làng An Hải), là làng An Hải ngày nay. Năm xứ còn lại ở tả ngạn, có xứ Bàu Lác (xưa có nhiều cỏ lác, nay thuộc phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) là cái bàu mà tui đang nói tới. Rồi đến xứ Rẫy Cu (ngày trước nơi đây có nhiều lùm bụi, vùng lý tưởng cho chim cò trong đó có loài chim cu đất sinh sống và là nơi hội tụ các tay say mê trò gác cu, nay thuộc địa phận các phường Bình Thuận, Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây). Xứ Giếng Bộng (gọi tên thế vì nơi đó có một giếng nước ngọt mát phục vụ nhân dân quanh vùng thuộc làng Nại Hiên xưa, nay thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu). Tiếp đó là xứ Trèm Trẹm (hay gọi tắt là Trẹm, thuộc các phường Thiệu Bình, Thạch Thang). Cuối cùng là xứ Đà Nẵng, tức vùng trung tâm thành phố ngày nay, phần lớn nằm trên địa bàn các phường Hải Châu 1, Hải Châu 2.
Như vậy bàu Thạc gián chính là bàu Lác, một trong sáu xứ của Đà Nẵng xưa. Gọi tên bàu Lác vì khi xưa là vùng mênh mông cỏ lác, sau đó nó nằm trong khu Thạc Gián nên mang tên là bàu Thạc Gián. Hồi tui hay trốn vô đó, đất đai còn mênh mông lắm, đa số nhà nào cũng có vườn trồng tre và cây ăn trái. Nó như một vùng quê yên ả trong thành phố nhộn nhịp. Dân ở đây hồi đó cũng thường là bà con, giòng họ với nhau. Tui có nhiều người bạn ở vùng này, nhưng rất tiếc họ đã qua đời gần hết. Năm 1972, đôn quân, bạn Lưu Văn Thành ở đoạn đầu của xóm Tre tử trận khi mới ra trường Thủ Đức. Tiếp đó là bạn Ý cũng bị bắn tỉa trên càu ở Cẩm Lệ. Trong vùng này có ông Tùng, thầu khoán, giàu lắm, nhà cửa đất đai vô số kể. Con trai đầu của ông là anh Thành, du học Pháp, học ngành y, ra trường mở một bệnh viện khá nổi tiếng ở Pháp. Hồi nhỏ tui nể anh này lắm. Kế anh Thành là chị Minh, yêu một anh ở sát nhà tui, ảnh cũng tên Ngọc, hi sinh năm 1971. Ông Tùng này nhiều vợ, có một đứa con bà thứ, sống lang bạt kỳ hồ sau này vào sống căn biệt thự của ông ở cổng xe lửa số 6 Trương Minh Ký, hơi tưng, cũng chết mấy năm rồi. Một người bạn nữa cũng ở xóm Tre, bàu Thạc Gián, cũng là cháu ông Tùng này, học chung với tui ở trường Kỹ thuật thời trung học, tên Phạm Ngọc Chi, một người bạn hiền lành, năm trước đây cũng đi luôn trong giấc ngủ. Tui nhớ năm tui học đệ thất, một hôm được nghỉ mấy tiết cuối, tụi tui rủ nhau về nhà một người bạn ở bàu chơi. Nhà anh này ở bên kia bàu Thạc Gián, hồi đó đi vào như là về quê, trâu bò, rơm rạ đầy đường, lúa phơi giữa lộ, khói đốt mù mịt. Mấy thằng dân phố công tử bột như tui lấy làm lạ lẫm lắm. Đến khi về, đã quá trưa, cả bọn rủ nhau lội qua bàu về. Áo quần ướt sũng, tui sợ về bị đánh đòn nên cởi truồng vắt phơi cho khô, tồng ngồng bên xóm vắng, tui khóc tu tu vì sợ khi nghĩ đến bó roi mây của ba tui. Anh bạn Thể chủ nhà hôm đó giờ cũng mất rồi.
Đất ở khu này như thung lũng, trồi lên trụt xuống ngộ lắm. Tui nhớ ở vùng thung lũng đó có hai gia đình có nhiều cô gái xinh lắm. Đầu tiên là cô tên Hoá, con ông Giảng. Ông này làm nghề hàn máng xối, cao cao gầy gầy, mặt lúc nào cũng buồn buồn nhưng con gái ông thì quá xinh, bọn con trai ai cũng làm kẻ si tình. Khi tuổi vừa lớn, tui rời Đà Nẵng đi học xa nên không biết có ai trong xóm ấy có lấy được cô này không? Gia đình thứ hai là nhà ông Tư hớt tóc. Ông có một miếng đất ven đường Ông Ích Khiêm làm nơi hành nghề. Ông có ba bốn cô con gái, tuy nhà nghèo nhưng cô nào cũng có nhan sắc. Tui nhớ tên cô Liễu vì cô này trạc tuổi tui. Mấy cô này mà còn chắc đã lên chức bà cố, bà ngoại hết rồi.
Năm 1956, gia đình tui mới vào Đà Nẵng thì trong khu xóm Tre này có một ông giáo mở một lớp học trường làng. Ông tên Thức nên mọi người gọi là Thầy Thức. Trong khi mấy ông giáo làng còn mặc áo the đen với khăn đóng thì Thầy Thức luôn mang bộ veston trắng, giày da trắng, đội mũ phớt và đôi lúc cầm baton trông rất ư là thanh lịch. Thầy Thức là dân Tây học dù vợ chỉ là người bán gà vịt đã nhổ lông ở Chợ Cồn. Tui không học trường này nhưng anh Hai tui thì tốt nghiệp lớp ba trường làng rồi mới vào trường Nam tiểu học. Tuy không học với Thầy Thức nhưng tui ngưỡng mộ Thầy lắm. Mỗi lần gặp Ba tui, hai người nói chuyện bằng tiếng Pháp với phong cách thật thanh lịch. Cung cách ấy sau này tui không tìm thấy nữa ở ngoài xã hội, kể cả ở muền Nam những năm gần 75.
Năm 1966, tướng Nguyễn Chánh Thi cùng với Phật giáo miền Trung ly khai. Ông tướng này là chồng của Dì Tá, là chị của Mạ tui cho nên tui gọi là dì. Ông Nguyễn Cao Kỳ cho quân nhảy dù ra đánh, súng nổ tơi bời. Nhà tui dính hai trái M79, sợ quá cả nhà chạy vào xóm Tre tránh đạn. Đó là lần đầu tiên tui biết súng nổ đạn bay của chiến tranh. Cả nhà tui tạm lánh ở nhà ông Tư hớt tóc, nhà có nhiều cô gái xinh xinh đấy. Nhưng lúc đó sợ quá nên cũng chẳng dám nghĩ chuyện ghẹo gái.
Bàu Thạc Gián, xóm Tre là nơi tui có nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm gắn với tuổi thơ và thời mới lớn. Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, tui rời Đà Nẵng đi học xa rồi chẳng có dịp trở về. Rồi biến cố của lịch sử, tui chẳng còn ai thán thuộc để có cớ mà về. Đến khi bắt đầu già, nhớ quá khứ, trở về thăm thì cảnh chẳng còn như xưa nữa. Bàu Thạc Gián, xóm Tre giờ giống như bài Sông Lấp của Trần Tế Xương:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Bàu Thạc Gián giờ thuộc quận Thanh Khê, chỉ còn là cái ao bé xíu. Chung quanh người ta xây cao ốc rầm rộ. Bàu lấp thành đất vàng. Vào xóm Tre cũng chẳng còn tre, nhà cửa lố nhố, bạn cũ chẳng còn, người xưa đâu tá? Vẫn biết cuộc bể dâu là quy luật của đất trời, sao lòng bỗng thấy thật buồn. Tìm nhà bạn cũ, cũng một thời học cùng trường, bố bạn ấy làm điền địa, cũng khá thân với Ba tui, lại thấy hình bạn ấy đặt trên bàn thờ, ánh mắt trong hình buồn bã nhìn mọi người. Bạn ấy là Trương Minh Tú có nick name là Tú Bà. Cảnh chẳng còn, người đã mất, lòng lại buồn hơn.
2.9.2018
DODUYNGOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét