Latest Post





















Từ bé, tôi không có khái niệm gì về Tết Đoan Ngọ. Bởi nhà tôi không có tục cúng kiếng ngày Tết ấy. Tôi nhớ hàng năm cứ vào ngày này, những nhà hàng xóm cúng lễ, nấu nướng, ăn uống thì nhà tôi vẫn im re như ngày thường. Có chăng là mấy chị, mấy bà giúp việc đem ở quê lên vài chục cái bánh tro, bánh ú, đôi bánh đường đen. Anh em tôi gỡ bánh chấm đường cát, ăn cho vui chứ cũng chẳng thấy ngon lành chi. Có năm nếu Mạ tôi rảnh rỗi thì nấu nồi chè kê ăn với bánh tráng nướng, cũng ăn chơi chứ chẳng cúng chi cả. Đến khi tôi lập gia đình, vợ tôi cũng chẳng biết gì về Tết Đoan Ngọ, vì cô ấy mang yếu tố ngoại lai, không hiểu cái Tết này, chỉ biết Tết Nguyên Đán và Tết Trung thu. Và thế là cũng như hồi tôi ở với cha mẹ, nhà tôi chẳng ăn cái Tết này. Đi chợ hoặc người quen gởi biếu bánh trái, bày ăn cho vui thôi. Rồi các con tôi cũng thế, bởi tập tục của gia đình nên cũng chẳng đứa nào đoái hoài Tết. Hôm nay 5 tháng 5, nhà tôi cũng ăn bữa cơm bình thường như mọi khi, thì cũng có bánh tro mấy người bạn gởi, chấm đường ăn chơi. Hôm trước, Cô Ba Thuỷ biếu cái bánh Bá Trạng, thì cũng xơi từ bữa rồi.

Lớn lên cứ vào ngày này thấy thiên hạ nhộn nhịp mới đi tìm hiểu về Tết Đoan Ngọ mới hiểu nó bắt nguồn từ văn hoá Trung Hoa. Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều, và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Theo y học Đông phương thì dương khí của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày này lên cao nhất trong năm. 

Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng. 

Ở Trung Quốc, thời Nam Bắc triều, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Dục Lan tiết. Lan có nghĩa là "túi đựng tên, hình dáng của nó như cái hộp gỗ". Theo truyền thuyết vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly tao nổi tiếng trong văn học cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với họa mất nước. Do can ngăn Hoài vương nên đến cuối đời, ông lại bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam. Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử. Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 là ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á. Thật ra dân ta cúng kiếng, ăn Tết Đoan Ngọ nhưng mấy ai biết đến ông Khuất Nguyên.

Lại có ý cho rằng Tết Đoan Ngọ còn được gắn thêm tích khác kể chuyện hai chàng Lưu – Nguyễn gặp tiên. Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi Thiên Thai hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về…

Trên thực tế, từ cuối thời Đông Hán, người ta đã tìm thấy những thư tịch sưu tầm về Tết Đoan Ngọ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ lại cho rằng, Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau.

Theo đó, có một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất.

Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày 'Tết diệt sâu bọ', có người gọi là 'Tết Đoan Ngọ', vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Trong văn hóa Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:

Tháng Năm ngày tết Đoan Dương,

Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.

Văn học dân gian Việt Nam có bài:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi,

Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

Tháng ba thì đậu đã già.

Ta đi, ta hái về nhà phơi khô,

Tháng tư đi tậu trâu bò.

Để cho ta lại làm mùa tháng năm,

Sớm ngày đem lúa ra ngâm.

Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.

Gánh đi ta ném ruộng ta,

Đế  khi lên mạ, thì ta nhổ về.

Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,

Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.

Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,

Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai.

Ruộng thấp đóng một gàu giai,

Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.

Chờ cho lúa có đòng đòng,

Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.

Bao giờ cho đến tháng mười,

Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.

Gặt hái ta đem về nhà,

Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công.

Và cũng có bài này nữa: 

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.

Tháng tư đong đậu nấu chè,

Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.

Tháng sáu buôn nhãn bán trâm,

Tháng bảy ngày rằm Xá tội vong nhân.

Tháng tám chơi đèn kéo quân,

Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.

Tháng mười buôn thóc bán bông,

Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn

Văn minh nước ta là văn minh lúa nước, cho nên khi ăn chơi mút mùa trong Tết Nguyên Đán thì đến tháng năm là bắt đầu vụ mùa. Và để mở đầu mùa vụ, người ta cúng lễ mong mùa màng bội thu, thời tiết tốt lành. Và cũng là vào mùa hè, nắng tốt, người ta tìm diệt sâu bọ làm hại cây trái. Từ đó dân ta ăn Tết Đoan Ngọ theo tập tục của Tàu.

Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là dịp người ta ăn tết ở nhà với gia đình. Mọi người ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.

Người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự sáng tươi của trời đất và cầu mong mưa thuận gió hoà. Lại có tục tắm nước lá để phòng bệnh và trừ sâu bọ. Bó lá sau khi nấu lấy nước tắm sẽ được cài trên cửa nhà, hoặc là bó lá tươi hái hay mua về cũng gắn trên cửa như thế như một cách ngăn sâu bọ và tà khí vào nhà. Ngày trước người ta rủ nhau lên rừng, ra vườn hái lá thuốc. Các thầy thuốc cũng thế vì họ cho rằng các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất. Người xưa cũng cho rằng trong dịp Tết Đoan ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng năm loại lá là bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà hoặc cài trên cửa để đuổi tà ma. 

Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú, bánh gio và bánh âm, và có cách làm khác nhau theo địa phương. Nhưng cơ bản vẫn là làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro thường chấm đường hay mật khi ăn.

Người Hoa thì ăn bánh ú, bánh Bá Trạng. Tương truyền, sau khi Khuất Nguyên nhảy sông Mịch La tự vẫn, người dân yêu mến ông sợ cá tôm rỉa xác của ông nên đã dùng nếp và lá để gói thành bánh đem thả xuống sông cho cá ăn để bảo vệ thân xác của ông. Và từ đó xuất hiện tập tục ăn bánh ú trong ngày Tết này. Tùy mỗi vùng khác nhau mà nhân bánh nếp có thể là thịt, đỗ xanh, long nhãn, trứng mặn hay hạt dẻ nhuyễn, hạt tiêu,...

Người Việt ta lại có tục ăn thịt vịt trong ngày Tết này. Thông thường, người ta ít khi cúng vịt nguyên con trong những ngày giỗ kỵ. Chỉ có người buôn bán thường cúng nguyên vịt quay trong ngày 16 hàng tháng để cầu mua may bán đắt. Người Việt lại có quan niệm không ăn thịt vịt vào những này đầu tháng âm lịch vì cho rằng xúi quẩy. Thế nhưng ngày 5 tháng 5, lễ Tết Đoan Ngọ thì cúng và ăn thịt vịt.

Vì sao lại có phong tục khác lạ thế? 

Theo Đông y, vịt còn gọi là “Gia Áp”, có nơi còn gọi là Gia Phù, cũng còn gọi là Vụ. Thịt vịt có tính mát, ngọt, có tác dụng làm lưu thông khí huyết và thêm năng lực, bồi bổ cơ thể. Thịt vịt lại được dùng khi nóng sốt cao, thịt vịt cũng giúp giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Thịt vịt có sắc vàng trắng tác dụng “Bổ Trung Ích Khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí. Người ta nói “ăn thịt vịt hiền và bổ khỏe”.

Tết Đoan Ngọ vào lúc mùa hè, khí trời nóng nực nhiệt độ lên cao, ăn thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình giữa nhiệt và hàn của Trời và Người. Do vậy người ta chọn món thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ. Xem ra người Việt từ xưa đã hiểu thấu âm dương, nóng lạnh trong các món ăn để mang lại sức khoẻ. Thông thường người ta ăn thịt vịt theo lối luộc chấm nước mắm gừng hoặc nấu cháo vịt.  Thịt vịt đi với gừng cũng nằm trong thế quân bình âm dương đó.

Một món cũng không thể thiếu trong Tết này là cơm rượu. Theo người Trung Hoa xưa, họ dùng loại được gọi là "hùng hoàng" (theo sách Bản Thảo Cương Mục) là một vị thuốc có thể giết sâu bọ và tiêu độc, dùng để pha rượu uống. Rượu hùng hoàng được làm bằng cách lên men lúa mạch với hùng hoàng, một khoáng vật màu vàng. Ngoài ra, rượu này còn được dùng để xức lên mặt, lòng bàn tay của trẻ em hoặc rưới lên các góc tường để trừ sâu độc.

Ở xứ ta thì ăn cơm rượu. Người xưa quan niệm bộ phận tiêu hoá có nhiều ký sinh trùng và chỉ có ngay 5 tháng 5 hàng năm thì loại ký sinh này ngoi lên trong ruột, ta ăn hoa quả và đặc biệt là cơm rượu để loại chúng. Hiệu nghiệm nhất là ăn lúc bụng đói, vừa ngủ dậy buổi sáng. Cơm rượu được làm từ các loại gạo nếp trắng hay cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Xôi đặt trong thúng, để trên một thau hay chậu để hứng lấy nước rượu. Nước này ngọt, ngon, có mùi rượu rất thơm ngon. Miền Bắc làm cơm rượu cho vào chén khi ăn. Cơm rượu nếp miền Trung thường có hình vuông từng viên nhỏ. Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ, nước tiết ra được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.

Tóm lại, Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm tuy bắt nguồn từ phong tục của Trung Hoa, nhưng khi vào Việt Nam, nó lại mang hình thái và những món ăn cũng hơi khác phù hợp với quan niệm và lối sống của người Việt. Có một điều hơi lạ là Bài cúng Tết Đoan Ngọ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam lại khấn Phật:

"Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ)

Tín chủ chúng con là:……………………………………………

Ngụ tại:………………………………………………………….

Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…………………, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an.

Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!"

Có lẽ đó là sự giao thoa giữa Đạo Lão và Đạo Phật chăng?

Năm nay tôi cũng được tặng bánh của một doanh nhân có mấy nhà hàng ăn uống biếu trước ngày Tết, cũng có cơm rượu rất ngon của một cô bạn gái Nam lai Bắc tặng, cũng có mấy chục bánh tro do cô con dâu mua từ chợ. Chỉ thiếu thịt vịt và nồi cháo vịt. Thế cũng đủ trong mùa giãn cách vì dịch bệnh cho một người chẳng bao giờ ăn Tết Đoan Ngọ. Chỉ cầu mong sao con sâu Virus Vũ Hán bị tiêu diệt trong cái Tết diệt sâu bọ này.

Ngày năm tháng năm Tân Sửu.

(Những ngày giãn cách, rảnh quá viết tào lao chơi.)

14.6.2021

DODUYNGOC

(Hình trên mạng)



Từ khi người bỏ ta đi

Mặt trời trốn mất còn gì nắng mai

Khi không lòng bỗng lạc loài

Bước chân xuống phố u hoài nếp nhăn

Thân tàn phai máu khô cằn

Chỉ còn giọt lệ tròn lăn giữa trời

Trăng rầu chết ở mù khơi

Ta đem thư cũ đốt chơi đỡ buồn

Rừng không còn tiếng chim muông

Tóc râu vội bạc cuống cuồng nhìn gương

Từ khi làm kẻ lỡ đường

Khuya về lấy phố làm giường trốn đêm

Đôi khi chợt nhớ môi mềm

Lắm khi mơ thấy vỉa hè có hoa

Tỉnh ra thế giới nhạt nhoà

Trần truồng đứng giữa ngã ba chật người

Từ khi người lấy nụ cười

Ngựa buồn mỏi vó cũng lười bước đi

Thôi thì đời chẳng còn chi

Trang kinh vô tự chờ gì mốt mai

10.6.2021

DODUYNGOC



Truyện về thằng bạn thân

Tôi và Nam là đôi bạn thân. Thân lắm. Hai đứa tôi học chung lớp từ Tiểu học, lên đến Trung học rồi Đại học. Đúng ra Nam thi vào Kỹ sư Phú Thọ nhưng vì thích gắn bó với tôi nên cũng ghi danh học Văn khoa cùng tôi dù Nam không có khiếu văn chương là mấy. Nhà tôi ở đầu dãy cư xá, nhà Nam ở cuối cư xá. Đó là cư xá dành cho sĩ quan ở đường Bắc Hải nên mọi người gọi luôn là cư xá Bắc Hải, có người gọi là cư xá sĩ quan Chí Hoà. Bố tôi là Trung tá làm việc ở Bộ Tổng tham mưu quân đội, bố Nam là Thiếu tá Quân cụ, chuyên cung cấp vũ khí, đạn dược và nhiều trang bị khác cho quân nhân. Gia đình tôi và Nam đều là dân Bắc di cư năm 1954 lại là gia đình quân nhân nên khá thân nhau. Bố Nam người gầy, rất hiền và vui vẻ, gặp ai trong cư xá cũng chào hỏi thân tình, ai cần chi cũng giúp tận tình.

Ông còn là một cư sĩ Phật giáo, ăn chay trường. Mẹ Nam là một phụ nữ đẹp, rất đẹp lại có dáng dấp rất quý phái, xuất thân từ gia đình trâm anh thế phiệt, là dược sĩ, làm cho một viện bào chế lớn ở Sài Gòn nên cũng hơi kiêu kỳ một chút. Nam đẹp trai giống mẹ và hiền lành giống bố. Hắn có dáng dấp và khuôn mặt như diễn viên Alain Delon, một tài tử nổi tiếng của Pháp thời đấy. Nam học giỏi lại rất thân thiện với bạn bè. Trong lớp học, hắn luôn tìm cách giúp đỡ mọi người, không bao giờ từ chối những yêu cầu của bất cứ ai, miễn là trong khả năng của Nam. Học chung với hắn lâu năm, tôi để ý là trong lớp có bạn nào khó khăn trong đời sống, hắn tìm cách giúp ngay, không quần áo, sách vở thì tiền bạc. Hắn tặng một cách kín đáo, tế nhị nên người khác không ai hay. Dưới mắt tôi Nam là một người tốt, quá tốt. Vừa học giỏi lại ngoan hiền nên Thầy Cô nào cũng quý hắn lắm. Chắc là ảnh hưởng lối giáo dục và tính cách tu hành của cha.

Hồi đấy, tôi có lần dạy kèm cho con chiêm tinh gia Huỳnh Liên, nhà ở đường Phan Thanh Giản. Ông này lúc đó nổi tiếng lắm, đến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn phải tin những lời của ông. Một hôm tôi và Nam đến thăm ông, không biết lần đó ông hứng tình chi mà bảo hai thằng ngồi cho ông bói một quẻ. Tôi thì ông bảo chỉ làng nhàng, thuận lợi, không có chi trúc trắc, chỉ có điều như cái tuổi Canh nên canh cô mồ quả, già sống một mình. Đến Nam thì ông cứ ngồi nhìn Nam mãi, hết nhìn mặt đến cầm tay, lại bảo Nam vén tóc nhìn tai, nhìn gáy. Cuối cùng ông phán một câu: Cậu này rồi sẽ luỵ đàn bà, sẽ khổ vì đàn bà. Tôi muốn bật cười mà không dám. Đẹp trai con nhà giàu như Nam, tướng ngon như tài tử như Nam mà bảo luỵ và bị khổ vì đàn bà thì ai tin được. Đàn bà, con gái khổ vì hắn thì có. Thế rồi cũng quên đi, chẳng có thằng nào nhắc đến.

Mà kể cũng lạ, suốt mấy năm sinh viên, Nam chẳng hề yêu ai dù có rất nhiều cô gái theo hắn. Nhiều khi tôi nghĩ hay là hắn đồng tính, chỉ thích đàn ông. Nhưng chắc chắn là không phải thế, bởi nhiều khi bạn bè rủ đi chơi gái, hắn cũng hăm hở và làm tròn nghĩa vụ như bất cứ thằng đàn ông nào. Chỉ có điều khác là lần nào nó cũng cho thêm tiền các cô gái và cư xử rất đẹp với các cô ấy. Đến đâu hắn cũng được khen là người chơi đẹp và thanh nhã, lịch sự như một quý ông.

Năm 1972, tốt nghiệp đại học lại là lúc chiến tranh dữ dội hơn, tất cả sinh viên tới tuổi đều bị động viên, Nam đi vào quân trường Thủ Đức khoá 72. Tôi thi vào một cơ quan chính phủ nên được hoãn dịch. Ra trường, Nam chọn binh chủng nhảy dù trước sự ngạc nhiên của mọi người. Hiền như hắn mà sao lại làm sĩ quan nhảy dù được nhỉ? Hơn nữa bố hắn cũng chạy cho hắn về một đơn vị tiếp liệu cùng ngành quân cụ như ông, khỏi ra mặt trận. Nhưng Nam không bằng lòng, một mực về nhảy dù cho được. Và ngược với suy nghĩ của mọi người, hắn đánh giặc ra trò, lính lác thương hắn lắm vì hắn cũng xem lính như anh em một nhà. Lính hắn thằng nào tử trận hắn cũng về tận gia đình, giúp đỡ tiền bạc, lo lắng tận tình vợ con lính nên ai cũng quý. Nhưng mãi cũng chưa có vợ. Nhiều khi tôi nghĩ hay là hắn băn khoăn câu nói của ông Huỳnh Liên nên hắn sợ không dám lập gia đình. Cũng có lần tôi hỏi hắn về chuyện này, hắn bảo đời lính, hòn tên mũi đạn biết đâu mà tránh, lấy vợ rồi lỡ có chuyện gì chỉ khổ cho người ta. Nhưng rồi cuối cùng tôi phát hiện ra hắn yêu Ngọc Lan, em gái tôi. Chẳng là tôi có cô em gái nhỏ hơn tôi hai tuổi, đang học Luật. Ngọc Lan đẹp, thuỳ mị, nết na và rất hiền lành. Hai đứa này mà lấy nhau chắc hợp. Nhiều lần hành quân về, Nam cùng tôi và Ngọc Lan đi chơi với nhau. Hôm thì đi ra Rex xem phim, bữa thì ra Thanh Thế, Givral ngồi cà phê, ăn kem. Khi phát hiện ra hai đứa có tình ý với nhau, tôi hay tìm cách từ chối để Nam và Ngọc Lan có dịp ngồi riêng tâm sự. Nhưng một thời gian khá dài, hình như tình cảm của hai người chẳng đi đến đâu. Tôi thấy Ngọc Lan buồn, rất buồn. Tôi tra hỏi mãi thì em chỉ khóc mà không nói. Một hôm, có lẽ là không thể im lặng mãi được, Ngọc Lan mới bảo với tôi rằng Nam bảo rất yêu Ngọc Lan, nhưng không thể cưới vì ra chiến trường biết chết giờ nào mà gây khổ đau cho người mình yêu. Nói thế nào Nam cũng không lay chuyển. Không kết cuộc được thì đành chia tay. Đành vậy. Hơn năm sau, khi lấy xong cử nhân Luật, em gái tôi lấy chồng.  Chồng em là sĩ quan không quân lái trực thăng, cũng đẹp trai chẳng khác gì Nam nhưng tánh tình thì hơi cộc cằn và ăn chơi cũng dữ.

Tháng 4 năm 75, Nam từ trại Hoàng Hoa Thám chạy về chỗ nhà trọ của tôi ở đường Trương Minh Giảng, từ lúc đi làm, có lương, tôi xin phép bố mẹ thuê nhà ở riêng cho tiện. Nam trông bơ phờ, quần áo chẳng có chi ngoài chiếc quần đùi và cái áo ba lỗ. Hắn bảo cởi bỏ lại ở ngoài đường rồi. Hắn ngồi một lát rồi ôm mặt khóc hu hu. Tôi cũng chẳng biết nói gì với hắn vì tôi cũng đang rối tinh, chưa biết phải tính sao đây nữa. Hai thằng rú xe về cư xá Bắc Hải, mọi người trong cư xá cũng đang nháo nhào lo sợ. Đã có nhiều nhà khoá cửa ra đi. Bố mẹ tôi cũng chẳng biết làm gì, ngồi thở dài thườn thượt. Gia đình tôi cũng có giấy của Toà Đại sứ Mỹ lên danh sách di tản, nhưng bố mẹ tôi không đành để bà ngoại ở lại, bà đã quá già cho một cuộc hành trình sẽ chẳng biết về đâu. Ngọc Lan cùng chồng leo lên trực thăng bay ra biển từ tối hôm qua. Bố mẹ thấy tôi về cũng mừng. Bên nhà Nam cũng thế, Bố Nam cũng kẹt cụ bố ông, tuổi cũng đã già, không đi được, đành cả nhà ôm nhau ở lại, chờ chuyện chi tới cũng đành.

Rồi bố tôi, bố Nam và cả Nam bị kêu đi trình diện học tập cải tạo. Tiếp đó gia đình tôi cũng như gia đình Nam và nhiều nhà khác trong cư xá đều bị cưỡng chế ra khỏi nhà và có lệnh đi kinh tế mới. Cũng may tôi được lưu dung, làm việc tại chỗ cũ với những người chủ mới nên tránh được vụ đẩy đi kinh tế mới.

Nam học ở Suối máu, Long Khánh. Thời gian đầu bố tôi và bố Nam cùng bị tập trung một chỗ nhưng thời gian sau thì bị chuyển ra Bắc. Trong cuộc hành trình trên chiếc tàu lênh đênh ngoài biển, bố Nam không đi tới nơi, ông đã chết trên tàu, xác đành quăng xuống biển. Bố tôi bị bảy năm trong trại cải tạo, di chuyển từ Lạng Sơn đến Hà Nam Ninh rồi Yên Bái. 

Khó khăn lắm, mẹ con tôi chỉ đi thăm bố được bốn lần, mỗi lần thấy thân hình còm cõi của bố, mẹ tôi chỉ biết khóc và tôi thì lòng như lửa đốt. Bố tôi đi cải tạo một năm thì bà ngoại tôi mất, ba năm sau đến lượt mẹ tôi qua đời trong lúc ngủ, chắc tại buồn nhớ bố tôi. Mẹ của Nam cũng được làm tiếp ở viện bào chế đã đổi tên, nhưng rồi nghe thiên hạ xì xào là bà đang cặp kè với tay phó giám đốc. Mà thật sự là cũng chẳng phải cặp kè gì nữa mà đã trở thành vợ chồng, hiện ở trong một biệt thự ở quận nhất sau khi ông nội của Nam đã mất. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, tan hoang cả, thay đổi cả, phận người lắm éo le. Tôi chỉ còn một mình, chắc đúng như ông thầy bói nói năm xưa, canh cô mồ quả. Nhiều người rủ tôi vượt biên, tôi còn bố trong trại, sao đành nỡ ra đi. Với lại tiền vàng lúc đó có đâu mà đi được.

Cải tạo được hơn hai năm thì Nam được về, chức trung uý thì tội ác không nhiều nên về sớm. Hơn nữa bản tính hiền lành, giúp nhiều anh em đồng cảnh ngộ, lao động tốt, không có thái độ chống đối gì nên Nam cũng được ưu tiên. Hắn giận mẹ, không thèm tìm gặp, cắt đứt luôn tình mẹ con. Không nghề nghiệp, hắn làm nghề đạp xích lô. Tôi với hắn thuê một cái phòng nhỏ trong căn nhà xập xệ ở gần kênh Nhiêu Lộc, sống qua ngày.

Đùng một cái, hắn báo tin sắp lấy vợ, vợ hắn làm nghề đổi đô la ở đường Nguyễn Huệ. Trong quá trình chở đi, chở về hàng ngày mà thành vợ chồng. Đó là một cô gái đẹp nhưng có vẻ từng trải. Hỏi Nam về lai lịch của vợ, hắn chẳng biết gì, gặp nhau, quen nhau, yêu nhau thì về sống với nhau thế thôi. Hai vợ chồng khắng khít, thương yêu nhau lắm. Nam nghe lời vợ, bỏ nghề chạy xích lô, vợ hắn nhờ quen biết chi đó xin cho hắn làm công nhân. Hai vợ chồng sáng chở nhau đi, chiều chở nhau về trông rất là hạnh phúc. Nam thuê một căn lầu khá khang trang ở đường Công Lý, hai vợ chồng làm ăn có vẻ khấm khá, cũng mừng cho hắn. Tôi làm việc thêm được mấy năm rồi cũng bị cho nghỉ, đành xin làm việc chữa mô rát cho một nhà in nhờ có bằng cử nhân Văn khoa chế độ cũ. Mỗi đứa đều có công việc riêng, đời sống riêng nên chỉ thỉnh thoảng gặp nhau, chẳng gần nhau như trước. 

Hai năm sau, một bữa Nam tìm đến tôi, mặt buồn như đưa đám, hỏi gì cũng chẳng trả lời. Rồi hắn rủ tôi đi uống rượu. Trời đất quỷ thần ơi, thằng này từ xưa đến nay có biết rượu chè là gì đâu. Ngay cả thời hắn cầm súng trong binh chủng nhảy dù, hắn cũng không uống rượu bia, sống như nhà tu. Bây giờ lại rủ tôi đi uống rượu, chắc chắn là hắn phải có tâm sự gì ghê lắm đây. Hai thằng ra vỉa hè ngoài chợ Phú Nhuận, hắn gọi rượu, tôi kêu mồi. Ngồi uống cả buổi chiều cho đến khi nhập nhoạng tối. Hắn say khướt, giọng lè nhè. Nhìn khuôn mặt càng đỏ càng đẹp của hắn, tôi mới hỏi nguyên do. Lúc đầu hắn lặng im, rồi nâng ly uống một ngụm, hắn nói. Hắn kể hôm nay xí nghiệp cúp điện được về sớm. Hắn về nhà định chở vợ ra bờ sông Thanh Đa ngồi chơi. Ai dè vừa vào cửa hắn nhìn thấy vợ hắn đang làm tình với người đàn ông lạ. Tôi chồm lên bảo thế thì vào vạch mặt chúng nó, làm một trận cho chúng biết mặt chứ. Hắn cúi mặt bảo làm thế để làm gì, dù sao thì chúng nó đã ngủ với nhau, đã làm tình với nhau, coi như gương vỡ rồi, hốt lại được chăng? Làm rùm beng chỉ xấu mặt nhau thôi. Tôi bảo mày lại tốt kiểu tào lao rồi, uýnh một trận rồi ra sao thì ra chứ, sao mà hiền quá vậy? Hắn cười méo mó nói để làm gì chứ. Thế là hắn bỏ vợ mà đi. Hắn ở với tôi mấy ngày rồi đi mất biệt. Mấy hôm sau vợ hắn đến kiếm tôi, bảo anh Nam bỏ đi đâu mất cả tuần nay. Tôi giả vờ hỏi vợ chồng em có gây gỗ gì không? Cô nàng bảo không, vợ chồng em vẫn yêu thương, hạnh phúc lắm mà. Tôi tự nhủ trong bụng con mẹ này kinh thật, đã ngủ với nhân tình mà miệng còn xoen xoét yêu đương với hạnh phúc. Lòng dạ đàn bà khó hiểu thật. Tôi cười nhếch mép mà bảo rằng Nam chẳng thấy ghé đây, cô tìm xem chỗ khác đi, mà tôi nghĩ cũng chẳng nên tìm kiếm làm chi, hắn bỏ đi chắc có lý do gì đấy, nhiều khi cô biết mà cô không nói đấy thôi.

Mấy năm rồi tôi không gặp Nam. Ngày tôi lấy vợ, cố đi tìm hắn mà cũng không tìm được. Đám cưới tôi đơn giản, chỉ có mấy người bạn cùng cơ quan cùng dự. Bố tôi sống bảy năm trong tù rồi cũng chết trong trại cải tạo, thỉnh thoảng tôi cũng nhận thư và quà của em Ngọc Lan gởi về từ Mỹ. Vợ chồng em đã ly dị, giờ em sống một mình ở San Jose, đi làm cho một hãng phần mềm ở đấy, sống cũng khá sung túc, cũng không có đứa con nào. Tôi cứ băn khoăn về Nam, người bạn thân nhất của tôi, giờ không biết trôi giạt phương nào, sống chết ra sao? Đúng lúc không ngờ nhất, Nam lại tìm đến tôi dù tôi đã đổi địa chỉ vì mua được một căn nhà nhỏ trong hẻm cũng ở đường Công Lý. Hắn mời tôi đi ăn đám cưới hắn, hắn bảo lúc trước hắn lấy vợ chẳng cưới hỏi gì, cũng tội nghiệp cho đời con gái người ta. Bây giờ lấy vợ thì nên cưới hỏi cho đàng hoàng. Hắn nhìn mập mạp, hàng râu mép càng tôn lên nét đẹp vốn có của hắn. Nhìn hắn chẳng khác gì diễn viên điện ảnh. Tôi mừng cho hắn. Đám cưới hắn đầy đủ lễ nghi, chỉ thiếu cha mẹ chú rể, tôi làm rể phụ cho hắn, vui lắm. Vợ hắn người Huế, là cô giáo dạy Văn trường trung học khá lớn trong thành phố. Cô ấy ăn nói nhỏ nhẹ, đằm thắm, thuỳ mị, dễ thương khác hẳn nhan sắc rực rỡ của người vợ trước. Tôi tin hắn sẽ hạnh phúc dài lâu. Năm sau thì vợ hắn sinh cho hắn thằng con trai. Hắn mừng lắm, thằng bé đẹp như thiên thần, đẹp trai hơn cả hắn. Hắn bảo tôi làm cha đỡ đầu cho con hắn. Tôi thấy hắn hạnh phúc và đôi mắt, nụ cười của vợ hắn cũng thể hiện điều đó.

Thế mà, chưa được năm năm, một hôm hắn lại tìm tôi, hốt hoảng báo tin vợ hắn đã ôm con bỏ đi đâu mất rồi, hắn tìm khắp nơi không thấy. Đến trường vợ hắn dạy thi trường cho hắn biết vợ hắn làm đơn xin nghỉ dạy rồi. Hắn cuống quýt, hắn buồn đau, hắn nhớ con, hắn thương vợ mà chẳng biết tìm đâu. Tôi với hắn chở nhau đi cả tuần đến những địa điểm mà hắn nghi vợ hắn đến. Nhưng bặt vô âm tín. Tôi cùng hắn mua vé máy bay ra Huế, tìm đến nhà cha mẹ vợ hắn, người nhà vợ hắn cũng ngơ ngác như hắn, chẳng biết cô ấy đi đâu. Hắn không ăn, không ngủ, người gầy rạc đi, râu ria mọc tua tủa, áo quần xộc xệch, suốt ngày lang thang ngoài đường như kẻ điên. Tôi lo cho hắn lắm, khuyên nhủ hắn mãi và hứa sẽ tìm cho ra tông tích của vợ con hắn. Hắn nhớ con, đêm đêm nằm khóc trong lặng lẽ. Vợ trước hắn bỏ đi, vợ sau bỏ hắn đi. Đời hắn cũng quái thật. Lần nào nó cũng đau như dao khứa trong lòng. Lần này nó càng đau hơn vì có đứa con, hắn nhớ con lắm, hắn khóc vì con hơn là vì vợ. Đau buồn làm hắn đổ gục, phải vào nằm bệnh viện cả tháng trời. Bác sĩ bảo hắn bị tâm bệnh chứ tim gan phèo phổi hắn rất tốt, chẳng bệnh tật chi. Bác sĩ cũng bảo nếu như không giải quyết được tâm bệnh, hắn sẽ bị tâm thần và đưa đến điên loạn. Tôi cũng bất lực, không biết giải quyết cách nào ngoài những lời khuyên bảo sáo mòn.

Một lần đi Long Thành thăm một người bạn đi tu ở Thiền viện Thường Chiếu. Lúc về trời bỗng nổi cơn mưa lớn, chúng tôi đành phải vào núp mưa trong một ngôi chùa nhỏ ven đường. Cơn mưa kéo dài, tôi lang thang vào trong và ngạc nhiên khi lại gặp cô vợ người Huế của Nam đang ở đây. Lúc đầu cô ấy né không muốn gặp, gặp rồi lại không muốn nói chuyện. Cô ấy bảo cô chưa xuất gia nhưng đang tu học ở đây, tháng tới sẽ xuống tóc và thành ni cô ở ngôi chùa này. Trời vẫn mưa mãi và tôi cũng nói hết những đau đớn, những nỗi khổ sở của Nam khi không tìm thấy vợ và con. Tôi cũng kể cho cô nghe hiện trạng của Nam bây giờ, sẽ điên nếu không chữa lành nỗi đau trong lòng anh ấy. Đến đó thì cô khóc, cô bảo với tôi là anh Nam là người tốt, quá tốt nên cô ấy không thể tiếp tục sống với anh được nữa vì cô đã lừa dối anh ấy, đã một lần ngủ với người tình cũ khi người ấy từ Mỹ trở về du lịch Việt Nam. Cô ấy đã không giữ được lòng ngã vào người tình cũ, cô hối hận, cô thấy mình không còn xứng đáng với con người quá tốt như anh ấy. Cô cũng đã nhiều lần muốn nói hết cho anh ấy biết để xin tha thứ nhưng cô không dám, cô không nỡ khiến anh ấy đau đớn vì bị phản bội. Cho nên cô đành chọn cách ra đi. Tôi hỏi đứa bé giờ ở đâu? Cô ấy càng khóc nhiều hơn, nước mắt tràn cả mặt. Cô nức nở mãi mới thốt lên được: cháu mất rồi, anh ạ. Rồi lại khóc. Tôi hoảng hốt hỏi tới, tại sao vậy, làm sao mất. Cô bảo cách đây một năm, cũng tại chùa này, cháu ra hồ chơi rồi bị chết đuối. Khi vớt lên thì cháu đã chết rồi. Bởi vậy cô ấy cũng sẽ ở chùa này cho đến già, đến chết để mong vẫn được gần con, để mỗi đêm tưởng tượng ra dáng hình con đang nô đùa cùng mẹ. Cô bảo thôi thì duyên phận của cô và Nam đã hết, đừng báo cho anh Nam biết cô ấy ở đây, đừng cho anh Nam tìm đến làm gì. Nhờ anh cố khuyên nhủ anh ấy, giúp anh ấy chóng khuây khoả để lành bệnh. Còn đời cô xem như đã chết rồi.

Tôi đi về lúc trời đã tối, cơn mưa cũng đã nhẹ hạt, tự nhủ có nên nói cho Nam biết không, có cho Nam tin con anh đã chết không? Lòng tôi rối như tơ vò. Cũng may sau hôm đó Nam cũng ít gặp tôi. Mỗi lần gặp hắn vẫn lầm lì, không nói, không cười, mặt lạnh như tiền, hàm răng cắn chặt và uống rượu như nước lã. Hắn luôn say khướt, khuyên mãi mà vẫn uống, hắn bảo uống để khỏi nhớ. Và rồi đến một ngày, Nam đi mất biệt, không một lời từ giã. Tôi tìm khắp bệnh viện, những nơi hắn thường tới, những chỗ hắn thường ngồi uống rượu, tất cả không có một manh mối nào. Căn nhà của vợ chồng hắn, đã bán từ lâu nhưng tôi cũng vào hỏi hàng xóm xem hắn có về đấy lần nào không, nhưng ai cũng lắc đầu. Hắn ít bạn, toàn bạn rượu, hỏi thì họ cũng chẳng biết gì. Tôi đành buông tay, đầu hàng với số phận biết tìm hắn nơi đâu, biết đâu nẻo đất, phương trời?

Thời gian chẳng đợi ai, tháng ngày cứ vùn vụt trôi đi. Vợ tôi qua đời sau cơn bạo bệnh khi chưa đến lúc gọi là già. Tôi có hai đứa con, cũng đã học ra trường, đã có công ăn việc làm để sống, đã có gia đình riêng. Tôi một mình lủi thủi trong căn nhà vắng. Mỗi chiều đốt nén nhang trên bàn thờ tôi cũng thường khấn nhớ về Nam, thằng bạn thân nhất đời tôi không biết giờ thế nào? Còn sống hay đã chết?

Rồi tôi nhận được thư Ngọc Lan, em báo cho tôi biết vừa gặp Nam ở San Jose, Nam nhắc anh hoài mà không viết thư cho anh vì đã làm phiền anh nhiều quá lại không biết địa chỉ mới của anh vì anh đã đổi nhà. Em có đưa địa chỉ cho anh và Nam hứa sẽ viết thư liên lạc với anh. 

Tôi mừng lắm, mừng mà nước mắt cứ tuôn, mừng vì bạn còn sống, mừng vì bạn đã qua được cơn u uất, mừng vì bạn đã có một môi trường sống khác để có thể xoá nhoà những nỗi đau của quá khứ. Từ đó, tôi và Nam cứ viết thư cho nhau. Nam kể trong những ngày bế tắc, Nam đã về Bà Rịa làm nghề cá và rồi có một chuyến vượt biên, Nam đi theo đến được đảo rồi qua Mỹ nhờ ngày xưa là sĩ quan nhảy dù của quân đội chế độ cũ, Nam bảo gặp được Ngọc Lan, Nam mừng lắm vì ở xứ người gặp được người thân là điều quý giá vô cùng. Thời gian sau nữa, tôi lại nhận được thiệp cưới cùng lời xin phép của Nam được cưới Ngọc Lan. Tôi vui. Cuối cùng, hai đứa cũng đến được với nhau. Hai đứa là tình đầu của nhau, mong cũng là tình cuối của hai người. Hai con người cô đơn trên đất khách giờ đây được hạnh phúc bên nhau, còn gì vui hơn. Thằng bạn thân lấy em gái mình sau những đổ vỡ của cuộc đời, sau những phũ phàng, có phải đó là duyên phận trải qua những thử thách.

Họ sống hạnh phúc với nhau được bảy năm, không có con nhưng căn nhà tràn ngập tiếng cười. Đến năm thứ bảy thì Ngọc Lan bị ung thư, y học không cứu được và qua đời trên tay Nam, mặt Nam đầy nước mắt. Tôi biết Nam đau khổ vô cùng, có lẽ còn đau nhiều hơn hai lần trước. Tôi thương cho người em gái vắn số nhưng không qua đó được để tiễn em làn cuối cùng. Tôi nghe tin mà sững sờ. Đến lúc này thì tôi tin lời của ông Huỳnh Liên, đời Nam đau khổ và luỵ vì đàn bà, đời tôi tuổi già cô quạnh. Buồn quá là buồn.

Giờ đây Nam đã về hẳn Việt Nam, sống cùng tôi. Chiều chiều hai thằng ngồi bên bờ kè nhìn nước chảy. Nước trôi về đâu? Chẳng biết. Nhìn mây bay, hỏi mây về đâu? Chẳng hay. Hỏi mình sẽ về đâu trong mốt mai, không ai trả lời. Có nhiều người cứ bảo hai ông này còn ngon quá, sao không kiếm mỗi người một bà cho vui tuổi già? Hai thằng nhìn nhau cười, nghĩ trong lòng cái số đã thế thì chịu số cho rồi, vẫy vùng làm chi nữa cho khổ người, khổ ta.

8.6.2021

DODUYNGOC






 Tháng trước, tui có anh bạn học đang định cư ở Mỹ về chơi. Anh bảo xa quê lâu quá, thèm những món ăn của Sài Gòn. Anh nhờ tui dẫn anh đi mấy hôm để tìm lại hương vị của thức ăn Việt trên đất Việt. Khổ nỗi, đi đến đâu anh cũng chê quán có mùi thức ăn bám cả vào quần áo, đến đâu anh cũng chê bai nơi thì mất vệ sinh, nơi thì phục vụ không tốt, chỗ thì không ngon. Đi đường anh bảo bụi bẩn, vào xe taxi anh bảo có mùi hôi, vào quán cà phê anh bảo mùi người lợm cổ. Đặc biệt là anh rất khó chịu khi vào quán có mùi thức ăn. Nói chung là anh cho rằng thành phố này mất vệ sinh, môi trường không phù hợp cho cuộc sống của con người, thức ăn gây hại cho sức khoẻ. Nghe anh khó chịu thế, cứ tưởng anh thuộc tầng lớp giàu sang, quý tộc bên Mỹ. Hoá ra anh cũng chỉ là anh kỹ sư bình thường, lương cũng chỉ đủ sống. Tui kể bạn bè nghe, mọi người bảo thằng đấy làm màu, nổ cho khác người, để chứng tỏ mình ở thế giới khác, văn minh, vệ sinh hơn, nâng mình lên thế thôi. Một kiểu làm bộ làm tịch hợm mình. Kiểu đó xưa rồi Diễm!

Từ chuyện này, tui muốn nói đến Mùi của quán. Theo tui, một quán ăn để hấp dẫn thực khách, phải có mùi. Chính cái mùi đó là cách tiếp thị tốt nhất, hiệu quả nhất. Quán cơm tấm, người ta thường nướng thịt ngoài mặt tiền, khói bay, mùi thịt, mùi mỡ quyện với những gia vị tẩm ướp cháy trên lò than đỏ. Chính cái mùi ấy làm cho khách bị cám dỗ, bước vào và gọi ngay một dĩa. Quán bún chả, cũng thịt nướng, nhưng nếu tinh tế sẽ thấy mùi rất khác. Đó là do hương vị tẩm ướp khác nhau của món ăn. Quán bún chả mùi thơm của thịt nướng. Quán cơm tấm mùi của thịt nồng gia vị. Đến quán thịt chó, cũng lò than, cũng thịt nướng nhưng mùi đã khác đi nhiều. Củ riềng, củ sả làm cho miếng thịt chó nướng có mùi đặc biệt. Mới điểm qua ba món thịt nướng, đã thấy ba mùi khác nhau. Nếu kể thêm quán bún thịt nướng thì lại có mùi thịt khác nữa. Vào quán phở, phải có mùi béo của mỡ, mùi của hồi, của quế, của gừng nướng hoà lẫn mùi ngây ngây của mỡ bò. Ăn tô phở trong không khí đó mới cảm nhận hết cái ngon của phở. Đặc biệt vào tiệm bánh, ta phải ngửi được mùi thơm của bột với va ni, trứng, với nho, với mùi đường lên mùi bởi lửa. Tất cả lại trộn với mùi bột nở tạo thành một mùi vị mà chỉ có tiệm bánh ngọt mới có được. Thơm phưng phức, gợi cảm giác thèm ăn. Vào lò bánh mì cũng thế, những chiếc bánh dòn tan, nóng hổi vừa được kéo ra lò cũng có một mùi khó quên. Vào tiệm cà phê phải có mùi cà phê, nhất là những quán cà phê vợt còn sót  lại từ xưa. Vào những quán này, ta sẽ bắt gặp mùi cà phê ngào ngạt, mùi cà phê đăng đắng ngập tràn cửa tiệm. Ngồi uống tách cà phê, đắm mình trong mùi cà phê, đó cũng là điều thú vị. Vào quán bún bò mà không thấy mùi hương của sả, mùi của ruốc rất nhẹ, ta sẽ cảm thấy thiếu gì đó trong tô bún. Vào quán ốc mà không có mùi của biển khơi trộn với mùi béo ngậy của nước dừa, của phô mai chảy trên con hàu, ta cũng chưa thấy đã. Vào quán bún ốc, bún riêu, bún mộc mà không nghe thoang thoảng mùi mắm tôm, cũng chưa đủ để gọi là quán bún ốc. Vào cửa hàng trái cây, ta được hít mùi trái chín, mùi những cây trái trộn lẫn vào nhau đưa đến một mùi vị thiên nhiên, thanh sạch và khiến ta như đang đứng giữa vườn cây đầy trái chín. Vào quán vịt quay, heo quay, xá xíu ta lại thấy ngây mỡ với mùi thơm đặc trưng của thịt quay. Màu đỏ của da heo quay, của miếng xá xíu, của con vịt treo lủng lẳng cộng với mùi beo béo, thơm thơm làm cho ta nóng lòng thưởng thức. Ăn món bò nướng lá lốt trong quán phải nức mùi gia vị trộn với mùi lá lốt vừa cháy tới. Ăn bò kho quán có mùi bò kho. Ăn cá lóc nướng phải có mùi khét cháy của da cá khét trên lửa lẫn mùi mắm trộn khóm thoang thoảng trên bàn. Vào quán thịt dê có mùi cà ri, vào quán chè có mùi thơm hoa bưởi, vào quán cháo lòng có mùi của lòng luộc, ngay cả vào quán chay, ta cũng có mùi của tàu hủ, nấm hương. ....

Tóm lại, quán ăn là phải có mùi, đó là mùi của quán. Mỗi quán có cách ướp, cách chế biến, công thức nấu riêng nên mỗi quán cũng có mùi khác biệt. Quán không mùi là quán vô hồn. Một quán ăn sạch là quán đạt tiêu chuẩn vệ sinh từ trong đến ngoài, từ cái bàn cho đến muỗng đũa, từ cánh cửa cho đến buồng toilet. Nhưng quán phải có mùi của quán, vệ sinh không có nghĩa tiệt mất cả mùi. 

Không thể đem những mùi thơm hoá chất, mùi của những chất tạo mùi để làm quán có cái mùi khác mùi đặc trưng món ăn của quán. Làm thế nào để mùi của quán bàng bạc trong không gian quán mà không gây khó chịu cho khách cũng là một nghệ thuật. Càng làm cho mùi của quán tinh tế mà vẫn đậm đà, thoang thoảng mà vẫn gợi nhớ, nhẹ nhàng mà vẫn khiến cho khách thèm khát, thì mùi của quán sẽ ăn sâu vào tâm thức của người thưởng thức. Khách sành ăn không chỉ tận hưởng cái ngon trong dĩa của mình, họ còn ăn cả mùi của quán.

Thế cho nên, ăn theo kiểu anh bạn tui, cứ sợ mùi thức ăn bám áo quần, sợ mùi của quán thì cả đời anh ấy cũng là người chưa hưởng thụ hết cái tinh hoa và thú vị của chuyện ăn. Một cái thú đầu tiên trong bốn cái thú vị nhất của cõi đời này.

13.9.2018

DODUYNGOC









Vừa rồi chị Doãn Liên, con gái của Nhà văn Doãn Quốc Sỹ khi nhận được bức chân dung tôi vẽ, đã đề nghị tôi viết một bài ngắn về nhà văn cũng là người Thầy xưa thời sinh viên của tôi để đăng trên trang web của Thầy.

Trong thời giãn cách vì dịch virus Vũ Hán nhưng tôi cũng hơi lu bu nên không viết đúng như đã hẹn với chị. Hôm nay không ngủ được, viết đôi lời về chút kỷ niệm với Thầy như đã hứa.

THẦY TÔI: NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SỸ

Tôi được học với Giáo sư, Nhà văn Doãn Quốc Sỹ năm thứ hai và năm ba ở Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Thầy dạy môn Phê bình văn học. Lúc đấy Thầy khoảng trên 40, người dong dỏng cao, gầy, khuôn mặt xương với cặp kính cận gọng đen. Thầy nói rặt giọng Bắc, giọng không lớn nhưng đầy nội lực. Thật ra lối nói của Thầy không hấp dẫn lắm nhưng lại cho đám sinh viên chúng tôi nhiều kiến thức nên sinh viên cũng rất ham. Tôi biết cuốn Những giọt mực của nhà văn Lê Tất Điều qua giới thiệu của Thầy trong giờ học. Thầy đọc cho chúng tôi nghe một vài trang ngắn trong đó và đưa ra ý kiến nhận định, phê bình. Biết Thầy là trụ cột của nhóm Sáng tạo với nhiều nhà văn nổi tiếng từ miền Bắc di cư vào Nam nên sinh viên học ban văn chương rất kính nể Thầy. Văn của Thầy đọc thích hơn nghe Thầy nói, chúng tôi hình như ai cũng có đọc một vài tác phẩm của Thầy. Những tác phẩm thấm đẫm hương vị miền Bắc với những con người, những thân phận trong chiến tranh.

Tôi nhớ vào năm thứ hai, Thầy yêu cầu mỗi sinh viên viết một tiểu luận phê bình về văn học Việt Nam. Hồi đấy tôi ham chơi nên đến gần ngày nộp bài, tôi vẫn chưa viết được chữ nào. Cuối cùng tôi chọn viết về vụ Nhân văn Giai phẩm. Tư liệu thì chỉ cần vào thư viện của trường là có đủ. Thế mà khi trả bài, Thầy khen tôi là sinh viên lớn lên ở miền Nam mà lại viết và có nhận xét rất chính xác về vụ Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc sau bức màn sắt. Bài của tôi Thầy cho điểm A, tôi rất vui và hãnh diện về lời nhận xét của Thầy. Một kỷ niệm nữa với Thầy Doãn Quốc Sỹ là lần tôi triển lãm tranh ở Đại học Vạn Hạnh nhân dịp lễ kỷ niệm của trường. Hôm khai mạc phòng tranh, Thầy đi cùng Thầy Thích Minh Châu, Viện trưởng và Thầy giới thiệu từng bức tranh của tôi với những lời nhận xét rất tinh tế và thú vị. 

Tôi rời trường và một thời gian rất dài không gặp Thầy. Biết Thầy gặp nhiều hoạn nạn và mấy lượt đi tù sau năm 1975 rồi sau đó nghe tin Thầy đã định cư ở Mỹ. Năm 2013, tôi có dự án vẽ chân dung những văn nghệ sĩ Việt Nam và thế giới. Một trong những nhà văn Việt Nam tôi vẽ đầu tiên là Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, người Thầy của tôi. Bức chân dung đó lại được một người bạn thời đại học của tôi là chị Phương Lan, giáo viên Văn trường Marie Curie, đang định cư ở California bạn với chị Doãn Liên là con gái Thầy mang gởi cho Thầy xem. Nghe nói Thầy rất ưng ý, tôi cũng vui trong bụng. Chị Phương Lan cũng gởi cho tôi tấm hình Thầy ngồi bên bức chân dung đó, thấy Thầy vẫn mạnh khoẻ, quắc thước, tôi và những người học trò năm xưa của Thầy rất mừng.

Năm 2019, nhân dịp đến Nam California, tôi tìm đến thăm Thầy, lúc đấy Thầy đã 96 tuổi. Dù hơi bị lẫn và lãng tai nhưng Thầy vẫn khoẻ, dáng đi vẫn còn vững chãi trong khi tôi là học trò của Thầy mới tuổi 70 mà đã khập khiễng rồi. Mấy chục năm Thầy trò gặp lại, dù không nói được chi nhiều vì Thầy khó nghe nhưng cuộc trùng phùng cũng có nhiều cảm xúc. Mong Thầy luôn khoẻ và thọ thêm đôi chục năm nữa. Chúng con vẫn luôn nhớ đến Thầy, vẫn khắc ghi những bài giảng của Thầy của hơn nửa thế kỷ trước trên con đường tìm đến với văn chương, nghệ thuật.

Sài Gòn 5.6.2021

DODUYNGOC

https://doanquocsy.com/p245a344/doan-quoc-sy-qua-net-ve-do-duy-ngoc







Thời còn đi học, nhất là mấy năm đầu, bởi vì học ban Việt Hán, có môn Hán văn nên chịu tìm tòi chữ Hán dữ lắm. Còn nhớ hồi ấy GS Trần Trọng San, một người có in sách dịch thơ Đường và GS Phan Hồng Lạc dạy môn đấy. Học Hán văn thì phải có tự điển, cuốn Tự điển Hán Việt của tác giả Thiều Chửu là cuốn sinh viên nào cũng ráng mua về để tra cứu. Trong lớp có mấy bạn là thầy tu Phật giáo đã có học chữ Hán trong chùa nên rất giỏi môn này. Tôi nhờ có chút hoa tay nên chỉ được viết chữ đẹp thôi, còn Hán không rộng lắm. Để khắc phục yếu kém của mình, tôi và vài người bạn thường vào Chợ Lớn, nhìn các bảng hiệu để đoán chữ như là một cách học thêm. Thuộc cho đủ 214 bộ thủ trong chữ Hán cũng là việc không dễ cho những người mới học chữ Hán, nhưng không thuộc được 214 bộ này thì sẽ khó tiến bộ và tiếp thu rất chậm.

Và trong những lần lang thang học chữ như thế, tôi lại có thắc mắc sao tên các tiệm, các quán ăn của người Hoa thường có chữ Ký, các tiệm thuốc và chữa bệnh có chữ Đường, các chùa chiền thường có thêm chữ Tự, nhiều tiệm vàng có chữ Kim ..v...v. Chính vì tò mò nên tôi tìm hiểu cho ra, bởi tánh tôi ngay từ bé muốn biết cái gì cũng phải tường tận.

Trước hết là chữ Ký.記. 

Ở Sài Gòn, Chợ Lớn ta thường bắt gặp nhiều bảng hiệu như Lương ký mì gia, Bồi Ký Mì Gia, Thiệu Ký Mì Gia, Hải Ký Mì Gia, Huê Ký Mì Gia... bằng tiếng Việt kèm thêm tiếng Hoa. Theo tự điển thì Ký có nghĩa là ghi chép, là ghi lại như nhật ký, bút ký... nhà báo gọi là ký giả...Tuy nhiên trong trường hợp này, Ký không chỉ là ghi chép. Nó còn có nghĩa là ghi nhớ, như vậy đặt tên quán có chữ Ký là để thực khách đến ăn và nhớ tên quán của mình. Cho nên trước chữ Ký là tên riêng hoặc từ mang ý nghĩa tốt đẹp thành biển hiệu của quán. Còn mì gia được hiểu đơn giản chỉ là tiệm mì, nhà làm mì, nơi bán mì, mì gia truyền. Tức là muốn khẳng định đây là quán bán mì ngon do quán làm ra, bằng công thức truyền từ đời này sang đời khác.  Nhưng từ Ký không chỉ có ở các tiệm bán mì, nó còn có ở các quán ăn như Chuyên Ký bán cơm thố, Tuyền Ký là quán ăn của người Hẹ, hay Phúc Ký, Phát Ký. Và theo An Chi, một người chuyên nghiên cứu về chữ nghĩa thì sau khi tìm hiểu từ những người gốc Hoa, từ “ký” lộ ra rất nhiều nghĩa, và hiểu là dấu ấn, nhớ, danh dự, dấu hiệu đều có lý. Nhưng cuối cùng thì ông cũng chốt lại cách lý giải khoa học nhất:

“Mathews’ Chinese – English Dictionary đối dịch Ký là a sign, a mark và Ký hiệu là trade-mark. Trade-mark, chẳng phải gì khác hơn là nhãn hiệu, thương hiệu.

Vậy cái là nghĩa gốc chính xác của chữ Ký trong Tường Ký, Chánh Ký, v.v… chẳng qua chỉ là “hiệu”. Chính vì thế nên chủ một số cửa hàng người Hoa mới đặt bảng hiệu của mình bằng một danh ngữ mà “ký” là trung tâm (đứng cuối) còn đứng trước là một trong những chữ dùng làm tên riêng cho cửa hàng của mình”.(Sài Gòn Giải Phóng Online, ngày 16.08.2016)

Tóm lại chữ Ký trên biển hiệu của các quán ăn người Hoa có nghĩa là ghi nhớ đến quán, là để nhớ đến, là nhãn hiệu xem như đã được cầu chứng.

Lại tiếp đến từ Đường 堂 ở các tiệm thuốc Bắc hay các nơi bắt mạch, hốt thuốc của người Hoa như Ích Sanh Đường, Hạnh Lâm Đường, Tế Sinh Đường...Chữ Đường vốn trong tiếng Hán là có ý chỉ nhà lớn, phủ quan. Thế nhưng các tiệm thuốc có mang chữ Đường xuất phát từ một chuyện thời xưa ở bên Tàu của một trong những thầy thuốc danh tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc: Thánh Y Trương Cơ.

Trương Cơ (张机), tự Trọng Cảnh, sinh năm 150 mất năm 219, là một thầy thuốc Trung Quốc hoạt động vào cuối đời Đông Hán. Ông được xưng tụng là “Thánh y” (医圣) của Đông y. Tác phẩm quan trọng nhất của ông, Thương hàn tạp bệnh luận, tuy đã thất lạc trong giai đoạn Tam Quốc nhưng sau đó đã được tổng hợp lại thành hai tập sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược, là hai trong bốn bộ sách quan trọng nhất của Đông y. Có một thời gian ông đến làm thái thú tại Trường Sa, đúng lúc dân gian đang có dịch thương hàn. Để cứu chữa cho dân, ông đã vừa làm việc quan vừa chữa bệnh. Và như vậy ông đã công nhiên phá vỡ giới luật nghiêm ngặt thời phong kiến: ngồi tại công đường kê đơn bốc thuốc cho dân. Ông thường ghi thêm trước tên của mình bốn chữ tọa đường y sinh. (Wikipedia)

Sau này để ghi nhớ công ơn của vị thánh y đầy đức độ và tài giỏi, người ta thường gọi những người ngồi trong nhà thuốc trị bệnh thành “tọa đường y sinh”, tức là người thầy thuốc ngồi ở nhà lớn. Và cũng từ đó, các thầy thuốc Bắc thường cho chữ Đường vào tên nhà thuốc của mình thành một thói quen cho đến nay.

Đến chữ Tự trong tên của các chùa. Tự (寺): là tiếng Hán, theo tự điển giải nghĩa là chùa. 

Ngày nay chữ này được dùng đứng sau làm thành tố chính để kết hợp với một từ định danh nào đó tạo thành một cụm danh từ nêu tên gọi một ngôi chùa cụ thể, như Trấn Quốc Tự, Kim Liên tự, Quang Minh Tự, Bửu Lâm tự, Vĩnh Nghiêm Tự, Thiếu Lâm Tự, Pháp Vân Tự...và như thế ai cũng hiểu Tự nghĩa là chùa cho nên ghi là thế nhưng người Việt vẫn thường gọi là chùa Trấn Quốc, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Thiếu Lâm, chùa Pháp Vân...Nhưng thật ra trong ngôn ngữ Trung Quốc cổ đại thì nghĩa của Tự không phải là chùa vì Phật giáo mới tiến nhập Trung Quốc từ đầu Công Nguyên, trong khi chữ Hán thì đã có sớm hơn rất nhiều.

Vốn ngày xưa Tự vốn là từ để chỉ cơ quan làm việc cụ thể của bộ máy chính quyền phong kiến. Sách Hán thư chú: Phàm phủ đình sở tại giai vị chi tự (nói chung nơi làm việc của phủ đình đều gọi là Tự). Khang Hy tự điển chú khá rõ điều này: Hán dĩ Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ vi cửu khanh. Hậu nguy dĩ lai danh tuy nhưng cửu nhi sở lị chi cục vị chi Tự. Nhân danh Cửu tự (đời Hán lấy Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ làm Cửu khanh. Ngụy trở về sau tuy vẫn để như cũ nhưng các sở cục thì gọi là Tự. Vì vậy mà thành tên Cửu tự (thay cho Cửu Khanh). Thế tại làm sao từ chỗ làm việc, Tự biến thành nghĩa là chùa? 

Hán Minh Đế Lưu Trang (25-75CN) là vị vua đầu tiên thừa nhận địa vị của Phật giáo ở Trung Quốc. Tương truyền nhà vua nằm mộng thấy “người vàng” bay qua sân điện, bèn sai sứ giả 12 người do Lang Trung Thái Âm dẫn đầu sang Tây Trúc cầu tìm đạo Phật. Đó là sự kiện năm Vĩnh Bình 7 (năm 64 CN). Ba năm sau (năm 67CN), sứ giả về với hai tăng nhân người Ấn Độ cùng rất nhiều kinh sách và tượng Phật được thồ trên lưng ngựa trắng. Lúc các tăng nhân cùng kinh, tượng, về đến kinh đô, triều đình chưa chuẩn bị kịp chỗ ở riêng nên cho ở tạm trong Hồng Lô tự (một cơ quan trong Cửu khanh hay Cửu Tự). Sau đó nhà vua mới cho xây dựng cái mà chúng ta gọi là chùa để thờ Phật và các tăng nhân tu tập. Kiến trúc xây dựng theo kiểu mẫu dinh thự của quý tộc đương thời.

Sau đó chùa được xây dựng ngày càng nhiều cũng theo kiểu mẫu nhà ở của địa phương. Chính vì vậy mà chùa ở Trung Quốc, và cả ở Việt Nam khi tiếp nhận Phật giáo theo hướng Trung Quốc, có kiểu chùa rất riêng, không theo quy chuẩn mái cong tháp nhọn như nơi Phật giáo phát nguyên.

Nhân vì kinh và tượng Phật được thồ về trên lưng ngựa trắng nên đặt tên chùa là Bạch Mã. Tự là chỗ đầu tiên tăng nhân tạm trú khi đến Trung Quốc nên được chuyển sang làm thành tố chính để gọi tên cho ngôi chùa: Bạch Mã Tự, ngôi chùa phật giáo đầu tiên của Trung Quốc. Kể từ đó, nơi thờ Phật và để kinh sách cho các đạo hữu tín đồ đến học tập, đọc kinh, nghe thuyết pháp đều có chữ Tự sau tên gọi.

Lại bàn về chữ Kim ở các tiệm vàng. Trước 1975 ở miền Nam, tên tiệm vàng nào cũng có chữ Kim. Nó bắt nguồn từ một thương hiệu vàng nổi tiếng ở Việt Nam là vàng lá Kim Thành. Vàng lá Kim Thành là nhãn hiệu vàng thương phẩm nổi tiếng tại vùng Đông Nam Á vào thời kì trước 1975, được dùng làm phương tiện trao đổi và cất giữ tài sản. Vàng lá Kim Thành có độ tinh khiết 999,9. Một lượng vàng lá Kim Thành có cân nặng đúng 37,5 g (khoảng 1,2 troy ounce), gồm 3 lá: 2 lá nặng 15 g mỗi lá và 1 lá nặng 7,5 g. Các lá này được bọc chung trong lớp giấy dầu mang nhãn hiệu của nhà sản xuất.(Wikipedia)

Kim Thành là nhà buôn bán và tinh chế vàng lớn nhất vào lúc đó, với trụ sở tại Sài Gòn và chi nhánh tại Hà Nội, Hồng Kông và Phnôm Pênh. Vàng lá Kim Thành nổi tiếng như cồn thế cho nên các tiệm buôn vàng bắt chước theo gắn tên Kim vào tên hiệu của mình.

Hơn nữa, Kim 金 có nghĩa là Vàng, là kim loại qúy có ký hiệu hóa học là Au (L. aurum) và số nguyên tử là 79. Vàng 24K là vàng ròng, không tạp chất. Đặt tên có chữ Kim là tiệm bán vàng tốt, vàng nguyên chất, vàng có uy tín. Ngày trước người ta chỉ dùng một tên, một từ có thể là tên riêng, tên chủ hiệu hoặc một chữ mang ước vọng, mong đợi của chủ nhân kèm với chữ Kim. Ví như Kim Vân, Kim Liên, Kim Phúc, Kim Đức, Kim Phát...Sau năm 1975 hình như truyền thống này có bớt đi nhiều, giờ đây tiệm vàng đặt tên theo ý thích của chủ nhân, cũng chẳng cần kèm theo chữ Kim nữa.

Rảnh vì trốn dịch, nhớ thì viết tào lao chơi vậy thôi chứ thật ra chữ nghĩa nó vô cùng. Để giải thích thì vô cùng tận. Thời nay có ông Hoàng Tuấn Công, đang ở miền ngoài, ông này kiến thức sâu lắm lại rất rành về chữ nghĩa. Viết thế này mà bị ông ấy phê một bài là quê một cục. Nên đành dừng ở đây vậy. Nói nhiều, viết nhiều dễ lộ cái ngu, cái kém của mình he...he.

3.6.2021

DODUYNGOC


Con tàu đi không có một sân ga

Cứ chạy mãi cho đến khi hết củi

Ta cũng thế suốt một đời lủi thủi

Biết ngừng đâu một mái ấm nương nhờ

Rất nhiều lần giữa ngõ vắng bơ vơ

Những ký ức ùa về như sóng vỗ

Bao cảnh biệt ly nhiều lần thống khổ

Thêm hành trang cho tàu mải miết đi

Năm tháng trôi không đọng lại chút gì

Tiếng còi hụ mỗi lần như nhắc nhở

Cửa này khép cửa kia vừa lại mở

Cuộc hành trình dẫn định mệnh về đâu?

Chuyện thế gian giống con vật đổi màu

Mang mặt nạ cuống cuồng bao vai diễn

Không có sân ga không lần đưa tiễn

Nước mắt nào gõ cửa một cơn mê

Con tàu đi không có chốn để về

Quê nhà khuất sau những làn mây trắng

Mẹ cha đâu, bạn bè xưa, nay vắng

Loanh quanh hoài tàu dừng lại nơi nao?

Trang chữ mòn bấc đã lụn dầu hao

Và sông suối cũng chẳng còn nước chảy

Ta cuối cùng ráng sức thêm bước nhảy

Rồi đi đâu ai biết sẽ là đâu?

31.5.2021

DODUYNGOC

Mộng khuya sương xuống trắng mờ

Lao đao thân phận bên bờ tử sinh

Đôi khi nhìn lại giật mình

Tóc kia đã bạc cuộc tình vĩnh ly

Trăm năm chỉ một hạn kỳ

Chẳng còn duyên phận lấy gì đợi nhau

Người đi qua để lại đau

Mắt buồn như lá úa màu thời gian

Nửa đời chịu mấy gian nan

Bấy nhiêu sót lại đầu hàng buông tay

Môi chịu đắng mắt còn cay

Tình bay theo gió không say vẫn rầu

Bây giờ nước đã qua cầu

Mây bay tứ xứ nỗi sầu hoá rêu

Nửa khuya cất một tiếng kêu

Đâu hay người vẫn mỹ miều phấn son

Ta nằm nhìn thịt da mòn

Đọc trang kinh ngộ đời còn chi đâu

Bao năm cứ tưởng là lâu

Chẳng qua như nắng thay màu mà thôi

Ta giờ thấm nỗi mồ côi

Chờ thiên thu gọi qua đồi mất tăm

Chút từ bi xoá hờn căm

Xô chăn chiếu rụng nhìn trăng gọi người

29.5.2021

Mùa dịch vật

DODUYNGOC

 


Một đời tôi trốn chạy

Nửa đời tôi kiếm tìm

Tôi thu mình tôi lại

Rồi bay mãi như chim

Nhiều lúc tôi nằm im

Nhìn mây về dưới phố

Lắm lúc nghe nhịp tim

Đập tràn cơn hỷ nộ

Đi qua một đoạn đời

Chợt có lần ngoái lại

Đời như một cuộc chơi

Tôi luôn người thất bại

Lầm lũi trong cơn mưa

Băn khoăn về dưới nắng

Tôi tìm tôi năm xưa

Sao nghe lòng rất đắng

Tôi quỳ nơi chân Chúa

Đọng giọt máu tàn phai

Nhớ bàn tay của ai

Buồn như màu lá úa

Tôi đến đứng cổng chùa

Phật bỏ đi đâu mất

Tôi yêu người rất thật

Sao chỉ thấy biệt ly

Còn một đoạn đường đi

Bóng gầy như sen héo

Tôi làm kẻ ngu si

Mặc trần gian giày xéo

Tôi mang theo gì đâu

Thân gầy như phế tích

Đời còn có bao lâu

Cuộn mình trong tịch mịch

Viên sỏi buồn thôi lăn

Ngày hè sao thiếu nắng

Đêm rằm không ánh trăng

Chỉ mình tôi rất vắng

Có một nỗi tuyệt vọng

Đau hơn lưỡi dao đâm

Có cái chết nẩy mầm

Ngấm ngầm trong đau khổ

Đi về phương tuyệt lộ

Lại ngộ ra nhiều điều

Khi giã biệt tình yêu

Tôi chỉ còn một nửa

26.5.2021

DODUYNGOC



Hồi xưa ở Đà Nẵng có một địa điểm gọi là Cầu Vồng. Nếu quan niệm cầu là bắt qua sông, rạch, suối nước thì cầu Vồng này không phải thuộc loại cầu ấy. Vì nó giống như là con dốc, như một ngọn đồi mà dưới kia là một cái hầm ngắn cho tàu lửa chạy qua. Có người còn gọi là đường Cầu Vồng, đó là tên dân đặt chứ thành phố này chẳng có con đường nào có tên là đường Cầu Vồng cả.
Dốc Cầu Vồng này ngày xưa nằm trên đường Thống Nhất, thời Pháp đường có tên là Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Ông này là linh mục người Pháp cũng là người từng thay chúa Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles năm 1779 với triều đình Louis XVI. Đó là con dốc cao nằm trên con đường khoảng giữa đường Khải Định( thời Pháp tên là Edouard de L’Horlet). Ở bên kia chân dốc là con đường song song với sân vận động Chi Lăng xuống đến ngã tư Yersin. Xuống chút nữa thì gặp Nguyễn Thị Giang, rồi đường Lê Lợi, khu tập trung nhiều trường học. Con đường này chạy mãi đến sông Hàn. Ngày trước, hai bên đường có những hàng cây cao nên con đường này có nhiều bóng mát. Ngay trên đỉnh dốc Cầu Vồng có một đường mòn nhấp nhô đá và đất đỏ có thể đi xuống dưới để về lại đàng sau Chợ Cồn và ra đường Hùng Vương men theo đường xe lửa. Theo lời đồn, chính vì đường xe lửa này mới có cái Cầu Vồng. Trước đó con đường Pigneau de Béhaine là một con đường thẳng, không có đồi dốc chi. Khi thực dân Pháp làm con đường sắt nối ga xe lửa Đà Nẵng đi về hướng Bắc gọi là Gare de Tourane central, có một đoạn phải băng ngang qua đường Pigneau de Béhaine. Đường này lại là con đường lớn và cửa ngõ chính của thành phố nên mật độ người xe qua lại khá đông. Mỗi lần tàu đi qua, phải có ba ri e chận lại cho tàu qua. Việc này rất phiền phức và dễ gây tai nạn nên chính quyền thời bấy giờ cho đắp một con dốc cao trên đường, phía dưới thành một đoạn hầm ngắn cho tàu lửa thuận tiện đi lại. Từ đó có Cầu Vồng. Cái tên này có lẽ cũng chẳng có cơ quan nào đặt mà là một tên gọi dân dã, theo nghĩa là cong lên như hình cung, cuốn vồng lên, luống đất đắp cao, hình khum khum.
Cầu Vồng với tôi có rất nhiều kỷ niệm để nhớ. Hồi còn bé đi học ở trường Nam tiểu học, nhà tôi ở khu Chợ Cồn, cứ đúng đường mà đi thì theo đường Hùng Vương, đến ngã ba Nguyễn Thị Giang thì theo đường đấy khi đụng Thống Nhất là đến cửa sau của trường. Đi thế thì hơi xa. Cho nên tôi đi men đường rầy sau chợ, khu đó dơ lắm, có dãy cầu tiêu công cộng, đi trên đường rầy lại có lắm phân người do từ tàu xổ xuống và dân hai bên phóng uế ra. Đến hầm có con đường dốc đầy đá, đất đỏ leo lên là đến Cầu Vồng, đi thêm đoạn nữa là đến trường, đỡ được chút thời gian. Hơn nữa, đứng trên đỉnh dốc đó có thể nhìn rất rõ trong sân vận động Chi Lăng, nếu lúc đó có trận bóng nào thì đứng xem cũng thú vị. Hai bên Cầu Vồng cũng có khu người ở, gọi là xóm Cầu Vồng, tôi có mấy thằng bạn học ở đấy, ghé rủ cùng đi. Tới tuổi mới lớn, tôi học trung học ở trường Kỹ Thuật, nếu đi học bình thường thì đi một mạch từ nhà ra đường Khải Định đến gần biển Thanh Bình là đến trường. Hồi đấy biển chưa có nhà cửa sầm uất như sau này, cuối con đường Khải Định là đã thấy những hàng phi lao, cát trắng và biển xanh rồi. Tôi nhớ mãi những chiều mùa hè, Mạ và mấy anh chị em tôi thuê xích lô chở xuống biển Thanh Bình, mang theo cơm nắm, cá nướng, muối mè đùa giỡn với sóng biển, vui và đầm ấm không quên được. Dù đi học trung học không qua đường Thống Nhất nhưng cũng hay chạy qua Cầu Vồng với mấy thằng bạn để theo mấy cô nữ sinh ở trường nữ Hồng Đức hay trường Phan Thanh Giản, Bồ Đề, những trường loanh quanh khu ấy. Trường Hồng Đức toàn nữ sinh, nằm cuối dốc Cầu Vồng một đoạn hơn cả cây số. Vốn ngày xưa là Mả Tây, là nghĩa địa chôn mấy tay lính Pháp chết trận, sau giải toả xây trường học. Lại thêm năm tôi học đệ tam, tôi để ý một cô gái cùng trường có nhà nằm dưới dốc Cầu Vồng trên ngã tư đường Thống Nhất và Khải Định. Tuổi mới lớn mà, thích thì cứ lượn lờ khu đó thôi chứ cũng chẳng làm được gì, nhưng chỉ cần nhìn em với chiếc áo dài đi học là thú vị lắm rồi. Nhìn, ngắm rồi về làm thơ, những bài thơ tình tưởng tượng.
Mấy năm đi học xa, vẫn nhớ về con dốc Cầu Vồng, vẫn nhớ về con đường có hai hàng cây kiềng kiềng cao vút, vẫn nhớ ngôi nhà có giàn hoa trước ngõ trên con đường Thống Nhất ấy. Vẫn nhớ những ngày thơ bé loắt choắt leo từng bước ngắn đi lên dốc Cầu Vồng với đá và đất đỏ lạo xạo dưới chân. Vẫn nhớ nhiều hôm đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống sân vận động, vẫn nhớ quán bún thịt nướng cũng trên con đường đó, góc ngã tư, nơi có tượng anh công nhân đen thui với hai xiềng xích đã bứt gãy gọi là quán bún thịt nướng Lao động, quán bún xập xệ, hơi dơ mà lúc đó ăn thấy ngon quá xá ngon. Vẫn nhớ những buổi xà quần với bạn bè khắp chốn, thời ấy sao mà vui quá thế. Cầu Vồng ghi dấu những kỷ niệm khiến mỗi khi nhớ về Đà Nẵng lại nhớ đến Cầu Vồng.
Sau 1975, tới những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi mới trở lại Đà Nẵng. Ngỡ ngàng vì con đường Thống Nhất ngày trước giờ mang tên Lê Duẩn, thẳng tắp, rộng rãi, nhà cửa phố xá khang trang nhưng không còn Cầu Vồng nữa. Dấu tích kỷ niệm không còn, lòng bùi ngùi tiếc. Bạn bè cũng không tìm thấy, cô gái ngày xưa chắc đã yên bề gia thất, có thể là bà nội, bà ngoại rồi. Tôi đứng ngay địa điểm Cầu Vồng cũ chẳng thấy hình ảnh nào quen thuộc. Đi đến đường rầy năm xưa, giờ nhà cửa chen chúc nhau chẳng còn hình ảnh nào của ký ức. Nghĩ đến bể dâu và bài thơ Sông lấp của nhà thơ Tú Xương:
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Cầu Vồng là con đường, không phải dòng sông, không có tiếng ếch kêu, nhưng những đổi thay cũng khiến tai nghe tiếng ai đó của năm xưa vọng lại như nhà thơ nghe tiếng gọi đò mà xót xa trong dạ.
24.5.2021

DODUYNGOC 


Ừ thì mưa đi, mưa cho trôi hết đi

Ta nằm im chẳng nghĩ được chuyện gì

Tình mới đó chắc sót nhiều dấu vết

Hằn như những vết chai 

Nước mưa tràn cuốn sạch dấu ai

Thế giới như đứng yên con người dừng lại

Mặt trời nhợt nhạt trưa giống hoàng hôn

Ta đọc nhiều tin thấy bỗng hoảng hồn

Thời thế chi lạ rứa?

Tới tuổi người như cây hết nhựa

Mối tình nào đã qua còn vết sẹo khó phai

Ta nhớ cửa ngõ nhà ai

Những cửa sổ suốt đời không mở

Ừ thì mưa đi mưa cho hết cỡ

Nhà chẳng trồng hoa nên chẳng sợ hoa không nở

Ta biết người đang có nụ cười duyên

Với cuộc tình kế tiếp

Ờ thì yêu đi cho hết kiếp

Ta muốn mưa để được ở truồng tắm gội

Rũ cho sạch những dấu vết còn sót trên ngực trên tay

Của một thời đắm say

Nhân loại bịt mặt chào nhau

Loài người không đụng chạm chỉ nhìn nhau bằng đôi mắt

Chiến tranh mà chẳng thấy ai là giặc

Thật buồn cười

Thế giới chết như rươi

Không còn củi để thiêu không còn nơi để lấp

Mưa chiều này không đủ to để ngập

Sao ta lại như bơi trong biển rộng thế này

Có ai biết chẳng ai hay

Muốn mượn rượu để say mà không biết uống

Muốn quên hết chỉ còn thân mục ruỗng

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Tưởng quên được rồi sao lại nhớ chi lạ rứa.

Căn phòng trống ta gọi mãi chẳng ai thưa.

Mưa.

24.5.2021

DODUYNGOC

 


1.

Ta còn chi chỉ bài thơ thiếu nắng

Những vần thơ đọc đắng cả vành môi

Đời trôi xuôi ta đi ngược chân đồi

Làm trăng héo bên hiên nhà rất vắng

2.

Ta còn chi sẹo trượt dài vết bắn

Đèn khô dầu bấc đã cháy thành than

Ai thắp lên ánh lửa trước khi tàn

Tim nhức buốt tiếng kêu chiều vọng lại

3.

Ta còn chi kim đồng hồ quay mãi

Níu thời gian ta làm chuyện phí hoài

Đã bao lần lỡ mở miệng mắc quai

Đành im lặng tránh làm người nói dối

4.

Ta còn chi cơn mưa dầm ướt tối

Đêm hắt hiu sương khói lặng lẽ về

Người bỏ đi ta một mình lẻ gối

Thấy bóng mình cô độc đến tái tê

5.

Ta còn chi núi đá lạnh cơn mê

Đi mải miết đường về sao bát ngát

Mỗi hơi thở mang thêm nhiều xơ xác

Phút đợi chờ lẫn khuất chốn mù sương

6.

Ta còn chi cờ phướng với tai ương

Và xương máu rợn lên từ bốn bể

Con chim mù bỗng buông lời kể lể

Vang giữa chiều đâm nát cả làng quê

7.

Ta còn chi khi thôn xóm ủ ê

Mồ hôi đổ trên lưng trần cháy nắng

Máu khô kiệt chỉ còn mang chất đắng

Ngửa mặt nhìn và hét với trời xanh 

8.

Ta còn chi những đau đớn trời dành

Ngựa mỏi vó đã biết mình thất lạc

Sao tự dưng trở thành người bội bạc

Nỗi đau nào xé ngực đứt làm đôi

9.

Ta còn chi máu đã héo đôi môi

Và nhung nhớ đã chứa đầy trong óc

Biết mai mốt còn bao ngày khó nhọc

Nỗi niềm xưa còn đọng đến bao giờ

10.

Ta còn chi tay đã lấm vết nhơ

Lá đã héo run chờ cơn gió tới

Ngày loanh quanh đêm co mình xó tối

Thương phận mình rồi xót kiếp long đong

11.

Ta còn chi ngồi lại giữa hư không

Nước ngừng trôi nước đứng lại giữa dòng

Chiều lạnh toát tiếng chuông nào âm ỉ

Lời yêu người vẫn sót ở đầu môi

12.

Ta còn chi câu kinh cầu sám hối

Quá yêu người ta lầm lạc đường ra

Suốt hành trình không có một sân ga

Làm hành khất cơm mong ngày đôi bữa

13.

Ta còn chi ngôi nhà xưa đóng cửa

Đứng bên này ta ngóng phía bên kia

Ta vẫn biết còn chi chờ đợi nữa

Sao trong tim vẫn sợ phút chia lìa.

14.

Ta còn chi đất nước phía bên rìa

Khua gươm giáo đầu rơi và máu đổ

Những con đường xếp dài bao nấm mộ

Nhiều phố phường chất chứa phận mồ côi

15.

Ta còn chi đã đến lúc đành thôi

Đời chật chội loay hoay hoài cũng mỏi

Đèn vụt tắt trần gian đầy bóng tối

Ta một mình chẳng biết phải về đâu?

19.5.2021

DODUYNGOC

 


Mỗi sáng cửa nhà nay khép lại

Người đi về phía cõi chân mây

Ta đứng đó lòng bao ái ngại

Mối tình đau sót lại chút này

Ly trà sớm giờ không bốc khói

Bông hoa tàn héo chẳng người thay

Ta ngồi đó buồn không muốn nói

Nỗi đau dài còn có ai hay

Nắng len lén lách qua cửa sổ

Chiếu vệt màu sáng một lối đi

Trang sách đắm bao lời khốn khổ

Lời kinh nào ứa nghẹn sầu bi

Ngõ rất vắng lá không muốn rụng

Con chó nằm ủ dột đợi trăng

Ta nằm ngửa đọc câu thơ vụng

Chiếu chăn thừa giường lạnh như băng

Thêm điếu thuốc bụng cồn cào gọi

Đâu còn ai mà đợi mà trông

Sợi khói mỏng bay về một cõi

Ta buông tay soi dáng lưng còng

Cửa vẫn đóng căn nhà chợt lạnh

Ta hắt hiu lên, xuống, đi, về

Những buổi sáng không người đứng cạnh

Suốt một ngày cứ mãi cơn mê

Ta vẫn biết người không ngoảnh lại

Lấy câu kinh lấp mất đường về

Rừng đã cháy biển không quằn quại

Ta suốt đời vẫn gã nhà quê.

13.5.2021

DODUYNGOC


Có một loại cá cảnh rất đẹp mà dễ nuôi lại không tốn kém nhiều tiền bạc và công chăm sóc, đó là con cá Xiêm. Cá Xiêm còn có tên gọi là cá chọi, cá đá, cá betta. Nhìn con cá với bộ vây đuôi sặc sỡ như chiếc áo dạ hội của các người đẹp, ai cũng thích và muốn nuôi chúng. Hồi còn nhỏ, tôi mê loại cá này lắm. Mua về nuôi trong hủ chao, lâu lâu cho hai con sáp đá nhau, nhìn rất đã.
Cá Xiêm (hay còn gọi là cá đá Xiêm, cá lia thia, tên tiếng Anh là Siamese fighting fish) là tên gọi chung của một số loài cá thuộc chi Betta song chủ yếu nhất là dùng để chỉ loại B.Splendens. Betta imbellis, Betta mahachaiensis, Betta smaragdina; chủ yếu là dùng để chỉ loài B. splendens.
Tên của chi này có nguồn gốc là từ ikan bettah (một ngôn ngữ địa phương của Malaysia). Cá xiêm là một trong số những loài cá cảnh nước ngọt phổ biến nhất thuộc họ Osphronemidae, bộ Perciformes. Cá Xiêm vốn là loài Betta thuần dưỡng lâu đời ở Thái Lan rồi sau đó lan ra khắp thế giới. Xưa ta gọi Thái Lan là Xiêm La, do vậy ta gọi cá của Thái là cá Xiêm. Được biết có 4 loài Betta hoang dã ở Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Campuchia với tên gọi theo tiếng địa phương lần lượt là pla-kad, ikan bettah và trey krem, có quan hệ huyết thống với cá Xiêm (tức Betta thuần dưỡng) là Betta splendens, Betta imbellis, Betta mahachaiensis và Betta smaragdina. Như vậy cá Xiêm là giống lai tạp (hybrid).
Cá Xiêm trưởng thành dài khoảng 6 cm (có một số giống dài 8 cm). Gần đây người ta còn lai tạo được những giống cá Xiêm khổng lồ (giant bettas) dài trên 8 cm. Là một loài cá cảnh có màu sắc sặc sỡ với bộ vây chảy dài tuyệt đẹp nhưng màu sắc tự nhiên cá xiêm hoang dã chỉ là màu xanh lá cây xỉn (dull green) và màu nâu, ngoài ra bộ vây của cá Xiêm hoang dã tương đối ngắn. Tuy nhiên do quá trình lai tạo chúng ngày càng có màu sắc sặc sỡ và bộ vây dài hơn. Ví dụ như những các giống cá Xiêm : Veiltail, Delta, Superdelta, Halfmoon...
Giống như các loài thuộc họ Osphronemidae và tất cả thành viên của chi Betta, cá Xiêm có một cơ quan phức tạp trên đầu cho phép chúng lấy oxy trực tiếp từ không khí, bổ sung cho nguồn oxy hấp thu bằng mang ở dưới nước. Nếu không tiếp xúc được với mặt nước, cá Xiêm sẽ bị "chết đuối".
Trên thị trường hiện nay, các Xiêm có rất nhiều loại, từ cá thông thường, cá thái, cá đá đến cá rồng và một số loại cá khác. Các loại cá này thật khó để kiểm đếm đầy đủ, tuy nhiên theo thống kê có một số giống nổi tiếng sau (điểm phân biệt dựa vào hình dạng của vây):
* Cá Veiltail: dòng cá có vây đuôi rủ xuống và không đối xứng
* Cá Crowntail: đặc điểm nhận dạng là vây tưa
* Cá Combtail: vây lược với những nét uyển chuyển rõ ràng
* Cá Halfmoon: cá có vây đuôi mở rộng, thông thường là đến 180 độ hoặc có thể lớn hơn
* Cá Short-finned fighting style: dòng cá hiếu chiến với bộ vây ngắn
* Cá Double-tail: cá có 2 đuôi, vây lưng khá dài
* Cá Delta tail: là dòng cá có vây đuôi mở rộng, thường gần bằng Half-moon và có các cạnh sắc hơn
* Cá Fantail: cá có đuôi quạt.
Cá Xiêm có đặc điểm hành vi rất đặc biệt, khác với các dòng cá khác vì chúng là dòng cá đá, bản năng hiếu chiến. Chúng có thể tấn công rất nhiều dòng cá khác nên thường được nuôi riêng rẽ, không nuôi chung với các dòng cá cảnh. Khi muốn tuyên chiến chúng sẽ bành to 2 mang của mình ra, xù thật dữ, sau đó căng vây và nghiêng người theo hướng tiếp cận thuận tiện nhất với đối phương, Trong quá trình khiêu chiến ấy, màu sắc cơ thể của chúng có thể chuyển sang đậm hơn, đôi khi có màu đen sẫm ở đầu rất dữ tợn.
Tuy nhiên nhiều người lại cho rằng, bộ vây của chúng đẹp nhất và lung linh nhất khi khiêu chiến hay tấn công đối phương.
Là dòng cá có tính sở hữu rất cao, chúng thường xác định cho mình một địa bàn sinh sống riêng thường tự đặt ra cho mình một lãnh thổ riêng ví dụ như một bụi cây thủy sinh hay một hốc đá nhỏ và sẽ bất chấp bảo vệ lãnh thổ của mình, sẵn sàng khiêu chiến với bất cứ dòng cá hay sinh vật nào dám xâm phạm. Cá Xiêm hung hãn đến mức độ xung đột với chính hình ảnh của nó ở trong gương, vì vậy tốt nhất không nên để gương trong bể nuôi cá xiêm, nó có thể bị tổn thương do "chiến đấu" với hình ảnh của mình trong gương.
Chính vì tính hung hãn mãnh liệt vốn có, cá xiêm đã trở thành một trò tiêu khiển cho con người.
Theo nghiên cứu khoa học, cá đực có bản tính hành vi hung dữ hơn cá cái.
Cá xiêm giao phối theo một cách độc đáo được gọi là ép (hoặc quấn). Khi giao phối con đực quấn quanh con cái ép chặt lại, mỗi lần như vậy con cái sẽ sinh ra 10 đến 40 trứng, ngay lập tức con đực sẽ phóng tinh trùng của mình vào mỗi quả trứng.
Sau khi sinh hết trứng người nuôi cá nên vớt cá xiêm cái ra khỏi bể chứa, nếu không nó có thể sẽ ăn chỗ trứng vừa sinh ra.
Chỉ con đực mới có nhiệm vụ trông coi và chăm sóc trứng. Cá xiêm đực sẽ làm một cái ổ bằng bọt khí oxy, khi giao phối nó sẽ nhặt từng quả trứng con cái sinh ra và đặt vào ổ bọt khí của nó. Nếu có quả trứng nào bị rơi xuống nước vì bọt khí vỡ cá xiêm đực sẽ cẩn thận nhặt lại và cho vào một bọt khí mới.
Cá Xiêm vốn là giống cá ăn thịt. Đây là dòng cá dễ nuôi, nguồn thức ăn khá đa dạng, bao gồm các thức ăn trong tự nhiên và thức ăn tổng hợp. Người nuôi không cần lo lắng về việc ăn chúng gì mà có thể tham khảo một số dòng thức ăn cụ thể sau đây:
* Trong tự nhiên chúng chủ yếu ăn zooplankton (loài phiêu sinh), bọ gậy (loăng quăng), xác động vật, giun đỏ, tôm nhỏ, tép nhỏ và một số ấu trùng của côn trùng khác hay các loài cá nhỏ hơn mình.
* Trong thực tế, người nuôi còn có thể cho cá ăn các dòng thức ăn tổng hợp được bày bán trên thị trường, thường là sự kết hợp giữa các loại cám, tinh bột với các loại tôm, cá xay nhuyễn,…
Thức ăn cho cá Xiêm rất phổ biến trên thị trường hiện nay. Bạn nên đảm bảo cho chúng ăn 2- 3 lần/ngày đối với cá giống và 1 – 2 lần/ngày đối với cá trưởng thành. Người nuôi cá xiêm thường cho ăn thêm thức ăn sống như giun đỏ, các viên thức ăn được trộn từ thịt tôm băm nhuyễn, thịt cá, tôm ngâm nước muối, giun đỏ, và vitamin. Nếu được đảm bảo về nguồn thức ăn và chất dinh dưỡng, cá sẽ sống lâu hơn, có màu sắc sặc sỡ và đẹp hơn, các vây bị rách sẽ liền nhanh hơn.
Tuy là cá dễ nuôi nhưng cá Xiêm là loại cá rất dễ bị bệnh. Những loại bệnh thường gặp là:
* Bệnh viêm da (hay còn gọi là bệnh đốm trắng)
* Bệnh thối vây
* Bệnh nấm
* Bệnh lở miệng
* Bệnh nấm velvet
* Bệnh sình bụng
* Bệnh sưng mắt
* Bướu (lump)
* Bệnh đốm đỏ
* Bệnh nhiễm khuẩn (bacteria)
* Bệnh ký sinh (parasite)
Muốn nuôi cá Xiêm, loại cá đá thì nên chọn hồ 60 cm. Theo kích cỡ tiêu chuẩn là 60×30× 30cm.
Trong quá trình nuôi, lưu ý một số điểm sau:
– Thay nước một phần: Thay nước ít nhất một tuần một lần. Các hồ hay bể cá nhỏ không có máy lọc sẽ cần thay nước thường xuyên. Để thay nước một phần, sẽ phải đổ bớt nước ra khỏi bể cá hiện tại và thay bằng nước sạch đã qua xử lý. Dùng một chiếc ca sạch hoặc vật gì tương tự, múc khoảng 25% đến 50% lượng nước trong bể cá hiện tại. Để cá đá trong bể khi bạn múc nước ra.
– Thay nước toàn phần: Chỉ cần thiết khi bể quá bẩn, hoặc nếu nồng độ amoniac vẫn cao sau vài lần thay nước một phần. Khi thay nước cần chú ý dùng vợt vớt cá đá, đưa cá đá ra khỏi bể sang chậu nước sạch. Vớt cá đá thật nhẹ vì vảy cá rất dễ bị thương.
– Nhiệt độ nước (C): 24 – 30
– Độ cứng nước (dH): 5 – 20
– Độ pH: 6,0 – 8,0
Nếu nuôi cá đẻ thì có một số điểm khác. Cá đá có tuổi thọ khá ngắn 2-3 năm tuổi. Nhưng cá đến tháng thứ 6 trở lên là ta có thể tiến hành sinh sản cho chúng. Và việc chọn lựa một con cá trống và mái tiêu chuẩn để cho ra một bậy con tốt thì còn phụ thuộc vào việc chọn cá cha mẹ có tốt không, do vậy phải có chút kinh nghiệm trong việc này.
Trước hết là phải chọn cá trống: Càng lớn tướng càng tốt, màu sắc bạn cần chọn cá phải thật chuẩn của loại, vây vảy không được rách hay nhợt nhạt màu sắc, vây bụng và vây lưng có độ xòe phải rộng, không bị dị tật, và cá mang tính hung hăng càng cao càng tốt, mẹo chọn cá là chọn xem trên nhà của cá trống có bọt nổi không, nếu con nào bọt nổi thì con đó đang “sung” và ta đã thành công 35% rồi vì tính khí cá trống quyết định rất cao trong việc tạo dựng cá con.
Chọn cá mái: Cũng giống như cá trống, nhưng khi chọn cá mài bạn cần chú ý đến “bụng” xem bụng chúng to tròn chứa, tốt nhất là bắt cá lên lồng bàn tay xem hậu môn có “mụn trắng” chưa, nếu có thì cá mái đã sẵn sàng chuẩn bị cho sinh nở bạn cần chuẩn bị nơi sinh sản cho chúng.
Dùng 1 thau (chậu) nước cao khoảng 10-15cm màu xanh lá hoặc xanh da trời là tốt. Thả vào chậu vài cái lá bàng đã phơi khô. Cho thêm 1-2 muỗng cà phê muối (phòng bệnh, diệt khuẩn). Bỏ thêm 1/3 viên thuốc Tetracylin để kích thích cá trống nhả bọt và phòng bệnh khi cá con mới nở. Cho mực nước khoảng 10cm, chuẩn bị 1 viên gạch hay tấm bìa để đậy lên khi cho cá ép. Sau 1 tuần cho kè mái, lúc này nước trong hồ ép cũng ngả vàng (lá bàng). Thấy cá mái lục sục như muốn bơi về phía cá trống, người nổi sọc dưa, bụng căng vàng. Vì được kè lâu nên cá chọi trống sẽ ít cắn mái vì thế không cần chuẩn bị chỗ chú ẩn cho cá mái.
Tiếp theo thả 1 lá bèo lên mặt nước để cá đá trống có chỗ nhả bọt. Cuối cùng, thả 2 con vào cùng 1 lúc và đậy kín lại, chừa 1 chút để không khí vào thôi. Đảm bảo chỗ ép không có tiếng động mạnh, ánh sáng quá mạnh, có mèo, chó….
Sau 2 ngày (lúc cá mái đã đẻ xong) vớt nhẹ nhàng cá mái ra tránh làm ảnh hưởng tới tổ bọt. Trứng sẽ nở trong vòng 24-48 tiếng (nhiệt độ ấm trứng sẽ nở nhanh). Lấy bóng đèn vàng thắp sáng vào buổi tối để cá trống có thể vớt trứng bị rơi.
Cách chăm sóc cá cảnh con:
– Sau 2 ngày kể từ lúc nở mới cần cho ăn.
– Có thể cho ăn trùng cỏ nhưng rất dễ bẩn nước vì thế tốt nhất là chuẩn bị bo bo con cho cá chọi con ăn.
– Mua bobo ngoài tiệm về thả vào 1 thau nước lá bàng, có đầy rong trước ngày cho cá con ăn 1 ngày.
– Tới ngày cá con có thể ăn, soi đèn vào thau nước bobo, bobo bị ánh sáng cuốn hút nên sẽ bơi về phía ánh sáng, chỉ cần lấy ống xilanh hút lên và bơm vào hồ ép để cá đá con ăn.
– Cho cá con ăn bobo tới ngày tuổi thứ 10 thì có thể tập cho cá con ăn trùn chỉ.
– Để cá con nhanh lớn thì nên thay nước 1 ngày 1 lần, mỗi lần thanh 50% và phải là nước đã hả clor.
– Tới ngày 10 thì thả cá con ra chỗ nuôi lớn hơn (chú ý có thể vớt cá cha ra vào ngày thứ 5 hoặc 7).
– Cứ thay nước và cho ăn như vậy cho tới 3-4 tháng tuổi thì cho cá ra keo riêng.
Cá đá (cá betta, lia thia, cá xiêm) có thể nuôi chung với 5 loài cá sau:
– Cá Mây Trắng (White Cloud Mountain Minnow)
– Cá Tỳ Bà – Cá Lau Kính (Clown pleco)
– Cá Chuột Pygmy (Pygmy Corydora)
– Cá Hồng Nhung – Cá Hổ Phách (Ember Tetras)
– Cá Tam Giác (Harlequin Rasboras)
Theo Hội chim cá cảnh TP. Hồ Chí Minh thì hàng năm doanh thu cá Xiêm xuất khẩu không dưới 200.000USD (số liệu năm 2007) Và hiện nay loại cá Xiêm lai Việt đang có giá trị nhất trên thị trường cá Xiêm thế giới. Loại cá này đang được xem là "độc quyền" của vùng Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Việt Nam. .
Cá Xiêm là dòng cá rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á. Với hình thể đẹp, dễ nuôi lại có bản tính hung dữ. Cá Xiêm là loại cá được nhiều người thích nuôi. Giá cả cũng dễ chơi. Cá Xiêm có giá khác biệt tùy vào màu sắc, dáng đuôi và kích thước của chúng. Theo khảo sát của nhiều dân chơi cá cảnh, cá có giá trung bình từ 70.000 – 1.000.000 đồng/con.
Một số mức giá có thể tham khảo như sau:
* Cá giống (hay còn gọi là cá con) có giá dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/con
* Cá kích thước từ 8 – 10cm, giá dao động từ 170.000 – 200.000 đồng/con
* Cá kích thước 10 – 15cm, giá dao động 180.000 – 220.000 đồng/con
* Cá từ trên 15cm, giá dao động từ 250.000 – 1.000.000 đồng/con tùy vào đặc điểm nổi bật
Với vẻ đẹp hấp dẫn và bản tính hung dữ, hiếu chiến của mình, chúng đã và đang trở thành một thú vui tiêu khiển của nhiều người chơi. Bên cạnh việc nuôi cá cảnh để đảm bảo tính thẩm mỹ, người nuôi còn dùng chúng trong các cuộc khiêu chiến hay chiến đấu với nhau để thỏa mãn bản tính của chúng cũng như thỏa mãn thú vui của con người.
Chần chờ chi nữa, chạy ra tiệm bán cá rước về chục con nuôi chơi, cá đẹp và có nhiều trò thú vị lắm.
Sài Gòn. 11.5.2021
DODUYNGOC

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget