Latest Post



Tối đói bụng, chạy ra Lê Văn Sỹ kiếm gì ăn. Chợt thấy xe bánh ướt Minh Châu. Nhớ lần đầu tiên cách đây đã năm mươi năm, mới từ Đà Nẵng vô Sài Gòn đi học, được ông anh ruột dẫn đi ăn ở đây, hồi dó ăn sao mà ngon thế. Lúc ấy xe bánh này đậu trước rạp xi nê Minh Châu. Khu vực này trước 75 sầm uất lắm, hàng quán đủ thứ, nghêu sò ốc hến, hột vịt lộn, khô nướng, lại có tiệm hủ tiếu bò viên nổi tiếng. Ông chủ xe bánh ướt là người Hoa, bắt đầu bán vào buổi chiều. Tui còn nhớ như in dáng người to cao của ông, nhất là cái đầu chải láng mướt, phồng phồng đàng trước như một anh kép cải lương. Bánh ướt hồi đó ngon nhờ nước chấm, ngòn ngọt, hơi chua một tý chứ không như bây giờ. Ớt xay cũng ngon, có chế thêm tỏi bằm chứ không chỉ xay như giờ. Mỗi bàn có chai nước nắm và hủ ớt, khách muốn ăn bao nhiêu thì chan. Tui nhớ tui thường chan ngập bánh, cho nhiều ớt, vừa ăn vừa húp sao mà ngon thế, nhớ tới tận giờ. Sau đó thời kỳ lang thang héo úa ở đường Trương Minh Giảng, tui cũng thường thưởng thức món này khi trong túi rủng rỉnh chút tiền còm bởi món này là món ăn bình dân rẻ tiền. Thời nghèo khó cũng đã nhiều lần đi ngang qua mà không ngồi lại vì trong túi đã khô cạn máu chẳng còn dính một xu, ngang qua chỉ ngửi mùi.
Sau 75 thì chẳng mấy khi ăn và gần bốn chục năm nay không ăn lại. Giờ thì xe bánh đẩy qua bên kia đường, khách vắng tanh. Tối nay mua một dĩa, để nhớ người anh thương yêu không còn ở cõi trần, để nhớ một quãng đời đã đi qua và mong tìm lại hương vị của một thời. Nhưng mùi vị cũ không còn, nước chấm không còn vị cũ, hủ ớt cũng chẳng là chất ớt xưa, nhìn dĩa bánh tú hụ mà chẳng tìm thấy hương xưa. Ông già Tàu chắc cũng chẳng còn, người bán toàn là khuôn mặt lạ. Gần nửa thế kỷ đi qua còn gì, biết bao là bể dâu, biết bao là thay đổi. Nhìn dĩa bánh nhớ anh quá, nhớ ngày thằng thanh niên mới lớn ngỡ ngàng trước những cảnh vật, những món ăn lạ lẫm của Sài Gòn, nhớ chiếc xe gắn máy của anh, người Luật sư trẻ tuổi chở tui đi cho biết Sài Gòn. Tất cả đã xa quá rồi, vật đổi sao dời, cậu thanh niên ngơ ngác ngày xưa giờ đã là ông lão chớm tuổi bảy mươi, người thân lần lượt ra đi, người anh thân yêu đã nằm dưới ba thước đất. Tối nay ngồi nhìn dĩa bánh mà muốn khóc, năm tháng cũ ùa về. Em nhớ anh, anh ơi!
1.1.2019
DODUYNGOC


Một nhúm bụi thôi và chỉ còn là nhúm bụi
Một kiếp người giờ chỉ hủ tro
Chẳng còn lo âu chẳng còn hờn giận
Đốt những nén nhang gởi tới hư không
Chỉ thoáng mong manh giã từ hơi thở
Bóng khuất lên trời trong gió cuối năm
Sẽ chẳng còn thấy chẳng còn gặp nữa
Tiễn một phận người đến với thiên thu
Có đến có đi có sinh có diệt
Người bỏ ra đi để lại bụi mù
24.12.2018
DODUYNGOC



Có đôi lúc ngỡ đêm là huyệt mộ
Xương chưa khô mà đã thấy mỏi mòn
Máu đang chảy cứ ngỡ đang dừng lại
Tim ngập ngừng cú lỗi nhịp ho khan
Những cái khớp khô dần không xoay được
Bước chân đi chập choạng giữa hoang đường
Bò như thú thấy trần gian lộn ngược
Đau một mình đành nuốt lệ tự thương
Có đôi lúc thấy trời không ánh sáng
Mắt nhập nhèm sương trắng với bụi đen
Nhìn thế giới với một màu xam xám
Giữa nắng trưa lại đợi một ánh đèn
Nhìn vào sách thấy chữ nhoè như nước
Nhìn giai nhân nhưng không rõ môi cười
Nhìn vào gương tóc một màu như cước
Xem chân dung cứ tưởng gã đười ươi
Có đôi lúc chỉ là cơn gió thoảng
Nghe trong mình lạnh buốt hết xương da
Rất nhiều lúc đang giữa đường hốt hoảng
Bởi bỗng dưng quên mất lối về nhà
Có người bạn gặp nhau hoài ở quán
Bỗng một hôm quên phứt họ tên người
Ngồi nói chuyện trong đầu như giải toán
Nhớ được rồi miệng mới dám cười tươi
Đã đến lúc tiếc quãng đời đã mất
Biết làm sao cách thức ngược trở về
Nhìn phía trước đoạn đời đầy nước mắt
Lại trách mình hoang phí những u mê
Có đôi lúc nghe thời gian tích tắc
Và hai kim cứ thế mãi trôi đi
Cứ hối tiếc quỹ thời gian đã cắt
Mà trên tay chẳng nắm giữ được gì
Rồi mai mốt chỉ còn là đám bụi
Trong hư không chẳng biết sẽ về đâu
Nên cái tuổi dễ buồn hay hờn tủi
Cần bàn tay để có những nhịp cầu
3.11.2018
DODUYNGOC


Ta xếp bằng tịch mịch
Đợi nắng giọt trên đầu
Nghe đất trời lắng lại
Biết ta đi về đâu
Đời chỉ cuộc bể dâu
Là không không có có
Thở một hơi thật sâu
Thấy trăng về với gió
Có bài kệ lấp ló
Sau tàu chuối xanh rì
Thấy con đường trước ngõ
Dẫn đường cho ta đi
Sen nở chẳng nói chi
Cá bơi trong im lặng
Ta ôm hòn đá nặng
Nên suốt đời gian truân
Ta nằm nghe tịch liêu
Trong trăm ngàn sóng vỗ
Ta nhìn cây cột xiêu
Biết trần gian đã cổ
Hít thêm một hơi thở
Buông một hòn đá rơi
Biết cánh cửa đã mở
Chợt lòng rất thảnh thơi
Ôm những điều khổ nạn
Ghì ta xuống vực sâu
Như cá kia mắc cạn
Chờ nghe tiếng kinh cầu
Biết thở khi đang thở
Biết ăn khi đang ăn
Biết vui khi ăn năn
Là thoạt nhiên tỉnh ngộ
Trái tim từng lổ chổ
Tập thở lại cho đầy
Từng buồn như nấm mộ
Tập hồi sinh thơ ngây
Đi là vòng trở lại
Buông là nhẹ thân này
Hít vào thở ra mãi
Quên hết lời đắng cay
Xếp lại đời cuồng say
Sẽ thấy đời nhẹ nhõm
Thân giờ như đang bay
Thương một thời bì bõm
Đêm ngồi nghe gió động
Thấy tâm tĩnh như không
Bao nhiêu là cơn mộng
Giờ như gió qua đồng
Nhìn nụ cười của tượng
Ngó nước mắt chúng sinh
Đọc thêm một bài kệ
Giờ làm chủ đời mình
Biết bao lời vô minh
Vây quanh đời bể khổ
Chỉ một thoáng giật mình
Quên đi bao cuồng nộ
Đi qua bao trầm luân
Đày thân này khổ nhục
Trí não muôn mùa xuân
Thoát khỏi vòng thế tục
Nghiệm cho hết lẽ đời
Sống cho hết cuộc chơi
Lẽ tử sinh quên mất
Còn đọng lại chữ tình
2.12.2018
DODUYNGOC



Ta còn lại tấm thân này bé mọn
Trở về quê, quê đâu nữa mà về
Ta lặng lẽ thu thành viên sỏi nhỏ
Có đâu ngờ đá cũng chịu héo hon
Mùa thu hết gió đông ào ạt tới
Đêm trở mình nghe đau thấm thịt da
Trăng héo khô lơ lửng ở hiên nhà
Đèn leo lét bấc tàn trong góc tối
Bóng soi tường xám một bờ tóc rối
Tiếng kinh cầu rơi từng hạt âm u
Đêm trăn trở lệch xô giường với gối
Lòng băn khoăn đưa tới cảnh sa mù
Ta còn lại mắt nhìn đời ngơ ngác
Lũ thú hoang ngạo nghễ giữa phố đông
Sau song sắt treo ngập tràn những xác
Và thiên thu nghe máu chảy thành dòng
Cây đã chết hoa chẳng còn nở nữa
Những lá cờ rũ rượi dưới mưa tuôn
Những dãy nhà không bao giờ mở cửa
Lịch sử ghi lần lượt những trang buồn
Ta còn lại hai tay gầy thấm mệt
Bước chân về loạng quạng giữa trần gian
Chiếc lá rớt một chu kỳ chấm hết
Ta loay hoay ngồi đợi giữa gian nan
1.12.2018
DODUYNGOC
Tranh sơn dẩu cúa Denis Sarazhin

FANNY FERRE
Nghệ Sĩ điêu khắc người Pháp
Sinh ngày 6 tháng 6 năm 1963 tại Evreux
Học nghệ thuật ở Paris và Angers
"Khi tôi còn rất nhỏ, thú vui duy nhất của tôi là ở nhà và tạo ra một loạt các nhân vật nhỏ dưới nền đất. Tôi thật may mắn khi cha mẹ đã ủng hộ tôi. Họ đã chụp những bức ảnh đầu tiên của tôi để tạo album... sự quan tâm này đã khuyến khích tôi... "
Tác phẩm của bà mộc mạc, thô ráp, sần sùi nhưng rất sinh động. Đó là những bức tượng hoặc một nhóm tượng mô tả những sinh hoạt. Những nhóm tượng của bà như là một câu chuyện kể. Và từ đó ta nghe được tiếng nói của từng nhân vật. Chính cái không trau chuốt ở tượng của bà khiến cho các tác phẩm của bà gần gũi với cuộc sống, như cùng sống trong không gian cùng ta, thở chung không khí cùng ta. Tôi thích cái mộc mạc đậm chất dân gian đó.
DODUYNGOC

<<<Xem ảnh>>>

Nghệ Sĩ điêu khắc Đài Loan
Gaylord Ho sinh ngày 11 tháng 1950 tại Lam Wu, Đài Loan. Là một nhà điêu khắc bậc thầy và những tác phẩm của ông truyền cảm hứng cho người xem. Tác phẩm của ông lưu lại những cảm xúc của khoảnh khắc và tồn tại mãi.
Những bức tượng của ông là biểu tượng của sự vượt lên đấu tranh với cuộc sống. Nó đại diện cho lý tưởng trong mỗi con người chúng ta và đưa ta đến sự hoàn mỹ.
Gaylord tập Tai Chi và hành thiền mỗi buổi sáng. Ông là người tin tưởng vào sức mạnh của nội tâm , một người luôn bình tĩnh và chu đáo, là người luôn đối xử với bản thân và thế giới xung quanh bằng thái độ tôn trọng, khoan thai và tinh tế.
DODUYNGOC
<<<Xem ảnh>>>

Đối với nhiều người, sinh nhật đối với họ rất quan trọng, họ tổ chức rầm rộ, đàn ca sáo nhị vang trời, quà cáp tùm lum. Những người dư giả, giàu có, cán bộ đương chức lợi dụng cơ hội kiếm phong bì thì không nói làm gì. Nhiều người, nhất là giới trẻ, dù đang khó khăn cũng ráng làm tiệc tùng để khoe và vui với bè bạn. Mà cũng lạ, đã gọi là sinh nhật là ngày sinh rồi, dân ta cứ gọi là ngày sinh nhật, hoá ra dư một chữ ngày ha...ha.
Riêng tui, có thể nhiều người không đồng tình với tui, tui xem ngày tui sinh ra đời cũng bình thường như mọi ngày khác. Mà thật ra nghĩ cho cùng có gì là đặc biệt đâu. Cũng chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Con người sinh ra không hẹn trước và đôi khi cũng chỉ là sự tình cờ. Có người sinh ra trong sự ngóng đợi, trông chờ, nhưng cũng có người được sinh ra như là một sự bất đắc dĩ. Mừng vui trong ngày sinh cũng chỉ là hình thức của cuộc sống, những lời chúc tụng, nhất là hiện nay trên facebook cũng chỉ là những lời sáo rỗng, như là trách nhiệm, như là một nhiệm vụ, đôi khi là những lời vô cảm. Nhưng nhiều khi không có thì không được. Đạo Phật bảo: Đời là bể khổ. Sinh ra đời là để vẫy vùng trong bể khổ đó. Thế thì có gì mà mừng vui.


Mấy người là danh nhân, là anh hùng dân tộc, kỷ niệm ngày sinh như là cách ghi ơn. Còn như tui, phó thường dân, chỉ là cắc ké kỳ nhông, làm sinh nhật mần chi cho tốn kém.

Giấy tờ, khai sinh, chứng minh nhân dân, bằng cấp của tui đề ngày sinh của tui là 30.11. Nhưng thật sự tui có sinh đúng ngày đấy đâu. Lúc đấy Ba tui làm công chức cho nhà nước bảo hộ, quy chế là con cũng được hưởng lương, tui là con thứ ba, theo chế độ lương bổng thời bấy giờ, con thứ ba hưởng lương cao nhất. Do vậy, dù tui chưa được sinh ra, Ba tui đã làm cho tui giấy khai sinh để được lãnh lương trước một tháng. Thế thì ngày ghi trong giấy tờ không phải là ngày sinh của tui. Nhưng theo thói thường, người ta làm sinh nhật theo ngày ghi trong hồ sơ cá nhân. Cho nên ngày 30.11 mà tổ chức sinh nhật của tui là trật lấc. Và đó cũng là lý do tui không muốn có ngày sinh nhật. Tuổi đã già, làm sinh nhật là thêm một tuổi, điều ấy cũng chẳng có gì vui. Thêm tuổi là cuộc đời ngắn lại, hỏi có vui gì hê...hê.
28.11.2018
DODUYNGOC




Nghệ Sĩ, điêu khắc gia sống ại Pháp, sinh ra tại Ma Rốc
Sinh năm 1960 từ vùng Địa Trung Hải. Gia đình ông bị buộc phải sống lưu vong từ năm 1975. Định cư ở Marseilles, một thành phố cảng của nước Pháp. Hi vọng về một cuộc sống mới nhưng trong ký ức vẫn là nỗi đau của kẻ lưu vong.
Năm 18 tuổi ông gia nhập thuỷ thủ và làm thợ điện. Đam mê nghệ thuật ông nặn tượng bằng đất sét và mò mẫm với điêu khắc, mấy chục năm ông học hỏi thông qua những tác phẩm của Rodin, Giacomtti, Caesar...và từ dó dành trọn đời mình cho nghệ thuật.
Tác phẩm của ông thường là những nhân vật rỗng, thân đứt lìa. Đặt trong khung cảnh của thiên nhiên, nhân vật thể hiện nội tâm một cách sâu sắc và gây sững sờ cho người xem.
Hiện nay, ông là một nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng thế giới.
24.11.2018
DODUYNGOC

<<<Xem ảnh>>>



Nơi tôi ngồi nhìn ra phố mùa thu
Những vệt son môi những cái mông ưỡn ẹo
Mùa đông đang tới gần trên những chiếc khăn quàng
Và dáng ai lảm bộ co ro ở vỉa hè
Nơi tôi ngồi có hai chiếc bánh croissant
Một chiếc ngọt và một chiếc mặn
Tôi nhìn chúng chợt hình dung đôi môi
Đôi môi nằm trên chiếc dĩa
Nhớ Paris
Nhớ tuyết bùn lầy và đôi vớ đỏ
Tôi thấy nó buổi sáng ở khu Quartier Latin
Cô gái tóc đỏ và nụ cười rất đĩ
Nơi tôi ngồi có những cành hoa
Chúng dính vào kính bên kia bức tường trong suốt
Những bông hoa giả nhìn như thật
Như nụ cười của đàn bà
Giả và thật
Thật và giả
Có tiếng ly bể
Âm thanh trong suốt như lưỡi dao làm bằng thuỷ tinh
Đâm thấu óc
Nơi tôi ngồi nhìn thấu con đường bên kia
Có một quán ăn
Có một cửa hàng áo quần trẻ con
Có người đi sao tôi thấy ai cũng trần truồng
Trần truồng là sự thật
Hoá ra tất đều là lời nói láo
Lời nói láo ngay từ buổi gặp đầu tiên
Láo cũng là một sự thật
Nơi tôi ngồi bỗng có tiếng nổ phát ra từ khẩu súng
Máu phọt ra
Có tiếng nôn mửa
Nhiều tiếng la hét
Nhạc tung toé khắp phòng
Rồi im bặt
Tôi vẫn còn ngồi trên ghế
Ướt đẫm mồ hôi
Tôi nhìn đồng hồ
11:48 phút
Tôi phải về
Phố còn sót một mùa thu
22.11.2018
DODUYNGOC



Có một ngày nắng trôi trên sông
Có người đi lúa trĩu cánh đồng
Chim sơn ca thăng ca đỉnh gió
Nụ cười ai bay đầy thinh không
Có một thời mưa giội hàng hiên
Giọt mưa thu ướt mái tóc huyền
Hoa muốn nở trong đêm trăng ấy
Người ôm đàn ngồi hát liên miên
Có một mùa lá rụng đầy tay
Đi song đôi không rượu mà say
Đèn ngã bóng ngọc lan thơm ngát
Đường hút dài đâu biết rủi may
Cũng ngày đấy nắng không còn sáng
Ta đoạ đày trong cõi u mê
Ngày với tháng kéo đời khổ nạn
Mắt nhìn nhau không chỗ trở về
Cũng thời ấy bão giông cuốn mất
Hai phận đời đi ngược chiều nhau
Trăng hiu hắt chứa điều khuất tất
Mảnh tình xưa như tấm vải nhàu
Cũng mùa ấy thu không đến nữa
Lá ngỡ ngàng chẳng biết về đâu
Ta trôi giạt thân không nhà cửa
Lòng chẳng quên được mối tình đầu
Chợt chiều nay nhớ tà áo lụa
Bước chân run ra ngõ ngó trời
Kỷ niệm xưa đã thành goá bụa
Mới hôm nào giờ hoá ngàn khơi
19.11.2018
DODUYNGOC



Trăng héo tàn vách núi
Chim lẻ bạn giọng buồn
Ta một thời hờn tủi
Hứng hết giọt mưa tuôn
Chiều vàng như lá héo
Mặt trời cháy phương tây
Ta trôi từ mọi nẻo
Giờ ngã ở góc này
Cửa nhà chưa khép chặt
Mái ngói ngập rêu phong
Chưa hết cơn túng ngặt
Đã đến lúc lưng còng
Một tờ kinh rớt xuống
Rợn cả một góc trời
Cành hoa nào héo cuống
Mở một đời tả tơi
Đi hết bờ đá đỏ
Bóng ngã trên đường đèo
Gió tràn trên lá cỏ
Thân ta nằm chèo queo
Mây bay không níu lại
Giọt nắng chẳng người nâng
Cứ ngỡ ta tồn tại
Chờ mưa bão mòn dần
Quạnh hiu bên tường trắng
Thấy ta như cành khô
Xác xơ phơi dưới nắng
Đời vắng tựa nấm mồ
Chờ một cành hoa nở
Đợi một tiếng chim kêu
Cửa ai vừa hé mở
Lại tiếp cảnh tiêu điều
Ta về chờ trăng mọc
Đêm tối tận vô cùng
Chịu làm thân còi cọc
Đậu giữa đời mông lung
Chờ tiếng chuông đổ xuống
Đợi tiếng mõ tràn lên
Tuổi già thêm luống cuống
Thân già thêm tiếng rên
Ngựa chồn chân đã mỏi
Xương cốt rã rời nhiều
Lưng đã còng dấu hỏi
Chỉ còn bước liêu xiêu
Tiếc một thời phiêu bạt
Gió lộng với trời cao
Giờ thế gian ngột ngạt
Chẳng biết sống thế nào
Quẩn quanh nơi góc phố
Nhìn thời gian đi qua
Còn chút gì vẫn cố
Mốt mai sẽ xoá nhoà
Sẽ còn vầng trăng lạnh
Hiu hắt giữa màn đêm
Hỏi còn ai đứng cạnh
Để xin chút êm đềm
19.11.2018
DODUYNGOC


MARINA CANO
Nghệ Sĩ nhiếp ảnh Tây Ban Nha về thế giới tự nhiên, hoang dã
Marina Cano là một nhiếp ảnh gia về thế giới và động vật hoang dã, vùng Cantabria, ở phía bắc Tây Ban Nha. Cô đã chụp ảnh từ khi còn là thiếu niên. Tác phẩm của Marina Cano đã được công bố khắp thế giới và giành nhiều giải thưởng quốc tế.
Năm 2009 Marina Cano xuất bản một cuốn sách với nhan đề Cabarceno, với những hình ảnh cô đã chụp trong ba năm ở công viên thú hoang dã lớn nhất ở châu Âu.
Năm 2012, Marina in cuốn sách thứ hai: "Kịch tính & thân mật", với những tấm ảnh được chọn lựa kỹ lưỡng trong nhiều bức ảnh cô chụp ở Nam Phi, Kenya, Anh và Cabarceno
Cô cũng đã triển lãm ảnh ở Cape Town, London, Tây Ban Nha....
DODUYNGOC

<<<Xem ảnh>>>



Có một mùa thu tạt qua áo ta
Rớt đọng trên vai một mùi rất ngọt
Ghi vội vào tay chữ yêu nắn nót
Lá cuốn đi rồi ta gởi vào đâu
Có một mùa trăng đêm sâu quá sâu
Ngồi buông hơi thở chẳng sắc không màu
Tiếng chuông thinh không lạc vào ngõ tối
Đọng ngón tay buồn xanh xao rất đau
Có thời gian nào giữ cho mai sau
Áo lụa vàng bay sáng giữa bãi lau
Ánh mặt trời kia rớt trên đèo vắng
Con chim ngứa cổ hót mãi hàng cau
Có một mùa đông chọn đường nương náu
Lạc giữa đồi sương đốt lửa lên trời
Ta sẽ một lần chịu thân củi mục
Cháy rã úa tàn ánh sáng ma trơi
Có phải người đang làm cuộc rong chơi
Thả phấn hương thơm ngát cả bầu trời
Dụ bao ong bướm bay về dưới núi
Bỏ lại mình ta làm hòn đá rơi
Ta làm hạt bụi ta trôi chơi vơi
Những mùa đi qua thôi chẳng đón mời
Rồi một ngày kia gục trên bờ suối
Sóng biển ngược dòng cuốn ta ra khơi
Viết vội vài dòng giữa cơn mộng mị
Con dã tràng kia lăn tròn hạt cát
Cũng có một ngày thế gian rã nát
Đời cuốn ta đi ta chọn chốn về
19.2.2015
DODUYNGOC
Tranh của Irik Musin (Hoạ sĩ Nga)

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget