Latest Post




Giấc mơ nào đẩy tôi đi tận cuối trời
Chạy hụt hơi gần hết cuộc đời
Tôi không tìm thấy
Những lầu cao đè bóng người
Hàng dây điện thắt vào cổ
Cây quật đổ
Tôi đi như mộng du
Cơn mơ nào xúi tôi đi về phía biển
Sóng hung hãn nuốt đàn hải âu
Tôi đứng trên ghềnh đá và tuôn nước mắt
Biển toàn xương người
Sự thật tàn nhẫn bóp chết ngôn ngữ
Tôi không còn tiếng kêu
Ngoài khơi không bóng thuyền
Cá tôm bị đầu độc
Biển mênh mông chứa độc dược
Trầm luân kiếp người và trăn trở làm người
Sự thật nào vẽ cho tôi lối trở về
Tôi muốn ngồi trên bờ ao nghe cá quẫy
Tôi xin chia lìa giấc mơ
Giã từ bóng tối
Nửa đêm nghe gió xao xác bên cánh cửa
Chợt giật mình nghe tiếng chim kêu
Biết mình đang còn ở quê nhà
Chờ gà gáy sáng
Lủi thủi đi ra biển
Lại chờ những cơn mơ
23.8.2018
DODUYNGOC


Hắn ở tầng bảy của một chung cư cao cấp. Từ cửa sổ phòng hắn nhìn xuống thấy một vạt cỏ xanh rì của công viên. Ngay tầm nhìn của hắn là chiếc ghế đá trắng phau. Bãi cỏ và chiếc ghế đá gợi một khung cảnh lãng mạn như một cuốn phim nào đó hắn đã từng xem. Hắn thích đứng từ trên cao nhìn xuống đó và nghĩ nhiều chuyện.
Sáng nay như lệ thường, hắn nhấm nháp ly cà phê và nhìn xuống. Vạt cỏ vẫn xanh rì và chiếc ghế vẫn trắng phau. Nhưng linh tính lại cho hắn có cảm giác sẽ xảy ra một cuộc án mạng. Sẽ có một cái chết. Ngay vạt cỏ đó. Ngay chiếc ghế đá đó. Hắn có năng khiếu của một con thú, đánh hơi được những cái chết. Hắn đã từng thoát chết nhờ cái linh tính trời ban này. Hắn là dân tình báo. Làm cái nghề mà cái chết luôn rình rập, sự may mắn và cảm giác luôn là lối thoát để có thể sống sót trước những hiểm nguy. Đã có lần hắn huỷ một chuyến bay vì đánh hơi được mùi tử khí. Chuyến bay nổ tan xác khi vừa cất cánh. Một lần khác, trong một quán ăn ở Tây Ban Nha, hắn ngửi thấy mùi chết chóc nên vội vã rời quán. Nửa tiếng đồng hồ sau, quán bị đánh bom. Ở Berlin, một lần hắn định qua đường, linh tính báo có sự nguy hiểm, hắn rẽ lối khác và đã có một vụ đụng xe với nhiều người đi bộ tử vong vì xe cháy. Linh tính là năng khiếu trời cho, cộng với những bài học về nghề ở Đông Đức, lại thêm kinh nghiệm hơn chục năm làm nghề nhiều nước trên thế giới giúp cho hắn có một bề dày đánh hơi được những bất trắc có thể xảy đến. Hắn có thể ngửi được mùi tử khí khi chưa có án mạng xảy ra. Và hôm nay hắn đã thấy điều đó. Ngay tầm nhìn của hắn từ trên cửa sổ. Sẽ có người chết hôm nay trên vạt cỏ. Có thể trên ghế đá. Hắn thấy máu chảy.
Hắn uống hết ly cà phê, điện thoại cho văn phòng báo hôm nay hắn không đến cơ quan. Hắn cởi áo quần đi làm thường ngày, mặc bộ đồ ngủ. Đứng nhìn xuống vạt cỏ và chờ.
Nghĩ vẩn vơ hắn lại nhớ vợ con. Đợt trước hắn làm việc trong sứ quán Việt Nam ở Đức. Hắn mang vợ con qua đó và tìm cách cho vợ con định cư. Hắn muốn con hắn có một nền giáo dục tốt hơn ở quê nhà. Hắn muốn vợ hắn có một cuộc sống an lành và tốt đẹp hơn. Hết thời hạn công tác ở sứ quán, hắn bị điều về Việt Nam, làm công việc chuyên theo dõi các người nước ngoài có số má nhập cảnh và hoạt động ở Việt Nam. Công việc cũng nhàn nhã nhưng chán phèo. Hắn chờ để lại đi.
Hắn mở máy nghe nhạc. Một bài hát quen thuộc cất lên. Bài Le Beau Danube Bleu của Johann Strauss Jr.Hắn thích nghe bài này vì giai điệu êm đềm du dương của nó. Hắn lẩm bẩm hát theo. Hắn lại nhìn xuống vạt cỏ. Có một cặp vợ chồng già đang ngồi trên ghế đá. Hai người đang cười vui. Hắn nghĩ không lẽ một trong hai người này là nạn nhân? Hắn đến gần bên cửa sổ, nhìn. Bà cụ đang cười khoe hàm răng giả trắng phau. Ông cụ ngồi nhả khói từ ống pipe. Họ đang hạnh phúc. Những thời gian hạnh phúc cuối cùng của một đời người. Cả hai đang dắt tay nhau đi về chân trời hoàng hôn. Họ không phải là nạn nhân. Hắn tin thế.
Vạt cỏ đầy nắng. Chiếc ghế trắng chói chang. Hắn lấy một cuốn sách ra đọc. Thỉnh thoảng lại nhìn xuống. Yên tĩnh. Có mấy con chim sà xuống ghế, chúng lượm mấy mẩu bánh vụn ông bà cụ làm rơi rớt. Có tiếng gõ cửa. Cô bé mang cơm trưa cho hắn. Hắn ngồi ăn bên thành cửa sổ, mắt nhìn xuống bãi cỏ thưa người. Có một lão hành khất đi tới, nằm dài trên ghế. Ngủ. Những món phế liệu linh tinh vây quanh lão. Hắn vẫn ngửi thấy cái chết lăng quăng đâu đó. Thoang thoảng mùi máu. Hắn ăn không hết phần cơm. Rót một ly rượu, hắn nhấm nháp. Hắn cảm thấy buồn ngủ, mắt muốn đip lại. Hắn ngả người trên ghế, lim dim.
Có tiếng xao xác phía dưới, hắn choàng tỉnh, nhìn xuống. Lão hành khất đã đi từ lúc nào. Ghế trống trơn. Vạt cỏ có nắng chiếu dìu dịu vẫn xanh biêng biếc. Hắn pha một ly cà phê. Nhấm nháp và cười một mình. Không lẽ linh tính của hắn sai. Hắn vẫn ngửi thấy mùi máu. Hắn vẫn tin sẽ có án mạng. Ngay chỗ đấy. Chỗ vạt cỏ đấy. Chỗ chiếc ghế trắng đấy. Chắc chắn là như thế. Và hắn ngồi đợi.
Chiều đến vàng ệch một góc trời. Những đám mây ngũ sắc khiến cho bầu trời pha chút ma quái. Hắn vẫn ngồi đó, nhìn xuống, trong đầu hắn mùi chết chóc vẫn chập chờn. Hắn rót thẻm một ly rượu, bỏ thêm viên đá. Căn phòng im như nấm mồ. Hắn lại mở nhạc, vẫn bài hát ấy, vẫn giai điệu du dương ấy. Có một dòng sông đang chảy giữa căn nhà.
Hắn nhìn xuống, vạt cỏ đã biến màu sẫm hơn, có thằng bé mon men đến ghế đá. Mẹ nó đứng bên cạnh. Thằng bé cười rất tươi trên khuôn mặt mũm mĩm. Hắn lẩm bẩm, không phải là thằng bé này nhé, không thể. Đừng nhé! Nhưng hắn vẫn ngửi thấy mùi máu. Hăn đứng bên cửa sổ, khoát tay như trong vô thức: Đi đi, đừng ngồi đày. Đi đi! Chẳng ai nghe thấy. Nhưng rồi hai mẹ con cũng rời đi. Ghế lại trống. Hắn cảm thấy nực nội. Nóng. Bứt rứt. Chắc phải tắm mới xong.
Lúc hắn rời phòng tắm thì trời đã tối. Mặt trời đã khuất ở chân trời, đèn đường đã bật. Hắn định xuống phố ăn tối, nhưng hắn vãn ngửi thấy mùi máu, hắn vẫn nghĩ sẽ có án mạng. Ngay tại vạt cỏ. Ngay tại chiếc ghế đá. Hắn mở tủ lạnh lấy hộp bánh. Đến bên cửa sổ nhìn xuống. Chiếc ghế đá trắng phau phản chiếu ánh đèn nằm trên vạt cỏ đã sẫm màu tối. Nó nằm nổi bật giữa bãi cỏ. Trống trơn. Hắn mong đừng ai đến đó đêm nay và linh tính của hắn sai. Và sẽ không có người chết. Hắn mở ti vi xem một lát, chẳng có gì ngoài mấy trò nhảm nhí. Hắn lại nhìn xuống, ghế đá chẳng có ai ngồi, vạt cỏ bây giờ là một tấm màn nhung đen tuyền. Hắn vẫn thấy thoang thoảng mùi máu. Nhưng ghế đá không người, đêm đã tới, ngày sắp hết.
Hăn buồn ngủ. Hắn sắp xếp để ngủ. Theo thói quen của nghề nghiệp, hắn lấy khẩu súng ngắm nghía một thoáng rồi để dưới gối. Luôn là như vậy. Nghề của hắn phải luôn đề phòng. Phải luôn có vũ khí bên cạnh. Cần là nổ. Hắn ngủ một giấc ngon.
Hắn thức dậy khi ánh sáng đầu tiên lẻn vào phòng. Hắn bật dạy, chạy nhanh đến cửa sổ nhìn xuống. Mùi máu nồng nặc, trong gió có mùi xác chết. Vạt cỏ vẫn xanh rì. Nhưng trên chiếc ghế đá, một dòng máu đỏ cháy dài từ lưng ghế xuống mặt ghế. Dòng máu như chiếc khăn quàng đỏ thắm ai vắt ngang cái ghế đá trắng phau. Hắn tái mặt, hoảng hốt. Thế là linh tính hắn không sai. Ai đã chết đêm qua? Và ai là kẻ giết người?
Hắn đến bên giường lật gối lấy khẩu súng. Hắn ngửi thấy mùi thuốc súng từ nòng khẩu súng hắn cầm trên tay. Gỡ băng đạn ra đếm, hắn thấy thiếu một viên đạn.
23.8.2018
DODUYNGOC


Người đàn ông đi ngang bờ sông
Vị sư già gieo câu kinh cuối cùng
Hạt chẳng nẩy mầm
Rơi xuống đất
Tiếng chuông nào rớt giữa thinh không
Người đàn ông nhặt lời rao ở vỉa hè
Thay bài Chú Đại Bi
Đêm thăm thẳm
Vầng trăng ai lấy mất
Bầu trời có lổ thủng
Người đàn ông đi ngang bờ sông
Chiếc lá rơi tiếc cành cây vừa lìa bỏ
Mùa thu vàng chín ngõ
Người đàn ông đi ngang bờ sông
Thở một làn khói trắng
Vỡ nát đêm đen ánh sáng lập loè
Những con ma trơi cười khanh khách
Tiếng cú kêu dội vào kè đá
Người đàn ông di ngang bờ sông
Không bóng thuyền không sóng vỗ
Thế giới như nấm mồ
Không bia mộ
Người đàn ông đi ngang bờ sông
Dốc đá dựng
Người đàn ông đứng lại
Hoá đá ở ven đường.
23.8.2018
DODUYNGOC

Con người ta hình như đến một tuổi nào đó sẽ ngộ ra rằng cuộc đời thật ra chẳng có gì quan trọng. Cuối cùng rồi như nhau cả. Bạn có thể có một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc hay bạn đã phải lầm than, nghèo túng, khổ đau. Cuối con đường có khác gì nhau đâu. Lúc xuôi tay, quân vương hay kẻ cơ hàn đều là sự giã biệt. Có thể có kẻ sẽ có tiền hô hậu ủng, kèn trống vang trời. Có người bó trong chiếc chiếc chiếu rách đi giữa mưa rơi. Nhưng cả hai đều chẳng còn biết gì, tất cả đều đang làm cho người sống.
Đến một tuổi nào đó, người ra sẽ nghiệm thấy rằng cuộc đời chỉ là con số không to tướng. Sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất hút. Mọi thứ danh vọng chỉ là trò hư ảo. Mọi thứ của cải làm ra cũng chỉ là thứ phù phiếm có rồi mất. Mọi thứ hoan lạc hay khổ ải cũng chỉ là gia vị của cuộc đời. Sinh ra thì phải sống, phải chiến đấu để tồn tại, phải khát vọng để vươn lên. Thế rồi, khi tuổi già đã tới, những bi kịch của tàn phai tác động đến mỗi người, sẽ thấy hoá ra mình đã bỏ cả tuổi thanh xuân để chạy theo toàn những thứ ảo vọng. Tranh dành nhau cái danh, lấn lướt nhau đoạt lợi. Được danh lợi rồi lại tham vọng nhiều hơn, lớn hơn. Cuối cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, để rồi trắng tay lúc trở về cát bụi.
Đến một thời điểm nào đó của cuộc sống, nhìn lại đọn đường ta đã đi, ta phát hiện ta chỉ để lại lắm điều lầm lỗi. Lầm lỗi với cha mẹ, với những người thân yêu. Lầm lỗi với bạn bè, với xã hội. Lầm lỗi với những người ta đã gặp, những người đã đi qua đời ta. Tất cả đều do cái tôi quá lớn của mỗi người. Không biết quên mình mà chỉ sống cho mình. Do vậy, những suy nghĩ và hành động ích kỷ cứ mãi quẩn quanh để đưa đến lỗi lầm.
Sống đến tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng tự thắng được mình mới là điều quan trọng. Tuổi trẻ háo thắng chỉ chăm chăm thắng người, hơn người. Cảm thấy tự mãn và sung sướng trong thắng lợi. Có biết đâu rằng cái thắng lợi mình có là cái thất bại và đớn đau cho người khác. Đâu có biết rằng chính cái thắng lợi ấy là chiếc bẫy tiếp theo của cuộc đời mình. Trong mọi hoàn cảnh, tự thắng chính mình là điều khó nhất. Làm được điều đó là ta đã có thể tự hào.
Đến một tuổi nào đó, người ta mới hiểu được rằng lắng nghe mới là điều cần thiết. Biết lắng nghe là biết thu thập cả thế giới cho riêng mình. Biết lắng nghe thì mới phân biệt được phải trái phân minh. Biết lắng nghe thì mới có sẻ chia. Muốn lắng nghe thì phải học im lặng. Con người ta chỉ mất vài năm để học nói, nhưng mất cả đời để học im lặng. Im lặng để lắng nghe. Không chỉ lắng nghe ngôn ngữ của con người, ta phải tập lắng nghe tiếng của thiên nhiên, tiếng của cỏ cây, giun dế, của gió, của nắng, của mưa bão. Tiếng sóng vỗ, tiếng chim kêu đều mang lại cho ta những cảm xúc của cuộc đời. Thiếu chúng nó, cuộc đời chỉ là khoảng trống vô vị.
Tới một tuổi nào đó, con người nên đến với thế nhân bằng những nụ cười. Hãy cười với nhau bằng tâm hồn mở tất cả các cửa, với tấm lòng thân thiện. Hãy chào nhau dù chỉ gặp một lần vì biết đâu ngày mai không còn cơ hội để gặp, không còn dịp để gởi nhau nụ cười. Sinh tử là ranh giới mỏng manh. Đời vốn vô thường. Già sẽ đưa đến tật bệnh, bệnh làm cho người ta héo úa, đau đớn khó chịu. Nếu lạc quan và trang bị nụ cười với mọi người, nỗi đau sẽ giảm đi, héo úa sẽ bớt đi, nụ cười chính là son phấn trang điểm cho tuổi già.
Đến một tuổi nào đó, con người sẽ hiểu được rằng điều cơ bản của con người là sự cô đơn. Con người sinh ra một mình và mất đi cũng chỉ một mình. Không ai sống thay ta và cũng chẳng ai chết thay ta. Gia đình, chồng vợ, con cái, bạn bè đều là người thân đấy, nhưng mỗi người có một cuộc sống, mỗi người có mỗi số phận và định mệnh riêng. Do vậy, mỗi người phải tự quyết định đời mình, không chờ đợi một ai có thể thay mình. Trong hành trình sống, con người là một thực thể cô độc, không ai hoán đổi được. Tới tuổi già chính là lúc gặm nhấm nỗi cô đơn nhiều nhất.
Tới một lúc nào đó, người ta hiểu được là sống là để làm cho đủ bốn bổn phận đối với cuộc đời. Bổn phận với quá khứ là trả hiếu với mẹ cha. Bổn phận với tương lai là nuôi dạy con cái. Bổn phận với cuộc sống là giúp đỡ kẻ hoạn nạn, yêu thương mọi người và cuối cùng là bổn phận lấp đầy đời mình bằng tiêu pha, sinh hoạt hàng ngày. Con người làm ra tiền dù ít hay nhiều cũng chỉ quẩn quanh từng đó bổn phận. Có kẻ làm không đủ thì là thiếu trách nhiệm. Thế cho nên làm người là làm tròn bổn phận. Tới tuổi già, làm xong bổn phận ta có thể ung dung để hưởng những ngày còn lại trong sự thanh thản.
Đên một lúc nào đó người ta sẽ có những nuối tiếc. Tiếc vì chưa làm được những điều muốn làm, chưa đến được những nơi muốn đến. Quỹ thời gian không còn, chuyến tàu sầm sập đến hoàng hôn. Chợt giật mình thời gian quá ngắn. Bởi thế nên muốn làm gì thì làm ngay, muốn đi đâu thì đừng lần lửa. Có ước muốn thì hãy thực hiện, kể cả việc trả thù một ai đó. Nhưng mà nếu tha thứ được thì nên tha thứ, nếu quên được thì nên quên. Sống tập quên cái cần quên cũng là một thứ thuốc chữa tâm hồn. Nhớ nhiều chỉ vác nặng. Sống mà mang nặng quá chỉ khổ thân.
22.8.2018
DODUYNGOC

Lúc còn bé, nhiều khi nửa đêm dậy đi tiểu hay xuống bếp uống nước, thỉnh thoảng thấy ba mạ tui ăn khuya. Khi thì bồ cáu hầm đậu xanh, lúc thì chén yến huyết, có lúc lại thấy cháo tim cật và rất nhiều lần có món hột vịt lộn. Và thường tui được ké một hột vịt lộn rồi lại lên giường ngủ tiếp. Tuổi còn nhỏ nên cũng chẳng biết tại sao có những món ăn khuya đặc biệt của mgười lớn ấy. Sau này lớn lên mới biết rằng đó là những món ăn tẩm bổ của người lớn sau cuộc chiến đấu hê..hê. Và tui biết thêm đó là những món ăn bổ dưỡng. Thế nhưng trong mấy món đó, tui chỉ khoái hột vịt lộn. Cái khoái đó theo tui tới tận bây giờ.
Bây giờ già rồi lại càng biết thêm hột vịt lộn là một loại sâm nhung nhiều chất bổ. Cũng hợp lý thôi. Ăn một cái hột vịt lộn là ăn cả một con vịt mà. Mà thịt vịt vốn lại là loại thịt bổ dưỡng chữa được lắm bệnh.
Đối với người phương Tây, hột vịt lộn là món ăn kinh dị và người ta rất kinh hãi món này. Khách du lịch phương Tây và những người lần đầu nhìn thấy trứng vịt lộn thường thấy e ngại và không dám ăn trứng vịt lộn. Nguyên nhân có lẽ là do hình con vịt đã rõ ràng đủ hết mọi bộ phận, lông cánh khiến họ thấy kinh sợ đến nỗi món ăn này thường xuyên xuất hiện trong chương trình thử thách lòng can đảm Fear Factor (chương trình TV mà người tham gia còn phải ăn giun xay và các thứ tương tự khác). Ngoài ra hột vịt lộn còn xuất hiện 2 lần trong Survivor: Palau, 1 lần trong Survivor: China.
Thế hột vịt lộn là gì? Giải thích thế này với người Việt thì chắc người ta sẽ cười cho. Nhưng mà đã nói thì nói luôn cho rõ. Trứng vịt lộn hay hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam... và được coi là món ăn bổ dưỡng. Trứng được bán rong, hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như là Trung Quốc, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau một chút. Tại Philippines, trứng vịt lộn (gọi là Balut theo ngôn ngữ địa phương) cũng được thưởng thức rộng rãi ở tại mọi tầng lớp nhân dân, có điều trứng thường chỉ được ấp đến 17 ngày và không dùng rau răm, trong khi trứng vịt lộn tại Việt Nam thường già hơn một chút, từ 19 ngày tuổi và luôn có rau răm đi kèm. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các món trứng vịt lộn chiên, trứng gà lộn và trứng cút lộn.(WIkipedia)
Theo phân tích của các chuyên gia dinh dưỡng thì trong trứng vịt lộn có chứa 13,6g protein , 12,4g lipit, 82mg canxi , 212mg phốtpho, 600mg cholesterol, 182kcal năng lượng…
Ngoài ra, trong mỗi quả trứng còn chứa rất nhiều vitamin A, tiền vitamin A, chất sắt, gluxit, vitamin B1 và C. Quá trời chất cần thiết cho sức khoẻ con người.
Do vậy khi sử dụng trứng vịt lộn trong bữa ăn, chúng ta nên lưu ý giảm bớt các món ăn giàu đạm như thịt, trứng, tôm, cua, nội tạng như tim, gan, cật…, các món xào rán nhiều dầu mỡ để tránh gây quá tải chất đạm, chất béo dẫn đến các triệu chứng đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa… không có lợi cho sức khỏe.
Còn theo Đông y, trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng.
Khi dùng chung với gia vị như rau răm, gừng tươi, trứng vịt lộn trở thành một bài thuốc chữa bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể, còi cọc, đau đầu, chóng mặt, yếu sinh lý…
Để phát huy hết công dụng của trứng vịt lộn, người ta thường ăn kèm với rau răm, gừng tươi và 1 chút muối. Đây cũng chính là những vị thuốc Đông y giàu dược tính.
Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hóa, giải độc thực phẩm. Trong khi đó, rau răm tính ấm có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn, ích trí, mạnh gân cốt, chữa lạnh bụng, say nắng…Đọc đến đây bảo đảm quý ông sẽ có khát khao chạy ra quán làm mấy cái cho nó sung he..he. Đàn ông thằng nào lại không muốn sung. Bởi có sung thì mới sướng. Tiếng Việt mình hay lắm, thường gọi chung là sung sướng, chứ tách ra thì giảm hiệu quả rồi. Giới giang hồ thì thường nói giỡn là hột vọt lộn nên ăn chung với thì là. Ha..ha chị em ta đừng có la lên: Ôi trời! Ai lại ăn thế? Bé cái lầm rồi các bà ơi, mấy gã đó chơi chữ đấy. Ý của mấy gã là muốn nói đến lộn là. Mà dân gian ta đã bảo rằng: "Thấy ... lạ như được tạ đường phèn. Hểu chửa?"
Mà tại sao ăn hột vịt lộn thì phải ăn với rau răm?
Rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Loại rau này nổi tiếng là kẻ thù của “chuyện ấy”. Từ xa xưa nhiều người còn truyền miệng nhau rằng, các nhà tu hành trong các nhà chùa thường sử dụng rau răm để giảm bớt ham muốn đời thường. Nó thường được dùng ăn kèm với trứng vịt lộn. Tác dụng của rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt. Rau răm có vị cay ấm, khu hàn, trừ thấp, ôn ấm tỳ vị, tiêu thực, trừ chướng thống, cầm tả lỵ. Bản thảo cương mục nói: rau răm trừ độc trong tôm cá. Nó còn trừ cước khí sưng chân, chữa rắn, rết, côn trùng cắn, chàm, ghẻ (để đắp, rửa). Các sách về sau còn dùng rau răm để trừ giun sán, chữa thiếu máu do thiếu sắt, điều hòa kinh nguyệt. Người có thai cấm dùng vì có thể sẩy thai. Người dân Campuchia cũng dùng rau răm làm gia vị, ngoài ra còn dùng để lợi tiểu, hạ sốt, chống nôn…
Ăn rau răm nhiều sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu tình dục. Phụ nữ những ngày thấy tháng (kinh nguyệt) không nên ăn rau răm dễ bị rong huyết.
Tuy rau răm không độc nhưng nếu dùng rau răm thường xuyên, dung lượng rau răm nhiều sẽ làm giảm tình dục, giảm ham muốn cả đàn ông lẫn đàn bà, kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi, phụ nữ có thể trở nên vô kinh (mất chu kỳ kinh nguyệt).
Do vậy, sử dụng rau răm để tránh những cơn bốc dương, an tâm tu hành để đắc đạo là chuyện có thật diễn ra từ lâu trong đời sống nhà chùa.
Việc ăn trứng vịt lộn với rau răm không rõ bắt nguồn từ đâu, từ bao giờ nhưng theo truyền miệng trong dân gian. Mỗi khi ăn hột vịt lộn, chắc chắn bạn phải có rau răm làm gia vị cùng với mấy lát gừng và muối tiêu. Vì ăn trứng vịt lộn cường dương nên phải ăn kèm rau răm vì rau răm giảm bớt ham muốn tình dục do trứng vịt lộn gây nên. Thật ra rau thơm này phải chịu tiếng là kẻ thù của “chuyện ấy” nhưng đây chỉ là truyền miệng, chưa được xác minh.
Theo đông y thì điều này là sự cân bằng Âm – Dương của thiên nhiên, tạo ra những món ăn hoàn hảo.
Đồng thời hột vịt lộn thì tính hàn và đại bổ dưỡng nên ăn với rau răm gừng và tiêu làm cho thức ăn ấm lại, chống được hậu quả lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa.
Thế nên các ông ăn hột vịt lộn nhớ kèm rau răm, nhưng chỉ vài lá cho thêm ngon miệng, chớ nên ăn nhiều quá trở thành phản tác dụng, chơi mấy quả vịt lộn liền sao vẫn thấy bèo nhèo hi..hi ..hic
Có lần mấy ông bạn tui cãi nhau về chuyện ăn hột vịt lộn lúc nào là tốt nhất. Ông thì bảo đã bổ thì ăn lúc nào chả bổ, ông thì bảo ăn buổi sáng tốt, ông khác lại cho ăn buổi tối mới tốt. Ngồi uống bia với hột vịt lộn mà, nên cãi nhau om xòm. Tìm hiểu thì cáu trả lời sẽ là: ăn buổi sáng là tốt nhất.
Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng là tốt nhất, đặc biệt là từ 10-12h bởi nguồn năng lượng từ trứng rất thích hợp để tăng cường hoạt động thể chất, cũng như tinh thần của chúng ta trong 1 ngày dài. Tránh ăn vào buổi tối vì đây là món ăn khó tiêu, nếu ăn trứng vào buổi tối xong, khi đi ngủ sẽ bị khó chịu, đôi khi dẫn tới đầy hơi, không tiêu hóa được. Thế là hết cãi. Thế nhưng lại chuyển hướng là ăn bao nhiêu thì đúng, bởi hột vịt lộn thuộc loại khó tiêu, ăn nhiều trướng bụng. Câu trả lời có ngay đây:
-Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn do sự chuyển hóa các chất của hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện, dễ sình bụng, tiêu chảy…Các bà mẹ nên lưu tâm điều này
– Trẻ 5 – 12 tuổi chỉ nên ăn nửa quả trứng vịt lộn mỗi ngày (1/2 quả trứng vịt lộn tương đương 4-5 trứng cút lộn). Mỗi tuần ăn 1 – 2 quả, và cũng chỉ ăn 15 ngày liền/đợt.
– Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn có thể dùng 1-2 quả trứng vịt lộn /ngày.
Hột vịt lộn là món ăn bổ dưỡng, điều đó ai cũng biết. Thế nhưng không phải ai ăn cũng tốt. Có một số người không nên ăn hột vịt lộn. Đó là: Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch, gút… cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều trứng vịt lộn vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Đối với các bà bầu, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai phát triển. Tuy nhiên, nếu sử dụng trứng vịt lộn cũng chỉ nên 2 quả/tuần và ăn vào bữa sáng để tránh đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, trứng lộn khi ăn thường được bày kèm rau răm, bà bầu nên tránh loại rau này để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Bác sĩ cho biết thêm: “Trẻ nhỏ cũng là nhóm đối tượng nên hạn chế món ăn này để tránh bị khó tiêu, đầy bụng dẫn đến dễ bỏ bữa chính. Nên cho bé sử dụng trứng tươi thay vì trứng lộn để có thể tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn.
Trứng vịt khi phôi thành hình: rửa sạch trứng, luộc lên, để sôi kỹ 8 phút, tắt bếp và để nguyên đó 20 phút, rồi mới lấy ra, đập vỏ, ăn phần bên trong ngay lúc còn nóng.
Tuy nhiên, đất Việt rộng chẳng bao nhiêu nhưng cách ăn uống nhiều khi lại khác nhau lạ lùng. Ví dụ như ăn hột vịt lộn. Ba miền Bắc, Trung, Nam cách ăn và gia vị khác nhau. Thể hiện văn hoá vùng miền khác nhau.
Người Hà Nội thường ăn hột vịt lộn vào buổi sáng, trong khi người Miền Nam nói chung ăn hột vịt lộn vào buổi tối sau khi ăn cơm. Người Hà Nội bóc, bỏ hết vỏ quả trứng cho ra đĩa hoắc bát nhỏ, rồi dùng thìa nhỏ sắn miếng ở đầu nào, chỗ nào cũng được để ăn và có thể sắn miếng to, miếng nhỏ tùy ý, ăn nhanh, ăn chậm tùy ý, nhưng có lẽ nếu ăn chậm quá thì trứng sẽ nguội, vịt lộn sẽ tanh, nên cách ăn này phù hợp với cách ăn nhanh, uống nhanh của người Miền Bắc. Còn người ở trong Nam thì để quả trứng lên một ly nhỏ, dựng đứng quả trứng lên và bóc một tý đầu vỏ phía kia rồi dùng một thìa nhỏ ăn múc trứng dần, cách đó làm người ăn trứng không ăn nhanh được, phải sắn từng thìa nhỏ ăn dần từ trên xuống dưới. Nó thể hiện phù hợp với phong cách ăn chơi buổi tối, ăn kiểu nhậu, lai rai, hột vịt vẫn ở trong vỏ vẫn được giữ nóng. Ở Đà Nẵng, phần gia vị ăn kèm cũng có khác hơn so với những nơi khác. Người ta thường làm nước mắm và đu đủ chua ngọt, thêm vào những chất cay và nóng như rau răm, ớt hiểm, gừng để giảm vị tanh của trứng. Ở Phan Thiết, ngoài các gia vị thông thường,người ta còn ăn kèm trứng vịt lộn với đồ chua ngọt làm từ cà rốt và củ cải. Cách thức ăn thì giống như của Hà Nội và miền Nam.
Hột vịt lộn là một loại thực phẩm kích, tăng cường Dương lực rất mạnh, nếu nói về khoa học: ăn chất bổ vào buổi tối sẽ dễ béo phì, nhưng mặt khác nếu ăn trứng vịt lộn giúp tăng Cường dương thì ăn trứng vịt lộn vào buổi tối là rất phù hợp cho viêc gần gũi nam, nữ. Đời tréo ngoe vậy đấy. Ăn sáng thì tốt nhưng ai lại gần được vợ buổi sáng, nên chơi hột vịt lộn buổi tối chịu một chút béo phì mà thuận lợi chuyện kia hơn he..he.
Thế nhưng, mới đây các chuyên gia dinh dưỡng lại tuyên bố gây sốc. Họ cho rằng: Trứng là một hệ thống gần như khép kín nên một quả trứng tươi và một quả trứng vịt lộn sẽ tương đồng về tỷ lệ các nguyên tố, sự khác biệt ở đây là biến đổi cấu trúc của các đại phân tử. Nhiều người thường có quan niệm cho rằng trứng vị lộn có giá trị dinh dưỡng cao hơn trứng gà hoặc trứng vịt thường. Tuy nhiên,xét trên một quả trứng thì giữa chúng chênh lệch nhau không đáng kể, xét tổng thể thì chúng có cùng giá trị dinh dưỡng. Nói thế thì trớt quớt, thôi thì ăn cho ngon cũng đã là sướng rồi.
Ở Châu Á, ngoài Việt Nam ra, Philippines là đất nước khoái ăn hột vịt lộn nhất. Nó có tên gọi là Balut, món ăn vặt này rất phổ biến ở Philippines nhưng không ăn kèm với rau răm và gừng như trứng vịt lộn ở Việt Nam. Một điểm khác biệt là balut của Philippines trứng non hơn ở Việt Nam một chút. Thông thường trứng vịt ở Philippines được ấp tối đa khoảng 17 ngày, còn trứng vịt ở Việt Nam được ấp từ 17 đến 19 ngày.
Đây cũng là lý do tại sao người Philippines gọi trứng vịt lộn là Balut, lấy từ cụm “Balut sa puti”, nghĩa là “được bọc trong màu trắng”. Trứng khi đó còn non, vịt chưa phát triển mỏ, lông và móng, còn xương thì đang manh nha.
Người Philippines thường ăn trứng vịt lộn kèm với muối trắng, hoặc dấm pha tỏi, ớt và hành tây. Họ ăn bằng cách khéo léo đập dập và bóc phần đầu của trứng bằng một chiếc thìa nhỏ, sau đó húp nước còn ấm nóng rồi lách thìa vào bên trong để xúc trứng ra.
Ngoài cách luộc đơn thuần, người Philippines còn biến tấu món trứng vịt lộn bằng cách kho, rán cùng trứng, hoặc làm nhân bánh.
Một trong những nơi nổi tiếng nhất vì món Balut là Pateros, một thành phố nhỏ ở Metro Manila. Nhiều người nói rằng món trứng vịt lộn ở đây ngon nhất thế giới. Người dân ở thành phố bắt đầu chế biến món trứng vịt lộn từ nhiều năm nay, với kỹ thuật nấu được truyền từ đời này qua đời khác.
Món ăn này còn được người Philippines mang đi phổ biến ở New York. Cuộc thi ăn trứng vịt lộn nhanh thường niên lần thứ 3 vừa được tổ chức tại New York hồi tháng 9 tại hội chợ đường phố Hester. Người thắng cuộc là người ăn số trứng nhiều nhất trong vòng 5 phút. Giành vị trí á quân, người đàn ông 61 tuổi đến từ Manila có tên là Thomas Canaria cho biết, ông cảm thấy rất nóng ruột sau khi ăn hết 35 quả trứng vịt lộn. Trong khi đó, quán quân Wayne Algenio lần thứ 3 giành chức vô địch với kỷ lục mới là 40 quả trứng.
Trứng vịt lộn là món ăn phổ biến không chỉ ở Việt Nam, Philippines, mà còn cả ở Campuchia và Lào.
Tui dân nhà quê đã sống gần nửa thế kỷ ở Nam Bộ nên chỉ thích ăn hột vịt lộn vào buổi chiều tối. Ghé một quán vỉa hè, ngồi trên cái ghế nhựa xiêu xiêu, gọi một cái hột vịt lộn ấp mề, tức là trứng chưa già ngày. Lấy cái muỗng gõ vào đầu lớn trứng, bẻ mấy miếng vỏ, đưa lên miệng húp chút nước từ trong trứng, ngon làm sao, khoái làm sao, cứ ngỡ như nước sâm. Thế rồi dùng cái muỗng nhỏ xíu ấy múc một miếng, chấm chút muối tiêu đã vắt thêm chút tắc, đưa vào miệng. Ôi chao ôi! beo béo, thơm thơm, bùi bùi có cảm giác như ăn trứng mà không phải là trứng, ăn con vịt mà không phải là vịt. Hai cái tám lý ấy đẩy miếng ngon vào mồm, ngắt một cánh lá rau răm, nhai cho kỹ để tận hưởng cho hết cái ngon của miếng hột vịt lộn, của con vịt vừa mới tượng hình. Tui thích trứng non nên nhiều khi miếng thịt chỉ là bé tý, nhưng cái béo cái ngon cũng đủ đầy. Cuối cùng của cái trứng luôn là một cục trắng có dáng như viên sỏi đẹp trắng có gân đen. Nếu trứng già thì cái này nên bỏ đi vì cứng và xảm lắm. Nhưng với trứng non thì nhai nó mềm mềm, bùi bùi cũng đã. Trước đây, chiều chiều khi công chức bãi sở, nhiều người ngồi vào quán nhắm la de với hột vịt lộn. Đó là một lối tiêu khiển của giới công chức trung lưu thời ấy. Cũng là một buổi chiều thú vị sau một ngày làm việc.
Trước đây chỉ có món hột vịt lộn luộc. Bây giờ thêm biết bao nhiêu món biến tấu từ hột vịt lộn như : Hột vịt lộn um bầu, Trứng Vịt Lộn Chiên Giòn, Hột vịt lộn xào me, Vịt lộn bọc mộc chiên giòn, Trứng Vịt Lộn Hầm Rau Ngải Cứu, Trứng Vịt Lộn Xào Me Tươi....
Ngày xưa xưa lắc lơ, có nhiều người bán hột vịt lộn đêm, tiếng rao buồn của họ vang lên trong khuya vắng. Chỉ cần thúng trấu đựng trứng, mớ rau răm, lọ muối tiêu, tay cầm cây đèn dầu hột vịt, họ đi từ đầu ngõ đến cuối xóm, đem đến cho khách thèm ăn nửa đêm cái khoan khoái lạ lùng. Tiếng rao hột vịt lộn đêm không còn nữa, đành ra quán vỉa hè nhìn ngắm người đi và xơi vài cái rồi về tìm giấc ngủ. Đã tới tuổi chẳng còn cần hột vịt lộn làm tăng dương lực, lại thêm mỡ máu, gout, nhưng ăn nó vì vị ngon và cũng nhớ những hột vịt lộn được ăn ké nửa đêm với ba mạ, những người giờ đang ở trên trời.
21.8.2018
DODUYNGOC
( Cóp nhặt muôn phương)

Nhức chân không ngủ được
Trăn trở với chiếu giường
Nhìn kim ba giờ sáng
Khập khiễng với tai ương
Lê lết soi vào gương
Tóc râu đầy một mớ
Cơn đau gặm vào xương
Ôm gối lên tiếng thở
Lại đốt thêm cối thuốc
Khói trùm xanh mắt môi
Cơn đau chưa đứng lại
Ngực đánh nhịp bồi hồi
Vái cơn đau dừng thôi
Gối chăn chờ giấc ngủ
Muốn cưa mẹ cái chân
Để đời thôi ủ rũ
DODUYNGOC
20.8.2018

Đêm trước con cá chết ngoài khơi.
Sóng miên man đưa cá lên trời
Có hàng lau trắng nghiêng tiễn biệt
Chàng ngư phủ đẩy thuyền ra phơi
Đi về phía biển ta nằm chơi
Trái đất triệu năm rách tả tơi
Nước non hoảng hốt ngàn tiếng thét
Địa ngục lên đường loạn đến nơi
17.8.2018
DODUYNGOC


Đi về kiếm những bình yên
Tìm con diều nhỏ trên triền đê bay
Con bò phơi nắng ngủ say
Năm ba đứa bé níu tay giữa trời
Sóng dịu dàng vỗ trùng khơi
Con chim cánh đỏ hót mời ngày xanh
Lá hân hoan nhảy trên cành
Nước xuôi dưới bến mộng lành dưới hoa
Khua tay mưa dội nhạt nhoà
Tìm ngày thơ bé đứng hoà với mưa
Trái cây cất tiếng dạ thưa
Láng giềng nhẹ bước cho vừa lòng nhau
Đi về lòng chợt thấy đau
Cái năm xưa đã phai màu thời gian
Giờ về chỉ thấy gian nan
Con chim khắc khoải phàn nàn cô liêu
Quê nhà nóc dột mái xiêu
Sông không còn chảy tiêu điều suối xa
Trần gian lắm kẻ không nhà
Phố đông san sát toàn là quỷ ma
Đi về ôm mặt khóc oà
Gươm đao giáo mác làm quà tặng nhau
Vỉa hè máu đổ thắm màu
Thế gian gánh chịu cơn đau đoạn trường
Kiếp người quằn quại tai ương
Đồng tiền phất phới luân thường bỏ đi
Thiện lương chốn ấy còn chi
Đi về ta biết làm gì nữa đây?
Về đeo mặt nạ giả ngây
Sống cho hết đoạn đường mây kéo về
Đi về để tỉnh giấc mê
Tiếc thời đã cũ rồi tê tái nhiều
Thôi đời còn chẳng bao nhiêu
Thương đời chi lắm cho tiều tuỵ thêm
Cứ nghĩ ngày rồi nghĩ đêm
Bình minh chưa đến đã mềm thịt da
Đi về làm kẻ không nhà
Chiều cô đơn đứng bến phà tịch liêu
Nắng buồn xô bóng xiêu xiêu
Cỏ cây mây xám cũng nhiều nỗi đau
Bạn bè gặp mặt nhìn nhau
Vết thời gian đã làm nhàu xác thân
Cầm tay tiếc tuồi thanh tân
Nhớ đôi mắt ướt thuở tần ngần yêu
Giờ giọng nói lắm lời điêu
Bao nhiêu phong thái mỹ miều vất đi
Một thời sử sách quên ghi
Đoạn đường lắm ngả biết đi lối nào?
Hết đường nằm ngửa ngắm sao
Thiên thu chộn rộn xôn xao chân trời
Đi về trời đất hỡi ơi
Hắt hiu gãy bóng thân hời hợt theo
Đi về thiên hạ vắng teo
Ta làm tảng đá giữa đèo ngóng mây
Trăm năm phủ tấm thân gầy
Mưa rơi rớt hột nẩy cây hoá rừng
19.8.2018
DODUYNGOC


Tui là tín đồ của Phở. Mà phải là Phở Bắc kia. Phở Hoà, Phở Lệ, Phở Phú Vương tui chê. Tui chỉ ăn Phở Dậu. Tui chơi Phở Dậu đã gần năm chục năm nay, từ hồi tui xấp xỉ hai mươi cho đến giờ đã gần bảy chục, cũng là loại tín đồ ngoan đạo đấy chứ. Hồi xưa nó chưa gọi là Dậu. Hồi đó chỉ là một quán phở lợp tôn, trên có chừa một khoảng trống lớn, nắng dọi vào làm thành một vệt ánh sáng mà mấy cha nhiếp ảnh rất mê. Luồng sáng dọi xuống trên người hai bà cụ với làn khói xanh từ bếp củi bay lên rất là nhiếp ảnh. Người bán là hai bà cụ già, nên tui gọi là Phở bà cụ. Ngày trước dân văn nghệ thường ăn sáng ở đây. Tui thường gặp hoạ sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn....
Thời đó Ông Nguyễn Cao Kỳ đang làm quan to, cũng thường ghé ăn, cũng chẳng tiền hô hậu ủng gì, chỉ đi ăn với vợ là bà Tuyết Mai, có lúc đi với bạn, có khi đi một mình, nên giang hồ gọi là Phở Ông Kỳ. Ở ngoài sân có cây trứng cá, nên lại có người kêu là Phở cây trứng cá. Sau 75, khu này gọi là khu phố bốn nên gọi là Phở Khu phố bốn. Chủ nhân cho dựng bảng đặt tên là Phở Dậu. Và quán phở này có thể gọi là quán phở đắt khách nhất của Sài Gòn bây giờ. Khách cứ đông nườm nượp, nhất là ngày thứ bảy và chủ nhật.
Phở Dậu không có rau, chỉ có bát hành tây xắt mỏng. Cũng không có tương đen, chỉ có tương Bắc cay màu đỏ. Phở Dậu ngon nhờ nước. Nước phở ở đây trong và thanh, là nước hầm xương, những khúc xương dài lóc hết thịt được đun từ hôm trước thoang thoáng mùi quế với hồi, nhạt thôi, tinh ý lắm mới ngửi thấy. Có thể cho điểm cao nhờ nước phở. Bánh cũng được, không nát, không dày quá. Thịt thì không ngon như ngày xưa, có lẽ bò bây giờ chất lượng không bằng. Lát nạm xảm không thấy chất thịt, vè vụn và dai. Ăn phở bò thì phải có gầu, nhưng gầu bây giờ trắng nhách, không có màu vàng như hồi xưa, miếng gầu ngày cũ nhai sần sật mà không dai, béo mà không ngậy, nhai miếng gẩu thấy sướng mồm. Giờ nhai gầu như nhai miếng thịt bị dai, miếng gầu như kẹo cao su, chẳng thấy ngọt mà cứ nhờn nhợt trong miệng, đành phải nhả.
Nghe kể hồi mới di cư ở ngoài Bắc vào, gia đình này ở bên bến tắm ngựa ở Huỳnh Tịnh Của bây giờ, chưa biết làm ăn gì thì được một người quen dạy cho cách nấu phở. Sau đó dọn về xóm chuồng ngựa dưới dốc đường Công Lý gần Yên Đổ, sau mới về đây. Ông chủ bây giờ là đời thứ hai. Nhân viên lo việc hầm xương, cứ bốn giờ sáng ông vào nêm nếm theo bí quyết của mẹ truyền lại. Ông bà chủ này buôn bán thế này mấy chục năm nay, khách khứa như thế, hẳn là giàu. Nhưng ông bà rất giản dị và gần gũi. Ông ra vào kiêm luôn việc điều hành xe cộ của khách. Ông này có trí nhớ rất đặc biệt. Khách đi xe máy chỉ ghé ăn vài lần là ông nhớ số xe. Chẳng sai bao giờ. Do tánh tình bình dán và gắn bó, vui vẻ với khách nên khách nào cũng quý ông. Khách ở xa về ông nhớ mặt, chuyện trò thân mật, khách quen lâu không ghé, ông hỏi thăm. Khách thích ghé quán vì phở ngon nhưng cũng ưa ghé vì cái tình giao hảo ấy.
Mấy chục năm ăn phở mỗi sáng ở đây, tui thành như người nhà. Hồi còn trẻ, khoẻ, ngày nào cũng ăn. Giờ có tuổi, lại bị Gout nên mỗi tuần chỉ ghé một hai lần. Có nhiều khi tui bỏ thuốc lá, nhưng cứ theo thói quen tui chưa ăn xong thì đã có người mang bao thuốc ba số để lên bàn, thế là rút một điếu. Ăn tô phở xong mà chưa có điếu thuốc cũng chưa gọi là hoàn tất bữa ăn. Thế là hút. Hê..hê thành ra mang tiếng bỏ thuốc lá cũng vài chục lần mà không bỏ được. Ăn lâu năm nên cũng quen mặt nhiều khách cũng ăn thường xuyên giống tui. Gặp nhau cười chào mà chẳng biết tên gì. Mà cũng lạ lắm nghe. Khách ăn thường xuyên cũng thường chọn một chỗ thường xuyên, đôi khi chỉ xê xích vài chiếc ghế. Khách ngồi ngoài sân thì luôn luôn ngồi ngoài sân. Khách ngồi gian giữa cũng luôn ngồi gian giữa. Khách ngồi nhà bên thì cũng luôn chọn nhà bên để ngồi. Như một thói quen. Lại biết cách ăn của từng người. Có người mang theo chai giấm tỏi, có người không ăn hành, có người nhiểu bánh, có người ít, có người thêm béo có người nước trong. Lâu ngày tui nhớ hết, gần năm mươi năm còn gì, nửa thế kỷ chứ ít sao.
Ăn lâu một quán đôi khi cũng chán, nên khi nghe ai nói có quán phở nào ngon là đi tìm ăn thử, nhưng rồi cũng châu về hợp phố, làm như đã quen cái mùi cái vị đó rồi, thấy chỗ nào cũng chẳng vừa lòng. Tui có anh bạn chơi Piano nổi tiếng, cũng thuộc loại ghiền phở ở đây, cũng là khách thường xuyên. Đi trình diễn ở nước ngoài, vừa xuống máy bay, hành lý cồng kềnh nhưng bao giờ cũng ráng kêu taxi đến đây chơi một tô trước khi về nhà vì nhớ quá he..he.
Mấy hôm rồi có người giới thiệu một quán phở ở Cao Thắng, anh ta khen ngon nên tui có ý định đến ăn xem thử. Sáng nay rú xe đến đấy. Thứ bảy mà quán vắng hoe. Chỉ có một bàn có khách là một đôi nam nữ còn trẻ. Tui ngồi kế bàn đấy. Phải công nhận quán sạch sẽ, bàn ghế, đũa muỗng ngăn nắp. Bước vào quán có mùi phở, đã xứng cho một sao. Tui quan niệm quán phở phải có mùi phở. Cái mùi ngậy chút của hồi, của quế, của gừng nướng quệnh với mùi bò. Đương nhiên là thoang thoảng thôi chứ không nồng nặc như quầy thịt bò ngoài chợ. Nhưng phải có mùi phở, cái mùi nhè nhẹ thoang thoảng ấy đánh thức cái khứu giác của người ăn, gợi cho họ cái cảm giác thèm được thưởng thức. Rau, ớt, chanh được để trong dĩa trắng tinh có lớp nhựa mỏng bọc ngoài. Lại nghe bảo tương ớt tự nhà làm. Tui cho thêm một sao nữa. Ở đây có món đặc biệt là phở đuôi bò. Cũng hay, thay đổi thử xem thế nào? Tui gọi một tô phở đuôi bò. Phở chỉ nên ăn thịt chín, bắp, nạm, gầu, vè. Phở mà ăn thịt tái là sai cách rồi, nhưng nhiều người thích thế.
Đôi nam nữ bàn kế bên vừa nhận hai tô phở đã bắt đầu hành trình trang bị. Cả hai xịt tương đỏ, rồi chơi luôn tương đen. Sau đó là động tác vặt rau, rồi trút cả dĩa giá trụng. Nhìn quanh, anh chị chơi luôn mấy muỗng tỏi ngâm dấm. Xong nhìn quanh xem còn thiếu gì không. À! Nước mắm thêm vài ba giọt rồi vắt vào miếng chanh. Tô phở bây giờ tú hụ, như nồi lẫu thập cẩm nhìn là hết muốn ăn. Cái thanh cảnh của người thưởng thức phở như tui bỗng ngao ngán cho cách ăn của họ. Ăn thế thì còn chi là phở. Tui quan niệm người biết ăn phở là khi tô phở bưng ra, nghi ngút khói, người ăn hít cái mùi thơm của phở, sau đó dùng muỗng múc một muỗng nước phở, húp để đánh gia nước phở ngọt ngon, mặn nhạt thế nào, lúc ấy mới nêm nếm theo ý mình. Cách ăn này cũng dùng cho hủ tíu, mì, bún nước ....chứ ăn mà bỏ đủ thứ vào một tô như nồi cám lợn thế kia thì mất mẹ cái thú thưởng thức thi vị món ăn rồi.
Tô phở đuôi bò của tui được bưng ra, cũng vừa thôi, không lớn lắm, được đựng trong bát sành có vẽ men xanh, nhìn cũng bắt mắt. Có bốn khoanh đuôi bò mỏng. Nước phở cũng tạm, không thể gọi là ngon, nhưng có vẻ nêm ít bột ngọt. Đuôi bò mềm nhưng không nhũn, thịt cũng tạm, có thể cho thêm một sao nữa. Bánh phở dày quá, thiếu cái nuột nà khi cho trôi vào cổ họng.
Nhìn chung là mới ngưỡng trung bình, tô phở chưa có gì xuất sắc. Quẩy làm theo kiểu Bắc kỳ, nho nhỏ và cứng, phải ngâm trong nước lèo một lát mới mềm để ăn. Xin thêm ớt và gọi ly trà đá. Phục vụ nhanh, lễ phép, tui cho thêm nửa sao. Tổng cộng được ba sao rưỡi. Tức là trên trung bình một chút. Điểm đặc biệt ở quán này là trên tường dán một bảng công khai các gia vị sử dụng từ địa chỉ rau sạch, hãng nước mắm sử dụng cho đến chai nước suối và những gia vị với tên nhãn hàng. Người khách vào đây có thể biết rõ mình đang được phục vụ bởi các nhãn hàng nào, đó cũng là điều hay khi các hàng quán bây giờ có nhiều quán toàn sử dụng các loại gia vị và rau, nước chấm rẻ tiền hoặc không tên. Tui cho thêm nửa điểm về sự minh bạch này của chủ quán. Thế nhưng, khi tính tiền, tui lại trừ đi nửa điểm vì tính giá khá cao, không xứng với chất lượng của tô phở. Giá một tồ phở đuôi bò với bốn khoanh mỏng leo lét mà tính 85.000 đồng là chưa hợp lý. Giờ thì tui hiểu nguyên nhân quán vắng. Quán không có khách vì giá cao. Điểm cuối cùng còn lại là ba điểm rưỡi. Chưa ưng ý.
Thế là sẽ vẫn quay về với Phở Dậu. Đi loanh quanh lại về chốn cũ hê..hê
18.8.2018
DODUYNGOC
[pgallery] [img src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEglQzcqDpIVVu8ryzCRYNOXJ_g4aQEC4oZuRX-7IRAVUvJrzRUtoiRz54F41ZhI1IcZHqcYW_acgnWiQtFiFFP1uTfmJO0jiTUjeJY3f24kQ3AIuV7_Kgypf6XOEKOJVoVuKzleiKhm0u4/s1600/2.jpg"][/img] [img src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiPyTFIHtC-yuSsF5iZX8BKznjMqEPmMBu6j9QvOgP_W3D4m5JCOi0VqDB2xzHO-JVWE8DkxO2fqAEUuHJBbF3LCKFHwLXBzqmHB61MLnorgbAbVJChoxcCHqUqDUROlftczyzds1niEGM/s1600/3.jpg"][/img] [img src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhZlyX2xD8w7K6d5XoSRoU9-p6CDf-kmfDl29gEULqOGUAwKNYQ5dZpom3iu8jxLVGJdvgrHUUwP0F4QtsqFksgW_fiZBa-Z5YF7ZQMeJbnJeHxL1Xze3TE2ccYxTPcZznBr5yWXAzPpE8/s1600/4.jpg"][/img] [img src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhwQHX5c00v7PA3GrISUgVNrqex1H9bZ-IOREEOL_zEXuDJN9oLuNZiq88Sv0zpwF7jhXiP4g26baZQQm4GzXWi8C6S8U8mnpPuUEWVn0_tnM23FY4MtVq3w45p7misEg2N9MMK0iJSPGE/s1600/5.jpg"][/img] [/pgallery]


TRỞ LẠI TRƯỜNG XƯA
tặng bạn bè tôi

Tôi run rẩy bước lên cầu thang vắng
Hành lang xưa hun hút bóng thân gầy
Em đâu mất áo dài bay giữa nắng
Gió bỗng buồn lặng ngắt dưới hàng cây

Tôi trở lại đoạn đường xưa tới lớp
Tuổi sáu mươi năm tháng hững hờ trôi
Khung trời đó vẫn xanh ngoài cửa chớp
Tôi giật mình bóng đổ một mình tôi

Bàn học cũ phai rồi hình xưa khắc
Bài thơ tình thuở ấy ngập ngừng yêu
Vệt nắng quái vô tình như muốn nhắc
Ánh mắt nhìn và tiếng trái tim kêu

Tôi thơ thẩn giữa sân trường lặng lẽ
Ngó trúc vàng vơ vẩn nhớ hôm xưa
Khi quay lại bỗng thấy mình cô lẻ
Quá khứ đầy, sao gọi mãi không thưa!!!

Em chắc hẳn tóc mây giờ điểm bạc
Bước chân run môi thiếu bớt nụ cười
Tôi tiều tuỵ bởi đời nhiều lầm lạc
Vẫn nghĩ rằng em mãi tuổi đôi mươi

Bạn bè cũ bây chừ tan tác cả
Đứa xanh rêu thằng viễn xứ chim trời
Tôi đứng lại giữa con đường lắm ngả
Có ngả nào về lại tuổi rong chơi
Sài Gòn, 24.11.2011


Chiều nay trời bỗng liu riu, gió lành lạnh, bỗng dưng thèm tô cháo vịt nóng hổi, múc một muỗng cháo, húp một hơi cháo, người ấm lên. Gắp một miếng vịt luộc, chấm chén nước mắm gừng với ớt cay cay. Cái chất béo của miếng da vịt, cái bùi ngọt của miếng thịt vịt trộn lẫn với nước mắm gừng. Ôi chao! Buổi chiều thú vị hỉ! Nhưng rồi lười đi. Ăn một mình cũng chẳng vui. Rủ bạn thì không biết ai rảnh mà gọi. Đành nằm nhà nghiên cứu về thịt vịt, hoá ra có lắm cái hay.
Theo Y học cổ truyền, thịt vịt được xếp vào loại món ăn - vị thuốc bổ, chữa được nhiều bệnh. Người ta thường thì dùng thịt vịt mái già để làm thuốc. He..he thế mà đi ăn thì lại hay chê mái già. Chọn phụ nữ người ta cũng không chọn mái già. Già cũng có cái quý của già chớ!
Mấy ông bà làm nghề dinh dưỡng rỗi hơi mới phân tích thành phần thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… cần thiết cho sức khỏe và quá trình tăng cân. Chính vì thế, ăn thịt vịt rất có lợi cho sức khỏe. Rứa mà lâu ni giang hồ cứ nói: Độc hơn thịt vịt. Oan cho thịt vịt quá chừng. Lại bảo ăn vịt xui nữa chứ ha..ha.
Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị).( Cái này phải lưu ý là hỗ trợ thôi)
Ăn thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa. Lại còn để khắc phục tình trạng tăng huyết áp, ù tai, váng đầu, chóng mặt, mỗi buổi sáng, nên ăn 1 quả trứng vịt muối. Nếu trộn trứng vịt với bột sò biển để tráng lên ăn thì tác dụng chữa bệnh càng cao. Mấy ông bạn đồng môn, đồng tuế của tui nhớ cái vụ này nhen. Tuổi tụi mình cha nào cũng có vấn đề huyết áp, thành mạch máu bị hoen rỉ như ống nước lâu ngày rồi, nhớ hột vịt muối nghe mấy cha.
Vịt là loại gia súc được loài người thuần hoá lâu lắc lâu lơ. Ngoài vịt nhà nuôi còn có loại vịt trời, loại này hiếm nên ít phổ biến, thôi thì để dành cho mấy anh có súng đi săn. Vịt nuôi là món ăn phổ biến của người châu Á và cũng nhiều dân tộc trên thế giới. Ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường ăn thịt vịt vì nó có tính mát mà ngày mồng năm tháng năm lại là ngày nóng nhất trong năm.
Mấy ông bà dinh dưỡng không những phân tích thành phần trong thịt vịt mà còn đo đạc một cách khoa học giá trị dinh dưỡng có trong thịt vịt. Nếu ta bỏ vào mồm 100gr thịt vịt, tức là ta đã trang bị thêm cho ta 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… rất cao.
Không những thế, thịt vịt còn là vị thuốc có tác dụng tư âm, dưỡng vị. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi: Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt. Do thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn. thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, giải độc.
Không biết ngày xưa người ta nghiên cứu thế nào nhưng theo các tài liệu y thư cổ, thịt vịt được coi là loại thuốc bổ thượng hạng, có tác dụng điều hoà ngũ tạng, lợi thuỷ, trừ nhiệt, bổ hư. Sách Nhật dụng bản thảo còn cho rằng thịt vịt giúp nuôi dưỡng dạ dày, sinh tân dịch, trấn định tâm thần. Vịt có nhiều loại được chọn dùng tuỳ theo mục đích: vịt trống đầu xanh mạnh về lợi tiểu tiện, vịt trắng xương đen trị hư lao nhiệt độc. Để làm thuốc nói chung thì nên dùng thịt vịt mái già và thịt vị thiên về bổ dương nên nam giới ăn sẽ bổ hơn phụ nữ. Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị). Nghe dữ thiệt chớ! Có lẽ là góp phần trong việc điều trị thôi, chứ không phải là chữa trị, chứ không thì người ta tưởng tui đang có bầy vịt ế nên viết quảng cáo he..he hổng có đâu à nghe!
Cái này nữa nè, thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn.
Quá dữ luôn, quá trời công dụng của thịt vịt, vừa ngon vừa chữa được khối bệnh. Đọc đến đây có ai mời tui đi ăn thịt vịt không? Điện thoại cho tui nhe. Gởi tin nhắn cũng đặng kkkkkk.
Có hai điều nên nhớ khi chế biến vịt. Đó là: Thịt vịt thường dai hơn thịt gà, heo, vì thế muốn thịt vịt mềm, hãy thái xéo thớ thịt, thịt sẽ vừa mềm, vừa đẹp mắt. Thịt vịt có mùi hôi khó chịu, nên phải khử mùi trước khi chế biến. Gừng và rượu là hai loại gia vị hữu hiệu để khử mùi vịt. Bóp vịt thật kỹ với gừng giã nhuyễn hoặc xát với rượu rồi rửa sạch là vịt hết mùi hôi. Nếu không có gừng hoặc rượu, có thể thay thế bằng muối và giấm.
Vịt có nhiều cách chế biến để thành món ăn hấp dẫn và ngon miệng. Đầu tiên là các món quay mà nổi tiếng nhất là món Vịt quay Bắc Kinh. Nhưng mà tui nói thiệt, tui hổng có khoái món này. Ăn ở nhà hàng Bắc Kinh thì đợi lâu mà giá đắt trên trời, mà tui không thấy ngon, ngoài ra còn dùng cho món cháo vịt, vịt tiềm hay vịt hầm, vịt nấu chao... Cháo vịt đậu xanh, vịt nấu rau lang, vịt om sấu, thịt vịt nước mía... có ích cho người suy nhược, chán ăn, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, phụ nữ kinh nguyệt ít, sản phụ thiếu sữa.
Khoảng năm 2000, tui có công việc làm ăn kết hợp đi học lóm thêm quốc họa Trung Hoa ở Quảng Châu, Tế Nam, Hồ Nam, Bắc Kinh, Thượng Hải...được một số người quen biết giới thiệu bốn món vịt nổi tiếng của ẩm thực Tàu, đó là vịt quay Bắc Kinh, vịt Quế Hoa, vịt Tứ Xuyên và vịt quay tiêu Macau là những món vịt ngon có tiếng với những hương vị riêng rất đặc trưng.
Vịt quay Bắc Kinh (Bắc Kinh khảo áp) là một món ăn đặc sản nổi tiếng từ Đông Bắc Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Kinh. Đặc trưng của món vịt quay là da vịt mỏng, giòn, màu vàng sậm. 
Vịt Bắc Kinh to, béo sau khi được quay trong lò lửa lớn được nhà hàng lạng lấy thịt và da phục vụ cho khách, riêng phần xương còn lại được hầm để nấu món súp. Lai lịch món này có lẽ từ thời nhà Nguyên (1206-1368). Đến đầu thế kỷ XV, món vịt quay đã nổi tiếng được các vua chúa nhà Minh ưa thích. Vịt quay Bắc Kinh, cùng với môn Kinh Kịch được người Bắc Kinh tự hào làm thương hiệu riêng khi đề cập đến văn hóa thủ đô Bắc Kinh với người nước ngoài.
Thành phẩm là vịt quay có màu nâu đỏ đều, da giòn rụm, thịt mềm và ngọt. Da vịt được dùng như món khai vị, chúng sẽ được cắt miếng, cuốn chung với hành lá, dưa leo, bao bọc bên ngoài bằng lớp bánh tráng mềm. Thịt vịt ngọt, được chiên với cơm, xào với mì hay lăn bột chiên muối. Bộ xương con vịt còn lại thường được nấu thành canh, cũng ngọt và thơm không kém.
Có những đầu bếp cầu kỳ đã cho ra một bữa ngon gồm 5 món như: Da vịt cuốn, vịt quay cuốn xà lách, vịt quay xào mì giòn, cơm chiên vịt quay, súp… tất cả đều từ một con vịt quay mà không hề làm thực khách ngán ngẩm. Vì với 5 món đó, cũng hương vị và mùi thơm ấy lại có những cách thưởng thức khác nhau. Tuy cầu kỳ thế nhưng tui không thích lắm và chưa thấy ngon, có lẽ không hợp khẩu vị
Món thứ hai là Vịt "long não" Tứ Xuyên (Zhangcha duck hay tea-smoked duck)
Từ khẩu vị đến cách ăn của món vịt này đều khác xa với món vịt quay Bắc Kinh. Nếu vịt Bắc Kinh sử dụng loại vịt béo, có lớp mỡ dày do nuôi trong lồng và nhồi thức ăn thường xuyên thì "vịt long não" lại sử dụng vịt hồ, có đầu nhỏ, ốm. Đồng thời vịt để nấu món "vịt long não" phải là vịt cái, thịt mềm tươi hơn vịt đực.
Giai thoại gắn liền với món vịt long não này là vào thời Từ Hy thái hậu, bà đã cho mời vị đầu bếp nổi tiếng tại Thành Đô là Huỳnh Tấn Lâm vào dâng thiện. Vị đầu bếp này đã làm món vịt hun khói với lá long não và lá trà, vốn là những loại lá thường thấy ở Tứ Xuyên để làm món vịt hun khói lá long não. Món vịt với vị thơm đặc biệt của loại lá trà này được Từ Hy thái hậu khen ngợi hết lời. Sau khi trở về quê nhà Thành Đô, món ăn này cũng trở nên nổi tiếng và là một trong những món vịt đặc sản của tỉnh Tứ Xuyên. Tui ở Tứ Xuyên thời gian ngắn, nên dù được hẹn để thưởng thức món ăn độc đáo này nhưng vẫn chưa có dịp. Do vậy không có ý kiến với món này.
Món thứ ba là Vịt Quế Hoa Nam Kinh
Món vịt luộc Nam Kinh có tuổi đời trên hai nghìn năm lịch sử này lại gắn liền với tiết trời thu mát mẻ bởi vào thời điểm mùa thu, vịt thường nhiều thịt, ít mỡ và các thớ thịt chắc nịch. Ngoài cái tên dân dã vịt luộc Nam Kinh, món này còn có một tên khác là vịt Quế Hoa bởi loại vịt này đặc biệt thơm ngon vào mùa thu, khi hoa quế nở rộ, đồng thời khi nhắm cùng rượu Quế Hoa.
Người đầu bếp sẽ chọn ra những con vịt ngon nhất, làm sạch, xát muối khử mùi hôi rồi tiến hành ướp chúng trong hỗn hợp nước sốt khoảng 2 giờ để gia vị ngấm sâu vào mọi ngõ ngách. Khi ăn, vịt sẽ được hấp chín để có được hương vị thơm ngon, lôi cuốn kỳ lạ. Món vịt này có ngon hay không tùy thuộc vào tài canh độ lửa của bạn. Ngày nay, món vịt Quế Hoa còn được xem là món ăn truyền thống vào mùa trung thu ở Nam Kinh. Tui có được ăn thử món này vào mùa thu năm 2001. Đúng là lạ miệng và hấp dẫn. Miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, thơm mát trong miệng. Không biết bao giờ mới được xơi lại món này. Nghe nói món này giá cũng không rẻ.
Và thứ tư là Vịt quay sốt tiêu đen Macau
Vào những năm đầu của thập niên 70, có người mang tên Trần Thụ Quang đi khắp Đông Nam Á khám phá các nền văn hóa ẩm thực khác nhau và tìm kiếm các bí kíp về nướng và quay. Vịt quay sốt tiêu đen trứ danh vùng Macau là món ăn được tìm kiếm nhiều nhất khi đến đây du lịch.
Và nay được mang đến Việt Nam và trở thành món ăn BÁN CHẠY NHẤT ở Trần Quang Ký, bởi các yếu tố: Chắc thịt, mềm mại, không bở, đậm đà - Sốt tiêu đen thơm lừng nhưng không cay - Da vịt giòn bùi, nâu bóng bởi kỹ thuật quay chín tới, chỉ có ở Trần Quang Ký.( phần này copy từ trang của vịt quay Trần Quang Ký nên khen một chút cho lịch sự)
Ngoài ra ở vùng Quảng Đông cũng có món vịt quay Quảng Đông cũng khá ngon, tui thích món này hơn vịt quay Bắc Kinh.Vịt được chọn là giống vịt ngon có trọng lượng tầm 3kg, sau khi được chính các đầu bếp Trung Hoa tẩm ướp công phu theo phương thức bí truyền và quay trong lu gốm đặc biệt từ 6 đến 8 tiếng( một mẻ vịt 10 con), vịt có trọng lượng sau khi quay xong từ 1,6kg đến 2kg
Da vịt giòn, căng vàng, chín đều đều nhờ sự đối lưu của lu kín
Thịt vịt mềm, riêng mùi vị lạ đặc trưng khác hoàn toàn với các sản phẩm vịt quay công nghiệp
Thấy bài đã dài quá rồi mà khám phá thêm cái này hay quá, nên phải cho vô luôn.
Nếu bạn bị đau lưng, viêm thận, hen hay phù dinh dưỡng, bạn hãy chế biến một số món ăn từ thịt vịt.
-Thịt vịt với đậu xanh chữa đau lưng: Thịt vịt nạc 200 gr, thái nhỏ, ướp gia vị. Đậu xanh 200 gr đun với 300 ml nước, khi sôi cho thịt vịt vào đảo đều đến chín. Ăn ba ngày liền, mỗi ngày ăn một lần.
-Thịt vịt với tỏi chữa viêm thận: Vịt một con làm sạch, bỏ lòng. Nhồi vào bụng vịt 50 gr tỏi đã bóc vỏ, khâu lại, nấu chín, ăn cái, uống nước. Khoảng 2 - 3 ngày ăn một con.
-Thịt vịt, đậu đỏ chữa phù dinh dưỡng: Thịt vịt 1 kg, đậu đỏ 50 gr, lạc 100 gr, vỏ bí đao 30 gr, nấu thành canh, tốt cho người thiếu máu.
-Thịt vịt, nước mía chữa hen suyễn: Thịt vịt nạc 300 gr, băm nhỏ, ướp gia vị, nước mía 300 ml, gạo tẻ 100 gr ninh nhừ. Khi thành cháo, cho thịt vịt vào đun chín. Ăn liền trong một tuần, mỗi ngày ăn cháo ra làm ba lần, ăn nóng.
-Vịt hầm sa sâm dưỡng da: vịt già một con, sa sâm 50g, ngọc trúc 50g. Vịt mổ bụng làm sạch (bỏ lòng) hai vị thuốc cho vào túi buộc miệng, nhét vào bụng, gập đầu vào bụng, buộc lại, hầm chín. Thích hợp với người da khô ráp, chảy máu cam, táo bón.
-Canh vịt đỗ trọng hạ huyết áp: thịt vịt 100g nấu 30 phút, gia đỗ trọng 30g, mộc nhĩ trắng 30g. Nấu thêm 15 phút. Ăn thịt vịt, mộc nhĩ, nước canh, bỏ đỗ trọng. Thích hợp với người bị huyết áp cao, đau đầu chóng mặt.
- Thịt vịt giảm lao phổi, ho sốt về chiều: vịt làm sạch hầm với chân giò heo hun (hoặc không) để ăn riêng, hoặc ăn với cháo. Có thể thêm mộc nhĩ trắng, củ cải.
- Vịt hầm bách hợp bổ phổi: vịt mái già một con, bách hợp tươi 300g. Vịt mổ bụng bỏ lòng, cho bách hợp vào bụng, tưới hai muỗng rượu, gia vị, bỏ đầu vịt vào bụng buộc chặt lại. Chưng cách thuỷ cho chín. Ăn thịt, lòng và bách hợp. Thích hợp với người bị viêm phế quản mãn, khạc ra máu, ho lao.
- Vịt chưng bổ thận: vịt trống già một con, đông trùng hạ thảo 10g, rượu, gừng, hành, muối tiêu vừa đủ. Vịt làm sạch, rạch từ đầu thẳng xuống cổ, cho 3g đông trùng hạ thảo vào, lấy dây buộc lại. Còn lại tất cả cho vào bụng (đã bỏ hết lòng), để vào bát lớn, đặt vào nồi chưng. Món này thích hợp với người di tinh, yếu dương, lưng gối yếu mỏi, ra mồ hôi nhiều.
- Canh vịt nấu đan sâm hoạt huyết: thịt vịt 100g, đan sâm 50g. Vịt làm sạch chặt miếng, nấu 60 phút cùng đan sâm bỏ vào túi vải, hoặc nấu đan sâm riêng 30 phút, chắt nước cho vào nồi canh vịt nấu thêm ít phút. Chia hai lần ăn sáng chiều. Thích hợp với người bị trúng phong bán thân bất toại.
- Vịt ngọc trúc giảm tiểu đường: vịt mái già một con (1,5kg), ngọc trúc 50g, mạch môn đông 50g, rượu vang 30g. Thuốc cho vào túi vải buộc miệng ngâm nước lạnh ba phút rồi bỏ vào bụng vịt. Đầu vịt gập vào bụng, lấy dây buộc lại đặt vào bát to rồi cho vào nồi chưng tới khi vịt chín mềm, bỏ túi thuốc ra vắt lấy nước. Thích hợp với người bị tiểu đường, âm hư miệng khát, uống nhiều nước.
Và đây là những món vịt dễ làm, ai cũng nấu được và cũng là món ngon nên thử qua cho biết:
-Cháo vịt đậu xanh: Vịt 1 con khoảng 1,5kg (đã làm sạch, xát rượu gừng cho thơm), gạo thơm 200g, đậu xanh nguyên hạt 200g, gừng tươi 3 củ, hành phi 50g, hành lá 100g, rau ngò. Gia vị gồm: hạt nêm, muối, tiêu, đường, nước mắm ngon. Rau ăn kèm gồm: rau đắng 200g, giá đậu 200g, cải xanh 200g.
Nguyên liệu pha nước mắm gồm: tỏi 2 tép, chanh 1 quả, ớt sừng 2 quả.
Cách làm: Luộc vịt chín, để nguội, chặt miếng mỏng vừa ăn. Nấu nước luộc vịt với gạo và đậu xanh thành cháo nhừ. Múc cháo ra bát lớn, rắc hành lá, rau ngò, tiêu, hành phi lên trên. Xếp thịt vịt ra đĩa lớn, dùng với cháo nóng, rau cải xanh, rau đắng, giá đậu, chấm kèm nước mắm gừng.
-Thịt vịt trộn rau lang: Thịt vịt (ức) 400g, rau lang non 400g. Gia vị gồm: tỏi bằm, tỏi phi, ngũ vị hương, dầu ăn, nước tương, chanh, muối, tiêu, đường. Thịt vịt làm sạch, ướp chút muối, đường, ít nước tương, hạt nêm, tỏi băm, ngũ vị hương, để khoảng 10 phút cho thịt thấm. Chanh vắt lấy nước cốt hòa tan với ít đường. Đun nóng chảo với dầu ăn. Cho ức vịt vào chiên áp chảo, chín đều hai mặt. Lấy thịt vịt ra, để nguội, xắt lát mỏng. Rau lang lặt những đọt, lá non rồi rửa sạch, để ráo. Đun nước sôi, cho rau lang vào luộc sơ qua, vớt ra, xả qua nước sôi để nguội.
Trộn thịt vịt với rau lang, rưới nước cốt chanh, nước tương vừa ăn. Bày ra đĩa, rắc thêm tỏi phi lên mặt. Dùng ăn trong bữa cơm.
-Vịt om sấu
Vịt già 1 con (1,5kg), sấu xanh 5 quả, nấm hương khô 50g, 1 nước dừa xiêm 1 lít, sa tế 1 thìa súp, tiêu hạt1 thìa cà phê, hạt nêm 2 thìa cà phê, muối 1 thìa cà phê, đường 1 thìa cà phê, ngò rí, hành lá.
Vịt già mua nguyên con đã làm sạch, chà xát nhiều lần qua muối cho bớt mùi hôi (để khử mùi hôi của vịt, ngoài việc dùng muối, có thể chà thêm gừng băm nhuyễn), chặt miếng vừa ăn. Ướp thịt với sa tế, hạt tiêu, hạt nêm, đường, để khoảng 15 phút cho thấm gia vị. Sấu xanh cạo vỏ, rửa sạch. Nấm hương rửa sạch, bỏ chân, ngâm với nước ấm, vớt ra, rửa lại với nước lạnh.
Bắc nồi, cho nước dừa vào, thả thịt vào nấu. Khi thịt sôi, cho sấu xanh vào, đun sôi lại, sau đó vặn nhỏ lửa, nấu đến khi vịt mềm. Cuối cùng, cho nấm hương vào, đun sôi khoảng 5 phút nữa là được. Lấy sấu ra, giầm lấy bột, cho trở lại vào nồi vịt, nêm muối, đường, hạt nêm vừa ăn, nhấc xuống. Múc ra tô, cho ngò rí, hành lá lên mặt.
Có thể làm theo cách khác như sau:
- Vịt 1 con làm sạch, chặt nhỏ vừa ăn. Khoai sọ cạo vỏ rửa sạch, bổ miếng. Sấu 3 - 5 quả, cạo vỏ. Rau rút + rau muống nhặt ngắn, rửa sạch. Hành khô bóc vỏ thái nhỏ.
Cho hành khô vào nồi phi thơm, cho tiếp thịt vịt vào đảo đều, nêm nước mắm, mì chính (có thể thay nước mắm bằng muối hoặc bột nêm tùy thích), sau đó cho nước vào đun cho tới khi sôi, vặn nhỏ lửa, hớt sạch bọt và váng mỡ, cho tiếp khoai sọ và sấu vào đun nhỏ lửa đậy hé vung khoảng 15 - 20 phút (khoai chín mềm là được)
Dầm sấu từ từ khi thấy vừa đủ độ chua thì ngừng, nêm nếm lại gia vị, thả rau vào, khi rau vừa chín tới thì bắc xuống. Nếu muốn để trên bếp như ăn lẩu thì khi ăn mới cho rau vào.
-Thịt vịt ram sả gừng
Thịt vịt 500g, gừng cắt sợi 50g, sả bào mỏng 50g. Ớt băm, hành tỏi băm, hành lá cắt nhỏ, hành lá tỉa xoăn, đường, nước mắm, tiêu, dầu điều, dầu ăn, bột tẩm khô chiên giòn. 
Thịt vịt sơ chế sạch, chặt miếng vuông 4cm, để ráo. Tẩm đều vịt với 1 gói bột tẩm khô chiên giòn, sau đó đem chiên vàng, vớt ra để ráo dầu.
Phi thơm ½ lượng gừng, sả, vớt ra để ráo dầu.
Phi thơm lượng gừng sả còn lại với 2 m hành tỏi băm, cho thịt vịt vào, thêm 1 chén nước, 2m nước mắm, 1m dầu điều, đậy nắp nấu khoảng 10 phút, mở nắp thêm 1m đường rồi đảo nhanh tay, cuối cùng cho hành lá và ớt băm vào đảo đều rồi tắt bếp.
Múc vịt ra dĩa, rắc gừng và sả phi lên trên, trang trí với hành lá tỉa xoăn.
-Vịt nấu chao
Vịt 1 con (khoảng 1,8kg), nên chọn vịt da mỏng, ít mỡ, thịt dày, khoai môn cau 400g, dừa nạo 400g. Ớt, rau om (ngổ), ngò gai (mùi tàu), hành băm, tỏi băm, dầu điều, chao trắng, chao đỏ, bột ngọt.
Vịt làm sạch, chặt miếng vừa ăn, đem ướp với tỏi băm, hành băm, dầu điều, 2 muỗng chao đỏ (để thịt vịt có màu đẹp mắt hơn), thêm 1 muỗng chao trắng, cho thêm hạt nêm, đường, tiêu vừa phải. Để cho vịt thấm gia vị trong vòng khoảng 30 phút.
Cắt lát khoai môn, cắt khúc rau om, ngò gai dài khoảng 2cm. Đập dập ớt, bỏ hạt, băm nhỏ. Cho khoai môn vào chảo chiên sơ cho đến khi hơi vàng. Cho dầu vào chảo đun nóng, chiên tỏi thơm rồi cho thịt vịt đã tẩm ướp vào xào cho săn lại. Cho thịt vịt, khoai môn vào nồi áp suất, cho thêm nước cốt dừa vào ninh khoảng 10 phút. Cho thêm 1 bát nước cốt dừa, rau om, ngò gai vào, đun tiếp cho đến khi nồi sôi lại thì thôi.
Múc ra tô và ăn với bún, rau muống cọng cắt khoảng 5cm và nước chấm.
Pha nước chấm: cho hai muỗng chao trắng, hành băm, tỏi băm, ớt băm, 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng bột ngọt vào bát, trộn đều.
Đặc điểm của món vịt nấu chao: thịt vịt mềm, khoai môn bùi, nước ngậy thơm của nước cốt dừa và chao. Thời gian chế biến khá nhanh, nguyên liệu dễ tìm kiếm.
-Đùi vịt hầm
Đùi vịt 3 cái, sả 4 cây, nước cốt dừa 250 ml, tỏi 2 củ, ớt đỏ 2 trái. Muối, hạt nêm, đường, dầu ăn và 1 gói cà ri dầu.
Đùi vịt xát muối kỹ, làm sạch, để ráo, dùng mũi dao nhọn xăm đều quanh đùi vịt. Cho dầu vào chảo đun nóng, phi thơm tỏi và ớt băm, cho tiếp gói cà ri vào, khuấy đều, đun sôi, bắc xuống. Cho muối, đường và đùi vịt vào nước cà ri và tỏi, ớt, ướp khoảng 1 giờ. Sả nhặt bỏ bẹ già, cắt xéo thành khúc dài.
Cho dầu vào chảo, cho đùi vịt vào xào khoảng 5 phút, cho tiếp nước cốt dừa, sả và một ít nước ấm vào, đậy vung hầm nhỏ lửa khoảng 1 giờ cho đến khi đùi vịt dậy mùi thơm và chín mềm. Nêm thêm gia vị vừa ăn, tắt bếp, dọn món ăn ra bát sâu lòng, trang trí vài lát ớt và sả lên trên.
-Thịt vịt nước mía
Thịt vịt nạc 300g, , gạo tẻ 100g, nước mía 300ml, gia vị các loại.
Thịt vịt băm nhỏ, ướp gia vị. Nấu cháo gạo tẻ với nước mía. Cháo chín nhừ thì cho thịt vịt vào, đảo đều, đun tiếp cho thịt vịt chín vịt.
Chia ăn ngày ba lần, liền một tuần. Tác dụng chữa hen suyễn.
-Thịt vịt hầm chân giò heo
Vịt mái già 1,5 - 1,8kg, chân giò heo 300g.
Vịt làm sạch hầm với chân giò heo hun (hoặc không) để ăn riêng, hoặc ăn với cháo. Có thể thêm mộc nhĩ trắng, củ cải.
-Bánh canh thịt vịt
1 con vịt tơ. 1 củ gừng.500 gr bột gạo.Nước cốt dừa.Hành lá, rau mùi (ngò).
Cách làm như sau:
Vịt nhổ lông, rửa sạch. Nếu muốn khử mùi hôi của vịt bạn hãy xát gừng lên mình vịt rồi rửa với rượu trắng.
Bắc nồi nước sôi lên bếp, thêm vài miếng gừng cắt lát, thả vịt vào luộc chín.
Trong lúc chờ vịt chín, bạn chuyển sang khâu làm sợi bánh canh. Bánh canh dùng cho món ăn này được làm hoàn toàn từ bột gạo. Cho bột gạo vào một thau nhỏ, chêm chừng 1 chén nước nóng và bắt đầu nhào bột. Bạn lưu ý, lượng nước cũng tùy thuộc vào loại bột gạo.
Nhào bột cho đến khi thấy bột mịn, dẻo, không dính tay là được.
Cho bột ra một mặt phẳng, sạch, trải lớp nylon lên trên cục bột. Sau đó, lấy ống cán bột, cán dẹt ra, càng mỏng càng tốt. 
Sau khi cán dẹt bột, bạn dùng dao thật sắc, cắt bột ra thành từng sợi. Nước cốt dừa chia làm hai phần, phần béo ở trên, bạn để riêng. Phần còn lại cho vào nồi nước sôi dùng để luộc bánh canh. Làm như vậy sẽ giúp cho sợi bánh canh thơm mùi dừa
Luộc bánh canh: Bạn đặt nồi nước lên bếp, đun sôi, cho sợi bánh canh vào, khi thấy bánh canh nổi lên là được. Bạn vớt ra, cho ngay vào thau nước lạnh.
Lúc này vịt đã chín, bạn vớt ra, chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, xếp lên trên tô bánh canh, rắc hành, rau mùi lên trên bề mặt.
Món bánh canh thịt vịt nước cốt dừa có xuất xứ từ vùng miền Tây sông nước. Nếu ăn lần đầu có lẽ bạn sẽ thấy lạ vì món bánh canh vốn là món mặn sao lại có nước cốt dừa. Nhưng đối với những người con miền Tây thì chắc hẳn ai cũng nhớ món bánh canh này như một kỷ niệm đẹp của tuổi thơ.
Món bánh canh xắt nước cốt dừa - chỉ tên gọi thôi đã gợi nhớ ký ức về một món ăn dân dã. Tuy không phải là món cao lương mỹ vị, nhưng ai đi xa cũng đều nhớ về tô bánh canh thịt vịt nóng hổi, beo béo nước cốt dừa. Một món quà quê chở nặng nghĩa tình.
Trong tất cả các món vừa nêu, ăn gì thì ăn, không thể thiếu một tô cháo vịt. Muốn có tô cháo vịt ngon ư, nghe theo tui:
Nguyên liệu để nấu món cháo vịt
1 con vịt cỏ (nếu chọn được vịt cỏ càng tốt) 1 lon gạo (trộn cả gạo tẻ và gạo nếp) 6 củ tỏi 8 củ hành tím. 5 trái ớt. 1 nhánh gừng tươi
Rau ăn kèm: Tía tô, hành lá, hung quế, mùi tàu, rau mùi, hành lá và hành phi. Gia vị: muối, tiêu, nước mắm và dầu ăn
Cách nấu cháo vịt ngon
Bước 1: Chà sạch vịt với muối cho bớt mùi hôi, sau đó xát lại với rượu và gừng.
Bước 2: Nướng vài ba củ hành tím cho thơm và đập dập. Sau đó thả vào nồi nước sôi.
Bước 3: Khi nước trong nồi sôi, cho vịt vào nấu. Trong lúc nấu, nhớ hớt bọt để nước không bị đục và có mùi. Đây là một bí quyết nho nhỏ trong cách nấu cháo vịt để cháo thơm và có hình thức đẹp khi dọn dùng.
Bước 4: Vo gạo sạch, để ráo và rang sơ qua. Sau đó cho vào nồi cháo và nấu đến khi gạo nở búp. Với cách nấu cháo vịt như thế này, bạn sẽ làm cho hạt gạo bung nở vừa phải, không quá nhừ và nồi cháo cũng thơm ngon hơn.
Bước 5: Vớt con vịt ra ngoài và chặt thành miếng nhỏ. Nêm lại gia vị cho nồi cháo đậm đà.
Bước 6: Làm nước mắm gừng chấm vịt: Giã ớt, tỏi và gừng, sau đó hòa nước mắm đường theo tỷ lệ 2 mắm: 1 đường và trút gia vị vào khuấy đều. Có thể vắt thêm ít nước cốt chanh để làm mắm dịu.
Khi ăn, sắp thịt vịt và rau ăn kèm trong một đĩa nhỏ. Riêng cháo múc ra tô lớn, rắc thêm hành lá, hành phi, tiêu và ít đầu hành. Cách khác, bạn cũng có thể thái mỏng miếng thịt và sắp trên mặt bát cháo.
Hê..hê làm thử đi nghe. Ngon nhớ kêu tui.
Thịt vịt bổ và chế biến được nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, có một số người không nên ăn thịt vịt.
Dù thịt vịt bổ dưỡng nhưng nếu bạn rơi vào các trường hợp dưới đây thì hãy tránh xa món ăn này:
1. Người đang bị cảm
Theo Y học cổ truyền, thịt vịt tính hàn, hơi mặn, có vị ngọt, có nhiều tác dụng như bồi bổ cơ thể, bổ hư, lợi tiểu, ích tạng, giải nhiệt, hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh như bệnh tim mạch, lao phổi hay ung thư… Do có tính hàn cho nên người đang bị cảm tuyệt đối không nên dùng thịt vịt để tránh bệnh nặng hơn.
2. Người bị bệnh gout
Trong thịt vịt có chứa một lượng purin cao, nó có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. tinh thể uric lắng đọng trong. Là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân gout khó chịu mỗi khi ăn thịt vịt xong. Xem như tui bị cấm ăn thịt vịt vì bị gout mãn tính hic...hc
3. Người có hệ tiêu hóa kém
Người có hệ tiêu hóa kém cũng nên ăn ít thịt vịt. Vì thịt vịt có tính hàn dễ làm suy yếu hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch…
4. Người mới phẫu thuật
Đối với người mới phẫu thuật xong, vết thương chưa lành cũng không nên ăn thịt vịt. Vì thịt vịt có chất tanh làm làm cho lâu lành
Thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư, tỳ vị yếu, lạnh, người bị ngoại cảm chưa khỏi hẳn, tạm thời chưa nên ăn. Không ăn thịt vịt cùng với hồ đào (quả óc chó), mộc nhĩ, thịt ba ba, thịt rùa đen.
Định viết lai rai cho đỡ thèm thịt vịt, ai dè tư liệu quá nhiều thành bài viết dài ngoằng. Ai thích thì đọc. Không thích đọc thì ra quán vịt ở địa chỉ 281/26/9 Đường Lê Văn Sỹ, phường 1, Quận Tân Bình. Kêu một dĩa gỏi vịt, ở đáy không có cháo, chỉ có bún măng. Nhớ đi trong khoảng 15:30 đến 16:30. Đi trễ hết ráng chịu.
Thật ra vịt còn nhiều món ngon như mì vịt tiềm, vịt quay, hột vịt lộn, vịt lạp, vịt quay sốt tiêu đen, vịt nướng... Nhưng bài dài quá , nhét không vô, thôi hẹn dịp khác
17.8.2018
DODUYNGOC
(Cóp nhặt tứ phương)

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget