Tràm Cà Mau.
Top Menu
Main Menu
Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020
NGƯỜI TÙ CHUNG THÂN VƯỢT NGỤC
THÂN PHẬN
Bàn tay che vết nhăn đời
Nghe trong bão tố tiếng thời gian trôi
Cuối đời chịu phận mồ côi
Trang kinh rỏ máu bồi hồi tiếng chuông
Chẳng còn chi chấp nhận buông
Hoang vu nhịp thở gió tuôn hiên ngoài
Chắp tay niệm phiến u hoài
Nghe mưa trăn trở đầu thai mây về
Suốt đời làm gã nhà quê
Yêu sông nhớ núi si mê khói chiều
Thôn làng xơ xác tiêu điều
Khuya ngồi bó gối nhớ nhiều mộng xưa
Ao giờ cạn khóm tre thưa
Đêm đầy mộng mị người vừa lướt qua
Nhiều khi giống kẻ không nhà
Giữa đường quanh quẩn la cà quẩn quanh
Đưa tay khuất lấp trời xanh
Con chim ủ rũ trên cành trụi bông
Ta giờ củi mục trôi sông
Nhớ người ta níu chút nồng nàn xưa
Đôi khi chân cẳng hoá thừa
Bước đi loạng quạng giữa mưa bàng hoàng
Thân này nhận phận đi hoang
Bao nhiêu giông bão phủ quàng lòng đau
Giờ đâu còn gọi tên nhau
Hoàng hôn vội đến phủ màu xám tro
Chiếu giường bề bộn nằm co
Ta nằm ôm ngực cơn ho rung người
Thế gian đầy giọng nói cười
Ta rưng tiếng khóc hỏi người về đâu
Nhớ người tim chợt nhói đau
Nhìn quanh bàn ghế một màu quạnh hiu
Chút hương thừa phải chắt chiu
Ta ngồi như bát cơm thiu trên bàn
Bếp hoang lạnh nhà hoang tàng
Bao nhiêu cây cỏ xếp hàng đợi mưa
Ta giờ còn kiếp sống thừa
Gom bao kỷ niệm ôm vừa đôi tay
Cũng đành chờ những rủi may
Hóa thân làm đám mây bay cuối trời
24.10.2020
DODUYNGOC
Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020
CHIỀU MƯA
Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020
Công bố Nobel Văn chương 2020: Nữ thi sĩ người Mỹ Louise Glück thắng giải
CHÚT LÃNG MẠN CUỐI CÙNG
18 năm trước, tôi viết truyện ngắn này. Tôi xem nó như những dòng tâm sự bởi trong đó loáng thoáng có bóng mình. Tôi nghĩ sẽ chẳng cho ai đọc những gì mình đã viết, giữ lại cho riêng mình như những lời độc thoại với hư vô. Và rồi bản thảo truyện này biến mất, suốt một thời gian dài cả chục năm tôi tìm hoài mà không thấy. Hôm nay lục mấy tấm hình rửa cho một chị bạn học cùng trường đại học, lại tìm lại được truyện này. Nằm đọc lại cũng chỉ thấy buồn. Truyện viết đã gần hai mươi năm, nhân vật cũng đã vào tuổi xế chiều. Gần hai mươi năm biết bao biến cố đổi thay của một đời người nhưng câu chuyện vẫn còn đó, ghi lại một ký ức khó có thể quên. Tôi quyết định đăng trên facebook sau một thời gian dài chỉ giữ riêng cho mình để mọi người cùng đọc. Cũng chẳng để làm chi nhưng hi vọng nhiều người đọc sẽ thấm được nỗi đau của nhân vật trong một giai đoạn bi kịch của xã hội và lịch sử.
CHÚT LÃNG MẠN CUỐI CÙNG
Truyện ngắn của ĐỖ DUY NGỌC
Có trầu mà chẳng có cau
Thì đành không đỏ môi nhau kiếp này
Buổi chiều ở Blao sương xuống sớm, những ngọn gió thổi về làm rung những cành thông non trong vườn, trời nhờ nhờ tối, không gian chùng xuống nặng nề. Ba người đàn ông ngồi uống rượu trong căn nhà nhỏ trên sườn đồi, li rượu được rót ra nhưng chẳng ai nâng chén, bởi rượu chỉ là cái cớ để níu chân nhau ngồi lại. Ngọn đèn cầy trắng cắm trên chiếc giá đồng cổ rất sang trọng hắt ánh sáng trên ba khuôn mặt tạo thành bức tranh mang phong cách thời Phục Hưng. Trong buổi chiều ấy và trong khung cảnh ấy, tôi được người bạn già kể lại câu chuyện này, đây là câu chuyện có thực, và là một đoạn đời của ông. Những con người trong câu chuyện này cũng đang còn hiện hữu, và đang là người nổi tiếng, nên khi kể lại chuyện này, tôi xin đổi tên của các nhân vật chính.
*********
Chị Lê là con gái đầu của O Hiếu, mẹ chị Lê là anh em chú bác với ba tôi, chị Lê hơn tôi mười tuổi. Lúc tôi khoảng mười hai tuổi đang học lớp đệ thất thì chị Lê đã là một cô gái đang học năm thứ nhất sư phạm Qui Nhơn. Chị là một cô gái đảm đang, rất giỏi việc nữ công, nội trợ. Chị có khuôn mặt hiền, thánh thiện, tóc chị dài thoang thoảng mùi bồ kết thường được kẹp bằng chiếc kẹp đồi mồi, nước da trắng, không chút son phấn và chính những nét tự nhiên đã làm cho khuôn mặt chị lúc nào cũng sáng lên một thứ ánh sáng mộc mạc mà đằm thắm rất Việt Nam. Chị không có nhan sắc rực rỡ, nhưng đôi mắt chị trong veo, những ngón tay thon nhỏ với các móng lúc nào cũng được cắt, sạch, cộng với những cử chỉ, lời nói luôn dịu dàng đầy nữ tính gây thiện cảm với người chung quanh. Tôi chưa bao giờ nghe chị nói nặng lời hay lớn tiếng với ai, dù đó là người ăn kẻ ở trong nhà. Chị thường đội nón lá, đi guốc mộc, mặc chiếc áo bà ba cổ trái tim bằng vải lụa mềm. Thời đó, tôi đọc rất nhiều tác phẩm của Tự lực văn đoàn trong tủ sách khổng lồ của ba tôi nên tôi hình dung chị chính là những nhân vật trong các tác phẩm đó, chị là cô Mai trong Thừa tự, trong Nửa chừng xuân… Nhà tôi lúc ấy là một ngôi nhà lớn, trước nhà có sân rộng lát gạch tàu, ba tôi cho xây một hồ cá to và trồng một giàn thiên lí xanh mướt mắt. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh chị Lê ngồi làm mứt gừng dưới giàn thiên lí lúc ánh sáng chiều chênh chếch len qua những kẽ lá xanh um chiếu trên khuôn mặt rám hồng vì sức nóng của bếp lò và ánh sáng phản chiếu của những viên gạch tàu. Trong tâm thức của một đứa trẻ mười hai tuổi, bỗng tự nhủ, mai sau tôi chỉ yêu người con gái nào giống chị Lê, phải giống từ khuôn mặt, dáng người cho đến những nét đảm đang rất Việt Nam như chi.
********
Rồi tôi lớn dần lên, đến tuổi biết yêu, tôi đi tìm bóng hình của chị qua những người bạn gái, nhưng không tìm thấy được. Xã hội càng lúc càng đổi thay, lính Mỹ vào Việt Nam làm đảo lộn mọi giá trị của cuộc sống, son phấn nhòe nhoẹt và đủ thứ thời trang kệch cỡm làm cho tôi khó mà tìm được người con gái như mộng tưởng. Những cuộc tình thời mới lớn cũng qua đi chẳng để lại ấn tượng gì.
Tôi vào Sài Gòn học đại học, cuộc sống tự lập của người con trai miền Trung ở Sài Gòn gặp quá nhiều khó khăn, tôi luôn mặc cảm về cái nghèo túng của mình nên chẳng dám yêu ai, thật ra tôi cũng khó tìm ra giữa Sài Gòn này một cô gái như mình đang tìm kiếm. Tôi như gã con trai đi tìm lá diêu bông không có thực trên đời. Cũng có nhiều cô gái đến với tôi, nhiều cô rất đẹp và giàu có, cũng có cô rất quí phái sang trọng, nhất là khi tôi bắt đầu có chút tiếng tăm và tiền bạc qua mấy lần triển lãm tranh và nhiều bài báo gây ấn tượng trong giới sinh viên. Nhưng sao tôi vẫn thấy dửng dưng, vẫn chưa thề nói với ai về tình cảm của mình. Tôi vẫn đi tìm một bóng hình không có thực, nhưng tâm tôi vẫn bảo hãy tìm đi và sẽ gặp, giống như điều Chúa đã dạy là hãy gõ cửa thì cửa sẽ mở. Tôi sẽ tiếp tục đi tìm và tôi sẽ tiếp tục gõ cửa suốt cuộc đời bởi tình yêu có sự lựa chọn riêng của nó.
*******
Đội quân mới, chính quyền mới như một cơn gió lốc thổi nhanh giữa Sài Gòn, cuốn phăng đi mọi trật tự có sẵn, đảo lộn và đổi thay đến từng ngõ ngách, từng con người. Tôi cũng bị xoáy vào vòng xoáy đó, không kịp rút số tiền dành dụm được của những mấy năm cực nhọc vừa học vừa làm gởi ở ngân hàng. Tôi trở lại thời vừa mới vào đất này, trắng tay và đói rách, lại xếp hàng ăn những bữa cơm đạm bạc tập thể ở căn tin, chờ đợi những thay đổi mới. Ở thời kỳ đó, chẳng có việc làm gì rõ rệt, kẻ đi bán cà phê, người ra lập chợ trời, tôi không làm được những việc ấy nên ngày hai bữa lang thang với bạn bè văn nghệ của Sài Gòn cũ, làm những người rảnh nhất thế giới, chờ đợi.
Chúng tôi được phép đi học lại, sinh viên từ nhiều trường tập trung thành trường Đại học Sư phạm thành phố, sinh hoạt hát hò và suốt ngày làm quen với đường lối, chủ trương và nền giáo dục mới.
Tôi chẳng có hứng thú gì việc học hành bởi cái đói luôn hành hạ, hờ hững đến giảng đường mà chẳng chú ý đến ai, nhưng cũng phải ráng ghi ghi chép chép hi vọng nay mai được ra trường, có việc làm để ổn định cuộc sống, hướng tới tương lai. Tôi tham gia vào những sinh hoạt của nhà trường bằng những tài vặt đàn ca xướng hát, và cũng bởi rảnh quá chẳng biết làm gì cho hết thì giờ. Được sự gợi ý của chi đoàn, tôi thành lập nhóm kịch của khoa Văn, và ngay bữa họp đầu tiên của nhóm tôi đã gặp cô gái mang một cái tên là lạ: Trân Cầm. Trân Cầm học ở Văn khoa chuyển qua cùng lớp nhưng vì tôi chẳng để ý đến ai nên chưa gặp lần nào, hay có thể đã gặp mà không thấy. Cảm giác đầu tiên khi tôi nhìn thấy Trân Cầm là như có một chiếc búa lớn bổ vào ngực, đè nặng trái tim và nhịp tim tôi như ngừng lại, bởi cô ấy chính là lá diêu bông mà tôi đã tìm kiếm lâu nay. Vóc dáng ấy, đôi mắt ấy, giọng nói ấy, tiếng cười ấy, khuôn mặt ấy chính là những hình ảnh liên tục hiện về trong những giấc mơ của tôi. Khi ánh nắng buổi chiều chiếu vào cửa sổ hắt vệt sáng trên mái tóc buộc túm bằng chiếc kẹp đồi mồi và làm rực lên nửa khuôn mặt của Trân Cầm, thì hình ảnh chị Lê ngồi dưới giàn thiên lí trong tiềm thức tôi hiện lên rõ rệt. Thế là tôi đã tìm thấy. Tôi đã gõ cửa và Chúa đã mở cửa cho tôi bắt gặp định mệnh của đời mình. Tối hôm đó trở về nhà trọ, dù chẳng có gì bỏ bụng tôi vẫn ôm đàn hát nghêu nghao cho đến khi trăng tàn trên những vòm cây.
Mấy năm lưu lạc học hành ở miền Nam tôi làm đủ thứ nghề, từ bán báo đến sửa morasse nhà in, rồi trở thành người viết báo, trình bày báo, vẽ tranh, làm thơ, đi hát, diễn kịch… cũng để dành được một số tiền khá lớn, đủ để bảo đảm một cuộc sống sung túc, nhưng cứ nghĩ mình còn trẻ, lại chưa lập gia đình nên gởi hết vào nhà băng. Ai ngờ thời thế đổi thay, trong cơn cuống quít của chuyện ra đi hay ở lại, tôi không rút được đồng nào, từ triệu phú trở thành kẻ đói cơm giữa Sài Gòn đầy lộn xộn, phải bán luôn chiếc xe hơi vừa mới mua chưa đầy ba tháng với một giá rẻ mạt như cho, để tồn tại, nên chẳng còn phương tiện nào để di chuyển ngoài đôi chân mệt mỏi. May thay, từ khi quen với Trân Cầm, tôi thường dùng chiếc xe đạp của Trân Cầm để chở cô ấy đi học, đi về, đi sinh hoạt hát ca. Tôi không biết ngỏ lời với Trân Cầm như thế nào để tỏ hết lòng mình, nên thông thường tôi chỉ biết lắng nghe những câu chuyện buồn vui của cô ấy kể bằng một giọng Bắc kỳ Hà Nội di cư, một giọng kể nhẹ nhàng duyên dáng với những nhận xét thông minh, những tình tiết đầy nữ tính.
Một hôm sau buổi diễn kịch ở trường về, trời đã khuya, con đường Trương Minh Giảng vắng rộng thênh thang chỉ còn tiếng dế gáy bên vệ đường và hương ngọc lan từ những biệt thự đầu đường ngào ngạt trong gió đêm, một không gian thật lãng mạn cho những đôi tình nhân. Có lẽ không gian đó cũng làm cho Trân Cầm xao xuyến, Trân Cầm ngả đầu vào lưng tôi. Một cảm giác lạ lùng đến với tôi, một tín hiệu tốt của tình yêu chưa dám nói? Tôi muốn con đường dài ra mãi, đi hoài không tới, để tôi giữ mãi được giây phút thần tiên ấy, để chúng tôi là dấu chấm của đời nhau, được đi cùng nhau suốt cả cuộc đời. Sau này, liên tục mấy mươi năm, hôm nào đi qua cảnh cũ tôi cũng thường lái xe đi chậm lại để mong được hít thở hương ngọc lan bay rất mỏng, để nhớ cái đêm đầu tiên ấy, để hưởng lại cảm giác ngọt ngào và hạnh phúc của ngày xưa đã mất. Nhưng những cây ngọc lan xưa không còn ra hoa nữa và người xưa cũng như cánh chim bay xa tít.
Sau đêm đó, cả hai cũng chẳng có tín hiệu gì thêm nên chúng tôi vẫn là hai người bạn cùng lớp, cùng nhau trên một lối về.
*******
Tháng Sáu, Trân Cầm muốn ghé qua nhà trọ của tôi cho biết cuộc sống của những kẻ xa nhà. Khi chúng tôi vừa bước chân vào căn gác nhỏ thì trời đổ mưa như trút, mưa tháng Sáu của miền Nam, mưa tháng Sáu của Sài Gòn. Chúng tôi đứng nhìn mưa qua cửa sổ, những hạt mưa bay làm ướt nhè nhẹ trên khuôn mặt của hai đứa, và chúng tôi chụm đầu vào nhau, hai bàn tay không hẹn mà tìm nhau nắm chặt, hai bàn tay nóng bỏng giữa chiều mưa. Cái hôn đầu tiên đến quá bất ngờ nên cả hai đều sượng sùng khi nhìn vào mắt nhau, đôi mắt trong veo hình như ánh lên câu hỏi, trời vẫn mưa xối xả, chúng tôi quên mất đất trời chạy xuống cầu thang đội mưa đi, mưa ướt đẫm trên khuôn mặt, ướt hết hai tấm thân gầy, hai đứa lâu lâu lại nhìn nhau cười dưới cơn mưa như những người mất trí. Đó là nụ hôn đầu tiên và duy nhất của chúng tôi dành cho nhau suốt cả một cuộc tình dài. Khi nhìn Trân Cầm đạp xe đi về, bầu trời u ám, những dây điện giăng ngang cắt nát mảnh trời, dáng mong manh của Trân Cầm nổi lên khung trời xám đó như cánh chim nhỏ nhoi đang cố bay lên. Tôi buột miệng hát một đoạn trong bài Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn: "Nắng có hồng bằng đôi môi em. Mưa có buồn bằng đôi mắt em. Tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống đời làm sóng lênh đênh… Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi… " Từ đó tội gọi Trân Cầm là Vạc, bởi em gầy với áo lụa bay, và cũng bởi tôi rất yêu cánh vạc, những con vạc mảnh mai bay về trong ánh mặt trời là hình ảnh thanh thoát và lãng mạn. Cũng từ đó cho đến nay, trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu đổi thay, tuổi càng ngày càng chồng chất, nhưng cứ đến những cơn mưa đầu mùa tháng Sáu hàng năm tôi lại đội mưa đi lang thang, đi trong mưa để nhớ ngày mưa tháng Sáu ngày xưa, tháng Sáu có ngày sinh nhật của Trân Cầm; và để nhớ về loài chim vạc, nhớ về nụ hôn duy nhất của một cuộc tình buồn.
Những buổi học sau đó là những ngày vui, tôi không còn hờ hững với giảng đường và bài giảng nữa, bởi đã có động cơ để tôi phải cố gắng, và những giờ học là dịp để được gặp nhau, để chào đón nhau, gởi cho nhau những bài thơ viết vội, hoặc những lời nhắn gởi vu vơ. Nhưng cũng từ bữa ấy, những đôi mắt sau lưng chúng tôi hình như có chứa đựng những ánh mắt ganh ghét, đố kỵ, lúc đầu còn kín đáo nhưng càng ngày càng lộ rõ. Tôi hồn nhiên sống và hồn nhiên yêu, không hình dung ra những đợt sóng ngầm đang chuẩn bị để vùi dập mình xuống tận đáy của cuộc đời. Tôi cũng không nghĩ tới cái ác của con người, chỉ nghĩ tới thiện tâm và không nghĩ rằng trên đời này lại có thể có những con người lúc nào cũng tính toán, âm mưu để xé xác đồng loại, để gài bẫy bạn bè. Tôi vô tư nên không nghĩ tới những hậu quả đang chực chờ đẩy tôi đến ngả rẽ làm thay đổi cả đời tôi.
Sau kỳ thi tốt nghiệp, chúng tôi phải đi một chuyến lao động ở nông trường, sống một tuần lễ với một đơn vị Thanh niên xung phong. Tôi chỉ tham dự chuyến lao động thực tế này đúng một ngày một đêm, bởi hồi ấy tôi còn tham gia vào đội kịch của thành phố, chuyến lưu diễn của đoàn trùng với thời gian đi lao động. Đêm ở lại duy nhất tại nông trường, tôi chỉ một lần nắm tay của Trân Cầm trong giấc ngủ, bởi chúng tôi ở cùng chung một lán trại.
Lao động xong, chúng tôi được nghỉ hè chờ quyết định phân công công tác. Chúng tôi ít được dịp để gặp nhau, tôi suốt ngày lang thang ở sân trường lượm những chiếc lá vàng đề những câu thơ để tặng cho cánh chim Vạc của tôi, nhưng ít khi được gặp. Khi làm hồ sơ để ra trường, trong mục nguyện vọng, tôi mong được phân về dạy ở một thị trấn nhỏ miền núi, tôi hình dung ra một thị trấn cao nguyên, đầy những rừng chè và sương trắng. Và mỗi tuần tôi lại đến đợi Trân Cầm dưới chân đồi, cùng nhau dạo trong trảng cỏ đầy hoa dại và gió lạnh, Trân Cầm sẽ mang chiếc áo ấm màu rượu chát, chiếc kẹp đồi mồi giữ tóc không bay và chiếc khăn quàng ôm kín bờ vai gầy. Tôi hạnh phúc trong giấc mơ tưởng tượng.
Giấc mơ đẹp không thành sự thật, lần lượt bạn bè đều nhận được quyết định, chỉ mình tôi, Trân Cầm và vài người có lí lịch xấu không được đoái hoài, không một lời thông báo. Tôi bắt đầu tuyệt vọng trong sự đợi chờ, lúc ấy, đối với tôi lúc ấy việc được đi dạy học là con đường tốt nhất, bởi đó là ước mộng của tôi khi chọn trường sư phạm, và cũng là việc làm duy nhất có thể cứu tôi ra khỏi cảnh lông bông. Tôi ngu ngơ không hiểu được rằng còn có quá nhiều con đường khác để đi, còn rất nhiều nghề khác để chọn. Tôi hoang mang không hiểu lí do nào đã không cho phép tôi và Trân Cầm không được phân công tác. Phong phanh có dư luận cho rằng tôi và Trân Cầm phạm vào một lỗi rất nặng, nhưng chẳng có ai trả lời cụ thể tội gì, chỉ có những cặp mắt hả hê, những cái nhìn hằn học có cả những thái độ xa lánh làm cho tôi càng lúc càng bế tắc. Tôi quá dại khờ và hồn nhiên không nghĩ đến việc có ai đó đã rắp tâm hại mình và càng không nghĩ đến việc cả một nhóm người đang hè nhau để xô chúng tôi xuống bùn đen bằng những tội lỗi mà mình không bao giờ mắc phải. Một hôm, lúc đang lang thang ở sân trường, tôi gặp Hoàng, một bạn học cùng lớp, hắn rủ tôi vào quán cà phê, và rồi bằng một ánh mắt thương hại hỗn xược, những ngôn từ tiểu thuyết rẻ tiền hắn cho tôi biết hắn và Trân Cầm đã yêu nhau, rằng hai người đã có những thề ước hẹn hò, hắn chìa cho tôi xem nhiều mảnh giấy trong đó có chữ của Trân Cầm và bảo đó là những bức thư nàng gởi cho hắn trong suốt tuần lễ lao động ở nông trường, hắn khuyên tôi nên quên cô ấy đi, hãy về quê kiếm một việc làm khác mà sống vì hắn chắc chắn rằng, tôi sẽ không bao giờ được phân công và tỏ lòng xót xa cho cảnh ngộ của tôi. Tôi hèn nhát đến độ ngồi im cho hắn nói. Rồi lặng lẽ ra về với một chút hoài nghi. Tôi tin Trân Cầm, nhưng tôi cũng hơi tin những lời lẽ của Hoàng, bởi hắn nói với một thái độ hết sức tự tin và những vật chứng rõ ràng. Tôi đau khổ viết cho Trân Cầm một bức thư dài như một lời từ giã, một bức thư kể hết lòng mình. Tôi dự định sẽ lên cao nguyên, ẩn mình chờ cuộc đời trôi đi để quên hết. Tôi không nghĩ đến chuyện về quê, bởi không lẽ sau năm năm ra đi lại trở về ăn bám gia đình, trở thành một thằng vô nghề nghiệp, làm xấu một gia đình có nề nếp, có tiếng tăm trong thị xã nhỏ bé. Tôi đang đến bờ vực của kẻ cùng đường. Mối tình đẹp đẽ sau năm tháng kiếm tìm đã mất, người con gái mà từ tuổi mới lớn, tôi đã tâm nguyện sẽ đi tìm cũng bỏ tôi mà đi, công lao học hành trong khó khăn giờ đây đã bị khước từ một cách khó hiểu, tôi cô đơn gặm nhấm nỗi đau. Trân Cầm gởi trả bức thư dài của tôi không một lời giải thích, tôi càng đau hơn khi chính Trân Cầm đã cắt thêm nhát dao vào vết thương của tôi, tôi đâu ngờ rằng Trân Cầm lúc ấy cũng đang là một nạn nhân của một màn kịch bỉ ổi và đê tiện.
Có nhiều đêm tôi nằm mơ toàn những cơn ác mộng, tôi mơ tôi đang đi với Trân Cầm trong một thung lũng đầy hoa và bướm, bỗng dưng có một nhóm người, toàn là bè bạn nhảy vào xô tôi ngã xuống, đâm tôi bằng những nhát dao, tôi sắp ngất đi, ngửa mặt giữa trời xanh hiện lên hình ảnh của Trân Cầm nhìn tôi bị dày xéo một cách dửng dưng, tôi không đau nỗi đau thân xác, tôi đau vì ánh mắt lạnh nhạt của Trân Cầm. "Lẫn trong cái chết vẫn còn nỗi đau.(1) "
Tôi được gọi vào phòng tổ chức gặp một ông thầy hom hem nhìn tôi chằm chặp, ánh mắt không có chút hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Ông lơ đãng giở từng trang giấy trong đống hồ sơ dày cộp, đọc lẩm bẩm đôi dòng rồi ngước cặp mắt giễu cợt nhìn tôi. Tôi hồi hộp đợi chờ câu hỏi của ông, nhưng hình như ông không vội. Tôi như kẻ tội đồ đang đứng trước vành móng ngựa chờ tuyên án. Cuối cùng thì ông cũng buông được một câu: Cậu không thể đi dạy học được, hãy lập gia đình và kiếm lấy nghề khác mà sống . Tôi ngạc nhiên tột độ, tôi không hiểu gì cả.Tôi ngây người nhìn ông, ông đưa tay ngoắc ngoắc, ra dấu tôi về. Tôi sững lại một giây, rồi ngoan ngoãn trở ra cửa không một lời thưa. Gió ở đâu thổi về ào ạt, tôi đi lên dốc cầu Trương Minh Giảng, đứng nhìn xuống dòng nước đen ngòm đầy rác rưởi, đầu óc rối tung lên. Câu nói của người cán bộ phòng tổ chức có nghĩa gì? Sao lại khuyên tôi lập gia đình? Sao tôi lại không thể dạy học được. Tôi học tốt, bài làm ra trường rất tốt, khả năng diễn đạt của tôi cũng rất khá. Vậy tại sao tôi lại không thể. Tôi miên man với nhiều câu hỏi không có cách trả lời. Tôi nhìn dòng nước đen rồi hình dung đời mình rồi cũng sẽ như dòng nước kia, đen kịt vì tù đọng và hôi thối. Và rồi tôi cũng ý thức được rằng, tôi đã bị từ chối, người ta đã không chấp nhận tôi vì một lí do bí ẩn nào đó, chứ không phải vì khả năng hay do kết quả học tập của tôi. Gió lại thổi dữ dội, rồi những cơn mưa nặng hạt trút xuống. Tôi dầm mưa đi suốt con đường, con đường có rất nhiều ngả rẽ, nhưng không có ngả nào dành cho tôi, tôi đi mãi cho đến khi đường vắng không còn một bóng người qua rồi ngã gục trước hiên của một ngôi nhà lạ vì lạnh và đói.
******
Tôi gặp Trân Cầm trên sân trường đầy nắng, những cánh phượng đỏ như những giọt máu rỏ xuống sân trường, Trân Cầm hình như muốn tránh mặt tôi, ngôn từ mang tính xã giao, xa lạ, nụ cười không còn tươi trên mặt nàng, đôi mắt như có khói, buồn lặng lẽ. Chúng tôi chia tay trước sân trường không một lời chào. Hình như giữa chúng tôi đang có một bàn tay vô hình ngăn chặn. Tôi lại một mình đi lại những con dường chúng tôi đã từng đi qua, đi dưới những con đường có hàng dây điện giăng ngang cắt nát trời chiều. Cánh Vạc đã bay về, một mình với đôi vai gầy. Tôi biết đi đâu, cũng chỉ còn một mình nhìn quanh chỗ nào cũng chứa đầy kỷ niệm, tôi liêu xiêu một bóng đến con hẻm hun hút gió của nhà nàng. Và tôi gặp hắn - thằng Hoàng -ngay cửa ngõ nhà Trân Cầm. Ngôi nhà có giàn cây huỳnh hoa vàng rực rỡ. Hắn đứng đó, bên cạnh Trân Cầm, hình như hai người đang vui. Hình như có một nụ cười đang hiện ra trên khuôn mặt nàng. Hoàng có vẻ toại nguyện, hắn chào nàng bằng cái vẫy tay. Tôi nhìn lên những cánh hoa vàng trước ngõ nhà Trân Cầm, những cánh hoa vàng rực, vẫn những cánh hoa hôm trước nhưng hôm nay thấy chúng mới vô duyên, trơ trẽn làm sao? Tôi là người thua cuộc, trong cuộc chơi, kẻ thua cuộc phải rời vị trí, đó là qui luật. Tôi trở thành kẻ đứng xem cuộc đời tiếp tục, đó cũng là điều đúng với qui luật.
Thế là chúng tôi mất nhau, sao kết thúc lại nhạt nhẽo đến thế. Chúng tôi lặng lẽ xa nhau không một lời giải thích, cũng chẳng do một lí do nào. Một kết thúc vô lí, đến hàng chục năm sau tôi vẫn thấy vô cùng phi lí.
Trở về gác trọ, đầu tôi ngổn ngang nhiều câu hỏi. Tôi sẽ phải làm gì đây? Tôi sẽ đi về đâu đây? Khi tất cả mong ước, khi những giấc mơ nhỏ nhoi cũng không đạt được. Tôi đã phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn mới gắng gượng đến lúc được ra trường. Những ngày đến lớp đói quặn lòng, những tuần lễ sống chỉ bằng nước lã và khoai lang, những đêm mưa trong căn gác không đủ che những cơn gió giật, chỉ có tình yêu của Trân Cầm đã làm cho tôi hi vọng, bởi đời còn có Trân Cầm nên tôi còn nghị lực để đến trường và tin rằng lúc ra trường cuộc sống sẽ đỡ hơn, bởi tôi chỉ cần cuộc sống bình thường, tôi đã mất hết số tiền lớn vì những thay đổi của thời cuộc, nên chẳng tin có ngày mình sẽ làm lại được như xưa. Nhưng tôi đã bị từ chối, người ta đã lấy cắp ước mơ của tôi, tôi sẽ không có được những buổi chiều cuối tuần đón đợi dưới chân đồi, tôi sẽ không bao giờ được trở về cùng với Trân Cầm trong đồng cỏ đầy hoa dại, sẽ không có dấu chấm nào để đặt dấu cuối cùng cho một tình yêu. "Gió đã thổi chiếc khăn quàng xuống cỏ, nụ cười xưa đã tắt dưới chân đồi. Tôi bất lực bị đời xô ngã quị, cuộc tao phùng còn li biệt mà thôi.(2)"
Tôi bỏ mất năm ngày ngồi ở nhà xếp năm trăm con Vạc giấy, những con Vạc nhỏ nằm ngổn ngang giữa sàn nhà trước cặp mắt ngạc nhiên của đám bạn cùng phòng, tôi cắn chặt răng xếp cho đến khi mấy đầu ngón tay sưng phồng, tóe máu, mất hết cảm giác. Những con Vạc lần lượt ra đời lẫn với những vết máu của tôi, những cánh chim tôi yêu và là hình ảnh của Trân Cầm. Nhưng rồi tôi chất các con Vạc giấy thành một đống lớn, châm lửa đốt. Lửa cháy, những cánh Vạc thành tro tàn bay trong buổi chiều u ám chờ mưa. Tôi cứ tưởng sẽ là quên được hết trong ngọn lửa ấy, nhưng không ngờ bóng Vạc mãi bay trong tôi suốt cuộc đời.
Buổi chiều cuối năm, nhìn gia đình hàng xóm đang quây quần sum họp trong nhà, bất giác tôi thèm một hơi ấm gia đình mãnh liệt, đứa con đi hoang bỗng dưng chạnh lòng nhớ tới ngôi nhà xưa, ở đó đang có cha mẹ, các em vây quanh chiếc bàn ăn tối, có không khí đầm ấm và những ánh mắt cảm thông, tôi thèm một gia đình. Và từ buổi chiều nhớ nhà, cần một hơi ấm sẻ chia những thất vọng, cần có nơi chốn để đi về, để quên đi những mơ ước cũ, quên đi hình bóng tôi đã mang theo từ thuở còn rong chơi, quên đi những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình, quên đi những cơn mơ dữ, tôi đi đến quyết định làm thay đổi đời mình: lấy vợ. Tôi muốn làm một con người khác, tôi muốn rũ bỏ tôi xưa, tôi sẽ không còn là tôi nữa, tôi bỏ lại ngàn cánh Vạc trên bầu trời mơ ước cũ, bỏ luôn những kỷ niệm và ước mơ của một thời ngây dại. Người tôi lấy làm vợ là cô gái đã cứu tôi trong buổi chiều tôi đi trong mưa và ngã quị trước hiên nhà cô ấy. "Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa, mộng trùng lai không có bao giờ.(3)"
*******
Khi chuyện cưới hỏi đã xong, tôi gửi đơn xin cứu xét trường hợp của tôi tới phòng tổ chức. Tôi làm việc này theo sự gợi ý của một cô bạn học cùng khóa vô tình gặp trên sân trường. Cô bạn này đang có quan hệ tình cảm với ông hiệu phó, nên có điều kiện để giúp đỡ tôi toại nguyện. Kết quả đến nhanh hơn tôi tưởng, tôi cầm được quyết định phân công tác đi về vùng tận cùng của đất nước. Dù không được đến vùng cao nguyên như mong đợi, nhưng tờ giấy đó đã đem đến cho tôi niềm vui khôn xiết, chỉ có điều không có Trân Cầm để chia vui với tôi, để được nói lời chia tay với nàng.
Nhưng suốt ba tháng trường, không biết bao lần tôi lên xuống tỉnh lỵ heo hút đó trong thời điểm xe cộ đi lại rất khó khăn, Sở giáo dục của tỉnh không có một dấu hiệu gì đả động đến việc trình diện của tôi. Ngày hai bữa báo cơm tập thể, đi ngu ngơ khắp thị trấn nhỏ bé, chẳng có ai hỏi han đến mình. Tôi lại bắt đầu lâm vào một ngõ bí mới. Khi tất cả trường học đã khai giảng gần hai tháng rồi, không kiên nhẫn được nữa tôi xin gặp cán bộ phụ trách ở sở. Tiếp tôi là một đồng chí nữ nhỏ bé, mặc chiếc áo bà ba và chiếc quần đen ngắn đến mắt cá chân. Sau một hồi hỏi chuyện bâng quơ, bà ta bảo với tôi bằng một thái độ rất nghiêm nghị: Sở chúng tôi rất cần những giáo viên được đào tạo chính qui như anh, nhưng sở không thể nhận một giáo viên có tư cách như anh được. Tôi ngạc nhiên: nhưng thưa, tôi đã tốt nghiệp với đầy đủ các môn học, tôi không vi phạm chính trị, tôi không chống đối lại đường lối, chính sách của nhà nước, thế tại sao tôi lại không đủ tư cách để dạy học. Bằng cái nhìn soi mói pha lẫn khinh rẻ, bà cao giọng: Anh có đủ trình độ để dạy học nhưng anh không đủ đạo đức để làm người thầy. Tôi bắt đầu thấy máu nóng bốc lên mặt: Sao lại không đủ đạo đức… Không đợi tôi nói hết câu, bà cán bộ rút từ trong ngăn kéo ra một bọc hồ sơ, đẩy đến trước mặt tôi và nói với giọng có vẻ dịu hơn: có lẽ anh không biết thật, vậy thì tôi nói rõ cho anh biết, trong hồ sơ của trường sư phạm chuyển về, có một biên bản của một buổi họp gồm hơn chục trang giấy kết luận anh đạo đức hạng C, là hạng không thể chấp nhận ngoài xã hội chứ đừng nói ở trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Anh bị lên án là có quan hệ nam nữ bất chính, không trong sáng trong quá trình học tập, là người kiêu căng, tự mãn, có tư tưởng chống đối tập thể.
Tôi há hốc miệng, không nói được câu nào, máu nóng không biết từ đâu trào lên làm cho mặt nóng bừng như có lửa. Tay nắm chặt tôi giơ lên định đấm mạnh xuống bàn, nhưng tôi kịp trấn tĩnh, bàn tay kịp dừng lại. Bây giờ thì tôi đã hiểu hết, đã nhìn thấy được hết, đã biết được mọi nguyên do. Mối tình đẹp như bài thơ của chúng tôi bị kết án là cuộc tình bất chính, không trong sáng. Những lời góp ý, phát biểu để hiểu hơn bài giảng trong sinh hoạt chính trị của tôi là những tư tưởng chống đối mọi người. Thế thì cuộc đời này còn có chi là đẹp đẽ, có chi là trung thực. Mọi giá trị đã bị đảo lộn, mọi qui ước đã bị đổi thay. Nhân danh ai, nhân danh cái gì để kết án chúng tôi. Suốt cả cuộc tình chúng tôi chỉ một lần hôn phớt môi nhau trong buổi chiều mưa tháng Sáu, chỉ một lần cầm tay trong giấc ngủ ở nông trường, đó là bất chính, là phạm vào điều tối kỵ sao? Bỗng dưng tôi chợt nhớ có một câu thơ rất hay: "Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người". (4)Sao chúng tôi yêu nhau lại bị tước mất quyền làm người tử tế? Chúng tôi cố giữ cho cuộc tình thật thánh thiện, thật đẹp đẽ lại bị loài người gán cho là mối quan hệ không trong sáng, bất chính, phải hủy diệt, phải chối từ, phải bị lên án.
Tôi được đọc chục trang biên bản đó, đó là buổi họp chi đoàn khoa Văn. Người chủ trì, những người tham dự đều là những người bạn học chung lớp, những người hàng ngày chứng kiến cuộc tình của chúng tôi, những người hàng ngày ngồi chung bàn, cười chung chuyện với chúng tôi. Bây giờ họ trở thành những quan tòa tố cáo, kết án chúng tôi. Lúc này tôi càng hiểu hơn những ánh mắt hằn học, đố kỵ thường lóe lên sau lưng tôi. Họ nhân danh đạo đức khi họ đang làm chuyện phi đạo đức. Họ thêm thắt, thêu dệt những điều không có, họ gán cho tôi những tội lỗi mà tôi không hề phạm, những tội lỗi mà tôi chưa hề nghĩ đến, nói chi chuyện thực hiện. Họ tưởng tượng ra cảnh chúng tôi hò hẹn với nhau trong những đêm ở nông trường, xa lánh mọi người để hưởng thụ xác thân với nhau trong nhiều đêm đi lao động, sao họ không biết rằng thời gian đó tôi không có mặt ở nơi người ta dựng lên cảnh giả, lúc đó tôi đang ở một tỉnh lỵ xa nơi đó hàng trăm cây số. Thương cho Trân Cầm, nếu cô ấy biết được chuyện này, Trân Cầm làm sao chống chọi được với dư luận khắc nghiệt, làm sao chịu được mối oan khiên này. Tôi đã hiểu được sao mắt Trân Cầm như có khói, nguyên do nàng cố tránh tôi. Trân Cầm đang cố tránh những lời dị nghị, những dư luận bắt nguồn từ một vở bi hài kịch. Một vở kịch rất tồi nhưng mọi người đều cố tin và cùng nhau vỗ tay. Họ có nghĩ gì không khi buông lời kết án một con người, họ có nghĩ tới một hậu quả vô cùng tai hại khi họ gieo xuống một mầm ác, họ nghĩ gì khi xô người khác xuống bùn đen. Tôi hiểu và thông cảm thái độ và quyết định của người cán bộ sở. Họ là người chỉ biết căn cứ vào biên bản, vào những báo cáo. Và khi tiếp nhận báo cáo như vậy thì ai có thể dám nhận một người đạo đức hạng C như tôi làm giáo viên để giảng dạy cho thế hệ trẻ.
Tôi trở về thành phố ngay trong đêm với bọc hồ sơ người cán bộ tin tưởng giao cho. Bọc hồ sơ hơn chục trang đầy kín chữ chứa những lời kết án đã đóng tôi vào thập tự.
Sau nhiều lần tìm đủ mọi cách để được gặp cán bộ phòng tổ chức, nhiều lần dùng đủ mọi lý lẽ, mọi bằng chứng chứng minh mình là người bị oan khuất, những lời kết tội là không đúng sự thật, tôi đã được bố trí về dạy học ở một trường xa tít ở ngoại thành.
*******
Con đường đến trường thật lắm gian nan, sau gần năm tiếng đồng hồ chuyển từ xe buýt qua xe lam, rồi lên xe ngựa, rồi một chuyến xe lam nữa đi qua nhiều chiếc cầu nhỏ, nhiều đồng lúa trơ gốc rạ tôi mới đến được ngôi trường. Đó là những dãy nhà thấp lè tè lợp tôn, vách tường nham nhở những vết thương. Sân trường đọng những vũng bùn với hàng cây điệp vàng quắt queo, hàng cây bã đậu xù xì gai góc. Đêm đêm tiếng ễnh ương kêu buồn não nuột. Nhưng tôi rất vui vì đã được đón nhận. Có lẽ người ta đã hủy bản án của tôi rồi, tôi nhủ thầm sẽ cố gắng phấn đấu để chứng minh rằng tôi vẫn là người còn có ích, tôi sẽ cố gắng dạy học và sống thật tốt để minh chứng cho cuộc đời thấy rằng những lời kết tội kia là những điều dối trá. Dù thời gian đầu gần sáu tháng, tôi không được lãnh lương, hàng tháng tôi chỉ lãnh được vài kí gạo độn bo bo, người ta muốn dò xét, hoặc thử lòng tôi chăng? Những năm tháng đó là giai đoạn khó khăn về kinh tế của cả nước, bữa cơm tập thể luôn độn bo bo hoặc bột mì, món ăn quanh năm là tô canh rau hay bầu bí lỏng bỏng nước và miếng cá tanh tưởi , nát nhừ, ươn thối. Những ngày ấy tôi sống không ham muốn, không lo âu, chỉ biết làm việc và cống hiến. Tôi chấp nhận cuộc sống ở miền quê này, tìm thấy niềm vui trước những tình cảm rất chân thật của các học trò nhỏ. Tôi xung phong dạy hết ba cấp lớp, dạy suốt tuần không nghỉ mong quên được hình bóng của Trân Cầm, hình ảnh của mối tình đã mất. Quên đi cay đắng cuộc đời dành cho.
Đôi khi, trong mùa đi chấm thi, tôi cũng có gặp Trân Cầm, chúng tôi cũng có nhiều câu chuyện để nói với nhau, nhưng rồi mỗi đứa lại đi mỗi ngả, để lại trong tôi nhiều nỗi nhớ hơn. Tôi ở đấy gần năm năm, gần như không biết những đổi thay của thế giới, bởi không điện, không truyền hình, truyền thanh, thỉnh thoảng chỉ đọc một vài tờ báo cũ. Tôi như người tù nhân tự nguyện bị giam lỏng nơi chốn xa xôi, xa nền văn minh đương đại. Bạn bè tôi ở thành phố không gặp được tôi nên một số cứ đinh ninh tôi đã vượt biên, bởi lúc này phong trào vượt biên rầm rộ lắm. Tôi trở thành anh nhà quê ngơ ngác khi có dịp về chốn thị thành, mà thật ra chốn thị thành thì cũng nghèo nàn, thiếu thốn, mọi người ai cũng lao lực kiếm ăn, chỉ biết làm sao để có ăn cho no là hạnh phúc. Hạnh phúc là được mua được tấm vải, chiếc vỏ xe, lạng thịt theo giá phân phối. Hạnh phúc rất giản đơn. Còn tôi thì cứ quắt quay tìm kiếm một thứ hạnh phúc xa vời không có thực.
*******
Những khó khăn trong cuộc sống, những mâu thuẫn gia đình càng ngày càng lớn dần lên đưa tới kết cuộc là vợ chồng tôi phải đi tới cảnh chia tay, tôi trở lại cuộc sống độc thân, lại ngày ngày nhận thau cơm ở bếp ăn tập thể, lại hàng đêm đối diện với bóng mình. Nhưng ở nơi xa xôi này, người ta vẫn chưa quên chuyện cũ, đã có lần chuyện đạo đức hạng C của tôi lại được đem ra bàn cãi, đó là lúc chi đoàn định kết nạp đoàn viên cho tôi. Qúa khứ đó cộng với việc tôi vừa ly dị đã khiến cho mọi người không đồng ý cho tôi cùng đứng chung hàng ngũ, tôi vẫn là người có không đủ đạo đức để tiến lên. Tôi cũng chẳng lấy chuyện đó làm buồn, bởi tôi hiểu mình đã bị vết chàm bôi bẩn, dễ gì được tẩy trắng lại đâu. Tôi chỉ mong sự bình yên.
Đủ thời gian công tác ở ngoại thành, tôi được trở về thành phố. Trân Cầm lập gia đình khi tôi vừa có quyết định li hôn. Âu đó cũng là số trời, bởi chúng tôi có duyên gặp nhau nhưng không có nợ để trói nhau. Tôi cầu mong cho Trân Cầm được hạnh phúc, có lẽ chúng tôi sẽ không nên gặp nhau nữa, mỗi người đã có một phần số của mình.
Tôi cố thu mình lại để sống, lạnh nhạt với mọi người, xa lánh chốn đông vui, một mình gặm nhấm những éo le và bất hạnh. Nhiều đồng nghiệp nữ có cảm tình với tôi, có lẽ do sự lạnh lùng xa cách không giống ai khiến họ tò mò muốn tìm một cuộc phiêu lưu, khám phá. Nhưng tôi không cùng tham dự được bằng trái tim nguội lạnh với con người.
Rồi Trân Cầm đi xa, tôi biết tin này chỉ một ngày trước khi nàng bay. Tôi viết vội vài dòng thay cho lời đưa tiễn. Ngày Trân Cầm đi, tôi đến sân bay kiếm góc kín đứng nhìn nàng lặng lẽ. Và khi nàng bước ra máy bay, tôi lên phòng lầu dành cho khách tiễn đưa nhau, nhìn xuống sân bay mênh mông, tìm một khung cửa sổ, buộc vào một chiếc khăn bay trong gió và hi vọng rằng từ khung cửa máy bay Trân Cầm sẽ nhìn thấy chiếc khăn như bàn tay vẫy vĩnh biệt. "Môi cười ở cuối sân ga, chùm bông tuyết mỏng pha màu vĩnh ly (5)". Ở đây trưa nắng, không có tuyết, nhưng sao tôi thấy lạnh vô cùng. Thế là từ nay tôi sẽ không bao giờ gặp Trân Cầm được nữa. Chiếc khăn đã bị gió cuốn đi. Dòng đời cũng đã cuốn chúng tôi đi. Vĩnh biệt!
Từ ngày đó, khi đi đường, tôi cứ khao khát tìm theo những người như có dáng như Trân Cầm, những người tóc xõa, vai gầy, đi guốc mộc, đội nón lá, hi vọng tìm được Trân Cầm giữa phố đông, để chào nhau giữa con đường, để cho nhau nụ cười giữa phố phường ngựa xe. Nhưng hình bóng đó không còn tìm thấy được bởi người đã đi xa, mà phố xá bây giờ có ai dùng nón lá và guốc mộc. Ngỡ như là tuyệt vọng.
Nhưng rồi Trân Cầm lại trở về, với mái tóc bạc trắng vì những ngày tháng cực nhọc nơi xứ lạ. Tôi gặp Trân Cầm giữa phố, nỗi mừng vui pha lẫn chút xót xa. Cuộc hạnh ngộ rất ngắn nhưng làm cho tôi quá sững sờ. Dấu thời gian đã bắt đầu hiện diện trên nhan sắc. Hòn đá lăn không đóng rêu, thời gian làm rong rêu những bậc thềm vắng. Thời gian làm rong rêu trái tim tôi, trái tim tù đọng mệt mỏi vì yêu người. Cả hai chúng tôi đã bắt đầu của tuổi già. Nhưng vẫn chưa được yêu nhau trọn vẹn.
***********
Tôi từ bỏ nghề giáo, nhảy vào nghề buôn, bởi nghề buôn chỉ cần chữ tín, người ta không xét lí lịch, thương trường không xét đạo đức hạng nào mà chỉ cần anh năng động và biết nắm bắt cơ hội. Tôi buôn bằng chất xám của mình, lấy tim óc đổi thành tiền bạc, lấy tiền bạc đổi thành ngựa xe, nhà cửa. Tôi trở thành anh nhà giàu trong thời kỳ đổi mới. Tôi lại có chức danh, có nhiều kẻ xoay quanh xu nịnh, có nhiều thứ trong tay, chỉ thiếu có tình yêu của Trân Cầm. Tôi chạy theo cơn lốc làm giàu suốt một thời gian dài, bỗng có lúc ngồi nhìn lại, trái tim bệnh hoạn mệt mỏi của tôi lên tiếng, nỗi khát khao về ngôi nhà trên đồi nhìn xuống cánh đồng hoa vàng trên thành phố đầy sương trắng của ngày xưa lại cháy bỏng trở về. Tôi lên Blao, mua trang trại này, trồng những khóm hoa vàng trên đồi, như để ghi nhớ một cuộc tình thời tuổi trẻ, một mối tình sẽ đi mãi suốt cuộc đời tôi. Một cuộc tình lãng mạn kéo dài qua hai thế kỷ.
Mới đây, tôi đọc được những bài viết của Trân Cầm ghi lại những ngày tháng năm nàng lao động ở xứ người, những nỗi cô đơn, nhớ quê nhà của cô ấy, bỗng tôi chợt có ý nghĩ lãng mạn cuối cùng, tôi sẽ bay qua xứ lạ đó. Tôi sẽ đi trên những con đường Trân Cầm đã đi, thở không khí Trân Cầm đã thở, để nghe trong bão cát vàng, trong gió tuyết những nỗi cô đơn của một kẻ xa nhà, để chia sẻ nỗi buồn của kẻ tha hương. Tôi sẽ đi nhìn những chiếc lá đỏ, những chiếc lá nàng đã từng nhìn, những cây phong lá đỏ của rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Tôi sẽ đứng nghe gió thổi, những ngọn gió đã từng thổi qua người nàng. Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa trên dốc núi, sẽ ngồi trên phiến đá nàng đã từng ngồi, nghe tiếng chuông chùa lặng lẽ giữa thinh không. Để cảm nhận được rằng, thế gian này có đó rồi mất đó. Sắc sắc không không.
Tôi không có được Trân Cầm trong cuộc sống lứa đôi, nhưng tôi đã có nàng trong mộng tưởng.
Tiếng chuông chùa sẽ cho tôi quên đi tục lụy, quên đi những ác tâm đã làm cho chúng tôi xa cách ngày xưa, quên hết mọi người để chỉ còn hai đứa chúng tôi, lại đi trong mưa trong mùa mưa tháng Sáu.
Thuở mới quen nhau. Trân Cầm có chép cho tôi bài thơ, trong đó có câu: Có trầu mà chẳng có cau, Thì đành không đỏ môi nhau kiếp này. Thật vậy, có trầu không cau đúng là quá vô duyên, tôi cũng quá vô duyên khi tưởng tượng đến một cuộc dầm mưa giữa tuổi năm mươi, khi cả hai đã bị dấu vết thời gian làm cho mệt mỏi, khi cuộc đời đã quật cho đến mệt nhoài. Nhưng hàng năm vẫn có tháng Sáu, và tháng Sáu vẫn có những cơn mưa.
Thế nhưng chuyến đi của tôi đã không thực hiện được, khi hành lí đã chuẩn bị xong, chiếc vé máy bay đã nằm trong túi áo, mùa thu lá đã vàng thì tôi nhận tin Trân Cầm vừa qua đời . Cái chết đến đột ngột như một cơn gió độc thổi qua cõi trần gian này. Tôi không tiễn được nàng về chốn xa xôi ấy. Tôi không được mang những bông hoa cẩm chướng trắng mà nàng rất ưa thích đến bên tấm hình hài đã bất động rồi. Chúng tôi cũng chẳng có một đoạn đường ngắn ngủi để tiễn đưa nhau. Ước vọng của một thời cũng đã chấm dứt, tôi về đây để nghe gió thổi và lá rụng trên đồi. Mỗi buổi chiều ngồi lặng lẽ để nhớ những tàn phai và cuộc tình không có lời chia tay. Có lẽ ở bên kia của thế giới, mỗi buổi chiều nàng cũng giống như tôi ngồi nhìn chiều đang đi và tiếc cho một cuộc tình.
*******
Vệt sáng đã bắt đầu hiện lên ở chân đồi, ông bạn già của tôi ngừng kể, đôi mắt ông xa xăm nhìn về phía có ánh sáng vừa lên. Có tiếng kêu của con nai lẻ bạn, vang trong trảng cỏ. Ngày mai sẽ là ngày nắng đẹp. Tôi sẽ về Sài Gòn, về lại nơi loài người đang tranh nhau sống, đang cố sức để dìm nhau xuống. Chắc chắn sẽ có ngày tôi sẽ trở lại nơi này, ông bạn già của tôi ơi.
Sài Gòn, tháng Sáu 2002
DODUYNGOC
(1) Thơ Hồ Dzếnh
(2) Thơ Đỗ Duy Ngọc
(3)Thơ Bùi Giáng
(4) Thơ Nguyễn Đình Thi
(5) Thơ Bùi Giáng