Hoạ sĩ JUNG HUN SUNG ( Hàn Quốc) lớn lên ở Yeosu và hiện sống tại Goyang. Sở trường vẽ màu nước và đã sáng tác nhiều tác phẩm tuyệt đẹp. Để thành công với chất liệu màu nước là điều không dễ dàng. Với sơn dầu, nếu không thích, ta có thể chồng màu khoả lấp cái cũ để vẽ cái mới. Với màu nước thì không thể, một nhát cọ đã buông xuống thì không sửa được hoặc rất khó để sửa. Do vậy, vẽ màu nước cần có tay nghề thành thục và kinh nghiệm lâu dài với chất liệu này. Tui giới thiệu một trong rất nhiều tác phẩm của Jung Hun Sung cho mọi người cùng thưởng lãm. Cứ tưởng tượng ta đang đi vào phòng trưng bày tranh và lần lượt thưởng thức.
23.2.2020
DODUYNGOC
Xem ảnh Full
Top Menu
▼
Main Menu
▼
Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020
ĐÊM HÔM QUA KHÔNG NGỦ
Tôi đếm mười con cừu, trăm con cừu,ngàn con cừu
Tất cả đứng chênh vênh trên núi đá
Một vài con len lỏi ở trong khe
Vẫn không ngủ được
Đêm vô tận
Tôi đếm hàng triệu con ruồi trong bãi rác
Lúc nhúc như loài người ở địa cầu
Chúng kêu bằng một âm thanh kỳ lạ
Tiếng kêu từ đôi cánh chăng?
Những con mắt lồi trừng trừng nhìn tôi
Tôi vẫn thức
Và đêm vẫn dài
Tôi đếm những giấc mơ tôi đã mơ suốt một đời
Chúng bay cùng mây trên trời
Để lại những đắng cay
Và tiếc nuối
Giấc mơ không có âm thanh
Chúng nói bằng ngôn ngữ của tịch liêu
Tôi vẫn nhìn trần nhà
Đêm đông đặc lại
Tôi đếm những mặt nạ tôi đã gặp
Chúng nhiều như bướm
Mặt đỏ, mặt xanh, mặt vàng, mặt trắng
Toàn gian trá và lừa lọc
Tôi muốn đọc một câu trong kinh thánh
Chưa nhớ thì đã quên
Đêm tuyệt vọng
Tôi cũng chẳng còn hi vọng
Đôi mắt mở to giữa bề bộn chiếu giường
Tôi đọc vạn lời kinh từ khi tiếng chuông đồng hồ đổ
Chữ nghĩa bay phất phơ
Chuông mõ trốn biệt
Kinh cầu xẹt qua bóng tối
Tôi nhìn đêm
Đêm đứng ngoài cửa sổ
Tôi nguyền rủa đời mình bằng những tiếng lắp bắp
Những giọt mồ hôi giữa khuya vắng
Cơn dục tình không động đậy
Tôi nằm im nghe tiếng chó sủa trăng
Giấc ngủ chẳng về
Đêm trượt dài vết xước
Tôi đếm những người phụ nữ đã đi qua
Một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười mười một
Không thiếu dối lừa và tệ bạc
Cũng thừa thãi đắm say
Những người phụ nữ đâm vào tôi rồi mất hút
Như bóng đêm
Cả một nửa thế giới ngủ rồi
Tôi còn thức
Sáng nay tôi như kẻ mộng du
Và buổi chiều một cơn choáng đến đột ngột
Khi đang ngồi với một ông tu sĩ
Điếu thuốc rời khỏi tay và những tờ tiền xanh bay lả tả
Quay mòng mòng như say sóng
Đêm đã bào mòn tôi
Và đời tôi đang mỏng dần đi
Một cái ngáp giữa hoàng hôn
Đêm nay lại thức
21.2.2020
DODUYNGOC
Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020
NHỚ TẾT XƯA
Thế là Tết đang đến. Đang là trưa 30 Tết. Nhà toả mùi nhang trầm, bỗng nhớ nhiều về những cái Tết của những ngày xưa cũ. Tết của những năm xưa cứ hiện về, không quên được. Nhớ nhất là bàn thờ, ba tôi luôn chú trọng cái bàn thờ dù trong hoàn cảnh nào. Ngày thường đã chăm chút, ngày Tết lại càng chăm sóc nhiều hơn. Khoảng sau khi đưa ông Táo về trời, tôi và anh trai lớn phải bắt tay vào chùi cho bóng bộ tam sự bằng đồng. Bộ này gồm cặp đèn, bộ lư, bình bông. Tất cả đều có chạm trổ mai lan, hoa điểu nên chùi rất cực. Phải cho thuốc vào các kẽ cho thấm, phơi nắng rồi mới dùng giẻ lau cho bóng ngời lên. Trước đó mấy hôm, tôi phải đi mua cát trắng về thay bát nhang mới. Những chân nhang cũ đem đốt, bỏ cát cũ, thay cát mới trắng ngần. Nhà tôi thờ một bức tranh Quan Thế Âm làm bằng vải nổi, bức tranh tượng rất nghệ thuật mà sau này tôi không còn tìm thấy đâu nữa. Tranh làm bằng vải bóng có hoa văn chìm nên không rửa được, hàng năm chính tay ba tôi lau chùi một cách thận trọng. Không hiểu sao ba tôi rất thích hoa vạn thọ, năm nào ba tôi cũng mua vài chậu để trước sân, trên hồ cá, màu vàng của hoa sáng cả một vùng. Mạ tôi lại chỉ thích hoa huệ trắng và hoa lay dơn đỏ. Một người thì thích loại hoa bình dân quê mùa, người kia lại chuộng loài hoa quý tộc, sang trọng. Hai ý thích trái ngược nhau thế mà vẫn sống với nhau hơn sáu mấy năm và sinh cả đàn con. Thế mới hay.
Chiều 29 Tết, ba ngồi gói bánh chưng. Ba tôi theo Tây học, học Huế rồi ra Vinh, không biết ba học gói bánh ở đâu và lúc nào mà ba gói rất khéo, bánh chặt, vuông vức mà chẳng cần khuôn. Mạ thì lo làm mứt, nhà đông con, món mứt nào cũng làm cả thau lớn. Tôi chỉ chờ món nào xong là xin vét thau, sao mà ngon thế. Đường cháy vàng, miếng mứt sót hơi quá lửa nhưng thật là tuyêt cú mèo. Mạ làm đủ thứ bánh, bánh in bột trắng, bánh đậu xanh khô, ướt nén trong những cái khuôn gỗ, bánh nổi lên những chữ Phúc, cành hoa. Xong lại gói trong giấy kiếng xanh đỏ nhìn rực rỡ sắc màu. Mấy người giúp việc thì lao xao cắt tiết gà vịt. Tôi tránh mấy cảnh này vì thấy thương chúng quá nhưng ăn thịt chúng thì chẳng chê. Dưa món, dưa kiệu xếp đầy trên garde manger. Có mấy hủ thịt dầm nước mắm, thịt đã thấm trong veo miếng mỡ, mai mốt mới được ăn.
Tất bật thế nhưng Mạ vẫn khoan thai với những giọt mồ hôi. Bận rộn thế nhưng Ba lại bao dung không khó khăn la mắng các con như ngày thường. Tết mà.
Trưa 30, pháo nổ đì đẹt khắp nơi. Sân nhà đủ màu của bông hoa, giữa sân thêm chậu mai vàng. Nấu nướng đã xong, tôi không còn chực để vét nồi, bắt đầu chạy đi lượm pháo lẻ nhà hàng xóm. Cứ nghe đâu có tiếng pháo là chạy đến, pháo vừa dứt tiếng là ùa vô lượm mấy viên pháo lép. Ôi những viên pháo lép của ngày xưa, niềm vui ngày Tết của một thời không tìm thấy nữa. Những viên pháo với tiếng nổ, với khói xịt và mùi thuốc súng. Đó là mùi của Tết. Mùi thuốc súng, mùi nhang trầm, mùi thức ăn ngào ngạt tạo ra một mùi thật lạ lùng chỉ có trong những ngày Tết. Ba bận bộ áo the đen, trịnh trọng đốt đèn, lư đồng sáng ngời toả hương trầm, bàn thờ sáng rực ánh nến với ánh đèn chớp nháy quanh khung ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát. Năm nào tôi cũng thấy ba tôi khóc, những giọt nước mắt của người đàn ông thường ngày là kẻ quyền uy nhất trong gia đình. Ba tôi nhớ quê hương, nhớ ông bà, nhớ mồ mả của ông bà nội không biết bao giờ mới được nhìn lại vì lúc đó đất nước chia hai bờ, chiến tranh chẳng biết bao giờ mới chấm dứt. Ba đốt một tràng pháo dài, xác pháo hồng tràn ngập sân, Tết tràn khắp nơi trong căn nhà. Rước ông bà xong là bữa cơm chiều ba mươi của gia đình. Mười mấy đứa con, thêm ba mạ, người làm, bữa ăn như là bữa cúng giỗ. Thức ăn ê hề lắm món, mấy đứa nhỏ loay hoay chẳng biết chọn món nào trước món nào sau, ba rót thêm chén rượu, một bữa ăn đầy những tiếng cười. Vừa bỏ chén xuống là tôi lại chạy đi kiếm pháo lép, để đầy một bọc, cứ ngồi ở sân mà đốt đì đùng. Sao hôm nay chợt nhớ tiếng pháo lạ lùng. Tiếng pháo của thời tuổi nhỏ đã đi qua không ngoái lại.
Đem ba mươi chúng tôi được thức chờ giờ giao thừa. Gió xuân lành lạnh, có năm phải mang áo ấm. Đồng hồ điểm mười hai giờ, pháo nổ khắp nơi. Bàn cúng ở ngoài sân, ba lại mặc áo the dâng hương rồi đốt thêm phong pháo. Tụi tôi ăn mặc chỉnh tề, xúng xính trong bộ quần áo mới, cũng cúi lạy chào xuân mới, rồi xếp hàng chúc Tết, rồi lại ăn khuya. Món chè đậu xanh Mạ nấu ngon thiệt là ngon, sau này mấy đứa con dâu nào cũng học nấu chè đậu xanh ở Mạ. Giờ trong đầu tôi vẫn hiện ra mồn một những dãy chén chè đậu xanh xếp lớp ở trên bàn, những cái chén kiểu trắng ngần vẽ rồng xanh. Những chén chè khoai môn tím rịm. Ôi chao! Nghe như có vị ngọt đang nằm trên đầu lưỡi.
Sáng mồng một, Ba dậy sớm lại đốt thêm phong pháo dài. Mạ diện chiếc áo dài nhung hoặc gấm. Mạ đeo chuỗi ngọc trắng, có khi là chiếc kiềng vàng. Ba bận bộ veston xanh đậm, thắt cà vạt đỏ chở mạ đi chùa, hái lộc. Hoa mai nở vàng sân.
Nhớ tà áo dài của Mạ, nhớ dáng bước của Ba.
Tụi tôi ở nhà, diện đồ đẹp hớn hở đi ra đi vào chờ khách đến lì xì. Ngày thường muốn ăn gì phải xin, có phép mới được ăn. Mấy hôm Tết được ăn thả dàn, đi ra bốc miếng mứt, đi vào lấy miếng bánh, ăn suốt cả ngày. Chiều tối cả nhà ngồi quanh chơi bài Tới. Nào là con Ầm, con Tuyết, Nọc đượng, Mõ... Vui lắm. Những con bài tới là những miếng bìa dài trên vẽ những hình ngoằn nghèo như tranh trừu tượng, như totem của mấy dân tộc da đỏ. Rồi chuyển sang đánh bài các tê. Mạ tôi là bậc sư của mấy món cờ bạc này, mạ chơi chỉ thắng chứ không bao giờ thua, tài thế. Đứa thua mặt méo xẹo, đứa thắng thì hớn hở. Mấy món cờ bạc này kéo dài đến tận mồng năm Tết. Rồi mọi chuyện trở về như cũ. Tết đi qua.
Bây giờ đã vào tuổi già, đã gần đến bảy mươi. Con cháu cũng đã đủ đầy, ngày Tết chẳng còn không khí cũ. Ba Mạ lần lượt khuất bóng, người thân cũng mất dần. Tết bây giờ thiếu pháo nên Tết mất đi một nửa không khí Tết. Thức ăn bây giờ cũng chẳng thiếu nhưng lại thiếu cái hồn Tết của những ngày cũ. Chiều ba mươi đốt nén nhang tưởng nhớ mọi người đã khuất, nhớ những ngày Tết năm xưa, lòng bỗng rưng rưng.
30 Tết
4.2.2019
DODUYNGOC