Top Menu

Main Menu

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

PHỞ MINH.









Lâu lắm rồi sáng nay mới trở lại ăn phở Minh. Quán nằm trong hẻm nhỏ đường Pasteur, ngày xưa phía ngoài là rạp xi nê Casino Sài Gòn. Ngoài phố bao nhiêu đổi thay theo thời gian, rạp xi nê không còn, thay vào đó là cao ốc khách sạn sang trọng, bề thế,. Thế nhưng con đường vào hẻm nhỏ xíu và quán phở Minh vẫn thế. Hẻm nhỏ, những căn nhà bình yên, quán phở vẫn thấy trống trải vì chỉ để chưa đến chục cái bàn, đấy là kể luôn căn đối diện. Quán vẫn có cảm giác xưa xưa, cũ cũ loáng thoáng mùi của quá khứ. Ngồi trong quán, nhìn mặt bàn lên nước và bà chủ khẳng khiu, thấy thời gian như dừng lại, chỉ thiếu bài thơ Phở tìm không thấy. Nghe kể hồi xưa lắc lơ có ông chủ tiệm giày bên Lê Thánh Tôn rất mê ăn phở và cũng mê truyện kiếm hiệp Kim Dung, một thứ truyện một thời dân miền Nam nhiều người nghiện. Ông chủ phở Minh và ông chủ tiệm giày cũng là dân Bắc kỳ và là bằng hữu thân thiết. Tuy là chủ hiệu giày nhưng cũng có máu văn chương nên có tặng ông bạn mình một bài thơ phở với đủ thứ phụ tùng của phở:

Nổi tiếng gần xa khắp thị thành
Trần Minh phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh…

Ngày xưa ông chủ phở thuê người viết bài thơ theo kiểu chữ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, lối chữ tương tự bây giờ gọi là thư pháp ấy và treo ở vị trí trang trọng trên vách của quán phở. Giờ không thấy nữa.

Phở Minh bao năm rồi vẫn thế, tô phở nho nhỏ vừa ăn, thịt cũng không nhiều, đủ để còn thèm cho ngày mai. Hương vị nhẹ, không nồng đinh hương, quế, hồi mà chỉ mùi gừng nướng phảng phất quyện chút hương sả mà người tinh ý sành ăn lắm mới nhận ra. Bát phở thanh cảnh, người khách cảm thấy nhẹ nhàng mà ăn, từ từ mà thưởng thức. Hôm nay trở lại, hình như nước lèo hơi thiếu đậm đà và bánh hơi nhão, nhưng thịt thì vẫn thế, đủ tái, nạm, gân, gầu, vè. Ở đây, miếng nạm, miếng gầu vẫn dậy mùi thơm, beo béo, mềm vừa ăn mà không nát. Mang tiếng phở Bắc, nhưng ở đây vẫn có rau, ngò gai, giá trụng, tương đen tương đỏ như quán phở Nam. Có lẽ trải bao năm, quán phở Minh vẫn giữ được hương vị đặc trưng của miếng thịt bò của quán, béo mà không ngậy, mềm đủ để nhai thấm trong từng thớ lưỡi. Quan phở Minh cũng có món xí quách ngon nhưng khó gọi vì phải dặn trước mới còn.

Phở Minh có mặt ở đây từ năm 1942 với chiếc xe đẩy nhỏ, đến năm 1950 thì thành tiệm. Bao nhiêu năm trôi qua, bao biến thiên của thời cuộc, quán phở hầu như không đổi, hương vị cũng chẳng phai theo thời gian.

Biển hiệu “phở Minh” và các vật trang trí vẫn còn được giữ nguyên vẹn mà nổi bật là chiếc đồng hồ Odo gõ kính cong như nhắc nhở dù qua bao năm tháng, phở Minh cũng chẳng có chi đổi khác. Chắc ông chủ ngày xưa đã đi xa rồi, bếp chính hiện nay là bà Sáu, con gái út ông chủ đầu tiên của phở Minh. Bà cũng đã già, với dáng gầy gò, có lẽ mốt mai sẽ đến thế hệ thứ ba tiếp nối.

Quán không đông đúc, xô bồ như những quán phở nổi tiếng ở Sài Gòn. Ngồi trong hẻm nhỏ, trong quán phở đã có mặt ở đất này hơn bảy chục năm, giữa chen chúc, lộn xộn ngoài kia, lại tìm thấy một khoảng lặng rất bình yên với bát phở bốc khói ngào ngạt. Ăn bát phở để nhớ một thời trẻ trai, nhai miếng thịt để nhớ thương một thuở hàn vi, muốn ăn được bát phở ở đây cũng không phải dễ vì nghèo.

Giờ đã tuổi lão, tóc chẳng còn xanh, chân tay đã yếu, râu đã bạc, người thân kẻ còn người mất, ngồi lại quán xưa cũng một thoáng ngậm ngùi
29.11.2019
DODUYNGOC

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

HONGKONG





Đã có tiếng kêu cứu từ Hong Kong. Tình hình càng ngày càng tồi tệ và tuyệt vọng. Bởi chính quyền Trung Quốc cương quyết không lùi bước và quyết định phải dập tắt cuộc đấu tranh với bất cứ giá nào.

Cảnh sát Hồng Kông với chiến dịch tấn công nhắm súng vào đầu người biểu tình, xịt hơi cay và đè một phụ nữ mang thai xuống đất, điên cuồng sử dụng đạn hơi cay, đạn cao su, xua đuổi và bắt bớ nhiều người. Cảnh sát Hồng Kông không chỉ đóng giả làm nhân viên cứu hỏa, mà còn cải trang thành người biểu tình ở khu vực đường Tai Po để vào trong Đại học Trung văn. Nhiều trường đại học đã bị tấn công, nhiều sinh viên đã bị bắn, bị bắt, máu đã loang trong sân trường đại học. Khi cuộc biểu tình ở Hong Kong nổ ra, người ta đã lo sợ một Thiên An Môn thứ hai sẽ được lập lại. Và theo thời gian, quả đúng là như thế, nhưng bây giờ chính quyền Trung Quốc nhiều thủ đoạn hơn, tinh vi hơn và thâm độc hơn. Đã có nhiều xác chết trôi sông, đã có nhiều thanh niên bị bắt, đã có nhiều người mất tích không lý do. Tất cả đều nằm trong âm mưu của giới lãnh đạo. Dù chính quyền Trung Quốc có dùng mọi biện pháp tàn khốc để đàn áp cuộc biểu tình, bởi chúng vốn là vô nhân tính, thì tuổi trẻ Hong Kong, nhân dân Hong Kong vẫn tiếp tục chiến đấu. Bởi họ biết rằng mất tự do là mất tất cả. Họ sẽ trở thành những nạn nhân như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ. Một trăm năm sống dưới sự lãnh đạo của người Anh, người Hong Kong đã học được dân chủ và tự do. Do vậy họ sẽ chiến đấu để giữ cho được dân chủ và tự do ấy. Trong những ngày tới Trung Quốc lặp lại tội ác dã man tàn bạo giống như thảm trạng Thiên An Môn 30 năm về trước với chính đồng bào họ ở đại lục. Máu sẽ còn đổ, máu cho tự do và quyền được làm người.

Lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm HongKong đã tấn công Poly University. Không được ai rời khỏi trường, những sinh viên thoát được ra ngoài đã bị bắt trói và đưa đi. Phần lớn sinh viên đã quyết tâm ở lại để tiếp tục chiến đấu thành luỹ cuối cùng của tự do. Hàng nghìn người HongKong kêu gọi nhau đổ ra đường tuần hành để thu hút bớt lực lượng cảnh sát, giảm áp lực cho Poly University. Những người cảm tử bám lại trong trường đại học có thể rồi đây sẽ đổ máu và cũng có thể chết vì viên đạn hay bị bắt rồi mất tích không lý do, thế nhưng họ không chùn bước, họ không sợ sức mạnh và súng đạn của bọn tà quyền. "Tôi đã sẵn sàng chết trong đêm nay !". Đã có người và nhiều người tuổi trẻ Hong Kong nói như thế. Những cái chết cho tự do. Tự do, dân chủ phải đổi bằng máu xương và cả mạng sống, không thể có một thứ tự do ban phát. Đó là bài học của cuộc đấu tranh này gởi đến các dân tộc chưa có được dân chủ và tự do. Bằng bạo lực, chính quyền Trung Quốc đã tước quyền được sống tự do và được hưởng dân chủ của con người. Lương tri của thế giới sẽ lên tiếng, máu xương đã đổ của thế hệ trẻ Hong Kong để đòi quyền tự do phải được đền đáp.

Chính quyền Trung Quốc bằng những âm mưu để tiêu diệt cuộc đấu tranh đã trở thành lực lượng khủng bố tàn nhẫn của thời đại. Tuổi trẻ HongKong đứng trước chọn lựa Tự do hay là chết vì bị tước quyền làm người.
Một chọn lựa khắc nghiệt đầy máu và nước mắt.
19.11.2019
DODUYNGOC

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

Shania McDonagh


Đây là bức tranh vẽ bằng bút chì của một cô bé 16 tuổi tên là Shania McDonagh người Ireland. Bức tranh vẽ chân dung của một người phụ nữ đánh cá đẹp đến từng chi tiết và đã dành được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Texaco Children’s Art Competition lần thứ 60 (cuộc thi dành cho thanh thiếu niên được tổ chức hằng năm tại Ireland). Cô gái đã bắt đầu vẽ năm 12 tuổi.

Tui xin cúi đầu khâm phục tài năng của cô gái này.

Xem tại đây