TÀO LAO CHUYỆN LÀM BÌA SÁCH

Tui dính với nghề làm bìa sách từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Trong quá trình hành nghề, có nhiều chuyện buồn cười mà không cười nổi, nhất là thời kỳ mở cửa, nhà nhà làm sách, người người làm sách. Mấy ông làm sách chuyên nghiệp, bán buôn thì không nói làm gì, vì họ chuyên môn rồi, rành rẽ rồi nên ít khi xảy ra chuyện thế này thế nọ. Sợ nhất là mấy nhà văn nhà thơ tự in sách đến đặt làm bìa. Và đặc biệt là ghi chức danh trong sách. Có ông đề nghị phải ghi những huân, huy chương có được vào trong bìa bốn hoặc trang đầu ruột sách. Có ông thì bảo ghi các chức danh từ xưa đến lúc về hưu, nhiều khi ghi cả hai trang sách, bởi ông ta liệt kê từ chức tổ trưởng tổ sản xuất cho đến khi làm giám đốc. Đến khi ông đưa cho tui cái carte visite mới sợ, hai mặt đầy chức danh từ tổ trưởng phụ huynh học sinh cho đến bí thư chi bộ tổ hưu trí. Có ông đến vẽ bìa tập thơ, mang theo một chồng bản thảo mấy trăm trang, bảo tui đọc rồi lấy ý tưởng mà vẽ bìa. Tui đành cáo lui vì chẳng có thì giờ đọc mà đọc thì cũng chưa chắc hiểu. Có ông lại làm thơ như vè, khẩu hiệu. Có ông lại đưa hình mặc veston hay quân phục ngực đeo huy chương đỏ lòm, bảo lấy hình đấy cho làm bìa một tập thơ. Lại có ông trong phần tiểu sử kể lể đã từng gặp lãnh đạo này, ông tướng kia và đề nghị đưa hình ông ta bắt tay với lãnh đạo nào đấy vào bìa một. Những trường hợp ấy tui xin đầu hàng, mời bố ra khỏi nhà cho. Lại có ông có bà lượm được cái hình nào đấy ưng ý, nhỏ còn hơn con tem, mờ mịt, màu mè nhem nhuốc bảo lấy đó phóng to làm bìa. Ôi trời đất thiên địa ơi, làm như tui là thánh có thể biến bãi cứt trâu thành ngọc ngà châu báu. Giải thích mấy ông bà ấy cũng bảo photoshop làm được hết mà. Tui hỏi ngược lại: thế ông bà biết Photoshop là cái gì không? Tất cả đều ú ớ, ngơ ngác như nghé lạc bầy. Họ bảo thì nghe nói thế. Có ông thì đưa ảnh chân dung từ thời xa lơ xa lắc nào để vào phần tiểu sử. Tui nghĩ thời nay, ai cũng có cái điện thoại chụp hình, sao không chụp một tấm cho có nét một tý mà phải lấy hình xưa lắc lơ với hình in báo mà dùng. Nhiều khi tui bực quá mới bảo: ông ngồi tui lấy máy ảnh chụp cho ông một tấm chứ ai mà xài hình này được. Khổ thế đấy. Mà sao bây giờ nhà văn nhà thơ ở đâu mà lắm thế? Nhất là nhà thơ. Tướng về hưu cũng in thơ. Giám đốc, Tổng giám đốc cũng in thơ. Bác sĩ, giáo viên in thơ. Cán bộ đương chức, lãnh đạo về hưu cũng in thơ, cứ nườm nượp. Có ngày tiếp ba bốn mối. Mà ông bà nào cũng tưởng mình là thi hào, thi bá ngang hàng với Tản Đà với Nguyễn Du cả. Cũng sợ nhất là mấy ông cà kê dê ngỗng, vào ngồi nói đủ chuyện xong lại kéo ghế vào sát mình, kê miệng gần lỗ tai tui mà bảo: Để tôi đọc anh nghe mấy câu này, nhà thơ A, thi sĩ B nghe xong tái mặt, thất kinh, trầm trồ khen mãi. Thế là đọc, nhiều ông mắc bệnh hôi miệng, thế mà cứ tuôn trào ngay mặt mình, hôi không chịu nổi, lắm lúc nước bọt văng đầy mặt. Có ông tui thấy tào lao quá, từ chối thì lại đem tiền ra mua chuộc. Hỏi: Thế anh thiết kế cái bìa giá bao nhiêu. Tui nói giá. Ông ta bảo: Thế anh làm cho tôi, tôi gởi anh luôn 100 đô. Gặp mấy ông này tui xua chó mời ra khỏi nhà ngay. Cứ tưởng đem tiền ra mà xong việc được à? Mấy ông cả đời mới in cuốn sách nên quan trọng lắm, dặn dò đủ kiểu, về rồi lại phone nhắc nhở đủ điều. Lấy bìa về lại đi hỏi ý khắp nơi, vừa khoe vừa xin ý kiến, chín người mười ý. Thế là đến đề nghị sửa chỗ này, thêm chỗ nọ. Rồi lại xin ý kiến, rồi lại sửa. Tui thường giao hẹn chỉ sửa ba lần, sửa nữa là tui xé bản mẫu, trả tiền lại, mời ra. Thiên hạ bảo tui chảnh, nhưng không phải thế. Tui sẵn sàng sửa hoặc có thể làm mới với những lý do hợp lý, còn toàn nghe người ta mà sửa tào lao thì chấm dứt ngay. Ngày nay, làm trên computer nên việc sửa chữa dễ dàng và thuận tiện. Ngày trước, thập niên bảy tám mươi, làm thủ công, mi từng chữ, kẻ từng hàng, ngồi còm lưng mới xong được cái bìa sách mà sửa hoài thì ai chịu thấu.
Lại có ông nghe báo giá, liền bảo thằng A, Cậu B làm giá rẻ hơn anh nhiều. Tui bảo ăn Phở Dậu thì một tô 70.000 đ nhưng anh ra vỉa hè thì 20.000 cũng có tô phở. Hủ tíu Hồng Phát với Liến Hứa một tô 100.000, nhưng anh anh qua bên kia đường tui chỉ cho có quán bán có 25.000. Muốn rẻ thì cứ đến chỗ nào rẻ mà mua, đến đây chi cho đắt mà than. Người đời bảo: Tiền nào của nấy, có biết không. Chê đắt, xin mời. Ra mau để tui đóng cửa. Mẹ nó! Làm bìa sách mà nhiều khi gặp khách như đi mua tôm mua cá, mệt thiệt.
Tuy vậy, có khách cũng dễ thương và tình nghĩa. Tui nhớ hoài Giáo sư Hoàng Phê. Hồi đấy GS in lần đầu tiên cuốn Từ điển Tiếng Việt. Từ Hà Nội bay vào, ông bảo chỉ vào để đến anh làm cho cái bìa. Tui làm xong, tiền trao cháo múc. Thế nhưng, mỗi lần tái bản, Ông lại gởi tiền vào, mà cuốn ấy thì tái bản hoài, cả chục lần. Mỗi lần có dịp vào Sài Gòn, ông lại ghé thăm, cho quà. Ngày lễ, ngày Tết nào cũng gởi quà, không trực tiếp thì cho ông em là GS Hoàng Quý mang đến. Tui không quan tâm cái quà nhưng tui quý ông cái tình. Hay như ông Nguyễn Khoa Điềm, một thời là quan chức cấp cao, tui làm cho ông mấy cái bìa, lần nào có sách ông vào Sài Gòn cũng kêu tui ra cho được để nói tiếng cám ơn. Tui nghĩ đó là cách đối xử của người trí thức. Anh Trẩn Thanh Phương cũng vậy. Những cách xử sự đó làm cho tui nể, chứ tui chẳng nể gì cái chức của các ông ấy.
Trở lại cái chuyện chức danh, hôm nay tui có tiếp một ông cũng đến thiết kế bìa thơ, ông khoe đang là giám đốc một công ty lớn lắm, ông liệt kê đúng 30 chức vụ đã và đang đảm trách, tui đề nghị bỏ bớt cho gọn, ông không bằng lòng, tui liền mời ông ra cửa, ông cho tài xế nổ máy xe và chứi tui là láo ha..ha. Bực quá mở face xem, tình cờ phát hiện có một anh chàng khoe trên lý lịch face gồm 21 chức danh từ nhà thơ cho đến tổ trưởng cho đến quản lý.. và thủ quỹ câu lạc bộ thơ của huyện. He ..he sao người ta ham danh, ham chức thế nhỉ. Nếu cần chỉ ghi một chức to nhất hoặc một chức đương nhiệm là quá đủ rồi, sao phải kể lể dài dòng quá vậy ta. Tui khoái khai chức danh của mình rất là gọn là: Nhà quê. Thế là quá đủ. Hê..hê
26.9.2018
DODUYNGOC

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget